Đọc truyện Tướng Cướp Liêu Đông – Chương 1: Phần vào truyện – Hình cây biết nói
Năm thứ ba đời Nhân Tông Gia Khánh, nhà Thanh. Tháng năm mùa hạ.
Vành trăng lưỡi liềm lơ lửng ở góc trời Tây trải xuống nhân gian một màu trắng đục và càng lờ mờ hơn nữa ở con đường cái phía Nam, vì sáu con kiện mã phi nước đại vào Phụng Thiên thành, bụi vàng cuốn mịt.
Ngựa, toàn một màu hung đỏ, bờm cao, giống tuấn mã vùng Đại Uyển; kỵ sĩ là năm tên đại hán; năm người ngồi trên năm ngựa, con sau cùng chỉ có yên không; một con ngựa cao lớn màu đen, yên cương có đủ nhưng không người cỡi.
Sáu con kiện mã, năm tên kỵ sĩ lướt gió trong màn đêm, thẳng vào Phụng Thiên thành giữa canh khuya….
* * * * *
Canh đã quá khuya, xa xa, trên một vọng lâu, tiếng trống trổ ba dùi.
Trung tâm thành thị, cũng như vùng phụ cận dẫn đến ngoại ô, nhà nhà im lìm, người và cảnh vật đang say giấc đêm trường, rải rác đó đây, xa tít, một vài ánh đèn còn ẩn khuất đìu hiu.
Từ những con đường cái, từ những khu đông dân cư dẫn đến ngõ hẻm trổ ra vùng hoang vắng, không một tiếng động, không một bóng người.
Năm tên kỵ sĩ, sáu con tuấn mã vượt thẳng về hướng Đông thành, ở đây, nhà đã thưa lần và cuối cùng là một vùng rừng bụi um tùm cách vòng tường của một tòa trang viện non một dặm.
Sáu con ngựa dừng ngay nơi đó.
Năm người kỵ sĩ áo đen cùng một lượt rời yên.
Sát góc tường của tòa trang viện, chỗ giáp tiếp khu rừng, một bóng người vụt nhóng lên: một người đàn ông trung niên mặc áo màu tro xám…
Hắn đã nghe tiếng ngựa, hắn đã thấy năm người kỵ sị áo đen, hắn dòm trước, dòm sau mấy lượt, hình như hắn còn đề phòng những vấn đề khác nữa và cuối cùng hắn băng nhanh theo những lùm bụi thấp, đi thẳng về phía năm kỵ sĩ.
Hắn vòng tay cúi mình, nhưng hình như vẫn chưa thấy đủ, hắn bồi thêm một tiếng cười, giọng cười mơn lạt nhách.
– Năm vị đến thật là đúng hẹn!
Hắn cười thêm tiếng nữa để chấm câu, tiếng cười rè rè gắng gượng
Dẫn đầu năm kỵ sĩ, cũng là một người trung niên có màu da trắng bệt làm nổi bật chòm râu ngăn ngắn đen mướt dưới cằm, hắn nhìn người áo xám bằng tia mắt lạnh băng băng :
– Có chưa?
Người áo xám đáp nhanh :
– Có, có… tôn giá đã giao việc thì làm sao lại có thể sai chạy được? Nếu không có thì tiểu nhân đâu dám đến…
Người có chòm râu đen gật nhẹ :
– Tốt, trao đây.
Người áo xám lại toét miệng cười, giọng cười hè hè thâm thấp y như giọng nói :
– Vâng, vâng… nhưng…
Người râu đen hất mặt :
– Nhưng cái gì? Không có mang theo phải không?
Người áo xám vội đáp :
– Không không, có chứ, có chứ, tôn giá nghĩ xem, đây đâu phải là chuyện chơi, làm lỡ chuyện của quý vị để mang họa hay sao? Chỉ có điều…
Người râu đen cười, giọng cười lạnh hơn giọng nói, hắn chận ngang :
– Yên lòng không lỗ công đâu mà sợ…
Hắn ra lịnh bằng cái gật đầu :
– Hãy trao cho hắn!
Một tên kỵ sĩ đứng sau nhích tới đưa về phía người áo xám một cái túi vải.
Đôi mắt người áo xám rực lên, hắn thò tay ra nhưng, tên kỵ sĩ vụt nhếch môi và rút tay về, cái túi vải cũng về theo.
Người áo xám vội gật lia :
– Phải phải… “Tiền trao cháo múc”, vâng, không ai hơn ai, mà cũng không ai thua thiệt…
Vừa nói, hắn vừa móc trong lưng ra một tờ giấy cuốn tròn.
Tên kỵ sĩ lại trao túi vải bằng tay trái, tự nhiên tay phải cũng đưa ra một lượt.
Người áo xám trao cuộn giấy và chụp lấy túi vải, cử động của hắn thật ăn khớp, nhịp nhàng, xem chừng chuyện “trao đổi” này, hắn thuộc vào hạng chuyên môn.
Tên kỵ sĩ cũng làm giống như thế, nhưng thái độ khá bình tĩnh chớ không lụp chụp như người áo xám. Hắn mở cuốn giấy ra trước mặt và đảo mắt từ trên xuống dưới thật nhanh.
Đó là một tấm bản đồ.
Trong bản đồ vẽ một khu nhà đồ sộ, có cổng có sân, nhưng không giống như những ngôi nhà thường, vì con đường dẫn vào cửa chính quá dài, bên trong, dãy hành lang lại cắt hai ngôi nhà thành một đường trung tâm thật thẳng. Thêm vào đó, từ cổng dẫn vào, dọc theo dãy hành lang, nhiều chỗ lại có gạch chéo bằng mực đỏ.
Người râu đen hỏi :
– Sao? Có đúng không?
Tên kỵ sĩ gật đầu nhẹ…
Người áo xám lại tưởng hỏi mình nên vội gật lia :
– Đúng, đúng, đúng chẵn năm mươi lượng, không hơn, không kém!
Người có râu mỉm cười :
– Đủ rồi thì đi đi.
Tiếng đi sau cùng còn chưa dứt thì ngón tay trỏ của tên kỵ sĩ đã chạm vào dưới ngực bên trái của người áo xám, điểm đúng vào tâm mạch.
