Bạn đang đọc Tùy Đường Diễn Nghĩa – Chương 85: La Công Viễn thư gửi Thục đương quy, An Lộc Sơn xin dùng Phiên tướng sĩ.
Từ rằng:
Khách tiên thư viết gửi vua
Chỉ ba bốn chữ, thiên cơ lập lờ
Tên vị thuốc thực hư khó đoán
Lính thú Phiên thay Hán thú binh
Đường Minh Hoàng xử bất minh
Ai họ An, bắt gia hình cả sao
Yên nguy là ở đâu nào?
Theo điệu “Đinh Tây Phiên”
Xưa nay người ta tối kỵ ba chữ: Tham, giận, ngu, tham, sân, si, huống hồ là bậc thiên tử, vốn phải sửa mình ngay để làm gương cho chín châu bốn biển, nghĩ đến lúc loạn, lo đến điều nhỏ nhặt giữ được sự trong sáng, xây nền thái bình cho xã tắc. Đã thế phải tránh xa những điều dị đoan, mê hoặc nhảm nhí. Thiên tử vốn phú quý tột cùng, lại còn mơ tưởng tới thuật “trường sinh bất lão”, cầu tiên học đạo, buông thả sự tôn kính của bản thân, mê cuồng những trò ảo thuật, học chẳng được dẫn đến oán giận, làm bậy giết càn, thì rõ là vừa tham, lại vừa giận. Con người ấy nếu quả giết được, tức là không phải thần tiên, nếu là thần tiên, có giết cũng chẳng được nào, họ vốn là bất tử kia mà. Không những thế họ lại còn có mê ngữ, sấm ký, báo trước cho biết chuyện sau này, mà vẫn không tỉnh ngộ, tin theo chuyện quàng xiên, thay đổi phép xưa, dẫn đến tai họa ai sau, cũng bởi nhìn kẻ xấu ra người tốt, rõ là cực ngu chứ còn gì nữa.
° ° °
Hãy nói chuyện Đường Minh Hoàng cầm giữ bọn Trương Quả, không cho về núi, thái thú Ngọc Châu lại tiến cử La Công Viễn, tán dương pháp thuật cao cường của họ La, đưa về kinh đô. Họ La này chẳng hiểu quê quán ở đâu, cũng không rõ sinh năm nào, đời nào, nhưng dung mạo thì lúc nào cũng như đứa trẻ mười sáu, mười bảy, vân du khắp nơi, tung tích khôn dò.
Hôm ấy, họ La đến Ngọc Châu, gặp lúc quan thái thú, nhân hạn hán lâu ngày, mời pháp sư về đàn xã tắc, tác pháp thiêu bùa để cầu mưa. Người kéo tới đông nghịt, trong số đó thấy có người y phục màu trắng, thấp thoáng chỗ này chỗ khác xem xét. Người này cao hơn một trượng, mắt sáng như sao, nên mọi người xúm lại xem. Có kẻ hỏi họ tên, quê quán, người này đáp:
– Ta họ Long, vốn quê ở ngay đây!
Đang nói thế, họ La đi tới, thấy người này, trừng mắt giận dữ:
– Cả vùng nắng hạn đã lâu, ngươi không đi làm mưa cứu dân, mà lại rong chơi ở đây sao?
Người này vòng tay cung kính đáp:
– Không có thiên phù ra lệnh, biết lấy nước ở đâu ra?
Họ La đáp:
– Ngươi hãy cứ làm đi, ta sẽ giúp một tay.
Người kia vâng dạ, bỏ đi ngay, ai nấy kinh ngạc vây kín lại hỏi:
– Người ấy là ai thế?
Họ La đáp:
– Chính là Long Thần cai quản thủy phủ của vùng này vậy. Ta đã ra lệnh đi làm mưa cứu đồng ruộng khỏi khô cháy, vì Long Thần chưa được lệnh của Thượng Đế, không dám tự quyền lấy nước. Ta phải đi kiếm vài giọt nước giúp vào, cứu lấy hoa màu.
Vừa nói, vừa đưa mắt nhìn bốn phía, trên án tụng kinh của pháp sư, thấy có nghiên mực lớn hình vuông, mới dùng để vẽ bùa chú, trong nghiên vẫn còn ít mực đen. Họ La liền nâng ngay nghiên lên, dốc uống cạn, rồi ngửa mặt mà phun lên không trung, quát lớn:
– Mau làm mưa đi!
Lập tức, mặt trời bị mây mù che kín, gió lớn thình lình nổi. Họ La quay ra quát mọi người.
– Mưa tới ngay bây giờ, mau tìm chỗ tránh, kẻo ướt hết quần áo?
Nói chưa dứt lời mưa lớn kéo đến, chẳng khác gì nghiêng chậu, dốc vô mà đổ, được tới mấy thước nước mới tạnh. Lạ nữa là, nước mưa dù thấm áo, hay đọng trên mặt đất, đều đen kịt một màu. Thì ra Long Thần múa kiếm làm phép, khiến cho số mực ngậm trong miệng họ La thành cơn mưa lớn, nên nước mưa đều có màu mực vậy.
Người người đều kinh ngạc ngợi ca không ngớt, hỏi họ tên Công Viễn, rước vào gặp quan thái thú, kể rõ mọi chuyện. Thái thú đi đem vàng lụa ra tặng, họ La cười mà không nhận. Thái thú bèn nói:
– Nay thiên tử kính trọng bậc thần tiên, ngài đã có phép thuật tài giỏi đến thế, ta sẽ tiến cử, nhất định sẽ được chúa thượng kính trọng.
Họ La đáp:
– Bần đạo vốn không muốn vào chốn triều đình, nhưng nghe nói hai vị họ Trương, họ Diệp đang ở Trường An, bần đạo cũng muốn gặp một lần cho biết. Nay gặp dịp này, cũng nên đi một chuyến xem sao, chuyện gì mà chẳng được?
Thái thú viết sớ lại sai người tiến dẫn về kinh. Sớ dâng lên, Huyền Tông xem xong, liền truyền chỉ gọi vào.
