Đọc truyện Tuổi Thanh Xuân (Cảm Ơn Đã Luôn Ở Đây) – Chương 19
Người ta thường nói thuyền tới đầu cầu tự nhiên thẳng không phải sao? Câu nói đó đã thực sự linh nghiệm vào lúc này. Có hai người một lớn một nhỏ đi ngang qua chỗ họ đang ngồi. Mang đúng bộ dạng của một kẻ chết đuối vớ được cọc, Vy chạy đến nhờ sự giúp đỡ của hai người nọ. Sau khi nghe hoàn cảnh của Vy và Việt, người đàn ông vui vẻ nhận lời, ông còn đến hỏi thăm tình hình của cậu.
– Thế nào rồi cậu trai trẻ? Có đi nổi xuống dưới được không hay là cần chú cõng?
– Dạ, cháu không sao đâu ạ. Chỉ hơi đau bắp chân một tí thôi. – Việt lắc đầu. – Là bạn ấy quá lo lắng thôi.
– Tuy nói vậy nhưng vẫn phải cẩn thận, đường núi trong thời tiết này không dễ đi đâu. Hai đứa lại ở nơi khác đến không thuộc địa hình nên càng phải thận trọng. Cứ để bác dẫn hai đứa xuống chân núi luôn.
– Ôi, được thế thì cảm ơn bác lắm ạ.
Trong cái rủi ló cái may, vào lúc cả hai đang gặp rắc rối, bọn họ lại gặp được một người rất nhiệt tình. Trên đường đi xuống, ông còn hỏi chuyện và truyền đạt kinh nghiệm leo núi. Không hổ là dân bản địa, ngay cả đứa bé nhỏ tuổi đi cùng với người đàn ông thông thuộc địa hình, nó lon ton dẫn đường ở phía trước, thỉnh thoảng còn nhắc nhở cô tránh khỏi những chỗ dễ bị sụt chân. Cũng nhờ vậy, bọn họ nhanh chóng trở nên thân thiết, những câu chuyện trải dài trên quãng đường đi xuống núi.
– Nhờ vả bác từ nãy đến giờ, chúng cháu vẫn chưa giới thiệu. Cháu là Việt, còn bạn ấy là Vy, chúng cháu đều là sinh viên đại học.
– Bác là Hùng, thằng bé kia là cháu của bác, nó tên là Sơn. Bác sống ở đây đã lâu nên hay gặp những đoàn sinh viên đi chơi xa như hai đứa. Tuổi trẻ đúng là tốt thật, còn có sức khỏe, thời gian đi đây đi đó tụ tập với nhau. Nhưng sao có mình hai đứa đi với nhau thôi à?
– Dạ không, bọn cháu còn hai bạn ở phía dưới nữa, chắc trên đường sẽ gặp chúng nó thôi. Hai bọn cháu tách ra đi riêng.
– Lần sau không nên tách ra như thế. Đi đông người có chuyện gì thì còn có thể xoay sở.
– Dạ, cháu biết rồi ạ.
Lời nói nhắc nhở của người đàn ông làm Vy thấy áy náy hơn, là do cô đòi tách ra đi tiếp, rồi gây họa cũng lại là cô. Càng nghĩ càng thấy bản thân quá vô dụng, sinh ra chỉ để gây rắc rối mà thôi! Hành động cụp mắt, cúi đầu của cô toàn bộ lọt vào mắt Việt, cậu biết cô lại đang tự trách bản thân nên trò chuyện với thằng bé, không muốn tiếp tục chủ đề này.
– Em bao nhiêu tuổi rồi?
– Dạ em mười một tuổi rồi ạ! Còn anh bao nhiêu tuổi ạ?
– Anh hai mươi tuổi.
– Ý, anh bằng tuổi với anh họ em rồi. Hì hì. – Thằng bé cười híp mắt, sau đó lại tặng kèm thêm một câu nói mang đầy tính “nịnh nọt” – Nhưng anh đẹp trai hơn anh họ em.
– Ha ha, đúng rồi, hai đứa bằng tuổi với thằng cháu của bác. Hai đứa học trường gì vậy?
– Cháu học Bách khoa, bạn ấy thì học đại học Ngoại ngữ ạ.
– Ồ, thế cháu gái học cùng trường với thằng cháu của bác rồi. Không biết hai đứa có quen nhau không nhỉ?
