Đọc truyện Tùy Đường Diễn Nghĩa – Chương 100: Đưa sang cung Nam Nội, ly gián tình phụ tử, Sai phù thủy Hồng Đô, kết thúc truyện Tùy Đường.
Từ rằng:
Hoạn quan kết bè cùng hoàng hậu
Khiến triều Đường điên đảo đắng cay
Vua tôi họ Lý đoạ đày
Cha con xa cách, tớ thầy vất vơ
Tình thăm viếng sớm trưa lỗi đạo
Lời gữi thưa thô bạo lăng loàn
Tuổi già lòng nhũng héo hon
Cảnh xưa nhớ lại thở than một mình
Tìm hồn phách u minh ba cõi
Cấp tiên ông đặng hỏi nguồn cơn
Phải rằng báo oán báo ơn…
Theo điệu “Dạ du cung”
Trăm điều đức hạnh, đứng đầu là hiếu. Nhưng hiếu của đấng thiên tử so với đức hiếu của người thường không giống nhau. Mạnh Tử nói: “Cái lớn nhất của đức hiếu, không gì bằng là tôn kính, tôn kính hơn cả đối với bậc thiên tử không gì lớn bằng là lấy thiên hạ mà phụng dưỡng, đấy mới là tôn kính, mới là hiếu vậy!” Ngang ngược ai cho bằng Cổ Tẩu, mà vua Thuấn vẫn thờ hết đạo làm con, vì vậy Khổng Tử khen là đại hiếu. Khiến cho hậu thế, khắp các bậc vua chúa, đế vương, nói đến chuyện cha con, không ai dám nghi ngờ. Dễ sinh sự hiềm nghi hơn cả là do bản thân sự việc: người làm trên thì không nhân từ, kẻ làm con lại không hiếu thuận. Mà việc sau thì phần lớn bởi vợ con, mang sự đố kỵ của kẻ tiểu nhân. Đúng như Túc Tông thờ phụng Đường Minh Hoàng nguyên lúc đầu rất hiếu thuận cũng như Minh Hoàng cư xử với Túc Tông rất là từ tâm, nhưng chẳng qua gặp phải người đàn bà kiêu nghịch, bọn hoạn quan lộng quyền, để đến nỗi kẻ làm con trở thành khiếm khuyết trong chữ hiếu. Hoặc có người nói: Thượng hoàng những năm còn ở ngôi, nghe theo lời bọn gian nịnh, một ngày giết ba người con, lại lấy người thiếp yêu của Thọ Vương là Dương Ngọc Hoàn làm quý phi, thì quả hại đến luân lý, nên về sau chịu cảnh con dâu ngỗ ngược, hoạn quan lộng hành, là quả báo của đạo trời, nên mới đến nỗi thế. Thượng hoàng với Dương Quý Phi, vẫn có tiền duyên túc trái, kiếp này mới gặp gỡ. Cũng như các người khác vậy thôi, hoặc là được yêu thương, hoặc bị chém giết, đều có nhân có quả, nào phải chuyện bất ngờ. Đúng như lời các vị thần tiên, chép đầy trong các sách dật sử, nay xin chép ra ở cuốn sách diễn nghĩa này, để hoàn chỉnh câu chuyện về hai đời thiên tử: Tùy Dượng đế cùng Đường Minh Hoàng, ọi người đều thấy rõ lẽ “tiền nhân hậu quả” vậy.
° ° °
Chuyện kể từ khi Mai Phi qua đời, thượng hoàng thêm hiu quạnh. Trương Hoàng hậu ngày càng tai quái, chẳng thèm giữ lễ. Thượng hoàng nghe chuyện hoạn quan Lý Phụ Quốc, nắm hết quyền binh trong ngoài, lòng càng thêm xót xa, muốn bàn bạc với Túc Tông, để có cách trừng trị, dè chừng. Cao Lực Sĩ nhiều lần khuyên răn cho nên thượng hoàng vẫn còn ẩn nhẫn chưa nói.
Một hôm, Túc Tông tới vấn an, thượng hoàng ban yến, trong lúc ăn uống, nói đến việc triều chính. Thượng hoàng hỏi:
– Xưa nay việc trị nước, dẹp yên thiên hạ, trước hết là phải giữ gìn được trong nhà. Nay nghe bọn hoạn quan Lý Phụ Quốc tác oai trong cưng như thế, tình thế càng ngày càng nguy. Kim thượng có biết hay không?
Túc Tông nghe xong hoảng sợ đứng lên thưa:
– Để rồi phải tìm ngay cách tra xét, xử trị.
Thượng hoàng tiếp:
– Lúc này mà không ngăn ngừa ngay, sợ mai kia có muốn thay đổi lại cũng không còn kịp nữa đâu!
Túc Tông vâng vâng dạ dạ lui ra. Nguyên là Trương Hoàng hậu dựa vào việc được sủng ái, ngày càng ngỗ nghịch. Túc Tông từ chỗ quá yêu đến chỗ quá sợ, chẳng bao giờ dám dòm ngó thêm chuyện thanh sắc. Lý Phụ Quốc lâu nay nắm mọi binh quyền trong tay, vào hùa với hoàng hậu, cả hai dựa thế nhau mà càng ngang ngược. Túc Tông trong lòng ghét dẫu muốn trừ ngay cũng không làm được. Vì vậy tuy có lời của thượng hoàng, nhưng sợ hãi không dám khởi sự.
Chính là:
Nực cười thay thiên tử sơ vợ
Hoàng hậu dựa thêm hoạn quan
Trong ngoài một bọn tiểu nhân
Chữ tình chữ lý, sao phân tỏ tường.
Túc Tông cứ nhịn nhục mãi không dám ra tay, không ngờ những lời vừa rồi của thượng hoàng, bọn nội thị mới truyền tai nhau, đến ngay Lý Phụ Quốc. Phụ Quốc liền tâu riêng với Trương Hoàng hậu, cả hai đều lấy làm căm tức, bàn với nhau:
– Thượng hoàng ngồi sâu ở trong cung cấm, từ lâu đã không tham dự triều chính, nay bỗng buông ra những lời phiền toái như thế này, tất là do Cao Lực Sĩ nói ra nói vào, nên mới có những lời này ở thượng hoàng được. Lực Sĩ hiện nay là tai mắt của thượng hoàng, phải tìm cách dẹp ngay đi. Ngoài ra càng cần phải làm cho quan gia không thường xuyên qua lại chỗ thượng hoàng. Tốt nhất là nên đưa thượng hoàng chuyển ra ở Tây Nội.
Từ đó mỗi lần Túc Tông định ra thăm thượng hoàng, Trương Hoàng hậu lại tìm đủ mọi cách nhỏ to ngăn trở. Thượng hoàng lâu nay ở cung Hưng Khánh thuộc Nam Nội, rất gần với các ngõ phố của dân chúng bên ngoài.
