Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 37: Tôn An Tổ thuyết phục Đậu Kiến Đức hết lẽ, Từ Mậu Công kết giao Tần Thúc Bảo buổi đầu.


Bạn đang đọc Tùy Đường Diễn Nghĩa – Chương 37: Tôn An Tổ thuyết phục Đậu Kiến Đức hết lẽ, Từ Mậu Công kết giao Tần Thúc Bảo buổi đầu.


Từ rằng:
Vua sáng suốt hoang dâm hết mực,
Trời cao xanh đùa cợt đầy vơi
Đua nhau một điểm hùng tài
Mịtt mù khói bụi, sáng ngời can qua
Chẳng phân biệt đâu là thật mộng
Rối bòng bong hai giống tình hoài
Huệ lan thơm nức trên đời
Buồn vui tan hợp an bài từ lâu.
Theo điệu “Ô dạ đề”.
Làm khổ trăm họ hơn cả công việc thổ mộc là việc đánh nhau giặc giã. Nó cướp đoạt tài sản, sức lực, tính mạng của dân chúng, làm cho vợ chồng, anh em, họ hàng, mỗi người một nơi, trẻ em mồ côi, đàn bà góa chồng, toàn những chuyện thương tâm, nghe ra đã thấy đỏ mắt, cay mũi.
° ° °
Lại nói chuyện Sa phu nhân sẩy thai, Dượng Đế đem Triệu Vương, đứa con mồ côi mẹ của mình làm con Sa phu nhân, lại sai Vương Nghĩa khắc ngọc tỷ ban cho, thêm nữa, chuyển Chu Quý Nhi sang viện Bảo Lâm, để cùng lo việc chăm sóc Triệu Vương, những mong nghĩ kế lâu dài. Nhưng có thấy đâu rằng, khắp thiên hạ, chúng dân nổi lên như ong, đến nỗi nước mất nhà tan ngay trước mất.
Hãy nói Vũ Văn Chúc, Vũ Văn Khải sau khi được lệnh, lập tức làm văn thư đi khắp chín châu, lấy dân phu, đòi lương tiền, chẳng kể sức dân ra sao, chỉ cốt dùng hình phạt nặng nề để đốc thúc, đến nỗi dân lành chẳng còn đường nào khác là làm giặc cướp. Những kẻ có nhà cửa, gia đình, thì luôn bị bọn tham quan ô lại, mượn gió bẻ măng làm tình làm tội, thuế má nặng nề, lao dịch khổ sở, dầu có muốn tìm chốn Đào nguyên để tránh vạ Tần cũng khó 1.
Lúc này Thôi Nhượng tụ tập ở Ngõa Cương, Chu Sán ở Thành Phụ, Cao Khai Đạo chiếm Bắc Bình, Ngụy Diêu Nhi cát cứ vùng Yên, Vương Tuy Bạt xây đồn lũy ở Thượng Cốc, Lý Tử Thông giữ Đông Hải. Tiết Cử thì vùng Lũng Tây, Lương Sư Đô ở Sóc Phương, Lưu Vũ Chu cố giữ Phần Dương, Tả Hiếu Hữu thì giành vùng Tế Quận, Hách Hiếu Đức ngồi ở Bình Nguyên, Từ Nguyên Lãng xưng vua ở Lỗ Quận, Đỗ Phục Uy tại Chương Khâu, Tiêu Tiên xưng bá vùng Giang Lăng. Bọn này phần lớn cũng đều là quan quân nhà Tùy cũ, tụ tập lính tráng, dân đinh nổi dậy làm giặc cướp, chiếm giữ một vùng. Lại thêm rất nhiều lục lâm, hảo hán, những bậc hiền đức quay về ẩn dật, ngồi đợi thời, chưa xuất đầu lộ diện.
Lại nói chuyện Đậu Kiến Đức, đem con gái cùng đến Nhị Hiền trang ở với Đơn Hùng Tín. Thỉnh thoảng cũng có đi đây đi đó, thường thì một giờ một khắc cũng lâu quá, nhưng nếu gặp tri kỷ, thì hàng năm cũng là ngắn. Hùng Tín vẫn giao kết rộng rãi, thường có bạn bè đến chơi, rủ đi quận này phủ khác, cho nên cũng biết ngay chuyện Tần Thúc Bảo trỡ về sống cuộc đời ẩn dật, phụng dưỡng mẹ già. Biết được việc này Hùng Tín rất vừa lòng, cho nên lại càng thận trọng, chưa muốn ra mặt thi thố với đời vội, vẫn ngồi ở Nhị Hiền trang, cùng Kiến Đức luyện bàn võ nghệ.
Quang âm thấm thoát, Kiến Đức ở Nhị Hiền trang đã được hơn hai năm. Một hôm, Hùng Tín có việc đi khỏi trang, Kiến Đức buồn bã ra cổng trang trại lang thang đi lại, thấy dưới bóng râm của rặng liễu bên đường, năm sáu nông phu ngồi nghỉ, có người đang ăn cơm, trước mặt là một dòng suối trong suốt, một chiếc cầu nho nhỏ bắc qua, phía nam cầu là một nhà sàn chênh vênh. Kiến Đức thong thả qua cầu, đến đứng bên nhà sàn, xem mấy con trâu lội qua suối, lại nghe cả tiếng suối chảy róc rách qua những khe đá, lẫn với tiếng chim hót thật êm ả, thanh bình. Lúc này thì lòng những quên chuyện lợi danh, để vui với cây cỏ chim muông.
Bỗng thấy từ xa, một thanh niên cao lớn đi lại, đầu đội mũ cỏ, mình mặc áo ngắn, vai khoác tay nải, ngực rộng, lộ trần hai tay vạm vỡ. Trên đường có một con chó săn, nhận ra người ở xa tới, xông vào sủa rất hăng. Hảo hán thấy con chó hung dữ, giơ chân đá một cái, vào ngay đùi sau, chó văng ngay xuống giữa dòng suối. Mấy nông phu trông thấy, một người đứng lên la lớn.
