Bạn đang đọc Tương Vọng Đào Hoa FULL – Chương 9
Mạnh phu nhân lưu luyến tiễn chân Anh Ngọc.
Bà thật lòng lo lắng, rất muốn đi cùng nàng.
Nàng không nói gì với bà về những nghi ngờ trước cái chết của Mạnh thái y, chỉ nói Nguyễn Chấn đại nhân nhắn muốn nàng lên kinh gặp mặt, nhân tiện nàng cũng muốn mang tro cốt của Mạnh thái y về.
Anh Ngọc khéo léo uyển chuyển đưa đủ lí do nào là Nguyễn Chấn đại nhân lo lắng đường xa nguy hiểm lại thêm không muốn nhiều người biết đến tung tích của mẫu tử bà nên khuyên bà ở lại Nguyễn phủ chờ tin.
Mạnh phu nhân đành phải bấm lòng.
Người ta hết lòng giúp đỡ nhà mình, gọi con mình đến gặp cũng vì muốn an bày thật tốt, bà dù có không muốn cũng không có lí nào lại miễn cưỡng gây thêm phiền phức cho con? Nhưng nói sao thì chồng bà đã vì lên kinh mà chết, nay đến lượt con mình lại sắp lên kinh, tim gan bà lo đến muốn tan chảy.
Chồng đã mất, nếu đứa con này cũng không còn bà biết sống làm sao đây?
Anh Ngọc hết lời an ủi, bà mới cố nén lòng để y lên xe ngựa.
May nhờ có Yến Nhi bên cạnh chăm sóc, nàng cũng an tâm hơn về bà.
Chiếc xe ngựa lướt đi nhanh trong nắng sớm, lưu lại phía sau tiếng khóc não lòng.
Anh Ngọc bấm bụng nén lệ, lòng thầm nhủ:
“Mẫu thân, người phải bảo trọng! Phong nhi đi lần này quyết phải điều tra cho ra lẽ về cái chết của phụ thân.
Phụ thân đối với con ơn trọng như núi.
Dù kẻ kia có thật sự là hoàng thái hậu, Phong nhi cũng phải nghĩ cách lôi bà ta xuống ghế để chịu tội.”
Nàng khẽ sờ trong ngực áo của mình, lá thư kia của Mạnh thái y để lại nàng đã bọc kín bằng giấy dầu cẩn thận luôn mang theo trong người.
Hi vọng lá thư này thật sự sẽ là manh mối giúp tìm ra mọi chuyện!
– ——————
Xe ngựa đang đi bon bon trên đường, mã phu đột nhiên thắng gấp.
Anh Ngọc suýt nữa bị hất văng ra khỏi xe.
Tưởng rằng có người phục kích, nàng lùi lại trong xe, lo lắng nhìn trộm ra cửa sổ trông chờ vào Nguyễn Thập Lục đang cưỡi ngựa bên cạnh.
Đi cùng đoàn lần này còn có mười mấy hộ vệ của Nguyễn phủ.
Không phải sớm vậy đã gặp mai phục rồi chứ?
Đến khi nghe tiếng của Nguyễn Thập Lục nói, Anh Ngọc mới ngẩn người ra, nhìn sang cửa sổ thì kinh ngạc.
Đó chẳng phải là Nguyễn Diễm Yên hay sao? Nàng ta đến đây làm gì? Còn cưỡi ngựa, đem hành trang, không lẽ là muốn đi cùng?
– Muội lập tức trở về cho huynh! Nếu không đừng trách Thập Lục ca đích thân bắt muội trói lại áp giải về nhà! – Thập Lục nóng nảy nói như quát.
Diễm Yên nhún mũi, tỉnh khô đáp:
– Huynh muốn bắt thì cứ đến bắt đi! Muội muốn đi, các huynh cản được sao? Nếu không cho muội đi cùng, muội cũng sẽ tự mình lên đường.