– Có khi quen nhau đấy ạ! – Vy hùa theo nói đùa, lúc cô nhìn về phía xa, thấy thấp thoáng bóng dáng của hai đứa bạn đang ngồi nói chuyện với nhau, bèn gọi to. – Hà! Ngọc!
Ngọc đang cúi xuống, nói cái gì đó với Hà, bị tiếng kêu to của Vy làm giật mình. Cô nhảy dựng lên, suýt nữa thì ngã ngửa ra đằng sau, khi đã hoàn hồn, tay còn xoa xoa ngực mà cằn nhằn Vy. Hà đứng dậy, đón hai đứa bạn, nhìn tình trạng của Việt đầy thê thảm được người ta dìu, trên người còn ướt sũng nước, giọng cô đầy lo lắng:
– Cậu có sao không đó?
– Mình không sao, nghỉ ngơi là đỡ rồi.
– Làm sao mà ra nông nỗi này vậy?
– Chuyện dài lắm, cũng may là có bác và em đây giúp đỡ.
– Cháu cảm ơn bác ạ.
– Hai cháu là bạn của hai đứa nó hả? Bác là Hùng sống ở gần đây, nếu chúng cháu có gì cần giúp đỡ thì không cần ngại đâu.
– Tình trạng của Việt như thế mà chờ xe về đến nội thành thì không ốm mới lạ đó. Không biết gần đây có nhà trọ nào không ạ?
– Có thì cũng có nhưng bác sợ là tết thế này người ta chưa mở cửa. Cái đó cũng không chắc, cứ đi xuống núi trước rồi tính sau.
Cả bọn nghe lời bác, nhanh nhẹn xuất phát đi tiếp. Trên đường đi, Vy nhỏ giọng kể lại cho hai đứa bạn về quãng đường cô và Việt đã đi. Ngọc ném cho cô cái nhìn khinh bỉ, còn không ngừng đả kích vì cái số chuyên gia bị “kì thị” của cô. Rốt cuộc, chỉ mỗi mình Hà là nắm được trọng điểm vào lúc này, cố nghĩ cách xoay sở tốt nhất phòng trường hợp không còn nhà trọ nào cho bọn họ trú ngụ. Cô chợt nhớ đến Khánh, nhà họ ngoại của cậu ở gần đây, bản thân cậu cũng ở đây nên đó có thể coi là một biện pháp dự phòng cho trường hợp bất đắc dĩ nhất. Tuy nhiên, nếu không còn biện pháp nào khác cô mới nhờ vả cậu ta. Đợt trước còn xảy ra chuyện cãi nhau không hay ho gì, nhờ cũng chưa chắc cậu ta đã giúp! Nhớ đến, cơn giận của Hà lại bộc phát, cậu ta mà không giúp thật thì cô nhất định từ mặt hắn!
– Có nghĩ được cách gì chưa hả Hà?
– Có thì cũng có… nhưng tôi thấy không được tốt lắm.
– Không tốt thì cũng nói đi! Giờ còn sự lựa chọn nào đâu!
– Thì… tôi thấy trên facebook thằng Khánh bảo nó đang ở gần đây, có thể nhờ vả được nó. – Hà thấy hai đứa bạn đang nhao nhao lên, nhanh chóng bịt mồm chúng nó lại. – Ngậm mồm lại, cách này chỉ là bất đắc dĩ thôi. Hai đứa các bà đừng có mà linh tinh.
– Ơ, các chị tên là Khánh à? – Đứa bé nghe lỏm được lời Hà nói. – Anh họ em cũng tên là Khánh đấy!
– Hả? Không phải chứ? Vừa tên là Khánh, vừa học đại học Ngoại ngữ, có lẽ nào…?
– Phỉ phui cái mồm bà đi. Chắc không phải đâu. Tên Khánh là tên thông dụng mà!
– Anh ấy tên là Đinh Duy Khánh! – Bé con bổ sung thêm. – Học khoa tiếng Đức!
– Ớ? Đúng là thằng Khánh lớp bà rồi kìa. Thế này thì không còn nhầm được đâu. – Vy mắt chữ A, mồm chữ O tổng kết lại.
– Ồ, thế ra mấy đứa là bạn cùng lớp của thằng Khánh nhà bác à? Thế thì cứ đến nhà bác trú tạm một đêm đi. Là bạn bè của nó thì đừng có ngại gì nữa, cũng như con cháu trong nhà bác cả thôi mà.