– Cái con chó sói này ở đâu đến? Dám đá con chó nhà của ta xuống suối thế này?
Hảo hán đáp:
– Anh không nhìn thấy sao? Sao lại thả rông để cho chó cắn người?
Bác nông phu nổi giận, chạy lại, giơ tay đấm một cú. Hảo hán nhanh mắt, giơ ngay tay ra đỡ, thì đã thấy bác nông phu ngã lăn quay ra đất rồi, vội lồm cồm bò dậy, lu loa. Mấy nông phu thấy thế, xông lại, nhưng đều bị hảo hán đánh cho chẳng khác gì hoa rơi nước chảy.
Kiến Đức đứng xem, hiểu rõ những nông phu của trang trại Hùng Tín đều là những người chỉ biết làm lụng, bị hảo hán đánh quá rát, vội chạy qua cầu lớn tiếng:
– Anh kia ở đâu tới, mà dám giở thói càn rỡ ngang ngược đến thế?
Hảo hán nhìn kỹ Kiến Đức, rồi mừng rỡ:
– Thì ra là Đậu đại ca! Quả nhiên là ở đây thật?
Vội vàng cúi lạy, Kiến Đức hỏi ngay:
– Ta cứ tưởng là ai, hoá ra là Tôn hiền đệ, sao lại lạc bước tới đây?
Hảo hán đáp:
– Tiểu đệ có việc cần phải gặp đại ca, cũng may lại biết đại ca đem lệnh ái đi Phần Dương. Trước đây tiểu đệ có tới Giới Hưu tìm chẳng thấy đâu, may giữa đường gặp một người bạn họ Tề, mách bảo đại ca đang ở Nhị Hiền trang, tiểu đệ cứ tới đó tìm, thế nào cũng gặp. Vì vậy tiểu đệ tìm đến, may mắn lại gặp đại ca ở đây.
Vốn là hảo hán này họ Tôn, tên An Tổ, cùng quê với Kiến Đức, dạo trước An Tổ có ăn trộm một con dê, bị huyện lệnh bắt giam, đánh đập chửi mắng trăm đường, An Tổ cầm dao đâm chết huyện lệnh, chẳng ai dám đứng ra truy bắt. Từ đó mang tên hiệu Mô dương công 2, rồi lẩn trốn trong trang trại Kiến Đức, có đến hơn năm trời. Sau đó gặp chuyện vua tuyển cung nữ, mới mỗi người một nơi, cho đến tận nay. Lúc này Kiến Đức mới bảo An Tổ:
– Kia chính là Nhị Hiền trang!
Rồi chỉ tay ra phía trước:
– Đây chính là Đơn viên ngoại!
Hùng Tín cưỡi một con ngựa to lớn, cùng với bốn năm người theo đang trên đường về trang trại, thấy Kiến Đức, vội nhảy xuống ngựa hỏi:
– Vị này là ai?
Kiến Đức đáp:
– Đây chính là người bạn cùng quê Tôn An Tổ.
Hùng Tín liền cùng Kiến Đức mời vào trong trang trại. An Tổ cúi chào Hùng Tín rồi thưa:
– An Tổ này vốn là kẻ vong mạng, từ lâu đã nghe đại danh của viên ngoại như sét đánh bên tai, nay mới được thấy mặt, thật thỏa nguyện bình sinh.
Hùng Tín đáp:

– May được tiếp quý khách, cũng thấy rõ thịnh tình vậy.
Rồi sai đầy tớ bày tiệc rượu. Kiến Đức hỏi An Tổ:
– Vừa rồi anh bạn trẻ, nói có gặp một người bạn họ Tề, biết rõ ta ở đây, là người nào vậy?
An Tổ đáp:
– Năm ngoái tiểu đệ ở Hà Nam, ngẫu nhiên trong quán rượu, gặp một người họ Tề, tên Quốc Viễn, cũng có vẻ hảo hán ngang tàng, cùng nhau trò chuyện giang hồ, hết lời ngợi ca Đơn viên ngoại trọng nghĩa khinh tài, biết chuyện đại ca, nên mới biết chỗ mà tìm đến vậy.
Hùng Tín hỏi:
– Quốc Viễn giờ hiện ở đâu?
An Tổ đáp:
– Quốc Viễn đi Tần Trung tìm một người tên là Lý Huyền Thúy nào đó. Nói những chuyện này, mới thấy Quốc Viễn quen thuộc khá nhiều các bậc anh hùng hào kiệt, nhất định anh ta mai kia sẽ làm nên sự nghiệp.
Hùng Tín than thở:
– Đường đời thế đấy! Có được mấy đám bạn bè, chẳng ẩn nhẫn được mãi, rồi cũng phải xuất đầu lộ diện thôi!
Tiệc rượu bày ra, mọi người ngồi vào. Kiến Đức hỏi tiếp:
– Anh bạn trẽ hai năm vừa qua đi những đâu? Gần đây cảnh tượng bên ngoài ra sao rồi?
An Tổ đáp:
– Đại ca ẩn ở đây không rõ cảnh thế. Bên ngoài quả không ra đất nước nữa rồi. Tiểu đệ từ biệt đại ca, đi khắp Yên cho đến Sở cho đến Tề, trăm họ bốn phương, thì triều đình làm cho vợ chẳng thấy chồng, cha chẳng thấy con, mỗi người mỗi phương, của tiền tan nát, căm giận thấu xương, chỉ giận chưa kéo nhau làm giặc được để may ra còn sống nổi. Trước mặt, các nơi đều có người chiếm giữ, có nơi là tụ mà chính là tan, có nơi tan mà chính là tụ, nhưng nhìn lại, thì cùng chỉ thấy lợi vong nghĩa, cũng là phường tửu sắc cả thôi. Nếu được bậc huynh trưởng trí dũng kiêm toàn như hai đại ca ở đây đứng ra, xướng nghĩa tập hợp mọi người, anh em bốn phương nhất định sẽ trông gió mà theo cả.
