Bạn đang đọc Tùy Đường Diễn Nghĩa – Chương 62: Nữ nữ nam nam, đẹp đôi đẹp lứa, Văn văn võ võ, nên vợ nên chồng.
Thơ rằng:
Tuổi xanh thảo nguyên xanh,
Quen cưỡi thiên lý mã
Vốn cùng giống si tình
Mừng vẹn lời hương lửa
Chín bệ ơn xuân dày
Khắp miền mai nở rộ
Vui theo đạo xướng tùy
Đôi từng đôi đẹp quá.
Chuyện chuộng danh trọng nghĩa trong trời đất này, lại thường bởi tấm lòng hiền hậu của người phụ nữ, mà nhận ra thật giả, mà ham mê. Cũng bởi thế, anh hùng hào kiệt trong trời đất chẳng tiếc thân mình để làm việc danh nghĩa đó, nhưng rồi cũng như bọn giả học giả, ngụy quân tử là thứ mà cuối cùng thế nào cũng bị người đời nhận ra.
° ° °
Nay lại nói chuyện La Thành, cùng với bọn Trương Công Cẩn đến nhà Tần Thúc Bảo, sáng ra dậy sớm, biết nhà vua không ra đại triều, nên sắm sửa lễ vật, ăn sáng, rồi cùng Thúc Bảo đến Tây Phủ ra mắt Tần Vương. Phan Mỹ vừa mới đi về, vào thưa với La Thành:
– Triều đình chiều qua đã có lệnh chỉ, sai Hồng lô tự chính khanh Vũ Văn Sĩ Cập, cùng với hai viên nội giám, đến Lôi Hạ tuyên triệu Đậu Công chúa, Hoa cô nương vào kính yết kiến thánh đế.
La Thành băn khoăn:
– Tin này liệu có xác thực không?
Phan Mỹ thưa:
– Vừa rồi Kim Đính nhà Đậu Công chúa đến đây, tìm tiểu nhân, nói cho biết sáng ngày mai sẽ lên đường về sớm để báo trước cho công chúa.
Thúc Bảo bàn:
– Nếu đã như thế, chúng ta hãy cùng đến nhà Từ Mậu Công hiền huynh, hỏi thử xem sao?
Công Cẩn đáp:
– Tiểu đệ cũng đang muốn đến thăm Từ Quân sư.
Cả bọn kéo đến cửa nhà Mậu Công, lính canh lễ phép thưa:
– Từ tướng quân đã đến Tây phủ rồi!
Thúc Bảo lại dẫn mọi người vào Tây phủ, báo tên tuổi, gửi lễ vật cho quan coi cửa xong. Uất Trì Bắc, Uất Trì Nam bởi quan chức còn thấp, nên chỉ lạy chào rồi quay ra, đã thấy quan đường hầu ra thưa:
– Vương phụ đang ngự ở Sùng Chính đường, xin mời vào gặp mặt.
Thúc Bảo, theo sau là bọn Công Cẩn tiến vào, bước lên thềm thấy Tần Vương ngự trên sập cao, tân khách, liêu thuộc Tây phủ ngồi hai hàng tả hữu, nhưng không thấy Mậu Công đâu cả. Tần Vương nhận ra Thúc Bảo, vội phán:
– Bất tất hành lễ, xin mời ngồi!
Thúc Bảo thưa:
– Phủ thừa U Châu Trương Công Cẩn, cùng với con trai Yên Quận Vương La Nghệ là La Thành đến ra mắt điện hạ!
Tần Vương liền lệnh cho tên hầu, tả hữu chạy xuống ra hiệu, Công Cẩn cùng La Thành vội bước lên thềm, quỳ xuống hai tay dâng thiếp lên, quan hầu đường thu lấy trình lên Tần Vương.
Tần Vương thấy Công Cẩn dạng mạo khác thường, La Thành nhân tài xuất chúng. Rất là trân trọng, ban ngay cho ngồi, cả hai vái chào bọn tân khách cùng liêu thuộc rồi ngồi xuống. Tần Vương nói với Công Cẩn:
– Từ lâu đã được nghe tài năng của khanh, giận chưa được gặp. Nay thấy đây, thật là thỏa lòng.
Công Cẩn thưa:
– Thần may được Yên Quận Vương tiến cử cho, lại mang ơn cất nhắc của điện hạ, chứ nào có tài cán gì, đội ơn điện hạ quá khen.
Tần Vương lại nói tiếp với La Thành:
– Phụ thân khanh công nghiệp huy hoàng, nay khanh cũng mang được vẻ anh tuấn phi phàm, lại gặp bậc kỳ nữ tài kiêm văn võ, sự nghiệp mai này thật còn rạng rỡ nhiều!
La Thành thưa:
– Thần vốn dòng vũ phu, được thánh đế cùng điện hạ quá thương. Cha con thần xin nguyện tận trung sớm tối, cũng khôn báo muôn một.
Tần Vương phán:
– Ta tối qua ở trong cung, xem biểu chương của Đậu tiểu thư, viết thật uyển chuyển, nhưng cũng chưa thật rõ lắm, khanh hãy thuật rõ ta nghe.
La Thành đem mọi chuyện thuật lại một hồi.
Tần Vương than:
– Trong phòng khuê gặp người tri kỷ, mà còn thương yêu nhường nhịn nhau đến thế, huống chi bậc anh hùng hào kiệt, một sớm gặp gỡ, sao không kính yêu cho được!
Đang nói thế, thì thấy Mậu Công vào, lạy chào Tần Vương, mọi người yên vị. Tần Vương nói với Mậu Công:
– Ngày tốt lành sắp tới, khanh phải sẵn sàng làm chàng rể đi chứ.
Mậu Công thưa:
– Tối qua được Vũ Văn đại huynh sai quan gọi đến nói chuyện, mới biết có thánh chỉ, thật là ơn thánh đế dồi dào, vừa kịp kỳ giai ngẫu của La tướng quân.
Tần Vương nói:
– Tối qua ở trong cung, ta nghe phụ hoàng phán: “Tấu chương của Đậu tiểu thư, ngờ rằng là do tay họ Viên mà ra”. Rồi nhân hỏi ta vì sao khanh vẫn chưa làm lễ cưới, ta bèn thưa rằng vì sợ họ Viên là quý nhân của tiền triều, nên khanh không dám tự tiện, phải chờ thánh ý. Vì thế phụ hoàng định triệu vào để làm lễ thành thân cho khanh.
