Bạn đang đọc Tùy Đường Diễn Nghĩa – Chương 47: Xem hoa quỳnh, vui tàn, Tùy hết, Chết tiết nghĩa, trâm gãy bình rơi.
Từ rằng:
Hưng vong quay tít,
Tháng ngày thoi dệt
Xuân thu chẳng dừng
Đánh đông dẹp Bắc, anh hùng là đâu
Phương Nam tươi ấm
Cột ngà buồm gấm
Khắp chốn rong chơi
Chiều tà quạ kêu rời rạc
Bờ liễu gió thu nhớn nhác
Hồi tưởng năm xưa
Nhớ quên việc trước
Mộng đẹp qua rồi, một giấc Dương Châu
Khá thương thuở ấy thuở nào
Men hoa ủ rượu, chuốc sầu nghìn năm
Nửa đời hưởng thụ chưa cam
Xương tan vía bạt trong hầm truy hoan
Dễ nhen, dễ bén, dễ tàn
Sầu này, sau nữa, mấy lần cho nguôi
Nhắn ai, ai có tin lời
Thử nhìn dải lụa bên vai… dạ đài.
Theo điệu “Phong lưu tử”
Họa phúc thịnh suy, là chuyện nối theo nhau mà thay đổi, thật đáng nực cười cho kẻ nghĩ rằng do ơn mưa móc của tổ tiên nhà mình mà giữ mãi được giang sơn, chỉ lo đến việc “triêu hoan mộ vũ” hưởng lạc ở nơi nhà quỳnh lầu dao, để cuối cùng ngày khổ bỉ tới, thân mình cũng chẳng toàn, làm bia cười cho nghìn đời.
° ° °
Nay hãy khoan nói chuyện Lý Uyên phát binh khởi đại sự ra một bên, hãy nói chuyện Tùy Dượng Đế ở Vũ Thành, Giang Đô, lại mới xây thêm một cung điện nữa, chẳng kém phần hoa lệ, có thêm hẳn Mê lâu quan nguyệt, với chín khúc hồ uốn quanh, dựng một cầu đá lớn ngay bên lầu. Dượng Đế suốt ngày ở trong Mê lâu quan nguyệt, nếu không ở trên xe rồng, ở sau bình phong, mặc ý dâm đãng, chẳng khác gì một gốc cây lớn, mặc cho cành lá đã xơ xác, nhưng vì gốc sâu rễ chắc, mặc ọi người lay chuyển, búa đao thay nhau bổ chặt, cũng chưa dễ đã đổ ngay. Lại nghĩ sức lực người ta phỏng được nhiêu, lúc nào cũng biếc đón hồng đưa, phi tần mỹ nữ, thời thời khắc khắc dâm loạn, Dượng Đế dẫu thế nào, cũng phải đến lúc tinh lực hao gầy, mệt mỏi vậy.
Một sáng mới ngủ dậy, ngồi bên cửa sổ, nhìn ra bên ngoài, Nguyệt Tân, Giáng Tiên đang đuổi bắt bướm, thì Dượng Đế thấy một nội giám vào thưa:
– Tâu chúa thượng, Phiên Ly quán hoa quỳnh nở rộ, mời chúa thượng ra thưởng ngoạn.
Dượng Đế cả mừng, ra lệnh bày yến tiệc ở Phiên Ly quán, mời Tiêu Hậu cùng mười sáu viện phu nhân cùng tới thưởng ngoạn hoa quỳnh. Chẳng bao lâu, Tiêu Hậu cùng các phu nhân đều có mặt, chỉ riêng Viên Tử Yên ốm nằm ở viện Bảo Lâm không đến. Dượng Đế phán:
– Hoa quỳnh là loại hoa đặc biệt ở Giang Đô này, thiên hạ không có nơi nào có, trẫm xưa nay chưa từng thấy. Nay nghe nói hoa nở rộ, nên đặc biệt mời hoàng hậu cùng các phu nhân đến xem cho biết. Sao Sa phu nhân không thấy đến?
Chu Quý Nhi thưa:
– Lúc thiếp ở viện ra đi, thấy Sa phu nhân nói Triệu Vương bị cảm gió, có lẽ vì thế nên không đến được chăng?
Tần phu nhân ở Thanh Tu viện gật gật đầu, Dượng Đế nói:
– Cảm gió thì có hề gì, hoa quỳnh ít được thấy, sao lại không đến xem.
Quý Nhi thưa:
– Vạn tuế không hiểu được đâu. Trong người Triệu Vương chỉ cần một chút khó chịu, Sa phu nhân cũng trăm phần lo lắng, không làm gì khác đâu.
Dượng Đế vui mừng nói:
– Triệu Vương được Sa phu nhân thương yêu chăm sóc đến thế, thực là không phụ sự ký thác của trẫm vậy.
Liền ra lệnh lên xe, rồi cùng Tiêu Hậu bước lên xe rồng, mười lăm phu nhân cùng các mỹ nhân lên hương xa kéo tới Phiên Ly quán. Bước lên thì thấy trên điện lớn bày đủ Tam Thanh thánh tượng, điện các cao rộng, nhưng phía đông đổ nát, phía tây hư hại, tượng thánh cũng cũ kỹ. Tiêu Hậu dù sao cũng là phụ nữ, thấy quang cảnh đền thánh như thế vẫn cúi xuống bái lạy, Dượng Đế vội ngăn:
– Trẫm cùng khanh đường đường bậc hoàng đế, hoàng hậu, sao lại đi bái lạy các pho tượng gỗ này?
Tiêu Hậu thưa:
– Thần thánh uy nghiêm hiển ứng, người người đều nhờ cậy che chở, bệ hạ cũng nên kính phục mới phải.
Dượng Đế hỏi tả hữu:
– Hoa quỳnh ở đâu?
