Tục Tái Sanh Duyên

Chương 40


Đọc truyện Tục Tái Sanh Duyên – Chương 40

Kiệu đi như bay, hồi lâu đến một cái chùa ở trong quãng rừng. Người lão ẩu mời nàng Văn Cơ xuống kiệu. Nàng vừa xuống kiệu, bỗng có ba người ni sư ở trong chùa bước ra, nét mặt tươi cười đón mà bảo nàng rằng:
– Nàng là Vệ tiểu thư đó phải không? Chốn hoang am này may sao lại có thiên tiên giáng hạ!
Ba người ni sư vừa nói vừa mời vào. Nàng Văn Cơ bất đắc dĩ phải rón rén bước theo. Ba người ni sư lại cùng nhau tấm tắc khen ngợi mà rằng:
– Trời ơi! Xưa nay tôi chưa từng được trông thấy ai có nhan sắc xinh đẹp lạ thường như Vệ tiểu thư này!
Vào đến trước tam bảo, nàng Văn Cơ cuí đầu sụp lạy. Lạy xong, các ni sư vội vàng mời vào nhà trong. Nàng Văn Cơ cúi chào các ni sư rồi hỏi rằng:
– Bạch các sư! Chẳng hay cảnh Phật đây tên gọi chùa gì? Sư cụ đây pháp hiệu là gì? Tự ai bảo đưa tôi đến chốn này? Xin người nói rõ cho tôi biết để tôi được yên lòng.
Các sư đều tủm tỉm cười, mời nàng Văn Cơ ngồi rồi pha trà uống. Trong bọn các sư có một người độ trạc bốn mươi tuổi, bảo nàng Văn Cơ rằng:
– Vệ tiểu thư ơi! Tôi xin nói để tiểu thư nghe. Cảnh Phật đây nguyên vẫn gọi là chùa Thiên Hoa. Tự Hoàng Phủ vương gia lập nên, kể đã lâu năm. Sư cụ Phạm Như tôi, trước trụ trì ở đây, nay người đã về chầu Pật. Bây giờ truyền đến chúng tôi. Tôi tên gọi Trí Tu, về dòng họ Lý, còn đồ đệ tôi đây là tiểu Tam Chân cùng tiểu Kinh Viên. Hôm trước tôi có vào bái yết Vệ vương phi thì Vệ vương phi bảo tôi đón tiểu thư về đây, để cho tiểu thư được tiện chỗ tu hành, rồi mỗi năm sẽ cấp cho năm trăm lạng bạc.
Sư cụ Trí Tu lại nói:
– Vệ tiểu thư ơi! Tôi vẫn tưởng tiểu thư là một người tầm thường vậy, không ai ngờ lại có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành như thế này. Nhà chùa khổ hạnh, dưa muối nâu sồng, chẳng biết tiểu thư có cam chịu được hay không?
Nàng Văn Cơ nghe nói, hai hàng nước mắt chảy xuống ròng ròng, kêu lên một tiếng mà rằng:
– Trời ơi! Thế ra đưa tôi đến đây, để tôi tu hành phải không? Tôi vẫn tưởng lời ước hẹn của Hùng công tử là lời nói thực, cứ như lời cô mẫu tôi nói thì khi nào Hùng công tử kết duyên với tôi. Tôi còn nhớ những lời Hùng công tử ước hẹn cùng tôi rằng: “Tiểu thư cố làm thế nào lừa cho Định Quốc uống rượu ngủ say, để tôi vào giết được thì đem công chuộc tội, bấy giờ ta sẽ cùng nhau chắp cánh uyên ương”. Chẳng lẽ Hùng công tử lại phụ lời hay sao! Năm nay tôi dẫu ngoài ba mươi tuổi, nhưng Phi Loan quận chúa bây giờ tưởng cũng đã quá chiều xuân…
Nàng Văn Cơ một mình nghĩ quanh nghĩ quẩn, ruột đau như cắt, lại dậm chân xưống đất mà nức nở khóc hoài. Sư cụ Trí Tu kiếm lời khuyên giải, rồi dọn cơm chay mời ăn. Trong khi ăn cơm, các sư lại thuật chuyện nàng Lưu Yến Ngọc thuở xưa cũng vì thủ tiết mà đi ở chùa, chịu bao nhiêu nỗi đắng cay, rồi sau mới kết duyên cùng Trung Hiếu vương.
Các sư đều nói:
– Khi Lưu Yến Ngọc phu nhân tiến kinh, sư cụ Phạm Như tôi theo đi, cho nên mới thành ra tu ở chùa này.
Các sư lại thuật chuyện Phi Loan quận chúa cho nàng Văn Cơ nghe mà rằng:
– Phi Loan quận chúa thật là một người hiếm có! Khi Hùng vương bị nạn, quận chúa cùng Hùng công tử dẫu chưa thành hôn mà một lòng thủ tiết, tình nguyện vào nhà giam, để hầu hạ cha mẹ chồng ở trong ngục thất. Mấy lần Phi Giao hoàng hậu giáng chỉ ân xá, mà quận chúa cũng nhất định không về. Người có lòng nhân, trời nào nỡ phụ, ngày nay đã sắp làm lễ thành hôn cùng Hùng công tử vậy.