Mậu Công vội rời ghế, tạ ơn:
– Thật đều nhờ lòng bao dung của điện hạ!
Tần Vương liền giữ Công Cẩn, La Thành, Mậu Công cùng Thúc Bảo vào vườn sau ban yến.
° ° °
Lại nói chuyện Hoa Hựu Lan, cùng ở nơi tuyến Nương, gặp tiết xuân ấm áp, liễu xanh tha thướt, hoa nở muôn màu. Viên Tử Yên gọi Thanh Cầm đi cùng với Hựu Lan đến am Nữ Trinh, Trinh Định vào thưa, cả bốn vị phu nhân đều ra, gối liền gối chuyện trò.
Tần phu nhân nói:
– Chúng ta mấy chị em đây, thỉnh thoảng cùng nhau gặp gỡ, chỉ sợ mai này tụ ít tán nhiều, bốn chúng tôi đây chẳng biết lấy gì khuây khỏa?
Tử Yên đáp:
– Hai vị họ Đậu cùng họ Hoa, chỉ chờ có tin mới sẽ lên đường. Thiếp vẫn ở đây thôi.
Địch phu nhân cười:
– Viên Quý nhân nói chi điều ấy, quân sư hiện đang ở kinh, thấy La tướng quân dâng biểu cầu hôn, gặp ngày xuân ấm áp, cũng sẽ tới đón quý nhân ngay thôi!
Hựu Lan thưa:
– Đậu Công chúa thì không thể nào từ chối, còn thiếp chẳng có gì trói buộc, xin được ở lại đây cùng bốn phu nhân thắp hương, tưới hoa, tiêu ma ngày tháng vậy.
Hạ phu nhân lên tiếng:
– Tấu chương vừa dâng, thấy Đậu Công chúa có ý nhún nhường không chịu, ta tính nếu thế Hựu Lan phải là chính vị còn gì!
Hựu Lan chưa hiểu nên hỏi:
– Tại sao?
Hạ phu nhân đáp:
– Đậu Công chúa vốn hiếu thảo, phụ thân ở Sơn Đông thường sai người đem y phục, các thứ tới thăm hỏi, sao dễ mà quên để đi U Châu xa xôi cho được. Dẫu có thánh ý, nhưng chưa có mệnh của phụ thân, vị tất công chúa đã chịu nghe theo, rồi còn là nhiều chuyện khác nữa kia!
Tử Yên tiếp:
– Chuyện này chưa biết thế nào?
Hựu Lan lại hỏi:
– Ẩn Linh Sơn ở đâu, có xa lắm không?
Lý phu nhân đáp:
– Trong am có Trương Lão Nhi người lo chuyện hương đèn, trước vẫn ở đó, hãy thư thả, tiểu thư hỏi họ Trương sẽ biết rành mạch.
Qua một đêm, các phu nhân đều đã dậy cả, chẳng thấy Hựu Lan đâu. Thì ra Hựu Lan thấy mọi người nói thế, lấy tiền thưởng cho Trương Lão Nhi, giả dạng quan sai, canh năm cùng với Trương Lão Nhi lên đường tới Ẩn Linh Sơn.
Các phu nhân tìm khắp nơi, người bóng đều không hỏi đến, Trương Lão Nhi cũng chẳng thấy. Tử Yên đoán:
– Đúng rồi, cùng với Lão Nhi đến Ẩn Linh Sơn tìm Đậu Kiến Đức rồi!
Lý phu nhân hỏi:
– Hoa cô nương ăn mặc thế, đi làm sao được?
Tử Yên đáp:
– Phu nhân không biết Hoa cô nương có một bộ giả trang, chuyện gì cần làm là làm ngay. Không hiểu hành lý hôm qua mang đến đây còn chăng?
Ai nấy vào phòng trong xem xét, thấy trong cái gói quần áo mang tới chỉ còn mấy bộ con gái, mấy cành trâm. Người nào cũng xuýt xoa:
– Không ngờ mới chừng tuổi, trí lược dường ấy, dám động dám làm!
Tử Yên liền sai người báo ngay cho Tuyến Nương biết.
Lại nói Hựu Lan cùng Lão Nhi đi được mấy ngày đã tới Ẩn Linh Sơn thấy một hòa thượng to khỏe đang bừa ruộng, Lão Nhi lên tiếng hỏi:
– Sư phụ, sư phụ có biết Cụ Đức hòa thượng có ở trong động chăng?
Hòa thượng dừng bừa, ngẩng đầu nhìn, rồi hỏi:
– Các người ở đâu đến?
Lão Nhi thưa:
– Từ Lôi Hạ tới!
Hòa thượng hỏi:
– Có phải công chúa nhà ta sai đến chăng?
Hựu Lan vội chối:
– Chúng tôi là do Giả Nhuận Phủ đại nhân sai đến, có chuyện trình với Vương phụ.
Hòa thượng vồn vã:
– Nếu như thế, các ngươi hãy theo ta.
Thì ra hòa thượng này vốn là Tôn An Tổ, giờ lấy pháp hiệu là Cụ Năng. Hựu Lan theo vào trong chùa, phía sau có ba gian đại điện, hai bên sáu bảy gian nhà cỏ. An Tổ vào trước, Kiến Đức ra gặp, rõ ràng một vị chân tu. Hựu Lan quỳ lạy, Kiến Đức vội đỡ dậy mà rằng:
– Không phải làm lễ thế. Lâu nay Giả đại nhân sinh sống ra sao, ngươi hãy kể bần tăng nghe xem nào?
Hựu Lan thưa:
– Giả đại nhân dặn thưa với vương phụ, nhân có con trai Yên Quận Vương U Châu tới Lôi Hạ để viếng Tào Nương nương, cùng tính chuyện hôn nhân với công chúa. Công chúa lấy cớ chưa được lệnh vương phụ, ngỏ lời từ chối, rồi dùng biểu lên hoàng thượng xin tuyệt hôn. Giả đại nhân sợ công chúa là bậc hiếu nữ, nếu đã có thánh chỉ xuống, nhất thời không dám tự quyết, nên không kịp viết thư, sai tiểu nhân cầm tờ sơ cảo tấu biểu của công chúa trình vương phụ xem. Xin vương phụ về ngay Lôi Hạ, dạy bảo đôi câu, để mọi chuyện được chu toàn.
