Đọc truyện Tục Tái Sanh Duyên – Chương 4
Phi Giao hoàng hậu tâu rằng:
– Thánh thượng chớ nên như thế. Hùng hậu nguyên là chánh cung, hầu hạ thánh thượng đã lâu ngày, nếu thánh thượng xử như thế thì thành ra lỗi tại thần thiếp không biết khiêm nhượng. Thần thiếp vẫn một lòng trung thành không ngờ đắc tội với hoàng hậu. Ngày nay thánh thượng quá giận mà không đến tả cung thì tội thần thiếp bao giờ chuộc được, chi bằng thần thiếp xin đập đầu chết ở trước mặt thánh thượng là hơn.
Vua Anh Tôn bất đắc dĩ phải theo lời đi sang tả cung, nhưng trong lòng buồn bã, kể sao cho xiết. Khi vua Anh Tôn quay xe đi rồi, Phi Giao hoàng hậu trở vào trong cung, truyền đóng cửa cung lại, cấm trong ba ngày, không ai được tâu báo việc gì. Lại phái hai tên nội giám tức khắc sang tả cung để dò la tin tức vua Anh Tôn và Hùng hậu. Phi Giao hoàng hậu dặn hai tên nội giám rằng:
– Hễ thánh thượng và Hùng hậu nói năng cử động những thế nào, hai người phải phi báo cho ta biết. Nếu bỏ sót một điều gì thì ta tức thì xử trảm. Ta chỉ cho bảo mẫu và tên cung nữ chực hầu ở đây mà thôi. Khi nào thánh giá giáng lâm thì bay cứ nói là ta hiện đang dưỡng bệnh, không thể nghênh tiếp được.
Vua Anh Tôn nghe tin Phi Giao hoàng hậu bị bệnh, trong lòng lo sợ, liền truyền đi triệu thái y quan để vào cung thăm bệnh cho Phi Giao hoàng hậu. Mã Thuận quì xuống tâu rằng:
– Muôn tâu bệ hạ! Hoàng Phủ nương nương tính khí nóng nảy, nay đã hạ lệnh cấm không đươc triệu thầy thuốc, vậy xin thánh thượng chớ nên cố cưỡng, lại càng thêm hại, chi bằng chiều ý Hoàng Phủ nương nương mà truyền chỉ cho hai tên cung nữ Dương Nguyệt Anh và Trương Xảo Nhi đươc tứ tử đi là hơn.
Vua Anh Tôn nghe lời, truyền “Tứ tử” (ban cho chết) hai tên cung nữ ấy. Đến ngày thứ ba, Phi Giao hoàng hậu lại vào vấn an thánh thượng và thái hậu. Nguyên là vua Anh tôn đã đem việc ấy tâu với thái hậu, thái hậu cũng có lòng nghi ngờ Hùng hậu nhưng chưa nói ra. Đến khi Phi Giao hoàng hậu vào vấn an lại tự nhận tội mình, mà nhất mực tôn quý Hùng hậu. Bởi vậy thái hậu càng cho là thực, mà mặt ngoài ai cũng ca tụng đức hiền thục của Phi Giao hoàng hậu. Các quan trong triều, lại còn có những phường cầu cạnh, đều theo ý thái hậu mà nghị luận là Hùng hậu có lòng ghen tuông. Hùng Hiệu đứng trong triều nghe được tin ấy, rất lấy làm buồn bã. Một hôm, Hùng Hiệu ở trong triều về, thuật chuyện cho phu nhân là Vệ Dũng Nga nghe. Vệ Dũng Nga nín lặng chưa nói câu gì thì con trai là Hùng Khởi Phượng cau mày mà thưa rằng:
– Dám thưa thân phụ và thân mẫu! Việc này chưa chắc đã thật như thế. Em con xưa nay vốn là người thuận tục, có lẽ nào tự nhiên lại biến ra tính cương cường. Con e rằng có đứa gian nhân bịa chuyện nói phao, mà thượng hoàng và thái hậu không xét chân tình, đó thật là một mối họa cho nhà ta vậy.
Vệ Dũng Nga vương phi thở dài mà than rằng:
– Thế này mới thật là làm ơn nên oán! Việc đã xãy ra như vậy, biết nói thế nào. Thôi thì ta chỉ trông cậy về phúc đức của nhà ta đó mà thôi.
Hùng Hiệu cười mà bảo rằng:
– Có khó chi việc này. Ta bảo con gái ta nhường ngôi hoàng hậu đi cho rồi, à ta đây cũng cáo quan xin về, vợ chồng cùng nhau hưởng thú thanh nhàn ở chốn điền viên, thế là yên việc. Vương hầu phú quý, sao bằng sơn trung tể tướng ( thuở xưa có ông ẩn sĩ Đào Hoằng Cảnh người đời bấy giờ vẫn gọi là quan tể tướng ở trong núi) là được an lạc hơn.
Bỗng thấy nữ tỳ vào báo rằng:
– Có quan Tần học sĩ vào yết kiến.
Hùng Khởi Phượng nghe nói, vội vàng ra nghênh tiếp. Tần học sĩ tươi cười mà bảo rằng:
– Hôm nay tiết thu mát mẻ, tôi muốn mời niên huynh đi du ngoạn một chút. Độ này chúng ta cứ phải tu thư ở trong sử quán mãi, cũng nên có lúc giải trí.
Hùng Khởi Phượng vâng lời ra đi. Mỗi người cưỡi một con ngựa, đi dạo xem phong cảnh. Nguyên Tần học sĩ tên gọi Sĩ Thăng, tên tự là Lãng Vân. Người ở Tiểu Đường. Tức là một ông bảng nhãn đỗ đồng khoa với Hùng Khởi Phượng. Tấn Sĩ Thăng có tính hào hoa, đam mê phong nguyệt. Hôm ấy rủ Hùng Khởi Phượng đến Xuân Vân viện, rồi cho gia tướng vàotrước báo cho mụ chủ. Mụ chủ tất tả chạy ra, theo sau đó có bốn ả mày ngài, đón mời Tần Sĩ Thăng và Hùng Khởi Phượng vào trong nhà. Mụ lại vuốt ve bốn ả mày ngài rồi trỏ từng người mà trình với Tần Sĩ Thăng và Hùng Khởi Phượng rằng:
– Ả này tên gọi là Hoa Trung Cẩm; ả này tên gọi là Nguyệt Hạ Giao; ả này tên gọi Châu Liêm Tú; ả này tên gọi Bách Hoa Khôi.
Bấy giờ bốn ả đứng xùm chung quanh, ngọc nói hoa cười, mỗi người một vẻ. Bốn ả cùng liếc mắt nhì trộm Hùng Khởi Phượng mả nghĩ thầm rằng: Con mắt chúng ta được ngắm đàn ông tưởng cũng đã nhiều, nhưng chưa thấy ai đẹp như người này! Cứ như dung mạo người này thì chẳng những nam tử không ai bằng, mà dẫu đến trong bọn nữ lưu cũng khó có người đã sánh kịp vậy.