Phía góc tây bắc, có một tòa lầu, tên gọi Trường Khánh. Trèo lên lầu có thể nhìn thấy phương thôn. Thượng hoàng thường lên lầu này, người đi đường thường vẫn nhìn lên mà bái vọng. Lúc hứng lên, hoàng thượng còn sai Cao Lực Sĩ lấy những thức ăn thừa của ngự thiện, ban cho các ông già bà lão trong phố, ai nấy đều hân hoan, tung hô: “Vạn tuế! Vạn tuế!” Lý Phụ Quốc bèn dùng lời ngon ngọt tâu riêng với Túc Tông:
– Thượng hoàng ở Hưng Khánh cung lại có Cao Lực Sĩ ngày đêm đi lại với người ngoài phố phường, chỉ sợ có điều không lợi cho bệ hạ. Hưng Khánh cung quá gần khu dân cư, vốn không phải nơi ở thích hợp với đấng chí tôn. Vùng Tây Nội thâm nghiêm, nên đưa thượng hoàng về đấy, để sau nữa dứt ra được bọn tiểu nhân, thì chẳng còn điều gì đáng lo ngại nữa.
Túc Tông phán:
– Thượng hoàng thích ở cung Hưng Khánh, từ ngày ở Thục về đến nay đã ở ngay nơi này rồi. Không có cớ gì mà lại thay đổi thế, sợ lại trái ý thượng hoàng không nên vậy.
Phụ Quốc thấy Túc Tông không nghe theo lời mình, lại mật tâu với Trương Hoàng hậu, hoàng hậu lại nhỏ to với Túc Tông. Túc Tông vẫn sợ kinh động đến thượng hoàng, vẫn không chịu nghe theo, Trương Hoàng hậu giận dữ:
– Thiếp chỉ vì bệ hạ mà tính liệu, nay không nghe theo lời hay lẽ phải, mai kia đừng có mà hối hận.
Nói xong phất áo đứng dậy mà đi. Túc Tông lặng yên không nói, nhưng trong lòng thì tức tối, lại gặp ngay một cơn gió lạnh, người thấy ớn rét, liền tạm bãi triều, về cung tĩnh dưỡng.
Phụ Quốc nhân cơ hội, bàn riêng với Trương Hoàng hậu, lệnh cho lũ nội thị tâm phúc cùng đội vũ lâm quân, xe ngựa chỉnh tề, đến Hưng Khánh cung đón thượng hoàng, chuyển sang Tây Nội, ngay ngày hôm đó. Thượng hoàng ngạc nhiên không rõ nguồn cơn, nội thị tâu rằng Hưng Khánh cung gần dân chúng, sợ làm kinh động đến sự yên tĩnh của thượng hoàng, nên riêng mời thượng hoàng về Tây Nội. Đức kim thượng hiện đang ở Tây Nội, chờ đón ngự giá thượng hoàng.
Thượng hoàng trong lòng nghi ngại, dùng dằng không chịu đi, chỉ sợ có chuyện gì không hay chăng? Cao Lực Sĩ tâu:
– Chúa thượng đã có chỉ đến đón, thì thượng hoàng xin cứ ngự giá, chờ gặp ngay chúa thượng bàn bạc, hoặc chuyển hoặc không, kẻ hầu hạ này xin được đi trước vậy.
Thượng hoàng không còn biết nên thế nào, đành vội vàng lên kiệu. Lực Sĩ lệnh cho quân lính đi trước dẫn đường, nội thị theo xung quanh, tất cả lên đường.
Sắp tới Tây Nội, chỉ thấy Phụ Quốc mặc võ phục, đeo kiếm, dẫn mấy trăm quân sĩ, vác thương, cầm kiếm, xếp hàng hai bên đường.
Thượng hoàng ngồi trên kiệu, trông thấy kinh hoàng, Cao Lực Sĩ bỗng nổi cơn thịnh nộ, lên tiếng quát lớn:
– Thượng hoàng ngự giá Tây Nội, Lý Phụ Quốc mang giáp trụ, đeo khí giới, dẫn quân sĩ tới là ý ra sao?
Phụ Quốc nghe quát, sợ hãi, vội vàng quỳ xuống thưa:
– Kẻ hèn hạ này vâng lệnh chúa thượng tới đón ngự giá hoàng thượng.
Lực Sĩ vẫn lớn tiếng:
– Nếu đã tới để hộ giá, thì phải bỏ kiếm ra mà đi theo kiệu rồng!
Phụ Quốc dành phải cởi kiếm, cùng theo hộ giá với Lực Sĩ. Lực Sĩ liền truyền cho quân sĩ quay ra, không phải theo ngự giá nữa.
Vào đến Tây Nội, ngự thẳng vào điện Cam Lộ, thượng hoàng xuống kiệu, lên sập vàng ngồi xong xuôi, cất tiếng hỏi:
– Đức kim thượng đâu?
Phụ Quốc tâu:
– Chúa thượng vừa rồi định tới đây đón ngư giá, nhưng gặp phải gió lạnh, bỗng phát rét, chưa thể đến ngay, lệnh cho kẻ hèn này tâu lại với thượng hoàng. Đợi lúc nào đỡ bệnh, sẽ xin tới triều kiến thượng hoàng.
Thượng hoàng phán:
– Đức kim thượng đã không khỏe, thì chẳng cần đến bây giờ. Đợi mai kia khỏi hãy đến cũng được!
Phụ Quốc vâng mệnh, cúi lạy rồi ra về. Thượng hoàng than thở mãi. rồi nói với Lực Sĩ:
– Hôm nay không có lòng can đảm của Cao tướng quân, trẫm cơ hồ không thoát nạn này vậy!
Lực Sĩ cúi lạy thưa:
– Chỉ sợ thượng hoàng sợ hãi, nên thần phải lên tiếng vậy. Thượng hoàng đã từng năm mươi năm làm hoàng đế của thời thái bình, kẻ nào dám bất kính?
Thượng hoàng lắc đầu:
– Mỗi người mỗi khác nhau!
Lực Sĩ thưa:
– Việc chuyển sang Tây Nội này, chỉ sợ chính là Phụ Quốc đầu têu rồi hoàng hậu chủ trương, chưa hẳn đã là ý của chúa thượng!
Thượng hoàng phán:
– Hưng Khánh cung chính là cũng do trẫm xây nên, được ở đó mà vui tuổi già, thì quả là hợp ý hơn. Chẳng ngờ chuyển sang bên này, một mình lủi thủi thân già, vẻ như khó yên ổn. Thật đáng than thở vậy?
Thượng hoàng nói xong, buồn bã như muốn khóc. Người đời sau có thơ than rằng:
Oan thay! Một lúc giết ba con
Cướp vợ Thọ Vương, nghĩa mất còn?
Gặp nỗi con dâu ngang ngược lắm
Đến bao giờ, mới biết ăn năn?
Lý Phụ Quốc nhân lúc Túc Tông bị bệnh, thác chỉ vua đưa thượng hoàng chuyển sang Tây Nội, chỉ sợ Túc Tông sẽ trách phạt, liền tìm cách để Trương Hoàng hậu tự tâu việc này lên Túc Tông.
Nhà vua giật mình hỏi:
– Có làm cho thượng hoàng hoảng sợ không?
