Đọc truyện Tương Tư Thành Nắm Tro Tàn – Chương 1: Oan gia (1)
Tô Nhất và Chung Quốc từ nhỏ đã quen nhau, cũng coi như là thanh mai trúc mã nhưng lại chẳng bao giờ hòa thuận. Ngược lại, hai đứa rất hay đánh nhau, đúng là một cặp oan gia.
1
Lần đầu tiên Tô Nhất biết đến hai từ “oan gia” là khi cô mới khoảng năm tuổi, nghe cô Uông ở nhà bên cạnh nói.
Cô Uông bà mẹ của Chung Quốc. Mỗi lần Tô Nhất và Chung Quốc ở dưới sân cãi nhau đến gà bay chó chạy, cô ấy lại vừa cười vừa mắng yêu một câu:
“Hai đứa này, cứ ở gần là lại cãi nhau, thật đúng là một cặp “oan gia”.”
Có người ngồi bên cạnh hóng chuyện lại chêm vào: “Yêu nhau lắm cắn nhau đau đấy mà.”
Hồi ấy, Tô Nhất còn nhỏ, không hiểu câu đó nghĩa là gì, chỉ biết có một chữ “oan”, theo những gì nghe được trên phim truyền hình mà hiểu nghĩa là thù oán, kẻ thù.
Cái đầu non nớt của cô khẳng định: Đúng thế, Chung Quốc chính là kẻ thù của mình.
Chung Quốc bằng tuổi cô nhưng lại được những đứa trẻ trong khu coi như “thần thánh”, bởi vì tên của cậu ta thường được nhắc đến trên ti vi, lúc nào cũng thấy có tin tức về “Chung Quốc” (*). Cứ nghĩ còn nhỏ tuổi mà đã làm được rất nhiều việc lớn, bọn trẻ lúc nào cũng xem cậu ta như một vị anh hùng.
(*) Trong tiếng Trung, “Chung Quốc” đồng âm với “Trung Quốc”.
Chỉ có Tô Nhất biết hai chữ “Chung Quốc” này chẳng thể là “Trung Quốc”, bởi vì cô đã từng hỏi bố. “Bố, trên ti vi nói Trường Thành là công trình kiến trúc vĩ đại nhất “Chung Quốc”, Trường Thành dài như vậy, một mình Chung Quốc làm sao xây được?”
Bố Tô Nhất cười một hồi lâu rồi mới giải thích cho con gái biết “Trung Quốc” trên ti vi không phải là Chung Quốc. Cuối cùng, ông cũng không thể không cảm thán một câu: “Xem lão Chung Kiến đặt tên cho con trai kìa, thật là lợi dụng quá.”
Mẹ Tô Nhất cũng gật đầu cười, nhất trí: “Lại chẳng không. Đến nhà trẻ đón con, người ta mở miệng một tiếng là “bố của Chung (Trung) Quốc”, “mẹ của Chung (Trung) Quốc”, làm cho ai cũng phải quay đầu lại nhìn xem là thần thánh phương nào.”
Bố của Tô Nhất và bố Chung Quốc cùng làm việc trong một đơn vị, hai nhà lại cùng sống trong một khu tập thể. Bọn trẻ con trong khu tập thể khá đông.
Trong số những đứa con gái bằng tuổi, Tô Nhất là nữ vương “Ỷ Thiên xuất hiện, ai dám tranh giành”. Trong đám con trai, Chung Quốc là bá chủ “bảo đao Đồ Long, hiệu lệnh quần hùng”. Tục ngữ có câu: Một núi không thể có hai cọp, hai đứa “tiểu vương” cầm đầu quân của mình chơi trong khu, “tranh chấp địa bàn” là chuyện thường. Ai bảo cả khu chỉ có một cái sân chơi nằm giữa bốn tòa lầu, đám con gái mà chơi nhảy dây, nhảy lò cò thì đám con trai sẽ chẳng có chỗ mà chơi đánh trận giả.