Kiến Đức xem tờ biểu rồi đáp:
– Bần tăng đã lánh đời xuất gia, công việc trong nhà là do công chúa tự chủ, chẳng việc gì lại phải về để coi sóc đến những chuyện này.
Hựu Lan thưa:
– Công chúa có thể đến trước mặt cửu trùng, đưa lời thỉnh nguyện, ở vậy trông lăng mộ, suốt đời giữ chí tỏ rạng hiếu nữ. Nên chuyện hôn nhân đại sự, xin vương phi trông lại. Vương phụ về chậm một ngày, là một ngày việc chung thân của công chúa chưa xong. Huống chi bậc hiếu nữ như thế, lẽ nào nên suốt đời ở già trong khuê phòng, để cho người đời phàn nàn là hồng nhan bạc phận sao. Những điều này quả là ngu kiến của tiểu nhân, không hiểu nên như thế nào?
Kiến Đức thấy nói thế, nhăn mày nhíu trán, rồi đáp:
– Nếu vậy, túc hạ hãy ra phía nhà sau dùng cơm chay, rồi quay về phục mệnh Giả đại nhân, bần tăng sẽ cùng với đồ đệ xuống núi sau.
Hựu Lan nghĩ ngợi: “Trong am của nhà sư, liệu có phải là chỗ ở qua đêm của đàn bà con gái chăng?”. Nên vội thưa:
– Cơm thì tiểu nhân đã ăn dưới núi, không dám nhiên nhà chùa. Giờ xin được quay về sớm. Vương phụ cũng mau thu xếp lên đường, vạn vạn xin đừng để lỡ.
Kiến Đức đáp:
– Thuở trước ta còn chẳng bao giờ quên lời, huống chi nay đã hương đèn theo giới luật nhà Phật. Sáng mai ta sẽ xuống núi.
Hựu Lan nghe thế, vội vàng xin quay về quán trọ, lấy sức ba chân bốn cẳng, ngày đi đêm nghỉ, bất giác cũng đã được ba ngày.
Đến ngày thứ tư, trời đã gần tối, lại mưa phùn giăng khắp. Hựu Lan nói:
– Mưa ngày càng nặng hạt, chẳng thể kịp đến quán trọ nào, chi bằng vào nhà dân chúng ngay đây xin ngủ nhờ một đêm vậy.
Trương Lão Nhi giơ tay chỉ:
– Phía trước thấy khói bếp, nhất định có nhà, chúng ta hãy ráo bước xem sao?
Hai người vào giữa một thôn nhỏ vắng vẻ, có khoảng hai ba chục nóc nhà, vẳng bên tai cả tiếng trẻ đọc sách. Hai người xuống ngựa buộc lại. Lão Nhi mở cửa, thấy có sáu bảy trẻ nhỏ, ngồi giữa là một người phụ nữ xinh đẹp, quay mặt hướng nam, đang dạy mấy đứa trẻ đọc sách. Thấy Lão Nhi, người phụ nữ khoảng trên dưới ba mươi tuổi đứng dậy, hỏi:
– Lão ông vào nhà có chuyện gì?
Lão Nhi đáp:
– Chúng tôi đi thăm người quen trở về, chẳng may gặp trời mưa giữa đường, xin cho ngủ trọ một đêm.
Người phụ nữ nói:
– Nhà ta toàn những đàn bà góa, không thể cho khách trọ. Xin đi hỏi nhà khác cho.
Hựu Lan đứng ngoài nghe thế, trong lòng rất mừng, vội bước vào thưa:
– Xin chớ chối từ, thiếp cũng là đàn bà cả!
Người phụ nữ nhìn lên, thấy một thiếu niên trẻ tuổi, liền biến sắc mặt, quát:
– Người ở đâu xộc vào đây? Nói lời lừa đảo, mau ra khỏi ngay đây mới yên, nếu không ta gọi hương lý sở tại, bắt giải lên quan, thì liệu hoạt
Bỗng thêm hai người phụ nữ bước từ phía nhà sau ra. Hựu Lan thấy thế, vội tháo ngay giày, lộ rõ gót son, mọi người mới tin rõ là thật đưa vào bên trong chào hỏi, mời ngồi, kể rõ lai lịch. Thì ra ba vị phu nhân này vốn là phi tần của nhà Tùy cũ, một là Giáng Dương viện Giả phu nhân, hai là Nghênh Huy viện La phu nhân, ba là Hòa Đinh viện Giang phu nhân. Năm nhà Tùy mất, cả ba cùng trốn khỏi cung nội, may gặp người chị dâu góa của Giả phu nhân là Đoàn Thị ở đây nên cả ba đều tạm xin nương náu. Đáng thương cho thuở trước xa hoa dường ấy, nay sống trong cảnh thê lương dường này. Giang, La phu nhân may vá mà sống. Giả phu nhân vì thông hiểu chữ nghĩa thì dạy mấy đứa trẻ, cũng không đến nỗi cực khổ lắm. Nay thấy Hựu Lan kể chuyện, thấy đồng điệu, từ xa đã nói: “Tìm mãi không gặp, một chiều bỗng thấy, trở thành tri kỷ”. Qua một đêm, sáng ra Hựu Lan từ giã lên đường, ba vị phu nhân không chịu. Giả phu nhân cười nói:
– Gia kỳ chưa định, vội vã nỗi gì, xin hãy ở một hai ngày, chúng ta sẽ tiễn Hựu Lan đến tận Nữ Trinh am, cùng gặp gỡ bốn phu nhân, cũng là để tỏ tình quyến luyến trước kia vậy.
Hựu Lan đành vâng lời, cho Lão Nhi về trước.
