Tuổi Thơ Dữ Dội

Chương 29: Phần thứ tám


Đọc truyện Tuổi Thơ Dữ Dội – Chương 29: Phần thứ tám

3

Trung đoàn trưởng đi về phía đài quan sát cây quao ở lưng chừng dốc núi Xê-ca Bảy. Chính cây quao mà Mừng đã chỉ vào bản đồ của ông, và đề nghị đặt
đài quan sát ở đây. Bộ quần áo kaki màu xanh lá cây và cái mũ cối của
ông cũng lấm láp bùn đất không khác gì các chiến sĩ của ông đang bố trí
dọc các chiến hào. Theo sau ông là em Nghi liên lạc trung đoàn bộ, mặc
quần dài xắn quá gối, đầu trần, tóc đỏ quạch đất bụi, ấo sơ mi rách tả
tơi. Vai em khoác khẩu các-bin.

Dọc lối đi, cây cối bị bom, đạn đại
bác, đạn súng cầu vồng phạt đổ ngả nghiêng. Hố đạn bom như những vết mụn lở loét lỗ chỗ khắp sườn núi. Tiếng đạn rít xèo xèo ngang qua đầu hai
anh em. Chốc chốc Trung đoàn trưởng và Nghi lại nằm rạp xuống sau các
gốc cây lớn tránh đạn. Dứt đợt nổ, hai người lại đứng dậy, phủi đất bùn, lá cây, vỏ cây mà đạn ném phủ!ên người và tiếp tục đi.

Đài quan sát
cây quao do các em Hoà-đen, Hiền, Châu-sém và Ba phụ trách. Châu-sém làm tổ trưởng. Đây là đài quan sát độc nhất trong năm đài quan sát của
chiến khu, được trang bị máy điện thoại. Điện thoại nối liền đài quan
sát với hầm chỉ huy của Trung đoàn trưởng, đặt cách đó gần một cây số.

Trung đoàn trưởng đến nơi đúng vào phiên trực của Hoà-đen. Em ngồi trên chạc
ba ngọn cây, tay cầm ống nhòm chăm chú theo dõi bọn giặc đang lúc nhúc
đi trên vùng đất Tiền chiến khu. Bên em là máy điện thoại và hộp đựng
pin máy, được buộc chắc chắn vào một cành cây, ngang tầm tay với của em.

Châu, Hiền và Ba ngồi dưới gốc cây, trước mắt là mấy hốcá nhân mới đào, đất rừng đắp quanh miệng hố còn tươi nguyên.

Cách gốc cây chừng dăm chục thước, có ba, bốn hố đại bác sâu hoắm, có một hố sâu lút đầu người – chắc là do một trái pháo hạng nặng đào khoét.

Châu-sém nhìn mấy hố đạn với cặp mắt tiếc rẻ:

– Cơi chi tụi hắn bắn xích gần vô đây chút nữa thì tụi mình đỡ mệt, khỏi phải đào công sự. Đồ bắn dở ẹc!

Ba em đang ngồi ăn sắn luộc. Các em nhai một cách uể oải, mặc dầu bụng đói cồn cào. Đã ba ngày nay cả chiến khu phải ăn sắn trừ cơm, mà sắn lại
thiếu muối. Các em thay muối bằng ớt, thứ ớt rừng bằng hạt thóc mà cay
xé lưỡi. Hiền vừa ăn vừa nghêu ngao hát: “Sống ăn sắn mà không thèm ăn
phơ ở ở… Chết huy hoàng mà không khuất phục ai!”

Thấy trung đoàn trưởng đi đến, các em đứng dậy:

– Anh ạ! Anh ạ! Mời các anh ăn sắn cho vui!

Trung đoàn trưởng cười, hỏi:

– Nuốt ngó bộ gay go hí? – Ông rút trong túi quần ra một khúc sắn dài cỡ
gang tay – Anh cũng được mấy o cấp dưỡng phát cho hai khúc như ri. Từ
sáng tới giờ anh cũng gắng gỏi lắm mới nuốt hết một khúc. Các em chịu
khó, trong vài ngày tới răng cũng có gạo dưới đồng bằng tiếp lên.

Ba nói:

– Dạ ăn sắn cả tuần em cũng ăn được, chỉ khiếp là không có muối.

– Dạ, không biết nhịn muối độ mười ngày, có chết không anh hè? – Hiền hỏi.

– Hồi anh chiến đấu ở mặt trận An Khê, nghe mấy cụ già người Thượng từng
tham gia nghĩa quân Ma Trang Lơn, kể là họ đã từng phải nhịn muối cả năm liền.

Châu-sém nói:

– Rứa thì Vệ Quốc Đoàn mình so với các cụ, khổ đã thấm béo chi anh hè?

– Ừ đã thấm béo chi! Tình hình địch có chi mới không? Anh Thắng đi mô rồi?

– Dạ anh vừa ở đây xong. Anh xuống đôn đốc mấy đài quan sát ở phía Nam, chắc đến trưa mới quay về.

Châu-sém báo cáo:

– Dạ, cả ngày hôm qua với sáng ni tụi hắn rậm rịch đào công sự dọc bờ sông. – E tụi hắn định ở lại chơi với ta lâu dài anh hè?

Trung đoàn trưởng chỉ cái thang tre cao vòi vọi bắt dựa vào thân cây để trèo lên đài quan sát, hỏi:

– Có chắc không các em? Anh muốn trèo lên ngó qua một chút.

– Dạ, cũng hơi chắc… Anh trèo không quen sợ bổ. – Châu-sém nhìn cái thang rồi nhìn Trung đoàn trưởng với ánh mắt lo lắng. – Mà tụi hắn hay bắn
bất tử vô đây lắm… lỡ…

Ba nói:

– Bốn giờ chiều hôm qua hai thằng Xít-pi-phai bay qua đây, là là gần sát ngọn cây. Em tưởng tụi hắn cào em đi mất.

Trung đoàn trưởng cười:

– Ý là các chú không muốn cho anh trèo chớ chi? Hồi nhỏ anh cũng là tay trèo cây chúa lắm chứ các chú đừng tưởng.

Trung đoàn trưởng vịn thang tre trèo lên thoăn thoắt. Hoà-đen cúi lom khom,
một tay vòng ôm chặt cành cây, một tay níu khuỷu tay Trung đoàn trưởng,
giúp ông trèo lên chỗ em đang ngồi. Em nép sát vào cành cây nhường chỗ
và trao ống nhòm cho ông.

Đại bác giặc lại dồn dập bắn vào núi. Nhiều trái rít ngang qua ngọn cây. Mỗi lần như vậy Hoà-đen đều rùng mình, cả
người em căng như sợ dây đàn lên hết mức, trong tư thế sẵn sàng lấy thân mình che đạn cho người chỉ huy cao nhất của trung đoàn. Trung đoàn
trưởng vẫn điềm tĩnh lia ống nhòm quan sát địa hình và bọn giặc đang đào công sự dọc bờ sông Ô Lâu. Mỗi lần có tiếng đại bác rít bay qua, ông
cũng chẳng buồn cúi đầu.

Đêm qua có cuộc họp giữa Ban chỉ huy trung
đoàn các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, tại Xê-ca Bốn để quyết định những
vấn đề cấp thiết của chiến khu Hoà Mỹ lúc này. Cuộc tấn công bao vây
chiến khu của giặc đã bước sang ngày thứ mười hai. Trong mười hai ngày
qua, cường độ các đợt tấn công của giặc vào núi càng dữ dội. Tất cả các
đợt tấn công đều bị quân ta đánh bật ra. Quân ta vũ khí ít, quân số
không đông, nhưng được rừng cây che phủ, và bọn giặc lại không thông
thuộc địa hình, nên Ban chỉ huy trung đoàn tin chắc dù chúng tấn công
với lực lượng gấp đôi cũng không thể vào được trong núi. Nhưng gay go
nhất vẫn là lương thực. Ba ngày qua cả chiến khu đều ăn sắn. Những lon
gạo cuối cùng được vét dồn cho bệnh viện với mấy chục thương binh.

Tỉnh uỷ và Uỷ ban tỉnh đã liên tiếp cử nhiều đoàn cán bộ, đêm bí mật bò qua
phòng tuyến địch, vượt sông Ô Lâu, về đồng bằng hai huyện Phong, Quảng
huy động lương thực tiếp tế cho chiến khu đang bị bao vây. Nhưng bọn
giặc bao vây chiến khu rất chặt. Không tấn công được vào núi, chúng xoay đổi chiến thuật, vây hãm chiến khu dài ngày, cắt đứt mọi đường tiếp tế
từ đồng bằng lên. Chiến khu sẽ kiệt lương thực. Việt minh tất phải ra
hàng, nếu không hàng thì chết đói.