Bấy giờ bốn ả đua nhau mà hiếm cuộc vui.Câu chuyện pháo ran, vẻ cười hoa nờ. Một lúc, người nhà bày tiệc, tay tiên chuốc rượu, chén quỳnh đầy vơi, Tần Sĩ Thăng rượu đã ngà ngà say, truyền ca một khúc để nghe thử. Bốn ả vâng mệnh, hai người đàn hai người hát, Tần Sĩ Thăng gật gù khen rằng:
– Hay! Được đó!
Hùng Khởi Phượng chỉ ngồi tủm tỉm cươì, không nói câu gì, Tần Sĩ Thăng cả cười mà bảo rằng:
– Niên huynh ơi! Hoa nô thật đủ mọi tài, đem nay niên huynh cùng đệ hãy ngủ chơi tại đây đến sáng mai sẽ về.
Hùng Khởi Phượng nói:
– Niên huynh có lòng yêu mà lưu lại, đáng lẽ đệ phải vâng lời, nhưng hai thân đệ ở nhà, vẫn lấy việc “hiệp tà” làm nghiêm giới, vậy đệ cũng không dám trái lệnh.
Nói xong, đứng dậy cáo từ. Tần Sĩ Thăng vội nắm lấy áo mà bảo rằng:
– Sao niên huynh lại sơ tình với đệ như thế! Nếu không ngủ đây thì cũng hãy ngồi chơi thư thả, khi nào hứng tận sẽ về.
Mụ chủ hỏi dò các gia tướng, biết là Hùng quốc cữu, lại càng hết sức phụng thừa, khẻ bảo thầm mấy ả mày ngài kia cố tình mà vồn vã một cách rất đặc biệt, Hùng Khởi Phượng bất đắc dĩ lại phải ngồi vào chiếu rượu. Bỗng nghe văng vẳng có tiếng khóc, Hùng Khởi Phượng hỏi:
-Quái lạ! Tiếng ai khóc mả thảm thiết như thế?
Bách Hoa Khôi nói:
– Số là tháng trước, chủ nhân tôi mới mua được một người con gái quê ở Vân Nam, họ Hạng tên là Hoa Tu. Nàng không chịu theo vào khuôn phép, chủ nhân tôi đã dánh đập mấy lần, ba ngày nay không cho ăn uống chi cả. Nàng chỉ lăm le tìm dao chực đâm cổ mà chết. Chủ nhân tôi sai chúng tôi đến khuyên dỗ thì trăm phương nghìn kế, nàng cũng không nghe, lại nhiếc mắng chúng tôi là đồ bất lương vậy.
Tần Sĩ Thăng hỏi:
– Nàng nói những thế nào?
Bách Hoa Khôi đáp rằng:
– Nàng nói: “Đàn bà con gái chỉ quí về trinh tiết, nếu không giữ được trinh tiết thì đáng kể làm người. Tô đây hổ phận con nhà trâm anh, không thể đem thân làm nghề lá gió cành chim, sớm đào tối mận như ai được. Cái kiếp cười gượng này thật giết người không dao, làm cho đổ quán xiêu đình, thân nghìn vàng để ô danh má hồng. Huống chi dẫu sao cũng ở tay người, một cười nghìn lạng, chẳng qua chỉ cách làm giàu cho chủ, đến khi hương rơi phấn rụng, nào ai là kẻ tiếc lục tham hồng. Bấy giờ đầu bạc má nheo, con chẳng có, chồng cũng không, lại còn một nỗi xót xa là đeo thêm bệnh phong lưu thì dẫu than tÂy tử, mà người trông thấy, cũng phải nghoảnh lại làm thinh vậy”. Hai vị quý nhân ơi! M61y câu nàng nói, thật chẳng câu nào bỏ đi, khiến cho tiện thiếp nghe lời, khônác nào như người vầm chậu nước mà dội vào mình, giấc mê mộng bỗng thình lình sực tỉnh.
Nỗi riêng lưỡng lự tàn canh
Chim lồng khôn nhẽ cất mình bay cao!
Bách Hoa Khôi nói xong, hai hàng nước mắt chảy xuống ròng ròng, Hùng Khởi Phượng không mà rằng:
– Quái lạ! Chẳng hay người thế nào mà có những lời nghị luận cao kỳ như thế. Thử gọi nàng ra đây xem nào.
Hoa Trung Cẩm nói:
– Trong hai thánh nay nàng không chịu dời đi đâu một bước, bây giờ gọi vị tất đã ra.
Hùng Khởi Phượng đứng dậy mà bảo Tần Sĩ Thăng rằng:
– Niên huynh cùng đệ cùng đến xem sao.
Tần Sĩ Thăng đang đùa với Nguyệt Hạ Giao, đã toan không đi, nhưng chiều ý Hùng Khởi Phượng, cũng phải đứng dậy, Bách Hoa Khôi nói:
– Để tiện thiếp xin dẫn đường.
Tần Sĩ Thăng và Hùng Khởi Phượng theo Bách Hoa Khôi cùng đến tây lâu, quả nhiên thấy một người con gái ngồi ở trong phòng, đầu bù tóc rối, đang nức nở khóc. Dẫu biết có người đến mà vẫn không đứng dậy, tiếng kiều thổn thức, giọt lệ chứa chan, trông thật thương tình. Hùng Khởi Phượng chú ý mà nhìn, rồi nghĩ thầm rằng:
– Người con gái này quả là bậc ngọc nói hoa cười, chim sa cá lặn… Ta vẫn tưởng phu nhân ta đã vào hàng tuyệt sắc, ai ngờ so với người này hãy còn kém xa. Xinh đẹp thật! Người này xinh đẹp thật! Hạt châu lã chã lại càng xinh đẹp bội phần, trông như một bó hoa lê có điểm mấy giọt mưa xuân vậy.
Hùng Khởi Phượng ngồi ngây người ra đấy mà nghĩ. Bách Hoa Khôi bảo nàng Hạng Hoa Tu rằng:
– Đây là Tần học sĩ và Hùng quốc cữu, nghe tiếng chị mà đến xem mặt đó.
Nàng Hạng Hoa Tu xua tay mà đáp rằng:
– Chị Bách Hoa Khôi ơi! Em vẫn nói là em không tiếp ai cả, sao chị lại còn mời các người đến?
Bách Hoa Khôi:
– Hai vị quý nhân đây chẳng qua chỉ muốn đến hỏi chuyện chị đó mà thôi.
Nàng Hạng Hoa Tu nói:
– Người ta ai mất tiền hoài đến đây! Đã bước chân vào đây, ai cũng là khách cầu vui mua cười cả. Em tiếp mà làm gì!
Tần Sĩ Thăng cười mà bảo rằng:
– Con yêu quái này, dám nói những câu khinh người! Đã đành rằng ai cũng bước chân vào đây, cũng đều như thế, nhưng chắc đâu lại chẳng có người không như thế hay sao! Nàng hãy lại đây tiếp kiến vị quốc cữu này, hoặc giả duyên trời xui khiến mà người rủ lòng cứu vớt nàng, chẳng cũng hay lắm ru.
