Đọc truyện Tuổi Thơ Dữ Dội – Chương 27: Phần thứ bảy (11)
18
Bồng-da-rắn cắm cúi mải miết đi trên con đường quanh co, khúc khuỷu từ đồng bằng
lên chiến khu. Em đội cái nón lá rách tưa, khoác áo tơi lá cũ, mặc dầu
trời không mưa.
Cặp chân trần săn chắc, đen đúa, nổi đầy vảy đen đen
như vảy rắn, bê bết bùn đất, bước từng bước ngắn và nhanh. Em đã đi suốt bốn tiếng đồng hồ, chỉ dừng lại ngồi nghỉ hai lần, mỗi lần khoảng mươi
phút. Em đang có việc rất gấp, cần lên chiến khu báo cáo. Đêm qua bọn
giặc tập trung quân và xe pháo khá đông ở mấy vị trí dọc đường quốc lộ
trong địa bàn mà tổ bám địch của em phụ trách. Em là tổ trưởng, hai tổ
viên là Võ Trà và Hiền.
Bọn địch mỗi lần tập trung quân và xe pháo là để chuẩn bị càn quét một vùng nào đó. Nhưng còn quan trọng hơn là chúng có thể chuẩn bị để tấn công chiến khu.
Từ vị trí bám địch lên đến
chiến khu phải đi mất hơn một buổi đường. Hiền đòi đi thay em, nhưng em
đã đội nón, khoác tơi, tay cầm cây roi tre, nói:
– Hai gót chân mi
nứt nẻ như củ sắn mì rứa, mi đi lên thấu côi đó thì mi què mất. Hai đứa
bay ở lại nhớ bám sát tụi hắn nghe? Nếu thấy tụi nó còn tiếp tục tập
trung thêm quân, xe pháo, thì một đứa ở lại, một đứa lên báo cáo tiếp
nghe!
Đi được gẩn hai tiếng đồng hồ, Bồng thấy bụng đói cồn cào.
Từ sáng tới giờ, em chưa có miếng gì vào bụng. Mà em là đứa xấu máu đói,
hễ đói là xây xẩm mặt mày. Và ác cái là mỗi lần lên cơn đói, là em ngửi
thấy mùi bánh mì nóng, nước miếng cứ tứa ra đầy mồm, nhồ không kịp. Và
cơn đói lại càng hânh hạ em khổ sở hơn. Em nổi cục, chửi: “Tổ cha hắn!
Biết ri hồi đó mình đừng làm nghề bán bánh mì, mà làm quách nghề cắt cỏ
ngựa cho rồi!“. Nhưng bây giờ mà hối tiếc về nghề nghiệp thì đã muộn. Em có cảm giác cái mùi bánh mì nóng giòn thơm phức vẫn ngủ ở một xó nào đó trong hai lỗ mũi hếch của em. Và chỉ chờ lúc lên cơn đói là nó thức
dậy, hành hạ em cho bõ ghét.
Ngang qua một ruộng khoai lang tốt um,
em dừng lại. Ngó trước ngó sau không thấy ai, em liền nhảy đại xuống,
dùng hai tay bới trộm một bụi khoai. Em bứt củ phủi sạch đất, nhét đầy
hai bọc quần. Vừa phủi đất những củ khoai nâu bóng, em vừa lẩm bẩm nói:“Không được lấy của đồng bào từ cây kim sợi chỉ. Nhưng tui có lấy kim
chỉ mô, tui chỉ lấy mấy củ khoai sống ăn cho đỡ đói mà đi cho tới chiến
khu thôi. Đồng bào đừng chửi tui mà tội“. Rồi em nhe răng cười chữa thẹn với vồng khoai.
Vừa đi em vừa cạp khoai sống, nhai rau ráu. Cơn đói
dịu dần, sức lực trở lại, em sải bước nhanh hơn. Còn cách chiến khu
chừng vài cây số, em chợt nghe có tiếng gọi ơi ới sau lưng:
– Chú em ơi, chú em! Cho tui hỏi nhờ một chút!
Em quay lại thấy một người đàn ông từ con đường kiệt bên trái đi ra. Người đàn ông đội nón, mặc áo vải đà, quần xắn đến bắp vế, vai vác đòn xóc,
một đầu đòn xóc lủng lẳng một cuộn dây mây…
Bồng đứng im lặng, chằm chằm nhìn ngườì đàn ông, trán cau lại.
Người đàn ông sải chân bước tới gần, hỏi giọng có chút nịnh nọt:
– Chớ chú em có biết đường lên Hoà Mỹ không? Chú em chỉ giúp cho tui với. Tui lên đến đây thì bị lạc. Chú em có hút thuốc không? Tui có thuốc lá
Phong Lai đây…
– Anh lên đó có việc chi? – Bồng hỏi, mắt không rời khuôn mặt người đàn ông.
– Tui lên mua ít mây về làm lại cái nhà. Nghe nói trên đó lấy được nhiều
mây song lắm, mà toàn loại mây thiệt tốt… Rứa chú em đi mô đó?
– Tui đi tìm trâu lạc…
– Chú em có biết đường lên trên đó không?
– Cũng hơi biết biết. – Bồng trả lời lấp lửng.
Tui cũng đã lên trên đó hai lần, nhưng toàn đi đêm, nên không nhờ được đường. Tui gánh đồ tiếp tế cho các eng “trên nớ”?
– Anh ở xã mô dưới đó mà tìm thấu Hoà Mỹ mua mây?
– Tui ở Phong Thạnh… Chú em có biết xã tui không?
– Cũng hơi biết biết…
Bốn con mắt bất ngờ chạm nhau. Và người đàn ông như không chịu nổi tia nhìn chằm chằm của Bồng, phải cụp vội mắt xuống, nhìn tránh chỗ khác. Anh ta móc túi áo, lấy ra hai lá thuốc nâu sẫm, bứt nhỏ, dùng một mảnh lá
thuốc quấn thành điếu sâu kèm to bằng ngón cái. Y lại móc túi áo lấy ra
hai lá thuốc đưa cho Bồng.
– Chú em hút điếu chơi? Thuốc lá tui cháy đượm mà tàn trắng lắm.
– Tui con nít làm chi biết hút thuốc!
– Rứa mà ở làng tui, con nít còn nhỏ hơn chú, đứa mô cũng hút.
– Tui cũng định đi lên phía Hoà Mỹ tìm trâu lạc. Anh có đi tui chỉ đường giúp…
– Rứa thì may cho tui quá!
Bồng đi trước, người đàn ông theo sau, Bồng cắm cúi bước, bất chợt hỏi, đầu không quay lại:
– Xã Phong Thạnh, anh ở ấp mô rứa?
– Tui ở ấp bốn. Cái ấp gần kề trảng cát đó. Tổ cha ba thằng Tây! Tụi hắn
đốt nhà tui ri là lần thứ ba. Mà mây giang dưới tui đắt hơn vàng.
– Anh tên chi rứa hè?
– Tui là Hoành, chú em có dịp về xã tui hỏi Hoành du kích ai cũng biết. Ghé vô tui chơi cho biết nhà.
Bồng cắm cúi, im lặng bước. Đi được một quãng khá xa, Bồng lại hỏi như để cho có chuyện:
– Ở dưới đó anh có biết quán bánh canh mệ Ruồi không?
– Quán bánh canh ở ấp một chớ chi? Sáng ni trước khi lên đây, tui cũng tạt vô mệ làm hai tô. Chà, bánh canh mệ ngon thiệt?…
– Ừm… Cái cầu khỉ bắc ngang qua con hói trước mặt nhà mệ, dạo nó bị gãy, không biết đã làm lại chưa hè?
– Sửa lại rồi. Bắc thêm mấy cây cau chừ dễ đi lắm… Chú em có biết trên
Hoà Mỹ nhà bà con mô lấy được nhiều mây tốt không? Chú em chỉ giúp, tui
mà mua được, xin biếu chú em vài chục bạc, ăn bánh canh chơi…
– Cũng có biết một hai nhà, rồi tui chỉ giúp eng chớ tiền bạc chi…
Bồng dẫn thẳng người đàn ông đi mua mây vào trạm gác Tiền tiêu chiến khu.
Trạm gác có một tổ bốn chiến sĩ. Cả bốn anh Bồng đều quen biết. Lúc Bồng vào ba anh đang ở dưới bếp lúi húi sừa soạn bữa cơm chiểu – nói cho
đúng hơn là bữa sắn chiều. Một anh trực ngồi trên cái ghế làm bằng khúc
cây sần sùi, gác ngang trên bộ chân ghế cành cây buộc chéo, đóng xuống
đất. Khẩu tiểu liên cũ kỹ, gác ngang trên đùi anh. Một tay anh cầm cái
nhíp làm bằng vỏ đạn, sờ sờ cằm nhổ râu.
– Nhà mấy anh ni chuyên bán
mây, toàn loại tốt, mua bao nhiêu cũng có. – Bồng quay lại nói với người đàn ông đang vác đòn xóc đứng khựng trước cổng trạm gác.
– Chào các eng!
– Chào anh. – Anh lính gác bỏ nhíp vào túi áo, nhìn người đàn ông rồi nhìn Bồng.
Bồng ngoắc tay, gọi:
– Vô đây đã! Vô đây đã!
Người đàn ông ngập ngừng một chút rồi bước vào sân, hai đầu gối run run…
Bồng bỏ nón tơi xuơng đất, bước lại cho dỡ nhẹ đòn xóc trên vai người đàn
ông. Em đỡ rất nhanh làm anh ta không kịp giữ lại rồi đem dựng cái đòn
xóc ở một góc lán. Em nhìn hai đầu nhọn đòn xóc nói lấp lửng:
– Cái đòn xóc mới toanh mà nhọn đã gớm, chắc đẽo rồi còn đem hui lửa. Khi cần đập lộn, lợi hại không thua chi cây mác lào?
Người đàn ông tự nhiên rùng mình, và để che giấu nỗi lo sợ, anh ta moi trong túi áo ra một cuộn thuốc lá ngọn, mời chào xun xoe:
– Mời eng hút điếu thuốc chơi. Thuốc Phong Lai cháy đượm mà tàn trắng…
Anh lính gác hỏi Bồng:
– Anh ta ở mô lên rứa? Em đưa vô đây có việc chi?
Bồng ngoảnh mặt lại, chỉ vào mặt người đàn ông, trừng mắt nói:
– Thằng cha ni là Việt gian mò lên dò xét chiến khu? Các anh trói lại cho tui rồi giải vô công an chiến khu xét.