Trong mười hai ngày qua, hàng chục đoàn dân công tiếp tế của các xã đồng bằng, gánh gạo, muối lên chiến
khu, đã bị bọn địch phục kích tiêu diệt. Gạo, muối lẫn với máu và xác
người nằm lăn lóc trên đường từ đồng bằng lên núi. Nhưng nhân dân các
huyện đồng bằng vẫn gan góc, quyết liều thân với giặc để cứu chiến khu.
Đoàn tiếp tế này vừa ngã xuống, xác vừa được mang về chưa kịp chôn cất,
đoàn tiếp tế khác đã hăm hở lên đướng. Nhiều đoàn đã phải đi một quãng
đường dài gấp năm, gấp bảy đường chính, với hy vọng lọt được qua vòng
vây giặc. Họ băng qua Quảng Trị, vòng lên núi xanh, rồi từ núi xanh quặt trở lại Hoà Mỹ.

Cuộc họp của Ban lãnh đạo chiến khu Hoà Mỹ đã đi đến quyết định: Rời bỏ chiến khu Hoà Mỹ. Dời toàn bộ chiến khu vào Dương
Hoà, một vùng làng mạc nằm ven thượng nguồn sông Hương – phía nam tỉnh.
Từ Hoà Mỹ vào Dương Hoà phải đi xuyên núi mất từ ba đến năm ngày.

Các bộ phận cồng kềnh như bệnh viện, kho tàng công binh xưởng… phải đi ít nhất là mười ngày.

Ngay đêm đó, một đoàn tiền trạm đã lên đường vào chiến khu mới.

Tin của các chiến sĩ trinh sát từ Tiền chiến khu đưa về là bọn giặc đang
sửa soạn một trận tấn công quyết định vào các Xê-ca. Báo chí, đài phát
thanh giặc đưa tin quân Việt minh bắt đầu chết đói, một số không cầm nổi vũ khí, đang hẩp hối. Chúng tin chắc với trận tấn công quyết định này,
chúng sẽ nghiền nát toàn bộ chiến khu. Trinh sát dự đoán mũi tấn công
chính của bọn. giặc là hướng Xê-ca Bảy, nơi đóng bệnh viện.

Ban chỉ
huy trung đoàn quyết định tổ chức một trận phục kích bằng địa lôi lớn
nhất, dữ dội nhất từ trước đến nay, với toàn bộ số mìn hiện có của chiến khu, tại bãi trống trên đường vào Xê-ca Bảy. Bãi trống này ôm vòng chân núỉ có dựng đài quan sát cây Quao.

Trung đoàn trưởng đến đài quan sát để nghiên cứu lại địa hình lần cuối cùng, chuẩn bị cho trận địa lôi chiến quyết định.

4

Đợt đại bác câu sâu vào trong các lớp núi xanh vừa đứt, gần một chục đội
viên Thiếu niên trinh sát nằm nép mình bên bờ suối tránh đạn, đã vùng
ngay dậy. Các em phủi tóc tai, áo quần, và sờ quanh người xem có mảnh
đạn nào găm vào người.

Trên triền dốc bên kia suối, một đoàn người
khiêng vác cồng kềnh, tay chống gậy, những ngón chân trần bấm sâu xuống
đất, nặng nhọc bước đi.

Những bộ phận máy móc tháo rời, những bánh xe răng cưa, những cái đe, búa tạ, đạn lép, mìn, những thùng đồ đạc… lúc
lắc trên đòn khiêng, nghiến miết vai họ, làm chân người nào cũng bước đi chệnh choạng.

Cuộc rút lui khỏi chiến khu bắt đầu từ tờ mờ sáng, khi đường rừng còn chưa nhìn rõ, đẫm ướt sương đêm. Tư-dát thích dùng chữ
nghĩa sang trọng, gọi cuộc rút lui này là “Thiên đô về phía Nam“.

Những cơ quan, những đơn vị cồng kềnh được rút lui trước.

Họ im lặng một cách kỳ cục. Tiếng đạn đại bác xèo xèo rít qua đầu, họ cũng chẳng thèm núp cũng chẳng buồn cất tiếng chửi rủa như mọi khi. Một vài
người quạu cọ, làu bàu: “Điếc đít“.

Họ lầm lũi, nặng nhọc tiến mãi vào rừng sâu…

Một nừa quân số đội Thiếu niên trinh sát gồm các em: Du, Đồng, Kỳ, Bé,
Nuôi, Phát, Do, Tuyên, Bồng-da-rắn, được lệnh đi theo đoàn cán bộ tham
mưu vào chiến khu mới để làm quen trước với địa hình, chuẩn bị cho những trận chiến đầu mới.

Tư-dát, Nguyện, Trà, Lô ở hai đài quan sát cạnh
đường rút lui. Các em thay mặt nửa đội còn ở lại, sẽ rút lui sau cùng,
đến gặp gỡ, chia tay với các bạn rút trước.

Các em chuẩn bị một bữa
tiệc liên hoan chia tay khá thịnh soạn. Hơn một chục vắt cơm nhỏ xíu,
mỗi vắt nửa lon gạo, đặt trên hai tàu lá chuối rừng, trên tảng đá phẳng
phiu như một bàn nằm trên bờ suối.

Gọi một bữa liên hoan chỉ có chục
vắt cơm nhỏ xíu là thịnh soạn, người kể chuyện không hề có tí hài hước.
Nếu biết được cái giá của mỗi vắt cơm đó, người ta sẽ phải nhận rằng,
trên thế gian này không có thứ cao lương mỹ vị nào đắt hơn. Giá của mỗi
vắt cơm là giá máu. Đảng bộ và chính quyền hai huyện Phong, Quảng đã

phải tổ chức những đoàn “Vũ trang tiếp tế” để đưa bằng được gạo, muối
lên chiến khu… Mỗi đoàn dân công gánh gạo, muối có một tiểu đội du kích
vũ trang đầy đủ, đi mở đường và hộ tống. Họ phải đánh nhau với bọn giặc
phục kích trên các nẻo đường để chọc thủng vòng vây giặc.

Nhiều tiểu
đội lên đến chiến khu đã hy sinh chỉ còn ba, bốn người. Nửa đêm hôm kia, một đoàn dân công huyện Quảng Điền chuyển được mấy tạ gạo lên đến chiến khu, phải mất sáu người chết và bốn người bị thương nặng. Trong số
những người bị thương có một chị tổ trưởng dân công nghe đâu người làng
Thệ Chí, bị đạn và mảnh lựu đạn xuyên qua đùi, bụng. Nhưng chị không
chịu rời gùi gạo nặng trĩu trên vai và đồng thời chị chỉ huy tổ mình
mang gạo lọt qua vòng vây giặc. Hiện tại đang nằm tại bệnh viện Xê-ca
Bảy, trong tình trạng hết sức nguy kịch. Các chiến sĩ, cán bộ trên đường rút lui đều tạt vào bệnh viện thăm chị. Hôm qua Tư-dát ghé vào thăm,
nhìn chị nằm thiêm thiếp hôn mê và tấm chăn đơn chị đắp ngang người đầm
đìa máu, em mếu máo khóc và một ý vụt đến trong đầu: “Ôi những hạt cơm
em ăn, nặng trĩu máu nhân dân!“. Gương dũng cảm tiếp tế cứu chiến khu
của chị chỉ hôm sau đã lan truyền khắp chiến khu.

– Thôi ăn đi, rồi
đi vô thấu trong đó cho được mạnh giỏi anh em hí. – Lô khai mạc bữa tiệc liên hoan vẻn vẹn một câu ngắn ngủi như vậy.

– Khoan! Khoan! – Tư-dát vừa kêu vừa trịnh trọng mở gói lá chuối từ nãy tới giờ vẫn cầm lăm lăm trong tay.

– Úi chao! Muối! Muối! Hoan hô Tư-dát! Hoan hô Tư-dát!

Các em vỗ tay hoan hô, reo hò vang dội dốc núi.

Tư-dát trang trọng đặt gói muối giữa những vắt cơm. Cả chục cặp mắt như bị hút chặt vào đó. Một đốm nắng rực rỡ lọt qua tán cây, rọi thẳng vào giữa
gói muối. Những hạt muối bắt nắng, sáng lên lấp lánh như đang cười, nháy mắt với các em.

Tất cả đều nuốt nước bọt.

– Nằm xuống! – Võ Trà bỗng hét to thất thanh.

Chưa hiểu chuyện gì nhưng tất cả đều nằm rạp xuống đất.

Trên đầu các em rợn lên tiếng xèo xèo như sắt đỏ nhúng vào nước lạnh. Một
tiếng nổ chói tai. Đất đá quăng rào rào lên mình bọn trẻ. Trái đạn đại
bác nổ cách các em chưa đầy ba chục thước.