Nàng Hạng Hoa Tu nghe nói, ngẩng đầu nhìn hai người, rồi lại gạt nước mắt mà tâu:
– Vương hầu công khanh mà làm gì, nếu không có lòng hào hiệp thì dẫu tiếp kiến cũng vô ích!
Hùng Khởi Phượng cười mà bảo rằng:
– Sao nàng dám khinh trong bọn vương hầu công khanh không có tay hào hiệp. Bây giờ nàng muốn thế nào thì nàng cứ nói, tôi và ông Tần học sĩ đây họa may sẽ làm được một tay hào hiệp mà cứu vớt cho nàng chăng!
Nàng Hạng Hoa Tu nghe nói, mới đứng dậy sửa áo, khẽ rón rén đến gần trước mặt hai ngườicúi chào mà thưa rằng:
– Hai vị quý nhân đã có lòng đoái thương đến tiện thiếp, vậy tiện thiếp xin giải bày nguyên do: Thân phụ thiếp khi trước làm quan tri phủ Thanh Châu, phải bồi khoản tiền lương hơn mười vạn, thành ra gia sản đều bị tịch ký cả. Sau thân phụ cùng thân mẫu thiếp phút bỗng tạ thế, chỉ sót lại có một thân thiếp, phải nương tựa ở nhà cữu mẫu. Ai ngờ cữu mẫu chẳng chút lương tâm, đem thiếp bán vào chốn yên hoa này, nghe đâu thân giá được tám trăm lạng. Khi thiếp tới đây, mới biết nông nỗi, sống cũng dở mà chết cũng dở. Chủ nhân thiếp vẫn tưởng là một món buôn có lợi, ai ngờ vốn nhà khó thu lại được, thế thì của đau con xót, cái tay tàn nhẫn, thiếp đây cũng chẳng dám trách chi. Thiếp đến đây đã gần ba tháng, hàng ngày chỉ cầm hơi một vài lưng cháo, há còn biết sống là vui. Hai vị quý nhân ơi! Nếu thiếp liều mình chết đi thì cái nợ tiền kiếp của chủ nhân thiếp đời nào trả hết, bởi vậy thiếp ngần ngừ khó quyết, còn mong có tay hào hiệp nào chịu đem nghìn vàng mà chuộc cho thiếp thì cái ơn ngậm vòng kết cỏ ấy, sau này thiếp cắt tóc đi tu, xin đêm ngày cầu nguyện để báo đền đôi chút vậy.
Nàng Hạng Hoa Tu nói xong, hai hàng nước mắt lại chảy xuống đầm đầm… Tần Sĩ Thăng cả cười mà bảo rằng:
– Lạ thay cho nàng! Nàng muốn người ta bỏ nghìn vàng đê chuộc nàng, trừ phi những nhà vương hầu thì mấy người có nghìn vàng mà dám bỏ. Hiện nay Hùng quốc cữu đây có thể bỏ tiền giúp nàng được, nàng không biết cầu, lại dám khinh nhà vương hầu không có tay hào hiệp.
Nàng Hạng Hoa Tu nói:
– Không phải thiếp dám khinh các nhà vương hầu, chỉ vì nếu các nhà vương hầu đã bỏ tiền ra mà chuộc cho thiếp thì tất lại bắt thiếp dự vào trong màn ngoài trướng. Thế thì hoa mọc dưới bùn, còn có thể bất nhiễm được, chứ giấm chua lại tội bằng ba lửa hồng. Bể ái đầy vơi, hà tất còn mua lấy cơn phiền não. Vả thân phụ thiếp làm quan thuở xưa giữ được một niềm thanh bạch, nỡ nào mà để cho phải tủi nhục ở dưới suối vàng.
Tần Sĩ Thăng cười mà bảo rằng:
– Nghe lời nàng nói, nghĩ cũng buồn cười. Nàng đã bước chân vào chốn thanh lâu này, hồ dễ ai lại còn cùng nàng đẹp duyên cầm sắt.
Hùng Khởi Phượng bảo Tần Sĩ Thăng rằng:
– Người ba đấng của vạn loài, nếu vậy thì để đệ sẽ nói chuyện với nàng.
Tần Sĩ Thăng và Hùng Khởi Phượng đều ngồi xuống ghế. Nguyệt Hạ Giao nét mặt tươi cười, tay bưng chén trà mời uống. Hai người cầm chén lấy chén trà uống. Hùng Khởi Phượng bảo nàng Hạng Hoa Tu rằng:
– Nàng đã quyết chí như vậy thì sau này nàng chớ nên hối hận, để tôi sẽ bảo người đem món tiền ấy trả lại mụ chủ đây.
Nói xong, liền quay lại bảo tên tiểu đồng rằng:
– Mày ra nói với mụ chủ, rồi về nhà lấy một nghìn lạng bạc đến đây cho ta.
Tên tiểu đồn vâng lệnh đi ngay. Bách Hoa Khôi nói:
– Nếu vậy thật hay! Chị Hạng Hoa Tu đã sắp được lên tiên vậy. Bây giờ việc đã thành toàn, xin mời hai quý nhân lại về nhà khách, rồi chị Hạng Hoa Tu nên điểm trang sạch sẽ để ra lạy tạ quốc cữu đi.
Tần Sĩ Thăng và Hùng Khởi Phượng quay ra nhà khách. Bấy giờ trong nhà khách lại bày tiệc hoa, dẫu không dị phẩm kỳ trân, nhưng cũng gia hào mỹ vị. Bốn người ca nữ lại tây tiên nâng chén rượu đào, rồi cùng nhau chuốc rượu. Cung đàn êm ái, giọng hát nỉ non, thật là miệt mài trong cuộc truy hoan vậy. Tần Sĩ Thăng vui cười, lại trỏ Hùng Khởi Phượng mà rằng:
– Cuộc vui hôm nay là nhờ ơn huệ của Hùng quốc cữu!
Tiệc hoa đang nhiệt náo thì người nhà của Hùng Khởi Phượng đã đem một nghìn lạng bạc đến, cả thảy mười phong. Hùng Khởi Phượng gọi mụ chủ vào bảo rằng:
– Khi trước mụ mua nàng Hạng Hoa Tu, thân giá tám trăm lạng bạc, nay ta cứ nguyên ngân phát hoàn, nhưng thứ bạc khố ngân này so với thứ dụng ngân của mụ, còn cao hơn quá trăm lạng bạc nữa, thế thì tất mụ đã được vừa lòng. Còn hai trăm lạng này, mụ giao cho nàng, về sau xuất gia hay là tại gia, tùy nàng tự chủ. Mụ phải tiếp đãi nàng cho tử tế, nếu còn tham tâm mà ức hiếp nàng, ta sẽ nghiêm trị.