Đến lúc đó, muội có gặp nguy hiểm gì, có chết dọc đường hay bị lạc, bị kẻ xấu hại oan, dù sao đều là nhờ vào quyết định của Thập Lục ca!
Thập Lục tức giận gằn giọng:
– Muội hỗn láo! Người đâu, bắt trói cửu tiểu thư đưa về phủ cho ta!
Đám gia nô hộ vệ nhìn nhau rồi lại ái ngại nhìn sang cửu tiểu thư.
Diễm Yên cũng không vừa, lườm lườm nhìn đám hộ vệ vung ngọn roi lên sẵn sàng đáp trả.
– Muội muốn lên kinh thăm phụ thân.
Còn cả mẫu thân của muội nữa.
Thập Lục ca, huynh tại sao lại cản muội? – Giọng Diễm Yên ấm ức nghẹn nghẹn như sắp khóc.
Thập Lục nhất thời không kịp đỡ trước thái độ thay đổi bất ngờ của Diễm Yên.
Nói sao đây cũng là đứa tiểu muội mà cả Nguyễn gia đều cưng như trứng mỏng, bởi vậy vừa nghe thấy giọng mũi của nàng nấc lên, Thập Lục thở dài, ý tứ đầu hàng ra mặt:
– Muội muốn đi thì về xin với Thập Ngũ ca.
Huynh ấy nếu đồng ý tự nhiên sẽ sắp xếp cho người hộ tống muội đi.
Còn ta đi lần này là vì có việc hệ trọng.
Cửu muội, muội nên biết chuyện một lúc, không thể tùy hứng như vậy nữa.
Diễm Yên vung tay cầm roi chỉ vào xe ngựa nói:
– Tại sao hắn đi được mà muội lại không đi được? Thập Lục ca, muội nhất định phải đi.
Huynh mà không đồng ý muội sẽ nói với cha chuyện huynh và Thập Ngũ ca lén lút đi kỉ viện.
Còn nữa, chuyện huynh dối gạt cha, bởi tại huynh trêu chọc con gái của thầy đồ Lưu mới bị thầy đuổi học chứ không phải là vì thầy bệnh không dạy được nữa!
Thập Lục tái mặt:
– Muội dám…
Diễm Yên vẫn không chút e sợ, mười phần ngạo nghễ nghênh mặt như thách thức ca ca.
Thập Lục đo tính trước sau, than ngắn rồi lại thở dài, suy nghĩ một lúc mới nói:
– Nếu muội cùng đi thì phải hứa với ta trên đường nhất nhất đều phải nghe lệnh của ta.
Còn nữa, trên đường không được sinh sự, không được nói chuyện cũng không được…
– Được rồi, được rồi! Thập Lục ca anh minh thần võ.
Thập Lục ca oai nhất ở đây.
Huynh nói sao thì muội nghe đấy.
Tuyệt đối không dám cãi lệnh của ca.
Thế đã đi được rồi chứ? – Diễm Yên biết ý cắt ngang, tránh phải nghe Thập Lục dài dòng.
Thập Lục hết cách với tiểu muội, khẽ lắc đầu chỉ tay lên xe ngựa:
– Muội là thân nữ nhi cưỡi ngựa đi bên ngoài sẽ gây chú ý.
Hay là muội chịu khó vào xe ngựa ngồi cùng với Phong hiền đệ đi.
Đến trấn tiếp theo ta sẽ tìm mua thêm một cổ xe ngựa khác cho muội.
Vốn còn lo Diễm Yên sẽ từ chối, Thập Lục định bụng tìm thêm mấy lời đanh thép hơn để buộc Diễm Yên phải ngoan ngoãn lên xe ngựa, tránh gây chú ý làm lộ hành tung có thể gây nguy hiểm cho Kì Phong.
Không ngờ y vừa dứt câu, Diễm Yên đã xuống khỏi ngựa của mình mà nhảy gọn lên xe ngựa.