– Chú ăn nói chi mà hàm hồ rứa? – Người đàn ông hoảng hốt kêu lên. – Tui
là du kích dưới xã Phong Thạnh lên tìm mua mây làm lại cái nhà bị Tây
mới đốt. Tui mới mua được một cuộn dưới Đất Đỏ, định hỏi đường lên trên
ni tìm mua thêm mấy cuộn nữa…
Bồng bĩu môi, giọng hằm hằm:
– Du
kích cứt chi mi! Mi tưởng lừa được tau như lừa con nít à? Mi khai là
người xã Phong Thạnh, nhưng hỏi chi cũng nói trật lất! Xã Phong Thạnh
làm chi có quán bánh canh mệ Ruồi? Quán mệ Ruồi bên xã Phong Nhiêu tê!
Làm chi có cầu khỉ bắc qua trước quán? Tau hỏi lừa mi rứa mà mi dám nói
cầu sửa lại rồi lại bắc thêm cây cau dễ đi lắm…
Anh tổ trưởng và hai anh trong tổ đang bóc sắn để luộc phía sau bếp, bỏ dao chạy ra, đứng vây lấy người đàn ông.
Người đàn ông tái mặt lắp bắp nói:
– Tui có cả giấy chứng nhận của Uỷ ban xã cấp đây chớ…
Y móc túi áo trên lấy ra một giấp gấp làm tư, đưa cho anh tổ trưởng. Anh tổ trưởng đọc:
”Giấy chứng nhận – Họ và tên: Nguyễn Văn Hoành – là du kích xã – Ấp Bốn, Xã
Phong Thạnh. Uỷ ban hành chánh kháng chiến xã. Chủ tịch – ký thay Phó
chủ tịch“.
Bên dưới cái dấu Uỷ ban xã, hình chữ nhật, mực đen. Nét chữ con dấu rõ và sắc.
Bồng-da-rắn cũng nghển cổ xem giấy, nhưng xem con dấu đóng bên dưới là chính. Các anh chưa ai có ý kiến gì, Bồng lên tiếng:
– Giấy bạc Cụ Hồ tụi hắn còn làm giả đẹp hơn, huống hồ thứ con dấu ni!
Các anh cứ trói hắn lại cho em. Để em vô Xê-ca Một báo cáo với các anh ở ban Quân báo Trung đoàn. Các anh sẽ ra xét thật giả mới được.
Anh tổ trưởng nhìn người đàn ông, đầu khẽ gật gật, rồi nói:
– Anh chịu khó để tui trói lại. Nếu cấp trên xét đúng anh là người đi mua mây thì tụi tui thả ra…
Người đàn ông mặt mày nhăn nhó, giọng kể lể thiệt thà:
– Cái thân tui răng mà khổ ri không biết! Sáng ni vừa ra ngõ vấp luôn con rắn bò qua đường, tui e đi răng cũng gặp chuyện rủi ro, y như rằng! – y vừa nói vừa bứt lá thuốc cuộn hút.
Một anh vô nhà lấy ra sợi dây dừa, trói giật cánh khuỷu người đàn ông, dây trói vòng qua trước ngực. Anh chỉ vào góc lán:
– Anh ngồi tạm vô đó chờ người trong Xê-ca ra xét xử. Thời buổi chiến tranh, mong anh thông cảm.
– Thông với cảm kiểu ni thì cũng chết tui luôn.
Bồng quát:
– Không nói lôi thôi? Ngồi vô xó tê! Các anh phải coi chừng hắn, chứ hắn em chắc là trăm phần trăm Việt gian!
Người đàn ông đành nặng nề bước đến chỗ Bồng chỉ, ngồi xuống dựa chân cột. Anh tổ trưởng nói với Bồng:
Em đi luôn vô Xê-ca Một báo cáo với Ban Quân báo trung đoàn, giúp các anh nghe.
Bồng mang tơi, đội nón nhưng chưa đi vội.
Em đứng nhìn người đàn ông bị trói với nét mặt lầm lì cau có Em bỗng bước
lại gần, giật phắt điếu thuốc lá đang bốc khói y ngậm một bên mép, ném
ra xa. Rồi không nói không rằng, em bỏ đi.
Trong một khoảnh khắc, cặp mắt người đàn ông lóe lên ánh căm tức rợn như ánh dao trong tay kẻ sát
nhân. Nhưng y vội dập tắt ngay, trở lại bộ mặt thật thà, sợ sệt. Y hỏi
người ưnh gác:
– Chờ ông nớ làm chức chi mà coi bộ dữ dằn rứa?
–
Là Phó Tổng chỉ huy chiến khu đó! Thật vô phước cho anh lại nhè vô ông
nớ mà hỏi đường! – Anh lính gác trả lời giọng đùa tưng tửng.
– Rứa mà tui cứ lầm là chú em giữ trâu đi tìm trâu lạc!
– Cứ chi anh lầm? – Anh lính gác vẫn đùa tưng tửng? – Tụi Tây cũng lầm mà cả tụi đây cũng lầm?
Trong câu nói đùa tưng tửng của anh lĩnh gác về Bồng-da- rắn cũng có chứa ít
nhiều sự thật. Những thành tích chiến đấu và tính tình ngang bướng của
người chiến sĩ thiếu niên này được cả chiến khu biết đến. Họ thường kể
lại với nhau và cười ngất. Mới đây nhất là chuyện kiện cáo lôi thôi giữa đại đội trưởng Đặng Đình Đăng và Bồng. Ngày đó, một số cán bộ chỉ huy
thích lấy những biệt hiệu nghe kêu choang choang như chuông: Phi Long,
Phi Hùng, Phi Hổ… Đại đội trưởng Đặng Đình Đăng, đại đội tám, tiểu đoàn
mười sáu, lấy biệt hiệu là Sơn Hùng. Dưới các thư từ, giấy má, công văn
gửi đi gửi lại trong chiến khu, Đình Đăng đều ký tên là Sơn Hùng, với
nét chữ lằng ngoằng bay bướm. Bồng-da-rắn ghét đại đội trưởng Đăng ra
mặt: “Đánh giặc chẳng ra cứt chi, gan như gan thỏ, chỉ được cái to miệng hò hét bắt lính xung phong còn mình thì chạy sau cùng. Chiến lợi phẩm
có cái chi tốt thì bớp trước! Mà mặt mũi lúc mô cũng vênh vênh ta đây
anh hùng“. Bồng bình luận về đại đội trưởng Sơn Hùng như vậy.
– Sơn
Hùng! – Bồng thường nhắc cái biệt hiệu ấy với các bạn trong đội bằng
giọng khinh khi. – Nghe kêu choang choang như phèng la mấy cha làm xiếc ở chợ Đông Ba!
Một bữa, Bồng nói với Tư-dát:
– Người ta đặt biệt
hiệu, tau cũng đặt biệt hiệu chơi! Tau đặt biệt hiệu là Cứt Hùng. Mi văn hay chữ tốt, viết giúp biệt hiệu lên nón cho tau với.
Tư-dát khoái
chí, mài đá non, viết hai chữ Cứt Hùng to tướng lên cái nón lá rách của
Bồng. Ngày chủ nhật, Bồng đội cái nón đi dạo khắp Tiền chiến khu. Bộ
đội, cán bộ từ các Xê-ca ra Tiền chiến khu dạo chơi khá đông. Họ đọc chữ viết trên nón của Bồng, cười hỏi:
– Em viết cái chi trên nón đỏ lòe rứa?
– Biệt hiệu của em đó.
– Cứt Hùng, biệt hiệu chi nghe thúi hoắc?
– Người ta tài giỏi, hùng, nọ, hùng tê, em đánh giặc như cứt thì đặt biệt hiệu là Cứt Hùng chớ răng.
Thế là dọc các quán ăn, người ngồi trong quán đua nhau gọi: “Ê Cứt Hùng vô
đây ăn chén chè chơi! Ê, Cứt Hùng, vô đây anh đãi mấy cái bánh bột
lọc!“.
Họ gọi, họ cười vui như tết, vì họ biết Bồng định xỏ xiên ai.
Cũng như Bồng, nhiều người không ưa đại đội trưởng Đăng.
Bất ngờ đại đội trưởng Đăng từ trong quán đi ra cùng với mấy o bào chế,
chạm trán Bồng. Hôm đó Đình Đăng diện ngất: áo quần kaki ga-bạc-đin,
lưng thắt xanh-tuya Mỹ, một bên hông đeo xệ khẩu côn mười hai, hông bên
kia lúc lắc cây dao găm chiến lợi phẩm. Trong trận Cầu Nhi, Đình Đăng
phụ trách thu chiến lợi phẩm. Những thứ sang trọng trên người anh đều
kiếm được trong trận đó.
Lúc ngồi trong quán ăn bún bò, nghe gọi ầm ĩ Cứt Hùng, Cứt Hùng, Đình Đăng tự nhiên chột dạ.
Mấy o bào chế đọc hai chữ đỏ choét trên nón Bồng, bụm miệng cười. Sơn Hùng giận tím mặt, chỉ cái nón hỏi Bồng:
– Mi viết cái chi trên đó?
– Dạ biệt hiệu của tui!
Bốp! Bốp! Sơn Hùng vung tay tát Bồng hai tát liền, làm em ngã dúi, mũi chảy máu cam. Vừa tát, Sơn Hùng vừa rít lên:
– Hỗn! Con nít mà hỗn!
Bồng lồm cồm đứng dậy, đưa tay quệt máu mũi, mặt đỏ kè như con kỳ nhông sắp
cắn nhau. Bộ đội, cán bộ đi qua, xúm quanh hai người.
– Quyền chi mà anh được đánh tui? – Bồng gân mặt hỏi.
– Con nít mà hỗn, tao còn đánh nữa.
– Tui hỗn cái chi mà anh kêu tui hỗn?
Sơn Hùng chỉ cái nón của Bồng văng bên rệ đường:
Tại sao mày dám viết như thế?
– Biệt hiệu của tui thì tui viết? Anh là đại đội trưởng, nhiều giấy má
công văn thì anh viết biệt hiệu vô giấy. Tui là thằng liên lạc, không có giấy, thì tui phải viết lên nón chớ răng?
– Sao mày dám đặt biệt hiệu kiểu đó?