Mụ chủ cúi đầu lạy ta, lại gọi nàng Hạng Hoa Tu bảo đến tạ ơn Hùng Khởi Phượng. Bấy giờ nàng Hạng Hoa Tu đã trang điểm một cách nhã đạm, lững thửng bước vào. Tần Sĩ Thăng và Hùng Khởi Phượng lại chú ý mà nhìn thì quả nhiên là một bậc Vu Sơn thần nữ vậy. Khi ấy nàng không âu sầu như trước, hai má đỏ hồng hồng, trông lại càng kiều diễm. Nàng cúi đầu mà thưa rằng:
– Dám thưa quốc cữu! Ngày nay tiện thiếp được đội ơn to của quốc cữu đã bỏ nghìn vàng mà cứu vớt cho tiện thiếp ra khỏi lò lửa này, từ đây trở đi, tiện thiếp mới biết các nhà vương hầu cũng có tay đại hào hiệp, không dám khinh thường vậy.
Nói xong sụp xuống đất lạy, Hùng Khởi Phượng vội vàng đỡ dậy mà bao rằng:
– Có sá chi vậy ấy mà nàng phải thâm tạ. Thôi, từ đây nàng nên nghĩ tìm lấy chỗ nương thân.
Nàng Hạng Hoa Tu lại quì xuống mà thưa rằng:
– Dám thưa quốc cữu! Tiện thiếp này, cha mẹ tạ thế cả, chỉ có một thân một mình. Ngày nay quốc cữu đã bỏ nghìn vàng cứu cho tiện thiếp ra, nhưng bốn bể không nhà, thân này nào biết về đâu cho được. Vậy tiện thiếp xin cam tâm đem thân làm nô tỳ ở phủ quốc cữu, để gọi chút báo đền ơn to ấy.
Hùng Khởi Phượng chưa kịp trả lời thì Tần Sĩ Thăng cả cười mà bảo rằng:
– Nếu vậy thì câu nói lúc nãy đã khác nhau rồi! Vừa đây, nàng khăng khăng một mực khinh rẻ các bậc vương hầu, tình nguyện cắt tóc đi tu, ngày nay trông thấy nghìn vàng, đã vội đổi thay chủ ý.
Nàng Hạng Hoa Tu nói:
– Dám thưa quan Tần học sĩ! Ngài dạy thế là lầm. Lúc nãy khác, bây giờ khác, khi nào lại giống nhau được!
Hùng Khởi Phượng nói:
– Không phải là tôi có ý gì mà giúp nàng đâu. Tôi thấy nàng là người thanh trinh, vậy nghĩ thương tình, bỏ tiền ra giúp, nay nàng lại về với tôi thì trái với lòng tôi muốn giúp nàng. Vả nhà tôi xưa nay gia pháp rất nghiêm, thân phụ tôi đã làm đến vương tước mà cũng không có thị thiếp, thân mẫu tôi càng nghiêm khắc hơn. Nếu tôi đem nàng về thì tất hai thân tôi không bằng lòng. Tôi bị quở mắng đã đành, nhưng lại thêm dở dang cho nàng vậy.
Hùng Khởi Phượng nói xong, truyền đem hai mươi lạng bạc chi tiền rượu cho mụ chủ, rồi đứng dậy ra về. Tần Sĩ Thăng nắm lại mà bảo rằng:
– Niên huynh đã bỏ nghìn vàng ra cứu nàng, nay nàng đang độ tuổi xanh, nỡ nào mà để cho phải xuất gia đầu Phật. Đệ thiết tưởng niên hi cũng nên nghe lời nàng mà cứu nàng cho trọn.
Hùng Khởi Phượng nói:
– Nếu vậy thì niên huynh nên đem nàng về nhà, tôi nghe lệnh tẩu là người hiền thục, dẫu vườn có thêm hoa, chắc cũng không thị phi gì vậy.
Tần Sĩ Thăng nói:
– Có lẽ nào lại như thế! Nàng là người của niên huynh, khi nào đệ dám đoạt ái. Huống chi nàng chỉ yêu mến người hào hiệp, mà đệ nay là một kẻ hàn sĩ, dẫu trong nhà không nạn sư tử, nhưng cành hoa kia hồ dễ đem cắm cây này!
Nàng Hạng Hoa Tu nói:
– Tiẹn thiếp chỉ muốn được quý nhân hứa cho một lời thì dẫu phải chờ đợi trong tám năm hoặc mười năm, tiện thiếp cũng không quản, khi nào ngài bẩm với cao đường, có thể cho tiện thiếp về được sẽ hay.
Hùng Khởi Phượng cúi đầu ngẫm nghĩ, chưa kịp trả lời thì Tần Sĩ Thăng nói:
– Nàng Hạng Hoa Tu đã quyết chí như thế thì Tần Sĩ Thăng này dẫu không phải là tay hào hiệp, nhưng cũng chẳng đến nỗi máu lạnh như ai, vậy xin hãy tạm đem nàng về lưu trú tại nhà tôi, ở riêng một chốn tiểu lậu, đợi khi nào niên huynh bẩm với cao đường rồi, bấy giờ sẽ đón ngọc nhân về nơi kim ốc.
Mọi người nghe nói đều khen là diệu kế. Hùng Khởi Phượng cũng xin cảm tạ lòng quý báu ấy, lại bảo nàng Hạng Hoa Tu rằng:
– Quan Tần học sĩ đây vốn tính hiền hậu, vậy nàng cứ về đấy đợi tôi trong nửa năm hoặc một năm, nếu không được tin tôi thì đã có Tần học sĩ đây, nàng cũng không ngại. Tôi xin nói thực nàng chớ hiểu lầm.
Nàng Hạng Hoa Tu liền quì xuống lạy tạ, khóc mà nói với Hùng Khởi Phượng rằng:
– Tôi muốn xin quý nhân một vật làm kỷ niệm.
Hùng Khởi Phượng ngần ngừ không chịu cho, Tần Sĩ Thăng đứng gần đấy, liền cởi viên ngọc đeo lưng của Hùng Khởi Phượng mà đưa cho nàng Hạng Hoa Tu. Nàng cầm lấy xem thì tức là một viên “Song long bảo châu”, ánh sáng lóng lánh. Hùng Khởi Phượng toàn đòi lại, nàng Hạng Hoa Tu đã giắt ngay vào trong mình, rồi cúi đầu lạy tạ. Lại quay lại lạy ta Tần Sĩ Thăng. Tần Sĩ Thăng hớn hở mà bảo rằng:
– Nếu vậy hay! Bây giờ nàng đã chịu lạy tôi rồi đó.
Bấy giờ mụ chủ và các ca nữ cùng tiễn Hùng Khởi Phượng ra cửa. Hùng Khởi Phượng từ biệt Tần Sĩ Thăng rồi lên ngựa về thành. Tần Sĩ Thăng tức khắc truyền người sắp kiệu để đưa nàng Hạng Hoa Tu về. Mụ chủ giả cách khóc lóc mà thương tiếc nàng. Nàng Bách Hoa Khôi năm lấy vạt áo thổn thức mà bảo rằng:
– Hiền muội ơi! Ngày nay thật là ngày đăng tiên của em đó. Thương thay cho chị đây, bao giờ lại được sum họp cùng em. Sau này em về ở phủ quốc cữu, cũng chớ nên quên những lời đồng tâm với nhau trong mấy tháng trời vậy.
Nàng Hạng Hoa Tu ứa nước mắt mà đáp rằng:
– Chị Bách Hoa Khôi ơi! Trong mấy tháng trời nay chị có lòng tử tế mà chu toàn cho em, ơn ấy bao giờ quên được. Sau này còn mong có ngày gặp gỡ cùng nhau.
