Đọc truyện Tuyết Che Lấp Muôn Ngàn Thương Nhớ – Chương 2: Hồi ức còn lại
Giữa thành phố Tiêu Thương có một dòng sông cắt ngang qua, chia thành phố
thành hai nửa cũ và mới. Phần trung tâm thành phố nằm về phía tả ngạn
sông, trên vùng cao nguyên thuộc chân núi Thiên Mẫu sơn, phát triển rất
Lâu đời, dân cư đông đúc. Phần mở rộng phía hữu ngạn dòng sông, tiếp
giáp bình nguyên, trước đây vốn chỉ là khu hoang vu hẻo lánh. Nhưng kể
từ khi thành phố xây dựng thêm mấy cây cầu bắc qua sông Triết Giang thì
khu phía hữu ngạn liền phát triển nhanh chóng theo.
Nhà chúng tôi ở quận tám, khu ổ chuột nằm ở phía đông thành phố. Mọi
người cho rằng đây là một khu vực tệ nạn, là nơi tập trung của bọn lưu
manh, nhưng cư dân của nó thì lại gọi đây là ngọn đồi Thiên Đường, nơi
ăn chơi vui vẻ của thiên hạ. Đồi Thiên Đường đẹp nhất lúc về đêm, khi
các cửa hàng quán xá lên đèn, mở cửa. Tập trung đông nhất ở đây là quán
nhậu, kỹ viện, gánh hát, sòng bạc… và nhiều phố ăn đêm tấp nập người.
Tối nào cũng có rất đông người tập trung về đây vui chơi, không khí
quanh năm tưng bừng như lễ hội.
Mẹ tôi bán ‘hàng rong’ ở một góc đường, nơi giao nhau giữa khu phố hoa
và phố rượu. Nơi đây đông người qua lại, rất nhiều kẻ say xỉn tìm đến
mua hàng, rồi qua phố hoa tìm kỹ nữ. Đêm nay tôi và em trai không ở nhà
mà phải ra đường với mẹ. Nhà chúng tôi đã cạn sạch gạo, và hiện nay cũng chẳng còn đồng nào. Tôi phải ngồi chờ mẹ bán để có tiền ăn tối.
Mùa thu chỉ có thể cảm nhận chính xác vào những buổi tối như thế này. Bộ đồ rách của tôi không đủ ấm. Tôi ngồi bên lề đường đối diện với chỗ mẹ
tôi bán hàng. Mẹ tôi chỉ đứng làm một cái bản hiệu, còn thực chất giỏ
hàng do tôi cầm ngồi bên này. Em trai tôi ở gần đó đang leo trèo trên
mấy thanh lan can dọc bên bờ kè.
Con đường chỗ tôi ngồi chạy cập theo dòng sông. Ở vùng cao nguyên như
thành phố Tiêu Thương này, những dòng sông thường chảy rất xiết. Mỗi năm sông Triết Giang xói lở đất đá hai bên bờ, khiến mặt sông đã sâu xuống
mấy chục mét so với đồi Thiên Đường. Con đường này có tác dụng như một
bờ kè, ngăn không cho dòng sông tiếp tục ăn mòn vào trong thành phố nữa. Vì vậy mới hình thành nên quận tám một bên là ‘đồi thiên đường’, một
bên là ‘vực địa ngục’ nổi tiếng. Các đôi tình nhân rất thích đưa nhau ra đây để mà thề thốt. Đây cũng là địa điểm xoá nợ của bọn cờ bạc đường
cùng, nhảy xuống rồi thì chẳng còn ai đi theo để mà đòi tiền nữa.
Đã hơn nửa khuya, mà mẹ tôi chưa bán được đồng nào. Dạo này nghe nói
cảnh sát đang truy quét dữ lắm, nên người mua cũng ngại hẳn. Tôi ngồi
dựa vào cột đèn ngáp một cái rõ to. Em trai tôi thì cũng đã mệt mỏi, ôm
cái túi hàng ngủ vật ngay trên lề đường. Nhìn chúng tôi, chẳng khác nào
hai đứa ăn mày lang thang không nhà.