Huyền Tông đang ngụ ở Khánh Vân Đình, xem Trương Quả cùng Diệp Pháp Thiện đánh cờ, nội thị dẫn họ La đến dưới thềm.
Huyền Tông nhìn họ Trương, họ Diệp phán:
– Đây là dị nhân do Ngọc Châu tiến cử, họ La tên Công Viễn, xin hai tiên sinh hãy cùng đàm đạo xem sao.
Họ Trương, họ Diệp cùng chăm chú nhìn, thấy họ La chẳng khác gì trẻ nhỏ, vừa gầy vừa yếu, mới làm lễ đội mũ là cùng, đều cười mà thưa:
– Trẻ nhỏ còn đang phải dắt thế này, được bao kiến thức mà cũng là dị nhân cho được!
Họ La chẳng chút hoang mang, đến ngay bên thềm. Huyền Tông miễn lễ, truyền cho lên điện ban cho ngồi, chỉ hai họ Trương họ Diệp mà phán:
– Khanh có biết hai vị này không? Đây chính là Trương Quả tiên sinh cùng Diệp Pháp Thiện đạo sư.
Họ La thưa:
– Tên thì đã nghe nhưng chưa gặp mặt, mãi đến hôm nay thần mới hân hạnh vậy.
Trương Quả cười:
– Phường hậu sinh cũng biết đến ta sao?
Pháp Thiện thêm:
– Sao lại có người trong làng thần tiên mà lại chưa từng gặp mặt Trương tiên sinh sao?
Họ La đáp:
– Trên cuộc thế không thể không có loại thần tiên không hiểu chữ lễ. Huống chi hai người kiêu ngạo đến thế, bần đạo có không biết, cũng không lấy gì làm ân hận.
Trương Quả cả cười:
– Ta chưa vội nói chuyện với trẻ con. Nay mọi người nói người là dị nhân có nhiều phép lạ, hãy thử vài trò cho ta xem sao, nếu thật tuyệt diệu, ta cũng sẵn sàng mở lớn mắt mà đứng trông vậy.
Liền cùng Pháp Thiện, mỗi người cầm mấy con cờ trong tay, nắm chặt lại, hỏi:
– Hãy đoán thử trong tay chúng ta có bao nhiêu con cờ nào?
Họ La đáp:
– Đều chẳng có con nào cả!
Hai người cười vang, mở ngay bàn tay ra, quả nhiên một con cờ cũng chả có trong cả hai tay. Lại thấy họ La giở ở ống tay áo mình một nắm con cờ mà cười:
– Con cờ đã vào tay bần đạo cả rồi còn đâu, hai vị tiên ông gặp phải kẻ hậu sinh này, nên nỗi cả hai tay không vậy!
Họ Trương họ Diệp đều ngạc nhiên, hoảng hốt, đứng dậy cúi đầu làm lễ.
Chính là:
Học không sau trước, giỏi là trên
Đừng cậy già mà khinh thiếu niên
Trương Quả dẫu sinh đời Bàn Cổ
Đều cùng Công Viễn chỉ là tiên.
Huyền Tông vô cùng thích ý, ban yến ngay ở Khánh Vân Đình, đem mũ áo thưởng, lại nhận Công Viễn làm Để đệ 1, tên gọi là La tiên sư. Từ đó Công Viễn cùng hai họ Trương họ Diệp, đàm luận đạo lý của tiên gia, kính phục lẫn nhau.
Ít lâu sau, họ Trương họ Diệp lại đều dâng sớ xin được quay về núi.
– Đạo thuật của La Công Viễn hơn hẳn chúng thần, xin lưu giữ La tiên sinh ở kinh, cũng đủ để bệ hạ hỏi han. Chúng thần rời núi đã lâu lòng những muốn về, kính xin bệ hạ, để chúng thần được toàn dã tính vậy?
Huyền Tông thấy hai người quyết chí, cũng không tiện ép nài, bên chuẩn tấu, cho tạm trở về, hỏi rõ nơi ở, phòng khi cần triệu đến.
Hai người tạ ơn ra khỏi Trường An. Phàm những thứ Huyền Tông ban cho, cùng những của quý mà các quan tặng, không hề lấy một vật nào. Cả hai thư thái ra đi.
Chính là:
Mây ngàn hạc nội
Biển rộng trời cao
Ung dung ra vào
Phá lồng xổ cũi.
Từ đó bọn phương sĩ ở kinh sư, chỉ còn họ La được Huyền Tông tin kính hơn cả, hay triệu vào cung, hỏi về cách tu luyện thuật “Trường sinh bất tử”. Có lần Công Viễn thưa:
– Làm gì có cách trường sinh. Chỉ là chuyện “Thanh tâm quả dục” thì có thể bớt được bệnh tật, kéo dài tuổi thọ mà thôi.
Huyền Tông đành nghe theo, thường ở riêng hẳn ra một cung, phi tần không được tới, vì vậy những yến tiệc vui chơi ở hậu cung, từ đó cũng ngày một ít dần. Dương Quý Phi trong lòng không vừa ý, gặp tiết trung thu trăng sáng như ban ngày, Huyền Tông vẫn chẳng triệu phi tần tới ban yến, chỉ cùng Công Viễn ngồi dưới trăng riêng bàn luận, kể tới chuyện tiết thượng nguyên năm ngoái từng cùng hai vị họ Trương họ Diệp bay trên không đi chơi Quảng Lăng, Tây Lương, vô cùng kỳ dị ra sao, nhân đó hỏi Công Viễn:
– Thiên sư liệu có phép thuật này không?
Công Viễn thưa:
– Phép này có khó khăn gì đâu. Năm ngoái bệ hạ đã đến chơi cung Quảng Hàn trong mộng, nhưng mắt chưa thật thấy. Nay bệ hạ có chuẩn tấu cho lời của thần mời bệ hạ dạo chơi thật sự ở cung trăng một chuyến chăng?