Trương Hoàng hậu liền đáp:
– Thái thượng bằng lòng ở cung Cam Lộ, không nói một lời nào cả.
Túc Tông trầm ngâm, Phụ Quốc lại dẫn văn vũ tướng quan tới trước ngự tiền quỳ lạy chịu tội. Túc Tông thầm nghĩ: “Sự đã đến thế này, truy cứu chẳng ích gì?”. Lại có hoàng hậu, không tiện làm to chuyện, vì vậy cuối cùng Túc Tông lại tìm lời an ủi lũ Phụ Quốc đang quỳ dưới thềm:
– Các ngươi làm việc này, nguyên muốn tránh những chuyện đáng tiếc, vốn vì xã tắc mà tính liệu. Nay thái thượng đã yên lòng, các ngươi chẳng việc gì mà thảng thốt nhiều!
Bọn Phụ Quốc dập đầu dưới điện, tung hô:
– Vạn tuế! Vạn tuế!
Người sau có câu thơ than:
Đứa ở lăng loàn ăn hiếp cha
Con không trừng trị, chỉ ậm à
Hay vì cha giết con hồi trước
Nên bây giờ cha con sợ ma?
Thực ra, lúc này Túc Tông vẫn chưa khỏe hẳn, nên vẫn chưa đến Tây Nội thăm thượng hoàng, nay muốn đi ngay, nhưng lại bị Trương Hoàng hậu tìm cách ngăn trở. Một hôm, mới triệu ẩn sĩ Lý Đường vào cung yết kiến. Túc Tông đang vui đùa với công chúa nhỏ tuổi nhân đó mới nói với Lý Đường:
– Trẫm yêu con bé này lắm! Khanh đừng lấy làm lạ!
Lý Đường thưa:
– Thần nghĩ rằng thái thượng hoàng yêu bệ hạ, cũng chẳng khác gì bệ hạ yêu công chúa vậy!
Túc Tông liền đứng ngay dậy, lên xe rồng tới Tây Nội, thăm thượng hoàng. Nghi lễ xong xuôi, thượng hoàng ban yến, vẫn chưa nói gì, duy thỉnh thoảng lại thở dài. Túc Tông trong lòng không yên, lần lữa một lúc nữa rồi xin quay ra. Trở về cung, Trương Hoàng hậu ra đón, cũng chỉ mấy câu lạnh nhạt. Túc Tông càng thêm buồn bã, bệnh cũ lại phát.
Thượng hoàng nghe tin Túc Tông không khỏe, sai Cao Lực Sĩ đến tận long sàng thăm hỏi. Túc Tông nghe tâu, lập tức gọi vào. Nào ngờ lúc này Trương Hoàng hậu, Lý Phụ Quốc đang căm giận Lực Sĩ, nên cùng nhau bàn kế hãm hại. Mật sai quan giữ cửa ngăn lại, không cho vào. Lại sai tiểu nội thị truyền chỉ của Túc Tông, cho Lực Sĩ quay về. Đợi cho Lực Sĩ bỏ đi rồi, lại truyền chỉ gọi lại, Lực Sĩ vội quay lại trước cửa cung. Phụ Quốc đã đứng sẵn đấy quát lớn:
– Cao Lực Sĩ vâng mệnh đến vấn an chúa thượng, sao không chờ để vào, chưa gì bỏ về. Quả là đại bất kính, phải trị tội mới xong!
Trương Hoàng hậu liền ép Túc Tông xuống chiếu, đày Cao Lực Sĩ ra Vu Châu, không được quay về Tây Nội nữa. Một mặt sai thái giám tâu cho thượng hoàng rõ mọi chuyện, một mặt truyền pháp ty ngay ngày hôm sau áp giải Lực Sĩ đem an trí ở Vu Châu. Khá thương thay cho Lực Sĩ suốt đời được ân sủng, tự do ra vào cung cấm, quan cao tước lớn, vinh hiển một đời, ai ngờ nay là Trương Hoàng hậu cùng Lý Phụ Quốc đuổi ra.
Lực Sĩ đến Vu Châu, sống trong bốn bức tường cô độc, lại luôn luôn sợ hãi chẳng biết lúc nào tai họa sẽ đến tiếp, cho nên ngày đêm thắc thỏm. Cho đến ngày Đường Minh Hoàng qua đời, biết được tin dữ này, Lực Sĩ nhớ tới ơn xưa cao dày, ngày đêm than khóc, đến nổi thổ ra máu mà chết. Người đời sau có thơ than:
Lũ hoạn quan gian ác kéo bè
Riêng Cao Lực Sĩ chẳng nên chê
Dẫu không bằng được Trương Thừa Nghiệp 1
Trung cẩn vẫn hơn hẳn bọn kia.
Nhưng đó là chuyện sau này, hãy tiếp chuyện Phụ Quốc chuyển Đường Minh Hoàng sang Tây Nội, làm thượng hoàng càng không yên lòng, nay lại nghe Cao Lực Sĩ phải tội đày di xa, không dược hầu hạ bên mình như xưa, càng thảng thốt. Từ đó, tả hữu chỉ còn lại toàn người mới, ít còn ai là quen thuộc cũ. Bọn cung nga chỉ còn Tạ A Di, cùng với nhạc công cũ Trương Dã Hồ, Hạ Hoài Trí, Lý Mô, là thường lui tới hầu hạ.
Một hôm Tạ A Di dâng lên một viên hồng ngọc mà tâu rằng:
– Viên hồng ngọc này chính là ngày xưa Dương Quý Phi ban cho tiện tỳ này.
Thượng hoàng cầm lấy xem rồi phán:
– Thuở trước, Thái Tông hoàng đế của trẫm phá Cao Ly, thu được hai vật báu: một là đai vàng tía, hai là viên hồng ngọc này. Trẫm mới đem đai vàng tía đó ban cho Kỳ Vương, còn viên hồng ngọc ban cho Quý Phi, chính là viên ngọc này đây. Về sau nước Cao Ly nói rằng, bởi trong nước mất hai vật báu, nên mưa gió thất thường, người vật đều điêu tàn, khô héo, vậy nên xin lại để lấy làm của quý giữ nước nhà. Trẫm bèn trả lại đai vàng tía, chỉ còn viên ngọc vẫn giữ lại. Trải qua cơn loạn lạc vừa rồi, nghĩ rằng người cùng vật đều mất, không ngờ khanh vẫn giữ được. Nay trẫm trông thấy, lại càng đau xót vậy thay!
Nói xong lại khóc!