– Vừa rồi anh bạn trẻ, nói có gặp một người bạn họ Tề, biết rõ ta ở đây, là người nào vậy?
An Tổ đáp:
– Năm ngoái tiểu đệ ở Hà Nam, ngẫu nhiên trong quán rượu, gặp một người họ Tề, tên Quốc Viễn, cũng có vẻ hảo hán ngang tàng, cùng nhau trò chuyện giang hồ, hết lời ngợi ca Đơn viên ngoại trọng nghĩa khinh tài, biết chuyện đại ca, nên mới biết chỗ mà tìm đến vậy.
Hùng Tín hỏi:
– Quốc Viễn giờ hiện ở đâu?
An Tổ đáp:
– Quốc Viễn đi Tần Trung tìm một người tên là Lý Huyền Thúy nào đó. Nói những chuyện này, mới thấy Quốc Viễn quen thuộc khá nhiều các bậc anh hùng hào kiệt, nhất định anh ta mai kia sẽ làm nên sự nghiệp.
Hùng Tín than thở:
– Đường đời thế đấy! Có được mấy đám bạn bè, chẳng ẩn nhẫn được mãi, rồi cũng phải xuất đầu lộ diện thôi!
Tiệc rượu bày ra, mọi người ngồi vào. Kiến Đức hỏi tiếp:
– Anh bạn trẽ hai năm vừa qua đi những đâu? Gần đây cảnh tượng bên ngoài ra sao rồi?
An Tổ đáp:
– Đại ca ẩn ở đây không rõ cảnh thế. Bên ngoài quả không ra đất nước nữa rồi. Tiểu đệ từ biệt đại ca, đi khắp Yên cho đến Sở cho đến Tề, trăm họ bốn phương, thì triều đình làm cho vợ chẳng thấy chồng, cha chẳng thấy con, mỗi người mỗi phương, của tiền tan nát, căm giận thấu xương, chỉ giận chưa kéo nhau làm giặc được để may ra còn sống nổi. Trước mặt, các nơi đều có người chiếm giữ, có nơi là tụ mà chính là tan, có nơi tan mà chính là tụ, nhưng nhìn lại, thì cùng chỉ thấy lợi vong nghĩa, cũng là phường tửu sắc cả thôi. Nếu được bậc huynh trưởng trí dũng kiêm toàn như hai đại ca ở đây đứng ra, xướng nghĩa tập hợp mọi người, anh em bốn phương nhất định sẽ trông gió mà theo cả.
Kiến Đức nghe An Tổ nói, đưa mắt nhìn Hùng Tín mà không
Đáp. Hùng Tín lên tiếng:
– Vũ trụ thênh thang, riêng hai chúng tôi, đáng kể vào đâu. Nhưng trời sinh ra thân mình bảy thước, nhất định phải làm nên sự nghiệp oanh liệt, tung hoành một phen, thành bại cũng do mệnh trời cả chỉ khác nhau ở chỗ chữ thời mà thôi vậy.
An Tổ tiếp lời:
– Nếu được hai vị huynh trưởng cứu dân ra khỏi chốn nước lửa, ra cửa một phen. Tiểu đệ hiện có khoảng hơn nghìn người, đang đóng giữ ở Cao Kê Bạc chờ các huynh trưởng tới sẽ hành sự.
Kiến Đức đáp:
– Chỉ khoảng nghìn người thì cũng chưa phải là nhiều, đến lúc làm rồi thì sẽ phải đông hơn, kẻo rồi vua không ra vua, cướp không ra cướp, thì chi cho bằng không ra khỏi cửa còn hơn!
Hùng Tín đáp:
– Ngắm núi cao, thưởng suối trong, nói cho cùng ra cũng không phải thân phận của anh em chúng ta. Việc thành bại cũng khó mà định liệu. Đậu đại huynh đã muốn ra đi, thì đệ Hùng Tín này xin thay lo liệu công việc nhà vậy.
Đang chuyện trò, bỗng có người nhà đến báo tin tức xa gần, Hùng Tín nghe xong, quay lại, đập bàn mà than thở:
– Thật đúng là một tên vua ngu tối, đến bây giờ mà vẫn còn lo tu bổ Trường Thành, lo đem binh đi chinh phạt Cao Ly, chẳng những nhiễu nhương dân chúng, mà còn tự làm nước mất nhà tan à xem. Dù có được Lai Tổng quản tài cán đến đâu chăng nữa, thì nhà lớn đã xiêu, một cây cột khôn chống đỡ. Hôm trước Từ Mậu Công đến đây, Hùng Tín đã nhờ đưa thư cho Tần Thúc Bảo. Nay mà Lai Tổng quản xuất chinh thế này, làm sao mà lại không phiền đến Thúc Bảo cho được, rồi ra Thúc Bảo cũng khó mà ngồi ngắm hoa, nghe chim hót được đâu.
An Tổ tiếp:
– Người xưa nói rất đúng: “Dẫu có trí khôn, không bằng thừa thể”. Nay mà không tìm thấy cách tung hoành, thu phục nhân tâm, để đến nỗi lòng người ngày càng ly tán, tìm nơi tụ tập rồi, thì sẽ không còn đâu thời cơ.
Kiến Đức tiếp:

– Đây cũng không phải chuyện lo gần nghĩ xa. Nhưng quả là có hai việc: Ơn che chở của Đơn nhị ca thật là chu đáo, chưa phải một lúc mà bỏ ngay đất này được, hai là còn cháu gái vẫn phải nhờ cậy Đơn nhị ca, xin phiền nhị ca lo liệu giùm cho.