Các sư đều tấm tắc khen ngợi Phi Loan quận chúa, ngày nay sung sướng cho bỏ những lúc nhọc nhằn. Các sư lại thuật chuyện nàng Hạng Ngọc Thanh cho nàng Văn Cơ nghe. Sư cụ Trí Tu nói:
– Nàng Hạng Ngọc Thanh lại càng đáng khen lắm. Nàng có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành mà cũng một lòng thủ tiết cùng Hùng quốc cữu, tình nguyện vào nhà giam để hầu hạ vợ chồng Hùng vương. Ngày nay thượng hoàng và thái hậu rất trọng đãi nàng, lập riêng một nơi tĩnh viện ở Tiểu Hoa Sơn cho nàng ra ở đấy mà ngày đêm tu luyện. Sư cụ Trí Tu lại nói:
– Còn nàng Diễm Tuyết cũng có nhan sắc đắm nguyệt ngây hoa, mà từ bé đến giờ, chỉ dốc một lòng mộ đạo.
Tiểu Kính Viên cười mà bảo rằng:
– Chẳng những thế mà thôi! Còn Lương Cẩm Hà phu nhân cũng là một người hiền đức. Khi nàng Hạng Ngọc Thanh quyết chí đi tu, phu nhân chỉ thương tiếc nàng mà đêm ngày khóc lóc. Một nhà như nhà Hùng vương, thật là con hiền dâu thảo hay đủ mọi bề, chẳng ai còn chê được điều gì!
Nàng Văn Cơ nghe nói trong lòng sùng sục như bể dầu sôi. Nàng biết các sư có ý mỉa mai, nhưng cũng ngậm đắng nuốt cay, nín lặng không nói. Khi ăn cơm chay xong, tiểu Tam Chân tươi cười mà nói với nàng rằng:
– Vệ tiểu thư ơi! Tiểu thư chớ lo phiền, bây giờ hãy xin mời tiểu thư vào phòng yên nghỉ.
Nàng Văn Cơ bất đắc dĩ phải đứng dậy theo tiểu Tam Chân vào trong một cái phòng tại nhà hậu. Đường lối đi vào rất là khuất khúc. Khi vào tói trong phòng, giường gỗ, gối tre, màn xô nệm vải, các đồ trần thiết, trông rất nhã đạm. Trên giá áo lại có treo mấy chiếc mũ ni và cà sa. Tiểu Tam Chân mời nàng Văn Cơ ngồi, lại pha trà mời nàng uống, rồi bảo nàng rằng:
– Vệ tiểu thư ơi! Nếu tiểu thư buồn bã thì xin tiểu thư hãy xem cac bức tranh vẻ ở bên tường này. Các bức tranh vẽ đây, toàn là của Hùng vương bố thí, đem treo tại đó!
Tiểu Tam Chân vừa nói vừa đưa tay trỏ. Nàng Văn Cơ liền ngẩng đầu lên nhìn. Khi nàng nhìn thấy, bỗng giật mình kinh sợ, nét mặt tái mét, rồi ngất người đi ngã lăn xuống đấy. Tiểu Tam Chân thấy vậy, kể sao cho xiết nỗi kinh hoàng, liền ôm lấy nàng Văn Cơ mà kêu người mau mau đến cứu.
Sư cụ Trí Tu bấy giờ ở nhà ngoài đang nói chuyện với tiểu Kinh Viên rằng:
– Ta tiếc cho con người thế ấy mà số mệnh long đong, chỉ vì phạm một tội tà dâm thì dẫu nhan sắc khuynh thành, cũng là uổng phí! Vệ vương phi cũng quá ư nghiêm khắc, lại bảo chúng ta dùng những lời mỉa mai mà đối với nàng. Còn ba bức tranh vẽ bảo ta đem treo tại phòng kia là có ý khiến cho nàng trông thấy phải kinh sợ, liệu mà hồi tâm cái tính, rồi yên một phận ở đây tu hành. Nếu nàng chịu cắt tóc đi tu thì Hùng vương sẽ cấp cho chùa ta mỗi năm năm trăm lạng bạc, lại trông nom tu bổ, có lẽ chùa ta cũng nhờ đó mà hưng vượng lên nhiều.

Tiểu Kính Viên thở dài mà đáp lại rằng:
– Đã đành rằng như thế, nhưng tội nghiệp thay cho nàng mặt hoa da ngọc, nhan sắc khuynh thành, ai ngờ lại bị người cưỡng bách bắt phải cắt tóc. Chỉ sợ con người thế ấy, vị tất đã yên lòng mà đoạn tuyệt được trần duyên vậy.
Hai người đang chuyện trò cùng nhau thì bỗng nghe ở dưới nhà hậu có tiếng người kêu ầm ĩ:
Tôn sư ơi! Đồ đệ ơi! Mau mau đến để cứu nàng.