Tả Hữu thưa:
– Tâu chúa thượng, ở đường sau điện kia ạ!
Vốn cây hoa quỳnh này, do một đạo sĩ có đạo hiệu là Phiên Ly, nhân nói các thứ hoa cỏ của đạo giáo là đẹp hơn tất cả, người xung quanh không tin. Phiên Ly liền lấy một viên bạch ngọc, vùi xuống đất, chẳng mấy chốc, mọc ngay một cây cao, rồi nở hoa chẳng khác gì viên ngọc quỳnh dao.
Cũng bởi vì trồng ngọc mà thành như thế, nên mới gọi là hoa quỳnh. Về sau đạo sĩ bỏ đi mất, xóm thôn thấy giống hoa đẹp, liền dựng ngay Phiên Ly quán ở bên, để ghi nhớ câu chuyện lạ. Gần đây, cây quỳnh này có một cành rất cao, hoa nở như tuyết, phô nhụy tròn trặn, đầy vẻ trinh trắng của bậc tiên phong đạo cốt, hương thơm sực nức, so với các loài hoa hoàn toàn khác xa, vì vậy trở nên nổi tiếng khắp vùng Giang Đô.
Dượng Đế cùng Tiêu Hậu ra sau điện, đã thấy trên cành cao, một đám trắng tinh khiết, hương đưa từng đợt, tỏa khắp người thơm ngát. Dượng Đế hoan hỉ phán:
– Thật là danh bất hư truyền, nay mới thực là thấy cái chưa từng thấy.
Lại gần cây để xem cho rõ, nào ngờ có chuyện không thể lường trước, vừa mới bước xuống thềm sau, bỗng thấy một trận gió hương thơm rất mạnh, Thái giám cung nữ thấy gió lớn nổi, vội vàng lấy quạt che, rồi vây kín lấy Dượng Đế cùng Tiêu Hậu vào giữa, chờ cho trận gió qua đi, mới lại tản ra. Dượng Đế ngẩng đầu nhìn hoa, thì chỉ thấy cánh bay, nhị rụng, từng điểm trắng tinh rơi đầy đất, trên cành am một cánh hoa sót lại cũng khó. Dượng Đế cùng Tiêu Hậu thấy thế, kinh ngạc ngây người. Dượng Đế bỗng nổi giận:
– Trẫm chưa thấy cho rõ ràng, đã rơi rụng cả thế này, có đáng tức giận hay không?
Quay vào trong điện, tiệc yến thưởng hoa đã bày xong hàng hàng lối lối chỉnh tề, hai bên là bọn nhạc công với những đàn sáo sênh phách, thật là đầy đủ, như chẳng biết đến hoa quỳnh đã tan tác hết, cuốn theo cả nỗi vui thưởng ngoạn của mọi người.
Dượng Đế thấy quang cảnh này, lòng càng giận dữ quát:
– Nào có phải gió thổi rụng đâu, mà chính là yêu quái càn rỡ, không muốn cho trẫm xem. Hãy đem chặt ngay đi, để làm gì cho thêm tức tối trong lòng.
Liền truyền chỉ đốn cây. Các phu nhân đều khuyên can:
– Hoa quỳnh khắp trong thiên hạ chỉ có mỗi một cây này, xin giữ lại, sang năm có hoa sẽ lại ngự lãm , nếu đốn đi sợ mất giống.
Dượng Đế vẫn chưa nguôi:
– Trẫm đường đường ở ngôi thiên tử, mà còn không được xem, thì giữ lại cho ai xem. Năm nay mà còn thế, trông mong gì sang năm, nếu dẫu có tuyệt chủng đi nữa, cũng chẳng can gì.
Rồi cứ truyền chặt cây. Bọn thái giám không dám trái mệnh, vội dùng kim qua phủ việt nhất loạt chém đổ cây, bởi vậy sau này thế gian hết giống hoa này, một cành, một mầm nhỏ cũng chẳng còn.
Dượng Đế chẳng buồn dự tiệc rượu, lập tức cùng Tiêu Hậu lên xe rồng, cùng các phu nhân trở về ngự uyển ngay. Dượng Đế nói với Tiêu Hậu:
– Trẫm cùng hoàng hậu xuống thuyền rồng, ngự chơi chín khúc hồ đã, có nên chăng?
Tiêu Hậu thưa:
– Cảnh trời trong xanh, mặt hồ sắc núi, thật đáng nên xem lắm.
Dượng Đế liền sai tả hữu bày yến tiệc trên thuyền rồng, dạo chơi trên chín đoạn hồ mới đào, còn bọn cung nữ đi theo đều cho trở về ngự uyển trước. Dượng Đế, Tiêu Hậu cùng các phu nhân xuống thuyền rồng, vừa uống rượu vừa ngắm cảnh, bên chèo bên chống, chơi đến nửa ngày trời, mới nguôi hứng thú. Dượng Đế lệnh ghé thuyền lên bờ, tất cả lại lên kiệu, lên xe rồng, đi về phía cầu đá lớn, lúc này là thượng tuần tháng tư, đã thấy trăng nhú nửa vành long lanh trên mặt nước. Xe lên tới mặt cầu, cầu vừa cao vừa rộng, đều lát bằng đá trắng vừa bóng vừa sạch như luôn được lau chùi, hai bên đại thụ rủ bóng, dưới cầu cá vàng đủ màu nhởn nhơ bơi thấp thoáng dưới ánh trăng.