Hùng Tín đáp:
– Đậu đại huynh nói thế sai rồi! Đại phàm cha con anh em, dẫu có chuyện lợi danh nữa, cũng khó mà có thể ngăn cách dược. Huống chi chuyện bạn bè sum họp, chia tay, lại thêm lệnh ái cùng với cháu trong nhà thân thiết quá ruột thịt, con của đại huynh cũng là con của Hùng Tín này. Đại huynh cứ đi trước, công việc thành bại ra sao, về đây đón lệnh ái cũng chưa muộn. Còn về phía Hùng Tín này, nếu có chuyện thay đổi, thì sẽ đưa lệnh ái đến tận chỗ đại huynh, xin cứ yên lòng.
Kiến Đức nghe nói thế, cũng ứa nước mắt, nghẹn ngào nói:
– Nếu được như vậy, cha con Kiến Đức này xin ghi xương khắc cốt vậy!
Chí đã quyết, Kiến Đức thu thập hành lý, dặn dò con gái, cùng với Hùng Tín say sưa chuyện trò suốt đêm. Sáng ngày ra, Hùng Tín lấy hai gói bạc, một gói năm mươi lạng, giao tặng Kiến Đức, một gói hai mươi lạng, đưa tiễn An Tổ. Cả hai từ tạ lên đường.
Chính là:
Lòng dạ anh hùng sáng tựa sao
Gặp nhau bèo nước chẳng rời đâu
Những phường xảo quyệt, vô nhân nghĩa
Chẳng thể giao du đến bạc đầu.
° ° °
Nay lại nói tiếp chuyện Tần Thúc Bảo, từ ngày bị Ma Thúc Mưu đuổi về, chuyển ra ở ngoài thành Tế Châu, ngày ngày tưới hoa trồng trúc, sống trong cảnh thanh nhàn, thấm thoát đã hơn một năm trôi qua. Một hôm đang lững thững dạo chơi phía ngoài vườn, dưới gốc một cây du lớn, đưa mắt nhìn ra phía bãi trước thấy một hảo hán dung mạo khôi ngô, dáng vẻ đàng hoàng, dắt một con ngựa, đội một chiếc nón lá đi về phía Thúc Bảo lễ phép hỏi:
– Xin chỉ giùm tiểu đệ Tần gia trang đi lối nào?
Thúc Bảo bèn hỏi:
– Hiền đệ người ở đâu đến? Tìm Tần gia trang có việc gì?
Hảo hán đáp:
– Tiểu đệ là người nhà của Đơn viên ngoại ở Lộ Châu, được sai đem thư đến Tần Thúc Bảo ở Tế Châu, hỏi thăm đều được chỉ đã dọn nhà ra vùng này.
Thúc Bảo vội nói:
– Hiền đệ định tìm Thúc Bảo, thì chính là tiểu đệ rồi vậy!
Rồi cùng hảo hán dắt ngựa vào nhà. Hảo hán cởi nón lá, xốc lại quần áo. Thúc Bảo cũng vuốt lại áo ngoài, cùng nhau làm lễ lạy chào. Hảo hán lấy thư đưa. Thúc Bảo mở ra xem, thì đúng là thư của Hùng Tín, lâu ngày cách mặt, biết chuyện Thúc Bảo rời khỏi Thư Dương về quê nên viết thư hỏi thăm tin tức. Cuối thư lại giới thiệu hảo hán cầm thư, là Từ Thế Tích, tự Mậu Công, người vùng Ly Hồ, gần đây cũng là bạn “bát bái chi giao” của Hùng Tín, nhân Mậu Công đến Hoài Thượng thăm người thân, nên Hùng Tín nhờ đến thăm Thúc Bảo. Thúc Bảo xem xong, nói:
– Hiền đệ đã là bạn bè của Đơn nhị ca, thì cũng chính là bạn của Thúc Bảo này vậy.
Liền sai bày bàn, thắp hương, làm lễ kết giao huynh đệ, thề cùng sống chết. Sau đó dọn tiệc rượu cùng ngồi. Hào kiệt gặp hào kiệt, chuyện lập tức thân mật đầy vẻ thân thiết. Thúc Bảo rất mừng, mấy lần sai lấy thêm rượu, thức nhắm. Lúc to, lúc nhỏ, cùng nhau bàn chuyện người đời, thế sự.
Rượu đã ngà say, Thúc Bảo vốn có ý ngại Mậu Công tuổi còn ít, giao du chưa nhiều, hiểu chưa rộng nên hỏi thêm:
– Mậu Công hiền đệ, hiền đệ ở chỗ Đơn nhị ca lại đây, có thấy bậc anh hùng nào đến Nhị Hiền trang không?
Mậu Công đáp:
– Tiểu đệ tuổi chưa nhiều, nhưng cũng đã thấy lắm sự đời, nghe lắm tình người. Chúa thượng thì đến cha đến anh cũng giết, đạo lớn chẳng vững, nói gì đến chuyện tu dưỡng luân thường, thi hành nhân nghĩa mà chỉ chú trọng những việc thổ mộc, xây đắp Đông Kinh, đào sông khơi ngòi. Từ Trường An cho chí Dư Hàng, đất trời như đảo lộn, dân chúng đói rách, từ hàng dặm lũ lượt kéo tới để phu dịch, năm này chất năm khác, dẫu có về được thì vườn cũ, ruộng xưa đã hoang tàn, còn sức lực đâu mà khai phá, chỉ còn cách tụ tập nhau ở hang núi, cùng nhau làm giặc. Chúa thượng ngày càng hoang dâm xa xỉ, ngày hôm nay thì từ Đông Kinh ngự chơi Giang Đô, ngày mai lại từ Giang Đô ngự về Đông Kinh. Lại còn muốn tu bổ Trường Thành, ngự du Hà Bắc, chẳng lúc nào xa giá chịu yên, việc cung đốn, thiên hạ làm sao chịu nổi. Bọn gian thần, sớm tối còn ngang ngược trăm phần, đón ý vua để làm điều ác nghiệt. Chẳng cần đến bốn năm năm nữa, chín châu sẽ đại loạn, chính vì vậy mà tiểu đệ cũng muốn tìm cách kết giao với các bậc hảo hán, tìm cho kỳ được minh chủ. Cứ như con mắt của tiểu đệ thì các bậc như Đơn nhị ca, Vương Bá Đương, đều có thể là những vị tướng giỏi. Nhưng nếu nói tới việc bàn mưu tính kế nơi màn trướng, quyết thắng ngoài nghìn dặm, thì sợ chưa đủ tài. Còn ngoài ra thì không thiếu hạng ếch ngồi đáy giếng, chứ bậc minh quân thì quả là tiểu đệ chưa từng được gặp vậy. Kẻ này người khác, nhân thời mà chiếm cứ nơi nọ chỗ kia, nhưng sợ rồi đến cái đầu mình cũng chẳng giữ nổi. Đáng buồn thay, bậc minh quân vẫn chẳng thấy đâu!