Đang trong lúc vừa đói vừa mệt, Vy và Ngọc không tỏ vẻ ngại ngùng gì nữa, sáng khoái đồng ý đi theo người đàn ông về nhà, mặc cho Hà đang nhăn nhó muốn phản đối. Xác định được đích cuối cùng không còn xa nữa, quãng đường còn lại bọn họ đi trở nên ngắn hơn, ít nhất là đối với Vy. Cô lo lắng cho tình trạng của Việt, mong đến chỗ nghỉ ngơi càng nhanh càng tốt. Cô để ý thấy sắc mặt của cậu dường như hơi tệ, không biết là vì cơn đau hay là vì chuyện gì khác. Cô chợt nhớ ra chuyện đi xem phim hôm nọ, Khánh và Việt hình như có quen biết, quan hệ của họ không được tốt lắm thì phải, có khi nào cậu ấy là vì chuyện này không?
– Việt, cậu không sao chứ? – Cô nhỏ giọng hỏi.
– À không, không sao mà. Đừng lo lắng.
.
.
.
– Khánh! Ra xem bác đưa ai đến này! – Người đàn ông vừa về đến nhà, đã gọi tên Khánh thật to.
– Anh Khánh, anh Khánh, bạn của anh đến này! – Đứa bé cũng không kém cạnh, mở cửa chạy lon ton lôi bằng được anh họ của nó ra ngoài.
– Làm cái gì thế? Vừa mới đi chơi về không mệt hả, sao còn tăng động thế này? – Khánh đi từ bên trong ra càu nhàu, nhìn thấy một đám người quen đứng trước mặt, cậu giật mình. – Hơ… các cậu…
– Mấy cháu mau vào trong nhà đi.
– Các cậu sao lại ở đây? – Sau khi “tiêu hóa” hết lượng thông tin đến tới tấp, Khánh mới nặn ra được câu nói đầy đủ. – Sao các cậu lại đi cùng với bác Hùng?
– Bọn tớ đi leo núi, không ngờ gặp chút chuyện may được bác Hùng giúp đỡ. – Vy là người đáp lời đầu tiên, cô vừa nói vừa quay sang nháy mắt với Hà nhưng cô bạn vẫn ngó lơ, tỏ vẻ không hiểu ý. – Bọn tôi mặt dày đến trú nhờ nhà cậu một đêm, có được không?
– Được…
Nhà ngoại của Khánh ai cũng đều nhiệt tình như bác Hùng. Người lớn trong nhà sau khi được ông kể lại đều nhất trí giữ cả bọn ở lại, còn đặc biệt làm một bữa thịnh soạn đúng tiêu chuẩn mâm cỗ ngày tết để thiết đãi bốn đứa. Sự hiếu khách của cả nhà làm giảm đi cái ngại ngùng ban đầu, chẳng mấy chốc mọi người trò chuyện với nhau như đã thân quen từ lâu. Hơn nữa, mẹ của Khánh nhận ra Việt chính là cậu bé học giỏi ngày trước trong lớp học thêm của con lại càng vui vẻ, giống như chỉ hận không thể nhận cậu là con trai vậy. Khánh ở bên cạnh lườm nguýt, bày ra sắc mặt không mấy vui vẻ đối với Việt.
– Đúng rồi, chân cháu đỡ đau hơn chưa, có cần bác lấy rượu thuốc bóp cho tan vết sưng đi không? Rượu thuốc ở đây tốt lắm, nếu chân chỉ bị tổn thương phần mềm thì bóp một lần là đỡ ngay.
– Dạ thôi, không cần đâu ạ, cháu đỡ đau rồi. Làm phiền bác quá.
– Ngại cái gì nữa, bác cũng coi là bạn của mẹ cháu, cháu như thế thì coi bác là người ngoài rồi. Khánh, đi sang nhà cô Nga lấy chai rượu thuốc hôm nọ mẹ để ở đó về đây.
– Ơ…
– Ơ o cái gì! Đi mau đi!
– Dạ.
– Để Hà đi cùng với Khánh cho ạ. – Ngọc vừa nói xong bị Hà cấu một cái thật mạnh, cô mặc kệ, đẩy cô bạn đứng dậy. – Khánh đi một mình thì buồn lắm, để Hà đi cùng đi. Hà nhỉ? Chẳng phải bà cũng muốn ra ngoài mua mấy thứ đồ à?