Dượng Đế bởi chuyện hoa quỳnh rụng sạch, trong lòng vẫn phiền muộn chưa nguôi, nay thấy cảnh này như được uống một liều thuốc mát mẻ, trong lòng cũng thư thái ít nhiều, lệnh dừng xe rồng, sai đem tới hai cái đôn gấm, cùng Tiêu Hậu ngồi, trải đệm gấm khắp mặt cầu cho các phu nhân ngồi, yến tiệc lại bày ngay ra. Dượng Đế dựa vào lan can cầu, cùng các phu nhân vừa cười nói vừa uống rượu, Tần phu nhân cất tiếng:
– Chỗ này thật đẹp, đúng là cảnh cầu đá liễu rũ, hơn hẳn cảnh buổi ngày.
Tiêu Hậu hỏi:
– Cầu này tên là cầu gì?
Dượng Đế đáp:
– Chưa có tên!
Hạ phu nhân thưa:
– Bệ hạ sao không nhân đêm nay, đặt cho cầu này một cái tên, lưu lại cho đời sau một chuyện lý thú.
Dượng Đế đáp:
– Việc này cũng hay đấy?
Rồi cúi đầu nghĩ ngợi, nhìn quanh đếm xem bao nhiêu người, nói:
– cảnh vật vì có người mà càng đẹp, cổ nhân có Thất Hiền hương, Ngũ Lão đường, đều là lấy số người mà đặt tên. Nay trẫm cùng hoàng hậu, với mười lăm phu nhân, cộng thêm Quý Nhi, Bảo Nhi, Giáng Tiên, Dã Nhi, Hạnh Nương, Thỏa Nương, Nguyệt Tân bảy người nữa, là có hai mươi tư người đây, vậy nên đặt cho cầu này tên là “Nhị thập tứ kiều”, chẳng phải không hay sao!
Mọi người đều hân hoan thưa:
– “Nhị thập tứ kiều”, hay quá? Thế cũng đủ biết bệ hạ nghĩ thật sâu xa, thật rộng lớn!
Rót rượu dâng mời, Dượng Đế vô cùng khoan khoái, uống liền mấy chén, rồi phán:
– Trước đây ở viện Ảnh Văn, trẫm được nghe Hoa phu nhân thổi địch rất là réo rắt, khiến người nghe như ôm sầu ngậm tủi, sao không thổi trẫm nghe.
Lương phu nhân thưa:
– Tiếng địch nên nghe từ xa, mới thấy hết vẻ du dương, uyển chuyển.
Địch phu nhân tiếp:
– Đêm vừa rồi, ngồi ở viện Hạ phu nhân, thiếp nhìn lên Điệp lâu nghe Lý phu nhân cùng Hoa phu nhân, một người hát, một người thổi địch, cả hai đều tuyệt diệu, càng về cuối lúc thì nghe khắp nơi đều vang tiếng địch, lúc lại như chốn chốn vang tiếng ca, thật là lòng say dạ túy, khoan khoái vô cùng!
Tiêu Hậu nói:
– Có những chuyện hay như thế, sao các phu nhân không rủ ta với?
Dượng Đế lại hỏi:
– Các khanh hát khúc gì vậy, lời cũ hay lời mới?
Hạ phu nhân thưa:
– Đó là do Sa phu nhân gần đây một mình lên cầu nhỏ Ngọc Lang, nhân đó mà làm, nên từ lời đến ý đều rất hay.
Dượng Đế vui mừng hỏi:
– Các khanh ai nhớ không? Đọc cho trẫm nghe xem có thông không nào?
Hạ phu nhân bèn đọc:
Ngày xuân cung vắng, vẳng tiếng đàn.
Lơ đểnh kìa ai tóc sỗ sàng
Lạnh buốt tiếng sênh lầu gác ấy
Thì thào, dứt nối, tiếng bay sang
Tơ liễu dài dễ vịn
Vươn tay cuốn bức màn tiên
Gió đông đâu bỗng nổi lên
Lòng vơ vẩn
Lần lữa đổi khác dung nhan
Tin vời không thấy
Lệ khô tràn
Thần ngọc y nguyên, điện các này
Trăng kia còn đó bóng còn đây
Hết dãy núi này, còn dãy khác
Xuân đã về, xuân có tỉnh say?
Trời hè, hè chẳng đổi thay
Tơ trời không rối, sầu nay vẫn sầu
Sông xuân kéo ngược cách nào…
Dượng Đế nghe xong, xuýt xoa khen:
– Sa phu nhân thật đúng là một nữ học sĩ, làm được những tác phẩm toàn bích đến như thế. Chúng ta rót ra hai chén rượu, mời Lý phu nhân cùng Hoa phu nhân uống, rồi nhờ hai phu nhân ra Nguyệt đình ở phía đông cầu này, chúng ta ngồi đây để nghe lời ca tiếng nhạc vậy!
Hai phu nhân thấy ý vua đã như vậy, liệu có chối cũng chẳng xong nào, nên uống cạn ngay hai chén rượu, đứng dậy. Lý phu nhân đưa mắt liếc Địch phu nhân mà rằng:
– Cũng chỉ tại mồm mép nhanh nhẩu của phu nhân mà khiến người khác đứt từng khúc ruột vậy thôi!
Rồi cùng Hoa phu nhân trèo lên xe đi về phía Nguyệt đình. Đình này vừa cao lại vừa được che loáng thoáng bóng cổ thụ, hai phu nhân giở ngọc địch, phách gõ ra, giọng ca trong trẻo cất lên, tiếng địch hòa theo, thật khiến mây quang trời sáng gió lay hoa thẹn, Dượng Đế vừa nghe vừa tán thưởng không ngớt lời.
Tối hôm ấy, mới khoảng mùng bảy, mùng tám, ánh trăng chỉ có một chốc buổi đầu canh. Dượng Đế phán:
– Cây trùm tối um, chúng ta hãy chuyển tiệc rượu vào Nguyệt đình có phải tốt hơn không?
