Đọc truyện Tương Tư Thành Nắm Tro Tàn – Chương 30: Mùa Xuân Năm 2003 (6)
Mùa xuân năm 2003, khi dịch SARS đang khiến người người hoang mang, ủy ban Olympic Bắc Kinh công khai tuyển chọn phương án thiết kế sân vận động quốc gia và đã có kết quả cuối cùng. Hai kiến trúc sư người Thụy Sĩ là Herzog và De Meuron hợp tác với Arupsport and China Architecture Design & Research Group đã được chọn làm đơn vị tư vấn thiết khiến trúc cho công trình này với cái tên trên đề án thiết kế là “tổ chim”. Theo những hình vẽ và mô hình thiết kế được đăng tải trên mạng và truyền thông, cái tên “Tổ chim” rất nhanh đã nổi tiếng.
SARS và Tổ chim là hai danh từ thu hút nhiều sự quan tâm nhất trong mùa xuân năm 2003.
Chỉ có điều, khi đó, Tô Nhất quan tâm đến dịch SARS nhiều hơn. Cô đặc biệt chú ý danh sách bệnh nhân mới mắc bệnh được công bố hằng ngày. Cô biết chuyện đề án sân vận động Tổ chim là do Chung Quốc nói khi chát với cô. Cậu còn gửi cả link ảnh cho cô xem.
“Thế nào? Có đẹp không? Thiết kế này quá tuyệt, có thể trở thành kiệt tác tiêu biểu mang tính đột phá trong lịch sử kiến trúc.”
“Có gì mà đẹp? Em thấy rất bình thường. Lộn xà lộn xộn như một cái lồng chim. Cảm giác quá khép kín. Cái này tượng trưng cho tinh thần gì của thể dục thể thao?”
“Đây không phải là một cái lồng chim mà là một cái tổ. Tổ chim, nơi tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, cho hi vọng. Ngụ ý quá hay.”
Chung Quốc nói vậy, Tô Nhất cũng thấy cái tổ chim này có ý nghĩa nhưng vẫn chẳng thấy nó đẹp ở đâu cả.
“Nhưng nhìn hơi kì quái.”
“Bởi vì thiết kế này quá đặc biệt nên nhất thời khiến người ta khó mà chấp nhận. Thật ra tháp Eiffel hay bảo tàng Louvre của Pháp, khi mới được xây dựng cũng từng phải nhận những lời tranh luận và phê phán kịch liệt, vậy mà sau này đều trở thành những kiệt tác kiến trúc của nhân loại. Tổ chim cũng sẽ được như vậy. Anh bình chọn nó với tư cách của một kiến trúc sư tương lai.”
Chung Quốc phát biểu quan điểm của mình với tư cách là một người trong nghề, kẻ ngoại đạo như Tô Nhất chỉ còn cách ủng hộ: “Anh thấy được thì em cũng thấy được.”
“Thế có được coi là phu xướng phụ tùy1 không nhỉ?”
1. Ý nói theo quan niệm xưa, người vợ luôn tuân theo ý nguyện của chồng.
Chung Quốc nói, kèm theo icon mặt cười.
Tô Nhất trả lời cậu một câu: “Đồ quỷ.”
Tiếp theo lại là chuyện thường ngày, Tô Nhất hỏi Chung Quốc tình hình phòng chống dịch SARS. Chung Quốc bảo cô không cần quá lo lắng, theo số bệnh nhân được công bố hiện tại, việc khống chế SARS ở Bắc Kinh bước đầu đã có những chuyển biến tốt. Cậu nói rất lạc quan: “Rồi sẽ tốt lên thôi.”
“Thật không? Mà tốt nhất là nhanh nhanh lên. Ngày nào cũng bị nhốt trong trường thật bất tiện không thể chịu nổi. Anh biết hôm nay để có một chỗ ở phòng vi tính, em phải vất vả thế nào không? Vì trường đóng cửa nên phòng vi tính ngày nào cũng chật cứng, em phải xếp hàng từ sáng đấy.”
“Phòng vi tính trường anh cũng vậy, chật cứng người, ngày nào cũng là nơi khử trùng trọng điểm.”
“Thế cả thôi. Thật mong đến ngày được giải thoát.”
Về đến kí túc đã rất muộn, tầng dưới sắp đóng cửa.
Tô Nhất thấy phía trước có vài đôi tình nhân đang lưu luyến nhau, cứ tay cầm tay chẳng muốn rời. Cho đến khi cô quản lí kí túc người Sơn Đông gọi lớn: “Mau vào thôi, tôi đóng cửa đây này” và tiếng kéo cửa vang lên thì các đôi mới chịu buông tay, vẫy chào, thậm chí là tặng cho nhau những chiếc hôn tạm biệt. Đa số các cô gái đều đi một bước mà ngoái đầu lại đến ba lần.