Tất cả đứng bật ngay dậy,
không kịp phủi tóc tai, mặt mũi, đã ngó ngay vào mâm tiệc liên hoan.
Những vắt cơm còn nguyên, nhưng gói muối bay đâu mất? Các em tái mặt,
nháo nhác ngó quanh tìm kiếm. Đoàn phát hiện ra gói muốn nằm lọt giữa
khe hở hai tảng đá. Hơi đạn nổ đã hất gói muối xuống đó. Nhìn xuống khe
hở, các em thấy ngọn lá nằm nghiêng trút hết muối xuống đáy khe hở. Khe
hở vừa hẹp lại vừa sâu.

– Để tớ! Để tớ! – Các em tranh nhau nằm ẹp
xuống, thọc tay vào khe hở để nhặt muối. Nhưng vô ích. Em nào thọc được
sâu nhất cũng chỉ đến khuỷu tay. Đồng cố thọc khuỷu tay bị kẹt, không
rút ra được. Các em phải xúm lại giúp Đồng rút ra.

Đồng kêu oai oái, nước mắt, nước mũi giàn giụa vì đau. Rút ra được khuỷu tay em bị xây xát, rướm máu.

Tất cả mặt ỉu xìu, tiếc xót, mắt không rời khe đá bên dưới có chứa cả kho châu ngọc.

– Có lẽ mô ta lại chịu thua? – Lô dõng dạc lên tiếng – Cạy đá ra mà lượm!

Thế là tất cả xúm lại hì hục đào, khoét đất dưới chân tảng đá, làm cho tảng đá hỏng chân để cạy.

Ba, bốn em nhảy xuống suối, bụm tay tát nước suối vào chân tảng đá cho đất
mềm ra, dễ đào. Mấy em dùng dao găm, cành cây đào, mấy em khác dùng tay
bới đất.

Tất cả mồ hôi vã ra như tắm. Những manh áo rách như xơ mướp
dán vào những tấm lưng gầy nhom. Tảng đá không chịu nhúc nhích mặc cho
các em hò hét xô đẩy. Võ Trà nổi cáu, đạp vào tảng đá chửi um:

– Tổ cha mi, mi định ăn tươi, nuốt sống gói muối của tụi tau à?

Tất cả đứng lên, quệt mồ hôi trán, nhăn nhó thiểu não:

– Có lẽ chịu bỏ thôi! Ăn được hột muối mà xâm xoàng mặt mũi ri thì nhịn quách cho rồi?

Tư-dát tác giả gói muối, vẫn hậm hực:

– Chịu đầu hàng à? Đầu hàng một lần rồi sẽ quen mùi đầu hàng mãi!

Sáng kiến chợt lóe trong óc em. Em đưa mắt nhìn quanh kêu to:

– Tê rồi! – Em chỉ một cái đòn khiêng ai vứt lăn lóc bên sườn núl.

Tư-dát nhảy tới chụp cái đòn tre nặng chịch, vác chạy đến, miệng liến láu một
câu danh ngôn: “Hãy cho ta một điểm tựa, ta sẽ bẩy cả quả đất!“.

Tư-dát thọc một đầu cái đòn tre vào cái hố sâu vừa đào dưới chân tảng đá. Hơn
chục đôi vai tí hon ghé sát vào nhau, gánh cái đòn tre: Tư-dát la to:“Hai… ba này!“. Tất cả choãi chân, rườn căng mình, gánh bật cái đòn tre
lên. Hòn đá rung rinh rùng mình dưới lực của đòn bẩy, cuối cùng nặng nề
đổ nghiêng về một bên.

Các em xúm lại lượm từng hạt muối bỏ vào ngọn lá, mặc cho tiếng đạn đại bác gầm rú ngang đầu.

Khi đã lượm hết, Tư-dát nói:

– Rút kinh nghiệm ta chia cho chắc chuyện. Tớ đếm rồi, Chia đều mỗi đứa
được bảy hạt, hạt nhỏ bù hạt to. Nào ngửa tay ra để tớ phân phối. –
Tư-dát đếm cẩn thận từng hạt muối một bỏ phần muối vào lòng bàn tay của
mỗi bạn:

– Phần muối của mình, Tư-dát bỏ hết vào lòng bàn tay Đồng, cười nói:

– Phần của tau, tau đền cho mi cái chỗ khuỷu tay bị tươm máu.

5

Chiến khu Hoà Mỹ bị giặc tấn công, vây hãm đã bước sang ngày thứ mười lăm. Đó là một ngày căng thẳng quyết liệt nhất.

Mới tờ mờ sáng, các đỉnh núi còn chìm khuất trong sương, bọn giặc đã bắn
đại bác vào các lớp núi dồn dập gần như không phút nào nghỉ. Đất đá bay
rào rào, cây cối đổ rầm rầm.

Tám giờ sáng, máy bay phóng pháo ào ào
kéo đến hết tốp này đến tốp khác, vòng lượn, gầm rú, trút bom đạn xuống
các sườn núi, khe suối mà chúng nghi có quân ẩn náu. Tin tức từ các đài
quan sát dồn dập báo về hầm chỉ huy sở: Nhiều toán từ đồi Đồng Nhện, đồi Hai Lăm, vượt sông Ô Lâu sang Hoà Mỹ. Phía bắc Tiền chiến khu, giặc tập trung qưân đông đặc.

Trung đoàn trưởng Hà Văn Lâu ngồi trong hầm chỉ huy đào cạnh gốc một cây kiền kiền đại thụ. Máy điện thoại đặt trong
cái hốc khoét sâu vào vách hầm đổ chuông liên hồi. Anh chiến sĩ thông
tin trực điện thoại chốc chốc lại đưa ống nghe cho ông: “Báo cáo? Đài
quan sát cây Quao báo cáo với anh!“.

Qua những báo cáo của cảc đơn vị Trinh sát, Trung đoàn trưởng dự đoán bọn giặc sẽ mở trận tấn công quyết định vào núi trong ngày hôm nay. Giờ tấn công muộn nhất là haỉ giờ
chiều. Và ông đã sẵn sàng đón tiếp chúng. Trận địa mìn được bố trí xong
vào lúc một giờ sáng. Ba giờ hai mươi phút sáng, ông và một cán bộ tham
mưu đến kiểm tra lại bãi mìn lần cuối cùng.

Đài quan sát cây Quao là
một trong những đơn vị quyết định sự thành bại của trận địa lôi chiến.
Ông ra lệnh bổ sung thêm cho tổ Trinh sát cây Quao hai chiến sĩ nổi
tiếng gan dạ của trung đoàn…

Theo kế hoạch của ông, khi bọn giặc vào
đến địa điểm quy định, một bãi trống lớn gần dải rừng cây thưa và thấp
dưới chân núi Xê-ca Bảy, Đài quan sát cây Quao sẽ gọi điện thoại về hầm
chỉ huy. Ông sẽ đích thân ra lệnh nổ mìn.

Quả địa lôi phát lệnh nặng
một trăm cân, do công binh xưởng chế tạo bằng một quả bom lép của địch
ném xuống Xê-ca Bốn. Quả bom phát lệnh và toàn bộ bãi mìn sẽ được nổ
bằng pin điện. Hầm của hai chiến sĩ công binh phụ trách nổ mìn ở cách
hầm chỉ huy một tầm gọi.

6

Em Nghi áo đứt hết cúc mở phanh ngực,
quần đùi xắn đến bẹn, đầu trần lấm lem đất bùn, tay xách khẩu các-bin,
vừa đi vừa chạy về phía Xê-ca Bảy. Em nhảy như một con sơn dương non qua những thân cây đổ ngổn ngang, những hố đạn, hố bom chi chít dọc theo
lối đi. Thỉnh thoảng em dừng lại, co chân lên, rút một cái gai dưới bàn
chân, vất ra xa với vẻ mặt khinh bỉ.

Em đang có nhiệm vụ khẩn cấp:
Mang thư của Trung đoàn trưởng gửi bác sĩ bệnh viện trưởng, yêu cầu cho
rút gấp những bộ phận cuối cùng ra khỏi Xê-ca Bảy.

Trận tấn công của giặc vào Xê-ca Bảy trong ngày hôm nay sắp bắt đầu.

Khu vực bệnh viện vắng lặng khác thường. Các lán đều trống không. Nhiều lán đổ sụp, hai mái lán nằm tùm hum trên mặt đất, cột kèo được rút hết làm
đòn khiêng cáng bệnh nhân, thương binh.

Phần lớn bệnh nhân, thương
binh, y tá, hộ lý đã rút khỏi Xê-ca Bảy, chuyển về chiến khu mới từ hai
hôm trước. Lúc này bệnh nhân chỉ còn lại sáu thương binh vừa được chuyển đến đêm qua và sáng nay.

Bác sĩ Thiền, một anh và một chị y tá, một
chị hộ lý còn ở lại chăm sóc thương binh. Tất cả được chuẩn bị sẵn sàng
để di chuyển. Thương binh được đặt nằm sẵn trên cáng làm bằng đòn tre và vải bạt, chờ người đến cáng đi.