Bèn cùng Tiêu Hậu, các phu nhân chậm rãi lần theo tiếng địch, tiếng ca mà đi tới, gần tới Nguyệt đình, thì bài ca cũng vừa xong. Hai phu nhân trông thấy vội ra khỏi Nguyệt đình đón vào, Dượng Đế nói với Hoa phu nhân cùng Lý phu nhân:
– Lời ca tiếng nhạc từ miệng người đẹp mà ra, khiến người nghe cũng hồn tiêu phách lạc, hai khanh thật là một đôi tuyệt mỹ vậy?
Cung nữ vội vàng xếp dọn, Dượng Đế giục rót rượu mời hai phu nhân, rồi nói với Tiêu Hậu.
– Hôm nay tuy bị yêu nghiệt của hoa quỳnh làm ất hứng, nhưng giờ lại được hưởng những cảnh vui vẻ như thế này, mai kia có nghĩ lại cũng còn thấy thú vị.
Tiêu Hậu thưa:
– Nhờ có tài tuyệt diệu của các phu nhân cả.
Dượng Đế tiếp:
– Trăng lặn rồi, đèn đóm thì chẳng có, làm thế nào bây giờ?
Lý phu nhân khẽ cười thưa:
– Bây giờ mà mang một cây đèn “Huỳnh phượng đăng” của Địch phu nhân tới đây, thì cũng đủ sáng mà lại chẳng cần thắp lửa, thắp đóm gì cả.
Tiêu Hậu vội hỏi:
– “Huỳnh phượng đăng” là cái gì thế?
Địch phu nhân thưa:
– Chỉ là trò chơi thôi mà, có ra cái gì đâu, xin đừng nghe cái miệng hớt lẻo của Lý phu nhân. Trước mặt bệ hạ cùng hoàng hậu mà dám nói bậy, có gì thì tháng sáu may ra mới dùng được.
Dượng Đế cười nói:
– Tốt hay xấu cũng cứ đem ra đây xem sao!
Địch phu nhân nghe nói thế, đành phải sai bọn cung nữ của viện mình:
– Ngươi hãy về viện, ngay trong phòng trang điểm, đem tất cả những “Huyền phượng đăng” đã làm xong ra đây. Rồi bảo cung nữ ở viện bắt được bao nhiêu đom đóm cũng đổ tất vào hộp mang tới đây ngay.
Chẳng bao lâu, cung nữ bưng đến một cái hộp, chăng bằng sợi tơ vàng, đưa cho Địch phụ nhân. Địch phu nhân lấy một cái cần hình mỏ chim Phượng treo lên, rồi bỏ vào đến hai ba chục con đom đóm, đưa trình Tiêu Hậu. Tiêu Hậu cùng Dượng Đế nhìn kỹ, thì thấy bên ngoài được che bằng những cánh con ve mỏng, gần giống hình chim Phượng, phía trên đậy bằng những lớp the mỏng có thêu rất đẹp, đầu chim Phượng được đẽo gọt từ san hô, miệng ngậm một hạt ngọc minh châu, Trông chẳng khác gì đóm sáng của ngọn đèn, tỏa ánh ra bên ngoài, đem treo lên. Hai cánh con chim Phượng kết bằng những cánh ve nhỏ cứ theo gió nhẹ mà khẽ lay động. Dượng Đế nhìn kỹ hồi lâu, khen:
– Địch phu nhân thật khéo nghĩ khéo làm, đúng là đến mức “xuất thần nhập hóa” vậy.
Tiêu Hậu tiếp:
– Đúng là thật khéo tay!
Đưa cho cung nhân, treo cả lên. Ngoài ra lại còn đến bảy tám cái nữa, Địch phu nhân lần lượt bỏ đom đóm vào, đưa cho các phu nhân, cùng treo cả lên, thế là mấy cái “Huỳnh phượng đăng” chiếu sáng cả tiệc rượu. Dượng Đế vỗ tay cười:
– Thật lạ lùng, mấy con đom đóm này đêm nay thật có công. Sao không sai người bắt thêm ít nữa, đem vào trong ngự uyển, tuy chẳng bằng ánh trăng, nhưng cũng có thể sánh được bốn năm phần…
Tiêu Hậu hùa theo:
– Thế thì thật là kỳ quan!
Dượng Đế lại truyền chỉ: phàm các cung nữ cùng nội giám, bắt được một túi đom đóm thưởng ột tấm lụa. Chẳng mấy chốc, cung nữ, nội giám, cả trăm họ nữa bắt được đến sáu bảy chục túi đom đóm, Dượng Đế sai lấy ngay lụa ra thưởng, sai người ra trước đình, sau đình, trong vườn, trước núi thả tất cả đom đóm ra, trông ra chốc lát chẳng khác gì hàng vạn vì sao sáng xanh rơi xuống, chiếu sáng cả bốn chung quanh. Dượng Đế cùng mọi người say sưa nhìn, vỗ tay tán thường, lại nâng chén chúc mừng mãi tới canh ba mới về cung.
° ° °
Nay hãy thôi nói chuyện Dượng Đế ở trong cung đêm ngày dâm loạn, hãy nói chuyện Vũ Văn Hóa Cập, là con của Vũ Văn Thuật, làm tới chức Tả đồn vệ tướng quân, vốn cũng là phường tục tử. Em ruột là Tri Cập, lại là một tay giảo hoạt, đang vào lúc Dượng Đế vô đạo, cũng phường theo nước giỡn sóng, đập phá cho qua ngày, chạy đông ngó tây rồi lại viễn chinh Cao Ly, hết xây nhà chỗ này, làm phủ chỗ kia, lại làm cả lầu gác riêng ở Đơn Dương. Đến khi giặc giã bốn bề, đáng lẽ phải ra sức đánh dẹp, thì chẳng bao giờ làm cả việc cung cấp cho binh lính lương thực, khí giới, cũng chẳng hề lo lắng, vua quan ngồi cả ở Giang Đô, mặc ột ngày kia mất một huyện, ngày qua mất một thành, hôm nay thêm một kho bị cướp, ngày mai lại mất những gì, những gì nữa… vua chẳng hề biết đến, thần chẳng hề nói đến, tất cả chỉ ngày nào biết ngày ấy.