– Anh lấy quyền chi mà cấm tui đặt biệt hiệu kiểu nọ kiểu tê? Tui đánh
giặc như cứt thì tui đặt biệt hiệu Cứt Hùng, đó là quyền của tui?
Bồng cúỉ lượm cái nón, nói:
– Anh đừng cậy lớn ăn hiếp con nít? Tui sẽ vô kiện với Chính uỷ trung đoàn.
Em xăm xăm đi thẳng vô Xê-ca Một, gặp chính uỷ Trần Quý Hai. Chính uỷ nghe em trình bày đầu đuôi sự việc, phải cố lắm mới nhịn được cười. Chính
ông cũng ghét cái mốt đặt những biệt hiệu huênh hoang của một số cán bộ
cấp dưới.
Trong thâm tâm ông đồng ý với chú bé liên lạc, nhưng vẫn
nghiêm nghị phê bình chú không nên chọc tức người lớn. Sau đó, ông cho
gọi đại đội trưởng Đăng vào trung đoàn bộ và xạc cho anh một trận nên
thân về tội hành hung chiến sĩ. Cuối cùng ông nhẹ nhàng nói: “Đồng chí
là một cán bộ chỉ huy, lại là đảng viên. Đồng chí phải hết sức giữ mình, tránh những hành động quá lố, làm trò cười cho quần chúng“.
Đại đội
trưởng bị xạc, cay hơn ăn ớt. Nhưng sau hôm đó, dưới các công văn giấy
tờ, anh đã trở lại với cái tên cúng cơm Đặng Đình Đăng.
Chuyện đó đã tức cười nhưng chưa tức cười bằng chuyện này:
Chính trị viên tiểu đoàn mười tám Hoàng Lý, trước Cách mạng đỗ bằng tú tài
toàn phần. Anh tham gia cách mạng và làm cán bộ chính trị, nhìn anh cách cây số cũng đoán biết là thành phần trí thức. Người anh cao, gầy, tay
chân mảnh khảnh, đeo kính cận, tóc để dài chải ốp vào hai bên đầu. Dáng
anh đi hơi gù gù, súng lục đeo thõng bên hông, tưởng chừng như khẩu súng quá nặng làm cho anh phải gù lưng xuống mới đeo nổi.
Một lần, anh vô quán mệ Sanh ăn bánh bèo. Mệ Sanh người Hoàng phái, trước mở quán bánh bèo gần cầu Gia Hội.
Mệ theo kháng chiến, chạy lên chiến khu lại mở quán bánh bèo. Bữa đó, anh
Lý ăn bốn đĩa liền, mỗi đĩa mười chiếc. Đĩa cuối anh đã no tức bụng, ăn
hết có hai chiếc. Ăn không hết mà bỏ thì hơi tiếc. Anh nhìn ra đường và
trông thấy Bồng đi ngang qua. Anh ngoắc tay gọi em vào.
– Đãi chú mấy cái bánh bèo. – Anh chỉ đĩa bánh bèo ăn thừa.
Bồng đưa mắt nhìn đĩa bánh bèo, nhìn bát nước chấm chấm dở, vụn tôm cháy lợn cợn đáy bát. Lưỡng lự một chút, em ngồi xuống, ăn ba cái bánh bèo còn
lại trong đĩa. Mỗi cái em dùng đũa gấp làm đôi, không chấm nước chấm, bỏ luôn vô miệng nuốt ực như không phải bánh bêo mà thuốc ký ninh. Mệ Sanh nhìn Bồng ăn, kêu lên:
– Chớ cháu ăn uống kiểu chi mà lạ rứa? Phải ăn từ từ, chấm nước chấm mới thấy ngon. Ai lại đi nuốt lôống như nuốt hột thị?
Bồng miệng cười mà mặt không cười:
– Dạ… cháu ăn kiểu của cháu mệ ạ.
Ăn xong, Bồng chào mệ, chào chính trị viên, lặng lẽ bước ra khỏi quán.
Mệ Sanh tinh ý, nhận thấy thái độ của chú bé liên lạc coi bộ khác khác.
Anh Lý có lẽ vì cận thị nặng nên không thấy gì. Vả lại anh còn bận quay
sang nói chuyện với một anh bên Uỷ ban tỉnh vừa bước vào quán.
Sau
hôm đó, cả đội thấy Bồng ky cóp để dành tiền. Trước nay em là đứa bạn
hào phóng, hoang tàng, có đồng nào em rủ bạn tiêu sạch đồng ấy. Bởi vậy, thấy em ky cóp từng đồng từng hào bỏ vào cái ống tre, giấu dưới đầu
nằm, các bạn đều lấy làm lạ. Cả năm đó, các bạn không thấy Bồng mua lấy
cái kẹo, thậm chí cả sắn luộc. Tư-dát hỏi trêu Bồng:
– Mi định để dành tiền cười vợ chắc?
Bồng trả lời:
– Chưa chừng mà thiệt cũng nên.
– Mi định cưới ai rứa?
– Cưới ông Bụng.
Ông Bụng chính là ông già đã đưa đường cho đội từ chiến khu Trò lên chiến
khu Hoà Mỹ. Bồng nhận ông Bụng làm cha nuôi cả đội đều biết. Ông làm
nghề đốt than gánh về bán ở đồng bằng. Ông có túp lều ở gần kề chân núi, cạnh con đường đi vào Xê-ca Một.
Một hôm, vào ngày chủ nhật, Bồng
đập ống tiền. Em đếm tiền, lẩm nhẩm tính toán, rồi hốt tất cả cho vào
bọc. Em đi dạo qua các quán hàng ăn. Dọc đường em gặp chính trị viên
tiểu đoàn Hoàng Lý.
– Anh ạ!
– Chú mình đi đâu đấy?
– Dạ em định vô tiểu đoàn bộ tìm anh, may gặp anh ở đây… Có công văn của trung đoàn à?
– Dạ không… Anh với em vô quán kéo ghế đi.
Chính trị viên tưởng Bồng vòi anh cho ăn quà, vỗ vỗ túi nói:
– Tiếc quá, bữa ni anh bó xu?…
– Dạ em mời anh mà…
– Mời anh? Hách nhỉ?
Bồng đưa anh Lý vào quán mệ Sanh.
– Mệ ơi, mệ chày cho con chục đĩa bánh bèo. Mệ chày cho ngon vô, cho
nhiều tôm cháy, tóp mỡ, rồi tính mắc hơn cũng được. Con mời chỉ huy con
mà mệ!
Chính trị viên trợn tròn mắt sau cặp kính cận:
– Chục đĩa, làm chi nhiều thế? Liệu chú mình có đủ tiền trả không đó?
– Dạ đủ chớ. Ăn xong hai anh em mình đi uống cà phê sữa chơi hí.
Chính trị viên đang vui, ăn rất thiệt tình. Hai anh em ăn bay cả chục đĩa bánh bèo.
– Mệ tính tiền cho con đi mệ.
Bồng dốc tất cả số tiền trong túi ra bàn, đủ cả tiền đồng, tiền hào, tiền xu… Bồng đếm tiền trả, còn thừa lại mấy đồng.
– Chứ chú mình lấy tiền đâu ra mà lổn nhổn đủ loại thế? – chính trị viên vừa xỉa răng vừa hỏi.
– Dạ em bỏ ống gần một năm ni…
– Bỏ ống cả năm đem tiêu hoang một bữa? Để dành mà mua sắm cái gì có hơn không?
– Dạ em bỏ ống là cốt để mời anh. – Bồng nói giọng tỉnh khô. Em tuy là
thằng liên lạc, nhưng đã mời ai là mời đàng hoàng, chứ không mời đồ ăn
dư như anh mời em kỳ năm ngoái.
Chính trị viên điếng người. Lúc bấy
giờ anh mới sực nhớ đến đĩa bánh bèo còn thừa, mời Bồng dạo nọ. Mặt
chính trị viên tái rồi đỏ. Anh phải hết sức mới giữ nổi bình tĩnh. Anh
nhìn Bồng qua cặp kính cận, hỏi gần như thì thầm:
– Nhưng tại sao lúc đó em lại ăn?
– Dạ, em không ăn sợ anh ngượng…
Có thể nói chuyện Bồng-da-rắn đãi chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Lý làm chấn động cả chiến khu.
Tôi là bạn chiến đấu của Bồng từ những năm thơ ấu. Tôi biết “cả một đờỉ”
Bồng, bạn ấy chỉ phục có một người là Lê Thuyết, tiểu đoàn trưởng tiểu
đoàn 227, và sau này là Trung đoàn trưởng trung đoàn 101, lúc đó anh vừa tròn hai mươi bảy tuổi. Bồng thường nói với chúng tôi về anh Lê Thuyết: “Chăc mạ anh phải ăn gang, ăn sắt mà đẻ ra anh thì anh mới gan dạ được
đến như rứa“.
Với nhiều người, “cả một đời”, có nghĩa là bốn mươi,
năm mươi, bảy mươi thậm chí trăm tuổi. Nhưng với Bồng “cả một đời” chỉ
có mười sáu tuổi. Bồng đã hy sinh lẫm liệt cho Tổ quốc lúc vừa tròn mười sáu tuổi. Nhưng đó là một câu chuyện khác, và sẽ được kể lại trong một
cuốn sách khác. Còn bây giờ tôi phải kể tiếp chuyện đang kể dở.
19
Bồng bước vào lán, chưa kịp bỏ tơi nón, đã nói với Mừng và Kim:
– Có thằng Việt gian xớ rớ định mò lên dò la chiến khu, tao lừa dẫn vô trạm gác, trói luôn.
Mừng và Kim đang lúi húi bên bếp nấu cơm chiều, nghe vậy bỏ bếp chạy lên.
Mừng với vẻ mặt hớn hở của con nít sắp được nghe kể chuyện đời xưa, tíu
ưt hỏi:
Đầu đuôi răng mà anh bắt được, anh kể cho nghe với…
Bồng sôi nổi kể với hai bạn chuyện người đàn ông vác đòn xóc Mừng miệng há hốc nghe chuyện. Em ngạc nhiên hỏi:
– Nhưng làm răng anh vừa ngó thấy hẳn anh đã biết ngay hắn là Việt gian?
– Tau cần chi ngó, chỉ ngửi mùi tau cũng biết?
– Tài hè… Rứa mùi Việt gian như răng?
– Như mùi cứt!
Mừng tít mắt cười, hỏi:
– Rứa Vệ Quốc Đoàn mình có mùi không?