Sư cụ Trí Tu và tiểu Kính Viên chẳng còn hồn vía nào nữa, vội vàng tất tả chạy đến. Khi bước vào trong phòng, thấy nàng Văn Cơ đã trợn ngược mắt lên. Sư cụ Trí Tu nói:
Bây giò biết tính thế nào! Nhân mệnh chí trọng, việc này biết tính làm sao!
Tiểu Tam Chân và tiểu Kính Viên đều sụt sùi thương khóc. Bỗng có mấy bà vãi đến lễ chùa trông thấy, mới khẽ bảo rằng:
– Bách các sư! Xin các sư đừng nóng nảy! Mau mau đỡ nàng ngồi dậy, rồi bảo người vuốt ngực cho nàng. Đây là nàng khí uất mà kéo đờm lên, cho nên thành ra như thế!
Tiểu Tam Chân nghe lời, đỡ nàng Văn Cơ dậy, rồi các vãi xúm lại mà vuốt ngực cho nàng. Vuốt trong hồi lâu, quả nhiên nghe tiếng khò khè ở trong cuống họng. Các bà vãi nói:
– Nên mau mau lấy nước gừng mà đổ cho nàng.
Tiểu Kính Viên vội vàng đi sắc nước gừng đem đến. Khi đổ nước gừng cho nàng rồi thì nàng nấc lên mấy tiếng rồi khẽ động đậy mắt. Các bà vãi nói:
– May ra có thể chữa được! Bây giờ ta hãy vực nàng lên nằm ở trên giường.
Các sư xúm lại vực nàng lên giường. Bỗng thấy nàng kêu lên thật to một tiếng rồi nói:
– Trời ơi! Nếu biết trước như thế này thì chẳng thà năm xưa yên phận ở vậy cho xong. Hùng công tử ơi! Không ngờ công tử lại dùng những lời cam ngôn mật ngữ mà đánh lừa tôi! Công trạng lớn lao kia về tay họ Hùng, mà bao nhiêu nông nỗi cực khổ thì bắt tôi phải cam chịu. Thương xót cho thân tôi, ngày nay tôi cũng chẳng tiếc gì một chết, nhưng chỉ ngại về nơi chín suối, còn mặt mũi nào mà trông thấy đứa vũ phu thô bỉ kia!
Các sư đều xúm lại khuyên giải mà rằng:
– Vệ tiểu thư ơi! Tiểu thư vừa mới hồi tỉnh, chớ nên nghĩ ngợi mà chi cả.
Nàng Văn Cơ yên nghỉ hồi lâu thì các sư lại nấu cháo đem đến rồi bảo nàng rằng:
– Vệ tiểu thư ơi! Tiểu thư hãy gượng dậy ăn một lưng cháo!
Nàng Văn Cơ nể lời các sư, phải cầm lấy bát cháo gượng ăn. Các sư thấy nàng tinh thần đã hồi phục, mừng rỡ xiết bao, tức khắc chạy ra rung chuông đánh trống, tụng kinh niệm Phật, rồi ai nấy về phòng ngủ.
Nàng Văn Cơ đêm hôm ấy không thể chợp mắt được, hai hàng nước mắt ròng ròng chảy xuống, chỉ ngồi nghĩ quanh nghĩ quẩn, đường kia nỗi nọ, ngổn ngang trong lòng, không biết cái thân thể này rồi sẽ ra sao.
Nàng nghĩ thầm: “Bây giờ ta trở về quê nhà thì phụ huynh ta tất không nhận, mà chết xuống suối vàng thì mặt mũi nào trông thấy hai vị lang quân. Âu là ta quyết chí tu hành, nhưng muốn tu tất phải cắt tóc, con người mặt hoa da ngọc, nỡ nào cải dạng nâu sồng! Trời ơi! Ta cũng chớ nên oán tránh biểu đệ và cô mẫu, chẳng qua chỉ bởi ta nghĩ lầm một chút, đáng lẽ phu quân ta tạ thế, ta phải một lòng thủ tiết mới khỏi hổ thẹn con nhà thế gia. Nếu thân phụ có quá thương mà muốn cho ta cải giá thì ta cũng phải yên phận trong chốn khuê phòng, để tùy ý thân phụ ta kén chọn, cớ sao trông thấy biểu đệ lại đem lòng đeo đai. Trăm điều ngang ngửa vì ta, để đến nỗi Từ di nương bị oan mà chết. Xót thân lưu lạc, cát lấp sóng vùi, hồng nhan như ta, còn mong chi nữa. Ta nghe những lời các sư nói và xem mấy bức tranh treo đây thì quả nhiên là cô mẫu ta muốn bắt ta đi tu vậy”.
Nàng Văn Cơ nghĩ quanh nghĩ quẩn, trời đã sáng rõ. Nàng trở dậy ngồi dưới cửa sổ, chẳng buồn rửa mặt, ngẩng nhìn ba bức tranh thì không thấy đâu. Bỗng có sư cụ Trí Tu ở mặt ngoài bước vào, lên tiếng bảo rằng:
– Tiểu thư dậy sớm nhỉ, đêm qua ngủ có được yên giấc không?