Cho đến khi có tin báo Lý Uyên đã làm phản, đang kéo quân vào cửa quan, các quan tùy giá của Dượng Đế đều chẳng có chủ ý gì cả. Trước tiên là Lang tướng Đậu Hiền, lãnh quân bản bộ bỏ chạy vào cửa quan trước, vua Tùy nghe tin, sai quân chém đầu, nhưng rồi lại thôi, mà đưa về Giang Đô giam cho chết đói. Nhưng rồi trong cảnh cái chết đến chân, cũng phải tìm ình một đường sống, nên Hổ bôn lang tướng Tư Mã Đức Kham, Nguyên lễ trực các Bùi Kiến Thông, Nội sử xá nhân Nguyên Kính, Hổ nha lang tướng Triệu Hằng Khu, Ủng dương lang tướng Mạnh Bính, Huân thị Dương Sĩ Lâm cùng nhau thương nghị:
– Chúng ta đều phải lo mà thoát thân, chẳng có lính tráng nào đuổi theo bọn ta làm gì, dẫu có đuổi theo nữa, thì ta cũng chẳng có gì để mà sợ.
Bọn này chẳng có kế sách gì lạ, chẳng qua là bàn để chạy thoát lấy thân. Trong số này chỉ mỗi Vũ Văn Hóa Cập là khôn ngoan hơn cả thì nói:
– Chúa thượng vô đạo, nhưng uy lệnh vẫn còn, cho nên dẫu có bỏ chạy, chưa chắc đã thoát. Ta xem trời định làm mất nhà Tùy, anh hùng đua nhau nổi dậy. Hiện nay Vũ Văn này cũng có vạn người, chi bằng cùng nhau xúm lại lo việc lớn, đây là chuyện mưu đồ vương bá, nếu mọi chuyện thành công, phú quý ta cùng hưởng vậy.
Ai nấy nhất tề đáp:
– Hay lắm!
Rồi bầu Hóa Cập làm minh chủ, Tư Mã Đức Kham có công chiêu tập mọi người thì làm thủ lãnh, cả hai xếp đặt công việc, ai nấy nghe theo. Trước tiên là lấy trộm ngựa trong chuồng ngựa của Dượng Đế, tìm kiếm khí giới. Hóa Cập lại tìm cách lôi kéo cả Tư không Ngụy Thị, phạm vi càng ngày càng rộng, lời đồn càng ngày càng loang, ngay cả trong cung cấm cũng nhiều người biết. Hôm ấy Hạnh Nương đứng hầu yến tiệc, tâu mọi chuyện cho Dượng Đế rõ. Dượng Đế nghe xong liền lệnh cho Hạnh Nương nói chiết tự chữ “Tùy” để tìm cách tránh tai họa, Hạnh Nương thưa rằng:
– Chữ “Tùy” vốn là quốc hiệu, chỉ có một bên tai, mà lại bịt kín, ở giữa có chữ “công”, chữ “công” này gần giống chữ “vương”, nhưng không phải chữ “vương”, ngoài ra chẳng có chữ nào nữa, cho nên có trốn cũng chẳng thoát.
Lại lệnh cho đoán chữ “trẫm”. Hạnh Nương thưa:
– Chuyển phấn bên phải sang bên trái, thì giống chữ “Uyên”, chỉ vào việc hiện này Lý Uyên đang khởi loạn. Giờ chỉ còn có người xưng trẫm là ngu tối, chẳng chịu thấy gì. Nếu nói thẳng với bệ hạ, thì tháng này rồi chỉ còn tám ngày nữa thôi?
Dượng Đế nổi giận quát:
– Ngươi sẽ chết vào lúc nào?
Rồi lệnh cho đoán chữ “Hạnh”, Hạnh Nương đáp:
– Thiếp sợ chết ngày hôm nay!
Dượng Đế vặn:
– Làm sao ngươi biết?
Hạnh Nương đáp:
– Chữ “Hạnh” gồm các chữ “thập, bát, nhật” chẳng còn cách nào khác, hôm nay chính là ngày ấy, ngày mười tám? 1
Dượng Đế nổi giận dùng đùng, sai chém, từ đó trở đi, chẳng ai dám nói. Dượng Đế thường soi gương, rồi tự hỏi.
– Cái đầu đẹp thế này, đứa nào dám chém?
Rồi lại ngửa nhìn trời sao, nói với Tiêu Hậu:
– Bên ngoài có kẻ đang muốn giết trẫm, nhưng trẫm thì chưa mất Trường Thành Công, hoàng hậu thì vẫn không làm Thẩm hoàng hậu mà! 2
° ° °
Nay lại hãy nói chuyện Vương Nghĩa, từ lâu đã biết mọi việc thế xong, lại ân hận mình là người nước ngoài, chằng có cách nào cứu vớt chỉ có cách đem gia tài giấu giếm. Làm thân với thủ uyển thái giám Trịnh Lý cùng các viên túc vệ giữ cửa cung, đều là tay chân của họ Vũ Văn, để dò la xem bao giờ thì bọn này hành sự. Khi đã biết tin chắc chắn, liền sai ngay Khương Đình Đình, cùng một a hoàn nhỏ tuổi đi một chiếc xe nhẹ vào trong ngự uyển. Bởi Đình Đình ngày ngày vẫn thường ra vào, nên chẳng ai ngăn cản. Đình Đình xuống xe, cùng a hoàn vào thẳng Bảo Lâm viện, thấy cả Tần phu nhân ở Thanh Tu viện, Địch phu nhân ở Văn An Viện, Hạ phu nhân ở Ỷ Âm viện, Lý phu nhân ở Nghi Phương viện đều đang ở đây, lại thêm cả Viên Bảo Nhi, Sa phu nhân cùng Triệu Vương là bảy người cả thảy, đang xúm lại chơi cờ. Sa phu nhân thấy Đình Đình vào, vội hỏi:
– Ngươi hãy ngồi đi! Tin tức ở bên ngoài ra sao rồi!