Trên xe ngựa, Anh Ngọc đang thò đầu ra, vừa đúng lúc Diễm Yên từ ngoài bước vô.
Hai người cùng lúc đụng vào nhau một cú, lại cùng lúc ôm đầu bật lùi về sau.
Anh Ngọc ngồi bò trên sàn xe, tay xoa trán, mặt nhăn nhó đau khổ nhìn Diễm Yên vừa ngạc nhiên vừa lo lắng đón chờ một cơn thịnh nộ.
Diễm Yên cũng xoa trán nhưng lạ lùng thay, nàng ta lại không nổi giận, chỉ ngoan ngoãn ngồi xuống phía ngoài.
Anh Ngọc hết hồn liền thụt lùi vào.
Nàng ta vốn biết nàng định đi ra lại cố ý ngồi chắn phía ngoài, rõ ràng là không cho nàng xuống xe, có khi nào chính là…đang kiếm chuyện.
Anh Ngọc tức thu người lại, hướng ánh mắt hoảng hốt ra màn cửa sổ xe trông đợi Thập Lục cứu khổ cứu nạn.
Nguyễn Thập Lục tới gần, ái ngại nói với Anh Ngọc:
– Phong hiền đệ, phiền đệ chịu khó một chút ngồi cùng xe với tiểu cửu nhà ta.
Đến phủ thành sắp tới, ta sẽ mua thêm một cổ xe mới cho muội ấy.
Anh Ngọc méo mặt:
– Oách! Gì cơ? Cửu tiểu thư cũng lên kinh cùng chúng ta sao?
Thập Lục mặt nhăn nhó, thở dài khó xử không biết đáp làm sao.
Cửu tiểu thư Diễm Yên thản nhiên nói:
– Ngươi cũng có thể lên kinh gặp phụ thân ta, ta thân là nữ nhi của ngài lẽ nào lại không thể đi?
Anh Ngọc nhìn Diễm Yên rồi nhìn lại Thập Lục, thấy Thập Lục cũng là bất đắc dĩ.
Nàng cũng không nói thêm, khẽ hít vào một hồi rồi tự mình thu người ngồi trở lại trong xe.
Đoàn người lại lên đường.
Anh Ngọc và Diễm Yên ngồi cùng một xe.
Nàng là một nữ tử, tất nhiên nào có để ý đến cái tư tưởng “lực lưỡng” thời phong kiến đó là “nam nữ thọ thọ bất thân” nhưng tự khắc bản thân cũng đã cách riêng một khoảng với tiểu thư nhà họ Nguyễn.
Cổ xe ngựa này rất rộng, Anh Ngọc ngồi xếp chân thụt tít bên trong, trong khi Diễm Yên ngồi tận mé ngoài cùng.
Khoảng cách giữa hai người rộng đến mức còn thừa chỗ để có thể cho thêm ba người nữa vào giữa.
Thấy kẻ ngồi cùng trên xe đi cả một đoạn đường dài đều không nói gì chỉ chúi đầu vào đọc sách, Diễm Yên buồn chán mới gọi nàng:
– Này! Xe ngựa lắc lư mãi như thế, ngươi vẫn đọc sách được à?
Anh Ngọc không ngẩng đầu lên, chỉ khẽ ậm ừ qua loa với nàng.
Diễm Yên cực ghét bỏ thái độ lơ đãng ấy, lập tức vung roi giật lấy quyển sách trên tay nàng về phía mình.
Anh Ngọc cáu bẵng gắt lên: “
– Ngươi đừng làm hỏng, sách đấy là của phụ thân ta để lại!
Diễm Yên cầm sách lên xem, quả thật là y thư nên đã ném trả lại.
Vẫn làm ra vẻ mặt vênh vang, nàng nói:
– Ai bảo ngươi chỉ mải mê chúi đầu vào quyển sách đó.
Ngươi cũng đã ngồi chung xe với ta, cũng nên biết phép tắc một chút, nên hầu chuyện với ta mới phải!