May mắn có hai thanh niên đi tới mua hàng. Tôi thấy mẹ cười rõ to rạng
rỡ, có vẻ như hai người kia đã đồng ý chịu giá rồi. Bà rời chỗ đứng, đi
về phía tôi ngồi để lấy hàng giao cho khách. Hai người thanh niên rỉ tai nhau nói chuyện gì đó. Phía góc kia có mấy người bán hàng rong trừng
mắt nhìn họ chằm chằm, vài người đi đường quan sát mẹ tôi không chớp
mắt. Là cảnh sát giả trang. Tôi nhìn vào mắt mẹ lắc đầu. Bà sững người
lại giữa đường và nhận ra không khí căng thẳng khẩn trương xung quanh.
Đột nhiên bà hét lên: “Chạy đi!”
Dĩ nhiên là tôi phản ứng theo bản năng, ngay lập tức ôm túi hàng bỏ
trốn, bên cạnh không quên lôi tay thằng em đang ngái ngủ chạy theo. Tôi
vừa liều mạng bỏ chạy thì có mấy người bán hàng trá hình đuổi theo. Mẹ
tôi lao ra ôm chân ngăn cản họ lại. Lúc tôi quay đầu nhìn, thì thấy bà
bị hai ba người đè nghiến xuống đất, thế nhưng mẹ cũng không buông ống
quần của bọn họ ra. Nhờ có bà ngăn cản, chúng tôi đã có thể chạy đi một
đoạn xa.
Mẹ tôi đã từng dặn, nếu có gì thì phải bảo toàn cho số hàng. Cảnh sát
bắt mẹ, bất quá chỉ giam vài ngày thì sẽ lại thả ra. Mẹ tôi chỉ bán hàng giùm người ta thôi. Nên đống hàng này mà bị bắt, thì đám giang hồ chắc chắn sẽ không để cho gia đình chúng tôi yên. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu
của tôi là phải mang hàng bỏ trốn.
Tôi và em trai bỏ chạy cũng không nhanh bằng đám người lớn chân dài.
Chúng tôi chạy khỏi đường lớn, rẽ vào những hẻm nhỏ, lợi dụng cơ thể bé
tí để trốn thoát. Nhưng mà làm cách gì cũng không cắt đuôi được đám cảnh sát. Chúng tôi chạy trên bờ kè, nơi những căn nhà lá dựng tạm lấn
chiếm. Khoảng cách giữa một bên là vách nhà và một bên là mép bờ rất
hẹp, bình thường có lẽ chỉ có đám mèo mới có thể đi qua. Nhưng chúng tôi đang bị dí chạy, tình hình rất nguy ngập.
Cảnh sát quyết tâm truy đuổi không ngừng, dù lối đi rất hẹp nhưng bọn họ cũng không bỏ cuộc. Những đôi chân sải dài càng lúc càng thu hẹp khoảng cách với chúng tôi. Chị em tôi là những con mồi yếu ớt sắp bị dã thú vồ lấy. Tôi hoảng sợ, tim đập thình thịch. Tuy mồ hôi đổ ra rất nhiều
nhưng không hiểu sao lại có một cơn ớn lạnh chạy dọc thân thể. Siết tay
lại thật chặt, tôi cảm nhận được đứa em trai của mình cũng đang run rẩy.
Chết rồi, con mồi đã bị tóm! Có một cảnh sát đã tóm được tay em tôi, anh ta nhấc hẳn người nó lên khỏi mặt đất. Nó vùng vẫy những cố gắng tuyệt
vọng để thoát ra, tôi cũng quên mất bản thân mình để lao tới cứu nó. Tôi dùng chiếc túi xách đeo bên người đánh lên người anh ta, tôi cắn vào
tay anh ta. Người cảnh sát la to lên, hẳn nhiên cái cắn mạnh của tôi đã
làm anh ta đau rồi. Gã cảnh sát buông em trai tôi ra, còn tôi lao người
ra chụp. Tôi lại quên mất lối đi dành cho mèo này nhỏ hẹp như thế nào
rồi.