Vành môi của người áo xám chỉ kịp giựt lên chứ không kêu thành tiếng, hắn gập thân mình xuống như cây chuối bị đốn ngang và sau đó là co rút bất động trên bãi cỏ.
Bằng một động tác thật bình thường, tên kỵ sĩ móc ra một cái lọ đen bằng cổ tay, hắn mở nút rắt lên thây ngưới áo xám một chất trăng trắng như bột mì, hắn rắt tới đâu, hơi khói mong mỏng bốc lên tới đó…
Người có râu cầm lấy tấm bản đồ chăm chú nhìn rất kỹ và ngẩng mặt hỏi bốn tên kỵ sĩ :
– Chỗ nào là trung tâm Đại lao, chỗ nào có canh phòng, các ngươi đã nhớ tất cả rồi phải không?
Bốn tên kỵ sĩ cùng gật gật đầu :
– Có, thấy rất rõ.
Người có râu vo tròn mảnh giấy nhét vào lưng và quăng mình lên ngựa :
– Đi !
Tiếng “đi” phát ra cùng một lúc với tiềng roi vút trót vào không khí, sáu con kiện mã cất đầu bỏ vó về Nam…
* * * * *
Đề lao.
Vòng tường thật cao, xám xịt, lâu đời.
Trên đầu tường, những thanh sắt ken dầy nhọn lểu như sẵn sàng xuyên từ bụng ló thấu ra lưng của bất cứ kẻ nào dại dột vượt đầu tường.
Nhưng năm người kỵ sĩ không “dại dột”, họ từ yên ngựa tung lên thật nhẹ nhàng, thân người họ còn cao hơn đầu sắt nhọn cả sải tay.
Không khí bên ngoài và bên trong thật cách biệt, vừa đặt chân vào sân hơi nóng đã nghe hầm hập, qua khỏi sân, bước vào khung cửa hẹp, giữa hành lang hun hút, nhà lao chia thành hai dãy sâu thẳng vào trong.
Từng cánh cửa bằng gỗ lim thật dầy thật nặng nằm khít vào nhau như những đáy hòm dựng đứng, Trên mỗi khung cửa, ngang tầm mắt đều có một lỗ trống vuông nho nhỏ, những lỗ đó, cho dầu cái đầu thật nhỏ cũng không thể chui qua, thế nhưng người ta vẫn cẩn thận thêm vào đó ba song sắt to bằng ba cổ tay đứa bé. Thành ra tuy có được một lỗ trống, nhưng ba thanh sắt đó đã biến thành bốn cái kẽ hẹp không thể đút lọt bàn tay.
Nếu đứng ngoài sân, người ta có cảm giác đang đứng gần một lò nung thì khi đặt chân vào dãy hành lang mà hai bên là những gian ngục hẹp này, người ta mới thấy đúng là đã đi thẳng vào miệng lò.
Ngay đầu hành lang tuy không có cửa nhưng lại có một cái bàn chắn ngang gần bít lối, sau bàn, một gã đại hán, có lẽ là tên giữ ngục, đang bật lưng vào ghế dựa ngửa, hai chân duỗi thẳng, đôi mắt lim dim.
Dãy hành lang, giữa hai hàng lao ngục có treo ngọn đèn, hai đầu và chính giữa cách khoảng khá xa. Ánh sáng từ ngọn đèn tỏa ra vừa vàng vọt nặng nề, vừa eo sèo bịnh hoạn.
Gian ngục cuối cùng sâu hút vào trong chỉ nhốt có một người, người đàn ông mặc áo đen.
Hắn nằm dài dưới nền đất im lìm bất động.
Gian lao ngục giống y như lòng cỗ quan tài, chỉ cần đứng gần lỗ trống trên cửa là nghe hơi nóng phựt ra nóng như nồi nước sôi hừng hực, thế mà người áo đen lại có thể nằm ngủ một cách ngon lành. Có lẽ cái “hộp” vuông vuông này “đựng” hắn cũng khá lâu, cho nên hắn đã… thích nghi hoàn cảnh!
Hắn nằm bất động như một cái xác chết, nhưng thình lình cái đầu hắn ngóc lên, đôi mắt chớp sáng…
Dãy hành lang vẫn im phăng phắc, tên giữ ngục vẫn dựa ngửa duỗi chân. Ánh đèn trầm trầm nặng chịt.
Người áo đen nằm trong ngục đặt đầu trở xuống, nhưng hắn không nhắm mắt lại, vành môi hắn nhếch lên – không phải nhếch cười mà là thách đố đợi chờ.
Như một cây gió thốc, năm tên kỵ sĩ lao vút vào cửa khám. Tên giữ ngục đứng phắt lên…
Phản ứng của hắn thật nhanh, nhưng bàn tay của hắn vẫn chưa đặt kịp đến cán đao thì bàn tay của một tên kỵ sĩ đã chạm vào cổ hắn.
Bàn tay xòe thẳng phạt ngang của tên áo đen không nghe hơi gió, tên giữ ngục nghẽo đầu qua bên trái, thân hình cao lớn của hắn đổ xuống luôn. Cũng như tên áo xám bán bản đồ, hắn chỉ giựt giựt vành môi chứ không kịp phát ra thành tiếng.
Người có râu dẫn đầu khoát nhẹ cánh tay và lao vút vào trong, bốn tên kỵ sĩ bám sát theo hai bên, họ thẳng vào gian ngục cuối cùng.
Bình.
Một cái đá của tên kỵ sĩ áo đen tung ra thật lẹ, cánh cửa khám bật then.
Y như một con mèo, gã áo đen trong ngục tung mình lên thật lẹ.
Bây giờ mới nhìn được rõ, hắn là một con người tấm thước, trên mép, dưới cằm râu đen tua tuả, nhưng đó chỉ là râu tù ngục, vì bằng vào đôi mắt như hai ánh sao đêm, bằng vào đôi mày thật bén xuyên thấu tóc mai, bằng vào sóng mũi thẳng và da mặt mịn màng, người ta có thể biết ngay hắn chưa đầy ba mươi tuổi,
Hắn vừa tung mình dậy thì cánh cửa đã bật ra, người có râu dẫn bốn tên kỵ sĩ tràn vào.