Đình Đình thưa:
– Xin các phu nhân thứ lỗi, sự thể bên ngoài chỉ chẳng sớm thì chiều, thế mà các phu nhân vẫn ở đây ngồi nhàn cho được. Vương Nghĩa sai thiếp vào đây, hỏi xem ý Sa phu nhân như thế nào?
Các phu nhân nghe thấy thế chỉ ôm mặt khóc, chỉ riêng Sa phu nhân cùng Bảo Nhi là không. Sa phu nhân nói:
– Khóc cũng vô ích! Chị em chúng ta giờ tính chuyện đi đứng ra sao đây?
Tần phu nhân đáp:
– Trước mắt ta đây đều là chị em tâm phúc cả, xin được nghe chỉ vẽ. Mọi người mấy tối trước có nói: “Năm đầu thánh thượng đưa cung nữ vào cung còn vừa phải, cho nên ân tình còn sâu nặng. Giờ thì phía đông cũng là Phật, trời tây cũng là Phật, thánh thượng chẳng còn biết đi đâu nữa?” Chỉ riêng câu này cũng đủ biết ta phải làm gì rồi, chẳng trông mong được vào ai nữa đâu!
Sa phu nhân đáp:
– Ta cũng chẳng có ý gì cả đâu. Ta mà không có Triệu Vương, thì sống cũng có cách sống, chết cũng có cách chết, nhưng nay thánh thượng đem Triệu Vương phó thác cho ta, ta đành chỉ có cách…
Rồi chỉ Đình Đình, nói tiếp:
– Đành chỉ có cách dựa vào vợ chồng họ Vương này thôi. Các phu nhân nếu đã quyết chí xin hãy về ngay viện mình, thu thập mọi thứ rồi đến đây ngay đi!
Các phu nhân nghe nói thế, liền chạy như bay về viện. Duy chỉ có Viên Tử Yên, do biết xem thiên văn, hiểu rõ số nhà Tùy đã hết, từ lâu đã thác bệnh, thu thập tế nhuyễn riêng tư, nằm ở viện Bảo Lâm.
Ba người đang ở đấy tính chuyện thoát thân, thì thấy Tiết Dã Nhi đi thẳng vào, thấy Đình Đình, liền nói:
– Tốt lắm rồi! Ngươi đang ở đây rồi! Vừa rồi Chu Quý Nhi bảo ta đến gặp Sa phu nhân, bên ngoài mọi chuyện gấp lắm rồi, kiếp này thì chẳng còn được gặp nhau đâu. Triệu Vương là ý thánh chúa đã thác gửi, vạn lần xin đừng phụ lòng thánh chúa. Ta cũng chịu ơn dày của chúa thượng, đáng ra cũng nên chết theo chúa thượng mới phải, nhưng rồi Chu Quý Nhi ba bốn lần đinh ninh dặn dò, nên đành phải trộm sống mà theo hộ giá Triệu Vương vậy.
Sa phu nhân nói:
– Ta đang cùng Đình Đình tính toán, bảy tám người như thế này, thì đi làm sao cho được?
Dã Nhi đáp:
– Chuyện này thì không sợ, Quý Nhi cùng với Dã Nhi này đã lo liệu đầy đủ.
Rồi lấy ở trong tay áo ra một đạo thánh chỉ:
– Đây chính là do trước kia định sai người đi Phúc Kiến để tìm hoa lan, tuy viết rồi, nhưng rồi chúa thượng ngày đêm tiệc rượu, cho nên lại chưa làm. Quý Nhi nhân chuyện bảo toàn Triệu Vương, nên lặng lẽ lấy trộm, giao cho Dã Nhi này cùng các phu nhân, tùy đó mà hành sự vậy thôi.
Sa phu nhân rơi nước mắt đáp:
– Quý Nhi đúng là hai lần đều trung trinh, thật đáng phục vậy.
Đang nói thế thì thấy bốn vị Phu nhân, đem theo hành lý bước vào, Sa phu nhân đưa thánh chỉ ra cho các phu nhân xem. Tần phu nhân nói:
– Có được đạo bùa này, chẳng còn lo không đi được nữa rồi.
Tử Yên nói:
– Cứ như ý của Tử Yên này, nên đi làm hai lần thì tốt hơn.
Đình Đình thưa:
– Đã dự liệu cả rồi đây. Mau giả trang cho Triệu Vương thành con gái, đổi quần áo cho con a hoàn này để Triệu Vương mặc, còn a hoàn thì giả làm một tiểu thái giám. Thiếp cùng Triệu Vương ra trước. Còn a hoàn dẫn các phu nhân cải trang theo sau, từ từ ra khỏi cung đến nhà thiếp. Cứ thế này thì chỉ có quỷ thần mới nhận ra được.
Hạ phu nhân nói:
– Chỉ sợ trong lúc gấp gáp như thế này, lấy đâu ra sáu bảy bộ áo thái giám?
Sa phu nhân đáp:
– Chẳng cần các phu nhân phải lo. Ta từ lâu đã trữ sẵn cả đây rồi?