Tô Nhất bỗng ngẩn ngơ, nhớ lại trước khi nhập học, sau khi đưa cô đến trường, cùng cô ăn bữa tối, Chung Quốc đã cùng cô đi dạo cho đến khi không thể không quay về kí túc. Họ cũng đứng nhìn nhau lưu luyến như vậy. Ở bên nhau có hai tháng nghỉ đông nhưng phải xa nhau những cả một học kì. Vài ngày sau mỗi lần từ biệt, cô đều cảm thấy rất khó thích nghi, đêm nào cũng thấy nhớ cậu đến mất ngủ. Tình yêu đã khiến Tô Nhất hiểu thế nào là “cảm giác cách xa nồng như rượu, khiến con người ta phải hao gầy”.
Chung Quốc vốn định nhân dịp nghỉ lễ Quốc tế lao động sẽ quay về thành Đô thăm cô, nhưng vì dịch SARS, bảy ngày nghỉ lễ cũng mất tiêu, đành chờ đến nghỉ hè mới được gặp.
Về đến kí túc, Tô Nhất thấy Chu Hồng đã ngủ, còn giường của Hứa Tô Kiệt vẫn trống không. Cô ấy chưa về sao? Lại cùng anh Chu diễn cảnh chàng chàng thiếp thiếp ở xó nào rồi. Sắp đến giờ đóng cửa kí túc, gần đây trường hay kiểm tra đột xuất, nhỡ phát hiện cô ấy không có ở trong phòng thì gay to.
Tô Nhất lập tức gọi điện cho Hứa Tô Kiệt, vừa nhấn nút gọi thì nghe có tiếng nhạc chuông quen thuộc ngoài phòng, sau đó, Hứa Tô Kiệt đẩy cửa đi vào. Tô Nhất thở phào nhẹ nhõm. “Sao giờ chị mới về?”
Hứa Tố Kiệt quay đầu nhìn cô và cười. Dưới ánh đèn, đôi má cô ửng đỏ, ánh mắt long lanh, nụ cười trên môi mang vẻ ngọt ngào và đắm đuối. Gương mặt thường ngày bỗng trở nên đặc biệt dễ thương, khiến Tô Nhất không kìm được, hỏi: “Chị Hứa, hôm nay có chuyện gì vui sao?”
Hứa Tố Kiệt nhất định không chịu nói, chỉ cười rồi vào nhà vệ sinh đánh răng rửa mặt. Tô Nhất thầm đoán hẳn anh Chu đã nói gì đó khiến cô ấy rất vui.
Từ tối hôm đó, hầu như ngày nào cũng vậy, phải gần đến giờ kí túc đóng cửa, Hứa Tố Kiệt mới về. Đương nhiên là đi chơi với anh Chu của cô. Trong giai đoạn mẫn cảm này, Tô Nhất thực sự rất ngưỡng mộ Hứa Tố Kiệt vì ngày nào cũng có người yêu bên cạnh, cùng vượt qua cơn khủng hoảng này.
***
Trưa hôm đó, khi Tô Nhất và Hứa Tố Kiệt đang ăn cơm ở căn tin thì thấy Trình Thực ngồi ở một bàn cách đó không xa. Cô nhìn cậu ta, gật đầu cười chào. Cậu ta đã giúp cô, cô nợ cậu ta ân tình và tiền bạc, dù thế nào cũng nên niềm nở cười chào cậu ta một tiếng.
Cậu ta đáp lại nụ cười của cô bằng một nụ “cười mỉm” nhẹ đến mức gần như không ai biết cậu ta đã cười. May mà thị lực của Tô Nhất cũng khá tốt.
Hứa Tố Kiệt thấy Tô Nhất và Trình Thực gật đầu chào nhau liền trêu: “Trước đây ghét cậu ta như vậy, giờ lại “liếc mắt đưa tình” với nhau à? Tô Nhất, Chu Hồng thích cậu ta vì chiếc máy ảnh tám nghìn tệ, khi đó em còn phê bình nó vì tám nghìn tệ mà hiến cả trái tim. Giờ thì hay rồi, em vì năm trăm tệ mà bỏ qua thù hận với cậu ta.”
“Năm trăm tệ đó đối với em có ý nghĩa vô cùng lớn. Hơn nữa, bỏ qua thù hận thì có gì là không tốt? Bớt một kẻ thù là bớt một gánh nặng, thêm một người bạn là thêm một con đường.”
“Cũng có lí. Làm bạn với Trình Thực, em không chỉ có thêm một con đường mà sẽ là rất nhiều con đường. Hay là đá anh bạn Chung Quốc của em đi, dựa vào anh chàng này cũng được.” Hứa Tô Kiệt vừa nói vừa khúc khích cười.
Tô Nhất nghiêm nghị lắc đầu. “Không được, em phải kiên trì nguyên tắc “Chỉ có một Chung Quốc”, không thay đổi.”