Anh Ngọc ghét bỏ nguýt nàng ta một cái.
Diễm Yên không ngờ lại bật cười:
– Họ Mạnh ngươi….ngươi vừa làm gì kia?
Anh Ngọc chau mày:
– Làm gì là làm gì? Ta không làm gì ngươi cả?
Diễm Yên không ngừng cười:
– Không phải.
Ta nói động tác của ngươi.
Lúc nãy ngươi vừa nguýt ta? Ha ha! Ngươi có biết ngươi lúc đó trông buồn cười lắm không? Ngươi…Ngươi làm động tác đó thật sự….thật là giống nữ nhân đó!
Anh Ngọc đen mặt.
Nữ nhân trước mặt này không gây cho nàng phiền phức nàng ta sẽ không vui đâu.
Anh Ngọc thở dài thườn thượt.
Nàng và nàng ta va chạm bao nhiêu lần, bị nàng ta đánh bao nhiêu lượt, vết thương trên người đến tận lúc này cũng vẫn còn nhưng Anh Ngọc một chút cũng không để ý đến nàng ta.
Nàng không nhìn thẳng nàng ta.
Thậm chí ngay cả khi đối mặt cũng tránh không nhìn mặt nàng ta.
Dù đó là một khuôn mặt vô cùng xinh đẹp nhưng đối với nàng chính là khuôn mặt, khuôn mặt của một người đã từng làm nàng tổn thương tận cùng.
“Nguyễn Diễm My, Nguyễn Diễm Yên, hai người dù là kiếp trước hay kiếp này cũng đều muốn tìm ta gây khó dễ cho ta hay sao? Ta đã chết một lần rồi, lòng ta cũng đã nguội lạnh rồi.
Diễm My, xin hãy để cho ta bình yên mà lướt qua đời này!”
Nhìn thấy nét mặt biến chuyển kì lạ của người đối diện, Diễm Yên chợt nhận ra mình nói đùa có lẽ hơi quá đáng.
Cũng không dám nói nhiều hơn để sinh thêm chuyện nữa, nàng cúi đầu nhìn chiếc roi da trong tay mình.
Anh Ngọc cũng không quan tâm nàng, lạnh lùng cúi mặt nhìn lại trang sách.
“Ta đã sai một lần rồi, làm sao có thể một lần nữa phạm vào cái sai cũ? Nếu đã biết trước là nghiệt duyên, dù cho có như thế nào, ta cũng sẽ không để lòng mình sa ngã lần nữa! Cao Anh Ngọc đã chết, kiếp này ta là Mạnh Kì Phong.
Ta chỉ sống vì bản thân và mẫu thân của mình thôi!”
Chương 11: Đội mưa cứu người
Đến thị trấn, đoàn người nghỉ lại tại một khách điếm ven đường.
Thập Lục thu xếp phòng nghỉ cho Anh Ngọc xong, còn cẩn thận dặn dò:
– Phong hiền đệ, tuy rằng chúng ta đến được đây, trên đường đều rất an toàn nhưng ngày nào còn chưa đến được kinh thành cũng không thể không cẩn thận.
Đệ nên nghỉ sớm một chút, sáng sớm mai chúng ta lại lên đường.
Thập Lục đi rồi, Anh Ngọc cũng không ngủ.
Nàng bước ra ngoài cửa phòng nhìn lên bầu trời đêm.
Bầu trời âm u đen kịt.
Nàng thở dài.
Đêm nay nhất định sẽ có mưa to, không biết ngày mai có thể lên đường kịp như dự định?
Quả đúng như Anh Ngọc dự đoán, trời đã đổ mưa.
Mưa thật to, rất rất to, mưa như trút nước.
Anh Ngọc không ngủ được, bước ra sãnh khách điếm đứng nhìn.
Chủ khách điếm là một ông lão chừng năm mươi tuổi.