Sa phu nhân mở ngay rương, lấy ra một loạt quần áo thái giám, mới có, cũ có, đủ cả mũ, cả khăn. Các phu nhân vui mừng, lập tức mặc ngay vào. Sa phu nhân đang cải trang cho Triệu Vương, nhìn bốn phu nhân, nói:
– Thật xấu hổ, các phu nhân trên mặt còn đầy những phấn những sáp, sao đã vội ăn mặc ngay vào thế kia.
Các phu nhân đều rũ rượi. Đình Đình thấy Triệu Vương đã cải trang xong, trời đã về chiều, Sa phu nhân lấy một cái hộp vàng, bày rất nhiều hoa vào, đưa cho Triệu Vương bưng, Đình Đình nói với a hoàn:
– Chờ một lát, mày hãy dẫn các phu nhân về nhà!
Rồi cùng Triệu Vương, lặng lẽ ra khỏi viện, lên xe về nhà.
Vương Nghĩa ở nhà, sau khi Đình Đình vào viện, liền chạy ngay đến tìm Trịnh Lý, mời về nhà, chuốc rượu cho đến kỳ say mới cho về. Trịnh Lý say khướt về trông cửa cung, thấy tiểu thái giám bưng quả hoa, lại thấy xe của Đình Đình liền nói:
– Khương nương nương ở trong viện về đây à? Ta vừa ở đường nhà làm một tiệc say với Vương Nghĩa xong!
Đình Đình đáp:
– Đúng rồi! Nhưng cũng còn sớm chán!
Trịnh Lý tiếp:
– Lại thêm cả con a hoàn này để lấy phần hoa quả về sao?
Đình Đình đỡ lời:
– Đấy chính là ơn huệ của các phu nhân ban cho!
Nói rồi, ung dung rời khỏi cửa cung, chưa đầy một dặm, đã về đến nhà. Vương Nghĩa thấy Triệu Vương liền dặn Đình Đình đừng thay quần áo Triệu Vương làm gì, đưa vào giấu ở phòng kín bên trong, rồi chạy ngay khỏi nhà, vào cửa cung nghe ngóng, đã thấy sáu bảy nội giám, suýt soát như nhau, trong đó nhận ra cả a hoàn nhà mình, liền cùng quay về nhà cho nhanh. Các cửa thành, Vương Nghĩa đã giải tiền kết thân từ trước, chẳng ai ra mà bị ngăn trở. Cho nên đến lúc lên đèn, Vũ Văn Hóa Cập kéo lính tráng khởi sự, vào đến cửa cung, thì Vương Nghĩa đã dẫn Triệu Vương cùng các phu nhân ra khỏi cửa thành rồi.
Dượng Đế thường ngày rất sợ mọi người nói chuyện xấu, ai nói ra đều bị giết, nhưng đến lúc này, thì dù ở địa vị Dượng Đế nữa, cùng đã thấy rõ thảm cảnh trước mắt, chỉ đành cùng Tiêu Hậu ngồi ở gác Tây, nhìn nhau mà lo sợ suốt đêm, nghe bên ngoài ồn ào chấn động, tiếng la hét chuyển vang trời đất. Nội giám lúc một lại vào báo:
– Đánh đến nội điện rồi?
– Đồn vệ tướng quân Độc Cô Thịnh chết rồi!
– Thiên ngưu Độc Cô Khai Viễn bị giết rồi!
Bọn lính tràn vào cung, một toán tóm lấy một cung nữ, quát hỏi Dượng Đế ở đâu. Cung nữ khai là đang ở gác Tây, Bùi Kiền Thông cùng Nguyên Lễ chạy thẳng tới gác Tây. Nghe thấy trên gác có tiếng người, biết là Dượng Đế. Mã Văn Cử rút kiếm chạy lên, mọi người ùa theo sau, chỉ thấy Dượng Đế cùng Tiêu Hậu đang ngồi khóc. Thấy mọi người, Dượng Đế nói:
– Các khanh đều là quan thần của trẫm, năm này sang năm khác lộc trọng quyền cao ban cho các khanh, nào có phụ gì, sao lại oán nghịch như vậy?
Kiền Thông đáp:
– Bệ hạ chỉ nghĩ tới hưởng lạc, chẳng nghĩ gì đến kẻ dưới, nên mới có biến hôm nay vậy.
Lại thấy phía sau lưng, Chu Quý Nhi bước ra, chỉ tay vào mặt bọn Kiền Thông:
– Thánh ơn rộng khắp, thế vẫn chưa thỏa lòng sao. Đừng nói tới chuyện bổng lộc quanh năm, chỉ nói tới việc lo lắng cho bọn thị vệ các ngươi ở Đông Đô này, ở đất khách lâu nhớ quê nhà, tình người cô độc truyền chỉ cho cả vùng Giang Đô này, những đàn bà cô quả đều tới cung, để các ngươi tùy ý chọn lựa. Thánh ân đến thế, sao lại bảo không chăm sóc thương yêu, mà nghĩ chuyện loạn nghịch cho đặng?
Dượng Đế tiếp:
– Trẫm không phụ các khanh, chính các khanh đang phụ trẫm!
Mã Đức Kham nói:
– Đúng là chúng thần phụ bệ hạ, nhưng hiện nay cả thiên hạ đều nổi dậy làm phản, hai kinh giặc đều chiếm, bệ hạ chẳng còn chỗ mà về, chúng thần cũng chẳng còn đường sống. Hôm nay đạo nghĩa chúng thần đã đến thế này, có hối cũng chẳng kịp nữa, chỉ xin dược cái đầu bệ hạ để tạ trời đất thôi!
Quý Nhi nghe thế liền lớn tiếng quát:
– Lũ nghịch tặc sao dám nói điên cuồng. Dẫu chúa thượng có thất đức đi nữa, cũng vẫn là đấng thiên tử chí tôn, làm cha trăm họ, mũ áo đường đường danh phận. Các ngươi chẳng qua là lũ thị vệ tiểu quan, sao dám ức hiếp thánh chúa, vọng tướng phú quý, để rồi chịu tiếng phỉ báng loạn thần, nghịch tử của nghìn năm sau?