° ° °
Lại nói Tuyến Nương được Tử Yên cho biết, trong lòng thầm nghĩ: “Hựu Lan vì ta mà bôn ba khắp nơi, thật chân tình thực nghĩa, thật là sâu sắc, thật là mênh mông. Nhưng chẳng biết ý phụ thân ra sao. Chưa chừng Hựu Lan bỏ quách ta mà đi, để mình ta gánh chịu mọi việc cũng nên?” Trong lòng nghi hoặc, bỗng một hôm, Ngô Lương, Kim Đính trở về, thưa rằng:
– Tấu biểu đã đưa nhờ Hồng lô tự chính khanh Vũ Văn Sĩ Cập, chuyển cho Vũ Văn chiêu nghi trình lên Đậu hoàng hậu. Gặp giữa lúc La tiểu tướng cũng vào Trường An, tuy chưa được gặp long nhan, nhưng thánh chỉ đã ra sai Vũ Văn đại nhân cùng hai nội giám, tới triệu công chúa cùng Hoa cô nương tiến kinh làm lễ thành thân. Vì vậy chúng tiện tỳ về trước, các quan chỉ sợ khoảng mai kia sẽ tới, xin công chúa hãy xếp đặt chu đáo.
Tuyến Nương đáp:
– Hôm trước Hoa cô nương vào am thăm các phu nhân, không biết vì lẽ gì đã cùng Trương Lão Nhi đến tìm phụ thân ở Ẩn Linh Sơn
Ngô Lương thưa:
– Lỡ ngày mai các quan triều đình đến, phải có hai tiểu thư tiếp thánh chỉ, Hoa cô nương chưa về thì làm thế nào?
Lại thấy một hầu gái vào thưa:
– Giả tiên sinh vừa đến cho biết, thiên sứ sắp tới Lôi Hạ, nhắn công chúa sắp sẵn hành trang về Trường An.
Tuyến Nương đáp:
– Nếu không có lệnh của phụ thân, thì dù có lệnh của triều đình nữa cũng chối từ được.
Bỗng thấy hầu gái vội vàng vào thưa:
– Vương phụ đã về !
Tuyến Nương nghe báo, vui sướng vô cùng, vội chạy ra đón, vào thẳng trong phòng, quỳ xuống dưới gối khóc như mưa như gió. Kiến Đức cũng không ngăn được hai hàng lệ, liền đưa hai tay đỡ Tuyến Nương dậy:
– Con hãy đứng dậy. Cũng may có con hiếu nghĩa nhiều mưu mẹo, để cho cha con được hương đèn trên chùa. Nay nếu chẳng vì việc chung thân đại sự của con, cha cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện xuống núi. Con hãy ngồi lên cha hỏi mấy điều.
Tuyến Nương chùi nước mắt, ngồi cạnh. Kiến Đức nói:
– Trước kia thánh thượng đã nói con hứa hôn với La công tử rồi, khiến cha cũng không tiện hỏi lại, nhưng chuyện này vốn từ đâu ra?
Tuyến Nương đem chuyện “trên ngựa định nhân duyên” trước kia kể lại. Kiến Đức nói:
– Như thế cũng được. La Nghệ vốn là đại tướng của tiên triều, La công tử cũng hàng thiếu niên anh tuấn, mai kia sẽ được nối tước của cha, con sẽ là nhất phẩm phu nhân, cũng chẳng phải nhục đến con. Chỉ tiếc cho Hoa Mộc Lan, trước kia đã cùng con về Trường An gặp thánh đế, không ngờ mất sớm, nhưng em là Hựu Lan làm sao lại cũng nguyện vì con mà bôn ba, không hiểu tính hạnh ra sao?
Tuyến Nương thưa:
– Hựu Lan có đến chùa tìm, phụ thân không gặp hay sao?
Kiến Đức đáp:
– Làm gì có cô gái nào tới, chỉ thấy Giả tiên sinh sai một thiếu niên rất lanh lợi tới cùng với một lão gia theo hầu. Chẳng có thư từ gì chỉ có một tờ sơ cảo tấu biểu của con gửi lên thánh đế, nên cha cũng tin là thật.
Tuyến Nương thưa:
– Tờ sơ cảo này, con bỏ trong hộp trang sức, mấy hôm nay không thấy, thì ra Hựu Lan đã lấy, rồi cải dạng nam trang, đi gặp phụ thân!
Kiến Đức nói:
– Cho nên ta cũng ngờ rằng nếu chỉ được sai đi làm thì sao lời ý rất là khẩn thiết, chân thành.
Tuyến Nương thưa:
– Nay tưởng Hựu Lan cùng phụ thân trở về, sao vẫn chưa thấy?
Kiến Đức nói:
– Hựu Lan vào núi gặp ta rồi về ngay, sao lại chưa thấy đâu cả được?
Tuyến Nương băn khăn:
– Hay Hựu Lan vào trong am?
Rồi sai Kim Đính:
– Ngươi vào trong am, mời Hoa cô nương về!
Kiến Đức quay ra với Tôn An Tổ, Tuyến Nương lại sai người đi mời Nhuận Phủ về tiếp phụ thân cùng An Tổ.
Mãi đến hoàng hôn, chỉ thấy Kim Đính trở về thưa rằng:
– Hoa cô nương cùng Trương Lão Nhi chưa thấy về.
Tuyến Nương nghe thế, trong lòng phiền muộn. Sang ngày hôm sau, buổi chiều, thấy trong thôn huyên náo chuyện các vị quan triều đình sắp về để mời công chúa. Quả nhiên trưa hôm sau, Tề Thiện Hằng theo Vũ Văn Sĩ Cập cùng hai quan thái giám, mặc cát phục, rầm rầm rộ rộ kéo về mộ phần. Kiến Đức cùng An Tổ không tiện ra mặt, nên tìm chỗ tránh. Tuyến Nương vội nhờ Nhuận Phủ ra tiếp ở trung đường. Thiện Hằng sai tay chân bày hương án, thì một thái giám cất tiếng hỏi:
– Trong chiếu thư nói rằng có ba vị phu nhân, nay sao lại chỉ thấy một, còn nữa ở đâu?
Nhuận Phủ hỏi:
– Không rõ những ai mà những ba vị?
Thái giám ít tuổi hơn đáp:
– Người thứ nhất là công chúa Đậu Tuyến Nương, được đương kim hoàng hậu nhận làm cháu gái; người thứ hai là Hoa Hựu Lan; người thứ ba là phu nhân của Từ Nguyên soái Viên Tử Yên.