Trong khi tiễn biệt, ai nấy đều nước mắt sụt sùi. Tần Sĩ Thăng về trước, liền đem sự thể đầu đuôi thuật chuyện cho vợ là Trương phu nhân nghe. Trương phu nhân mừng rỡ, vội sai nữ tỳ ra đón nàng Hạng Hoa Tu vào. Khi nàng Hạng Hoa Tu bước vào. Trương phu nhân trông thấy vẻ ngọc nét hoa, cũng phải ngây người ra mà nhìn, lấy làm kinh ngạc. Nàng Hạng Hoa Tu liền sụp xuống đất lạy chào, Trương phu nhân vội vàng đỡ dậy mà bảo rằng:
– Tấm nhan sắc xinh đẹp tuyệt trần nà, chẳng hay Hùng quốc cữu khéo tu từ kiếp nào mà gặp gỡ duyên may ấy! Xin mời nàng ngồi!
Nàng Hạng Hoa Tu nói:
– Có lão gia và phu nhân, khi nào tiện tỳ nào dám ngồi.
Tần Sĩ Thăng cười mà bảo rằng:
– Để tôi lui ra cho nàng ngồi nói chuyện. Nàng Hạng Hoa Tu ơi! Nội nhân tôi đây cũng là một tay nữ sĩ, tính ham xem sách lắm, nàng ngồi nói chuyện với nội nhân tôi tôi cho vui. Nhà tôi vốn nho môn thanh bạch, ăn uống không được xa hoa như các bậc vương hầu, nhưng nàng cũng nên nhẫn nại ít lâu để chờ đợi Hùng quốc cữu.
Tần Sĩ Thăng vừa nói vừa đứng dậy lui ra. Trương phu nhân kéo tay nàng Hạng Hoa Tu mời ngồi. Nữ tỳ pha trà uống, rồi bẩm với Trương phu nhân rằng:
– Dám bẩm phu nhân! Phu nhân truyền cho nàng Hạng Hoa Tu ngủ tại chỗ nào, để chúng tôi sửa soạn!
Trương phu nhân truyền chọn chốn tây lâu, để cho nàng Hạng Hoa Tu ở. Các nữ tỳ vâng mệnh, tức khắc đem màn trướng gối nệm lên chốn tây lâu mà kê giường nằm. Nàng Hạng Hoa Tu cảm tạ Trương phu nhân mà rằng:
– Chúng tôi chút thân lưu lạc, hổ phận tôi đòi, nhờ lão gia đây nói với Hùng quốc cữu mà cứu vớt cho. Nay lại gặp phu nhân có lòng tử tế, kẻ hèn mọn này được chỗ nương thân.
Trương phu nhân nói:
– Nàng dạy quá lời! Nàng có mắt tinh đời mà biết được Hùng quốc cữu, vì Hùng quốc cữu còn sợ lệnh cao đường mà chưa dám đem nàng về. Phu quân tôi đây chẳng qua cũng là “Thành nhân chi mỹ” ( giúp nên sự tốt của người) mà khiến nàng phải tạm nương náu ở đây, lại thêm một sự buồn rầu cho nàng vậy.
Nàng Hạng Hoa Tu nghĩ thầm: “Phu nhân nói năng thật là khôn ngoan rất mực! Cứ xem nhan sắc thì phu nhân chẳng qua cũng thường bậc trung, nhưng đức hiền thục, quả đã hơn người vậy.” Trương phu nhân đưa nàng Hạng Hoa Tu lên chốn tây lâu, rồi hai người lại cùng ngồi nói chuyện. Nàng Hạng Hoa Tu khóc lóc mà kể hết nông nỗi trong mười năm trời cho phu nhân nghe. Từ khi cha nàng làm tri phủ Thanh Châu như thế nào, phải bồi khoản lương tiền những thế nào, cho đến khi người chết của hết, cửa nhà sa sút, nàng phải nương tựa ở cữu mẫu mà bị bán mình vào chốn yên hoa.
Nàng Hạng Hoa Tu nói:
– Phu nhân ơi! Thương hại cho thân tôi mới lên mười tuổi, đã lưu lạc vào nhà hồng lâu Khi tôi mới đến dấy, thật ngơ ngẩn chưa biết thế nào, học hát học đàn còn lấy chi làm vui thích. Mụ chủ coi tôi như mỏ vàng của mụ, mà trong bọn chị em hồng phấn đều phải nhường là bậc hoa khôi. Không ngờ năm tôi mười ba tuổi, mụ chủ đem tôi ép khách, tôi quyết chí không theo thì mụ đánh đập khổ sở, thấm thoát lại ba năm nữa cho đến ngày nay. Một hôm mụ đánh lừa tôi, giả cách thương xót tôi là con nhà trâm anh, muốn đem tôi gởi vào nhà chùa, để mụ giữ lấy chút âm đức. Tôi cũng nghĩ như vậy, ai ngờ mụ lòng lang dạ thú kia lại đem tôi bán vào Xuân Vân viện. Khi tôi vào tới đấy, chủ nhân tức khắc dùng cách nghiêm hình. Thương xót cho thân tôi, thịt nát máu dây, trăm phần đau đớn. Tôi phải nói chủ nhân khất lại ít ngày, để may ra có ai thương đến mà chuộc tôi chăng. Nhờ có chị Bách Hoa Khôi ở đấy cũng kêu van giúp, chủ nhân mới nghe. Phu nhân ơi! Vương tôn quý khách bước chân đến đấy, nào ai là người tiếc ngọc thương hoa. Ngờ đâu oan nghiệt đã qua, cho nên lòng trời xui khiến, có Hùng quốc cữu đến. Lại được lão gia đây nói giúp mà chút thân bèo bọt có chỗ nương nhờ. Nay gặp phu nhân lại là một đức Quan Âm hiện thân, xin phu nhân rộng lượng mà dạy bảo cho. Trong nghề mũi chỉ đường kim, tôi đã hơi am hiểu; vậy về việc may vá nếu phu nhân dùng đến, tôi cũng giúp được một vài.
Nói xong, quì xuống đất mà thưa rằng:
– Phu nhân ơi! Ngày nay tôi không gặp được phu nhân thì đành phải cắt tóc đi tu, đem thân nương nhờ bóng từ bi. Đó là câu tâm phúc của kẻ hèn mọn này, xin thực tình mà giải tỏ cùng phu nhân vậy.