Chỉ riêng trường hợp chị tổ trưởng
dân công làm bác sĩ Thiền rất đỗi lo lắng, băn khoăn. Các vết thương quá nặng, chị mất quá nhiều máu, nên không hy vọng gì có thể qua khỏi ngày
hôm nay. Nếu cáng đi, chị sẽ chết dọc đường, và có khả năng chết sớm hơn vì các vết thương đang chảy máu bị chấn động. Nhưng nếu để chị ở lại
thì phải cử người ở lại săn sóc…

Lúc Nghi bước vào lán đưa thư của trung đoàn trưởng, bác sĩ Thiền vừa tiêm cho chị một mũi thuốc trợ tim.

Trong lúc ông đứng trước cửa lán đọc thư, Nghi đi về phía cuối lán thăm chị
tổ trưởng dân công mà hai hôm nay em được nghe cả chiến khu nhắc nhở,
bàn tán về tinh thần gan dạ vô song của chị, về cái gùi gạo chị mang
trên lưng găm đầy đầu đạn, gạo trộn với máu…

Chị nằm trên cáng, đắp tấm chăn đơn cũ kỹ, đầu gối cái bao tải gấp làm tám, tóc buông loà xoà phủ kín cái tải gối đầu.

Nhờ mũi thuốc trợ tim vừa chích, chị dứt cơn mê sảng, bắt đầu tỉnh lại. Chị mở to mắt nhìn quanh như chưa hiểu mình đang nằm ở đâu.

Khi còn cách chị vài bước, Nghi bỗng đứng sững lại, kinh ngạc kêu lên:


– Ui! Thím?

Nghi nhận ra, chị tổ trưởng dân công lừng danh của chiến khu, chính là mẹ
của Mừng. Em đã được gặp chị trong cái đêm chở Mừng về làng Phò thăm mẹ.

Hôm đó, tuy dưới ánh đèn dầu nhập nhoạng, và chỉ nói chuyện với chị có dăm
phút, nhưng gương mặt chị có vẻ gì rất khác thường, in sâu vào trí nhớ
của em. Nên thoạt nhìn em đã nhận ra ngay.

– Thím không nhận ra cháu à? – Nghi bước đến hỏỉ. – Cái đêm ở làng Phò, cháu đi ngựa đem tin thằng Mừng về cho thím…

Người đàn bà cặp mắt trân trân nhìn Nghi một lúc lâu.

Gương mặt thất thần của chị vụt sống động linh hoạt hẳn lên. Chị làm một cử
động như muốn cất đầu dậy, nhưng không sao cất nổi. Chị bất lực, yếu ớt
khẽ kêu:

– Cháu là Nghi. Thím nhớ rồi… Rứa em Mừng ở mô, có ở trên chiến khu ni không.

– Dạ có! – Nghi không kịp nghĩ ngợi, buột miệng trả lời.

Ánh mừng rớ tràn ngập gương mặt mất máu của chị:

– Ui chao, rứa thì phúc cho thím quá! Em Mừng có ở gần đây không? Cháu
làm ơn làm phước gọi Mừng lại đây cho thím chộ mặt một chút… Thím biết,
thím yếu lăm rồi, thím e chẳng còn sống được bao lâu…

Nước mẳt chị bỗng bật trào ra như xuối. Nghi nhìn chị, càng bối rối, em nói tuột luôn:

– Nhưng… chừ hắn không còn là Vệ Quốc Đoàn nữa. Hắn trốn về Huế theo cha
hắn làm Việt gian, rồi lại mò lên chiến khu làm gián điệp cho Tây. Chừ
hắn đang bị giam ở trại tù chờ ngày đưa ra toà án binh xét xử.

Bác sĩ Thiền kêu to.

– Nghi! – Ông muốn bắt em ngừng lại nhưng không kịp. Ông không lường sự thể đến như thế.

Người đàn bà rùng mình. Ánh mắt chị trở nên_ ngơ ngác, thảng thốt.

– Răng? Cháu nói răng? Thằng con chị đi theo cha hắn làm Việt gian? Chừ
đang bị Chính phủ giam tù? Ui chao? Ui chao? Răng mà con dại rứa con ơi!

Giọng chị như trong cơn mê sảng, nghe muốn đứt ruột. Nghi biết mình đã lỡ lời, không còn cách gì chữa lại được nữa.

Em đứng ngây người nhìn chằm chặp gương mặt mẹ Mửng, vừa mới tươi rạng đó, chừ đã nhăn nhúm, tái nhợt vì đau khổ, đầm đìa nước mắt, em cũng muốn
oà khóc theo luôn. Môi em run, ấp úng mãi không nói được điều gì.

Chị Niệm thò tay ra ngoài chăn, bíu chặt lấy vạt áo của Nghi, như chỉ sợ em bỏ chạy mất. Chị nói qua nước mắt:

– Cháu đừng giáu thím mà tội thím lăm cháu nờ. Em Mừng có đúng nhừ rứa
thì cứ nói cho thím biết… Mà chắc đúng thiệt rồi. Ui chao, hắn tưởng cha hắn là cái thằng Năm Ngựa… Thằng Năm Ngựa cô hồn chuyên giết người ở
Huế… Ai còn lạ chi… mà cũng lỗi tại mạ hết, con ơi… – Chị bắt đầu nói
lảm nhảm như đang rơi dần vào cơn mê sảng. Cả gương mặt chị vùi trong
nước mắt…

Bác sĩ Thiền vội vã sai chị y tá tiêm cho chị một mũi thuốc trợ tim. Chị bất chợt như vừa bừng dậy sau cơn ác mộng. Chị nói với Bác sĩ Thiền, ánh mắt van nài cầu khẩn:

– Xin ông cho tui được gặp thằng con tui… Con tui hắn dại dột quá… ông thương tui, cho tui được chộ mặt
thằng con tui trước khi tui nhắm mắt, xuôi tay…

Bác sĩ Thiền hỏi Nghi:

– Cái chú Mừng ấy chừ ở mô rồi!

– Dạ ở trại giam Xê-ca Năm. Sáng ni em cũng và chạy công văn vô đó. Trại giam cũng đang sừa soạn rút khỏi chiến khu.

– Chừ làm răng hè? – Bác sĩ Thiền bối rối tự hỏi.

Nghi như vụt tỉnh trí lại. Em hấp tấp nói:

– Chừ ri anh nì. Anh viết mấy chữ gửi anh Lanh phụ trách trại giam, xin
cho Mừng được đến Xê-ca Bảy gặp mạ hắn. Em cũng thân với anh Lanh lắm,
em nói thêm vô, chắc rằng anh ấy cũng cho hắn đi.

Bác sĩ Thiền lấy
giấy bút viết bức thư ngắn gửi trại trưởng trại giam, trao cho Nghi.
Nghi gấp tư lá thư bỏ vào túi khoác khẩu các-bin lên vai, hấp tấp nói:

– Em cố chạy thật mau, may ra còn kịp.

Và em lao ra khỏi khu lán bệnh viện.

Nghi cắm đầu chạy thục mạng về phía Xê-ca Năm, miệng lẩm bẩm: “Lạy trời may
ra còn kịp!“. Đại bác nổ ầm ầm quanh mình, em cũng không kịp nằm xuống
núp. Hơn nửa giờ sau, Nghi đã bước vào cổng trại giam. Khoảng hai chục
tù nhân toàn những Việt gian, gián điệp, những binh sĩ phạm pháp, tập
họp thành một hàng dài trước sân trại giam. Tất cả đều bị trói, hai tay
chắp trước bụng, mặt cúi gằm nhìn đất. Mấy anh lính gác trại giam tay
xách súng, ba lô trên vai, chuẩn bị áp giải toán tù rời khỏi chiến khu.

Vừa thoáng nhìn, Nghi đã nhận ngay ra Mừng đứng ở quãng giữa hàng, hai tay
bị trói bằng dây điện thoại, chắp trước bụng. Mừng cũng nhận ra Nghi, em khẽ gọi:

– Nghi!

Nghi nghe gọi, nhưng giả bộ làm ngơ, không quay lại.

Nghi đi thẳng đến lán trưởng trại, vừa thở vừa móc túi lấy bức thư đưa cho anh.

Trưởng trại Lanh trạc bốn mươi tuổi, vóc dáng cao lớn, xương xẩu, gồ ghề. Anh đọc bức thư của bác sĩ Thiền trán cau lại, nói:

– Nhưng làm răng được chừ!

Nghi vội đứng thẳng người lên, nói không kịp thở.

– Anh gắng giúp cho thím ấy. Thím ấy bị thương nặng lắm, sắp chết rồi,
thím ấy chỉ ao ước chộ mặt con trước khi nhắm mắt. Anh thương thím ấy đã liều chết cứu chiến khu, chớ hắn thì ai mà thương được?