Giữa khoảng chân mày của người áo đen trong ngục ẩn sát khí, hắn hất mặt lạnh lùng :
– Cho biết lai lộ?
Bằng vào lối hỏi đó, chứng tỏ hắn đã biết năm tên kỵ sĩ không phải cùng bọn với đám người đang giam cầm hắn.
Người có râu móc ra một phong thư còn niêm kín, giọng hắn cũng lạnh băng băng :
– Xem đi!
Ánh mắt gã tù nhân chớp sáng nhưng rồi lại tắt ngay, hắn đưa tay cầm phong thư và thấp giọng :
– Các vị là…
Người có râu chận đáp :
– Xem xong hẳn nói.
Ðưa đôi mắt ngời ngời từ trên xuống, gã tù nhân buông tay xuống nhưng không xếp lá thư, hắn có vẻ ngạc nhiên :
– Như thế… là…
Người có râu vẫn với vẻ mặt thản nhiên cố hữu :
– Có bằng lòng hay không?
Gã tù nhân gặn lại :
– Nhưng tại làm sao lại tìm đến với ta?
Người có râu một mực lạnh lùng :
– Có bằng lòng hay không?
Gã tù nhân trở lại sắc thái bình tĩnh lúc ban đầu:
– Sát nhân vượt ngục, nếu ta là hạng người như thế, thì ta đã đi lâu rồi chứ không nằm mãi trong cái ngục hôi hám này đến ngày nay…
Người có râu nhướng mắt :
– Chính như thế nên các hạ mới được tín nhiệm. Quá khứ của các hạ, bọn ta đã điều tra rất rõ ràng, chuyện này chỉ có các hạ mới có khả năng làm được, nhưng cần nhất là các hạ phải tình nguyện, phải bằng lòng chứ bọn ta không cưỡng ép.
Gã tù nhân làm thinh
Người có râu nói tiếp :
– Các hạ có thể suy nghĩ nhưng thời gian suy nghĩ không được quá lâu.
Gã tù nhân làm thinh
Người có râu lại nói :
– Các hạ không phải vì một, mà là vì quá nhiều người, các hạ biết rõ điều đó, bọn ta cũng biết rõ như thế.
Ðôi mày dài của gã tù nhân máy động, vẻ mặt hắn thật lạ lùng và hắn vụt gật đầu :
– Ðược rồi, ta nhận!
Người có râu nghiêng mặt :
– Các hạ hãy nghe thật rõ, sau khi rời khỏi nơi đây, các hạ đã trở thành tên tù vượt ngục sát nhân, không ai có thể giúp được, các hạ phải bằng vào khả năng của chính mình, chỉ có một thù lao duy nhất là ngày thành công, lúc miễn tội…
Gã tù nhân nhếch môi :
– Ta không yêu cầu…
Người có râu chận nói :
– Chưa hết, các hạ hãy nghe, vạn nhất các hạ bị bắt lại, tuyệt đối không được nói tiếng nào về chuyện đêm nay; vạn nhất thất bại, các hạ lọt vào tay của họ, bọn ta cũng tuyệt đối không thừa nhận có chuyện đêm nay, các hạ biết rõ chứ?
Gã tù nhân thản nhiên :
– Nói những lời đó là thừa.
Người có râu gật gật đầu :
– Tốt, phía sau tường đã có sẵn một con kiện mã, các hạ cứ thong thả ra đi !
Không nói thêm một tiếng, cũng không cần quan sát gã tù nhân, người có râu vói tay lấy lại lá thư và cùng với bốn tên kỵ sĩ vút ra khỏi khám…
Lão Long Hà
Một con sông khá rộng nhưng nổi tiếng không phải vì thế, bất cứ ai, cứ nghe đến “Lão Long Hà” cũng đều hình dung ngay trong cảm giác đầu tiên là những trận cuồng phong.
Mưa ở đây rất ít nhưng gió lốc thì gần như không vắng một ngày nào. Con đường đất đỏ bên tả nhạn luôn cuốn bụi mù, nhuộm vàng cả đầu cây ngọn cỏ.
Dựa bên con đường đất đỏ bụi mù đó có một cái quán. Quán rượu.
Chủ quán là lão già họ Vuơng, không ai biết tên, nhưng không cần, lão có một chân cà thọt, người ta đã lấy nó làm tên. Lão Vuơng Què.
Quán rượu này có hai đặc điểm.
Thứ nhất, quán chỉ bán rượu chứ tuyệt đối không bán thức nhắm hay bất cứ món ăn nào khác. Khách nhậu, nếu cần, có thể mang theo.
Thứ hai, khách nhậu không cần gọi rượu, vì rượu có sẵn từng ché đặt dài theo mé vách chỗ quầy tiền, mỗi ché đều có một ống tre cưa ngang cỡ gang tay chừa cán dài móc bên ngoài ché, khách nhậu “tự tiện” mang chén tới múc uống, uống bao nhiêu cũng được, miễn là trước khi đi ra “làm ơn” để lại đủ tiền.
Không nghe có chuyện uống thiếu hay uống “chạy”, không ai rõ nguyên do không xảy ra chuyện đó, nhưng cũng không có người bàn tán,
Không ai bàn tán, nhưng nhất định mỗi người đến đó đều có một dấu hỏi trong bụng, có thể vì nghi vấn đó mà người ta ngại. Hạng người thường “uống chạy” ở những nơi khác cũng đâm ra dè dặt.
Quán rượu của lão Vuơng Què không sợ ế, một là trong vòng trăm dặm quanh đây không hề có thêm một cái quán nào khác, hai là tả ngạn Lão Long Hà luôn có cuồng phong, bất cứ khách qua đường nào, đã lọt vào vùng này, lỡ gặp cơn gió lớn là cũng tìm vào chỗ trú duy nhất: quán rượu của lão Vuơng Què.