Huyền Tông cả mừng ưng thuận, Công Viễn đứng dậy, lại cây quế trước sân điện bẻ mấy cành, dùng dây lụa kết lại, đặt ngay giữa sân, chúm miệng thổi biến thành một cái xe màu sắc sặc sỡ, mời Huyền Tông lên ngồi chễm chệ, rồi biến cái hốt ngọc như ý trong tay thành một con hươu trắng, đóng ngay vào xe, ruổi thẳng lên cung trăng.
Lúc này Cao Lực Sĩ cùng thái giám đắc sủng là Phụ Cầu Lâm quỳ mà tâu rằng:
– Thuở trước hai vị tiên sư họ Trương họ Diệp phụng giá ngư du, cho rất nhiều nội thị cùng đi, nay chúng nô lệ xin nguyện đi theo hộ giá.
Công Viễn đáp:
– Cung nguyệt không phải như các nơi khác, các người là đấng bậc gì mà cũng đòi tới xem. Chỉ mình ta đi theo hầu xa giá là đủ rồi.
Nói xong quát lớn một tiếng, hươu trắng kéo ngay xe lụa màu, thẳng lên không trung Tiêu Hán. Công Viễn đi vút ngay theo sau xe không rời một bước, dặn kỹ Huyền Tông hai mắt nhìn thẳng vào cung trăng, nhất thiết không được quay đầu nhìn lại, cũng không được nhìn ra các thứ khác.
Nháy mắt, đã gần cung trăng, Công Viễn giơ tay níu xe lại, Huyền Tông chú mục nhìn kỹ thấy cung trăng điện các từng từng lớp lớp lâu đài cửa cái đóng, cái mở, nhìn xa muôn loài hoa cỏ đua tươi, rực rỡ, chiếu lóa mắt, hơn hẳn cảnh thấy trong mộng năm xưa.
Huyền Tông liền hỏi:
– Có thể vào chăng?
Công Viễn đáp:
– Bệ hạ tuy là thiên tử quý giá, nhưng vẫn là xác phàm, không nên xem thường mà vào, chỉ nên đứng ngoài nhìn thôi!
Một mùi hương lạ phảng phất quanh người, rồi tiếng nhạc réo rắt, nghe rõ ra, thì chính là điệu “Nghê thường vũ y khúc”. Nghe xong, Huyền Tông hỏi khẽ:
– Người đời thường vẫn nói sắc đẹp của đàn bà, chẳng thể ai sánh nổi Thường Nga trong cung trăng, nay Thường Nga chỉ cách vài thước liệu trẫm có thể được thấy dung mạo một lần chăng?
Công Viễn thưa:
– Nhớ thuở xưa Mục Thiên Tử cùng Vương Mẫu gặp gỡ, cũng bởi có tiền duyên, bệ hạ không có chuyện đó, nay được ngắm kỹ cung Quảng Hàn thế này đã là kỳ phúc rồi, sao lại còn nghĩ đến những ước nguyện viển vông thế?
Bỗng thấy trong cung trăng tất cả các cửa đều đóng chặt, ánh sáng rực rỡ biến đâu mất, gió lạnh phủ khắp người. Công Viễn vội giật dây cho hươu trắng kéo ngay xe, theo gió mà bay theo chẳng khác gì đôi cánh chim, đã lại thấy về đến mặt đất. Công Viễn thưa:
– Bệ hạ đã làm Thường Nga giận dữ, may mà vẫn được bình yên.
Huyền công xuống xe, lại thấy xe lụa thành mấy cành quế, hươu trắng cũng chẳng thấy đâu, trong tay Công Viễn ngọc như ý đã cầm như cũ rồi. Huyền Tông vừa mừng vừa sợ. Công Viễn cáo từ về ngụ sở. Huyền Tông ngồi một mình nghĩ ngợi mông lung âu sầu than tiếc.
Thái giám Cầu Lâm, nhân Công Viễn không cho theo, liền lựa lời tâu:
– Đó chẳng qua là trò ảo thuật làm mê hoặc người ta, có lấy gì làm đủ lạ lùng. Xin thánh thượng đừng nhẹ dạ mà tin.
Huyền Tông phán:
– Dẫu có là ảo thuật, cũng vẫn vừa lạ lùng, vừa thích thú. Trẫm dẫu có học được một phần thôi, cũng đủ vui sướng rồi.
Cầu Lâm liền lựa theo ý Huyền Tông mà thưa:
– Trong những ảo thuật, thì chỉ có phép ẩn thân là dễ học hơn cả. Chúa thượng mà học được phép này, thì tha hồ mà dò xét những việc thầm kín trong ngoài cung cấm.
Huyền Tông mừng lắm:
– Khanh nói đúng lắm!
Ngày hôm sau liền triệu Công Viễn vào, nói thẳng ý muốn học phép ẩn thân. Công Viễn thưa:
– Phép ẩn thân chẳng qua là các nhà tiên đạo dùng để chối bỏ những sự ràng buộc phiền nhiễu của thói tục, hoặc chẳng may gặp phải chuyện bất ngờ nguy hiểm nào đó, mới phải cậy đến phép ẩn thân mà giữ mình. Bệ hạ đường đường thiên tử ngôi cao, lẽ lúc nào cũng rõ ràng giữa thanh thiên bạch nhật, cũng như “Kinh Dịch đã nói: “Bậc thánh nhân làm việc gì, thì vạn vật đều nhìn vào”. Thế thì bệ hạ định học phép ẩn thân này làm gì?
Huyền Tông đáp:
– Trẫm học phép này cũng chỉ là để phòng thân.
Công Viễn thưa:
– Bệ hạ ở ngôi cao quý có vạn cỗ xe, lại gặp thời buổi thái bình, xe đi đến đâu, hàng nghìn hàng vạn người hộ vệ, còn có điều gì phải lo nữa, mà phải học ẩn thân pháp để đề phòng. Bệ hạ mà học phép này, chẳng qua ở trong cung, ngẫu nhiên thử xem sao, cũng còn chẳng nên. Còn nếu ra ngoài, mang mệnh thiên tử mà vào nhà người ta, làm cái diều không đáng làm, chẳng may lại gặp một phương sĩ nào đó, phá được phép này, thì lại chẳng khác nào rồng thiêng nằm trong bụng cá, chuyện khốn đốn rõ ràng là có thể dự liệu trước vậy.