Nàng Văn Cơ nghoảnh nhìn thì thấy sư cụ Trí Tu mình mặc bộ áo cà sa, nét mặt hiền lành, mới gạt nước mắt rồi thỏ thẻ mà bạch rằng:
– Dám bạch sư cụ! Đêm qua chắc người vì tôi mà phải một bữa sợ! Người đã hết lòng tử tế mà cứu tôi khỏi chết! Bây giờ tôi có một điều này muốn hỏi, xin người cứ lấy thực tình mà dạy bảo cho.
Sư cụ Trí Tu nói:
– Tiểu thư muốn hỏi điều gì, xin tiểu thư cứ nói.
Nàng Văn Cơ nói:

– Đầu đuôi việc này thế nào, tất người đã hiểu rõ! Cô mẫu tôi vẽ ba bức tranh ấy: Một cảnh vẽ “động phòng hoa chúc” của tôi năm xưa, và một bức vẽ trong khi tôi cưỡng bách Hùng công tử mà xé tập tranh “bách mỹ”; còn một bức còn lại vẽ Định Quốc tướng quân khi bị đâm. Quả nhiên là có ý khiến cho tôi phải hối hận. Nhưng tôi xin nói để người biết, tôi đây hối hận đã nhiều, muốn chết mà không thể chết được, chỉ xin hỏi hỏi người một câu rằng, cô mẫu tôi định xử trí tôi ra thế nào? Tất cô mẫu tôi có nói chuyện với người, vậy xin người hãy thuật rõ cho tôi nghe.
Sư cụ Trí Tu nghe nói, thở dài mà than rằng:
– Nếu vậy thì tiểu thư thật thông minh! Quả nhiên Vệ vương phi có nói chuyện với tôi. Vương phi tỏ ý cho tôi biết rằng cứ lấy tình thân thích mà nói thì đáng lẽ vương phi nên lĩnh tiểu thư về quê nhà là phải, nhưng ngặt vì có ba điđẻu không tiện.
Nàng Văn Cơ hỏi:
-Ba điều là những điều gì?
Sư cụ Trí Tu nói:
– Điều thứ nhất là Vệ vương phi xưa nay rất ghét những kẻ dâm tà không muốn nhìn mặt, mà tiểu thư không biết giữ thói nhà băng tuyết, lại cam lòng cải giá để sinh ra nhiều sự xấu xa. Điều thứ hai là tiểu thư hại anh hại cha như thế, còn mặt mũi nào trông thấy cha anh nữa. Chẳng những hại thân mà hại cả đến bà sinh mẫu, tội ác chất cao bằng núi, khiến cho bao nhiêu oan hồn quanh quẩn bên mình. Điểu thứ ba là vương phi nghe nói tiểu thư nhan sắc xinh đẹp, mà tư chất lại thông minh thì vị tất đã chịu ở yên một bề vậy. Huống chi ngày nay trong vương phủ toàn thị con hiền dâu thảo danh tiếng thơm tho, nếu đem tiểu thư về thì vương phi lấy làm một sự hổ thẹn. Bởi vậy vương phi nghĩ đi nghĩ lại, chỉ còn một kế này là hơn.
Nàng Văn Cơ hỏi rằng:
– Còn một kế gì?
Sư cụ Trí Tu nói:
– Chỉ còn một kế tiểu thư nên quyết chí tu hành. Nếu tiểu thư cứ yên phận ở đây trong ba năm thì bấy giờ vương gia sẽ thân hành tới đây, cô cháu gặp nhau, lại được vui vẻ như xưa vậy. Tiểu thư ở đây, mỗi năm vương phi sẽ cấp cho nhà chùa năm trăm lạng bạc, biều ấy hôm qua tôi đã nói để tiểu thư nghe.
Nàng Văn Cơ nghe xong thở dài một tiếng mà rằng:
– Có khó chi điều ấy! Nếu cô mẫu tôi đã muốn cho ở chủa thì tôi cắt tóc đi tu, phỏng có tiếc chi nữa!
Nói xong, liền đứng dậy, xõa bộ tóc mây, đến trước giá gương, ngắm nghía hồi lâu, trong lòng nghĩ xiết bao chua xót. Nàng thở dài nói:
– Vệ Văn Cơ ơi! Không ngờ nhan sắc đẹp tuyệt trần như thế này, mà kết cục lại đến cảnh đi tu ở chùa! Ta dẫu cam chịu phụ bạc với phu quân ta thuở xưa cùng gã thô bỉ là Đồ Man Định Quốc kia, nhưng ta chưa hề dám phụ bạc Hùng công tử.
Sự cụ Trí Tu nói:
– Tiểu thư nghĩ lầm! Nếu tiểu thư đã có lòng luyến ái Hùng công tử thì cớ sao lại cùng Đồ Man Định Quốc đẹp duyên loan phượng, đàn bà lấy chữ trinh làm trọng, chứ nếu như bông hoa theo chiều gió thôi thì chiếc thân phiêu bạt kia còn ra thế nào!
Nàng Văn Cơ nức nở khóc mà đáp rằng:
– Đó là lỗi tại thân mẫu tôi! Vì thân mẫu tôi cưỡng bách mà khiến tôi đến nỗi như thế! Thương xót thay cho thân mẫu tôi, dùng hết trăm phương nghìn kế, mà rút lại thì mưu gian có ngày bại lộ, cũng không thoát khỏi lưới trời.