– Răng lại không có.
– Mùi Vệ Quốc Đoàn thì như răng?
– Mùi áo quần rách rưới cả năm mặc độc một bộ mùi ghẻ, mùi rận, mùi sốt
rét, mùi sắn nước ruốc với rau tàu bay… mùi… mùi yêu nước, ghét Tây,
ghét Việt gian! Như thằng Quỳnh đó, hắn nằm dưới đất đen, nhưng cứ đi
qua mộ hắn là tau ngửi thấy mùi Vệ Quốc Đoàn xông lên, chảy cả nước mắt?
Khi nghe Bồng tả lại dáng dấp, cách ăn mặc, cái đòn còn vác trên vai có
treo cuộn dây mây, của người đàn ông bị bắt, Kim giật bắn người. Hắn
thầm kêu: “Thôi chết rồi, có lẽ là H.21“. Để giấu nỗi hoảng sợ, Kim vờ
lúi húi chất thêm củi vào bếp, nghĩ bụng: “Nếu đúng là H.21 thì mình làm răng đây? Chừ làm cách răng để biết được thằng cha ấy có đúng là H.21…
Nếu chạy ra coi, thằng Bồng có thể sinh nghi…“.
May lúc đó, Mừng hăm hở nói:
– Tui phải chạy ra coi thằng Việt gian nớ mới được. Tui chưa được thấy
mặt mũi thằng Việt gian khi mô! Tui phải bắt chước anh ngửi coi mùi Việt gian như răng.
– Mặt mũi Việt gian thì cũng như mi với tau, – Bồng
quẳng tơi nón xuống sạp nứa nói. – Khác chi? Có khác là mặt mày tụi chó
nớ béo tốt. phương phi, không có ghẻ ruồi, da không vàng bủng, không
xanh lét như anh em mình.
– Anh Kim, ta chạy ra coi thằng Việt gian
chơi hí? – Mừng quay sang nói với Bồng. – Anh ở nhà nấu cơm giúp nghe.
Bữa ni có canh rau tàu bay, môn thục nấu ruốc. Anh phải hấp hết cả rá
sắn tụi tui vừa bóc vỏ, mới đủ ăn đó.
– Đội trưởng mô rồi?
– Anh vô Xê-ca Bốn có việc, phải gần tối anh mới về.
Tuy suýt soát tuổi nhau, nhưng Bồng bao giờ cũng đối xử với Mừng như đứa em út. Em thường nói với các bạn về Mừng: “Hắn dại quá đi! Thấy cái chi lạ cũng đòi coi, ai nói chi cũng tin. Người ta nói chơi hắn cũng cứ tưởng
nói thật. Lừa hắn còn dễ hơn lừa con nít lên ba?.”
Kim giả bộ ngại ngùng:
– Đây ra đó xa bất chết, chạy đi chạy về bở cả hơi tai.
Mừng cứ nằn nì chèo quéo:
– Xa chi, chạy ù cái là đến. Đi, đi coi cho vui đi anh?
Kim tỏ vẻ miễn cưỡng, theo Mừng chạy ra đường.
Hai đứa bước vô trạm gác. Anh lính gác đeo khẩu tiểu liên tuyn, hỏi:
– Hai chú đi mô đó? Chắc lại có lệnh lạc chi của trung đoàn?
– Tụi tui ra coi mặt thằng Việt gian.
Việt gian coi làm chi cho nhớp mắt? – anh cười – Việt ngay đây! – Anh chỉ vào ngực mình nói – Các chú coi có hơn không?
– Coi Việt ngay thì tui coi tui còn rồi! – Mừng cười, nói – Tề, tề Việt gian ngồi chách bách đó tề!
Mừng giật giật tay Kim, chỉ người đàn ông bị trói đang ngồi tựa lưng vào cột lán.
Mừng bước đến sát trước mặt người đàn ông, mắt ngó hau háu, mũi hít hít, thắc mắc tự hỏi to thành tiếng:
– Răng không ngửi thấy mùi chi cả hè?
Kim vừa ngó thấy người đàn ông, lập tức nhận ra ngay “H.21“. Tất cả các ám
hiệu đều đúng như quy định. Nó run rẩy vì hoảng sợ và thất vọng. Ý nghĩ
đầu tiên ập đến trong óc nó: sáng mai chắc “H.21” sẽ bị công an chiến
khu tra hỏi. Hắn sẽ khai ra mọi chuyện, thế là rồi đời? Mình có thể bị
xử bắn, ít ra cũng phải vô tù, bị giam giữ chưa biết đến khi mô. Tiền
bạc, chuyến đi du học nước ngoài mà quan ba Sô-lê vừa hứa hẹn, phút chốc tan thành mây khói…
Người đàn ông ngồi ở góc lán cũng nhìn Kim chằm
chằm, và khẽ nháy mắt ra hiệu. “H.21” cũng đã nhận ra đồng bọn, vì trước khi lên chiến khu, y được Sở mật thám cho xem kỹ ảnh của Kim. Kim lo sợ anh lính giặc nhận ra cái nháy mắt của “H.21”, liền vờ quay lại hỏi
chuyện anh:
– Răng chưa giải hắn vô trong tê mà còn trói hắn ở đây, anh?
– Trong tê vừa cho liên lạc ra báo là cứ giam tạm anh ta ở đây sáng sớm mai sẽ có người ra hỏi cung.
– Có chắc hắn là Việt gian không anh?
– Cũng không biết nữa. Phải chờ sáng mai mới rõ trắng đen. Anh lính gác
chép miệng nói tiếp – Cũng tại số anh ta đen đủi lại nhè đúng cái ông
thiên lôi Bồng của đội các chú mà hỏi đường nên mới ra nông nỗi ni. Lỡ
không phải “Vê-giê” mà chịu trói ngồi cả đêm rứa, nghĩ cũng cực!
Người đàn ông nghe lỏm chuyện, nói giọng rầu rĩ:
– Oan ức tui quá các em ơi! Các em thả cho tui về với vợ con chớ không thì đêm ni vợ con tui khóc hết nước mắt!
Anh tổ trưởng gác tên là Ngưu, đã đứng tuổi, trước Cách mạng làm nghề kéo xe kéo. Anh từ sau lán bước ra, nói:
– Anh ráng chờ đến sáng mai, họ ra xét hỏi, nếu đúng anh là người ngay
thì họ thả cho về thôi. Thời buổi kháng chiến, mỗi người gắng chịu cực
một chút.
”H.21” nói giọng lễ phép, khúm núm:
– Dạ bẩm eng, tui
cũng biết rứa, có dám oán trách chi mô! Chỉ khổ cái là ở nhà vợ dại con
thơ, mỏi mắt ngóng tui về. Lúc đi, tui hẹn là chiều nay răng cũng về…
Mặt trời đã lặn khuất sau phía dãy núi xanh mung lung sương khói. Đất trời chiến khu bàng bạc một màu tím hoa sim bầm.
Mừng nói:
– Ta về thôi anh Kim, sắp tối rồi. Tui cứ ngửi mãi thằng cha nớ mà chẳng thấy mùi chi.
Kim sa sầm nét mặt, nói giọng tức tối:
– Thằng nớ nói trạng cóc rứa mà mi cũng đeo queo mà tin!
Mừng liền bênh:
– Anh mới lên chiến khu nên chưa biết mô. Anh Bồng nói cái chi cũng trúng phắp. Cả trung đoàn trưởng cả chính uỷ cũng còn nghe ý kiến anh ấy chứ
anh đừng tưởng!
Kim đang rối ruột gan nên chằng buồn cãi lại. Người đàn ông bỗng gọi hai đứa:
– Hai chú chi ơi! Tui thèm thuốc quá, mà không làm răng vấn được Nhờ hai
chú lấy thuốc trong bọc tui, vấn giúp cho tui điếu thuốc.
Kim hỏi anh lính gác:
– Hắn xin hút thuốc, anh có cho hút không?
– Chú em vấn giúp cho hắn một điếu cũng được.
Kim bước lại gần, xẵng giọng hỏi:
– Thuốc men mô thì đưa đây. Tui phải về không tối.
– Dạ trong bọc tui, có cả thuốc cả máy lửa trong đó.
Kim cúi xuống móc cuộn thuốc lá trong túi áo hắn. Cặp mắt hắn vụt sáng lóe
trong bóng tối nhập nhoạng góc lán. Hắn hỏi, giọng thật thà:
– Trên ni có nhiều người bán mây song không chú?
Kim-điệu rùng mình. Đó là câu mật khẩu quy định.
– Không chú ý nên tôi không được rõ lắm. – Kim đáp lại như máy. Nó bứt
nhỏ hai lá thuốc, xé một mảnh lá nguyên làm giấy quấn thành điếu thuốc
to cỡ ngón tay cái. Nó móc túi áo bên kia lấy cái bật lửa Tàu bò, bật
lửa châm thuốc cho hắn.
Hắn rít một hơi khói, nói như gió thoảng:
– Đặt cái bật lửa xuống đất, cạnh chân.
Kim bỏ xấp thuốc vô túi hắn, và thả nhẹ cái bật lửa xuống đất “H.21” đưa bàn chân đè lên. Kim đứng lên, giọng cáu bẳn:
– Thuốc thiếc, làm người ta mất bao nhiêu thì giờ?
Trên đường trở về đội Mừng hỏi:
– Liệu thằng nớ có phải Việt Gian không anh hè?
– Đã chắc chi!
Đi một quãng, Kim làm như vừa chợt nhớ ra, nói với Mừng:
– Chút nữa về, mi đừng kể chuyện tau vấn thuốc giúp hắn với thằng Bồng
nghe? Không thằng nớ lại chửi tao là dại, đi vấn thuốc giúp cho Việt
gian!
– Ử lỡ không phải “Vê-giê” mà tối ni phải ngồi cho muỗi đốt cả đêm nghĩ cũng thương anh hí?
20
Đã quá nửa đêm, chiến khu Hoà Mỹ vùi sâu trong bóng đêm. Khói núi dâng lên mỗỉ lúc một thêm dày đặc. Tiếng sông Ô Lâu rì rào, tiếng coọng nước
quay kẽo kẹt bất tận, nghe vang, sâu thẳm… tiếng lau lách xạc xào, tiếng những thân tre, lồ ô cọ vào nhau, hoà với tiếng dòng sông nghe như một
bè trẩm dìu dặt.