Ông cũng đến cạnh Anh Ngọc, mời nàng một chén trà rồi chậm rãi buồn rầu nói:
– Ở vùng này quanh năm mưa rất nhiều.
Đất đai cũng bị mưa làm xối mòn lỡ trôi đi hết.
Mùa màng thất bát cũng đã cam, chỉ sợ mưa thế này lại sinh ra lở đất lở núi.
Dân chúng vùng này thật khổ sở lắm!
Anh Ngọc cũng thở dài, nhận lấy chén trà ông chủ đưa.
Nàng vừa nhấp môi một ngụm chợt nghe bên ngoài có tiếng người chạy đến rất gấp:
– Ông chủ Tô, con trai của lão trên đường về đây, đến đoạn dốc núi thì bị núi lở vùi lấp rồi!
Chén trà trong tay ông chủ khách điếm họ Tô rơi xuống đất vỡ tan.
Ông hốt hoảng vội chạy ra cửa:
– Nói sao? Thằng Tô Hiển nhà tôi bảo rằng hai ngày nữa mới về mà? Tại sao lại về, mà còn về vào đêm hôm thế này được?
Người bên ngoài kia cả người phủ áo tơi kín mít, vẫn đứng trong mưa nặng nề thở hồng hộc đáp:
– Tô Hiển cùng đại ca nhà tôi, cả Lâm Thái cháu nội của trưởng thôn nữa.
Tất cả sang thôn Đông dự tiệc của bằng hữu định rằng hai ngày nữa mới về, nhưng vì hôm qua người ở thôn Đông nhìn biển dự đoán rằng nay mai sẽ có mưa bão rất to.
Tô Hiển lo cho ông chủ Tô ông ở lại một mình không an tâm nên mới gấp rút đi về.
Nào ngờ lại không may…
Ông chủ Tô té sụp xuống đất.
Anh Ngọc ở phía sau vội vàng chạy đến đỡ ông ta, tay ấn vào huyệt Kim Chung trước mũi ông ta, vừa quay sang vị huynh đệ vừa báo tin nói:
– Vị đại huynh này! Huynh có thể lập tức đến tìm trưởng thôn huy động mọi người, chúng ta đi cứu người được không?
Huynh đệ kia ngồi phịch xuống đất, lắc đầu nói:
– Vô ích thôi! Đêm khuya, mưa to gió lớn còn thêm đất đá sạt lở liên tục.
Dù rằng trong người bị nạn cũng có cả con trai của trưởng thôn nhưng ông ta cũng hết cách.
Mạng ai cũng là mạng.
Ông ta có là trưởng thôn cũng không thể ép những người khác đi vào nguy hiểm để cứu con mình.
Anh Ngọc không đồng tình:
– Nhưng cũng không thể thấy chết không cứu.
Chúng ta đông người, mỗi người đồng lòng cùng đào bới chỗ đất đá bị lở nhất định vẫn còn cứu kịp.
Nhưng nếu không làm thì đồng nghĩa với việc những người kia không thể thoát thân.
Ông chủ Tô và vị huynh đệ kia khổ sở nhìn nhau mà khóc.
Anh Ngọc không hiểu nổi suy nghĩ của những người này.
Người thân mình bị nạn, mình lại chỉ biết khóc lóc mà không dám ra tương cứu.
Nguy hiểm thì sao? Nguy hiểm đến mức độ nào? Nàng không sợ nguy hiểm.
Trải qua hai kiếp, hiểu được nỗi khổ của việc sinh ly tử biệt với người thân, nàng càng hiểu ra việc mất đi người thân so với việc bản thân mình phải chết còn đau đớn hơn nhiều.
Không đợi ông chủ Tô cùng huynh đệ kia phản ứng.
Nàng chạy vào quầy của ông chủ Tô lấy chiếc kẻng báo động của ông lão đánh lên thật to, kinh động tất cả mọi người tỉnh dậy bước ra tiền sãnh.