Nàng Văn Cơ vừa nói vừa lấy kéo cắt tóc. Đầu xanh có tội tình gì, tóc mây một mớ, đã đau xót vì lưỡi đao oan nghiệt. Nàng thương thân tủi phận, liền ngẫm nghĩ mà khóc òa lên. Tiểu Tam Chân chạy vào nói với sư cụ Trí Tu rằng:
– Bạch lạy sư cụ! Con đã châm đèn đốt hương để làm lễ thế phát cho Vệ tiểu thư đó!
Sư cụ vội vàng đi lên trên tam bảo trước. Tiểu Kính Viên chạy vào trong phòng, lấy một bộ áo nâu sồng của nhà chùa đem ra cho nàng Văn Cơ mặc. Khi nàng Văn Cơ cải trang xong, tiểu Tam Chân và Tiểu Kính Viên đều reo lên mà rằng:
– Quả là một sư cô ở trên thiên cung mới giáng hạ!
Bấy giờ trên tam bảo đã rung chuông đánh trống, tiểu Tam Chân và Tiểu Kính Viên đều mở kinh quì đọc. Nàng Văn Cơ rón rén đến làm lễ ở trước phật đài. Khi làm lễ xong, nàng sụp lạy sư cụ Trí Tu mà rằng:
– Bạch lạy tôn sư! Tôn sư đã độ cho tôi được siêu thoát, tôi xin quyết chí tu hành từ đây.
Sư cụ Trí Tu đỡ nàng dậy mà bảo rằng:
– Vệ tiểu thư ơi! Bần đạo này xin đặc pháp danh cho tiểu thư là Tam Tu, nghĩa là đã tu thì tu trọn ba kiếp: kiếp trước kiếp này và kiếp sau. Vệ tiểu thư ơi! Tội nghiệp của tiểu thư nặng lắm, tiểu thư nên dốc lòng sám hối! hai vị lang quân ở nơi chín suối, nay đang cau mày mà căm tức tiểu thư, lại còn bà thân mẫu cùng Từ di nương nữa. Trăm điều ngang ngửa, vì đâu nên nỗi nước này! Từ đây tiểu thư nên đoạn tuyệt trần tâm, may ra cửa Phật từ bi, sau này cũng sẽ được siêu thăng tĩnh thổ. Đáng lẽ phải đại hội tăng chúng, mới được làm lễ thế phát, nhưng vì tiểu thư là con một nhà hầu tước, cho nên không theo lệ thường.

Nàng Văn Cơ chắp tay vào ngực mà tạ ơn sư cụ Trí Tu. Từ đó dốc một lòng ăn chay niệm Phật. Nàng Văn Cơ vốn tính minh mẫn, cho nên bao nhiêu kinh kệ, chỉ đọc qua một lượt là đã thuộc lòng. Nàng Văn Cơ dẫu ngày đêm niệm Phật, nhưng hiềm một nỗi lòng trần chưa dứt, đêm nào cũng giấc điệp mơ màng. Hoặc mộng thấy phu quân thuở xưa, hoặc mộng thấy Đồ Man Định Quốc, hoặc lại có khi mộng thấy cùng Hùng công tử chung gối loan phòng. Nào lúc thân mẫu là Lã thị đến kể lể những nỗi oan tình, nào lúc thì Từ di nương đến đòi phải đền mạng. Đêm nào cũng tinh thần mê mẩn, ngủ không yên giấc. Nàng Văn Cơ lại tự hỏi lòng, ruột đau như cắt, bỗng sực nghĩ mà kêu to lên rằng:
– Văn Cơ ơi! Nhà ngươi chẳng những hại thân, lại hại đến bao nhiêu người, chẳng qua đều chỉ bởi cái mặt hoa da phấn này! Bây giờ đã cắt tóc đi tu thì còn tiêc gì cái dung nhan này mà không hủy bỏ đi, để khiến cho mối trần tâm phải đoạn tuyệt!
Nàng Văn Cơ nghĩ vậy, mới tay cầm một lưỡi dao con, xăm xăm đến trước giá gương, nghiến răng rạch mặt ra, máu chảy đầm đìa xuống áo. Tiểu Tam Chân ở ngoài bước vào, trông thấy như vậy giật mình kinh sợ, hai tay ôm chặt lấy nàng Văn Cơ rồi giằng lấy lưỡi mà ném đi chỗ khác. Tiểu Tam Chân vừa ôm vừa kêu gọi đạo bà mau mau đến để cứu nàng!
Đạo bà nghe tiếng vội vàng chạy đến cứu, rồi lại thở dài mà than rằng:
– Sư cụ vừa mới đi vắng, mà không biết cớ sao Vệ tiểu thư lại làm như thế này? Trời ơi! Đầm đìa khắp người toàn những máu tươi vậy.