Trương phu nhân nghe nói động lòng thương xót, cũng ứa hai hàng nước mắt xuống, và lấy tay đỡ nàng Hạng Hoa Tu dậy mà bảo rằng:
– Cảnh ngộ của nàng, nói ra càng thêm não lòng tôi nghe đã được hiểu hết. Nàng cứ yên tâm ở đây, cùng tôi kết làm chị em bạn. Nhà tôi dẫu thanh bạch, nhưng chưa đến nỗi phải lo sự ấm no. Nàng ở đây chờ đợi nửa năm hoặc một năm, hễ quốc cữu không đón nàng về thì tôi sẽ sang tận nơi mà mà nói giúp cao đường cùng phu nhân nhà quốc cữu, thế nào cũng yên việc. Duy có một điều này tôi xin nói thực: số là phu quân tôi vốn tính phong lưu, hay ham những đường hoa nguyệt. Đã đành rằng đối với quốc cữu thì tình bằng hữu là trọng, nhưng chỉ sợ trong khi quá chén, khó lòng giữ được chu toàn. Thế thì nàng nên ở biệt tại chốn tây lầu này, rồi hàng ngày tôi sang đây trò chuyện. Tôi thấy nàng là người trinh bạch, vậy phải nói thực, xin nàng nhớ lời.
Nàng Hạng Hoa Tu cúi đầu lạy tạ mà thưa rằng:
– Đạ tạ những lời huấn dụ của phu nhân, nếu vậy thì phu nhân thật là một người đại nhân đức.
Trương phu nhân đỡ dậy rồi cười mà bảo rằng:
– Hai ta đã kết giao với nhau thì nên phải thực tình, nhưng tôi mới được biết nàng, mà nói như thế: “giao thiển nhi ngôn thâm” ( mới kết giao mà nói những câu tâm phúc) vậy. Còn một điều này nữa tôi cũng xin nói:
– Tên nàng là hai chữ “Hoa Tu”, nhưng hoa nở rồi có lúc hoa rụng, khác nào cái gương bạc mệnh của khách hồng nhan. Đàn bà con gái, chỉ quý về có một điều giữ được danh tiết. Tấm lòng trinh bạch của nàng ví như là một viên ngọc trong giá trắng ngần, vậy nàng nên đổi tên làm hai chữ “Nhọc Thanh” thì mới quả là danh thực tương xứng vậy.
Nàng Hạng Hoa Tu mừng rỡ, liền cúi đầu lạy tạ. Trương phu nhân mà rằng:
– Đa tạ phu nhân đã đem hai chữ “Ngọc Thanh” ra mà đặt tên cho kẻ hèn mọn này. Tiện thiếp ngày nay chẳng những vượt khỏi nơi khổ hải, lại được bước chân vào chốn thiên đường. Phu nhân ơi! Hạng Ngọc Thanh này biết đời kiếp nào mà báo đáp được ơn trời bể ấy.
Hai người chuyện trò cùng nhau, đã gần hết canh ba, bấy giờ Trương phu nhân mới cáo từ lui ra, bảo một đứa nữ tỳ tên gọi Thúy Liễu ngủ tại đấy để hầu hạ nàng Hạng Ngọc Thanh. Nàng Hạng Ngọc Thanh thơ dài mà than rằng:
– Sao thế gian có người đại hiền như thế này! Tài trí khôn ngoan, tính nết lại trung hậu, Hạng Ngọc Thanh này phúc bạc, chẳng biết có được sum họp cùng một bậc đại hiền này hay không?
Nói xong, cởi áo ngoài đi nằm, , con nữ tỳ Thúy Liễu thì nằm ở một cái phản thấp. Bấy giờ nàng Hạng Ngọc Thanh vui lòng hả dạ, lại ngẫm nghĩ đến những việc ban ngày: “Ta chưa biết được cao đường nhà Hùng quốc cữu nghiêm khắc những thế nào, và chính thất phu nhân ra làm sao, giả sử ta chờ đợi trong tám năm hoặc mười năm mà việc không đâu thì há chẳng uổng phí một đời xuân xanh lắm ru!” Nàng Hạng Ngọc Thanh nghĩ quanh nghĩ quẩn, rồi lòng lại nhủ lòng rằng: “Hạng Ngọc Thanh ơi! Ngày nay chắc nàng đã được mãn nguyện còn áy náy chi nữa! Lúc đầu nàng có ngờ đâu là lại có tay hào hiệp chịu bỏ nghìn vàng ra để cứu vớt cho nàng. Nay gặp Hùng quốc cữu, lại gặp một vị phu nhân từ thiện này thì thân nàng khác nào như một người đã được đăng tiên, sao nàng lại còn tham cầu phú quý. Giả sử sau khi tám năm hoặc mười năm, Hùng quốc cữu có thất ước mà nàng phải cắt tóc đi tu nữa thì trước là sám hối tội ác của mình, sau là báo đền ân nghĩa của Hùng quốc cữu, há chẳng hay lắm ru!”
Bấy giờ chủ ý nàng Hạng Ngọc Thanh đã quyết định, mới nằm thiu thiu mà ngủ thiếp đi.
Lại nói chuyện Trương phu nhân về đến trong phòng, Tần Sĩ Thăng tươi cười mà đứng dậy đón, rồi bảo rằng:
– Phu nhân ơi! Phu nhân chuyện trò vui vẻ, không còn nghĩ thương đến kẻ ngồi một mình vò võ ở trong chốn phòng không mà chờ đợi thâu canh này. Bây giờ đã quá canh ba rồi, chẳng mấy lúc nữa là trời sáng. Thế nào, nàng Hạng Hoa Tu nói những chuyện gì, nàng đã từng trải được bao nhiêu vương tôn quý khách rồi hay là hoa thơm vẫn còn phong nhụy vậy.
Trương phu nhân ngồi xuống ghế, nghiêm sắc mặt mà thuật chuyện cho nghe và bảo rằng:
– Phu quân chớ nên khinh bỉ người con gái ấy! Người con gái ấy thật là một bậc kiên trinh tiết liệt, chẳng những trong bọn nữ lưu không ai sánh kịp, mà dẫu đến các bậc tu mi nam tử cũng hồ dễ đã được mấy người.
Trương phu nhân lại nói cho Tần Sĩ Thăng biết rằng đã đổi tên nàng Hạng Hoa Tu ra làm Hạng Ngọc Thanh. Tần Sĩ Thăng cười mà bảo rằng:
– Phu nhân cũng khéo đa tình mà lo thay cho nàng lắm nhỉ! Chắc rằng trong mười năm nữa, nàng có một lòng thủ tiết được với Hùng quốc cữu hay không? Huống chi mười năm nữa thì nàng hai mươi sáu tuổi, bấy giờ bóng thiều quang đã quá chiều xuân, Hùng quốc cữu vị tất đã còn có lòng yêu mến. Phu nhân ơi! Phu nhân chớ vội khen, tôi thiết nghĩ thủ tiết trong mười năm trời, cũng là một việc rất khó khăn vậy.
Tần Sĩ Thăng nói xong thì Trương phu nhân sầm nét mặt lại bảo rằng:
– Phu quân chớ nên nói những lời khinh bạc như thế. Sao phu quân không nhớ câu chuyện thuở xưa: Lương Hồng cử án vẫn vui cùng Mạnh Quang Tề; Tề vương khởi nghiệp cũng nhờ về Vô Diệm; duyên số người ta chẳng qua bởi trời, nhan sắc mà làm gì! Huống chi Hùng quốc cữu là người quân tử, khi nào lại vì cớ nhan sắc suy kém mà thay đổi tấm lòng vàng đá hay sao!