Thúc Bảo nói:
– Hiền đệ đã gặp Lý Huyền Thúy chưa?
Mậu Công đáp:
– Tiểu đệ cũng đã gặp. Huyền Thúy rõ là kẻ hơn người, nhiều thông minh tài chí, lại dũng lược, biết lấy lễ mà kết giao với bậc hào kiệt, thật đáng là bậc anh hùng đời này. Nhưng thực ra thì quá ỷ vào tài năng của mình, không tin kẻ khác. Mà theo ý của tiểu đệ một vị minh chủ mở nước, khó không phải ở chỗ hạ mình để chiêu nạp nhân tài mà cái chính là ở chỗ biết dùng họ, biết quý cái mưu lược, tính toán của kẻ khác, chứ không phải chỉ khư khư ở tài chí của mình.
Cho nên nếu đặt ở ngôi chân chúa, thì Huyền Thúy sợ rằng cũng chưa xứng, Đại huynh có thấy thế chăng?
Thúc Bảo vẫn hỏi:
– Cứ như hiền đệ nói, thì tài năng của bậc tướng quân, thì xứng đáng hơn cả có lẽ là bạn thân của tiểu đệ: Trình Tri Tiết ở Đông A, vừa khỏe mạnh, vừa dũng cảm. Trước đây, Lý Dược Sư có nói chuyện với tiểu đệ: “Vượng khí hiện rõ ở vùng Thái Nguyên”. Nên Dược Sư cũng đang ở vùng này tìm kiếm. Còn như tiểu đệ với hiền đệ thì thuộc loại người nào?
Mậu Công cười đáp:
– Thì cũng chỉ là bậc hào kiệt một thời. Ra trận giữ thành, chiếm đất, tiểu đệ không theo được đại huynh. Tính kế bày mưu, đại huynh lại không bằng tiểu đệ. Nhưng đều là những kẻ phò tá chân chúa, lập công một thuở, nên đều phải tìm chân chúa mà thờ. Chứ không thể có tài năng đứng đầu vậy.
Thúc Bảo tiếp:
– Người tài trong thiên hạ nhiều lắm, nhưng cứ như lời hiền đệ, thì chỉ có vậy thôi à?
Mậu Công đáp:
– Đúng là hào kiệt trên đời nhiều thật, tầm mắt chúng ta có hạn, nên phải còn xem xét thêm nhiều. Nhưng nếu bàn tới bậc tướng sĩ thì vẫn còn có thể trông cậy vào lớp trẻ phía sau. Mới rồi tiểu đệ có thấy một trong những người này; không biết đại huynh có biết không?

Thúc Bảo hỏi:
– Người nào thế?
Mậu Công đáp:
– Trên đường tìm đến đây, tiểu đệ qua thôn trước mặt, gặp lúc hai con trâu đang húc nhau, chắn ngay giữa đường. Tiểu đệ bèn dừng ngựa bên cạnh đứng nhìn, thấy có một đứa trẻ, bất quá mười tuổi, chạy đến gào lớn: “Đồ súc sinh, không được húc nhau, mau mỗi con mỗi ngả ngay!”. Hai con trâu vẫn không chịu nghe, bốn sừng vẫn như quấn lấy nhau, đứa trẻ liền nạt tiếp: “Ra ngay!”. Rồi mỗi tay túm sừng một con, hai chân xoãi rộng. Lập tức mỗi con một phía. Đứa trẻ liền nhảy lên lưng một con, thổi sáo đi mất. Tiểu đệ đang định hỏi họ tên, thì thấy phía sau có một đứa trẻ khác chạy tới gọi: “Anh họ La kia ơi! Làm sao mà sừng trâu nhà em gãy mất một nửa thế này?” Vì vậy tiểu đệ biết được đứa trẻ này họ La, chăn trâu ở đây, nên nhà có lẽ cũng chẳng xa đâu. Nó đã có sức lực như vậy, nếu có người bảo ban võ nghệ, nhất định sẽ trở thành một võ tướng tài năng.
Đâu chẳng có người tài,
Chưa biết nhau đấy thôi
Đánh thành rồi cướp trại
Lưới thỏ dễ tìm tòi.
Hai người tâm đầu ý hợp, cầm tay dài ngắn trò chuyện suốt ba ngày trời, Mậu Công vì đã quyết ý đến Ngõa Cương xem Địch Nhượng động tĩnh ra sao. Thúc Bảo bèn sắm quà hậu đưa tiễn, viết thư phúc đáp Đơn Hừng Tín, thêm một thư nhờ Hùng Tín chuyển cho Ngụy Trưng. Nâng chén từ biệt, cả hai ân cần dặn dò, nếu gặp được minh chủ, tiến dẫn lẫn nhau, để cùng lập nghiệp.