Giọng van nài khẩn thiết của Nghi làm cho người trưởng trại giam vốn có tiếng là lòng sắt dạ lim, cũng phải động lòng.

Anh Lanh nói, mặt vẫn không thôi cau có:

– Anh chẳng tiếc chi, nghĩa tử là nghĩa tận. Nhưng khổ cái là chừ không
có người áp giải hắn. Số anh em canh trại còn ít quá chỉ đủ để áp giải
cả bọn…

– Hay anh giao hắn cho em. Em sẽ áp giải hắn đến cho mạ hắn gặp, chỉ một lúc em giải hắn về trả các anh.

– Liệu em có áp giải nổi hắn không? Lỡ hắn bỏ chạy ra Hoà Mỹ với tụi giặc thì em làm răng?

– Thì khẩu các-bin đây em để làm chi? – Nghi đưa khẩu các- bin ra trước
mắt anh, bấm chốc rút băng đạn ra. – Đây anh coi, băng đạn còn đủ cả
chín viên. Hắn mà chạy là em bắn ngay. Mà em bắn chẳng tồi đâu. – Nghi
lên đạn khẩu các-bin, chỉ một chùm trái chôm chôm rừng cao vút trên ngọn cây ở góc trái sân trại, nói.

Nghi đặt khẩu súng lên vai, ngắm và bóp cò. Chùm chôm chôm rơi bịch xuống đất, trái văng tung tóe.

– Rứa em phải bảo đảm nghe?

– Hắn mà chạy mất thì em xin thế ngay vô chỗ hắn.

Anh Trưởng trại bước ra giữa sân gọi:

– Tên Mừng đâu?

– Dạ, em đây ạ.

– Mi đi theo đồng chí này lên Xê-ca Bảy có việc gấp. Anh nhìn Mừng với
cặp mắt đe doạ, nói tiếp. – Dọc đường mà mi có ý bỏ trốn thì liệu hồn,
như chùm trái chôm chôm tê – Anh chỉ chùm trái chôm chôm lăn lóc trên
sân.

Chỉ sau hơn mười này sống ở trại giam mà Mừng đổi khác đến không ngờ. Gương mặt em hốc hác, ánh mắt buồn bã, đờ đẫn, cặp môi run run mím chặt. Bộ áo quần kaki ga-bạc-đin nhem nhuốc, lấm lem không còn ra màu
sắc gì. Cả con người em toát lên nỗi cam chịu, nhẫn nhục của người biết
rằng mình oan uống mà không còn cách gì minh oan được.

Em ngẩng nhìn
trưởng trại rồi nhìn người bạn cũ, ánb mắt thảng thốt, dò hỏi. Em cúi
vội nhìn xuống đất. Em lặng lẽ, ủ rũ bước ra khỏi hàng. Hai cổ tay bị
trói bàn tay chắp trước bụng. Nghi nhìn người bạn cũ với cặp mắt vừa ghê tởm, vừa thương xót.

”Rốp!” Nghi lên đạn khẩu cac-bin, khoá chốt an toàn, cầm ngang khẩu súng chĩa vào sau lưng Mừng. Em ra lệnh, giọng cộc cằn:

– Đi lên Xê-ca Bảy!

Mừng cúi gằm mặt lặng lẽ bước đi, lưng hơi gù xuống, dáng đi quen. thuộc của kẻ tù tội. Nhìn một em bé với đáng đi đó, người rắn lòng nhất cũng thấy mủi lòng. Nghi vụt nhớ lại cái đêm ngồi chung với Mừng trên lưng. ngựa
phi về làng Phò thăm mạ. “Bữa ni mình cũng đưa hắn đi thăm mạ mà hắn thì phải trói tay, còn mình cầm súng chĩa vô lưng hắn“. Em nghĩ vậy và nỗi
giận, thương trào lên nghẹn cổ, làm em cũng trở nên lặng lẽ, lầm lì.

Đi qua khỏi dốc núi, Mừng hỏi không ngoái đầu lại.

– Cậu. Anh – (Quen miệng, Mừng buột gọi Cậu, nhưng em chợt nhớ ra mình
bây giờ không được phép gọi người bạn cũ là cậu, nên vội chữa là Anh)
dắt tui lên Xê-ca Bảy có việc chi?

– Cho mạ mi gặp mi!-

Mừng sững sờ quay lại, lắp bắp hỏi:

– Mạ tui? Mạ tui?… Anh đừng nôi dối mà tội tui. – Hai mắt Mừng tự đưng nhòe ướt.

– Thì đúng là mạ mi… Tau thèm nói láo làm chi?


– Nhưng làm răng mạ tui ở trên chiến khu được?

– Mạ mi làm tổ trưởng tổ dân quân gánh gạo tiếp tế cho chiến khu. Cơn mi
ăn bữa ni là gạo mạ mi đưa lên đó. Tây hắn bắn mạ mi bị thương nặng lắm. Rứa mà mi theo Tây làm Việt gian.

– Ui chao, mạ ơi! Mạ! – Mừng bật kêu to rồi quay đầu vùng chạy, Nghi hớt hải lao đuổi theo.

Hai tay Mừng bị trói nên chạy được một quãng, vấp phải rễ cây nằm. gồ lên mặt đát, em mất đà ngã vập mặt xuống đất.

Mũí em trúng phải hòn đá, máu cam chảy loà lện. Em muốn đứng dậy chạy tiếp, nhưng không chống tay được để lấy dà đứng dậy. Nghi phải cúi xốc vai
gỉúp Mừng đứng lên. Mừng đưa lưỡi liếm máu chảy tràn xuống môi, vừa khóc vừa nói:

– Anh cởi trói cho tui với, tui mới chạy mau được. Anh ơi, tui sợ không tới kịp…

– Nhưng lỡ mi chạy trốn thì răng?

Tui còn biết chạy trốn đi mô?

– Trốn xuống Hoà Mỹ theo Tây. Chừ Tây đang ở đầy dưới đó!

– Tui đời mô theo Tây. Anh cũng nghi tui là Việt gian thiệt?

– Cả chiến khu ni ai chẳng biết mi là Việt gian.

– Ui chao, răng mà tui khổ ri trời ơi? – Mừng kêu to, loạng choạng ngồi
sụp xuống đất như bị ai phang một gậy trúng giữa đỉnh đầu – Rứa thì chừ
tui còn biết kêu ai! – Mừng nức nở, nước mắt đầm đìa hai má.

Nghi cởi trói cho Mừng. Hai tay được tự do, Mừng đứng bật dậy, vừa quệt nước mắt vừa nói:

– Chạy mau anh! Chạy mau cho tui được gặp mạ tui.

Hai em chạy đến một ngã ba. Cả hai đường đều đến được Xê-ca Bầy. Đường rẽ
trái gần hơn, nhưng phải vòng qua đài quan sát cây Quao. Cả lối mòn phơi mình dưới mưa đạn đại bác và súng cầu vồng, và các loại đạn bắn thẳng
của giặc. Con đường rẽ trái lấp bên kia sườn núi, xa hơn nhiều nhưng an
toàn hơn. Cả hai lối Mừng đều thuộc lòng, em rẽ lối trái. Nghi chạy sau, quát to:

– Không đi đường đó? Quay lại!

Mừng quay lại, ngạc nhiên hỏi:

– Đường ni gần hơn mà anh?

– Nhưng chạy xuống Hoà Mỹ cũng gần!

Cặp mắt Mừng vụt lóe ánh giận dữ. Nhưng em không cãi lại. Em nhẫn nhục quay lui, rẽ sang lối phải. Em cắm đầu chạy, chân không bén đất, Nghi theo
được Mừng gần đứt hơi, nhưng em không gọi Mừng chạy chậm lại, cứ ráng
sức đuổi theo.

”Chừ hắn là thằng Việt gian, đời mô chịu để cho hắn biết mình chạy thua hắn!“. Em nghĩ vậy.

7

– Mạ ơi! Mạ! Mạ! Con đây mạ! – Từ ngoài cửa lớn, Mừng chạy ào vào, kêu to thất thanh.

Tiếng gọi mạ của người chiến sĩ thiếu niên không may gặp phải chuyện oan
khuất, có một âm sắc xé lòng, đến nỗi ba mươi năm sau, bác sĩ Lê Khắc
Thiền còn nói: “Mỗi lần tôi bất chợt nhớ lại tiếng gọi mạ của em người
tôi cứ nổi hết gai ốc!“.

Từ lúc Nghi xách súng chạy ra khỏi lán, chị
tổ trưởng dân công mắt cứ mở trân trân nhìn ra phía cửa lán, người chị
gần như bất động. Cả gương mặt chị, từ ánh mắt, từ làn da ngả dần sang
màu sáp trong, từ vầng trán xâm xấp mồ hôi, cặp môi héo hắt, ngầm ngập
nỗi chờ khắc khoải đến kinh khiếp.