Ở trạm gác tiền tiêu, đống lửa đốt giữa nhà đang lụi dần trong tiếng nổ lép bép, chỉ còn nhấp nháy những đốm than.
Khí núi về đêm càng giá buốt. Anh lính gác ngồi trước cửa lán, khẩu “tuyn” gác ngang đầu gối, ngủ gà ngủ gật.
Tên “H.21” ngồi dựa vào cái cột mà hắn bị trói liền vào đó, đầu gục xuống
ngực, vẻ như đang ngủ rất say. Điếu thuốc lá tắt ngấm còn ngậm bên mép.
Phía sau bức phên liếp ngăn ngôi lán ra làm hai, anh tổ trưởng và hai
chiến si nằm ngủ úp thìa trên sạp nứa trần trụi, đắp hai cái bao tải
được khâu liền nhau. Khẩu “mút-cơ-tông” và hai bao đạn anh Ngưu gối trên đầu Hai phiên đổi gác, các anh đều thấy người đàn ông vẫn ngồi nguyên
trong tư thế đầu cúi gằm xuống ngực mà ngủ, nên yên tâm không chú ý đến
hắn nữa. Một anh còn thương hại hắn lạnh, ném lên người hắn cái bao tải. Hắn vẫn ngồi im không động đậy.
Lúc này bất ngờ hắn từ từ ngóc đầu dậy. Cặp mắt đảo nhanh nhìn ra phía anh lính gác ngồi cửa, lóe ánh hung hiểm.
Hắn nhấc bàn chân trái lên để lộ cái bật lửa, với một động tác khéo léo
không ngờ, hắn dùng hai ngón chân bàn chân trái kẹp dựng cái bật lửa
lên, dùng ngón chân bàn chân phải mở nắp, và đánh bánh xe bật lửa. Cái
bật lửa trông cũ kỹ mà nhạy không ngờ. Ngọn lửa cháy sáng lung lay, lung lay. Hắn cúi gập người châm lửa vào đầu thuốc lá tắt ngấm. Rít mấy hơi
cho đầu thuốc cháy đều, hắn thả bật lửa xuống đất. Ngọn lửa tắt. Hắn cúi đầu xuống ngực trở lại tư thế cũ, vờ như vẫn tiếp tục ngủ say. Hắn thận trọng châm đầu thuốc lá vào sợi dây dừa trói vòng qua ngực.
Ở Huế
ngày trước các quán bán thuốc lá Cẩm Lệ, thường treo sợi dây dừa một đầu có lửa để khách hàng châm thuốc hút. Dây dừa có đặc tính nhạy cháy và
ngùn lửa như nùn rơm.
Sợi dây dừa trói tên “H.21” khá to, hắn châm
khoảng mười hơi thuốc sợi dây mới bén lửa, ngún cháy. Và khoảng ba phút
sau, sợi dây dừa đứt. Hắn đã rời khỏi cây cột trói hắn vào đó. Điếu
thuốc trên môi hắn lúc này chỉ còn dài khoảng hai đốt ngón tay. Hắn gắng hết sức nghiêng người châm đầu thuốc vào dây trói hai khuỷu tay. Hắn
phải rít điếu thuốc cháy sát đến tận môi, sợi dây trói mới bén lửa. Hắn
nhả vội điếu thuốc xuống đất, thổi nhè nhẹ vào chỗ lửa ngùn cháy. Năm
phút sau hắn đã tự cởi trói hoàn toàn. Người nông dân ngờ nghệch đi mua
dây mây, hiện nguyên hình tên biệt kích có hạng.
Trước cừa lán, anh
lính gác thức ngủ nhiều đã thấm mệt và quá buồn ngủ. “H.21” vẫn ngồi khẽ cử động xoa bóp hai cánh tay cho bớt tê dại. Hắn hất cái bao tải trên
vai xuống đất, đứng bật ngay dậy. Hắn nhảy chồm tới phía anh lính gác
nhanh như thú dữ vồ mồi, giật phắt khẩu tiểu liên anh gác ngang trên
đùi. Anh lính gác bị tước súng bất thình lình, vụt tỉnh cơn buồn ngủ,
chới với, hốt hoảng, chồm dậy để giật khẩu súng lại. Nhưng hắn đã kịp
thời nhảy lùi lại, co chân đạp anh ngã nhào xuống đất. Anh chưa kịp kêu, hắn đã bật chốt an toàn khẩu súng, nổ liền hai phát vào giữa ngực anh.
Ba anh lính ngủ sau phên liếp nghe súng nổ, bừng tỉnh, nhảy xuống sạp.
Nhưng vừa ló mặt ra ngoài phên liếp, cả ba anh đã hứng cả băng đạn tiểu
liên quất ngang mặt.
Hạ thủ xong cả tổ gác trạm tiền tiêu, tên “H.21” xách súng lùi vào bóng tối, vượt qua sông Ô Lâu.
Trời vừa rạng sáng, cả chiến khu Hoà Mỹ đã biết tin bốn chiến sĩ tổ gác trạm tiền tiêu phía Nam Xê-ca bị một tên Việt gian giết hại.
Gian lán
chật ních những người. Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng trung đoàn
cũng có mặt. Các anh xem xét hiện trường, nhìn sợi dây trói còn ngùn
lửa, cái bật lửa nằm lăn lóc trên mặt đất, phán đoán diễn biến của sự
việc.
Có lẽ người tức giận hơn cả trước cảnh tượng này là
Bồng-da-rắn. Em báo cáo với các anh đầu đuôi việc em lừa bắt tên Việt
gian đội lốt đi mua mây, cả việc em đã giật phắt điếu thuốc tên này đang hút, vứt đi. Em nhìn xác bốn anh lính gác, đau xót, tức tối nói:
– Tui chắc là một trong bốn anh ni đã thương hắn, vẫn thuốc cho hắn hút, hắn mới đốt được dây trói!
Em cúi nhìn những gương mặt bất động đầy máu của các anh lính gác, vừa khóc vừa nói:
– Tui đã dặn đi dặn lại các anh, hắn đúng là Việt gian, phải gác xách cho cẩn thận, rứa mà các anh không tin tui, các anh cứ vấn thuốc cho hắn
hút? – Em bất thần gào to như điên dại – Chờ anh mô đã vấn thuốc cho hắn hút? Răng không anh mô nói đi!
Nhưng cả bốn anh lính gác đều câm lặng, mang theo sự bí ẩn xuống mồ.
Trong số những người có mặt lúc đó, có hai người là Mừng và Kim biết điều bí
ẩn này. Nhưng Mừng sợ hãi không dám nói, còn Kim ngoái mặt làm bộ đau
xót nhưng trống ngực nó đập rộn lên vì mừng. Thế là nguy cơ đe doạ nó
không còn nữa!
Mừng đứng úp mặt vào cây cột lán và khóc. Đôi vai con nít gầy guộc trong tấm áo rách rưới của em cứ rung lên từng hồi.
Kim đến kéo tay em đi ra một góc sân, thì thầm với giọng hăm doạ:
– Mi mà nói lộ chuyện ra thì cả tao cả mi sẽ bị trung đoàn xử bắn. Họ không tha mô. Mi nhớ nghe!
Mừng kéo vạt áo lau nước mắt, buồn bã gật đầu.
Trung đoàn trưởng ra lệnh cho mọi người giải tán, trở về đơn vị. Ông nói với tham mưu trưởng:
Việc này anh cần thông báo gấp cho toàn trung đoàn. Các đơn vị phải tổ chức
học tập, liên hệ, rút kinh nghiệm. Đây là một bài học vô cùng sâu sắc và đau đớn: với kẻ thù, nếu mất cảnh giác, chúng ta phải trả bằng giá máu?
21
Nhưng rồi đơn vị Thiếu niên Trinh sát chưa kịp tổ chức học tập về ý thức cảnh giác cách mạng như thông báo và chỉ thị của Trung đoàn, em Mừng vì đại
dột đã phạm tiếp một lỗi lầm khác, nghiêm trọng không kém, mà em phải
trả giá bằng chính cả cuộc đời em.
Sáng hôm đó, Bồng được đội trưởng
cử về đồng bằng gọi các tổ trinh sát về gấp chiến khu để học tập và
chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới.
Đội trưởng cùng với Mừng và Kim dọn dẹp,
sửa sang, tổng vệ sinh lán trại để đón đội về. Kim-điệu đang nhổ cỏ quét sân thì nhăn nhó kêu đau bụng. Đội trưởng cho vào lán nằm nghỉ.
Nó
nằm co người, tay ôm bụng. Chốc chốc nó lại vò giấy chạy vào hố xí. Mỗi
lần đi ngoài nó ngồi khá lâu, lúc trở về vào bước chân lảo đảo, nằm vật
xuống sạp nứa, thở dốc, vẻ rất mệt nhọc. Đội trưởng tìm miếng gừng, giã
nhỏ hoà nước cho nó uống. Anh nói:
– Nếu không khỏi thì sáng mai anh sẽ đưa em vào bệnh viện.
Đội trưởng và Mừng dọn dẹp gần đến trưa mới xong. Cả hai anh em lấm láp từ
đầu đến chân. Hai anh em định ra sông tắm giặt. Đội trưởng nói:
– Hai tay em ghẻ lở loét thế kia thì giặt thế nào được. Cởi áo quần, anh giặt cho một thể. Em ở nhà trông nhà. Anh tắm giặt xong, em sẽ ra tắm sau.
Đội trưởng gom gần chục cái bao tải quân trang của các em, ôm cùng với áo
quần của Mừng, đi ra sông Ô Lâu. Hôm đó trời nắng to, anh muốn giặt sạch phơi khô để lúc các em ở đồng bằng lên có cái mà đắp.
Đội trưởng đi được một lúc, Kim chống tay ngồi dậy, làm bộ nhăn nhó nói với Mừng:
– Tau đi ngoài nhiều, chừ thấy đói bụng quá. Mi ra quán o Liền mua giúp
cho tau mấy chục đồng xôi chè, đem về đây hai đứa ta cùng ăn… Hay mi
thích ngồi ăn luôn ngoài quán thì ăn trước đi, rồi mang về cho tau một
ít thôi. Nó móc túi quần sau lấy đưa cho Mừng mấy tờ giấy bạc mười đồng.
Mừng ngần ngừ:
– Nhưng đội trưởng dặn phải ở nhà coi nhà. Sợ bỏ đi, anh về anh la… Hay chờ đội trưởng tắm giặt về rồi tôi đi mua cho.