Thúc Bảo đưa tiễn xong, lững thững quay về, thấy từ ven rừng tiếng la hét ồn ào, một toán trẻ con có đứa mười bảy, mười tám, cũng có đứa khoảng mười lăm, mười sáu, mười hai, mười ba, kể cả có đến ba bốn chục. Sau rốt là một đứa khoảng mười tuổi. Trên người mỗi một chiếc quần rách, mình để trần, hai tay nắm chặt, mất long lanh tròn xoe, chạy theo đuổi đánh bọn này. Bọn này có đứa lấy đất đá ném túi bụi, đứa trẻ này mặc cho đất đá trúng người, vẫn lau xả vào bọn kia. Thúc Bảo thầm nghĩ: “Đây có lẽ chính là đứa bé Mậu Công kể hôm trước chăng?”.
Hai bên ẩu đả, một đứa trong bọn bị đuổi riết chạy về phía Thúc Bảo ngã sóng soài. Thúc Bảo đỡ dậy hỏi:
– Này cháu, thằng bé kia là con nhà ai mà dữ tợn thế?
Đứa bé ngã vừa khóc vừa nói:
– Đó chính là thằng ở chăn trâu cho nhà Trương Thái Công. Ngày ngày đều đóng vai tướng quân, bắt chúng cháu hầu hạ. Nó thì nằm trên bãi cỏ ngủ suốt, bắt chúng cháu thay nhau chăn trâu cho nó. Không chịu chăn thì nó đánh. Hầu hạ không vừa ý, cũng bị nó đánh. Chúng cháu đánh không lại, nhưng cũng không chịu hầu hạ nó được nên đã nhiều lần rủ nhau đánh lại nó, có cả nhiều đứa hơn nó sáu bảy tuổi, vẫn không làm gì được, nên rồi vẫn phải nghe nó sai phái.
Thúc Bảo nghĩ: “Mậu Công nói thằng bé họ La, đường này lại là người họ Trương. Hay lại là đứa ở chăng?”. Rồi chạy lại, nắm tay thằng bé kia, bảo:
– Chú em hãy từ từ xem nào!
Thằng bé giương to hai mắt hỏi:
– Can hệ gì đến bác. Nó họ hàng gì với bác mà bác định giúp nó một tay chăng ?
Thúc Bảo nói:
– Ta không muốn đánh nhau với chú em đâu, mà chỉ muốn hỏi chú em vài câu thôi.
Thằng bé đáp:
– Nếu muốn nói chuyện gì, hãy đợi cháu cho thằng bé tóc vàng này một trận đã.
Nói rồi cố giằng tay ra kỳ được, nhưng làm sao mà thoát khỏi tay Thúc Bảo.
Đang giằng co, thì thấy bọn trẻ vỗ tay reo ầm:
– Tới rồi! Tới rồi!
Rồi một ông già bước tới, nắm lấy trái đào của thằng bé mà kéo. Thúc Bảo nhận ra Trương xã trưởng ở thôn trước. Trương xã trưởng lớn tiếng mắng:
– Bảo mày chăn trâu, trâu chẳng chăn, chỉ chuyên đánh nhau. Từ nay trở đi thì ngồi ở nhà thôi, chứ còn cứ đánh con nhà người ta thế này, ngộ nhỡ xảy chuyện gì, ta làm sao mà cáng đáng nổi?
Thúc Bảo lên tiếng khuyên giải:
– Xin thái công nguôi giận, đây liệu có phải lệnh tôn chăng?
Trương xã trưởng đáp:
– Chúng tôi nào có con cháu thế này. Đây chính là con ông láng giềng La Đại Đức, vợ con đều chết, chỉ còn mỗi thằng này. Đại Đức bị bắt đi đào sông, đem thằng này nhờ lão cai quản hộ. Cơm nước nuôi trong nhà, rồi ngày ngày chăn trâu. Gần đây nghe nói Đại Đức đã chết ở chỗ đào sông, lão đành phải nuôi thằng báo hại này vậy.
Thúc Bảo nói:
– Chuyện này không có gì đáng ngại. Thái công cứ để thằng bé này cho Tần Thúc Bảo, tiền thuê đã trả bao nhiêu, xin trả lại đủ cho thái công.
Trương xã trưởng đáp:
– Cũng chẳng có thiếu đồng xu nào đâu. Tần đại ca đã muốn nuôi, thì xin cứ nhận cho. Nhưng mai kia có xảy ra chuyện gì, xin nhớ kỹ cho là lão đây không có tội lỗi đâu nhé.
Thúc Bảo cười:
– Chuyện này thì thái công đừng ngại. Nhưng không biết chú em có bằng lòng không?
Thằng bé họ La quay lại hỏi Trương xã trưởng:
– Thái công định giao cháu cho người này sao, làm sao mà đi với người không quen biết gì cả cho được?
Trương xã trưởng quát:
– Cai quản mày không được, lão chỉ ôm lấy bực mình suốt ngày này sang ngày khác.
Nói xong bỏ đi, Thúc Bảo nhỏ to:
– Chú em đừng lo lắng gì cả. Ta là Tần Thúc Bảo, trong nhà không có anh em, chỉ có mẹ già cùng vợ, một con trai nhỏ, nên cũng muốn kết anh em với chú, cứ về nhà ta rồi sẽ xong cả thôi.
Họ La bỗng sáng mắt nói:
– Bác chính là Tần Thức Bảo sao. Cháu là La Sĩ Tín, ngày thường cháu vẫn nghe người trong thôn nói bác bỏ quan về ở đây, lại kể bác rất giỏi võ nghệ, dùng thương, múa giản rất điêu luyện. Nếu được bác thương đến cảnh bố mẹ mất, anh em không mà bảo ban cho, đừng nói tới việc kết giao anh em khác họ, mà dẫu có làm tôi tớ, cháu cũng tình nguyện theo ngay.