Thập Lục đang ngủ, nghe tiếng kẻng kia tưởng khách điếm bị hỏa hoạn, sợ người tập kích Mạnh Kì Phong liền giật bắn dậy chạy ngay vào phòng Kì Phong.
Không ngờ trong phòng lại không có người.
Thập Lục hoảng sợ, vội vác kiếm hô hào các hộ vệ cùng chạy ra tiền sãnh.
Nhìn thấy người ta đang ở tiền sãnh, tay còn cầm kẻng gõ liên tục.
Thập Lục kinh ngạc vội hỏi:
– Kỳ Phong hiền đệ, ngươi làm cái gì vậy?
Anh Ngọc gật nhẹ đáp lời với Thập Lục:
– Đêm qua ở đây bị lở núi, có người bị chôn vùi.
Đệ muốn huy động mọi người đi cứu người.
Thập Lục trợn to mắt:
– Phong hiền đệ, ngươi cũng biết chuyện của ngươi, đáng lí ra ngươi không nên để lộ hành tung của mình mới phải.
Ngươi…ngươi lại như vậy…?
Anh Ngọc cười nhẹ, nói nhỏ với thập lục:
– Huynh yên tâm đi! Ở đây chỉ là làng nghèo ven núi, người dân chỉ là thôn dân bình thường, không ai để ý đến đệ đâu! Mạng người quan trọng, chúng ta phải cứu người.
Tiếng kẻng của Anh Ngọc kinh động cả thôn làng đến.
Trưởng thôn nghe thấy tin con mình gặp nạn cũng rất hoảng loạn, nhưng đúng như vị huynh đệ kia và ông chủ Tô dự đoán, trưởng thôn cũng không dám yêu cầu thôn dân mạo hiểm cùng ra đào vét lớp đất lở để cứu người.
Ban đầu, Anh Ngọc vừa vận động vừa thuyết phục thôn dân.Người dân cũng không phải là vô tình, thấy chết không cứu nhưng họ ở đây vốn rất sợ sự giận dữ của thiên nhiên.
Đừng nói đến chuyện núi lở đất đè, chuyện mưa lớn kéo theo lũ quét hàng năm đã khiến bao nhiêu nhà phải chịu cảnh mất người thân.
Họ đã rất sợ hãi cho nên trong lòng đều không dám nghĩ đến chuyện chống lại thiên nhiên.
Huống chi với chuyện bị núi đè, nhiều người không cho rằng đó là tai nạn mà còn có tư tưởng hoang đường bảo rằng người kia là bị trời hành.
Anh Ngọc thuyết phục cả buổi trời vẫn không thấy một thôn dân nào đồng tình bước rat ham gia cứu nạn.
Nàng thở dài, cầm lấy một chiếc cuốc nói:
– Ta đã nói hết lời, nếu mọi người vẫn không cứu vậy thì ta đi cứu một mình.
Dù có thật sự nguy hiểm đi chăng nữa, làm một người có quả tim ta cũng không thể nào thấy chết mà bỏ mặc.
Nàng nói xong liền mạnh dạn bước ra bên ngoài.
Diễm Yên từ trong đám người cũng đột nhiên bước ra, đứng sau Anh Ngọc nói to:
– Ta cũng đi với ngươi! Không cần biết có cứu được người hay không nhưng nếu chúng ta ai cũng không cứu thì tất nhiên là họ sẽ chết!
Thập Lục thì tiểu muội của mình cũng đi, y cũng liền đi theo.
Đám hộ vệ hơn mười mấy người cũng đi theo chủ nhân.
Dân làng thấy những người khách qua đường này thế mà có lòng tốt cứu người trong khi chính dân cư thôn mình lại sợ sệt đủ chuyện không chịu tiếp ứng.
Nhìn Anh Ngọc một thân thư sinh gầy tóp dẫn đầu đoàn người vác cuốc đội mưa hiên ngang xăm xăm đến đoạn đường đất bị thiên họa chôn vùi, khí thế của nàng đã khiến đám thôn dân bị xúc động.