Nhuận Phủ nghe vậy, liền nghĩ: “Thế là Mậu Công hiền huynh cũng đã được triều đình đứng ra làm lễ thành thân cho rồi!”. Liền đáp:
– Viên Tử Yên cũng ở ngay đây, chi bằng xin mời tới đây nghe khai đọc thánh chỉ luôn chăng?
Rồi sai Kim Đính đi mời Tử Yên. Tử Yên vội xếp đặt để đến. Thanh Cầm lo thay áo tang cho Tuyến Nương, các hầu gái đỡ ra. Cả hai cùng đã ở trong cung cấm, mọi thứ nghi lễ đều thông thạo. Sĩ Cập mở thánh chỉ tuyên đọc. Tử Yên cùng Tuyến Nương đứng dậy tạ ơn các quan. Viên thái giám nhìn kỹ Tử Yên rồi cười nói:
– Ta cứ tưởng có chuyện trùng họ, trùng tên, thì ra Viên Quý nhân!
Tử Yên cũng nhìn kỹ hai thái giám, thì ra thái giám nhiều tuổi là thái giám họ Trương ở Hiển Nhân cung, còn thái giám ít tuổi là tiểu thái giám họ Lý ở Hoa Ngạc lâu. Tử Yên đáp:
– Hai vị thái giám thật có phúc lớn, giờ thì thật được tân thánh đế sủng ái.
Trương thái giám nói:
– Phu nhân cũng biết chúng tôi vốn là hai thái giám thực thà, chẳng bao giờ làm điều gì bậy bạ, vì vậy cũng được tân thánh đế để mắt xem. Nay Viên Quý nhân về với Từ Nguyên soái, thì chúng ta cũng càng dễ gặp nhau.
Thiện Hằng nói:
– Từ Nguyên soái cũng thật là bậc anh hùng đa tình vậy!
Trương thái giám cười:
– Tề tiên sinh thật chưa hiểu lũ nội quan chúng tôi, vốn chẳng khác gì hòa thượng xuất gia rồi vậy, cho nên cũng có nhiều điều chẳng còn kiêng kỵ lắm vậy.
Lý thái giám tiếp:
– Thánh chỉ có nói ba vị phu nhân, sao Hoa phu nhân không thấy đâu cả?
Trương Lão Nhi bỗng thấy ở đâu ra thưa:
– Hoa cô nương khoảng một hai ngày nữa mới về, tiểu nhân về trước thưa cùng công chúa biết.
Có kẻ lớn tiếng nạt:
– Lão già không biết lễ nghĩa gì, các quan lớn đang tiếp thánh chỉ, sao lại dám nói ngang vậy!
Nhuận Phủ nói với gia nhân:
– Thì ra Lão Nhi đã về, ngươi hãy ra gọi vào đây ta hỏi.
Lão Nhi vào, Nhuận Phủ hỏi:
– Ngươi cùng Hựu Lan ra đi, sao giờ về một mình?
Lão Nhi đáp:
– Trên đường về, chiều mưa, vào ngủ nhờ ở nhà quả phụ họ Đoàn. Trong nhà có ba người đàn bà khác, không hiểu đều gọi là phu nhân gì đấy, nhất định giữ Hoa cô nương lại, sai tiểu nhân về trước. Khoảng hai ba ngày sau, họ sẽ đưa Hoa cô nương về am sau.
Trương thái giám thấy nói liền hỏi:
– Có phải lão già này cùng ra đi với Hoa phu nhân?
Xung quanh thưa:
– Đúng rồi
Trương thái giám quát:
– Lão già ngu ngốc, Hoa phu nhân có thánh chỉ triệu, nay ngươi lừa mang đi đâu, lại còn đứng đó nói bậy. Tiểu thái giám hãy cùng lão già đi tìm, nếu không thấy, thì lão già phải tội chết!
Ba bốn tiểu thái giám lấy dây trói Lão Nhi lôi ra. Lão Nhi sợ hãi, nước mắt nước mũi ràn rụa. Tuyến Nương thấy thế, sai Ngô Nương lấy ra năm tiền giao cho Lão Nhi, cùng hai lạng bạc đưa ấy tiểu thái giám làm lộ phí. Lại bảo Ngô Lương cùng Lão Nhi ăn cơm no, rồi lên đường đón Hựu Lan.
Trương thái giám nói:
– Vũ Văn đại nhân hãy cùng Tế tiên sinh về huyện đường nghỉ ngơi, chúng tôi phải cùng lão già này đi tìm Hoa phu nhân.
Sĩ Cập đáp:
– Hoa phu nhân tự nhiên rồi cũng sẽ về thôi! Việc gì các ngài phải khó nhọc vậy!
Trương thái giám ghé tai Sĩ Cập nói nhỏ mấy câu. Sĩ Cập gật đầu rồi cùng Triệu Hằng lên đường. Hai thái giám cùng Lão Nhi ra cửa, Tuyến Nương lại sai lấy mười lạng bạc đưa cho Ngô Lương. Ai nấy lên ngựa.
° ° °
Lại nói Hựu Lan ở nhà họ Đoàn đã hai ba ngày, sợ triều đình có thánh chỉ xuống, lòng lo lắng không yên, xin phép trở về, nhưng các phu nhân nhất quyết không chịu. Hôm ấy đang sắp trở về, thì thấy ngoài cửa vang tiếng người ngựa, rồi người người rầm rập vào, lũ học trò chạy tứ tán. Giả phu nhân vội chạy ra hỏi:
– Các người là ai vậy, sao lại chạy bữa vào đây thế này?
Lão Nhi vội vàng thưa:
– Phu nhân, Hoa cô nương hiện ở đâu mấy hôm nay, làm cho tiểu nhân khổ sở hết đường nói, xin mời ra đây ngay cho.
Giả phu nhân đáp:
– Hoa cô nương mấy hôm nay ở đây, các người đến đón về càng hay. Có việc gì mà huyên náo cả vậy?
Hai thái giám nhận ra rồi, Trương thái giám liền nói:
– Thật cũng lại không nhận ra được nhau. Thì ra các phu nhân phần lớn ở đây cả. Hay lắm! Hay lắm!