Để chiếm sân chơi, Chung Quốc dẫn một đám con trai hùng hổ đi đến tấn công bọn con gái. Tô Nhất cũng chẳng hề sợ hãi, lập tức dẫn các nữ tướng dưới trướng mình ra nghênh chiến.
Đáng tiếc là Tô Nhất tuy còn nhỏ tuổi đã có tài cầm quân ra trận như Mục Quế Anh, nhưng đám con gái dưới trướng cô nàng toàn là quân ăn hại, bị bọn con trai ném đất vào người, đau chỉ là chuyện nhỏ nhưng nhìn thấy quần áo đẹp bị bẩn thì lập tức đứa nào cũng ngoạc miệng khóc, nước mắt ngắn nước mắt dài bỏ chạy. Cuối cùng, chỉ còn lại một mình Tô Nhất mặt mũi chân tay đầy bùn đất. Chẳng còn cách nào, ai bảo chỉ còn mình cô ở lại làm mục tiêu công kích.
Lần đó, Chung Quốc toàn thắng, Tô Nhất thảm bại bỏ về. Về đến nhà còn bị mẹ mắng: “Xem con có giống con gái không? Bẩn thỉu chẳng khác gì một con khỉ đất.”
Tô Nhất vì quá nghịch ngợm mà thường bị mẹ đánh. Lần này, cô bị đánh rất đau, vì quần áo quá bẩn, rất khó giặt sạch. Bị mẹ quất cho vài roi vào mông, trận đòn này đương nhiên là tại Chung Quốc.
Ân oán cứ như vậy mà hình thành, Tô Nhất và Chung Quốc từ đó trở thành một đôi tiểu oan gia.
“Oan gia ngõ hẹp”, câu nói ấy quả thích hợp với cặp đôi này. Cùng một khu tập thể, lại cùng ở tòa nhà số ba, thậm chí là cùng một tầng, hai nhà sát nhau. Cả ngày đi ra đi vào, cứ ngẩng đầu lên là nhìn thấy. Chỉ cần nhìn thấy Chung Quốc, Tô Nhất sẽ lập tức trợn mắt lên lườm nguýt.
Đánh nhau thì ba bữa một trận nhỏ, năm bữa một trận lớn, đều là Tô Nhất và Chung Quốc đấu tay đôi. Các “nữ binh” của cô bé đều được mở rộng tầm mắt.
Trong chuyện đánh nhau, con gái thường không phải là đối thủ của con trai nên chẳng dại gì mà lấy trứng chọi đá.
Nhưng Tô Nhất thì không, cô bé không đánh thì không nuốt trôi mối hận này. Dựa vào cái gì mà bọn cô đang chơi vui vẻ, Chung Quốc dẫn người đến thì bọn cô lại phải nhường?
Khu tập thể thường xảy ra những trận chiến của cặp đôi oan gia này. Khi đánh nhau tập thể, Chung Quốc chỉ đạo nhoáng một cái là đã đuổi được lũ con gái nhưng khi đấu tay đôi với Tô Nhất, cậu bé lại rất khó giành phần thắng. Cô bé nào cắn, nào cào, nào đá… mười tám thế, võ nào cũng đủ. Có lần hăng quá, Chung Quốc bị cô bé cắn một cái thật mạnh, tưởng như rớt cả một mảng thịt ở cánh tay, đau đến nỗi tiểu bá chủ “thống lĩnh quần hùng” chảy cả nước mắt.
Trong cơn tức giận, cậu bé túm chặt lấy một mớ tóc của Tô Nhất, làm da đầu cô bé rớm máu, tiếng gào khóc của Tô Nhất làm chấn động cả khu.
Sau lần hai bên cùng thương tích nặng nề ấy, suốt một thời gian dài, hai đứa trẻ đều bị cha mẹ cấm túc, không cho phép xuống dưới sân chơi để tránh gây thêm chuyện.