Rồi định cúi lạy, Thúc Bảo vội giơ tay cản lại:
– Đừng chào lạy vội, hãy chờ về nhà, trước tiên hãy gặp mẫu thân, rồi sau sẽ làm lễ kết giao cũng chưa muộn.
Thúc Bảo đưa Sĩ Tín về nhà, trình mẫu thân, rồi sai Trương Thị tìm một bộ quần áo ngắn cho Sĩ Tín mặc. Sĩ Tín lạy chào Tần mẫu, thưa:

– Cháu lúc nhỏ cũng chẳng có mẹ, nay được có lão mẫu đây, thật là mẹ của cháu vậy.
Rồi đốt nến thắp hương, làm lễ kết nghĩa, bái lạy tám lạy, để rồi từ lúc ấy gọi Tần mẫu là mẫu thân. Sau nữa cùng Thúc Bảo, mỗi người vái bốn vái, nhận nhau là anh em, xưng là đại huynh, tiểu đệ. Cuối cùng, lạy chào Trương thị, nhận làm chị dâu, Trương thị cũng coi như em trai vậy.
Đại phàm sức lực, khí huyết người ta, khi không có chỗ dùng, thường phải tìm những việc bậy bạ để khuây khỏa, phát tiết. Nay có chỗ thi thố, thì chuyên tâm gắng sức làm cho tốt, nên bao tính cách ngang ngược đều như mất đâu cả. Người ta không gặp kẻ bảo ban dạy dỗ, thì rồi cũng đến uổng phí cả năng lực, nay như thép gặp lò, khi gặp thầy dạy giỏi, tự nhiên thuần phục, chịu cho sai bảo, vì vậy từ một La Sĩ Tín ngang dọc, biến thành một người nền nếp, chăm chỉ. Thúc Bảo ngày ngày dạy cho võ nghệ, sớm tối rèn luyện, mỗi giờ mỗi hơn.
Một hôm Thúc Bảo cùng Sĩ Tín đang tập luyện trên sân, thấy một kỳ bài quan, cưỡi ngựa, mình ngựa còn đầm đìa mồ hôi, tới gần, lên tiếng hỏi:
– Đây có phải là Tần gia trang chăng?
Thúc Bảo đáp:
– Đại nhân hỏi Tần Thúc Bảo chăng?
Kỳ bài quan đáp:
– Đúng, cần gặp Tần Thúc Bảo!
Thúc Bảo nhận:
– Thúc Bảo chính là tiểu nhân đây!
Rồi bảo Sĩ Tín dắt ngựa, mời vào nhà. Kỳ bài quan vái chào xong, lên tiếng:
– Vâng lệnh của Hải đạo đại nguyên soái, đem theo tướng lệnh, đến mời tướng quân làm tiền bộ tiên phong.
Thúc Bảo không cầm tướng lệnh, chỉ đáp:
– Tiểu nhân cũng vì có mẹ già tuổi cao, nhiều bệnh, nên về ẩn ở đây không ra nhận quan chức đã lâu. Ngày ngày cày cuốc, gân sức hao mòn, sao có thể gánh vác được trọng trách này.
Kỳ bài quan nói:
– Tướng quân không nên chối từ. Trọng trách này bao nhiêu người ước mơ mà không được, chẳng nói đến chuyện thê phong tử ấm, chỉ nói tới chuyện lương tiền, lộ phí cũng đủ để cả nhà phú quý. Tướng quân lại càng không nên phụ tình sâu nghĩa nặng của Lai Nguyên soái, ngu ý của hạ quan này là thế.
Thúc Bảo đáp:
– Quả thật là mẹ già tuổi cao sức yếu!
Rồi dọn cơm rượu thết đãi kỳ bài quan, lại đưa tặng hai mươi lạng bạc làm tiền lộ phí, viết thêm một lá thư, nhờ kỳ bài quan nói thêm ít nhiều. Kỳ bài quan thấy Thúc Bảo kiên quyết, đành lên ngựa ra đi.
Vốn là Lai Tổng quản sau khi nhận được sắc chỉ của vua Tùy, liền nghĩ: “Từ Đăng Lai tới Bình Nhưỡng, cả đường thủy lẫn đường bộ, dẹp cướp chống giặc, nhất định phải có được một võ tướng hơn người. Tần Quỳnh vốn có sức khỏe vạn người khôn địch, cử làm tiền bộ, thì chẳng còn điều gì đáng phải lo ngại”. Liền sai kỳ bài quan đi mời, không ngờ thấy kỳ bài quan về thưa:
– Tần Quỳnh viện cớ mẫu thân bệnh tật già nua không chịu nhận chức, xin về trình nguyên soái rõ.
Lai Tổng quản xem thư xong liền nói:
– Tần Quỳnh chỉ vịn chuyện mẹ già, không chịu nhận chức, nhưng từ xưa muốn có trung thần, phải cầu ở cửa nhà con hiếu. Tần Quỳnh đã không phụ mẹ già, há lại có thể phụ chủ hay sao. Huống chi ta hiện nay đang không thiếu dưới trướng một người như Tần Quỳnh được.
Lai Tổng quản lại nghĩ thầm: “Ta đã có cách này!” Liền viết một phong thư, nói với kỳ bài quan:
– Ta sai ngươi đến phủ Trương Quận thừa ở Tế Châu, nhờ đến khuyên Tần Quỳnh nhận chức mới xong.
Kỳ bài quan lại lên ngựa, đến Tế Châu vào phủ Trương Quận thừa.