Một hôm, Hạ Hoài Trí vào thưa:
– Thần nhớ trước đây, đang giữa mùa hè oi ả, thượng hoàng cùng với Kỳ Vương ngồi ở thủy tạ đánh cờ vậy, sai thần gảy đàn tỳ bà ở bên. Đàn này trục làm bằng đá, dây đàn làm bằng gân gà vùng Hồ, phải gảy bằng phím sắt. Quý Phi Nương nương tay ôm con mèo nhỏ trắng như tuyết của nước Khang Quốc tiến cống, đứng ở phía sau thánh hoàng, tai nghe tỳ bà, mắt trông vào bàn cờ, thấy thượng hoàng còn vài nước nữa là thua, Quý Phi liền thả ngay con mèo vào giữa bàn cờ, các con cờ tóe tung cả. Thượng hoàng thích chí lắm. Lúc này thần vẫn chưa gảy xong một khúc, bỗng luồng gió mát thổi bảy dải lụa của Quý Phi, quấn vào khăn đội đầu của thần, làm rơi cả xuống nền điện. Chiều hôm ấy trở về nhà, thần vẫn thấy khắp người tỏa hương thơm, đúng là hương ở túi thơm mà ra. Cho mãi tới nay, hương thơm vẫn chưa hết, thật là kỳ dị. Nay thần xin đem cái khăn mà thần vẫn giữ gìn trân trọng dâng lên thánh thượng xem.
Thượng hoàng đáp:
– Loại hương đó, gọi là “Thụy long não hương”, do nước ngoài tiến cống. Trẫm dã từng lấy một ít, giấu vào trong những đóa hoa sen bằng ngọc ở phòng tắm nóng, cứ mỗi lần tắm, mùi hương vẫn rất thơm như mới lấy ra vậy. Huống chi khăn đội đầu của khanh, vốn làm bằng tơ lụa là thứ mềm ấm, thì giữ được càng lâu cũng chẳng có gì là lạ vậy!
Nhân đó lại than thở:
– Hương thơm còn đó! Người đã đi đâu!
Rồi lại càng ảo não rầu rĩ luôn luôn, miệng lẩm nhẩm ngâm bài thơ sau:
Đẽo gỗ chằng dây thành lão già
Cũng thì tóc bạc cũng da gà
Múa may hết tích rồi im phắc
Một đời thiên tử cũng thế a?
Lại có một thầy phù thủy họ Dương tên Thông U, tự xưng là Hồng Đô đạo sĩ, đạo pháp rất mầu nhiệm, từ Thục vân du vào Trường An. Nghe nói thượng hoàng thương nhớ Quý Phi, tự xưng có thuật kỳ của Lý Thiếu Quân, có thể gặp gỡ hồn người đã chết. Lý Mô, Trương Dã Hồ đều nhận rằng có biết người này từ xưa, mới tiến cử vôi thượng hoàng, thượng hoàng bèn triệu vào Tây Nội, đòi Hồng Đô làm pháp thuật, để gọi được hồn Quý Phi cùng Mai Phi về gặp gỡ.
Hồng Đô liền lập đàn ngay trong cung, đốt bùa, phát hịch, múa may, khấn vái trước đàn làm hết mọi phép thuật rồi, vẫn chẳng thấy hồn phách hiện về đâu cả. Thượng hoàng không vừa ý, phàn nàn rằng:
– Dạo trước ở Tây Thục, Trương Sơn Nhân tìm hồn phách của Mai Phi không ra, do thực lúc ấy Mai Phi nào đã chết. Nay quả cả hai đều qua đời, hồn thơm vẫn tìm không ra. Phải chăng duyên nợ với trẫm thế là hết rồi sao?
Hồng Đô tâu rằng:
– Hai vị quý phi tất là không phải người thường, mà là tiên nữ giáng sinh, nơi ở của các vị tiên nhân rất xa xôi, không dễ tìm. Muốn gặp được, thần phải thỉnh được các vị thần thông, đi mây về gió, tới tận cùng trời viễn điểu tìm cho ra tông tích, sẽ xin về tâu lại.
Hồng Đô lại phủ phục khấn vái trước đài. Vận xuất thần khí, cưỡi mây đạp gió, đi vào chín tầng tiêu hán, thấy trong đám mây đẹp phía trước, có một con chim anh vũ màu trắng, cánh vỗ dập dờn, cất tiếng người mà rằng:
– Kẻ đi tìm người đến đây rồi!
Hồng Đô thầm nghĩ: “Con chim này biết cả ý người, nhất định là chim thần tiên rồi!”. Bèn cứ theo sau chim mà bay. Chẳng mấy chốc trước mắt, thấp thoáng một tòa cung điện, chim anh vũ bay vào trong tòa cung điện đó biến mất. Nhìn rõ, thì thấy:
Đài đao như vẽ
Gác ngọc như bay
Cột cao ngút mây che, sửng sốt hương thơm ngào ngạt
Rèm trong ngời sắc sáng, ngập ngừng khí tốt bời bời
Cao cao chọc mấy tầng trời
Thênh thênh chẳng bến, chơi vơi chẳng bờ
Phải chăng hải thị thẩn lâu 2
Dẫu rằng Bồng Đảo, Doanh Châu nào bằng.
Hồng Đô đạo sĩ tới trước cửa cung, thấy có một tấm biển lớn bằng ngọc, đề chữ vàng, nổi rõ ba chữ lớn “Nhụy Châu cung”. Hồng Đô không dám tự tiện vào, đang lúc đắn đo, thấy hai tiên nữ từ bên trong đi ra. Một tiên nữ y phục đủ năm màu. Một tiên nữ mặc áo trắng, tay cầm phất trần. Tiên nữ mặc ngũ sắc, đưa ngọc như ý chỉ Hồng Đô mà hỏi:
– Linh hồn ở dưới trần thế, lên đây có việc gì?
Hồng Đô cúi đầu thưa:
– Bần đạo ở hạ giới, vâng lệnh thượng hoàng nhà Đường, tìm hồn các quý phi dã khuất, được chim thần dẫn lối, nên đi tới đây, may gặp hai vị tiên cô. Phải chăng hai vị là Dương Thái Chân, cùng Giang Thái Tần chăng?
Nàng tiên áo ngũ sắc cười đáp:
– Không phải! Ta vốn là con gái Quách Tử Nghi, chính là Hà Bá phu nhân vậy!
Hùng Đô hỏi tiếp:
– Hà Bá phu nhân, sao lại là con gái Quách Nguyên soái cho được? Đã thế sao lại ở đây nữa?
Nàng tiên áo ngũ sắc cất tiếng:
– Thuở trước phu nhân ta ra trấn giữ Hà Trung, sông lớn chuyên gây thủy họa. Phụ thân ta mới cầu tế Hà Bá, hứa rằng nếu trị thủy hoàn toàn, sẽ đem con gái gả cho. Đến khi sông nước yên hàn rồi, ta bỗng chẳng bệnh tật gì mà qua đời. Phụ thân ta mới chôn cất ta ở ngay sau đền thờ Hà Bá, ta từ đó thành Hà Bá phu nhân. Việc này thì người đời làm sao mà biết được.
Rồi chỉ tiên nữ áo trắng mà tiếp:
– Đây chính là Long Nữ trong hồ Lăng Ba ở vườn ngự uyển.