Hà nhìn Ngọc đầy căm thù, nếu như ánh mắt có lực sát thương thì trên mặt Ngọc đã bị cáo mấy chục vết rồi. Vẻ mặt bất đắc dĩ ban đầu của Khánh khi Hà bị đẩy ra đi cùng đã trở nên vui vẻ hơn. Hai bọn họ im lặng đi trên con đường tối, chỉ có ánh đèn mờ nhạt hai bên đường soi sáng lối đi. Ở đây là ngoại thành Hà Nội cũng có thể coi là một vùng nông thôn nên trời tối không có người đi đường. Con đường tĩnh lặng chỉ nghe tiếng côn trùng kêu cùng tiếng nước chảy tí tách. Hà mang vẻ mặt không hề tình nguyện đi phía sau Khánh, vừa đi vừa mang cậu ta ra mắng mấy trăm lần. Không phải chỉ có một chiếc mũ bảo hiểm thôi sao, đàn ông con trai gì mà nhỏ mọn thế không biết. Cô dùng tay làm thành hình một cây súng, lấy tấm lưng của cậu làm bia ngắm tưởng tượng đang có mấy chục viên đạn đang bắn tới tấp trúng đích. Sự tưởng tượng đó làm cô vui vẻ không thôi, ngoác miệng ra cười hả dạ. Đúng lúc đó, Khánh quay lại nhìn cô với ánh mắt đầy khó hiểu, bị phát hiện, Hà cứng miệng, giả vờ lấy tay che lại như đang ngáp ngủ rồi trừng mắt với cậu. Cậu ta có mắt mọc sau lưng à? Cái đồ khó ưa!
“Brum brum…”
Tiếng động cơ một chiếc xe máy lao nhanh trên đường vang vọng trong không gian yên lặng. Chiếc xe phóng bạt mạng, xẹt qua bọn họ.
– Cẩn thận!
Khánh hét lên, kéo Hà vào bên trong khi chiếc xe chạy sát như thể sắp đâm vào cô. Hà giật mình, đến lúc hoàn hồn mới dám vuốt ngực thở dốc, thật là quá nguy hiểm, thêm vài centimet nữa là nó va vào cô rồi. Có lẽ là do vẫn chưa hoàn toàn bình phục sau sự sợ hãi vừa rồi, Hà lơ ngơ nhìn theo ánh đèn pha của chiếc xe dần khuất trong bóng tối.
– Cậu đi vào trong này đi. – Khánh kéo cô đi bên trong mình.
– Hơ…
Khánh thở dài lắc đầu, thôi quên đi, cậu nhận thua, cậu không thể nào cứng đầu bằng cô. Dù sao cũng chẳng hơn thua gì trong chuyện này, người mở lời trước không có nghĩa là người thua cuộc, chỉ là thiếu kiên nhẫn hơn thôi.
– Cậu có sao không? Ở đây người ta đi xe ẩu lắm, phải cẩn thận.
– Không sao. Cảm ơn. – Hà cười cười nhưng thực ra trong lòng thì đang trợn mắt. Tình huống này là gì đây, tự nhiên Khánh lại thay đổi chóng mặt thế? Chẳng phải đang chơi trò thi gan với cô à? – Nhà cô Nga gì đó xa thế à? Mãi chưa thấy đâu cả?
– Ớ? – Khánh ngớ người, nhìn quanh một lúc. – Chết rồi, nhầm đường rồi. Phải rẽ vào cái ngõ kia, thảo nào đi mãi mà không thấy đâu cả.
– Cái gì? Lạc rồi á?
– Không phải lạc, quay lại là đến mà.
– Ờ, đi nhanh về nhanh đi.
Hà và Khánh nửa đi nửa chạy ngược lại cái ngõ vừa mới đi qua. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đi lấy chai rượu thuốc, Khánh dẫn cô đi đến cửa hàng bách hóa vẫn còn mở cửa ở gần đó mua một số đồ dùng cho mọi người. Trên đường trở về, bọn họ đi qua một sân chơi dành cho trẻ con. Trên sân dựng đầy cầu trượt, ngựa nhún… dưới ánh đèn chúng như thể cũng đang nghỉ ngơi sau một ngày vui chơi cùng lũ trẻ. Khánh tự nhiên rẽ vào sân, ngồi trên một con ngựa nhún nhún vài cái.
– Cậu làm cái gì thế?
– Vào đây chơi đi, vui lắm.
– Thôi, muộn rồi mà, về đi. Mẹ cậu đang đợi ở nhà đấy.
– Ui, mẹ mình chắc đang bận nói chuyện với thằng Việt. Ngồi đây chơi đi mà, một tí thôi.