Họ không nghi ngại nữa, người lấy cuốc, người lấy xẻng, người mang dây, gậy, đội áo tơi che mưa, cầm đuốc xông ra đường núi.
Anh Ngọc huy động mọi người vừa cuốc đất dọn đường, vừa hướng đến những chỗ đất ụ đắp lên bới ra hi vọng tìm được người trong đống đất đá đổ nát.
Thôn dân cùng hộ vệ, mỗi người một tay cùng nhau đào bới liên tục.
Mãi cho đến trời gần sáng thật đã tìm được ba người bị chôn trong đất đá kia.
Trưởng thôn, ông chủ Tô nhìn thấy con cháu mình bình an, mừng đến phát khóc.
Hai ông lão hướng đến trước Anh Ngọc và đám người Thập Lục quì xuống tạ ơn.
Anh Ngọc một thân y phục ướt sũng, lấm lem bùn đất mỉm cười đỡ lấy hai ông lão.
Nhìn sang đống đất đá vẫn còn hoang đàng giữa đường.
Anh Ngọc hướng mắt sang thôn dân cao giọng nói:
– Các vị thôn dân! Nhân đây, chúng ta hãy dọn sạch đoạn đường này để tiện cho việc đi lại của mọi người muốn qua lại thôn này đi!
Các thôn dân cũng đồng tình, mỗi người một tay dọn sạch lớp đất đá bừa bộn.
Diễm Yên không trực tiếp ra tay phụ giúp chỉ đứng nép bên một gò cao, che áo tơi, phụ trách việc rót nước trợ giúp cho những người đào đất.
Nàng nhìn sang người họ Mạnh kia một thân nam trang lấm lem bùn đất nhưng vẫn hăng say làm việc, động tác năng động dứt khoát vô tình làm bật lên một thần thái mạnh mẽ đáng hâm mộ.
Diễm Yên nhìn đến ngây người.
Chưa bao giờ nàng có cảm xúc này.
Thân ảnh người trước mắt lúc này lại uy dũng như một đại anh hùng, hào khí như một đại hiệp và nụ cười ấy hòa nhã như một đại văn nhân quân tử.
Ấy vậy mà trước giờ nàng lại không nhìn ra được điểm tốt của người ta? Nàng mỉm cười, rót một chén trà nóng, đội mưa đi đến trước mặt Anh Ngọc, cười ngọt ngào đưa cho nàng.
Anh Ngọc nhìn Diễm Yên, trong giây lát ngẩn người như tượng.
Nàng trấn tĩnh mình, khẽ gượng cười, đón chén trà uống cạn rồi trả lại chén cho Diễm Yên:
– Đa tạ!
Nàng ta trừng to mắt, không hài lòng nói:
– Ngươi chỉ nói được như vậy thôi sao?
Anh Ngọc nhướng mày, động tác cuốc đất vẫn không dừng lại:
– Cửu tiểu thư muốn ta nói gì?
Diễm Yên nghẹn họng, tức đến dậm chân.
“Còn hỏi muốn ngươi nói gì? Nói với ta một câu dài thật là khó đến như vậy sao?”
Thật lòng, nàng nhìn thấy người này đúng là muốn đánh cho một trận.
Nàng nghiến nghiến răng, nhăn mày phun một câu mắng:
– Ngươi đúng là đồ đầu heo ngu ngốc!
Nàng ghét bỏ đi trở lại trên gò cao.
Anh Ngọc cũng nghe được lời mắng nhưng chỉ gượng cười lại tiếp tục động tác dang dở.
Đang lúc ấy, một người dân thôn chạy đến báo với trưởng thôn ở rìa núi ngoài đầu thôn cũng bị sạt lở, nghe nói còn chôn vùi cả một đoàn người ngựa đang trên đường về kinh thành.
Anh Ngọc nghe vậy, dừng tay, bước đến gần nghe ngóng.