Khách của lão là những kẻ ngược xuôi khoảng đường dài càt bụi, nếu không ngồi xe thì cũng là đi ngựa, bộ hành rất ít vì trong một chu vi rộng lớn này không hề có xóm làng.
Gặp cơn gió lớn là quán lão luôn luôn chật nứt.
Lão Vuơng Què không phải là hạng người “hạnh tai lạc họa”, không phải vui mừng trước cái khổ của người khác, lão không bao giờ “van vái” cứ có gió lớn hoài hoài, không biết vì lòng lão tốt, hay tại vì ở đây mỗi ngày ít nhất là có hai cơn giông kéo dài như bữa hôm nay, nên lão không cần phải vái,
Bữa nay quán lão chật ken người.
Kể cả tốt lẫn xấu, quán lão có cả thảy là năm cái bàn, đáng lý mỗi bàn có thể ngồi được sáu, bảy người, thế nhưng năm cái bàn bây giờ chỉ ngồi có mười người, còn lại bao nhiêu “ẩm khách” thì ngồi trên những cái ghế dài kê dọc theo vách hoặc ngồi chồm hổm xa xa phía quầy tiền.
Năm bàn tuy đều có người ngồi nhưng vẫn còn trống, vậy mà họ bằng lòng ngồi dưới đất chứ không léo hánh đến bàn. Họ ngồi nên khép cửa lại để tránh gió, vừa uống rượu vừa “len lén” nhìn từ bàn này sang bàn khác.
Bàn thứ nhất, gồm có bốn người.
Bốn gã đại hán ăn vận cùng một cách.
Có gió nhưng vẫn là mùa nóng nực, thế nhưng cả bốn gã vẫn đội mũ da sụp tới mang tai, mình cũng mặc áo da với sợi dây đai bằng da to bản, dáng cách người nào trông cũng dữ dằn, thêm vào đó, bốn thanh đao đặt trên bàn, cán đao buộc vải lụa màu đỏ rực thỉnh thoảng theo gió phất lên như thách thức càng làm cho cái bàn đó thêm nặng nề sát khí.
Bàn thứ hai, có ba người.
Ngồi giữa là một lão già râu ba chòm đen mượt, mắt sáng mày dài, mình vận áo xanh, vẻ mặt không dữ nhưng rất uy nghiêm. Chỉ cần nhìn qua là không ai dám nhìn thẳng thêm lần nữa.
Hai người ngồi hai bên lão già áo xanh thật là tương phản, một người mập thù lù, da trắng mỏng như đứa trẻ sơ sanh, nhìn vào mặt lão, người ta dễ mỉm cười liên tưởng đến pho tượng Di Lặc trong chùa. Lão mặc chiếc áo trắng, quá trắng, trắng đến mức những hạt bụi e dè không dám bám.
Người ngồi bên phải ốm tong như cây sậy, da đã đen như cục than hầm mà lại còn vận thêm bộ quần áo đen, càng làm cho lão giống như cây cột cháy.
Bàn thứ ba, gồm có… một người.
Một ẩm khách ngồi chồm hổm gần ché rượu thúc nhẹ cùi chỏ vào hông bạn đồng hành và nhỏ giọng :
– Bàn chỉ có một người sao mình ngồi dưới đất? Lại ngồi với người ta đi chứ, bạn!
Người kế bên chỉ trả lời bằng cái rùn vai, cái miệng hắn chằng ra, hai mắt nháy lia và quay qua hướng khác.
Bàn thứ ba chỉ có một người thật đó, nhưng nhìn còn không dám thì làm sao bảo hắn dám đến ngồi?
Người ngồi ở bàn thứ ba chỉ là một trung niên khoảng bốn muơi, vóc dáng cũng không có gì khác lạ, giá như con mắt trái của hắn đừng bị chột, giá như con mắt chột đừng bịt miếng đồng đen, giá như cặp răng khóe của hắn đừng quá nhọn và hơi dài hơn những cái răng khác, giá như…
Người ngồi bên ché rượu dưới đất lại nhăn mặt, quay vào trong, hình như hắn không muốn nhìn thêm chỗ khác của người một mắt, chỉ bao nhiêu đó mà xuơng sống của hắn đã ớn lạnh rồi!
Bàn thứ tư, cái bàn đặt quá vào trong cũng chỉ có một người.
Khác hẳn với những người ngồi ở ba bàn trước, đây là một gã thanh niên mảnh khảnh, ngoài cái chất thư sinh trói gà không chặt ra, hắn lại còn giống như một cô gái. Từ ánh mắt long lanh, vành môi đo đỏ đến sóng mũi dọc dừa, nếu hắn không có bộ quấn áo đàn ông thì chắc chắn người ta sẽ gọi hắn bằng… cô!
Gần bàn người thư sinh là cái bàn chót trong quán, bàn này cũng chỉ có một người.
Nhìn sắc diện, hắn chưa đến tuổi trung niên, nhưng râu mép, râu cằm tua tủa, thứ râu của người ở vào một nơi không có phương tiện hớt cạo, chứ không phải râu… già.
Hắn vận áo đen, áo không dơ nhưng quá cũ, nhìn vào, ngưới ta có cảm tưởng hắn là một tên tù mới vừa ra khỏi khám.
Lạ một điều là dáng cách của hắn không hung dữ như bốn tên đại hán ngồi ở bàn đàu, nhưng không hiểu sao, nhìn vào hắn, không biết ở chỗ nào, có thể do đôi mắt quá sáng, có thể do đôi mày quá dài, nhưng chắc hơn hết có lẽ do khoảng giữa chân mày của hắn đang hừng hực một “khí thế” lạ lùng, cho nên nếu bảo bốn tên đại hán ngồi ở bàn ngoài là bốn cây trụ đá vững vàng thì người ta có cảm tưởng gã áo đen ngồi riêng một bàn này như một trái núi, vì hắn vững vàng bá bội.
* * * * *
Lão chủ quán Vuơng Què vụt trở thế ngồi.
Hai chân lão đang duỗi thẳng trên thanh ngang của quầy tiền bỗng trở thành tréo ngoảy, tự nhiên cái chân có tật của lão gát trên cái chân nguyên.
Có tiếng đập cửa bên ngoài.