Tôi thấy người cảnh sát đó mở lớn hai mắt ra nhìn mình. Anh ta đứng trên bờ kè, khoảng cách càng lúc càng nới rộng. Tôi và em trai bị ngã xuống
dòng sông. Đoạn thời gian rơi xuống rất Lâu, trong ký ức tôi khoảnh khắc đó giống như một bộ phim chiếu chậm vậy. Chậm chạp, từ từ cảm nhận mình đang rời xa bầu trời. Tôi vẫn còn có thể nhìn rõ gương mặt người cảnh
sát hoảng hốt đó… từ xa… rất xa …
Ầm một tiếng, cơn đau đớn trên lưng và sau đó là nước tràn vào tứ phía.
Đầu muà thu, nước từ thượng nguồn đổ về như thác đổ. Nước ầm ầm gào
thét. Thậm chí tôi còn chưa kịp chìm xuống thì nước đã đẩy mạnh tôi đi.
Nước tràn vào mắt, vào mũi tôi. Nước hung hãn như một đàn bò mộng cuốn
phăng đi mọi thứ cản đường.
Tối mắt tối mũi, đau đớn cả người vì bị hàng ngàn con bò dẫm đạp. Bản
năng sinh tồn khiến tôi cố gắng vùng vẫy, chòi đạp để ngoi lên mặt nước. Một tay tôi vẫn đang nắm lấy đứa em trai, cố kéo nó lên mặt nước như
mình. Nó ở bên cạnh tôi ho sặc sụa, chúng tôi giống như đám lá khô bị
vùi dập giữa dòng.
Nước sông chảy rất xiết, khung cảnh hai bên bờ vẫn trôi qua vùn vụt.
Nước chồm lên, hạ xuống qua những khúc sông nhấp nhô. Tôi và em trai qua đó cũng bị nhồi lên nhồi xuống tơi bời. Không chỉ mùa đông mới lạnh, kỳ thực bị rơi xuống sông vào mùa thu cũng rất lạnh. Cái lạnh rét mướt,
thấm nhanh hơn bất cứ thứ gì khác, cả người tôi bắt đầu tê dại, cả cánh
tay cũng bị mất cảm giác.
Tôi không nhớ được thứ gì đã va vào mình, một vật rất to cũng đang trôi
nổi trên dòng sông. Một cái thùng phi ư? Hay là một cái tủ gỗ bị ai đó
vứt đi? Tôi không nhớ nổi. Một thứ gì đó cứng chắc, màu đen, và đặt biệt khi đập vào người rất đau. Tôi bất tỉnh, không hay biết gì hết và để
vuột tay em trai mình. Đằng đẵng hàng năm trời sau đó tôi vẫn nằm mơ
thấy cơn ác mộng này. Tôi nhỏ bé trôi nổi trên dòng sông, bị sóng đánh,
bị nhấn chìm, và bị cướp đi đứa em mà tôi yêu quý nhất. Đó chính là cơn
ác mộng lớn nhất trong đời tôi.
^_^
Tôi tỉnh lại vì một cơn sặc dữ dội. Những tia nắng bình minh đầu tiên
đang lấp ló tận chân trời, trong bụi rậm vẫn còn nghe tiếng côn trùng
kêu rả rích. Gió sông thổi qua ào ạt mang tới những cơn lạnh ghê người.
Tôi đang nằm trên một bờ sỏi nhỏ, cả nửa thân người vẫn còn đang ngập
chìm trong nước. Mỗi động tác nhúc nhích đều là những cố gắng hết sức.
Tôi bất lực, mệt mỏi và đầu óc hoàn toàn mụ mị.
Quần áo bị ngâm ướt dính hết trên người mang lại những cảm giác rất khó
chịu khi đi lại. Tôi phải đi khỏi bờ sông và tìm lấy một nơi để tránh
gió, bản năng trong cơ thể tôi mách bảo như thế. Lạnh, rất lạnh. Tôi
bước đi mà chẳng nhớ mình đã làm điều đó như thế nào. Tê tái và hoàn
toàn chẳng có cảm giác gì. Trong lòng tôi trống rỗng và đầu óc cũng hoàn toàn trống rỗng.
Phải chạy trốn, tôi cần phaỉ tìm một chỗ để ẩn nấp.