Huyền Tông liền phán:
– Trẫm mà học được phép này, chẳng qua cũng chỉ để làm vui ở trong cung, quyết không dám xem thường mà đem ra thử ở bên ngoài, xin được truyền cho, nguyện thiên sư đừng tiếc công chỉ giáo.
Công Viễn lúc này cũng thấy Huyền Tông ba bốn phen cầu khẩn, đành phải đem những bí quyết về lời khấn, về bùa phép dạy bảo cẩn thận. Huyền Tông cả mừng, cứ như lời dạy mà luyện tập ở ngay trong cung. Đến khi đã thành thục rồi, định làm thử, thì lần chỉ giấu được nửa người, còn nửa người vẫn lộ rõ, hoặc có giấu được cả, thì vết chân hoặc bóng in lại vẫn còn, lúc thì rõ đôi hia, lúc thì thấy vương miện, lúc trông rõ long bào, nên cứ bị bọn cung nga nhận ra.
Huyền Tông triệu ngay Công Viễn vào cung, đòi Công Viễn biểu diễn ẩn thân pháp ngay trước ngự tiền. Công Viễn lấy ngón tay vẽ thư phù lên không trung, miệng niệm chú mấy lời, thì chẳng thấy hình bóng đâu cả, bỗng chốc lại thấy Công Viễn ngoài cửa điện đi vào. Huyền Tông cũng đi theo hệt cách của Công Viễn, vẫn chỉ biến được thân hình, áo mũ vẫn y nguyên lộ rõ, bọn nội thị không nhịn được cười. Huyền Tông hỏi:
– Cũng đều thư phù, niệm chú như nhau, nhưng tại sao trẫm làm lại không được trọn vẹn là thế nào?
Công Viễn thưa:
– Bệ hạ lấy xác phàm để học phép tiên, thì làm sao mà tận thiện được?
Huyền Tông nhân học ẩn thân pháp này không xong, lại bị bọn tả hữu cười, thầm thấy hổ thẹn không để đâu cho hết, nay lại trước mặt mọi người Công Viễn nói thẳng chuyện “Xác phàm học đạo” nên trong lòng không vui, bèn phán:
– Chẳng nhẽ các bậc thần tiên, ban đầu không phải là xác phàm sao. Thế sao những xác phàm ấy vẫn học được tiên thuật. Cùng ra đều bởi người truyền pháp thuật, không chịu truyền đủ các phép màu vậy thôi!
Phán xong, phất áo đi vào truyền cho Công Viễn lui ra. Từ đó trong lòng Huyền Tông đã mang ý giận.
Lại gặp lúc vợ chồng tể tướng Lý Lâm Phủ mắc bệnh rất nặng. Nghe nói Công Viễn thường vẫn làm bùa cứu người thoát nhiều bệnh hiểm nghèo, Lâm Phủ tự thân đến xin Công Viễn chữa chạy cho vợ mình. Công Viễn đáp:
– Phu nhân mệnh cùng lộc đều đã hết, chẳng thể chạy chữa nữa cả. Huống chi phu nhân còn có cái may là được chết có mặt tướng công ngay cạnh. Sống thì vinh hiển, chết lại đau xót, chữ phúc của phu nhân gấp tướng công mười lần, hà tất phải cầu thêm.
Lâm Phủ tức giận vì những lời đầy ngạo mạn này, nên trong lòng rất căm ghét. Ngay đêm ấy người vợ quả nhiên qua đời.
Một ngày sau, Tần Quốc phu nhân cũng tự nhiên mang bệnh nặng, Dương Quốc Trung theo lệnh của Quý Phi cũng tự thân tới gặp Công Viễn xin chữa chạy cho, Công Viễn đáp:
– Phép tiên chỉ cứu được những người có duyên phận thôi, hoặc cùng ra là người có thể tu luyện thành chính đạo. Phu nhân cả đời chẳng hề có dính dáng gì đến đạo tiên, cũng chẳng có đức hạnh gì thật tốt đẹp, chỉ hưởng cái phúc không đúng phận của mình, mà còn không biết tự tu tính, nghiệp chướng nào phải dễ mà trừ nổi, nay may được mệnh chung ngay trong dinh trong điện, so ra với chị em, thì thật là điều may mắn muôn một rồi đó. Nào thể có sức nào, phép nào chạy chữa? Chỉ bảy ngày sau thôi, thì tên tuổi đã ghi vào sổ ma quỷ rồi vậy!
Quốc Trung tức giận quát:
– Chẳng thể cứu được thì thôi. Sao lại dám buông lời phỉ báng?
Quay về thưa lại với Quý Phi, Quý Phi giận lắm, khóc lóc mà thưa với Huyền Tông, rồi thêm:
– La Công Viễn phỉ báng cung quyến, lại còn làm thư phù, phép thuật. Thật là phạm tội đại bất kính với chúa thượng vậy!
Lâm Phủ cũng kể tội Công Viễn dùng lời lẽ dùng yêu thuật để mê hoặc dân chúng. Huyền Tông vốn đã căm giận, nay cả trong ngoài đều góp lời phỉ báng, nên nổi giận đùng đùng, mười phần tức tối, truyền đem La Công Viễn chém đầu ở chợ cửa Tây. Công Viễn ở ngụ sở nghe lệnh, cất tiếng cười như cuồng, cũng không chịu để cho trói, tự đi thẳng đến chợ cửa Tây, vươn cao cổ chịu chém. Đao thép loáng qua cổ, tịnh không một vết máu, lại thấy một luồng khí xanh, từ cổ xông thẳng lên trời cao.
Chính là:
Vua nước Kế Tân
Chém hòa thượng Sư tử 2
Thật là đại triết nhân
Bởi giết là công đó!
Huyền Tông nhân giận dữ nhất thời, lệnh chém La Công Viễn, nghĩ lại thì thấy Công Viễn là người có phép thuật, sao lại có thể dễ dàng giết được, vội sai ngay nội thị chạy ra truyền đình chỉ việc hành hình. Đến nơi thì đao phủ đã chém rồi. Huyền Tông hối hận vô cùng, lệnh cho thu thập tử thi, lấy gỗ hương mộc làm quan quách khâm liệm chôn cất chu đáo.