Đạo bà đi lấy tro rắc những chỗ máu rây ra đấy. Nàng Văn Cơ ngất người đi hồi lâu, bỗng lại tỉnh dần, cũng không biết gì là đau đớn. Nàng trông thấy tiểu Tam Chân đang ôm mình, mới thở dài một tiếng mà than rằng:
– Vì tôi lại để phiền lòng đến người! Tôi vì mối oan nghiệt mà đến nỗi này, cho nên tôi muốn hủy bỏ cái dung nhan này đi, để xin phát thệ từ đây sẽ quyết một lòng tu hành.
Nói xong, ngồi dậy thay aó, rồi ra làm lễ trước Phật đài. Nàng vừa làm lễ lại vừa nức nở khóc mà khấn rằng:
– Lạy Phật! Lạy tổ! Tiểu Tam Tu này không dám tham cầu phú quí, chỉ xin quyết một lòng tu hành để mong chuộc lại những lỗi lầm xưa.
Từ đó nàng Văn Cơ chỉ chăm việc tụng niệm, không còn nghĩ ngợi chi nữa. Nếu Vệ Dũng Nga vương phi không thì kế ấy, bao giờ nàng Văn Cơ biết đổi lỗi sửa mình.
Khi sư cụ trở về biết việc nàng Văn Cơ huỷ bỏ dung nhan, mới sai người báo tin cho nhà Hùng vương biết. Vệ Dũng Nga vương phi thấy vậy, động lòng thương xót, Phi Loan quận chúa nghe nói, cũng gạt thầm gịot châu. Phi Loan quận chúa cố gượng làm vui, để khuyên cho Vệ Dũng Nga vương phi được yên lòng. Nhưng khi trở về phòng riêng, nghĩ vẫn lấy làm áy náy. Phi Loan quận chúa nghĩ thầm: “Cứ như lời nàng Văn Cơ nói thì phu quân ta thật là một kẻ bạc tình. Người quân tử đã nói câu nào thì quyết không bao giờ đổi thay, cớ sao lại dùng lời ngọt ngào mà đánh lừa một người nữ tử”. Phi Loan quận chúa lẩm nhẩm nói một mình rằng: “Phu quân ta cùng ta sum họp trong một tháng nay, ta xem ra tính khí ôn hòa, và đối với ta có lòng luyến ái, không biết cớ sao đối với Vệ tiểu thư thì lại hững hờ nhạt nhẽo, coi như kẻ cừu thù”.
Phi Loan quận chúa nghĩ quanh nghĩ quẩn lại nói:
– Vệ tiểu thư ơi! Tiểu thư cũng không nên trách phu quân ta. Đàn bà lấy chữ trinh làm trọng, một đời chồng trước đã chẳng ra gì, đến đời chồng sau lại thêm sự xấu xa, tài nào mà không khiến cho vương phi phải tức giận.
Phi Loan quận chúa đang ngồi ngẫm nghĩ thì bỗng có người khẽ lấy tai vỗ vào vai. Phi Loan quận chúa nghoảnh đầu nhìn lại, trông thấy Hùng Khởi Thần, vội vàng đứng dậy mà hỏi rằng:
– Phu quân về bao giờ thế? Mấy hôm nay có Lưu cữu phụ về, thiếp đã bẩm vương gia cùng vương phi, xin đến sáng ngày mai về thăm nhà, để bái yết Lưu cữu phụ.
Hùng Khởi Thần mỉm cười mà đáp rằng:
– Lưu cữu phụ có diện tâu thánh thượng về việc các nước thuộc ở Tây Vực, Đông Di và Bắc Nhung đều xin vào triều cống, thật là một sự “Thiên thu thịnh điển” vậy. Hiện nay triều đình đang trù tính việc nghênh tiếp, sự tổn phí ấy chưa biết trích vào khoản nào. Các quan triều thần xin vay tiền của dân, hoặc giảm các khoản chi tiêu về quân bị nhưng Doãn tướng công cùng phò mã Triệu Câu không nghe. Quan thương thư Tần Sĩ Thăng thì định tăng thuế muối, nhưng chưa tâu xin. Hôm nay có đệ tứ công tử là Triệu Thụy về kinh, tình nguyện quyên cho công khố hai trăm vạn. Công tử thuật chuyện cho biết là trong bấy lâu nay vẫn lưu tâm kinh doanh về thương nghiệp, phát tài kể hàng mấy trăm vạn. Nay nghe triều đình có việc, vậy xin quyên tiền để giuqp. Thánh thượng nghe nói rất lấy làm mừng. Quận chúa ơi! một nhà Hoàng Phủ bao nhiêu những bậc anh tài! Tôi thiết tưởng quận chúa nghe được tin này, hẳn cũng phải vui lòng hả dạ.
Phi Loan quận chúa nét mặt tươi cười, rôì nói:
– Đời thánh quân vẫn thường có nhiều việc hay, nhưng cũng bởi cha mẹ thiếp biết hết lòng khuyên bảo con cái phải giữ trọn nghĩa vụ. Bây giờ phu quân về đay, đã vào bái yết cao đường chưa?
Hùng Khởi Thần liền cười mà đáp rằng:
– Đã! Có lẽ nào chưa bái yết cha mẹ mà đã vào thê phòng!