– Thì tau coi cho cũng được chớ răng? Tau đau nằm nhắm mắt rứa chứ có ngủ được mô.
Nghĩ đến xôi chè, Mừng cũng thấy bụng cồn cào, thèm rệu nước miệng. Em cầm hai cái ca để mua chè đậu đen đặc.
Mừng nói:
– Rứa anh coi giúp cho tui với nghe. Có hai đến hỏi việc chi, anh cứ nói
họ ngồi đó chờ, rồi đội trưởng lên. Anh nhớ đừng cho họ tự tiện đi vô
buồng của đội trưởng nghe. – Em chỉ về phía cuối lán – trong nớ anh để
nhiều giấy tờ tài liệu mật…
Cuối lán, đội trưởng đan phên liếp ngăn
ra một khoảng rộng chừng ba bốn mét vuông, làm buồng làm việc. Buồng có
cánh cửa ken bằng tre lồ ô chẻ nhỏ. Trong buồng có một sạp nứa hẹp, một
cái bàn mặt nứa ghép, một cái ghế làm bằng khúc thân cây. Chân bàn, ghế
đều đóng sâu xuống đất kiểu thông dụng trong khắp các lán trại ở chiến
khu. Cạnh bàn có khuôn cửa sổ, cánh cửa cũng bằng phên liếp mở đóng theo kiểu chống lên, hạ xuống.
Nghe Mừng dặn dò, Kim cau trán gắt:
– Mi không phải dặn. Tau chẳng dại thua mi mô!
Mừng chạy ra khỏi lán. Quán o Liền bán xôi chè là quán xa nhất, ở cuối dãy hàng quán Tiền chiến khu.
Kim đang nằm ôm bụng, lập tức vùng ngay dậy. Nó chạy ra phía hố xí, rẽ lau
lách, chui sâu vào bên trong. Đến bụi lau rậm có đánh dấu bằng một khúc
cây mục, nó khom người rúc đầu moi dưới đất lên cái túi vải nhựa bên
trong đựng khẩu súng lục kiểu Xanh-tê-chiên, đạn và máy ảnh chuyên dùng
của điệp viên. Nó giắt súng vào bên trong bụng áo, máy ảnh đút túi, rồi
chạy vụt trở vào lán.
Nó đẩy cánh cửa gian buồng của đội trưởng.
Chiếc xà cột da sờn cũ mà đội trưởng vẫn dùng từ ngày còn ở mặt trận
Huế, treo lủng lẳng trên con sỏ tre. Cái xà cột này là vật bất ly thân
của đội trưởng, đi đâu anh cũng mang theo. Lúc nãy vì phải ôm cả một bao tải, áo quần, nên anh phải để xà cột lại buồng, và dặn Mừng trông nhà.
Tất cả những sự việc này đều không lọt khỏi mắt Kim, mặc dầu lúc đó nó
đang nằm ôm bụng, nhắm mắt.
Nó đứng lên sạp lấy cái xà cột, mở nắp,
ghé mắt lục tìm bên trong và rút ra tấm bản đồ bố phòng chiến khu. Mặt
sau tấm bản đồ này có bồi vải mỏng để giữ cho bản đồ khỏi rách. Nó trải
rộng tấm bản đồ lên mặt bàn nứa, chống hé cái cừa liếp lên để lấy ánh
sáng. Nó rút máy ảnh trong túi quần ra và đưa lên chụp tấm bản đồ bố
phòng chiến khu từng khuôn một. Nó phải chụp mười khuôn mới hết tấm bản
đồ. Vừa chụp xong khuôn cuối cùng, bỗng có tiếng Mừng gọi phía trước cửa lán:
– Anh Kim mô rồi? Chỉ mua được xôi, chưa có chè – chè chưa chín!
Nó không ngờ Mừng quayvề sớm đến thế! Nó luống cuống hoảng hốt, đặt cái
máy ảnh xuống góc bàn, gấp vội tấm bản đồ định nhét trả vào xà cột.
Nhưng Mừng đã xô cửa buồng bước vào, tay vẫn lăm lăm cầm gói xôi. Thấy
Kim cầm tấm bản đồ đã gấp làm tám, nhưng chỉ thoáng nhìn Mừng biết ngay
đó là tấm bản đồ tối mật. Mừng tái mặt, kêu run, hoảng sợ:
– Uỉ chao? Răng anh dám tự tiện lục tấm bản đồ đó của đội trưởng ra coi?
– Tao định coi nhờ đường vô Xê-ca Bảy đi lối nào gần hơn, để lỡ chiều ni nó có phải đi bệnh viện thì đi lấy một mình…
Kim ấp úng chống chế và loay hoay nhét tấm bản đồ vào xà cột, Và treo trảo lên con sỏ tre.
– Cần đi thì tui dắt anh đi, việc chi phải coi trộm bản đồ? Đội trưởng mà biết thì anh giận lắm! – Mừng nói giọng run rẩy, và hai mắt em nước mắt đã rơm rớm. Mừng chợt thấy cái máy ảnh nhỏ xíu như một thứ đồ chơi, để ở góc bàn, đưa tay ra cầm lấy và hỏi:
– Cái chi ri?
Kim hoảng sợ đưa tay chộp lấy cái máy ảnh, nhét vào túi áo bên trái và cài khuy nắp túi áo lại, miệng luống cuống ừ ào:
– Cái hộp đựng tiền của tao…
Mừng đứng sững, mắt đăm đăm nhìn Kim. Kim bỗng ôm bụng nhăn nhó, tay vò vò tờ giấy loại, nói giọng cuống quýt:
– Tao lại buồn đi ca-bi-nê… Mi cứ ăn xôi trước đi, chút nữa tau vô tau
ăn… ăn rồi, mi chạy ra quán coi chè đã chín chưa, mua về cho tau ăn với
nghe… Vừa nói Kim vừa ôm bụng lách mình bước ra khỏi buồng và chạy về
phía hố xí.
22
Mừng đặt gói xôi lên sạp nữa, nhìn theo Kim ôm quẩn chạy cuống quýt. Gương mặt em mỗi lúc một trở nên cau có. Cặp mắt trong suốt, thơ ngây của em lần đầu tiên thoáng đục ánh nghi ngờ. Em kéo chéo áo lên miệng, nhai nhai,nghĩ ngợi: “Răng anh ấy lại dám cả gan lục bản
đồ tối mật của đội trưởng ra coi trộm hè? Mà điệu bộ anh ấy lúc ngó thấy mình bước vô, coi hốt hoảng và gian gian như răng ấy. Việc ni mình hải
báo cáo với đội trưởng mới được, anh ấy có giận không chơi với mình nữa
cũng thôi…“. Mừng chợt nhìn gói xôi trên sạp, em vụt nghĩ ra một điều
nghi ngờ: “Chắc anh ấy lừa mình đi mua xôi, chè, để ở nhà một mình coi
trộm bản đồ cho dễ… May mà mình nóng ruột, không chờ chè chín, chạy về
sớm… Chớ không thì anh ấy coi kỹ rồi, bỏ vô như cũ, mình làm răng biết
được? Mà tấm bản đồ đó chỉ có trung đoàn trưởng với đội trưởng môi có.
Mọi lần đi ỉa, đội trưởng cũng mang đeo bên hông…Chắc bữa ni anh phải ôm nhiều đồ đi giặt, đeo theo sợ ướt, nên anh mới treo nó ở nhà, dặn mình
phải chú ý coi nhà. Nhà ni thì có cái chi sợ mất mà phải coi? Đội trưởng dặn rứa là có ý dặn mình phải coi tấm bản đồ đó. Rứa mà mình tham ăn
miếng xôi, miếng chè, mình đã bỏ nhà mình đi! Mình mà báo cáo thiệt với
đội trưởng, chắc anh phải la dữ lắm, chưa chừng anh còn kỷ luật cũng
nên. Rồi anh ghét mình, không tin mình nữa…“. Nghĩ đến đó, Mừng thấy
ngực đau nhói, mũi cay cay muốn khóc. Và em càng thấy giận Kim hơn.“Mình đã giấu đội trưởng chuyện hắn vấn thuốc cho thằng Việt gian hút –
trong ý nghĩ Mừng đã chuyển gọi Kim từ anh sang hắn vì quá giận – nhờ
rứa thằng Việt gian mới đốt được dây trói cướp súng, bắn chết các anh
trạm gác. Việc ni không ai biết, nhưng hai hôm ri đêm mô mình cũng nằm
mê thấy chuyện đó… Mình không dám ngó mặt đội trưởng, cứ phải len lén
như thằng ăn cắp… Mà hắn đi ỉa chi lâu rứa hè?“.
Và ngay lúc đó Mừng
bất giác nhớ lại rất rõ việc “Cái hộp đựng tiền” mà thằng Kim hớt hải
chộp lấy, đút nhanh vô túi áo. Mình ở với hắn đã lâu mà chưa lần mô thấy hắn bày cái hộp đó ra. Mỗi lần đi ăn hàng, hắn toàn rút tiền trong túi
quần ra, rứa mà bữa ni tự nhiên lại có cái hộp đựng tiền? Mà hộp đựng
tiền chi lại có con mắt đen đen nằm chính giữa, lấp láy như mắt thằng kẻ cắp?“.
Cái hộp đựng tiền có mặt gương bỗng làm Mừng chợt nhớ có lần
đội trưởng nói chuyện với cả đội: “Tụi Việt gian, gián điệp, thường dùng một loại máy chụp bóng rất nhỏ, nhỏ bằng cái hộp diêm, để chụp trộm các tài liệu mật của kháng chiến. Các em cần chú ý phát hiện để kịp thời
tóm cổ chúng, không cho chúng làm hại kháng chiến“. “Hay cái hộp đựng
tiền đó là cái máy chụp bóng mà đội trưởng nói?“. Nghĩ đến đó, Mừng bất
giác toát hết mồ hôi, người em run lên như sắp lên cơn sốt rét vì lo sợ
thay cho chiến khu, cho kháng chiến… “Ê thằng Kim là Việt gian, gián
điệp đó? Hắn chụp trộm bản đồ bố phòng chiến khu mang về cho tụi Tây!“.
Điều em bất chợt phát hiện đó, đối với em thật vô cùng khủng khiếp. Em lao ra phía nhà xí, gọi to:
– Kim! Kim? Kim!
Nhà xí trống không. Em đứng như chôn chân gọi to mấy tiếng nữa:
– Kim! Kim! Ơi Kim!