Bảy ngày sau, Tần Quốc phu nhân quả nhiên chết. Huyền Tông nghe tâu, vô cùng thương tiếc, phủ tuất rất hậu.
Chính là:
Chị em thế vững như kiềng
Mà sao Tần Quốc lên tiên sớm vầy?
Chết trước đi, thế mà hay
Tang ma trọn vẹn, xưa rày đều mong.
Huyền Tông nhân Tần Quốc phu nhân chết, tin lời La Công Viễn là đúng, thắc thỏm không thể quên nhưng cũng chẳng biết cách nào khác, nghĩ tới Trương Quả cùng Diệp Pháp Thiện, liền sai Phụ Cầu Lâm đến Vương ốc Sơn tìm Trương Quả, nếu Trương Quả không chịu về thì phải tìm cho được một. Cầu Lâm vâng chỉ, đem theo quân lính, ngựa xe rời khỏi kinh thành, chẳng bao lâu nghe người đi dường bàn tán:
– Trương Quả tiên sinh đã chết ở vùng Dương Châu rồi?
Cầu Lâm bán tin bán nghi, thì được ở kinh sư sai người báo rằng: Thái thú Dương Châu dâng sớ, ngày ấy, tháng ấy trong năm, Trương Quả đang ngồi rất ngay ngắn trong Quỳnh Hoa quán, bỗng qua đời, trong ống tay áo còn cả một biểu tạ ơn hoàng đế, thi thể chưa chôn cất, thì đã thấy tiêu biến mất rồi!
Cầu Lâm được tin này, liền không đi Vương ốc Sơn nữa, chỉ tìm hỏi nơi ở của Diệp Pháp Thiện, có người mách thấy họ Diệp ở phủ Thành Đô vùng Thục Xuyên. Cầu Lâm liền lệnh người ngựa hướng đường vào Thục mà đi. Vào đến đất Thục đường núi gập ghềnh, thật quả là khó đi, bỗng thấy ở đỉnh núi bên đường, một đạo sĩ còn ít tuổi, dáng nhàn nhã đi ngược chiều, nghêu ngao ngân vang bài thơ sau:
Đường núi cheo leo thật khó đi
Chư tiên đã trốn tìm đâu thấy
Mới hay người chết chưa hề chết
Kẻ sống hãy lo khó sống đời.
Đạo sĩ vừa ngâm vừa đi, dần dần đã tới ngay trước đoàn ngựa xe. Cầu Lâm nhìn kỹ hoảng hồn, thì ra chẳng ai khác, mà chính là La Công Viễn. Cầu Lâm vội xuống ngựa quỳ lạy, hỏi:
– Tiên sư không hề gì cả sao?
Công Viễn cười đáp:
– Thiên tử tin phục thần tiên, sao lại đem bần đạo ra đùa như vậy. Nay Trương Quả tiên sinh cũng sợ bị giết, nên đã giả chết, Diệp tôn sư cũng hoảng hồn mà bỏ di hải ngoại rồi, không thể nào tìm ra đâu. Chi bằng về kinh phục chỉ là hơn.
Cầu Lâm nói:
– Thiên tử hối hận vì việc làm quá đáng vừa rồi, cúi xin tiên sinh hãy cùng về kinh lại ra mắt thiên tử, để thỏa nỗi băn khoăn của thiên tử.
Công Viễn cười:
– Ta về kinh sao bằng thiên tử hãy đến đây, ngươi chẳng cần nhiều lời. Ta có một lá thư cùng một vật này gởi thiên tử. Ngươi hãy vì ta mà đem về dâng.
Lấy ngay trong ống tay áo một lá thư, ở trong có một vật nhỏ, bên ngoài có dây lụa quấn kỹ, giao cho Cầu Lâm. Cầu Lâm nói:
– Thiên tử có nhiều điều muốn cúi hỏi tiên sư, xin tiên sư hãy về kinh một lần nữa.
Công Viễn đáp:
– Chẳng phải nhiều lời. Hãy nên tránh xa con gái trong cung, cẩn trọng đề phòng con gái ở biên thùy, thì tự nhiên thiên hạ thái bình vô sự.
Cầu Lâm lại hỏi riêng thân phận các vị đại thần sống chết ra sao, Công Viễn đáp:
– Lý tể tướng tội ác chất đầy, ngày chết đã gần, mà vẫn không thể tránh nổi họa sau khi chết nữa kia. Còn Dương tể tướng vẫn còn vài năm hưởng phúc treo trên sợi chỉ mỏng, sau thế nào thì nghĩ cũng có thể rõ vậy.
Cầu Lâm hỏi chuyện cát hung của mình, Công Viễn đáp:
– Phàm người ta không tham tài, cũng không có họa lớn vậy.
Nói xong chắp tay vái chào, bay thằng lên không trung mà đi mất.
Cầu Lâm cùng tùy tùng xuýt xoa kinh ngạc, thán phục. Cầu Lâm nghĩ ngợi: “Diệp Pháp Thiện cũng khó mà tìm ra, chi bằng quay về kinh phục chỉ là hơn”.
Cả bọn quay về, vào cung ra mắt Huyền Tông, tâu rõ chuyện gặp La Công Viễn ra sao, rồi đưa thư dâng lên. Huyền Tông vô cùng ngạc nhiên mở thư ra xem, chỉ thấy bốn chữ lớn, phía dưới chú thêm một hàng chữ nhỏ như sau:
“An mạc vong nguy
Ngoại hữu nhất dược vật Thục Đương quy cẩn phụ thương”
Huyền Tông nhìn mãi thư cùng vị thuốc, trầm ngâm không nói một lời. Cầu Lâm lại tâu riêng những lời của La Công Viễn về “con gái trong cung, con gái trên biên thùy”. Huyền Tông nghĩ ngợi: “Công Viễn vẫn khuyên ta “Thanh tâm quả dục” thì có thể kéo dài tuổi thọ, nên nay khuyên ta xa hẳn con gái thì còn hiểu được, rồi lại nói “lúc yên ổn đừng quên lúc nguy nan”, chắc cũng ý ấy cả. Còn Thục đương quy có lẽ là vị thuốc, có thể đắc thọ nữa chăng, chẳng hiểu sao được? Nhưng rõ ràng Công Viễn đã bị chém đầu, làm sao lại còn thấy được? Liền cho nội thị đào quan quách lên xem sao, thì ra trong hòm tịnh chẳng có một thứ gì cả. Huyền Tông thở than:
– Thần tiên biến hóa như thế, trẫm thật chỉ làm trò cười ọi người?