Trước đây vua Huyền Tông đã gặp trong mộng, gảy đàn Hồ, làm ra điệu từ “Lãng ba khúc”. Đến lúc tỉnh lại, đức vua vẫn nhớ kỹ, nhân đó mới lập miếu thờ Long Nữ ngay bên hồ Lăng Ba. Long Nữ với Hà Bá vốn thân thiết, cho nên thường hay gặp gỡ. Về sau Long Nữ bị tuyển vào Nhụy Châu cung, nên ta thường lui tới đây. Còn Mai Phi Giang Thái Tần, kiếp trước vốn là tiên nữ trong Nhụy Châu cung, đã hai lần bị đày xuống nhân gian, nay mới được về chốn cũ. Mai Phi duyên trần đã hết, tuy ở đây, nhưng đạo trưởng chẳng gặp được đâu. Còn Dương Thái Chân thì trả chưa hết kiếp trước, phải đầu thai xuống cõi người, vì lần vừa rồi vẫn giữ thói kiêu sa dâm loạn, làm nhiều điều ác nghiệt, nên nghiệp báo vẫn nhiều, làm sao mà được ở đây Đạo trưởng có muốn gặp, thì phải tìm ở chỗ khác kia!
Hồng Đô thưa:
– Mai Phi đã không gặp được, tất phải tìm cho ra dấu vết Dương Thái Chân, mới có thể quay về phục mệnh thượng hoàng. Mong được tiên nữ chỉ vẽ cho!
Tiên nữ áo trắng đáp:
– Đạo trưởng cứ hướng đông mà đi, chẳng mấy chốc sẽ có người chỉ tường tận.
Nói xong, kéo tiên nữ áo ngũ sắc, quay vào Nhụy Châu cung.
Hồng Đô liền cứ trong mây lành mà bay về phía đông, gặp một tòa núi cao. Tả sao hết cảnh sắc của núi, từ xa đã nhìn thấy từng hàng tùng bách xanh ngắt dưới chân núi. Ngay dưới một cây tùng già, ba vị tiên ông ngồi. Hai vị đánh cờ vây, một vị ngồi bên xem. Hồng Đô tới bên lạy chào. Hai vị tiên tạm dừng cuộc cờ mà cả cười, Hồng Đô xin được biết họ tên. Vị tiên ngồi ở chính giữa cất tiếng:
– Ta là Trương Quả, hai vị này chính là Diệp Pháp Thiện, La Công Viễn. Chúng ta đều có duyên nợ với thái thượng hoàng. Vì vậy thường bày vẽ cho ít nhiều, chỉ vì thượng hoàng duyên trần còn nặng, lòng trí còn tối tăm, quên cả bản tính của chân thân, đành phải bỏ mà đi vậy. Thượng hoàng nay tuổi đã cao, chuyện yêu đương nghiêng ngả đâu còn, cũng nên giác ngộ đi còn gì. Thuở trước giá có theo ta mà tu tiên học đạo, thì đâu đến nỗi đắm chìm trong bể họa như thế.
Hồng Đô lại hỏi:
– Mai Phi hiện đang ở Nhụy Châu cung. Bần đạo vừa được biết rồi. Chỉ còn chưa rõ hồn phách Dương Quý Phi hiện ở nơi nào. Xin các vị tiên sư cho gặp một lần, để có thể về phục mệnh thượng hoàng.
Trương Quả đáp:
– Đạo trưởng có biết chuyện “Lưỡng thế nhân duyên” giữa thượng hoàng cùng Dương Quý Phi chăng?
Hồng Đô thưa:
– Bần đạo ngu muội, nhiều điều chẳng rõ, xin mong được dạy bảo ít nhiều!
Trương Quả cất tiếng:
– Đường Minh Hoàng chân thân vốn là Nguyên Thủy Khổng Thăng Chân nhân, vốn là đồng đạo với chúng tiên đấy cả. Cũng bởi một lần nghe giảng đạo pháp ở Thái Cực cung, không ngờ gặp một tiên nữ ở Nhụy Châu cung, cười nói sỗ sàng, phạm phải giới luật, nên phải đày xuống phàm trần, phạt làm phi tần trong cung vua, chính là Chu Quý Nhi trong cung nhà Tùy vậy. Đến lúc Chu Quý Nhi tái sinh kiếp khác thì lại trở thành thiên tử Huyền Tông nhà Đường nay là thái thượng hoàng vậy.
Hồng Đô hỏi:
– Chu Quý Nhi vì làm sao lại được chuyển kiếp thiên tử kia?
Trương Quả đáp:
– Chu Quý Nhi trung thành với chủ, mắng giặc rồi tuẫn tiết mà chết. Ở thiên đình vốn rất trọng trung nghĩa, vì vậy mà được hưởng phúc lớn. Huống chi vị tiên này bị đày xuống trần thế, chẳng qua so với ngôi cũ thì chỉ bằng hòa. Bởi Chu Quý Nhi vốn có duyên nợ với Tùy Dượng Đế, đã riêng cùng nhau thề nguyền, kiếp sau nên duyên vợ chồng, vì vậy mới sinh làm thiên tử, để trọn lời ước xưa vậy!
Hồng Đô hỏi:
– Chu Quý Nhi với Tùy Dượng Đế duyên nợ ra sao?
Trương Quả đáp:
– Dượng Đế kiếp trước vốn là một con chuột đã thành tinh trong núi Chung Nam, có lần ăn trộm viên thuốc tiên của Hoàng Phủ Chân Quân ở Cửu Hoa cung, nên bị Chân Quân trói giam trong nhà đá, đã một nghìn ba trăm năm nay. Ở nhà đá, con chuột thành tinh này dốc trí tu luyện để mong kiếp sau dược làm người, hưởng phú quý ở nhân gian. Lúc bấy giờ Khổng Thăng Chân nhân, đến Cửu hoa cung, biết con chuột này bị giam đã lâu, thương y thành tâm tu luyện, mới ra sức khuyên Hoàng Phủ Chân Quân tạm thả cho y xuống trần gian, hưởng ít nhiều mùi phú quý, để thỏa chí nguyện của y, cũng là ít nhiều khuyến lệ kiếp sau, may ra hối cải tu hành chăng. Hành động khuyến khích này, không ngờ lại kết thêm duyên nợ. Lúc này gặp vận nhà Tùy đã mãn, Độc Cô Hoàng hậu ghen tuông ngang ngược, Thượng đế tức giận, Hoàng Phủ Chân Quân liền nhân đó tâu xin cho con chuột này thác sinh làm Tùy Dượng Đế, ứng đúng như vận số. Khổng Thăng Chân nhân cũng vừa bị tội, giáng xuống trần làm Chu Quý Nhi, thề là kiếp này được gặp gỡ, kết cùng Dượng Đế là Đường Huyền Tông, nên chưa được về tiên vậy.
Hồng Đô lại hỏi:
– Quý Nhi chuyển sinh làm thiên tử nhà Đường, còn Tùy Dượng Đế thì chuyển sinh làm người nào?