Và như kiệt sức vì đợi chờ, chị
bắt đầu rơi vào tình trạng hôn mê. Có lẽ lúc này thần chết đang níu kéo
chị, và chị tuyệt vọng, bất lực, cố sức trụ lại. Bàn tay chị bíu chặt
thành cáng, như người sắp chết đuối bíu chặt mảnh ván thuyền.

Mừng ngồi thụp xuống bên cáng, ôm chùm lấy đầu mẹ, lay lay gọi chuyển động cả gian lán.

– Mạ! Mạ! Mạ tỉnh lại đi! Con đây mà mạ!

Mặt em cúi gần chạm mặt mạ, vừa gọi vừa khóc như mưa như gió. Nước mắt em
nóng hổi, lã chã rơi xuống mặt mạ. Có lẽ tiếng lay gọi và những giọt
nước mắt nóng bỏng của con trai đã giúp người mẹ vùng ra khỏi cáng tay
siết chặt, níu kéo của thần chết. Chị vụt mở bừng mắt, nhìn con trân
trân. Chưa bao giờ chị nhìn mặt con sát gần đến như thế. Hình như chị
vẫn chưa dứt khỏi cơn mê sảng, có thể chị tưởng là nhìn thấy con trong
mơ. Và trí nhớ chị như vụt hồi phục. Cặp mắt chị sống động hẳn lên. Chị
đưa hai tay ôm mặt con, kéo sát gần hơn nữa, rồi đẩy ra xa một chút để
nhìn cho được rõ. Miệng chị nửa như cười, nửa như mếu. Chị nói, giọng
tỉnh táo khác thường:

– Con đó à Mừng? Rứa là mạ đã được chộ mặt con…

– Ui chao, đời mạ răng mà rủi ro đau đớn đến nước ni, con ơi! Mạ nghe nói con đi theo thằng Năm-ngựa làm Việt gian… Con dại dột quá con ơi… Nhưng cũng do lỗi tại mạ hết… Con hư tại mạ… Chừ mạ sắp nhắm mắt, xuôi tay,
mạ phải nói rõ đầu đuôi đời mạ, đời con, cho con biết. Thằng Năm-ngựa
không phải cha con mô. Quê mạ con mình tận ngoài Quảng Trị tê. Cha con
rủi chết từ lúc mạ có mang con được ba tháng. Cha, mạ thương nhau hung…
lỡ ăn nằm với nhau mà chưa kịp cưới xin. Cha con bệnh nặng, nghèo quá
không có tiền thuốc thang nên phải chết. Mạ đành mang tiếng gái chửa
hoang. Xấu hổ ê chề, mạ bỏ trốn khỏi làng, lần mò vô thấu Huế, tìm đường sinh sống, chờ ngày sanh con. Mạ tứ cố vô thân, khờ dại quá, không biết làm chi ngoài việc hàng xéo, hàng xay. Mạ đi ăn mày ăn xin thì mạ không quen. Nhiều lúc mạ đã định nhảy xuống sông trầm mình cho xong một đời,
nhưng nghĩ đến giọt máu cha con để lại trong bụng mạ, nên mạ phải gẳng
gỏi sống mà đợi ngày… Rồi đến bước cùng quẫn quá, mạ đành phải bán thân
nuôi miệng, làm gái đĩ trên sông… Bởi rứa mà có lần con chạy chơi mô vể, con kêu: “Con đĩ! Con đĩ “. Mạ thất sắc hết hồn: Mạ sinh con, đem gửi
con cho mệ Lạp dưới làng Phò, thuê mệ trông nom nuôi nấng con. Tháng
tháng được đồng mô mạ gom góp đưa hết cho mệ trả tiền công nuôi dưỡng
con… Mệ Lạp mà con tưởng là mệ ngoại con đó. Năm con hơn một tuổi, chập
chững tập đi, thì mạ gặp thằng Năm-ngựa là đứa du côn chuyên nghề đâm
thuê chém mướn. Hắn lăn lóc say mê chút nhan sắc thừa của mạ, xin bỏ
tiền chuộc ra khỏi tay mụ trùm, cưới mạ làm vợ. Mạ giao hẹn với hắn: Nếu anh chịu nhận thằng con tui là con đẻ của anh, thì tui xin theo không
anh, chẳng cần cưới hỏi làm chi. Để con tui được có cha. Tôi xin suốt
đời hầu hạ anh như đứa ở, anh muốn hành hạ chi tui cũng xin chịu… Mạ sợ
con lớn lên, biết mình không có cha, con tủi hổ với bạn bè. Hắn lấy mạ,
rồi đánh đập hành hạ mạ, như răng thì con biết rồi… Hắn là đứa giết
người không gớm tay, là đồ bạc ác bất nhơn. Róc xương róc tuỷ mạ. Hắn
đòi chi mà mạ không kịp cho thì hắn doạ: “Tao sẽ nói cho thằng con mi
biết tao không phải là cha hắn, mà mi là đồ con đĩ. Con mi hắn sẽ khinh
mi như con chó!“.

Kể đến đó, môi chị bỗng run rẩy, láp bắp cái gì đó
không thành tiếng, và nước mắt bật trào chảy như xối. Chị cầm lên một.
mớ tóc chùi nước mắt, rồí níu mặt con sát gần mặt mình, kể tiếp:

”…
Rồi hắn bỏ đi lấy vợ khác, mà vẫn không thôi quay về hành hạ mạ, róc
xương róc tuỷ mạ. Mạ phải mang nợ hắn suốt đời con ơi. Hắn cướp cả đôi
bông tai vàng một chỉ mà mạ để dành để dụm, để sau ni cưới vợ cho con…
Rồi mặt trận Huế bùng nổ, con trốn nhà đi Vệ Quốc Đoàn. Mạ cứ tưởng con
chết sông chết hói, mạ đã định ra sông trầm mình mà chết theo con. Mạ
sống là vì con. Mạ phải chịu trăm cay nghìn đắng, nhục nhã ê chề, lút
mày lút mặt cũng vì con. Con mà chết rồi thì mạ còn biết sống làm chi.
Rồi mạ hay tin con đi Vệ Quốc Đoàn, mạ mừng biết mấy. Con theo chánh
phủ, theo kháng chiến, đời con rứa là được nên người. Mạ trông ngày
trông đêm cho mau đến ngày nước nhà độc lập, cho mạ con mình được gặp
nhau. Rồi bể mặt trận… Vệ Quốc Đoàn ta chạy tứ tán, mạ không biết con
còn sống hay chết, con còn theo Vệ Quốc Đoàn hay thất lạc đi mô… Mạ gánh gánh bún trên vai, bán mua đắp đổi qua ngày, đi. hết làng này qua làng
khác từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh, cốt để dò la tin tức con. Mạ đến làng
mô, họ cũng nói: “Chị muốn tìm Vệ Quốc Đoàn thì phải lên côi xanh(1) mà
tìm“. Rứa là mạ xin đi tiếp tế các chiến khu – Tỉnh Thừa Thiên mình có
bao nhiêu chiến khu mạ đều có đến hết. Nhưng mạ chẳng thấy tăm dạng con
mô. Mạ đang ở dưới Thệ Chí thì nghe tin chiến khu Hoà Mỹ giặc nhẩy dù,
bao vây chiến khu, Vệ Quốc Đoàn ta cạn lương sắp chết đói. Mạ liền đôn
đáo chạy tới xin các anh du kích, cho mạ đi tiếp tế gạo, muối. Bom rơi
đạn nổ mạ cũng liều… chỉ có chiến khu Hoà Mỹ là mạ chưa tới, chưa chừng
con mình hắn đang theo Vệ Quốc Đoàn, đánh giặc trên đó… Mạ nghĩ rứa mà
mạ bị Tây bắn nát chân, thủng bụng; mạ cũng gắng gùi gạo bò lết cho thấu chiến khu, con ơi“. Rứa mà chừ mạ được gặp con thì té ra con đi làm
Việt gian, bị Chánh phủ giam tù. Ôi chao, đau lòng mạ quá con ơi! Biết
nông nỗi ni thì mạ đừng gặp con còn hơn!…

Giọng chị vụt nghẹn tắc.
Một nỗi đau đớn khủng khiếp chẹn ngang cổ chị. Cả người chị bỗng rung
lên lẩy bẩy như con cá nằm trên thớt bị một lát sống dao giữa đỉnh đầu.
Mấy vết thương ở bụng chị máu lại ộc ra rịn thấm qua tấm chăn đắp. Chị
co giật liên tiếp rồi tay chân duỗi thẳng, đầu ngật sang một bên, bất
động.

Bác sĩ Thiền và mấy chị y tá, hộ lý xúm lại quanh chị, định tiêm thuốc cấp cứu. Bác sĩ Thiền vạch mi mắt chị, nhìn rồi lắc đầu:

– Muộn mất rồi!…

Chị đã trút hơi thở cuối cùng.