Bấy giờ hai người cùng ngồi trò chuyện vui vẻ. Các nữ tỳ pha trà uống, Hùng Khởi Thần vừa cầm chén trà uống, lại vừa hỏi Phi Loan quận chúa rằng:
– Thế nào? Quận chúa đã vẽ được mấy bức tranh “Bách mỹ” rồi?
Phi Loan quận chúa nói:
– Tôi vừa mới vẽ phát máy bức, nhưng bức tranh thái hậu thì thật khó vẽ lạ thường, tấm lòng trung hiếu, dẫu nét bút nào cũng không có thể tả hết được. Vì thế mà tôi còn ngần ngừ chưa dám hạ bút.
Hùng Khởi Thần lại cười mà đáp rằng:
– Quận chúa thật có đại tài, tôi chắc cũng là một bậc thiên tiên giáng hạ trần thế vậy. Nếu không thì cớ sao trung hiếu tiết nghĩa, giữ trọn mọi điều, mà lại có được nét bức thiên nhiên ấy. Kiếp tu xưa ví chẳng dày phúc nào đối với giá này cho cân!
Nói xong, dịch ghế lại gần, khẽ cầm lấy tay Phi Loan quận chúa, Phi Loan quận chúa nói:
– Phu quân hãy nghe tôi nói. Tôi còn có một sự nghi ngờ muốn hỏi phu quân.
Hùng Khởi Thần nói:
– Có việc gì? Xin quận chúa cứ nói cho nghe.
Phi Loan quận chúa tủm tỉm cười mà bảo rằng:
– Tôi nghe nói phu quân đứng đắn khác thường, giống tính Hùng quận chúa, thế mà trong một tháng nay, ở chốn khuê phòng, lúc nào cũng thấy phu quân cười đùa bỡn cợt. Thảo nào vương phi vẫn bảo phu quân là một người không được nghiêm trang.

Hùng Khởi Thần nói:
– Thế mới thật lạ! Tôi ở chốn khuê phòng thì hay cười đùa bỡn cợt, nhưng đi ra ngoài thì lúc nào cũng rất nghiêm trang. Còn như gia huynh tôi quận chúa biết đâu rằng trong khi ở chốn khuê phòng, lại không cười đùa bỡn cợt hay sao! Nếu quận chúa nghi tôi là người không nghiêm trang thì quận chúa hãy thử nghĩ đó mà coi; nhan sắc của Văn Cơ, thiết tưởng lại có phần hơn quận chúa, thế mà tôi cùng nàng gần gũi hơn nửa năm trời, nàng dùng hết cách tài tình để chiều chuộng hoặc cợt ghẹo tôi, tôi vẫn trơ trơ lòng sắt đá. Bởi vậy nàng mới nổi cơn tức giận tức giận mà xé rách tập tranh “Bách mỹ” này. Sau Lã thị lại dùng những lời thô bỉ đối với tôi, khiến cho tôi xót thân tủi phận, đã mấy lần muốn cắn lưỡi chết. Thời gian thấm thoát, bỗng chốc trong mười mấy năm trời, ngày nay mới được loan phượng đẹp duyên, một nhà sum họp, chẳng lẽ cứ bo bo như người ngây dại mãi ru! Đã không là loài một thạch tất phải có tình sao quận chúa lại trách tôi điều đó!
Phi Loan quận chúa nói:
– Đối với việc nàng Văn Cơ, phu quân thật là tệ bạc! Phu quân đã hứa lời thề nguyện với nàng, cớ sao bây giờ lại đổi trắng thay đen, mà cưỡng bách nàng phải cắt tóc đi tu, khiến cho nàng luống chịu trăm cay nghìn đắng.
Nói xong, lại thuật những lời sư cụ Trí Tu cho Hùng Khởi Thần nghe. Hùng Khởi Thần nghe xong, lẩm nhẩm gật đầu rồi thở dài mấy tiếng mà rằng:
– Vệ Văn Cơ ơi! Năm xưa ta đã từng khuyên bào nhà ngươi, sao nhà ngươi không biết nghe ta, ngày nay đã xảy ra cớ sự này, lại huỷ bỏ dung nhan mà đem lòng hối hận. Quận chúa trách tôi bạc hạnh, nhưng biết nàng Văn Cơ chẳng khác chi những phường liễu ngỏ hoa tường. Đàn bà con gái dẫu đến nhà thường dân cũng còn biết quý chữ “trinh” huống chi các bậc vương hầu tử đệ. Khi ở thành Kim Lăng, tôi vì việc nước nhà mà phải bày kế, cớ sao lại kể là những lời thệ hải minh sơn. Tôi dẫu không bằng gia huynh tôi, nhưng thiết tưởng trong bọn nam nhi, trừ tôi ra không kể, chưa dễ đã được mấy người. Nếu quận chúa đem lòng nghi tôi thì thật là kiến thức hẹp hòi vậy.