Gió mạnh lắm, vào quán rồi là cửa luôn được gài then.
Mười người ngồi ở năm cái bàn vẫn cứ nhâm nhi với chén rượu chứ không hề quay lại, có thể họ không nghe tiếng đập cửa, cũng có thể nghe mà không thèm để ý.
Điều đó không lạ, vì họ là khách, họ không có bổn phận tiếp khách.
Người có bổn phận đó là lão Vương Què.
Vậy mà lão chỉ đổi thế ngồi chứ đôi mắt lão cứ lim dim, làm như cái chuyện dập cửa quán của khách không… dính líu gì đến lão.
Nhưng nếu đã quen với cái quán này, chắc cũng không ai thấy lạ lùng.
Rượu có sẵn từng ché bên vách, mỗi ché có sẵn gáo múc. Chén cũng úp sẵn dài dài gần đó, khách cứ tự tiện như của… nhà mình, lão Vuơng Què chỉ có mỗi một việc là ngồi một chỗ thâu tiền, như vậy, chuyện mở cửa được mặc nhiên coi như… ngoài bổn phận.
Quả nhiên, người nào ngồi dưới đất gần cửa nhất đã nhổm dậy rút cái chốt ngang.
Bên ngoài, một người xồng xộc ào vào cùng một lượt ngọn gió mang theo cát bụi…
Người mở cửa đóng ập cửa lại và ngồi thụp xuống thật nhanh, gió bị cản lại bên ngoài, trong quán, quần áo thực khách bị tốc lên rồi lặng im như cũ.
Người mới vào dụi dụi mắt, hắn không biết ai đã mở cửa dùm, nhưng cũng rối rít cám ơn :
– Đa tạ, đa tạ, mẹ họ, gió lớn quá, thiếu chút nữa đã bị tống tuốt xuống sông!
Không biết hắn mặc áo gì, chỉ thấy bụi đã nhuộm màu vàng, đầu tóc mặt mũi cũng vàng hoe.
Người ta chỉ thấy hắn tròm trèm cỡ trung niên, có bộ mặt như mặt khỉ, mắt lồi, tai dảo, mũi lộ, môi dầy, đặc biệt là hàm răng hô trớt ra ngoài, không làm sao ngậm kín. Không biết vì hắn ở dơ hay vì bụi, hàm răng của hắn vàng bệt trông thấy phát nôn.
Nhưng cái lối nói chửi thề kèm theo giọng cười hền hệch, làm cho những người ngồi dưới đất phát cười theo, không biết họ cười vì thấy con người dị hợm, hay cười vì cách nói bô bô của hắn.
Chỉ có những người ngồi ở năm cái bàn là không cười.
Không cười mà cũng không thèm nhìn lại.
Năm bàn hình như năm phe khác nhau, nhưng lại có điểm giống nhau, họ cùng một dáng cách trầm ngâm, gần như không hề hay biết chung quanh còn nhiều người khác nữa.
Gã răng hô mới vào, cung cách tuy có khác nhưng thái độ lại giống những kẻ ngồi ở năm bàn, ai cười, ai ngó, hắn không cần biết, hắn thản nhiên quăng cái túi lớn đang cỏng trên vai ra trước mặt, rồi một tay xách túm miệng túi, tay còn lại đập phủi liên hồi.
Bụi đóng từng lớp quanh cái túi bay mù khắp quán.
Nhiều người ngồi dưới đất lật đật xòe tay che chén rượu la lên :
– Coi, coi… nhè nhẹ một chút chứ, bụi bay vào rượu thì uống cái chó gì được nữa!
Gã răng hô toét miệng cười :
– Chi mà gắt thế, ông bạn? Đất này gặp gió to đâu phải là chuyện lạ, ai cũng vậy mà? Là cát, là bụi chứ có phải thuốc mê, sao mà sợ dữ vậy?
Nói xong là hắn ngồi bệt xuống đất, hắn không cần nhìn chỗ sạch chỗ dơ, có lẽ hắn nghĩ chắc không còn có chỗ nào dơ hơn thân người của hắn.
Những người ngồi quanh năm cái bàn vẫn làm thinh, nhưng nhiều người ngồi dưới đất đã phát cáu vì câu nói của gã răng hô, có người hằn hộc :
– Mẹ họ, nói cái gì bậy bạ đó? Cái quán của lão Vuơng Què này đâu phải là “hắc điếm” làm sao trong rượu lại có thuốc mê?
Thọt đại hai ngón tay trỏ vào lỗ mũi ngoái ngoái rồi rút ra quẹt quẹt vào thân áo, gã răng hô cười hền hệch :
– Ai nói trong rượu có thuốc mê? Tôi nói bao giờ? Ông bạn?
Quả thật, hắn không có nói một câu như thế.
Người vừa lên tiếng hơi khựng, thế nhưng vẫn gân cổ lên vặt lại :
– Không nói thì… mới nói cái gì lộn xộn đó?
Gã răng hô lại cười :
– Đâu có lộn xộn? Ông bạn, bọn mình đều là kẻ lăn lộn giang hồ, chết sống tuy không quan trọng, chỉ có điều khi cần chết, sông hào cũng xong, muơng rãnh cũng được, nhưng chắc chắn không một ai chịu gởi mạng vào tay kẻ khác, trừ khi không biết, chứ đã biết là nhất định phải tránh đi, phải không? Giả như trước mặt có hai chén rượu, một chén có thuốc mê, một chén có bụi đất, ông bạn ưng uống chén nào? Chắc chắn không ai bưng chén có thuốc mê, phải không?
Người đối thoại mấp máy đôi môi nhưng lại nín im luôn.
Gã răng hô nói đúng.
Chén rượu có bụi đất, uống vô đâu làm chết được ai, nhất là vùng tả ngạn Lão Long Hà này, đến cơm cũng có đất bụi chứ đừng nói chi đến rượu.
Giữa chỗ đông người đập bụi tùm lum là bậy, nhưng lý của hắn đưa ra là đúng, gã răng hô này chém cha cũng thuộc loai… giỏi cày.