Tần Sĩ Thăng nghe nói cả cười mà rằng:
– Phu nhân ơi! Tôi nói đùa đó mà thôi, cớ sao phu nhân lại có ý giận. Phu nhân năm nay dẫu lớn tuổi, nhưng so với các cô thiếu nữ, hồ dễ đã kém vẻ xuân. Huống chi tôi cùng phu nhân là vợ chồng kết phát với nhau, dẫu cung tử tức có muộn màng, nhưng hai chữ “Tiểu tinh” tôi đây cũng chưa hề dám nghĩ đến. Thôi thì phu nhân cứ đi nghỉ, mặc chuyện nhà người ta,can chi mà bàn.
Sáng hôm sau, con tỳ nữ Thuý Liễu vào, tay cầm một trăm lạng bạc, trao cho Trương phu nhân mà bẩm rằng:
– Bẩm phu nhân! Nàng Hạng Ngọc Thanh bảo con đem món tiền này để nhờ phu nhân mua hộ cho mấy bộ áo vải thường và các thứ đồ dùng v.v…
Tần Sĩ Thăng cười mà bảo rằng:
– Nàng định sắm sửa lịch sự để nay mai sắp về phủ quốc cữu đó chăng, chứ áo mặc thường thì hà tất phải mua cho lắm.
Trương phu nhân nói:
– Đây là nàng định mua ác mặc thường đó thôi, chứ nếu sau này vê phể quốc cữu, lo gì chẳng có năm bảy bộ áo rất lịch sự đưa đến. Ta nhận món tiền này mà sắm sửa cho nàng còn thừa bao nhiêu thì để rồi nàng may áo mùa rét .
Từ đó nàng Hạng Ngọc Thanh cứ yên ở lại nhà Tần Sĩ Thăng. Lại nói về Hùng Khởi Phượng về phủ, vào yết kiến cha mẹ, bẩm rõ về việc thương tình nàng Hạng Hoa Tu, đã đem nghìn vàng chuộc cho nàng ra, mà gởi tại nhà Tần Sĩ Thăng, để Tần Sĩ Thăng thu xếp cho nàng sau này đi xuất gia đầu phật. Vợ chồng Hùng Hiệu nghe nói gật đầu, Hùng Khởi Phượng lại cáo từ lui vào nhà trong thăm vợ là nàng Lương Cẩm Hà. Bấy giờ Lương phu nhân vẫn ngồi nghiễm nhiên không ngồi cựa cậy, hình như không trông thấy Hùng Khởi Phượng đến.. Hùng Khởi Phượng khẽ vỗ vào vai, rồi cười mà hỏi rằng:
– Sao phu nhân lại ngồi một mình vò võ như thế, không cùng biểu muội ngâm thơ vịnh phú cho đỡ buồn.
Hùng Khởi Phượng vừa nói vừa cầm tay Lương phu nhân, rồi ngồi ở bên cạnh, Lương phu nhân cười nhạt mà bảo rằng:
– Lạ thật! Việc này lạ thật! Nghìn vàng mua một trận cười. Tôi đây là đàn bà con gái, chỉ được phép ngồi ở trong phòng, còn tha hồ co thiên hạ sung sướng.
Lương phu nhân vừa nói vừa có ý giận, mặt đỏ bừng bừng, đứng dậy đi chỗ khác. Hùng Khởi Phượng ngồi ngay người ra mà rằng:
– Phu nhân ơi! Phu nhân thấy tôi bỏ nghìn vàng mua một người mỹ nữ mà có ý ghen đó chăng. Tôi hãy xin hỏi phu nhân: nếu là người đắm nguyệt say hoa thì đêm nay khi nào tôi lại còn về đây, tất tôi đã ngủ tại Xuân Vân viện. Dẫu ngày mai tôi về thì hai thân tôi cũng cho là đi chơi phiếm một đêm, đã lấy chi làm tội nặng. Vả vừa rồi hai thân tôi không hề nói gì, mà bây giờ tôi vào đây, phu nhân lại nói lôi thôi như thế, thật là người không biết nghĩ. Nực cười thay cho đứa bất hiền này, tiếng đàn êm ái trong sáu năm trời, ai ngờ vì việc này mà thành ra ngang cung vậy.
Lương phu nhân nghe nói lại càng căm tức, cau mày nghiến răng mà rằng:
– Tôi đẹp duyên cùng phu quân trong sáu năm trời, nào tam tòng tứ đức, tôi đã có điều gì trái phép, mà nay phu quân nỡ mở miệng nó tôi là đứa bất hiền! Thôi bây giờ phu quân cứ đi mua một con kỹ nữ mà lập riêng vũ trụ giang sơn, còn tôi vẫn là đứa bất hiền, tôi há lại không biết hay sao! Nực cười thay phu quân sai người về nói dối hai thân như thế mà hai thân cũng tưởng thật! Chao ôi! Một con kỹ nữ mà bảo là con nhà lương gia! Một con kỹ nữ mà bảo là tình nguyện xuất gia đầu Phật! Có phải quả nhiên là kế lừa dối để đem nghìn vàng mà mua một con kỹ nữ đó chăng? Phun quân muốn mua kỹ nữ thì mặc phu quân, cớ sao lại buộc tôi cái tiếng ghen ghét. Trời ơi! Hà tất phu quân phải nhiếc mắng tôi là kẻ bất hiền, ân tình phu quân cùng tôi trong sáu năm trời, ngày nay cũng liều như ngọn nước thủy triều chảy xuôi vậy. Phu quân đã mắng nhiếc tôi là đứa bất hiền thì bây giờ phu quân cùng tôi lên nhà trên để bẩm xem hai thân phán đoán ra làm sao? Tôi đây có phạm tội gì trong lệ “Thất xuất” chăng?
Lương phu nhân nói xong, nước mắt ràn rụa chảy xuống như mưa. Hùng Khởi Phượng lại càng giận lắm mà rằng:
– Đàn bà chỉ một cái ghen tức là có tội! Bảo rằng bất hiền, lại còn nên oan hay sao! Dám đem bụng dạ nhỏ nhen của đàn bà mà lường cái lòng quang minh chính đại của người quân tử thì phỏng có đáng ghét hay không?
Hùng Khởi Phượng vừa nói vừa vùng vằng đứng dậy quay đi. Lương phu nhân liền nắm lấy áo, khóc òa lên mà rằng:
– Không! Không đi được! Phu quân cứ phải cùng lên nhà trên với tôi!
Bấy giờ Hùng Khởi Phượng hầm hầm nổi giận, quên không nhớ là Lương phu nhân đang có thai, mới lấy tay giẫy mạnh một cái mà bảo rằng:
-Đứa bất hiền này đã làm cho ta đau lòng, lại còn muốn làm cho hai thân ta thêm phiền não, mới hả dạ hay sao!
Nói xong, tức khắc đi sang thư phòng. Lương phu nhân nặng nề yếu đuối, bị Hùng Khởi Phượng giẫy ngã lăn xuống đất. Các nữ tỳ vội vàng xúm lại đỡ Lương phu nhân ngồi lên trên ghế, bỗng thấy nét mặt tái mét, chỉ nức nở khóc mà không nói câu gì. Các nữ tỳ sợ hãi, bảo nhau chạy lên nhà trên báo với vợ chồng Hùng Hiệu.