Bắt đầu vào tiểu học, để kiềm chế sự ngỗ nghịch của con gái, ngoài thời gian học chính, mẹ của Tô Nhất còn cho cô bé đi học thêm thư pháp. Bố Chung Quốc cho cậu tham gian lớp cờ tướng. Phụ huynh hai bên đều tích cực bồi dưỡng những thói quen tao nhã thanh lịch cho con mình, không muốn chúng sau này trở thành những tên côn đồ cả ngày chỉ biết đánh lộn ngoài đường phố.
Từ đó Tô Nhất không còn được tự do, hằng ngày đi học về, liền bị mẹ nhốt ở trong phòng luyện thư pháp.
Cô bé cũng từng chống đối nhưng làm sao chống lại được cái cán chổi của mẹ. Nước mắt còn lã chã rơi trên bảng chữ mẫu nhưng tai thì vẫn vểnh lên nghe ngóng tiếng những đứa trẻ đang nô đùa dưới sân. Nhà cô bé nằm ở tầng hai, nghe rõ mồn một. Vương Quốc Mỹ và Châu Manh Manh đang chơi đá cầu; Đàm Yên cùng Lý Khiết, Lưu Tiểu Tuệ đang bắn chun; còn có… Một đám con gái đang chơi vui vẻ ở dưới sân, cô bé cũng rất muốn được ra ngoài chơi cùng bọn chúng.
Bỗng những tiếng cười chợt biến thành tiếng la hét.
Trong tiếng la hét, tiếng khóc của Vương Quốc Mỹ đặc biệt thánh thót. Tô Nhất vội bỏ bút xuống, chạy ra ban công xem, thì ra là Chung Quốc đã mang một cái ná xuống lầu, bắn những viên đạn giấy về phía lũ con gái.
Vương Quốc Mỹ ăn phải một viên ngay giữa trán, không chịu được đau, cất tiếng khóc động trời.
Ban công hai bên bốn tòa lầu lần lượt có người lớn chạy ra ngó xem có phải con nhà mình đang khóc không.
Mẹ Vương Quốc Mỹ vừa nhìn thấy liền hỏi: “Sao thế con? Quốc Mỹ, sao con lại khóc?”
Vương Quốc Mỹ vẫn khóc, Châu Manh Manh ở dưới sân trả lời với lên: “Cô ơi, là Chung Quốc vừa mới đánh “Mỹ Quốc” nhà cô ạ.”
Cô bé nhất thời lỡ miệng, nói ngược cả tên của Quốc Mỹ. Người lớn đang đứng trên ban công cũng phải bật cười “Trung Quốc đánh Mỹ (Quốc)” trở thành câu chuyện cười của cả khu tập thể. Chung Quốc với một cái ná trong tay đã gây nên “cuộc chiến tranh thế giới thứ ba”, trở thành “tội phạm chiến tranh số một” của khu.
Mẹ Vương Quốc Mỹ dẫn theo đứa con gái với quả ổi đỏ au trên trán tức tối đến nhà họ Chung mách tội.
Chung Quốc bị bố cho một trận đòn vì suýt chút nữa là bắn trúng mắt của Vương Quốc Mỹ. Trò chơi này quả thực rất nguy hiểm, không cẩn thận có thể khiến con người ta tàn phế.
Từ phía ban công nhà bên cạnh, nghe tiếng Chung Quốc gào khóc thảm thiết, Tô Nhất thấy vô cùng hả dạ.
Thế nhưng Chung Quốc cũng rất cứng đầu, bị đánh một trận, hai ba hôm sau đã quên ngay, lại tiếp tục xuống sân gây chuyện. Cái ná đã bị bố tịch thu, cậu ta lại cầm một khẩu súng phun nước chạy xuống lầu, tay lăm lăm khẩu súng, phun liên tục về phía đám con gái đang chơi.
Đám con gái chỉ còn nước bỏ chạy, nhường chỗ cho bọn con trai.