Không cãi lại nhưng vẫn còn ấm ức; ấm ức nhưng chưa ai kịp nói vì ngay lúc đó có chuyện lạ xảy ra…
Cái túi của gã răng hô vùng lúc lắc, cái túi vừa cục cựa thì từ trong đó chợt có tiếng nói phát ra, tiếng nói văng vẳng xa xa như tiếng người đút đầu vô lu nói chuyện :
– Ủa, nói loanh quanh cái gì thế? Ta khát rượu thấy mẹ rồi đây.
Tất cả những người ngồi dưới đất sững sờ, tất cả các cặp mắt đều đổ dồn về phía cái túi của gã răng hô.
Mười người ngồi chiếm năm cái bàn bây giờ mới bắt đầu động đậy.
Họ có chậm rãi hơn nhưng trước sau gì cũng đều quay đầu nhìn cái túi.
Gã răng hô gật gật nói :
– Ái chà, xin lỗi, xin lỗi, lão Nhị, mở ra, để mở ra…
Vừa nói, hắn vừa tháo dây miệng túi, hắn làm việc rất chậm chạp, thận trọng.
Cuối cùng, hắn lôi từ trong túi ra một vật, bao nhiêu con mắt trong quán đều mở trừng trừng kinh ngạc, cả mười người ngồi ở năm bàn cũng không còn giữ được vẻ thản nhiên.
Vật trong túi của gã răng hô là một hình nhân bằng cây, hình nhân cao bằng đứa bé bốn, năm tuổi, chạm trổ tinh vi, cái hay là cũng “mắt lồi, tai dảo, mũi lộ, môi dầy, đặc biệt là hàm răng hô trớt ra ngoài không làm sao ngậm kín”…
Cả quần áo giầy vớ cũng y hệt như gã răng hô.
Như không để ý đến vẻ kinh ngạc của mọi người, gã răng hô đặt hình nhân bằng cây đứng trước mặt mình và đảo mắt nhìn quanh cười cười giới thiệu :
– Xin giới thiệu với chư vị, đây là “thằng” em thứ hai của tại hạ…
Hắn nói chưa dứt thì quai hàm của hình cây động đậy, quai hàm của hình cây vừa động là gã răng hô ngậm miệng lại ngay. Hắn vừa ngậm miệng thì có tiếng nói phát ra, cũng thứ tiếng “trong lu” hồi nãy :
– Khoan, cái lối ỡm ờ đó hãy chờ chút nữa, bây giờ phải có rượu cho ta, cổ họng gần muốn cháy rồi đây.
Gã răng hô gật gật :
– Được, được… chà chà, kể ra thì “hiền đệ” ghiền rượu còn hơn ta rồi đó, bậy quá, giá như biết thế thì trước kia ai dám tập “hiền đệ” uống đến ghiền như thế! Mà cũng không sao, bây giờ cũng chả có chuyện gì, muốn… uống thì cứ uống
Nói chưa dứt thì hắn đã đứng lên, vừa đi về phía ché rượu vừa mò quanh lưng mình và hắn vùng lựng khựng quay trở lại cúi xuống nói nhỏ bên tai hình nhân bằng gỗ mấy câu.
Quai hàm hình cây máy động và tiếng nói phát ra gắt gỏng :
– Sao? Không có tiền? Không được, bất luận như thế nào cũng phải trả cho ta một chén. Đâu có được, mới hồi hôm đây mà, thua sạch rồi chắc?
Quai hàm của hình cây vừa ngưng thì gã răng hô đã kêu lên :
– Lão nhị, coi kìa, nói năng cũng nuơng nhau một chút chứ, anh em mà, vạch thẹo nhau làm chi!
Hình nhân bằng cây nói :
– Sao? Muốn cho thiên hạ đừng biết à. Dễ ợt, nhưng làm sao lại hoảng lên như thế? Bình thường da mặt dầy lắm kia mà? Được, không muốn nói cũng được, có một chén rượu ngay cho ta là êm chuyện. Liệu đấy nghe…
Gã răng hô lật đật đáp :
– Được được.. có ngay, lão đệ thế thì thôi…
Hắn quay về phía lão Vuơng Què toét miệng cười :
– Ông chủ nè, ra khỏi nhà không ai tránh khỏi chuyện rủi may, xin ông chủ vui lòng bán chịu cho một chén, hôm nào ngang qua đây, tại hạ xin mang đến trả ngay. Nếu tại hạ có lòng quịt nợ thì xin thề… thiên lôi đả tử!
Không nghe ai nói lão Vuơng Què bị điếc, nhưng có lẽ lão đang “thiu thiu ngủ” nên lão không nghe.
Không nghe là không có chuyện trả lời, mà một khi chủ quán chưa lên tiếng bằng lòng, thì người mua chịu không có quyền múc rượu.
Gã răng hô gải đầu gải tai nhăn nhó…
Cũng may, một người khách ngồi gần hắn vội đưa sang chén rượu đầy :
– Thôi, khỏi phải nài thêm nữa, coi như tôi mời một chén vậy.
Có lẽ thấy câu chuyện hơi kỳ cục, nên người khách muốn thử chơi, nhưng đối với gã răng hô thì y như ân cứu mạng, hắn lật đật hai tay tiếp lấy cùng câu cám ơn…
Nhưng khi hắn vừa đưa chén rượu tới trước hình cây thì “tiếng nói trong lu” lại phát lên :
– Ta có bao giờ uống rượu kiểu đó đâu? Hãy mớm từng hớp một.
Y như “tuân lệnh bề trên”. Gã răng hô gật lia và kê chén rượu lên miệng hớp một hớp đầy.
Hình cây nói tiếp :
– Không có được như mấy lần trước nghe chưa? Không được uống bớt nghe chưa?
Gã răng hô đỏ mặt, nhưng hắn chỉ ư ư, vì hớp rượu còn đầy trong miệng…
Hình cây nói tiếp :
– Được rồi, bắt đầu đi, đừng để lâu rượu sẽ hóa thành nước miếng.
Gã răng hô kê miệng hắn vào ngay miệng hình cây, rượu trong miệng hắn quá đầy, phải mớm đến hai lần mới hết.