Hứa Tố Kiệt phì cười, phun cả cơm trong miệng ra. Tiếng cười hơi lớn khiến những người ngồi ở mấy bàn gần đó đều quay lại nhìn hai người, Trình Thực cũng liếc nhìn một cái. Ánh mắt cậu ta ban đầu chỉ là thờ ơ, nhưng sau đó lại chuyển thành chăm chú.
Ăn xong, Hứa Tố Kiệt đi trước vì còn phải mang cơm cho anh Chu. Bát đũa để lại cho Tô Nhất rửa.
Đang rửa bát ở máng nước bên ngoài căn tin, Tô Nhất thấy Trình Thực cũng mang bát ra rửa. Chẳng còn cách nào, cô bắt chuyện với cậu ta: “Ý, cậu mà cũng tự rửa bát à? Sao không thuê ai đó rửa hộ cho?”
Trình Thực nghĩ ngợi một hồi rồi mới đáp: “Tôi biết rửa bát từ thời còn tiểu học, khi đó tôi là tay rửa bát chính của cả nhà.”
Xem ra hồi nhỏ gia đình cậu không khá giả lắm. Từ bé đã biết làm việc nhà, chỉ có con nhà nghèo mới vậy. Chính sách cải cách mở cửa của Trung Quốc khiến một bộ phận người dân phất hẳn lên, gia đình Trình Thực hẳn là người được lợi trong cuộc cải cách đó, thực sự rất xứng với cái tên “con nhà giàu mới nổi”, nhưng Tô Nhất lại đột nhiên cảm thấy hơi xấu hổ khi dùng từ đó với gia đình cậu ta. Thực ra những người lăn lộn trong xã hội để đi lên từ nghèo khó mới là những người đáng được nhận sự tôn trọng. Từ hai bàn tay trắng, vất vả phấn đấu tạo dựng nên giang sơn của mình, có doanh nhân thành đạt nào mà không từng đổ mồ hôi sôi nước mắt?
Tô Nhất quyết định sau này sẽ không gọi Trình Thực là “con nhà nhà giàu mới nổi” nữa. Đột nhiên Trình Thực hỏi cô một câu: “Cô bạn vừa ăn cơm với cậu là bạn học của cậu à?”
“Ừ, chúng tôi là bạn học, cũng là bạn cùng phòng. Chị ấy là bạn thân của tôi. Sao vậy?”
Trình Thực do dự một hồi rồi mới nói: “Tôi… vào buổi tối của hai hôm trước, tôi thấy cô ta ở kí túc xá của chúng tôi.”
Tô Nhất ngạc nhiên. “Cậu có nhầm không đấy? Nhà trường đâu có cho sinh viên tùy tiện vào túc học. Hứa Tố Kiệt sao có thể vào kí túc nam của các cậu được?”
“Nhưng đúng là tôi đã nhìn thấy cô ta. Kí túc xá nam gần đây rất loạn, nhiều người tìm cách đưa bạn gái vào. Bảo bạn cô cẩn thận một chút, tốt nhất đừng vào đó nữa, bị nhà trường phát hiện thì phiền đấy.”
Trình Thực nói xong thì bát cũng rửa xong, cậu ta xoay người bỏ đi. Tô Nhất đứng sững người một lúc, sau đó gọi điện hỏi Hứa Tố Kiệt.
Hứa Tố Kiệt cũng không giấu cô. “Ừ, gần đây tối nào chị cũng ở kí túc xá của anh Chu. Ba người bạn cùng phòng của anh ấy, hai người đã về nhà, một người thì tối nào cũng sang phòng bên cạnh chơi điện tử đến giờ tắt điện mới về. Phòng anh ấy giờ là thế giới riêng của bọn chị.”
Tô Nhất vô cùng kinh ngạc. “Chị Hứa, chẳng phải nhà trường đang cấm không được vào kí túc xá lung tung sao? Chị vào bằng cách nào?”
“Bọn chị có cách riêng của mình.”
Cũng đúng, có chính sách thì ắt sẽ có đối sách. Phòng quản lí kí túc nào cũng có lỗ hổng. Nhưng Tô Nhất vẫn vô cùng lo lắng. “Chị Hứa, em biết chị và anh Chu yêu nhau, nhưng như vậy thì… quá mạo hiểm. Dạo này ngày nào trường cũng kiểm tra, nếu các thầy cô biết chị vào trong kí túc xá nam, cả hai sẽ gặp phiền phức lớn. Tốt nhất đừng liều lĩnh như vậy.”
“Chị biết, lần nào chị cũng đi trước khi nhà trường kiểm tra mà, không sao đâu.”
Hứa Tố Kiệt không chịu nghe lời khuyên của Tô Nhất. Nửa tháng tiếp theo, cô vẫn đi mãi đến tối mới về. Tô Nhất và Chu Hồng đều vô cùng lo lắng nhưng bản thân Hứa Tố Kiệt lại không để ý đến chuyện đó, chỉ nói: “Không sao đâu, chị cẩn thận lắm mà.”