Chỉ có tiếng lau lách xạc xào đáp lại em.
Trong khoảnh khắc đó, sự dại dột, ngây thơ, ngờ nghệch của chú bé mười ba
tuổi vụt biến mất nhượng chỗ cho sự suy luận sáng suốt và trực giác nhạy bén của người chiến sĩ trinh sát bất thình lình đánh hơi thấy kẻ thù và nguy cơ kháng chiến bị chúng rắp tâm làm hại. “Chắc hắn bỏ chạy trốn về với Tây rồi, chứ ỉa đái chi! Hắn giả đò đau bụng! – Em đấm tay vào đầu, đau khổ kêu lên: “Mình ngu quá? Rứa mà cứ ngồi chờ cho hắn đi ỉa
xong?“.
Mừng vốn rất thông thạo mọi đường ngang ngõ tắt ở chiến khu.
Em đoán: “Hắn chạy về với Tây thì phải chạy về phía đồn Sơn Quả là gần
nhất. Cầm hèn chi hắn hay hỏi mình, đường mô về Sơn Quả là gần hơn cả.
Rứa mà mình dại quá, lại bày cho hắn nữa chớ!“. Em lại đấm tay bôm bốp
vào đầu. – “Nhưng tau còn biết khối đường đi tắt mà mi chưa biết mô?” –
Em nói to lên thành tiếng.
Chạy đến trạm gác tiền tiêu phía Tây nam chiến khu, em hỏi mấy anh lính gác:
– Có thấy Kim ở đội em đi ngang qua đây không?
– Không? Không thấy! Có việc chi rứa? – Anh lính gác trực hỏi.
– Dạ em đi tìm hắn có việc. – Em trả lời rồi chạy biến. Em sợ đứng lại kể chuyện dài dòng, thằng Kim sẽ chạy về thấu đồn mất.
Chắc hắn chạy đường tắt vòng qua sau trạm gác mà có lần mình bày cho hắn,
nên các anh không thấy. Ý nghĩ đó lóe ra trong óc em như chớp đạn.
Em chạy thẳng đến cây bứa rừng rất cao mà em đã trèo hái quả nhiều lần. Em thoăn thoắt trèo tuổi lên chót vót ngọn cây, nhìn về phía những dãy đồi cỏ tranh và lau lách xa xa. Em thấy bóng thằng Kim chạy lúp xúp, lúc ẩn lúc hiện giữa bạt ngàn lau lách. Em tụt nhanh gần như thả mình từ ngọn
cây xuống đất. Em cắm đầu lao đi với ý nghĩ: “Phải chạy theo đường tắt
qua rú Quao, đón đầu hắn may ra mới kịp“.
Con đường tắt rú Quao tuy gần nhưng ít người dám đi lại, vì khúc núi này có con cọp thọt hay rình bắt người, trâu bò.
Cọp thọt một lần mắc bẫy của người Tà Ôi nhưng thoát được nên rất tinh khôn và hết sức hung dữ. Trung đoàn đã cử những tay thiện xạ bậc nhất, rình
phục cả tháng trời nhưng không giết được. Đồng bào Hoà Mỹ đồn rằng nó ăn thịt người nhiều nên đã thành tinh.
Nhưng lúc này Mừng chẳng còn nhớ gì đến cọp thọt, cọp lành. Em chạy băng băng với tất cả sức lực bé bỏng của em.
Nhiều lần vấp phải đá, rễ cây, ngã dúi dụi, nhưng em vùng ngay dậy chạy tiếp. Những đọt mây gai như vuốt mèo, vắt vẻo tua tủa hai bên lối mòn hoang
vắng, móc vào áo quần da thịt em, như muốn lôi giữ em lại. Em không kịp
đứng lại để gỡ, cứ bươn bừa tới phía trước. Bộ áo quần rách, càng rách
tướp, da thịt em trên mặt, trên đôi tay chân trần gầy tóp teo bị gai móc rách xước từng đường dài, máu chảy ròng ròng. Nhiều cành gai bịt em lôi theo, bẻ gãy, treo lủng lẳng trên lưng áo, trên cái quần đùi, vá víu và dầy như mo vì quết tẩm máu mủ ghẻ cái, ghẻ ruồi lâu ngày…
So với
thằng Kim, sức vóc Mừng chỉ bằng một nửa, và trong tay em không một tấc
vũ khí. Dù có đón đầu hắn được đi nữa, làm sao em đủ sức bắt giữ hắn
lại? Cái điều đơn giản đó hầu như em không hề nghĩ tới. Đó là một nét
khờ khạo ngây thơ trong tính cách chiến sĩ của em. Em chỉ nhớ là vì mình mải tham ăn miếng xôi, hớp chè, mà đến nỗi để thằng gián điệp lấy trộm
bản đồ tối mật của kháng chỉến mà cấp chỉ huy giao cho mình coi giữ. Bây giờ em phải gắng hết sức đuổi theo hắn để đòi lại. Và phải gắng chạy
cho thật mau để đón đầu thằng Việt gian? Đó là toàn bộ ý nghĩ của em lúc này.
Mừng vừa kịp nhào ra khỏi lối mòn lau sậy ngập dầu, bắt mùi với con đường chính, thì thằng Kim cũng vừa lúp xúp chạy đến.
Thằng Kim chạy được đến quãng đường này bụng hắn đã khấp khởi mừng: “Thoát
rồi?“. Chỉ còn khoảng hai cây số nữa là đến đồn Sơn Quả. Ở đó đã có
người của “dơ bê” ở Huế lên đón hắn, như tin tức cuối cùng mà “B.15” đã
chuyển cho hắn. Và tấm bản đồ bố phòng chiến khu – tiền bạc và tương lai đời hắn – đang nằm gọn trong túi áo ngực trái. Hắn vừa chạy vừa đưa tay sờ nắn cái máy ảnh tình báo cồm cộm trước ngực…
– Kim! Mi là đồ con chó! Mi là thằng Việt gian!
Tiếng quát giận dữ sát ngay trước mặt làm cho thằng Kim đứng khựng ngay lại
như bất thẩn va phải bức tường chắn ngang, hắn trợn tròn mắt, há hốc mồm nhìn Mừng máu me đầy người, áo quần rách tưa treo lủng lẳng những cành
gai mây, ánh mắt tóe lửa, sừng sững ngay trước mặt. Hắn hoang mang sững
sờ tưởng chừng như Mừng vừa chui từ dưới đất lên! Hắn bất giác run rẩy
vì khiếp đảm. Hắn cảm thấy mình trở nên yếu đuổi, bé nhỏ trước mặt Mừng, mặc dẩu hắn vạm vỡ to xác gấp đôi Mừng. Đầu hắn mê mụ đi vì cảm giác
kinh hoàng. Hắn lắp bắp mãi mới hỏi được một câu khá ngớ ngẩn:
– Mi chạy đường mô mà mau dữ rứa?
– Chạy đường mô mi hỏi làm chi? Hỏi để về báo cho Tây à?
– Tau không ngờ mi là thằng Việt gian! Mi đưa trả ngay tấm bản đồ chiến khu đây, không thì mi chết!
– Bản đồ chi? Thì tau đã đút trả vô xà cột rồi, mi cũng thấy đó – Thằng Kim luống cuống chống chế.
– Mi đừng nói láo! Tau biết hết rồi! Cái hộp đựng tiền là cái máy chụp
bóng gián điệp. Mi lừa cho tau đi mua xôi chè để mi chụp bóng trộm bản
đồ đem về cho Tây! Mi đang để trong bọc tê? – Mừng chỉ túi ngực áo thằng Kim, mặt giận phừng phừng.
Biết không thể chối được, thằng Kim giở giọng dụ dỗ:
– Mừng, hay mi đi với tau luôn thể. Về dưới Huế tau sẽ xin việc cho mi
làm. Ở mãi chiến khu làm chi cho khổ. Tau thương mi nhất đội. Có tiền
tau chỉ cho một mình mi ăn, tau có tiếc với mi cái chi? Đi với tau Mừng
nghe! – Miệng nói, chân hắn bước tới định đưa tay ra khoác vai Mừng, kéo đi cùng về đồn giặc.
Người ta nói sức mạnh tinh thần và vẻ đẹp cao
cả thường toả hào quang, có thể lấn át, đè bẹp những kẻ to xác nhưng tâm hồn hèn hạ. Có lẽ điều đó có lý. Không hiểu sao thằng Kim to con gấp
đôi Mừng, trong lưng có giắt súng, mà đứng trước Mừng, hắn trở nên khiếp nhược, sợ hãi, đánh rơi mất sức mạnh của mình.
”Póc!“. Một mảnh giấy vo tròn, Mừng bất thần ném vào mặt hắn, trúng luôn con mắt trái – rơi lăn lóc xuống đất.
Đó! Tiền của mi đó! – Mừng căm giận hét lên – tiền mi đưa cho tau mua xôi
chè còn dư đó. Tau không thèm mô! Mi kể công mi cho tau ăn à? Tau tưởng
mi là Vệ Quốc Đoàn thì tau mới ăn. Tau mà biết mi là Việt gian thì một
hột xôi tau cũng ỉa vô!
Mừng thọc luôn cả bàn tay vào cổ móc họng,
khạc nhổ lia lịa. Em uất giận quá. Em muốn móc họng để mửa ra những thứ
hắn đã cho mình ăn, trả lại cho hắn. Nhưng em chỉ nhổ khạc ra được toàn
nước miếng. Giận dữ và bất lực, em oà lên khóc.
Bị đồng bạc vo viên
ném trúng mắt và những lời nguyền rủa của Mừng làm cho thằng Kim vụt nổi xung. Và hắn đã tìm lại được sức mạnh của hắn.
– Tổ cha mi! Tau sẽ
giết chết mi! – Hắn nhào tới, nhe răng, trợn mắt, điệu bộ hung dữ như
con chó bị đánh quá đau. Vẻ hung dữ của tên Việt gian mười sáu tuổi này, chắc sẽ làm cho cả người lớn cũng phải hoảng sợ. Nhưng người chiến sĩ
Vệ Quốc Đoàn mười ba tuổi lại cúi xuống lượm một hòn đá nhào tới tấn
công trước, Mừng vung tay cầm hòn đá, đập tận sức vào ngực áo trái của
tên Việt gian “Rốp!” qua lần vắt áo kaki khá dày, nghe rõ tiếng chiếc
máy ảnh chuyên dùng của điệp viên, vỡ vụn. Trong ruột máy ảnh chứa cuốn
phim chụp bản đồ bố phòng chiến khu.