Về những lời này, thì “Con gái trong cung”, rõ ràng là chỉ Dương Quý Phi rồi. Còn “Con gái trên biên thùy”, chính là để chỉ An Lộc Sơn, bởi do chữ “An” bên trong có chữ “nữ” mà ra vậy. Còn “Thục đương quy”, vốn là một câu sấm ký không lời vậy. Mấy chữ lớn “An mạc vong nguy” cũng nhằm để nhấn mạnh chữ An mà thôi 3.
Huyền Tông không hiểu ra ý đó chút nào. Lúc này An Lộc Sơn đang thâu tóm cả ba trấn rộng lớn: Phạm Dương, Bình Lư, Hà Đông, trong tay rất nhiều người ngựa, tướng sĩ, dọc cả một vùng biên thùy dài, có cả mối dây nối với cung khuyết, thanh thế không vừa, lại nghĩ ngay từ đầu ra mắt, không chịu bái lạy Thái tử, nhất định Thái tử mang lòng căm giận. Huyền Tông thì tuổi đã cao, chẳng biết lúc nào qua đời, Thái tử lên ngôi nhất định đối xử với mình chẳng ra sao, bởi vậy Lộc Sơn lo lắng không yên, thường nghĩ tới những việc này khác.
Lộc Sơn ngày thường chỉ sợ có Lý Lâm Phủ, thường tôn xưng Lâm Phủ là Thập Lang, anh Mười, mỗi lần sứ giả về kinh, tất hỏi kỹ Thập Lang nói những gì. Nếu được Lâm Phủ khen, thì vô cùng hoan hỷ, còn nếu Lâm Phủ chê trách điều gì, thì cau mày, nhức trán, lo lắng than thở, nằm ngồi không yên. Lâm Phủ cũng thường gởi thư để khêu gợi Lộc Sơn điều này điều nọ, khích động những băn khoăn của Lộc Sơn, nhưng cũng bày tỏ những trở ngại để trói buộc chưa để Lộc Sơn hành động, mà chỉ nằm trong vòng lung lạc, điều khiển của mình thôi.
Nhưng từ ngày vợ Lâm Phủ qua đời đến nay, bệnh hoạn cũng kéo đến, lại gặp lúc Phụ Cầu Lâm về kinh, Lâm Phủ lúc này đã nằm liệt trên giường không dậy được nữa rồi, bỗng nghe tin Công Viễn chưa chết, thì bàng hoàng, hoảng hốt nghĩ: “Ta đã từng xiểm tấu Công Viễn, nếu Công Viễn quả là bậc thần tiên, chém đầu không chết, nay tới trả oán, không phải như người phàm mà phòng ngừa cho được, làm thế nào cho thoát bây giờ?”. Từ đó đêm ngày run sợ, bệnh càng nặng hơn. Mấy ngày sau thì, Ô hô! Chết rồi!
Chính là:
Thiên tử vừa thoát tên gian tướng
Diêm vương phải nhận đứa ác tù.
Đáng tội thay Lý Lâm Phủ, thân ở ngôi tể tướng, gian xảo với xung quanh, không theo ý chúa thượng, để cố giữ được sủng ái, ngăn cấm lời can gián, lập thành một bè gian trá, đố kỵ kẻ có tài có đức, gạt bỏ kẻ hơn mình, để giữ được ngôi cao, lập nhiều nhà ngục kiên cố giết bỏ, bài xích kẻ hiền thần, để mở rộng thanh thế, từ Đông cung trở xuống đều sợ, chỉ dám đưa mắt liếc mà chẳng bao giờ dám nhìn thẳng. Làm tể tướng mười chín năm, nuôi thành mối loạn cho thiên hạ. Đến lúc y chết, Huyền Tông vẫn không biết y là kẻ gian thần nên rất là thương tiếc. Đông cung Thái tử nghe Lâm Phủ chết, cũng lại than rằng:
– Nay ta nằm lưng mới được dính chiếu vậy!
Dương Quốc Trung vốn cũng rất căm ghét Lăm Phủ, nhưng vì y vẫn được Huyền Tông sủng ái, nên không thể tranh đoạt, nỗi hờn đã nung nấu lâu ngày, nay thừa lúc y chết rồi, mới bới những lỗi lầm đã qua, từ những chuyện nuôi riêng quân lính trong dinh, nói thác là để giữ thân, kỳ thực là có ngầm mưu thoán nghịch, lại còn bao lần hãm hại Đông cung, làm lay chuyển xã tắc, ngồi ngoài mưu lợi. Quốc Trung còn gợi cho các quan viết tấu biểu, trình rõ những tội khác của y.
Dương Quý Phi thì căm ghét Lâm Phủ chèn ép An Lộc Sơn, lại cũng kể những điều xấu của y với Huyền Tông. Mãi đến lúc này, Huyền Tông mới tỉnh ngộ, hạ chiếu ban rõ tội trạng cho khắp thiên hạ biết, truy tước hết quan chức, phá hòm quách, tịch thu hết gia sản. Con là Lý Tụ đang làm thị lang cũng bị cách chức, vĩnh viễn không được dùng nữa. Cũng đúng như lời La Công Viễn nói về các họa sau khi chết.
Chính là:
Lúc sống quyền gian, ác đủ điều
Nào khi hay chết xác băm nhừ
Phải đâu vì nước vì dân nhỉ
Dựa điều quốc pháp thỏa riêng tư.