Mừng hai tay ôm chặt lấy đầu mạ, mắt nhìn trân trân không chớp. Cả người em
như chết lặng, nét mặt ngơ ngác, hoảng loạn. Rồi em như vụt hiểu ra: Nỗi khủng khiếp nhất đời em đã điểm?

Miệng há to, đôi mắt sưng vù vì khóc, cặp môi run bần bật, em bỗng thét to đến bất ngờ:

– Mạ! Mạ. Không phải! Không phải! Con không phải Việt gian! Con là Vệ Quốc Đoàn! Mạ ơi!

Tiếng kêu thét của Mừng có một âm hưởng xé ruột, làm mọi người rởn hết gai ốc.

Em sà vào ngực mạ, ôm đầu mạ nâng khỏi cái gối bao tải. Em vừa lay lay đầu mạ vừa ngó mặt mạ với ánh mắt đau đớn đến điên dại. Em vừa khóc vừa kêu la tuyệt vọng, lặp đi lặp lại một câu:

– Con không phải Việt gian! Con là Vệ Quốc Đoàn!

Những người đứng chung quanh đều nước mắt ngắn dài.

Nỗi đau đớn đến điên dại và tiếng kêu la tuyệt vọng của Mừng, làm cho mọi
người trong khoảnh khắc vụt có ý nghĩ: “Hay là nó bị nghi oan thật? Có
lẽ nào sự giả trá lại biểu hiện được một nỗi đau đớn kinh khiếp đến như
vậy?. Nhưng mọi người không kịp nghĩ thêm gì nữa, vì đạn đại bác giặc đã bắn chuyển làn. Đạn mỗi lúc rơi một dồn dập xuống khu vực quanh bệnh
viện. Tiếng gầm rít của phi cơ phóng pháo giặc, xé ngang cắt dọc bầu
trời chiến khu. Không thể nấn ná thêm được nữa, phải rút ngay khỏi khu
vực bệnh viện như chỉ thị của trung đoàn trưởng.

Các anh chị y tá, hộ lý, bác sĩ Thiền, cả em Nghi cùng xúm lại đào huyệt để mai táng mẹ của
Mừng. Huyệt đào dưới gốc cây vả rừng lưng dốc núi, kề bên ngôi lán cuối
cùng. Chính cây vả rừng này em Quỳnh vẫn thường ra hái lá để viết vở
nhạc kịch kể chuyện Mừng đi tìm thuốc cho mạ.

Xác chị tổ trưởng đân
công anh hùng được bọc trong chiếc chăn đơn cũ kỹ loang lổ chính máu
chị. Mừng như đã hoá điên, cứ ôm chặt lấy xác mẹ, không cho mang đi
chôn. Mọi người phải gỡ em ra, ôm chặt lấy em, mới đưa được xác chị.

Xác chị vừa được đặt xuống đáy huyệt, Mừng đã vùng vẫy thoát ra khỏi tay
người ôm giữ. Anh y tá phải kêu lên: “Nó khỏe cách chi trời ơi!“.

Mừng nhào xuống đáy huyệt, ôm chặt xác mạ, nức nở kêu gào:

– Con không phải Việt gian! Con là Vệ Quốc Đoàn mạ ơi!

Mọi người phải khó nhọc mới kéo được em lên để lấp đất.

Nghi vừa quệt nước mắt, vừa nói với Mừng:

– Chừ mi phải về, không các anh chờ.

Nghi khoác súng vào vai, cầm tay Mừng lôi kéo mếu máo, van vỉ:

– Đi! Đi! Mi đi cho tau nhờ với! Tau đã xin cho mi đi gặp mạ, chừ mi phải biết thương tau…

Mừng như người mất hồn, lảo đảo bước theo bạn.

Đại bác nổ rất gần, em cũng chẳng buồn cúi núp.

Mỗi lần nghe tiếng đạn rít xèo xèo, Nghi phải chụp tay Mừng, kéo nằm rạp xuống tránh đạn.

Nghi nổi xung, gắt um:


– Mi phải núp chứ, lỡ trúng đạn thì làm răng?

Mừng khóc hu hu:

– Chừ tui núp mà làm chi! Cho hắn bắn chết quách tui đi cho rồi!

Máy bay giặc bắt đầu bắn và dội bom xuống cánh rừng hai em đang băng qua.
Khắp bốn phía núi ùn ùn dựng lên các cột khói còn cao hơn cả ngọn cây
rừng cao nhất. Núi lay, cây đổ, đất đá từng tảng lớn quăng ngược lên
trời. Mửng vẫn cứ bước đi lừng lững như không hề nghe thấy gì. Em nói
như trong cơn mê sảng:

– Con mang phải tiếng xấu Vìệt gian. Chừ mạ
cùng chẳng tin con… Mạ ghét con… Mạ nói thà mạ đừng gặp con còn hơn… Con làm răng nói cho mạ biết được chừ…

Đi đến chỗ ngã ba, một quả bom
đen chũi lao xuống ngay sườn núi trước mặt. Nghi hoảng hồn, nhào xuống
một cái hố đại bác cạnh lối đi. Núi rung lên, lở ào. Một thân cây bằng
người ôm bị mảnh bom phạt đứt đổ nằm ngang trên miệng hố.

Em không núp nhanh chắc đã bị thân cây đè chết. Em chưa kịp ngẩng đầu lên, một loạt đạn đại bác đã nổ rầm rầm xung quanh.

Dứt đợt nổ, Nghi nhảy lên miệng hố thì Mừng đã biến mất.

Chú thích:

(1) Trên núi

8

Trong lúc Nghi còn năm dưới hố đạn tránh bom Mừng như vụt bừng tỉnh cơn mê
sảng, cắm đầu chạy lộn lại phía Xê-ca Bảy, theo con đường vòng qua đài
quan sát cây Quao. Em chạy như trong cơn mê, không chú ý đến tiếng bom
đạn gào rú quanh mình. Con đường lúc này bị bom đạn cày nát, ngổn ngang
những cây đổ, những đất đá sụt từ đỉnh núi xuống chắn ngang lối đi. Em
vọt qua, chui qua, trèo qua, không một chút ngập ngừng, ngạc nhiên,
tưởng như em đã từng qua lại trên con đường như thế cả trăm lần rồi.

Nhưng khi chạy đến chân đài quan sát cây Quao, em phải đứng sững lại. Quang
cảnh bày ra trước mắt em kinh hoàng, dữ dội đến nỗi em phải đứng chết
lặng, miệng há hốc như con cá bị lôi lên khỏi mặt nước. Quanh gốc cây
chân đài quan sát, đất đá rễ cây, bị cày nát, xé tướt, lá tươi rụng rào
rào như mưa. Nằm quanh gốc cây là năm xác người. Ba xác các bạn Châu,
Hiền, Hoà-đen, và hai anh lớn. Các anh, các bạn nằm lẫn lộn với lá tươi
rụng, cành cây gãy, rễ cây bị xé nát.

Tất cả áo quần của năm người
đều ướt sũng máu. Châu-sém bị trúng đạn đum đum, bụng mở phanh. Hiền bị
đạn vào ngực. Hoà-đen bị mảnh bom phạt cụt một chân. Bạn nào cũng nằm
chết trong tư thế co quắp, đầu và thân hình bị dập nát vì ngã nhào từ
trên ngọn cây chót vót xuống đất. Em nhìn trật sang cái thang tre, thấy
đội trưởng nằm dựa đầu vào nấc thang cuối cùng, và chỉ còn một cánh tay. Hình như anh vừa đặt chân trèo lên thang thì bị trúng đạn.

Tít trên cao, chỗ đặt đài quan sát, chuông điện thoại đổ dồn leng keng không ngớt.

Mừng chạy xô lại, áp tai vào ngực đội trưởng thấy tim anh vẫn còn thoi thóp
đập. Em túm tóc mai anh giật giật, lay gọi anh. Anh hồi tỉnh, mở bừng
mắt nhìn em đăm đăm.

– Mừng đó à, răng em lại ở đây?

– Mẹ em chết
rồi. – Mừng nức nở cố nén không khóc. – Mẹ em cũng nghi em là Việt gian. Chừ em phải đến chỗ mẹ em… Em phải nói răng cho mẹ em đừng nghi em nữa…

Tiếng chuông điện thoại từ trên ngọn cây vẫn leng keng dội xuống từng hồi,
hối thúc, cấp bách… Cặp mắt đội trưởng vụt sáng lên mừng rỡ. Anh nói như reo:

– Đã nối được đường dây rồi! Mừng. – Đội trưởng gọi và giọng
anh trở lại giọng người chỉ huy lúc ra lệnh chiến đấu. – Em trèo mau lên ngọn cây cầm ống nghe báo cáo với Trung đoàn trưởng: Cách đây hai mươi
phút đài quan sát bị địch phát hiện. Chúng tập trung hoả lực tiêu diệt
đài quan sát. Đường dây bị đứt. Anh chạy đi nối lại được đường dây, về
đến chân thang thì bị trúng đạn đại bác… Em chú ý quan sát, lúc thấy
toán địch đi sau cùng, qua khỏi bãi trống thì báo ngay cho trung đoàn
trưởng biết. Em nhớ rõ chưa?