Trương Quả đáp:
– Trương lão bảo Dượng Đế sẽ là ai? Chính là Dương Quý Phi vậy. Dượng Đế làm thiên tử, tính yêu quái cũ lại có dịp phát mạnh, kiêu sa, dâm dục, ngang ngược, lại thêm tội sát nghịch. Thượng đế càng giận, chỉ cho ở ngôi mười ba năm, để đền lại một nghìn ba trăm năm khổ công tu luyện, nhưng bắt phải “bất đắc kỳ tử”, lấy vải lụa trắng mà thắt cổ cho chết, phạt tái sinh làm kiếp dàn bà, chính là làm con gái họ Dương vậy. Để rồi cùng Chu Quý Nhi sau này kết duyên vợ chồng, hoàn toàn lời thề nguyền trên ngựa, rồi lại phải chịu lại cái cảnh dây lụa thắt cổ chết ở trạm dịch Mã Ngôi. Mai này còn phải đến âm phủ, xử tội sát nghịch, dâm loạn. Thuở làm Quý Phi, cậy được yêu thương, tội lỗi chồng chất càng nhiều. Nay hồn phách Quý Phi vẫn chẳng được tự do. Trưởng lão biết tìm ở đâu cho được.
Hồng Đô thưa:
– Thì ra chuyện nhân quả là thế! Nếu không có tiên sư chỉ giáo, bần dạo làm sao biết được. Nhưng bần đạo chính là phụng mệnh thượng hoàng mà đến đây. Nay làm thế nào mà chỉ về phục mệnh thượng hoàng bằng những câu chuyện kể suông thế này cho được?
Trương quả trầm ngâm không đáp, Diệp Pháp Thiện liền cất lời:
– Thượng hoàng cũng chẳng còn ở trần thế bao lâu nữa. Sau khi qua đời, thượng hoàng sẽ rõ ngay mọi chuyện tiền kiếp, nên đạo trưởng cứ tùy đó mà thêm bớt vài lời cho vừa ý thượng hoàng.
Hồng Đô thưa:
– Dẫu có thêm bớt đi nữa, nhưng chẳng có bằng cứ, sợ thượng hoàng chẳng tin nào!
La Công Viễn cười:
– Đạo trưởng cần có chứng cứ, quay lại mà hỏi hai tiên nữ vừa rồi, chẳng việc gì phải chuyện miên man, làm mất cả hứng đánh cờ của chúng tiên đây làm gì?
Từ xa bỗng thấy một đám mây lành bay lại. Diệp Pháp Thiện chỉ tay:
– Đạo trường xem hai tiên nữ đã tới kia kìa!
Đám mây hạ xuống, hai vị tiên nữ chào hỏi ba tiên ông, rồi quay ra nhìn Hồng Đô đạo sĩ mà cười:
– Linh hồn trường lão vẫn còn ở đây để nghe chuyện nhân quả hay sao?
Trương Quả đỡ lời:
– Trương Quả này đã đem chuyện. “Lưỡng thế nhân duyên” của Dương Quý Phi cùng Đường Minh Hoàng ra nói, nhưng trưởng lão vẫn đòi gặp kỳ được Quý Phi, mới dám quay về phục mệnh. Xin hai vị tiên cô hãy dẫn trưởng lão đi gặp một phen.
Hai tiên nữ bằng lòng, dẫn Hồng Đô cưỡi mây mà đi về phía bắc, chẳng mấy chốc đã đến một vùng, trông ra chỉ thấy:
Khắp trời u ám mây sầu bay
Gió rít từng cơn, bụi cát xoay
Hang núi đen mò, cành trụi lá
Xám ngắt một mầu, cỏ rủ cây
Âm ty địa ngục đâu đây
Sởn tóc gáy, choáng mặt mày. Sợ chưa!
Phía bên lối đi bỗng lại thấy một tòa thành, trên cổng treo biển lớn, để mấy chữ “Bắc âm biệt trạch”, phía dưới là hai cánh cửa sắt khép chặt, lại thêm hai quỷ sứ đứng gác hai bên. Hai tiên nữ lệnh cho quỷ sứ mở cửa, dẫn Hồng Đô vào theo. Bên trong cảnh trí rất hoang tàn, khí lạnh sởn da gà. Qua thêm hai từng cửa chắc chắn nữa, từ xa một người đàn bà, mặc y phục vải xấu, đầu tóc bù xù, mặt mày buồn bã rười rượi, ngồi rũ ở ghế dựa. Hai tiên nữ chỉ cho Hồng Đô thấy:
– Đây chính là Dương Quý Phi đấy! Đạo trưởng hãy tiến lên mà gặp. Chúng tiên nữ đây không muốn giáp mặt Quý Phi làm gì đâu!
Hồng Đô bước lên chào, Dương Quý Phi đứng dậy tiếp. Hồng Đô nhắc lại việc thượng hoàng sai phái, Quý Phi khóc nức nở không thôi.
Hồng Đô tiếp:
– Hồn thơm nương nương, sao đến nỗi phải vào nơi u trệ thế này?
Quý Phi vừa khóc vừa đáp:
– Ta kết nghiệp chướng từ kiếp trước, kiếp mới đây lại chồng chất thêm nữa, nên phải chịu quả báo. Chỉ đến bao giờ nợ duyên trả hết, án xưa đã được xét xử xong xuôi, lúc ấy sẽ chịu tội rõ ràng. Còn nay vẫn phải giam giữ trong nhà ngục này, chờ ngày định tội. Cũng còn may, thuở còn ở nhân gian ta đã từng tự tay sao một quyển “Bát Nhã tâm kinh” để tụng niệm, lại thêm chim oanh vũ Tuyết Y nữ cảm ơn ta xưa, thường vì ta mà tụng kinh niệm Phật, vì ta mà sám hối, cho nên bây giờ mới được giam lỏng ở dây. Thật đội ơn sâu của thánh hoàng nhớ đến. Nay đạo trưởng trở về, muôn ngàn đừng nói rằng ta ở trong tình cảnh này, càng làm cho thượng hoàng thêm bi thương, chỉ nói rằng ta ở nơi rất vừa ý là được rồi.
Hồng Đô thưa:
– Trở về tâu thế nào cũng phải có vật gì đó làm bằng, thì thượng hoàng mới khỏi nghi ngờ.
Quý Phi đáp:
– Những vật mà chôn theo ta sau này, thì chỉ có hai cành thoa, cùng là cái hộp bằng bạc mà thường ngày ta vẫn rất thích. Trước đây đã nhờ Tuyết Y nữ ngậm đem về đây. Nay hãy chia đôi, một đường một cành thoa, đạo trưởng hãy mang về cùng cả hộp bạc, có thể lấy nó làm tin vậy.
Nói xong, liền lấy ngay thoa vàng, hộp bạc giao cho Hồng Đô.
Đạo sĩ ngắm nghía một hồi rồi thưa:
– Hai vật này ở dưới trần đều có, chẳng đủ lấy làm bằng. Hoặc là có chuyện, có việc gì đó, người ngoài chẳng biết, xin nương nương hãy kể lại cho, cũng đủ tin cậy hơn rồi!