Giả phu nhân cũng nhận ra hai vị thái giám, không kịp tránh mặt, đành phải chào hỏi, kể chuyện đầu đuôi. Giả. phu nhân không ngăn nổi dòng lệ chứa chan. Trương thái giám hỏi:
– Ở đây có mấy vị phu nhân?
Giả phu nhân đáp :
– Chỉ có La phu nhân, Giang phu nhân, cộng là ba người.
Trương thái giám tiếp:
– Hay lắm rồi, hiện nay đương kim thánh đế đã có mật chỉ, lệnh tìm đủ mười sáu vị phu nhân. Vậy xin ba vị phu nhân ở đây hãy thu xếp hành trang, cùng chúng tôi về kinh. Xin còn hai vị nữa cũng ra để ta gặp mặt.
Ngô Lương cũng thưa:
– Cả Hoa cô nương cũng xin lên tiếng cho.
Chẳng mấy chốc cả Giang phu nhân, La phu nhân cùng Hựu Lan đều ra. Tất cả hàn huyên một hồi:
– Chúng ta ở đây, không thể lâu dài, chi bằng nhân lúc nhan sắc chưa tàn, hãy ra với đời vài năm, việc gì mà chịu cực ở đây, chịu đủ chuyện thê phong khổ vũ như vậy.
Ý đã định, cả ba thu tập tế nhuyễn, thuê hai chiếc xe. Ba vị phu nhân cùng Hựu Lan, từ biệt quả phụ họ Đoàn, lên đường với hai thái giám.
Đi được hai ba ngày đến gần Lôi Hạ, hai viên thái giám đưa ba vị phu nhân vào dinh của Thiện Hằng, Ngô Lương cùng với Lão Nhi lại thuê xe riêng về chỗ Đậu Công chúa. Tử Yên cũng đã thu xếp đầy đủ ẹ con Dương Hinh Nhi, rồi đến ở cùng Đậu Công chúa. Thiện Hằng đứng ra thu xếp đầy đủ mọi chuyện, tất cả lên đường. Tuyến Nương dặn dò phụ thân cùng An Tổ thu xếp nốt công việc còn lại, rồi quay về chùa sau, cũng nhớ đem theo cả Ngô Lương lẫn Kim Đính, cha con cùng khóc lóc một hồi, mới ai đi đường ấy.
Bốn vị phu nhân ở Nữ Trinh am, nghe nói có chuyện các phu nhân, nên không tiện ra tiễn biệt, chỉ sai Lão Nhi ra gởi lời chào. Vũ Văn Sĩ Cập cùng hai viên thái giám, đem theo ba vị phu nhân được Thiện Hằng thuê sẵn mấy chiếc xe, chưa đầy một tháng đã về gần tới Trường An.
Công Cẩn cùng La Thành, anh em Uất Trì, vẫn ở nhà Thúc Bảo, nghe tin, liền ra đón, thì thấy Mậu Công đến bảo:
– Tần đại huynh, cần phải tìm một nhà công quán nào để cho gia quyến Đậu Công chúa cùng Viên tiểu thứ ở tạm, rồi mới đón về nhà sau chứ?
Thúc Bảo đáp:
– Đậu Công chúa thuở trước ở nhà Đơn nhị ca, kết nghĩa chị em với Ái Liên. Nay mẹ con Ái Liên đều đang ở đây, họ mấy năm nay xa nhau, chi bằng cứ để ở đây, chẳng qua cũng khoảng một hai ngày, vào trình chúa thượng, rồi sẽ làm lễ thành thân, việc gì phải bày vẽ công quán.
Mậu Công thấy nói thế, vội quay về, sai khoảng mười viên gia tướng, cưỡi xe lớn, cùng mấy người đàn bà ra đón ngoài thành. La Thành cùng Công Cẩn, Uất Trì huynh đệ, Tần Hoài Ngọc, người nhà cũng làm một đoàn kéo ra.
° ° °
Lại nói Sĩ Cập, hai thái giám với mọi người về đến mười dặm trường đình ngoài thành Trường An, đã thấy rất nhiều người và ngựa chờ đón, Công Cẩn, La Thành chạy ra thăm hỏi. Công Cẩn lên tiếng:
– Ngoài thành chẳng phải nơi dừng nghỉ lâu. Xin cả hai gia quyến tạm về nghỉ trong dinh Tần đại nhân, ngày mai sẽ vào ra mắt chúa thượng, sau đó hai nhà tính chuyện thành thân.
Sĩ Cập bằng lòng, Kim Đính lại đã cùng Phan Mỹ nhỏ to. Tuyến Nương thấy La Thành ngồi trên mình ngựa, dáng vẻ đường đường, lòng thầm nghĩ: “Hổ thẹn thay cho Tuyến Nương này, được sánh vai cùng người thế này, thì còn gì mà phải băn khoăn nữa”! Thật so với lúc khước từ thật khác xa vậy, rồi lên kiệu lớn. Hựu Lan cũng lên kiệu khác, người ngựa theo sau, như bay vào thành trước.
Gia tướng Từ Nguyên soái cũng đón Tử Yên lên kiệu, người ngựa xúm quanh đi tiếp.
Hai viên thái giám lên tiếng:
– Ba vị phu nhân, xin mời vào tạm dịch quán, chờ chúng tôi vào phục mệnh thánh hoàng, sẽ có người ra đón.
Sĩ Cập vào thành, gặp ngay Tần Vương, đứng lại chào hỏi. Cũng vì Vương Thế Sung vào Thục, vừa tới Định Châu lại làm phản, Tần Vương đang vào thưa với phụ hoàng, nên cả ba cùng Tần Vương vào triều.
Vua Đường lúc này đang cùng Đậu hoàng hậu, Doãn Phi tử, Trương Phi tử và Vũ Văn chiêu nghi xem hoa ở ngư uyển, cả bốn người liền vào ngự uyển. Trương thái giám thưa rõ công việc đầu đuôi vua Đường cả mừng liền hỏi:
– Ba cung phi năm nay tuổi tác ra sao?
Đậu hoàng hậu liền nói:
– Đó đều là thứ của nhà Tùy đã mất. Bệ hạ còn định gọi về làm gì nữa?