Chung Quốc trở thành “phần tử khủng bố số một” trong mắt đám con gái trong khu. Về sau, chỉ cần cậu chạy xuống lầu, không cần biết trong tay cậu có cầm thứ “vũ khí sát thương” nào không, đám con gái đều bảo nhau chạy hết. Tô Nhất không chịu được cảnh đám thuộc hạ cũ của mình chưa đánh đã hàng, cũng đòi bố mua cho một khẩu súng phun nước. Đổ đầy mực viết thư pháp vào trong, nấp trên ban công, cô bé giành được thế thượng chung, bắn những phát súng lạnh lùng xuống Chung Quốc, cho cậu ta tắm một trận mực tàu rồi chạy tọt vào phòng cười một mình.
Chưa mừng được bao lâu đã nghe một tiếng “cạch”, một hòn đá rơi vào ban công, theo đó là tiếng hét giận dữ của Chung Quốc: “Tô Nhất, mày ra đây, tao biết chính mày vừa bắn súng.”
Tô Nhất nhỏ người mà tinh ranh, đương nhiên sẽ không thò đầu ra để hứng đá của cậu ta. Chỉ tiếc rằng cô bé là người, cái ban công nhà cô là vật, nó không có chân để chạy. Cuối cùng, một hòn đá bay thẳng vào ban công, đập trúng kính cửa sổ kêu “choang” một tiếng, khiến nó vỡ vụn. Nghe thấy tiếng động lạ, bà Tô vội vàng vào kiểm tra, phát hiện Tô Nhất không chỉ không ở trong phòng ngoan ngoãn luyện thư pháp mà còn đổ hết mực tàu trong bình vào khẩu súng phun nước, lại bắn nhau với Chung Quốc ở dưới sân. Cơn tam bành nổi lên, bà xách cái chổi để ở góc nhà ra đánh vào mông con gái, mắng: “Con thích đánh nhau hả? Để mẹ đánh với con.”
Chưa thấy đứa con gái nào thích gây chuyện đánh nhau đến vậy, giờ không uốn nắn sau này lớn lên mà vẫn vậy thực chẳng hay ho gì. Bà Tô dạy dỗ con gái với một thái độ nghiêm khắc đầy trách nhiệm.
Chung Quốc cũng bị bố túm cổ lôi về cho một trận can tội ném vỡ cửa kính nhà Tô Nhất. Nếu Tô Nhất đứng gần cửa, hắn đã bị những mảnh vỡ tới tấp hôn vào mặt.
Quá nguy hiểm, thực sự quá nguy hiểm, đến ông Chung Kiến cũng nghĩ con trai mình là “phần tử khủng bố”, lúc nào cũng gây ra “những chuyện khủng bố.”
Nhìn hiện tại mà đoán tương lai, thằng nhóc này bản tính thô bạo, không đánh thật đau, chỉ e tương lai sẽ phải vào nhà lao thăm nó. Ông Chung cũng dạy dỗ cậu con trai của mình với thái độ nghiêm khắc đầy trách nhiệm.
Bà Tô và ông Chung, sau khi đánh con xong vẫn cảm thấy bài học này chưa ăn thua. Mỗi người đưa cho con mình một cái bàn giặt quần áo, bảo bọn chúng ra quỳ trước ban công, tự kiểm điểm lại bản thân. Hai đứa trẻ bảy tuổi quỳ ngoài ban công tức khóc. Qua những chấn song lan can, chỉ cần liếc mắt là có thể thấy được đối phương ở ban công bên kia như thế nào. Cả hai lại nguýt nhau một cái rồi quay ngoắt đầu đi.
Suốt thời tiểu học, Chung Quốc và Tô Nhất không ít lần phải thay phiên nhau ra ban công quỳ lên bàn giặt.
Nhớ lại thời thơ ấu, ấn tượng sâu sắc nhất của Tô Nhất là những “trận chiến” với Chung Quốc và cả cái bàn giặt ngoài ban công.
Cho đến khi hai đứa trẻ đều vào trung học, tình hình mới dần dần cải thiện.
Chung Quốc vẫn nghịch ngợm phá phách, tính cách hoang dã như chú ngựa non. Còn Tô Nhất bắt đầu thay đổi tính nết, theo cách nói của bà Tô thì là “bắt đầu ra dáng con gái rồi”.