“Uống” xong hai hớp, hình cây hừ hừ trong miệng :
– Khá, khá hơn rượu của quán mụ Mã nhiều lắm, pha đúng mức, không lấy nước ba, được, nữa đi, làm hết một hơi đi.
Gã răng hô “tuân lệnh”, làm đến ba hớp đầy nữa là cạn trơn chén rượu.
Hầu hết những người ngồi dưới đất gần như quên nháy mắt, họ nhìn hình cây uống rượu đến sững sờ.
Có người kinh ngạc thì cũng có người không, một trong bốn gã đại hán ngồi chung một bàn vùng cười lạt :
– Cái trò đó ta đã có thấy rồi, dùng công phu “Phuc Ngữ” để làm “ảo thuật” không có gì lạ đâu, chỉ có chuyện uống rượu là hơi lạ, nhưng có chắc hình cây đã uống chén rượu đó không?
Hắn nói một câu, nhưng đám người ngồi dưới đất chỉ nghe có hai tiếng “Phúc Ngữ” và họ chợt hiểu ra.
Bao nhiêu kinh dị nãy giờ biến mất.
“Phúc Ngữ” là tiếng nói từ trong bụng, thứ công phu đó, người nói không cần há miệng, họ chỉ dùng công lực rèn luyện đặc biệt cho tiếng nói thoát ra từ hơi thở ở mũi, nhưng cũng không phải nói bằng giọng mũi, mà tiếng nói được thoát hẳn ra ngoài như một người khác nói, giọng nói âm âm văng vẳn, không phân biệt gần xa.
Nhưng trong câu nói của gã đại hán còn có một nghi vấn.
Đó là chuyện hình cây uống rượu.
Hắn muốn hỏi có quả thật hình cây uống rượu, hay là gã răng hô uống rượu?
Gã răng hô có vẻ hiểu ngay ý của câu hỏi đó, nhưng hắn chưa kịp trả lời thì quai hàm của hình cây máy động…
Lần này không phát ra tiếng nói mà từ miệng hình cây lại phát ra luồng ánh sáng bắn thẳng vào giữa mặt gã đại hán nói về thuật “Phúc Ngữ” vừa rồi.
Luồng ánh sáng từ cửa miệng hình cây bắn ra quá nhanh, chẳng những gã đại hán không tránh kịp, cũng không ai nhìn kịp là cái gì? Mãi cho đến khi có những giọt nước từ trên mặt trên đầu gã đại hán rơi xuống nồng nặc hơi men, người ta mới biết đó là vòi… rượu.
Không nghe rõ lắm, nhưng hình như vừa phun rượu, hình cây vừa nói :
– Thử xem ông bạn, chén rượu vừa rồi ai uống?
Hình cây này quả thật biết quá nhiều, đã biết nói, biết uống rượu, lại còn biết “vận công” đưa rượu đã nuốt vào trong bao tử ra ngoài biến thành… ám khí.
Nếu theo tình thế mà suy luận, chén rượu vừa rồi quả thật hình cây đã uống chứ không phải gã răng hô.
Giọng cười của đám đông ngồi dưới đất chưa lên tới môi là ngưng lại, vì “nghi vấn” có tính cách cợt đùa đó không còn giá trị.
Gã răng hô như đâm hoảng trước “hành động” của vị “lão đệ” mình, hắn nhướng mắt kêu lên :
– Lão nhị tại sao lại làm thế!…
Vừa gắt, hắn vừa vội vàng quay lại vòng tay như định ngỏ lời tạ lỗi, nhưng tên đại hán bị phun rượu vào mặt đã đập bàn đứng dậy :
– Mẹ họ, đừng có giả đò…
Từ miệng hình cây cũng vẫn phát ra thứ giọng “trong lu”, nhưng hơi hám lạnh băng băng :
– Muốn gì? Hãy ngồi trở xuống. Cho ngươi biết, ta là kẻ luôn khoái lột mặt, vạch lưng thiên hạ, người khác không biết bọn ngươi là ai, chứ ta thì biết rõ như ban ngày. Ngươi có muốn ta nói toẹt ra không? Ở đây nhứt định người muốn nghe đông lắm đó.
Tên đại hán chụp lấy thanh đao, dải lụa đỏ buộc nơi cán phất lên, nhưng hắn chưa nhích chân thì gã đại hán ngồi đối diện lừ mắt hừ hừ, chỉ bằng cái lừ mắt đó, tên đại hán muốn gây sự bỗng như cái bong bóng xẹp hơi, hắn vội buông đao ngồi trở xuống.
Hình cây cười khẩy :
– Như thế có phải không! “Thức thời vụ mới có thể gọi là tuấn kiệt, biết tiến thoái mới có thể gọi là cao nhân”. Anh đi đường của anh, tôi theo ngỏ của tôi, tôi không xía chuyện ai thì cũng mong đừng ai ghẹo tới. Nếu không, tôi sẽ cho anh áo rách trở về “phục lệnh”. Không tin thì cứ thử xem.
Gã răng hô y như là hồn vía bay tận mây xanh, làm như hằn rất thuộc làu cái câu “quyền huynh thế phụ”, cho nên khi thấy “thằng em cây” vô lễ với thiên hạ là lật đật la rầy :
– Lão nhị, trời ơi, sao bữa nay nhiều lời như thế? Bậy, bậy rồi đó nghe, bậy dữ rồi đó nghe!
Hình cây đáp :
– Làm sao lại bậy? Cùng cha mẹ sinh ra, từ trong bụng mẹ, tiểu đệ đã mang theo một cái mật không biết sợ thằng nào, con nào, cứ co đầu rút cổ như đại ca nên bị thiên hạ theo ăn hiếp… Mà thôi, nếu không nghe lời đại ca thì lại e trái với câu “huynh hữu đệ cung”, với lại dầu gì cũng phải ráng, chứ nếu không thì lại e cháy cổ vì không có rượu.
Gã răng hô cúi xuống mở miệng túi và lừ lừ mắt :
– Thôi thôi… đừng có nói tầm xàm nữa, chui vô dùm tôi một cái..