Phi Loan quận chúa nói:
– Không phải tôi có lòng nghi phu quân đâu! Chỉ vì tôi sực nghĩ câu chuyện trước khi mười năm, tai biến bất thường, một nhà giam cầm, nhờ có lòng trung nghĩa của cao đường cảm thấu đến trời, khiến cho hai ta ngày nay lại được đẹp duyên cầm sắt. Ta nỡ nào an hưởng phú quý mà chẳng nghĩ chi đến nàng Văn Cơ. Nhưng mỗi khi nhắc đến chuyện nàng thì vương phi ta lại hầm hầm nổi cơn tức giận, cho nên tôi không dám giải bày sau trước. Tôi thiết tưởng ta nên tâu xin với thái hậu giáng chỉ triệu nàng cho vào tu ở Tiểu Hoa Sơn, chẳng hay phu quân nghĩ thế nào? Nếu phu quân bằng lòng thì sáng mai tôi về thăm nhà, khẽ nói với thân mẫu tôi để tâu thái hậu.
Hùng Khởi Thần cười mà khen rằng:
– Quận chúa thật là một người hiền đức, thiên hạ ít có! Đã không lấy điều lễ nghĩa nghiêm trách nàng Văn Cơ, mà lại còn mở lượng nhân từ, nghĩ thương đến nàng. Việc ấy quận chúa hà tất phải đợi hỏi tôi trước mới được, cứ liệu lời mà bẩm với thân mẫu.
Nói xong, liền tháo mũ cới áo, vào màn yên nghỉ. Sáng hôm sau, Phi Loan quận chúa bẩm với Vệ Dũng Nga vương phi, xin phép cho về thăm nhà. Phi Loan quận chúa nói:
– Dám bẩm vương phi! Nhân có Lưu cữu phụ con tiến kinh, xin vương phi cho con về thăm nhà, để được bái yết cữu phụ.
Vệ Dũng Nga vương phi nói:
– Ta nghe nói tiểu nữ nhà Lưu vương, người rất đoan trang diễm lệ, Lưu phu nhân đã định làm mối để gả cho nhị lang. Con về chuyến này, tất thế nào cũng uống được rượu mừng.
Phi Loan quận chúa về đến nhà Hoàng Phủ vừa gặp Lưu vương ở triều về. Phi Loan quận chúa sụp lạy mà rằng:
– Con là Phi Loan xin lạy chào cữu phụ!
Lưu vương mừng rỡ mà rằng:
– Sanh nữ ơi! Ta vẫn nghe tiếng con là người đã có tài học, lại giữ trọn một lòng tiết hiếu, bấy lâu nay xa cách bây giờ mới được gặp đây. Còn biểu muội con tên gọi Phương Anh kia, từ thuở nhỏ cũng có theo đòi bút nghiên, ta đem tới đây để chị em được cùng nhau trò chuyện.
Phương Anh tiểu thư ra chào Phi Loan quận chúa. Bấy giờ Gia Tường công chúa gần đến tháng sinh, đang tĩnh dưỡng ở trong dinh phò mã. Phi Loan bẩm với Tô phu nhân và Lưu phu nhân, xin vào thăm Gia Tường công chúa. Hai phu nhân gật đầu cho đi. Trân Khanh quận chúa cùng mọi người cũng đi theo. Khi đến cửa dinh phò mã, các nữ tỳ trông thấy Phi Loan công chúa ai nấy đều lấy làm mừng rỡ. Chúng reo to lên mà rằng:
– Đaị quận chúa nhà ta đã về!
Nói xong, vội vàng vào báo với Gia Tường công chúa. Gia Tường công chúa nghe báo, cũng mừng rỡ mà rằng:
– Cô nương nhà ta đã về! Mau mau ra mời vào đây!
Khi vào tới nơi, hai người cùng nhau truyện trò vui vẻ. Các nữ tỳ pha trà uống. Gia Tường công chúa cười mà bảo Phi Loan quận chúa rằng:
– Cô nương ơi! Phương Anh tiểu thư theo Lưu vương tới đây thật là một người sắc sảo lạ thường, so với Phật Châu tiểu thư ( con Cao Bí) mới về làm dâu nhà ta đây, khác nào như xuân lan thu huệ một nhà sum họp vậy. Hôm trước tôi bẩm rõ với Lưu phu nhân muốn cho Phương Anh tiểu thư làm bạn cùng nhị thúc, dẫu nhị thúc dẫu có lớn hơn dăm bảy tuổi, nhưng trai tài gái sắc tưởng cũng đẹp đôi. Hôm nay cô nương về đây,cũng nên nói với cữu phụ, nếu cữu phụ bằng lòng thì nên tức khắc cho chọn ngày để làm lễ cưới.
Phi Loan quận chúa cười mà đáp rằng:
– Việc ấy tất thế nào cữu phụ tôi cũng ưng thuận.
Phật Châu tiểu thư nói:
– Nếu vậy thì còn gì hay cho bằng!
Phương Anh tiểu thư nghe nói nét mặt đỏ bừng, có ý hổ thẹn. Gia Tường công chúa mỉm cười rồi bảo Trân Khanh quận chúa rằng:
– Trân Khanh con ơi! Con đưa cô nương lên Xuyết Cẩm Các để xem hoa đào nở.
Trân Khanh quận chúa vâng mệnh rồi tủm tỉm cười, cầm tay Phương Anh tiểu thư mà dắt lên Xuyết Cẩm Các.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.