Kiền Thông thấy nói thế, nổi giận quát:
– Ngươi là con hầu ở bếp, sao dám dẻo miệng báng bổ?
Quý Nhi vẫn lớn tiếng chửi:
– Phản vua, hại chúa chúng bây, cậy có binh quyền trong tay muốn làm gì thì làm sao! Nhà Tùy ơn nghĩa khắp thiên hạ. Chín châu không khỏi có một kẻ trung thần nghĩa sĩ, vì thiên tử mà báo thù quân cần vương sẽ kéo về, lúc ấy thì các ngươi sẽ bị băm làm vạn mảnh, có hối cũng muộn rồi?
Văn Cử cũng đùng đùng nổi giận:
– Con tiện tỳ điên khùng, ngày thường thì mày chau mắt nguýt mê hoặc nhà vua, đến lúc thiên hạ nát tan, cũng nên giết chết tiện tỳ để tạ trời đất!
Kiếm giơ cao, nhằm giữa mặt Quý Nhi mà chém, Quý Nhi vẫn chửi không ngớt, rồi ngã lăn ra nền nhà. Khá thương mình vàng, vóc ngọc thành một đám máu thịt nát tan.
Văn Cử giết Quý Nhi rồi tay cầm kiếm, tay lôi Dượng Đế xuống dưới gác, thì thấy Phong Đức Di đi lên, nói với Đức Kham:
– Hứa Công có lệnh, không cần phải giải hôn quân tới gặp Đức Công làm gì, hãy mau hạ thủ đi.
Tiêu Hậu thấy nói thế, vội lạy van xin mọi người:
– Thưa các vị tướng quân, chúa thượng đúng là vô đạo, nhưng xin hãy nghĩ đến tước lộc lâu nay để chúa thượng xin nhường ngôi lại cho các vị tướng quân, giao lại tất cả ấn tín, cung khuyết, xin các vị giáng làm tam công, cho sống nốt kiếp sống thừa, như thế liệu các vị tướng quân có chấp nhận cho không?
Lại thấy Viên Bảo Nhi hầm hầm giận dữ chạy tới, thấy Tiêu Hậu khóc lóc, một điều tướng quân hai điều tướng quân, liền cười nói với Tiêu Hậu:
– Hoàng hậu việc gì phải khổ sở thế? Đối với lũ giặc này, chúng chẳng có một chút trung quân ái chúa gì cả đâu. Đời nào chúng bằng lòng cho chúa thượng yên ổn nhường ngôi, để rồi lại vẫn cùng hoàng hậu hành lạc cho được?
Lại nói với Dượng Đế:
– Bệ hạ thường ình là bậc anh hùng, đến nước này thì còn lưu luyến tấm thân làm gì nữa mà phải cầu xin lũ phản thần này? Người ta ai không chết? Thiếp giờ đây cũng xin chết trước mặt bệ hạ, cũng coi như là một cái chết xứng đáng. Thiếp xin đi trước, bệ hạ hãy mau mau đi theo?
Văn Cử vội vàng ngăn Bảo Nhi lại, nhưng Bảo Nhi trừng mắt nhìn, lớn tiếng quát:
– Lũ phản thần! Không được lại gần ta?
Vừa nói, vừa rút đoản đao đâm vào cổ, đầu ngửa cao, từ cổ một dòng máu đỏ tươi phun ra như mưa, rồi cả thân hình đẹp như thần tiên ngã vật xuống lan can. Tiêu Hậu thấy thế hoảng sợ chạy vội xuống gác. Dượng Đế thì hồn bay phách lạc, Kiền Thông xốc kiếm định giết. Dượng Đế gào lớn:
– Hãy khoan động thủ, thiên tử có cách chết của thiên tử, hãy đem thuốc độc ra dây!
Kiền Thông đáp:
– Thuốc độc không bằng mũi kiếm, nhanh hơn nhiều. Cái gì mà chẳng xong!
Dượng Đế rót nước mắt nói:
– Trẫm là thiên tử một đời, xin được giữ toàn thân mà chết?
Văn Cử đưa ra một tấm lụa trắng, Dượng Đế khóc mà rằng:
– Trước đây Lý Khánh Nhi ở Phượng Nghi viện nằm mộng thấy trẫm bị rồng trắng quấn cổ, đến nay mới nghiệm đây!
Bọn này liền gọi vũ sĩ tới, nhất tề ra tay, lôi Dượng Đế ra, dùng lụa trắng thắt cổ cho chết. Lúc này, Dượng Đế mới hai mươi chín tuổi.
Người đời sau có thơ điếu rằng:
Tùy gia thiên tử giống đa tình,
Chẳng sống lâu, cốt sướng lấy mình
Hoa lệ mười ba năm mãn thế
Dâm ô nghìn vạn thuở lưu danh
Mê trăng đắm rượu: dân không gốc
Cợt phấn đùa hương: mệnh hết tinh
Còn giận loạn thần tham phú quý
Máu rồng tung tóe khắp cung đình.——————————–
1Hạnh Nương dùng cách “chiết tự” để đoán việc các chữ “Tùy”, “Hạnh”, đã giải thích ngay trên, riêng chữ “trẫm”, thì phải hiểu đó là chỉ chữ “Quang”, tên của Dượng Đế, trong số chữ “Quang”, có chữ có bộ “ấp” ở bên phải gần như chữ “Quảng” của Dương Quảng! 2Trường Thành: Lâu dài, mãi mãi, Thẩm: chìm đắm, ý nói cả hai đều còn được lâu dài. Dượng Đế cố tự huyễn hoặc!