Hình cây nói giọng vùng vằng :
– Sao lại có chuyện “lọa” như thế he? Không, bảo đừng gây sự thì được chứ bảo chui vô cái “nốp” đó thì chịu thua. Đại ca có làm như vậy được không nè? Mấy ngày rồi biết không? Mẹ họ, nằm mãi như thế cho ngộp hơi mà chết đi à?
Nhiều người ngồi dưới đất há hốc mồm, họ muốn cười nhưng không thành tiếng.
Cái tay răng hô này cũng lắm điều, hắn dùng thuật “Phúc Ngữ” mà giọng điệu lại giống hệt như “hai anh em” nói chuyện!
Dáng cách của hắn rất tự nhiên, nét mặt và bộ điệu “diễn tả” đúng như nói chuyện với người em bằng xuơng bằng thịt, hắn làm riết một hồi khiến cho có một số người chợt hoang mang, họ không dám xác nhận đó là thuật “Phúc Ngữ” hay là… chuyện thật!
Cũng may là hình cây chỉ máy động quai hàm mà thân hình bất động, chứ nếu không thì…
* * * * *
– Mẹ họ, nó đi…
Một người khách ngồi gần ché rượu dưới đất miệng vừa bật ra tiếng chửi thề thì thân hình cũng bật nghiêng vô vách.
Không phải hắn té mà hắn né nghiêng trong trạng thái… hết hồn.
Những người có ý nghĩ hình cây bất động càng hoảng hơn nữa, vì “hắn” đã động rồi.
“Hắn” chưa bước đi nhưng hắn quay mình lại.
Những kẻ “nặng bóng vía” hơn, như mười tay ngồi ở năm bàn chẳng hạn, họ không đến đỗi giật mình nhưng họ cũng hơi kinh ngạc… Những người lịch lãm giang hồ đều biết, bằng vào thuật “Phúc Ngữ” đến một trình độ cao, người sử dụng có thể làm cho thiên hạ tin là hình cây nói thật, nhưng chuyện hình cây cử động thì quả là chuyện phi thường.
Đám người ngồi dưới đất bắt đầu “cử động” theo hình cây.
Đầu tiên là gã vừa mời hình cây chén rượu.
Vì hình cây quay lại đối diện với hắn và nói bằng giọng điệu… cám ơn trịch thượng :
– Vị khách quan nè, “tại hạ” vốn thật lòng không muốn dính chuyện với ai, nhưng “thực nhân tài phải cứu nhân tai”. Tại hạ không thể làm ngơ để cho khách quan lâm nạn. Chuyện như thế này nghe, cái lỗ mũi của tại hạ đặc biệt lắm, bất cứ chuyện gì, dầu chưa xảy ra, nhưng tại hạ vẫn “đánh hơi” được như thường. Cứ theo cái lỗ mũi của tại hạ báo cáo thì tại ngôi quán này sắp sửa có mùi… máu tanh dữ lắm. Gió bên ngoài tuy có mạnh, nhưng chẳng làm chết được ai đâu, cho nên tốt hơn hết là khách quan nên tránh… đi chơi chỗ khác, bởi vì đao kiếm một khi đã vung lên thì những kẻ đứng gần, dầu vô tội cũng dễ dàng oan mạng lắm nghe!
Gã đối diện hình cây đảo mắt nhanh về phía năm bàn, hắn nhăn mặt cười trông còn hơn sắp khóc :
– A… a… cám ơn, cám ơn…
Hắn cúi xuống cầm cái chén đặt vội ở quầy tiền, bỏ nhanh vào đó mấy miếng bạc vụn rồi tông cửa dông tuốt.
Bên ngoài bây giờ trời có sập, hắn có lẽ cũng không thèm đếm xỉa đến chứ đừng nói chi là gió lớn.
* * * * *
Chỗ đông người thường có một qui luật tự nhiên mà khá lạ lùng.
Cho dầu xảy ra chuyện kinh thiên động điạ, nếu đừng có ai nhút nhích thì y như người nào cũng… gan mật đầy mình, trái lại, chỉ cần một người “bỏ chân ra” thì người can đảm đến đâu, nhất định cũng teo luôn.
Người thứ nhất vừa tông cửa dông đi thì đám người ngồi dưới đất ùn ùn càn lên nhau chạy như bay ra cửa.
Y như những kẻ đi trong đêm tối sợ ma, càng chạy càng nghe phía sau có tiếng đuổi theo… thình thịch.
Gã răng hô bước lại gài cửa lẩm bẩm :
– Mẹ họ, gió mạnh như thế này cũng không chịu khép trái lại dùm, chưa gì đã không chạy kịp!
* * * * *
Bây giờ trong quán chỉ còn lại mười hai người, kể cả lão Vuơng Què.
Không phải nói mười ba mới đúng.
Vì phải kể sự “hiện diện” của người em gã răng hô.
Lão Vuơng Què vẫn ngồi… ngủ ngon lành, chẳng những không cựa quậy mà cũng không hí mắt.
Gã thư sinh trẻ tuổi cũng vẫn ngồi ở bàn mình, nhưng hắn có vẻ bất an.
Ba lão ngồi chung một bàn thái độ lại khác nhau, lão râu dài áo xanh thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra, lão áo đen khẽ cau mày, vẻ mặt lạnh lùng khó chịu, chỉ có lão mập áo trắng là vẫn nở nụ cười. Hình như trong bất cứ trường hợp nào, nụ cười “Di Lặc” của lão cũng không bao giờ chịu tắt.
Người chột mắt tuy chỉ còn con mắt một, nhưng con mắt đó từ đầu đến cuối như dán dính vào mặt gã răng hô.
Người áo đen có mớ râu “tù” thì khác hẳn, lão già áo xanh trong ba lão ngồi chung bàn tuy cũng thản nhiên nhưng, là thứ thản nhiên đến lạnh lùng, còn gã áo đen này thì mới đúng là… không có chuyện gì xảy ra. Hắn xoay xoay cái chén không trên tay và chăm chú nhìn đến xuất thần, y như vừa phát giác cái chén khờn miệng của lão Vuơng Què là món đồ cổ cực kỳ quý giá.