Trương thái giám thấy thế liền thưa ngay:
– Lúc Hứa Đình Phụ tuyển vào cung, đều khoảng mười sáu mười bảy, nay tính ra khoảng trên dưới ba mươi tuổi, nhưng ba vị này so với các phu nhân khác thì nhan sắc không bằng.
Trương Phi tử cười tiếp:
– Nay bệ hạ gọi về, làm một tòa Tây uyển, rồi đưa vào trong, thế mới thích ý chứ!
Vua Đường thấy từ lời nói, cử chỉ tất cả đều có vẻ chua chát, liền phải biện bạch:
– Các khanh không phải lo lắng. Trẫm làm việc này, chẳng phải cho trẫm đâu, mà đã có ý định khác hẳn hoi đấy!
Rồi hỏi Tần Vương:
– Các quan trong triều còn bao nhiêu người chưa thành gia thất?
Tần Vương thưa:
– Con thấy còn Ngụy Trưng, La Sĩ Tín, Uất Trì Cung, Trình Giảo Kim, chưa từng vợ con gì cả.
Đậu hoàng hậu hỏi hai thái giám:
– Tuyến Nương cùng Hựu Lan, Tử Yên hiện nay đang ở đâu?
Trương thái giám thưa:
– Cả ba đều đang ở dinh Tần tướng quân. Còn ba vị phu nhân đều đang ở quán dịch.
Vũ Văn chiêu nghi thưa:
– Tuyến Nương vốn là cháu gái của hoàng hậu, sao không gọi cả ba vào ngự uyển này để ra mắt?
Vua Đường liền lệnh cho Lý thái giám ra triệu cả ba vào kiến giá. Lúc này Tần Vương mới trình việc Thế Sung phục phản, vua Đường phán ngay rằng:
– Nghịch tặc phụ ơn như thế, hãy sai ngay tổng quản sở tại đem quân trừ khử ngay.
Chẳng bao lâu, đã thấy Lý thái giám đưa bọn Tuyến Nương vào phục lạy dưới thềm. Vua Đường cho phép bình thân. Tuyến Nương lại gần lạy chào hoàng hậu. Đậu hoàng hậu sai cung nữ đỡ dậy rồi nói:
– Đã lạy chào thánh đế rồi, chẳng cần phải đa sự!
Vua Đường xem ra bọn Tuyến Nương đều đoan trang, thuần hậu, phong thái nhuần nhã, liền phán:
– Cả ba khanh đây, một là bậc hiếu nữ, một là nghĩa nữ, một là tài nữ, so với mọi người thật khác hẳn vậy!
Liền sai cung nữ ban đôn gấm cho ngồi. Đậu hoàng hậu nói với Tuyến Nương:
– Hôm trước khanh có gửi lễ đến, ta đang định tìm vài thứ quý ban cho, thì gặp lúc thánh thượng có chỉ tiến kinh, cho nên chưa gửi.
Tuyến Nương thưa:
– Vài thứ thô lậu, không đáng để thánh mẫu để ý tới.
Đậu hoàng hậu lại khen:
– Khanh vốn nổi tiếng võ nghệ, không ngờ cả văn từ cũng thật tài hoa.
Vua Đường cười:
– Trong tấu chương vừa rồi, ý nhún nhường chị em, có phải là nói cho đẹp lời chăng?
Tuyến Nương quỳ thưa:
– Thực lòng thần thiếp nghĩ vậy, đâu dám quá lời. Lúc ấy La công tử gửi thư cho Tần tướng quân, nhờ Đơn viên ngoại nói với phụ thân thiếp, bị thiếp lấy trộm, chữa thành chuyện La công tử cầu hôn với Ái Liên tiểu thư con Đơn viên ngoại. Không ngờ tiểu thư đã hứa hôn với Tần Hoài Ngọc con trai của Tần tướng quân. Cho nên La công tử lại phải quay về với lời thề cũ.
Vua Đường phán:
– Chuyện cũng qua rồi. Nhưng khanh nói rằng Hựu Lan với La Thành đã cùng ăn ngủ, mà không thất thân, sợ có nói quá ít nhiều chăng.
Tuyến Nương thưa:
– Chuyện này đâu phải chuyện thường mà dám nói bậy trước thánh tôn, xin hoàng hậu lệnh cho cung nữ khám nghiệm, thì thấy ngay hành vi cả hai.
Đậu hoàng hậu tán đồng:
– Việc này cũng không khó!
Liền sai cung nga:
– Đem viên ngọc “Biện minh châu” ra đây!
Cung nga đưa trình, Đậu hoàng hậu gọi Hựu Lan lại gần, cầm viên ngọc màu sắc rực rỡ đủ năm màu, lau qua, là nhè nhẹ mấy lần trên lông mày Hựu Lan nhưng không thấy, lông mày Hựu Lan vẫn kết lại thành đám, mà không hề tán loạn bốn năm phía. Đậu hoàng hậu liền than:
– Đúng vẫn còn là khuê nữ vậy!
Vua Đường hỏi Hựu Lan:
– Khanh là con bé ngốc nghếch, cố chấp, may gặp La Thành là bậc quân tử, thế không thì đã ngọc nát ngói vỡ. Nay thành phu thê một nhà, thật cũng chẳng uổng công vậy!
Hựu Lan vội quỳ lạy tạ ơn. Đậu hoàng hậu, Tần Vương cùng cung nữ đều không nhịn được cười. Vua Đường lại nói với Tử Yên:
– Viên Phi tử giỏi khoa thiên văn, nay về tới Từ Nguyên soái, từ trong đến ngoài khuê phòng đều là bậc lo đời giúp nước cả vậy.
Rồi sai Trương thái giám ra dịch trạm triệu ba phu nhân vào, lại sai nội giám truyền gọi Ngụy Trưng, Mậu Công, Uất Trì Cung, Giảo Kim, còn Lý thái giám thì gọi La Thành, Thúc Bảo, Hoài Ngọc cùng mẹ con tiểu thư Ái Liên vào cả ngự uyển. Lại truyền cho bộ Lễ, làm sẵn mười ba giải hoa hồng, sắp sẵn ban nhạc. Vua Đường cùng Tần Vương ngồi trên đại điện chờ.