Lý Lâm Phủ chết, Dương Quốc Trung kiêm cả tả hữu thừa tướng, một mình nắm mọi quyền hành, mặc sức tác oai tác quái, trăm quan văn võ không ai không sợ. Duy An Lộc Sơn là không chịu cúi phục, Lộc Sơn chỉ vì Lâm Phủ xảo quyệt hơn mình, cho nên mới sợ Lâm Phủ, còn với Quốc Trung, trước đó thường tranh hơn đọ kém, vẫn có ý coi thường Quốc Trung, nay tuy nắm mọi quyền hành, Lộc Sơn vẫn không coi vào đâu. Bốn phương Phiên trấn đều có lễ đến mừng họ Dương, duy Lộc Sơn không chịu. Quốc Trung giận lắm, mật tâu với Huyền Tông:
– An Lộc Sơn vốn giống Phiên, nay hùng cứ ở cả ba trấn lớn, dễ có ý khác, nên đề phòng thì hơn.
Huyền Tông không tin. Quốc Trung liền bí mật đi lại với Kha Thư Hãn, tiết độ sứ Lũng Tả, để cùng Thư Hãn kiềm chế Lộc Sơn. Lũng Tả lâu nay vẫn giàu có đứng đầu thiên hạ, kéo từ cửa An Viễn đến tận Đường Cảnh, rộng đến hơn một vạn hai nghìn dặm, xóm làng liên tiếp, vừng day khắp đồng. Quốc Trung tâu lên với nhà vua rằng: Kha Thư Hãn phủ dụ, cai quản có nhiều công trạng, lẽ nên tuyên dương. Huyền Tông liền giáng chỉ cho Kha Thư Hãn kiêm quản Hà Tây tiết độ sứ, coi sóc hai trấn. Lộc Sơn nghe tin, biết ngay là Quốc Trung kết bè kéo cánh, lòng càng tức tối, nên thường trong lúc say rượu, ngay trước mặt mọi người, đem Quốc Trung ra mà chửi thẳng, Quốc Trung được ngầm báo những chuyện này, căm lắm, lại mật tâu với Huyền Tông rằng:
– An Lộc Sơn vốn gian xảo cùng bầy với Lý Lâm Phủ. Nay Lâm Phủ chết rồi, tội trạng phơi bày, nên Lộc Sơn trong lòng băn khoăn, nhất định có tính toán này khác. Bệ hạ nếu không tin, xin hãy sai sứ triệu Lộc Sơn về kinh triều cận, nhất định Lộc Sơn sẽ không chịu vâng mệnh, bấy giờ bệ hạ sẽ thấy rõ tâm địa Lộc Sơn.
Huyền Tông ậm ừ đứng dậy, quay vào cung, vẫn trù trừ không quyết. Dương Quý Phi hỏi:
– Bệ hạ có chuyện gì mà có vẻ đắn đo?
Huyền Tông đáp:
– Quốc Trung anh Quý Phi, nhiều lần tâu Lộc Sơn tất sẽ phản loạn, trẫm vẫn chưa tin. Nay khuyên trẫm sai sứ triệu Lộc Sơn về triều cận, nếu y không về, thì lòng dạ đã rõ ràng, cứ thế mà hỏi tội. Trẫm nghĩ Lộc Sơn chịu ân sâu của trẫm đến thế, vị tất đã mang lòng phụ trẫm, vì vậy nghĩ ngợi mãi không xong.
Quý Phi cả sợ vội tâu:
– Anh thiếp căn cứ vào đâu mà nói An Lộc Sơn tất làm loạn. Nay đã hoài nghi như thế, bệ hạ hãy cứ như lời tâu, sai nội thị tới triệu Lộc Sơn. Nếu Lộc Sơn về, bệ hạ cùng anh thiếp dẫn giải được hiềm nghi.
Huyền Tông nghe lời, viết ngay thư sắc, sai Phụ Cầu Lâm, mang đến Phạm Dương triệu An Lộc Sơn về triều cận hoàng đế, Cầu Lâm vâng mệnh ra đi. Chưa kịp lên đường, Quý Phi ngầm cho người đem vàng lụa ban, rồi sai cầm một lá thư viết tay, niêm phong cẩn thận giao cho An Lộc Sơn, lại dặn thêm Lộc Sơn tiếp được chiếu hãy về ngay, mọi sự đã có Quý Phi chu toàn, nhất định có lợi chứ không có điều gì đáng lo cả, không được về chậm để gây lòng nghi ngờ cho thiên tử. Cầu Lâm nhất nhất vâng mệnh, đi suốt ngày đêm không dám nghỉ, tới Phạm Dương. Lộc Sơn nghênh bái sắc dụ, Cầu Lâm lên công đường, dõng dạc đọc rằng:
“Hoàng đế thân viết sắc ban cho Đông Bình Quận vương, tiết độ sứ Phạm Dương, Bình Lư, Hà Đông An Lộc Sơn:
Khanh trước kia vốn thờ trẫm ngay dưới thềm son, vui vẻ chuyện trò như trong một nhà, nay ra trấn ngoài Phiên ải, xa xôi cách trở trẫm vẫn một lòng tưởng nhớ. Lòng khanh chắc hẳn cũng như vậy, nhưng điều mong nhớ cũng không dám không có sắc triệu mà về chầu. Nay một khi đã nhận được sắc này, lập tức về cung khuyết, nếu không về là có ý phản loạn. Đừng lấy cớ đường xá xa xôi khó nhọc, trẫm cũng cần hỏi kỹ về công việc ở biên đình. Tiếp dụ này, phải về kinh sư ngay, không được sai sót.”
Lộc Sơn tiếp xong sắc chỉ, bày tiệc rượu đãi thiên sứ, rồi hỏi:
– Thiên tử triệu ta về là ý ra làm sao?
Cầu Lâm đáp:
– Chẳng qua thiên tử mong nhớ ngài quá!
Lộc Sơn trầm ngâm:
– Dương tể tướng có nói gì không?
Cầu Lâm đáp:
– Triệu ngài về là ý của thiên tử, không phải ý tể tướng!
Lộc Sơn cười:
– Ý thiên tử tức là ý tể tướng vậy!