Viên Quận thừa này vốn họ Trương, tên Tu Đà, là người trung hậu, văn võ toàn tài, có lòng thương dân, kính trọng hiền tài, xứng đáng là bậc hào kiệt trong đời. Xem xong thư của Lai Tổng quản. Tu Đà lại hỏi kỹ thêm mọi chuyện qua kỳ bài quan, từ lâu đã nghe tiếng Thúc Bảo là bậc anh hùng, nay thấy Thúc Bảo lại giữ ý không chịu nhận chức, thấy rõ Thúc Bảo không những có tài, mà còn có phẩm cách hơn người. Liền sai đem ngựa, tìm đến Tần gia trang ngay. Được người nhà báo cho biết Trương Quận thừa tới thăm, Thúc Bảo cũng vì thấy đây là quan bản quận, không tiện gặp mặt, cho nên sai nói thác là không có nhà. Trương Quận thừa liễn xin gặp Tần mẫu, Tần mẫu đành phải ra tiếp. Sau khi chào lễ, Trương Quận thừa lên tiếng:
– Lệnh lang vốn dòng dõi tướng môn, anh hùng hơn người. Nay quốc gia hữu sự, là lúc kiến công lập nghiệp, sao lại chối từ không nhận chức?
Tân mẫu đáp:
– Cháu nhà chỉ sợ mẹ già bóng xế cành dâu. Trong người cháu lại cũng có bệnh, nên không dám mãi theo đòi việc quân.
Trương Quận thừa cười:
– Phu nhân tuy tuổi cao, nhưng tinh thần vẫn sáng suốt, hà tất quá quyến luyến. Còn như bệnh tật, thì làm kẻ trượng phu, nên chọn cách chết da ngựa bọc thây, chẳng hơn là nằm trên giường bệnh, trong vòng tay đàn bà hay sao. Phu nhân chẳng nghĩ đến tấm gương mẫu thân Vương Lăng sao? 3 Nếu phu nhân đã dạy, thì lệnh lang thế nào chẳng phải nghe. Ngày mai, hạ quan lại sẽ xin đến gặp vậy!
Nói rồi đứng dậy ra về.
Tần mẫu liền nói với Thúc Bảo:
– Khó mà không nghe Trương Quận thừa cho được, con lại phải đi một chuyến thôi. Chỉ nhờ trời phù hộ, công thành danh toại, rồi lại được về sum họp với gia quyến!
Thúc Bảo vẫn trù trừ không quyết, Sĩ Tín liền khuyên:
– Chuyện bình Liêu này, với tài cán của đại huynh, nhất định sẽ thành công, công việc trong nhà đã có chị cáng đáng. Giặc cướp giờ nhiều như ong như kiến, nếu không Sĩ Tín này cũng xin theo giúp đại huynh một phen, nhưng cũng xin ở nhà, trông coi cửa ngoài, bọn trộm cướp tất không dám bén mảng đâu!
Ba người bàn định xong xuôi, ngày hôm sau, Thúc Bảo lại sợ Trương Quận thừa lại đến, thì thật khó nói, nên vội vào thành, nai nịt gọn gàng, vào phủ gặp Trương Quận thừa. Quận thừa cả mừng, gọi kỳ bài quan, đem tướng lệnh giao ngay cho Thúc Bảo. Quận thừa lại sai mang ra hai gói bạc lớn: một gói để Thúc Bảo làm lộ phí lên đường, một gói để Thúc Bảo phụng dưỡng mẹ già. Thúc Bảo không dám chối từ, xin cáo biệt ra về. Quận thừa còn cầm tay căn dặn.
– Với tài năng của hiền huynh, lần này nhất định “Mã đáo công thành”. Binh tướng Cao Ly tuy ít, nhưng hay dối trá, nên phải chia quân ra mà đóng giữ. Đường ven biển binh tướng càng ít hơn, hiền huynh lại đi tiền bộ, nhớ đừng giao chiến ở vùng sông Liêu Thủy, áp Lục Giang. Duy chỉ có sông Bối Thủy, cách Bình Nhưỡng không xa, vốn là quốc đô của Cao Ly, phải nhân lúc không phòng bị mà đánh thẳng vào. Lúc này địch có quay về, thì cả hai cánh thủy bộ cùng hiệp lực nhất định sẽ thắng.
Thúc Bảo đáp:
– Những lời chỉ giáo sáng suốt của đại nhân, xin nhớ kỹ?
Rồi cảm tạ ra khỏi phủ, về sắp xếp việc nhà, chuẩn bị hành trang, cùng kỳ bài quan lên đường. Sĩ Tín tiễn đến hai ba dặm đường, căn dặn đủ điều, kẻ đi người ở rồi mới quay về.
Thúc Bảo cùng kỳ bài quan, đi suốt ngày đêm, tới tận Đăng Châu, vào soái phủ ra mắt, Lai Tổng quản cả mừng, liền giao cho Thúc Bảo hai vạn thủy quân, thuyền thanh long, hoàng long mỗi loại trăm chiếc. Chỉ chờ có tin tức đưa về của Tả Vũ vệ tướng quân Chu Pháp Thượng, xem vua Tùy đã ra khỏi kinh đô, là lập tức xuất quân.
Chính là:
Cờ bay rợp biển oai ghê nhỉ,
Buồm gióng Cao Ly thế dữ chưa?——————————–
1Nguồn Đào: Một người đánh cá, bơi thuyền ngược suối, thấy hai bờ toàn hoa đào, đi sâu qua hang, thấy làng xóm dân cư trù phú. Hỏi ra là dân đời Tần, trốn vào đây để tránh sự hà khắc của Tần Thủy Hoàng, rồi chẳng bao giờ ra bên ngoài nữa (Đào hoa nguyên ký) 2Mô dương công: ông bắt trộm dê. 3Vương Lăng thờ Lưu Bang, mẹ Vương mẫu bị Hạng Võ bắt. Lăng đi sứ sang Hạng Võ. Hạng Võ bắt Vương mẫu dụ con theo mình, Vương mẫu ngầm dặn con phải tận tụy thờ Lưu Bang, rồi cầm kiếm đâm cổ chết, để con khỏi do dự. Về sau Vương Lăng làm đến tả thừa tướng đời Hán (Từ Hải).


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.