Ngụy Trưng, Mậu Công, Uất Trì Cung, Giảo Kim vào quỳ lạy dưới thềm. Vua Đường phán:
– Viên Tử Yên của Từ Nguyên soái đã được gọi đến. Trẫm nghĩ đến đức của Chu Văn Vương ngày xưa, trong không có lời oán của đàn bà, ngoài không có đàn ông ở một mình. Các ngươi lại đều là bậc đại thần có công lớn, mà trong nhà vẫn thiếu người lo liệu, nên sai nội giám tìm được ba mỹ nhân. Nhân nay ngày lành, các khanh hãy gieo quẻ rùa, xem duyên số trời định ra sao.
Ngụy trưng, Uất Trì Cung, Giảo Kim quỳ thưa:
– Chúng thần dẫu gắng tâm lực, vẫn chưa báo được ơn hoàng gia muôn một. Phương chi bốn biển chưa yên, đâu đã dám nghĩ tới chuyện phu thê.
Vua Đường phán:
– Thánh kinh đã dạy: “Phải lo đủ chuyện nhà cửa rồi mới nghĩ đến chuyện cai trị đất nước, ai trị được nước thì mới lo tới bình thiên hạ”.
Tần Vương cũng khuyên:
– Đấy chính là việc giáo hóa của bậc đế vương, cùng với kẻ dưới hưởng phúc lớn, các khanh chẳng nên chối từ vậy.
Vua Đường liền sai cung nhân lấy một cái bình ngọc, rồi tự tay viết tên ba vị phu nhân, viên thành viên tròn, thả vào bình. Ngụy Trưng, Kính Đức, Giảo Kim, thầm khấn trời đất, mỗi người gắp một viên giấy. Ngụy Trưng được Giả phu nhân, Uất Trì Cung được La phu nhân, Giảo Kim được Giang phu nhân. Cả ba quỳ lạy tạ ơn. Trương thái giám dẫn ba phu nhân vào.
Vua Đường hỏi:
– Ai là Giả Tố Trinh, ai là La Tiểu Ngọc, còn ai là Giang Đào?
Từng phu nhân thưa. Vua Đường phán:
– Ba phu nhân đây, tuy chẳng đến quốc sắc thiên hương, nhưng cũng yểu điệu hoa nhường nguyệt thẹn, các khanh chẳng phải băn khoăn. Hãy vào nội cung gặp hoàng hậu, rồi làm lễ hoa chúc động phòng.
Lại thấy cha con Thúc Bảo, cùng mẹ con Ái Liên. Vua Đường riêng miễn lễ cho Thúc Bảo.
– Cha con khanh hãy bình thân!
Nhân chỉ Ái Liên hỏi: :
– Đây phải chăng là mẹ con họ Đơn? Ái Liên đã làm lễ thành thân chưa?
Thúc Bảo thưa:
– Dạ chưa! vua Đường thấy cũng mặt hoa da phấn, nét liễu dịu dàng, ra dáng con nhà đại gia, liền than:
– Thật là thục nữ vậy!
Liền sai nội giám dẫn vào ra mắt hoàng hậu, rồi hỏi Thúc Bảo:
– Vừa rồi Tuyến Nương có nói, từng kết chị em với Ái Liên, đã có thư làm mối cho La Thành, có chuyện này chăng?
Thúc Bảo thưa:
– Tuyến Nương dạo trước có chữa thư của La Thành, nhưng con trai thần từ lâu đã hứa hôn với ái viên. Cũng bởi thần với Đơn viên ngoại vốn kết nghĩa anh em sinh tử, đâu dám thay lời.
Vua Đường nói:
– Nếu đã hứa hôn từ lâu, trai tài gái sắc, sao chưa thành thân?
Thúc Bảo thưa:
– Cũng bởi lẽ Ái Liên muốn chờ làm lễ an táng phụ thân xong xuôi, sau mới lo chuyện gia thất!
Vua Đường tiếp:
– Thế cũng phải lẽ. Nhưng nay trẫm đứng làm chủ hôn, thấy vừa đôi đẹp lứa, lo chuyện gia thất cho con khanh, sau một tháng tứ lệnh về quê an táng phụ thân.
Rồi nói với bọn thị thần:
– Sắc phong Tuyến Nương nhị phẩm phu nhân, còn lại đều phong tứ phẩm phu nhân. Hãy mau tuyên triệu tất cả, cho kịp ngày lành, cùng làm lễ động phòng hoa chúc.
Thị thần nội mời đủ bảy phu nhân. Vua Đường gọi Ngụy Trưng, Mậu Công, Uất Trì Cung, Giảo Kim, cùng Tử Yên, Giả Tố Trinh, La Tiểu Ngọc, Giang Đào, đứng từng đôi một, ban ỗi người một giải hoa hồng. Bốn cặp tạ ơn, chiêng trống cờ quạt rộn ràng, ra khỏi ngự uyển.
Toán thứ hai, Hoài Ngọc cùng Ái Liên, cũng hoa, cũng trâm, ra khỏi sân rồng.
Toán thứ ba, La Thành đứng giữa, hai bên là Tuyến Nương, Hựu Lan, tạ ơn đi xuống sân rồng Vua Đường cười:
– La Thành mừng hơn cả, thật là cùng lúc được cả hai viên ngọc liên thành vậy!
La Thành cùng Tuyến Nương, Hựu Lan tạ ơn:
– Thánh ân rộng rãi không bờ, nhưng thần thiếp Tuyến Nương vốn là họ hàng hoàng hậu, chúng thần xin được tạ ơn, liệu bệ hạ có gia ân?
Vua Đường đáp:
– Đúng lắm!
Đứng dậy thoái triều, dẫn ba vợ chồng La Thành vào hậu uyển bái tạ. Đậu hoàng hậu rất đẹp ý khi thấy La Thành còn ít tuổi mà đã biết lễ, liền ban cho hai cung nữ, hai nội giám, cùng rất nhiều vàng ngọc, lụa là, lại thêm hương xa một cỗ cho hai cô dâu ngồi, rồi sai lấy cả đèn nến hoa chúc bày ở đại điện, cùng ban nhạc đưa ra khỏi nội cung, khắp thành trăm họ dân gian kéo nhau đi xem, ai cũng ngợi khen.
Chẳng biết về sau thế nào, hãy xem hồi tiếp sẽ rõ.