Quý Phi cúi đầu nghĩ ngợi một lúc rồi đáp:
– Có đây rồi! Ta nhớ ra rằng năm thứ mười đời Thiên Bảo, theo thượng hoàng đi tránh nóng ở Ly Sơn cung, nhân đêm “xin khéo” tháng bảy, ngồi trước sân điện hóng gió mát, đã quá nửa đêm, cung nga đều đi ngủ cả, ta cùng thượng hoàng riêng trao lời gắn bó thề thốt, nguyện đời đời kiếp kiếp làm vợ chồng. Việc này hoàn toàn chẳng có người nào biết. Đạo trưởng cứ thế mà kể lại, cũng đủ để thượng hoàng tin rồi!
Hồng Đô còn định hỏi nữa, thì thấy hai quỷ sứ chạy lại giục:
– Mau đi đi thôi! Đi thôi!
Hồng Đô không dám lưu luyến, vội vàng ra cổng, hai vị tiên nữ đã không thấy đâu nữa. Một trận cuồng phong nổi lên, cuốn theo cả Hồng Đô đi xa tít, rồi đặt Hồng Đô xuống một nơi, mà nhìn kỹ, thì ra là ở chân núi vừa rồi, ba vị tiên ông vẫn còn ngồi đó đánh cờ, mới chỉ được một ván.
Trương Quả gọi Hồng Đô đến trước mặt mà bảo rằng:
– Đạo trưởng đã gặp được Dương Quý Phi, đã được bằng chứng rồi, hãy nhanh quay về hạ giới đi thôi!
Hồng Đô thưa:
– Vẫn còn một việc nữa xin nhờ các tiên sư chỉ giáo, là tiền kiếp của Mai Phi Giang Thái Tần ra sao, để về tâu lại thượng hoàng.
Trương Quả đáp:
– Mai Phi vốn là tiên nữ trong Nhụy Châu cung, nhân có chuyện cười đùa với Khổng Thăng Chân nhân, lòng phàm trỗi dậy, nên phải giáng xuống trần hai kiếp. Cả hai kiếp đều thác sinh vào cung vua. Thời nhà Tùy, thì sinh làm Hậu phu nhân, cậy tài cậy sắc nhưng lại không được gặp mặt nhà vua, để đến nỗi phải tự tận. Sau đó chuyển thành Mai Phi, cũng bởi đã từng cười cợt với Khổng Thăng Chân nhân. Nhưng phải nạn ganh ghét, đày ra lãnh cung Thượng Dương, là bởi Thiên đình trừng phạt tội xưa vậy thôi. Về sau nhân lâm nạn, mà vẫn giữ được khí tiết, trung nghĩa thật đáng khen cho nên được tiên nữ xuống cứu. Cuối cùng được quay về cung cũ, trùng phùng với Đường Minh Hoàng. Hưởng trọn mệnh trời, rồi được trở về kiếp tiên ở Nhụy Châu cung như xưa.
Hồng Đô vẫn nói:
– Chu Quý Nhi cùng Tùy Dượng Đế thề nguyền riêng tây, kiếp sau lại được tái hợp như lời. Nay thượng hoàng cùng Dương Quý Phi cũng thế thốt đã nhiều, liệu lai sinh có được hội họp vợ chồng chăng?
Trương Quả đáp:
– Chu Quý Nhi lấy thân trung nghĩa mà cảm thần thánh, vì vậy mới được như nguyện, Dương Quý Phi thì trinh tiết dã chẳng có, lại làm đủ điều gian ác, những lời thề nguyền kia chuyển qua chỉ là những lời ham muốn dâm loạn, cuồng si, đâu có thể lấy làm chính đáng. Cũng như Vũ Tắc Thiên, Vi Hoàng hậu, Thái Bình, An Lạc Công chúa, Hàn Tần, Quắc Quốc phu nhân, đều là một lũ dâm loạn đến cuồng điên. Trong những lúc dục tình bột phát kẻ nào chẳng chỉ non thề biển, viện đủ mọi kiếp, cùng trăm thứ thánh thần chứng giám, nhưng chỉ là những lời nhảm nhí, chẳng ai mà hoài hơi tính đến làm gì.
Hồng Đô lại hỏi tiếp:
– Bây giờ Vũ Thái hậu, Vi Hoàng hậu cùng bọn người kia, rồi những kẻ phản nghịch An Lộc Sơn nữa, hồn phách về đâu rồi?
Trương Quả đáp:
– Vũ Tắc Thiên vốn là kiếp sau của Ngụy Công Lý Mật, nên tìm mọi cách giết sạch con cháu nhà Đường, để báo thù kiếp trước. Chính vì vậy mà tội nghiệt, dâm dật kiếp này còn lớn, nên đến nay đang cùng bọn Vi Hoàng hậu, Thái Bình, An Lạc Công chúa, cộng thêm những quan tham lại nghiệt, đều đáng rơi vào A Tỳ địa ngục, vĩnh viễn không bao giờ còn được thác sinh kiếp khác nữa đâu. Đến như bọn phản nghịch An Lộc Sơn, Sử Tử Minh, cùng bọn phản thần chạy theo giúp chúng, rồi tướng tá của họ An, họ Sử, cả những kẻ lớn nhỏ quan viên gian ác, xiểm nịnh, những hoàng hậu, phi tần, hoạn quan, ngỗ nghịch, lăng loàn, tàn ác của bản triều, vốn ứng với nghiệt chướng kiếp trước mà thác sinh, thì nay cứ đối chiếu việc làm xấu xa kiếp này mà đưa vào địa ngục, vạn kiếp chỉ được chuyển hồi trong vòng loài vật. Bọn này thì quả là không đếm hết. Đạo trưởng hãy quay về tâu lại với thượng hoàng đúng như lời dặn của Dương Quý Phi, hoặc cứ nói rằng Quý Phi đang chịu tội. Lại cố khuyên để thượng hoàng rửa lòng trần, sám hối tội lỗi, sạch duyên sạch nợ, nếu đạt đến cõi giác ngộ, thì lúc qua đời, chúng tiên này sẽ sẵn sàng tiếp đón thượng hoàng vậy!
Nói xong, vẫy mạnh ống tay áo, Hồng Đô đạo sĩ đã giật mình tĩnh dậy thấy mình đang quỳ trước đàn khói hương nghi ngút.
Hồng Đô lặng ngồi lúc lâu, khỏi cơn bàng hoàng nhớ lại mọi chuyện, sờ vào trong ống tay áo, vẫn còn cả hai vật thoa vàng, hộp bạc. Tiến lên trước điện, đem những lời của Trương Quả, không quên cả những lời dặn riêng, tâu rằng Mai Phi, Quý Phi đều là tiên nữ ở Nhụy Châu cung giáng thế, Mai Phi thì không được gặp, còn Quý Phi giáp mặt chuyện trò. Rồi nhân đó thưa luôn lời Quý Phi:
“Thượng hoàng vốn cũng là tiên nhân giáng thế, nên cùng ta có duyên nợ, vậy nên mới có cuộc gặp gỡ vừa rồi ở trần thế. Nay tuy xa cách, nhưng vẫn còn ngày gặp gỡ. Chẳng nên bi thương. Xin thượng hoàng hãy di dưỡng tính tình, nghìn thu vạn kiếp sau này lại vẫn được quay về nơi tiên cảnh như xưa!”