Người báo tin là một tráng niên chừng ba mươi tuổi nói:
– Nghe nói đoàn xe đó của một vị tiểu thư họ Đinh ở kinh thành đi ngang qua đây.
Trưởng thôn, chúng ta có đến cứu họ luôn không?
Vị tráng niên sau một đêm hưởng ứng hạnh động chung tay cứu người với Anh Ngọc tự nhiên cũng sinh nhiệt huyết, vừa thấy có người bị nạn tự giác liền muốn cứu người.
Trưởng thôn nghe xong khẽ thở dài, mệt nhoài ngồi xuống một góc cây gần đó nói:
– Mọi người cũng mệt nhọc cả đêm rồi, không biết có đào đất được nữa không? Hơn nữa rìa núi ở đầu thôn chúng ta hễ mưa lớn là là sẽ bị sạt lở nghiêm trọng.
Hơn nữa cạnh bên lại là bờ dốc, chỉ sợ việc cứu người sẽ còn khó khăn và nguy hiểm gấp nhiều lần ở đây.
Ông chủ Tô cũng gật đầu nói:
– Hay là chúng ta nói với Mạnh công tử trở về khách điếm nghỉ ngơi một lúc rồi lại tiếp tục đến đầu thôn cứu những người kia.
Anh Ngọc vừa đến, nghe mấy vị bô lão trong thôn nói chuyện với nhau, nàng liền hỏi:
– Các vị, ta vừa nghe nói phía đầu thôn cũng bị sạt núi vùi lấp người sao?
Trưởng thôn gật đầu:
– Đúng vậy! Nhưng mà Mạnh công tử, chúng ta ở đây cũng đều đã mệt mỏi một đêm.
Cậu cũng dầm mưa cả đêm rồi.
Cứ tiếp tục như vậy, sợ là không cứu được người mà ngay cả cậu cũng bệnh.
Hay là cậu theo chúng tôi về nghỉ ngơi, lát nữa lại đến đầu thôn tiếp tục cứu người.
Anh Ngọc lắc đầu:
– Ta không thấy mệt.
Các vị bô lão, chẳng hay người bị nạn ở đầu thôn cũng là người dân thôn này hay sao?
Trưởng thôn lắc đầu:
– Nghe nói đó là đoàn xe trên đường đến kinh thành.
Là đoàn xe của một vị tiểu thư họ Đinh nào đó!
Anh Ngọc chấn kinh, kích động nắm chặt vai ông lão trưởng thôn:
– Ông nói…!là đoàn xe ngựa của Đinh tiểu thư hay sao? Mau, dẫn đường giúp ta!
Anh Ngọc chạy như bay theo hướng người dẫn đường chỉ.
Trưởng thôn và lão Tô kinh ngạc nhìn nhau, sau đó tự cảm thấy xấu hổ liền quay sang đám tráng niên đang còn dang dở việc dọn dẹp còn lại nói:
– Mọi người, tất cả đừng ở đây nữa.
Mau theo Mạnh công tử sang rìa núi đầu thôn cứu người đi! Mau lên đi!
Nhìn đám tráng niên bước đi, Thập Lục vội vã chạy đến hỏi trưởng thôn:
– Mạnh…công tử đi đâu rồi?
Trưởng thôn chỉ tay:
– Công tử ấy lại sang đầu thôn cứu người rồi.
Nguyễn công tử, cậu cũng đi cùng chúng tôi giúp Mạnh công tử một tay chứ?
Nguyễn Thập Lục đấm tay vào đùi, mắng thầm cái tên Mạnh Kì Phong đáng chết.
Bản thân đã bị kẻ địch nấp trong bóng tối truy sát, không biết sợ lại còn hăm hở lộ mặt đi cứu người.
Nếu thật sự có kẻ muốn gϊếŧ y lẫn khuất ở gần đây, Nguyễn Thập Lục chỉ có nước kêu trời thay y mà thôi..