Cầu Lâm đuổi tả hữu đứng hầu, đưa thư cùng kể lại những lời dặn dò của Dương Quý Phi ra, Lộc Sơn lúc này mới vui vẻ.
Ngay ngày hôm sau, lên ngựa ngày đêm về kinh, vào triều cận thiên tử. Huyền Tông cả mừng mà phán:
– Người ta nói rằng khanh không chịu về, riêng trẫm thì tin khanh sẽ về, nay quả như vậy!
Liền cho làm lễ như người trong nhà, ban yến ngay trong nội điện. Lộc Sơn khóc lóc mà tâu:
– Thần vốn người Phiên, nay được bệ hạ tin yêu mà cất nhắc đến thế này, dẫu thây có phân làm muôn mảnh cũng chẳng đủ báo đền. Nhưng chỉ vì Dương Quốc Trung ghen ghét, thần quả không biết chết ngày nào vậy.
Huyền Tông an ủi:
– Còn có trẫm ở đây kia mà, khanh không có điều gì phải lo cả.
Đêm ấy, giữ lại cho ngủ ngay trong cung.
Ngày hôm sau vào chào Dương Quý Phi, lại ban yến trong nội cung, tình càng đằm thắm. Lộc Sơn thưa:
– Con không phải không thương nhớ, nhưng thế không thể ở lâu ngày mai xin lên đường.
Quý Phi đáp:
– Ta cũng không dám giữ khanh lâu, ngày mai ra chầu rồi tạ ơn lên đường ngay, đừng dềnh dàng nữa?
Lộc Sơn gật đầu hiểu ý, ngày mai tâu rằng công việc biên đình không thể chậm, chẳng dám ở lâu, cáo xin về trấn. Huyền Tông bằng lòng thân cởi ngự bào ban cho, Lộc Sơn khóc lóc bái lạy mà nhận, rồi làm lễ tạ ơn ra khỏi cung điện. Cũng bởi sợ Quốc Trung tâu với Huyền Tông tìm cách giữ lại, nên phải vội về ngay. Đi qua dinh Dương Quốc Trung trừng mắt mà nhìn mãi, không thèm xuống ngựa, phi như bay ra khỏi kinh sư, không kể ngày đêm.
Từ đó, Huyền Tông càng thêm tin, thêm thân thiết. Dẫu có người đứng ra tố cáo Lộc Sơn mưu phản, thì Huyền Tông lại trói ngay người ấy giải tới Phạm Dương, cho Lộc Sơn tra khảo nghiêm trị. Vì vậy chẳng ai dám nói một lời. Lộc Sơn từ đó càng chẳng sợ gì nữa, tính toán: “Trong ba trấn đây, giữ các cửa hiểm yếu, đều là người Hán, mai kia nếu có hành động gì, nhất định ta sẽ chẳng dùng được bọn này. Chi bằng hãy dùng tướng Phiên mà thay ngay đi là hơn cả”.
Bèn dâng sớ trình rõ rằng: Các nơi hiểm yếu của biên đình, nếu không phải là tướng vừa dũng cảm vừa mưu trí, sức lực hơn người, thì không thể giữ nổi, tướng người Hán đều hèn yếu, không bằng tướng Phiên kiêu dũng, nên xin cho ba mươi mốt tướng Phiên thay các tướng Hán coi giữ biên thùy.
Sớ dâng lên, Đông bình chương sự Vi Kiến Tố liền dâng sớ tâu:
– Lộc Sơn từ lâu đã có ý khác, nay lại dâng sớ thế này, ý phản nghịch quá rõ. Lời tâu không thể nghe theo được.
Huyền Tông không vui, phán rằng:
– Lâu nay công việc ở biên trấn đều dùng quan văn, đến nỗi công việc quan đều bỏ trễ nải. Nay dùng người Phiên làm tiết độ sứ, quang cảnh quan ải một phen thay đổi, từ đó mà xem, thì làm sao lại bảo tướng Phiên không thay được tướng Hán? Lộc Sơn vì mưu tính chuyện quốc gia mà mưu chuyện phòng thủ lâu dài, có tâu trình điều gì, các khanh lại mỡ miệng nói làm phản!
Rồi không nghe lời tâu của Vi Kiến Tố, truyền ngay chỉ rằng:
“Y theo lời tâu của An Lộc Sơn, các nơi hiểm yếu của ba trấn, đều thay bằng tướng Phiên làm lưu thú trấn giữ, các tướng Hán giữ các nơi này đã lâu, điều về nội địa, sai phái công việc khác. ”
Từ đó, người Phiên giữ các nơi trọng địa. Lộc Sơn càng đắc thế, công việc ngoài biên trấn chẳng còn điều gì đáng nói nữa.
Chính là:
Đất Hán giao quyền cho tướng Phiên
Thế là nhà Hán biến thành Phiên
Mắc lừa Phiên, dại khờ vua Hán
Mưu sĩ Hán thua cái miệng Phiên.
Không biết sau này sự việc ra sao, xin xem hồi sau phân giải.——————————–
1Để: em trai, đệ: dinh thị của vương hầu, trạm dịch đón vua, sứ chư hầu của thiên tử. Để đệ: em trai thuộc hàng vương hầu. 2Kế Tân, tên một nước nhỏ thuộc tây vực đời nhà Hán. Từ Hải có chú là “Da thấp Nhĩ La”, tức là vùng Cashmir, thủ phủ của Pakistan ngày nay. Phật Thích Ca thuyết giáo, tiếng vang như sư tử gầm, vì vậy đồ đệ đạo Phật có sách gọi là “Sư tử hòa thượng”. 3″An mạc vong nguy”: Lúc yên ổn đừng quên lúc nguy nan. Câu sau là: “Ngoài ra còn có một vị thuốc Thục đương quy cũng kính cẩn dâng thêm vào đây” Cả câu này ý ở chữ “Thục đương quy”, nghĩa là vị thuốc đương quy ở vùng đất Thục, nhưng có ý “Sấm ký” là: “Đáng rút về, quay về vùng Thục”, báo trước việc Huyền Tông phải chạy trốn vào Tây Thục sau này.