Nói xong liền đưa thoa vàng hộp bạc dâng lên làm chứng.
Thượng hoàng ngắm nghía, tuy ngoài miệng thở than, nhưng thực lòng vẫn nửa tin nửa ngờ. Hồng Đô liền đem những lời thề đêm thất tịch tâu lại rồi tiếp:
– Thần nghĩ rằng thoa vàng hộp bạc đâu đủ tin, vì vậy phải thưa lại Quý Phi. Quý Phi liền nói lại chuyện này, đều là những việc riêng, chẳng người nào có thể biết, nên về tâu lại, tất thượng hoàng thấy những việc này đều không phải bịa đặt.
Thượng hoàng nghe xong, nghẹn ngào, rớt nước mắt, bèn thưởng cho Hồng Đô rất hậu rồi truyền lui ra.
Về sau này, Bạch Lạc Thiên chỉ căn cứ vào lời tâu lại bịa đặt của Hồng Đô đạo sĩ để viết “Trường hận ca”, nói rằng Dương Quý Phi là tiên nữ, nên được trở về tiên cảnh. Những việc này được “Trường hận ca” truyền đi như là một câu chuyện đẹp đẽ, nào có biết đâu toàn là những điều không có thực.
Chính là:
Chính sử điên đảo giả chân
Dã sử thuật chuyện oán ân nhãn tiền
Dương Quý Phi mà thành tiên
Bạo tội ác, lại được khen hết lời
Đạo trời đâu cớ lạ đời…
Thượng hoàng từ đó ngăn bình phong ở riêng hẳn một phòng, cách tuyệt những nơi huyên náo, ngày đêm tụng kinh niệm Phật.
Đến năm Bảo ứng nguyên niên đời Túc Tông, tháng tư mùa hạ, ngoài mười sáu, bỗng thượng hoàng lấy sáo ngọc ra cầm chơi, rồi đưa lên miệng thổi mấy tiếng, thấy một đôi chim hạc bay đến trước sân điện múa, rồi lại vỗ cánh bay đi. Lúc này có một cung nga đang đứng hầu bên cạnh, thượng hoàng bèn nói với người cung nga này:
– Đêm qua, trẫm mơ thấy gặp Trương Quả, Diệp Pháp Thiện, La Công Viễn đều tới mà nói rằng trẫm xưa kia vốn là Nguyên Thủy Khổng Thăng Chân nhân, bị giáng xuống thế gian này đã hai kiếp rồi, mệnh số đã mãn, nên riêng tới đây, đón trẫm về Tu Chân quán tu hành, sám hối đủ một giáp tý 3 nữa, sau này lại sẽ được trở về tiên giới như cũ. Nay hai chim hạc đã tới đón, thì quả là đến thời rồi vậy.
Sai lấy nước thơm tắm rửa, sau đó thượng hoàng vào trong đi nằm, truyền lệnh tả hữu không được làm kinh động.
Sáng ngày hôm sau, cung nữ ai nấy đều nghe rõ trong phòng ngủ thượng hoàng cười rất vui vẻ, sợ hãi vào xem, thì thượng hoàng đã băng rồi!
Chính là:
Hai kiếp phồn hoa thành mộng ảo
Một sớm lìa đời hóa chân thân!
Thượng hoàng qua đời rồi, Túc Tông vẫn đang ốm, nghe tin dữ, vừa kinh sợ buồn rầu, bệnh ngày càng nặng, chẳng bao lâu sau cũng băng hà.
Trương Hoàng hậu ý muốn phế thái tử, riêng tự lập mình lên làm vua. Lý Phụ Quốc bèn giết Trương Hoàng hậu, đưa thái tử lên ngôi, tức là Đường Đại Tông, vì vậy Phụ Quốc ngày càng ngang ngược. Về sau Phụ Quốc bị thích khách đâm chết. Người này quả thực lại chính do Đại Tông sai làm.
Còn dư đảng của bọn An Lộc Sơn, Sử Tử Minh, mãi tới những năm Quang Đức đời Đại Tông, mới thực bị diệt hết.
Sau đời Đại Tông, nhà Đường còn truyền được mười ba đời thiên tử nữa. Trong mười ba đời đó, thiếu gì chuyện hay việc dở, đều đáng để chép thành sách riêng, bạn đọc nếu vẫn chưa chán, chưa mệt mỏi, xin cứ dần dần lại sẽ trình bày tiếp. Còn sách này, chỉ kể chuyện “tiền nhân hậu quả” của hai đời thiên tử Tùy Dượng Đế cùng Đường Minh Hoàng, những chuyện xa xôi khác làm sao mà nói hết cho được!
Có bài từ làm chứng việc kết thúc sách “Tùy Đường diễn nghĩa” sau đây:
Dở xem sử cũ nghĩ cho rành
Tướng gỗ một bầy múa rối tinh
vay trả nợ nần, chính sử đó
Vẫn cần dã sử mới phân minh
Ngoài chính sử phải thêm diễn nghĩa 4
Chiến Quốc, Xuân Thu, Hán cùng Sở
Vương Mãng, Lưu Tú, Ngụy Thục Ngô
Nam Bắc Lục triều, vẫn chưa đủ!
Ta 5 nay diễn nghĩa thêm Tùy Đường
Sách dài, dài trọn một trăm chương
Dẫu vậy vẫn chưa được tường tận
Kỹ càng mới chỉ chữ hưng vong
Sau có gắng rõ lẽ vô thường
Luân hồi, nam trung với nữ tiết
Quả báo đức độ sánh xương cuồng
Rành rành sách đó, xem thì biết
Phật tiên ma quỷ kể rõ ràng
Có không vốn ở tâm ra cả
Cũng câu phúc họa, điều nhân quả
Sáng soi, Dượng Đế đến Minh Hoàng.
Theo điệu “Nhất tùng hoa” ——————————–
1Trương Thừa Nghiệp cũng là hoạn quan cuối đời Đường. Khi Lý Tôn Húc cướp ngôi, Trương Thừa Nghiệp can mãi không được, buồn bực, khổ sở, ốm mà chết. (Từ Hải) 2Theo “Tam Tề lược ký”: Khi con thẩn, một loài rồng biển, thở hơi thì trên mặt đại dương kết thành lâu đài gọi là hải thị, tức là thành thị trên mặt biển. 3cách tính thời gian theo hàng can hàng chi của Trung Quốc, tròn 60 năm. Có lẽ Đường Minh Hoàng còn phải đầu thai làm đạo sĩ một kiếp nữa rồi mới được về cõi trên? 4Chính sử: Những sách sử do nhà nước đứng ra tổ chức biên soạn, hoặc được nhà nước chính thức công nhận. Dã sử: Những sách do một hay nhiều người biên soạn, mang tính chất cá nhân, do đó mang nhiều dấu ấn riêng biệt. (Hán việt tân từ điển). Theo ý tác giả thì những loại tiểu thuyết diễn chí, diễn nghĩa đều thuộc dã sử. 5Ta: Chử Nhân Hoạch tự xưng.