Đội trưởng chưa kịp nghe Mừng trả lời
thì đã ngất đi, mê man… Mừng vùng đứng ngay dậy. Tất cả vẻ ủ rũ, đau
đớn, tuyệt vọng trên toàn bộ con người em, thoắt biến mất. Em lúc này đã trở lại tư thế quyết liệt của người chiến sĩ quyết tử lúc nghe vang lên tiếng kèn xung phong trận.

Tiếng máy bay gầm rú trên ngọn cây. Đạn đại bác và các loại súng cầu vồng nổ chát chúa quanh chân đài quan sát.

Súng bắn thẳng bẻ, xé các cành cây trên đỉnh đài, tuốt lá tươi ném tới tấp
xuống đầu cổ em, xuống xác các đồng đội đang nằm ngổn ngang quanh em.
Mảnh đạn, đạn cháy, đạn đum đum, mảnh bom, bay rít quanh em như ong vỡ
tổ. Và nổi bật lên tất cả là tiếng chuông điện thoại từ trên đỉnh đài
quan sát đổ hồi leng keng không ngớt.

Tất cả những cái đó, cùng một
lúc đã làm cho khí phách chiến sĩ lúc xung trận trong em bừng sống dậy,
với tất cả sức mạnh tinh thần của nó: Nó chiếm lĩnh toàn bộ con người
em, từ mỗi thớ thịt, mỗi nhịp tim đập.

Em thoăn thoắt trèo ngược các
bậc thang tre cao ngất nghểu, cố chiếm lấy đỉnh đài quan sát trước khi
bị địch bắn hạ. Khi chỉ còn cách chỗ cành cây đặt máy điện thoại mấy nấc thang cuối cùng, em bỗng lạng người, suýt ngã lộn nhào xuống đất. Một
bên hông em buốt nhói ghê gớm. Em cúi nhìn thấy vạt áo bên hông trái đầm đìa máu. Nhưng em gắng hết sức để không ngã. Trèo nốt những nấc thang
cuối cùng lên đến chạc ba cây, và chụp lấy cái ống nghe điện thoại.

9

Trong hầm chỉ huy, trung đoàn trưởng đã gần như tuyệt vọng. Ông nghe điện
thoại áp sát tai, ông đã gọi suốt hai mươi phút liền vẫn không nghe
tiếng đài quan sát cây Quao trả lời, chỉ có tiếng nổ lục bục liên hồi
vang dội trong ống nghe.

Tiếng đạn nổ. Ông chắc bọn địch đã đánh vào
đài quan sát và các chiến sĩ trinh sát phụ trách đài đã bị giết. Hai cán bộ tham mưu ngồi cùng hầm với ông, đã được ông cử đến tăng viện cho đài quan sát mười lăm phút trước đây. Nhưng ông không hy vọng lắm họ có thể đến nơi. Ông biết con đường đến đài quan sát đang bị bọn địch tập trung đánh phá dữ dội.

Trong hầm lúc này chỉ còn một mình ông. Ở hầm bên cạnh, anh chiến sĩ công binh phụ trách nổ mìn, vài phút lại hỏi vọng sang:

– Đã sắp chưa anh?

Ông càng thêm cháy ruột cháy gan. Mất liên lạc với đài quan sát, trận địa
mìn sẽ như người khổng lồ mù mắt, nó có thể dồn tất cả sức mạnh khủng
khiếp của nó đánh vào chỗ trống không.

Vừa lúc đó, trong ống ghe bỗng vang lên giọng trẻ con:

– A lô! A lô Trung đoàn trưởng, trung đoàn trưởng!

Ông mừng đến nghẹn thở:

– Làm sao hai mươi phút qua im bặt thế?

– Dạ, đài quan sát bị đánh. Cả tổ quan sát hy sinh rớt hết xuống chân đài.

– Đội trưởng đâu?

– Dạ, đội trưởng cũng hy sinh rồi, nằm dưới chân thang.

– Thế em là ai?

– Dạ em là thằng Mừng…

– Mừng?… Có phải chú Mừng…

– Dạ, em bị cả chiến khu nghi là Việt gian… Em bị bắt giam ở Xê-ca Năm…
Bất thình lình em chạy qua đây. Đội trưởng giao nhiệm vụ cho em.

– Hiện lúc này em có làm sao không?

– Dạ, tụi địch đang bắn vô đàỉ quan sát dữ lắm. Em bị thương ở hông, ở chân. Nhưng em vẫn quan sát được.

– Bọn địch đã vào đến bãi trống chưa?

– Dạ, tụi đi đầu mới bắt đầu vô. Đi trước có toán người rất đông không mang súng, chỉ mang vác các hòm đạn…

– Dạ toán tiếp theo toàn Tây đen, Tây trắng, đi hàng bốn.

– Dạ toán đi giữa đang đi thì đứng lại, chỉ chỏ cái chi đó…

– Tụi hắn không đi mà nằm lại hai bên đường chĩa súng vô núi bắn rầm rầm.

– Dạ, toán cuốì cùng rất đông… – Giọng báo cáo bỗng tắt lại có đến nửa phút. – Dạ, tụi hắn đã vô hết bãi trống…

Trung đoàn trưởng đứng dậy trong hầm chỉ huy hô to:

– Nổ mìn.

Một tiếng nổ làm rung cả ngọn núi ông đang ngồi và tiếp liền đó là hàng
trăm tiếng nổ tlếp theo như sấm sét, trùm lấp cả tiếng máy bay, tiếng
đại bác giặc. Trung đoàn trưởng thét lên trong ống nghe:

– A lô! A lô! Em Mừng! Em Mừng!

Không có tiếng trả lời.

Ông gọi lại:

– Mừng! Mừng! Em còn trên đó không?

Tiếng người chiến sĩ thiếu niên trinh sát bỗng đột ngột vang lên bên tai ông, yếu ớt nhưng rành rọt lắm:

– Dạ em đây. Tụi Tây chết nhiều lắm. Em bị thương nặng.

– Mừng! Mừng!

– Anh ơi, anh đứng nghi em là Việt gian nữa anh hí!

Lời cầu xin khẩn thiết cuối cùng của người chiến sĩ thiếu niên vừa tròn
mười ba tuổi đời, yếu ớt và nhỏ gần như một hơi thở, nhưng trong khoảnh
khắc ấy đã trùm lấp cả tiếng bom đạn giặc, và cả tỉếng sấm rền của trận
địa mìn đã làm tanh bành hơn hai đại đội giặc.

Cuộc tấn công tổng lực của giặc vào chiến khu Hoà Mỹ đả hoàn toàn bị bẻ gẫy. Nỗi kinh khiếp
trận địa lôi chiến làm bọn giặc ngày đêm hôm đó dạt sang bên kia bờ sông Ô Lâu.

Cũng đêm hôm đó. toàn bộ chiến khu đã rút khỏi vùng rừng núi
Hoà Mỹ, dời thẳng về Dương Hoà một vùng đất đai núi non nằm dọc bên tả
ngạn thượng nguồn sông Hương. Và làng Dương Hoà trở thành chiến khu
Dương Hoà, chiến khu đầu não của tỉnh Thừa Thiên.

Trước giờ lên đường vể chiến khu mới, những đơn vị rút lui cuối cùng đã làm lễ mai táng cho các chiến sĩ trinh sát phụ trách đài quan sát cây Quao. Họ đào huyệt
chôn các em, các anh, gần chân đài quan sát.

Riêng em Mừng, trung
đoàn trưởng cho đưa thi hài em chôn bên cạnh mẹ em dưới bóng cây vả rừng cổ thụ. Cây vả rừng mà Quỳnh-sơn-ca thường hái những ngọn lá ngả màu
vàng chanh làm giấy chép nhạc, viết vở nhạc kịch mộng tưởng của đời
mình, kể chuyện bạn Mừng đã trèo tuốt tất cả những đmh cây cao của thành phố quê hương để tìm thuốc về chũa bệnh cho mẹ.

Ngọn núi có cây vả
rừng cổ thụ từ trước đến nay không có tên. Trong bản đồ tham mưu được
ghi là đỉnh Chín Sáu. Sau đêm hôm đó, ngọn núi đã được có tên:

Núi-Mẹ-Con-Em-Mừng.

Hết

Khởi thảo bên bờ Hồ Tây năm 1968

Hoàn thành trong lều cỏ giữa hồ Tịnh Tâm năm 1986.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.