Bàn tay cầm hòn đá của Mừng lở
loét những mụn ghẻ cái, bình thường không nắm lại được. Em xán hòn đá
vào ngực Kim mạnh đến nỗi các mụn ghẻ tóe máu đỏ lòm cả bàn tay và hòn
đá.
Thằng Kim đưa tay ôm chụp ngực kêu “ối” như bất thần trúng phát
đạn. Hắn đứng sững, chết lặng người, tay bóp bóp túi áo. Trong túi lạo
xạo những mảnh vụn. Tấm bản đồ bố phòng chiến khu mà hắn phải liều đổi
lấy bằng mạng sống của hắn mới có được – tiền bạc và tương lai của đời
hắn – chỉ một giây đã bị hoàn toàn phá nát! Cặp môi hắn tự nhiên run
run, trắng ra như phấn, cả khuôn mặt tái nhợt méo mó vì tức giận – căm
giận và tuyệt vọng làm hắn nổi điên? Hắn chồm tới ôm chặt lấy Mừng quật
nhào xuống giữa lối mòn lổn nhổn sỏi đá.
Mừng đau quá muốn chết ngất. Hắn cưỡi lên người Mừng mà đấm tát, cào cấu, miệng gầm ghè không thành
tiếng, tưởng chừng ăn thịt được, hắn cũng không tha!
Hắn xé toạc cái
áo của Mừng, xoắn xoắn lại làm dây trói quật hai tay Mừng ra sau lưng.
Hắn nghiến răng riết hết sức hai múi dây trói. Hắn đứng phắt dậy, rút
khẩu Xanh-tê-chiên giắt trong cạp quần ra, bật chốt an toàn, chĩa mũi
súng vào mặt Mừng đang nằm dài dưới đất, chửi:
– Tổ cha mi! Đứng lên
đi về đồn với tau! Mi phá nát cái bản đồ chiến khu thì tau nộp mi thay
vô đó! Mi thuộc lòng hết đường cả chiến khu, mi cũng là cái bản đồ? Tau
không nộp được cho Tây bản đồ chết, thì tau nộp bản đồ sống! – Ý nghĩ đó bất chợt đến với hắn, làm hắn thích thú cười gằn. Mừng nằm dài dưới
đất, hai tay bị trói chặt sau lưng, em ngóc đầu cố hết sức để ngồi lên
nhưng không nổi. Cái áo rách của em bị thằng Kim xé làm dây trói, trên
người em chỉ còn lủng liểng cái cổ áo và mấy tua giẻ rách. Em phơi ra
dưới nắng trưa chang chang cái thân hình còm nhom, da bọc xương bị ghẻ
ruồi ăn không còn sót chỗ nào. Cặp mắt em hấp háy vì chói nắng. Em cố
rướn mi mắt, hết nhìn nòng súng loá nắng chĩa vào mặt mình, lại nhìn cái túi áo thằng Kim lúc nãy còn cộm lên bí mật của kháng chiến bây giờ đã
xép rẹp. Ánh mắt em lộ vẻ hả hê. Em nhắm chặt mắt lại, nói với giọng
ngạo mạn:
– Tau nằm đây, tau không đi mô hết! Tau là Vệ Quốc Đoàn, tau không đi theo ba cái đồ Việt gian!
– Không đi thì tau xách đầu mi tau lôi đi! Mi chửi tau là Việt gian, chứ cha mi cũng là Việt gian hạng nặng.
– Mi đừng nói láo!
Cha mi là lão Năm-ngựa, ngực xăm đầy rồng rắn, tau còn lạ chi. Chừ cha mi
là võ sĩ Năm-ngựa, làm quan hai mật thám, chuyên tra tấn Việt minh.
Mừng mở mắt, nhìn Kim, sững sờ:
– Mi nói thiệt à? – Mừng hỏi, giọng trờ nên yếu đuối run rẩy.
Gương mặt lấm láp đất bụi của Mừng vụt nhăn nhúm, đau đớn như bất thần nhận
một nhát dao vào chỗ hiểm. Em không yêu cha, cha đã bỏ mạ em đi lấy vợ
hai. Cha đã đánh đập hành hạ mạ và lấy mất đôi bông tai vàng… Những kỷ
niệm cũ về cha là những kỷ niệm xé lòng, như em đã kể với đội trưởng và
Vịnh-sưa vào cái đêm ở mặt trận Huế. Nhưng dù vậy, cha vẫn là cha… em là con, em phải gánh chịu nỗi khổ, nỗi nhục. Em bật kêu to, nghẹn ngào, xé ruột: “Úi chao i, cha ơi!…“. rồi em ngất đi.
Thằng Kim bối rối, cúi xuống lay gọi mãi Mừng vẫn không tỉnh. Không thể đứng đây lâu hơn vì bộ đội có thể đuổi theo.
Nhưng cũng không thể bỏ được tấm bản đồ sống chiến khu Hoà Mỹ. Mặc dù lúc này hắn cũng sắp ngã quỵ vì mệt, nhưng hắn cố thắng cơn mệt.
Hắn giắt
súng vào bụng áo, vực Mừng ngồi dậy, cõng xốc lên lưng. Hắn không ngờ
Mừng có thể nhẹ đến thế như chỉ có toàn xương với da.
Hắn cõng Mừng lúc đi lúc chạy, về phía đồn Sơn Quả, dưới nắng như dội lửa…
23
Việc Kim và Mừng, hai đội viên đội Thiếu niên trinh sát bỏ trốn khỏi chiến khu đã làm chấn động cả chiến khu.
Nhiều người bàng hoàng, sửng sốt.
Năm hôm sau, Ban Quân báo trung đoàn nhận được báo cáo của tổ chức quân báo nội thành về sự kiện Kim và Mừng.
”Tôn Thất Kim là con của một viên chức cao cấp trong chính quyền bù nhìn Bảo Đại. Tên Kim bị bắt và đã xưng khai. Chính hắn đã dẫn đường cho bọn
quân Ban Hành động ty An ninh mật thám Huế vây đánh chỗ trú quân bí mật
của tổ quân báo ở Vĩ Dạ, bắn chết anh Đồng-râu, đem phơi xác ở Đập Đá
Sau đó chúng kéo về phục kích bắt Lượm và Tư-dát ở gần cống Bao Vinh.
Tên Kim được sở mật thám phòng Nhì Pháp bí mật đưa vào Thủ Đức học một lớp điệp viên ngắn ngày, rồi đưa trở lại Huế.
Chúng bố trí cho tên Kim vượt tù, cướp súng, trở lại chiến khu với mục đích
điều tra lực lượng quân ta và tình hình bố phòng chiến khu. Lên đến
chiến khu, tên Kim đã bắt liên lạc với tên Mừng, vốn là con của tên võ
sĩ Năm-ngựa, một tên mật thám ác ôn khét tiếng ở Huế.
Tên đàn ông giả dạng đi mua mây là một điệp viên lợi hại được bọn giặc cử lên chiến khu để bắt liên lạc với tên Kim, nhận tài liệu, tin tức đánh cắp được.
Chính tên Kim đã giúp tên này đốt cháy dây trói cướp súng và hạ sát cả tổ gác trạm tiền tiêu.
Sau sự việc này hai tên Kim và Mừng sợ bị lộ, đã bỏ trốn khỏi chiến khu,
chạy về đồn Sơn Quả. Vừa về đến đồn, hai tên đã được xe của sở Mật thám
Phòng Nhì chở ngay về Huế…“.
Việc tên Kim bị bắt, đầu hàng, rồi trở
thành điệp viên, mọi người không lấy làm lạ lắm. Nhưng việc Mừng lộ mặt
là điệp viên của giặc, làm hầu hết mọi người ở chiến khu bàng hoàng,
sửng sốt.
Đội trưởng Lê Thắng được Ban Quân báo trung đoàn mời vào
Xê-ca Một báo cáo lại toàn bộ những sự việc có liên quan đến tên Mừng
điệp viên. Từ việc bằng cách nào nó lọt được vào hàng ngũ của Đội Thiếu
niên Trinh sát hồi mặt trận Huế mới nổ súng, đến việc sau khi tên Kim
lên chiến khu, hai đứa đi đâu cũng có nhau và tiêu tiền như rác… vân vân và vân vân… xâu chuỗi những sự kiện này lại, Ban Quân báo trung đoàn đi đến kết luận: tên Mừng là điệp viên được bọn mật tám Pháp khôn khéo cài vào hàng ngũ Vệ Quốc Đoàn từ ngày đầu kháng chiến, và chắc chắn nó đã
cung cấp cho giặc không ít những tin tức quan trọng về lực lượng kháng
chiến của ta… Nếu không có những tình huống bất ngờ vừa rồi, thì không
biết quân ta còn nuôi ong tay áo đến bao giờ.
Mừng vốn là đội viên ở
chiến khu nhiều hơn cả, được cả khu biết tên, biết mặt. Khi nghe tin
Mừng là điệp viên nằm vùng của giặc, tất cả đều phải kinh ngạc. Sực nhớ
lại những việc làm, lời nói và dáng bộ con nít ngờ nghệch của nó, tất cả đều phải lắc đầu kêu lên: “Trời đất, nó đóng vai chú bé ngây thơ mới
tài tình, quỷ quyệt làm sao“. Nó đã qua mặt hết, lừa được hết, kể cả
những cán bộ chiến sĩ từng trải, có nhiều kinh nghiệm cách mạng nhất của chiến khu.
Lê Hường, trưởng ban Quân báo trung đoàn, hỏi đội trưởng Thắng:
– Trong suốt quá trình chỉ huy, gần gũi nó, đồng chí có một phút nào thoáng nghi ngờ nó là gián điệp không?
Đội trưởng ngồi bóp bóp trán, lắc đầu buồn bã trả lời:
– Không, không hề! Tôi đã tin nó như tin vào bản thân tôi vậy. Thế mà không ngờ…
Gương mặt anh hiện vẻ đau khổ sâu sắc. Nỗi đau khổ của người đã đặt toàn bộ
lòng tin yêu vào một kẻ mà bất ngờ được phát hiện đó là đứa phản bội quỷ quyệt, đê tiện nhất.
Lê Hường đầu gật gật, nói:
– Có thể nói thằng bé này là một điệp viên bẩm sinh, một điệp viên thần đồng?