Khi Vệ Dũng Nga vương phi bước vào thì Phi Loan quận chúa đang ngồi bên cạnh Lương phu nhân mà nỉ non khuyên giải. Phi Loan quận chúa thấy Vệ Dũng Nga vương phi đến, vội vàng đứng dậy chào. Lương phu nhân có ý hổ thẹn, đang nằm gượng dậy mà nói với Vệ vương phi rằng:
– Vừa rồi con có vấp chân, nhưng chưa hề ngã, nữ tỳ thấy vậy vội vàng lên báo, để khiến cho vương phi kinh sợ mà tới đây, thật là lỗi tại con vậy.
Vệ vương phi dặn bảo các nữ tỳ phải trông nom cẩn thận, rồi cùng Phi Loan quận chúa quay ra. Vệ vương phi vừa đi vừa hỏi Phi Loan quận chúa rằng:
– Điệt nữ ơi! Con đến trước ta, vậy con có biết vì duyên cớ chi mà xảy ra việc này hay không? Phi Loan quận chúa nói:
– Điệt nữ chưa ngủ, có mụ Thôi mẫu vẫn hầu bên biểu tẩu (trỏ Lương phu nhân) con đến thuật chuyện cho con nghe rằng: Vì việc đem nghìn vàng mua một con kỹ nữ, nuôi giấu ở ngoài mà hai vợ chồng cãi nhau.
Biểu huynh con nổi giận, mắng biểu tẩu con là đứa bất hiền. Biểu tẩu con nắm lấy áo, định kéo kên nhà để mách cô mẫu. Biểu huynh con lại nhiếc mắng là đứa bất hiền kia đã phạm tội ghen tương là một điều trong “thất xuất”, nay lại còng muốn làm kinh động hai thân hay sao! Biểu huynh con nói thế, rồi giẫy một cái mà quay đi, biểu tẩu con nặng nề yếu đuối cho nên ngã lăn xuống đấy. Việc này thì biểu huynh và biểu tẩu đều có lỗ cả. Con thiết tưởng cô mẫu bất tất phải hỏi đến, chỉ nên gọi riêng biểu huynh con mà khuyên bảo từ rày chớ có như thế nữa, kẻo để lo sợ cho hai thân.
Vệ Dũng Nga vương phi nghe nói, vui vẻ mà bảo rằng:
– Con nói chí phải! Biểu huynh con thật nóng nảy quá, không nhớ vợ đang hoài thai. Còn con dâu ta xưa nay vốn tính hiền hòa, không biết cớ sao ngày nay lại xảy ra chuyện ghen tuông ấy. Âu là ta cũng phải nghoảnh mặt làm ngơ, để cho người ngoài khỏi sanh lời dị nghị. Điệt nữ ơi! Ta nhờ con sáng sớm ngày mai, lại vào mà liệu lời khuyên giải, khiến biểu tẩu con biết rằng biểu huynh con vốn tính nóng nảy, chứ xưa nay vẫn là người đứng đắn, không hề đắm nguyệt say hoa.
Vệ Dũng Nga vương phi lại tủm tỉm cười mà rằng:
– Điệt nữ ơi! Ta lạ cho tính của Hùng Khởi Thần thì nó lại không giống anh nó chút nào. Nết na hòa nhã, nói năng dịu dàng, sau này vợ chồng con cùng nhau sum họp một nhà, chắc được muôn phần vui vẻ.
Vệ Dũng Nga vương phi nói xong, về phòng yên nghỉ, Phi Loan quận chúa cũng trở về phòng mình. Khi về tới phòng Phi Loan quận chúa cứ trằn trọc mãi không ngủ được, chỉ thở ngắn than dài mà oán trách cha mẹ. Phi Loan quận chúa nói:
– Cha mẹ ơi! Cha mẹ nỡ lòng nào mà bỏ con ở nhà cô mẫu này, khiến thân con khác nào như chiếc én lạc đàn nương náu ở trước mái nhà người ta. Con dâu chẳng ra con dâu, mà con gái cũng chẳng ra con gái, thật là dở dở dang dang vậy. Lại còn nỗi tỏ mẫu ta ở tại quê nhà, chẳng biết đã được bình phục hay chưa? Đoái trông mây bạc, lòng thêm nỗi bồi hồi. Cha mẹ ơi! Chẳng biết thân con sau này rồi ra thế nào! Cứ như lời chị Lương Cẩm Hà nói thì anh Hùng Khởi Phượng là người tính khí cương cường, vợ đang có thai, bụng to vượt ngực, mà nỡ đang tay giẫy ngã, còn ân ái nỗi gì! Vừa rồi cô mẫu ta sơ lo nhị lang (Hùng Khởi Thần) cũng như thế, cho nên tìm lời nói giải, nhưng ta xem nhị lang thì phong độ còn kém anh. Nhu nhược như thể đàn bà, so với tính ta, lại ngang trái khác nhau, sau này cũng khó giữ được duyên ưa phận đẹp.
Phi Loan quận chúa ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi nằm thiêm thiếp ngủ. Bỗng thấy mình đứng ở trên một ngọn núi cao, nhìn quanh bốn mặt, lặng ngắt như tờ, chỉ có các giống rằn rết kéo đến, mùi tanh hôi khó chịu. Phi Loan quận chúa đang luống cuống không biết làm thế nào thì bỗng thấy người anh là Triệu Câu một tay cầm thanh bảo kiếm, một tay nắm con xích giao rồi gọi:
– Phi Loan em ơi! Em chớ kinh sợ, anh đã bắt được con yêu quái ấy rồi! Cha mẹ và cô mẫu đều được cứu cả, anh em chị em cũng chẳng phải lo ngại nỗi gì.
Phi Loan quận chúa nghe nói, cúi nhìn con xích giao. Con xích giao ấy hai mắt sáng quắc, trông thấy Phi Loan quận chúa thì ngẩng đầu lên, rớt rãi chảy ra, gió tanh xông mũi. Phi Loan quận chúa kinh hồn mất vía, kêu to một tiếng, rồi sực tỉnh dậy, mồ hôi toát ra đầm đầm, bây giờ mới biết là mơ màng trong giấc chiêm bao vậy.
Lại nói chuyện Đồ Man Hưng Phục vẫn giao thông với Mã Thuận để bày mưu lập kế mà hại Doãn Thượng Khanh và cha con Hùng Hiệu. Một hôm, Mã Thuận đến nói với Đồ Man Hưng Phục rằng:
– Các quan đại thần trong triều, ai cũng cậy thế quan Doãn thừa tướng mà khinh chúng tôi là nội giám. Nhưng không biết rằng nội giám này mà một mai đắc thế thì dẫu uy quyền của quan thừa tướng cũng chẳng vững gì!
Đồ Man Hưng Phục cười mà bảo rằng:
– Chẳng qua tôn ông cũng hiền lành, chứ tôi xem như bọn Quyền Xương và Uông Kim, ai là người không xu phụng, quan Doãn thừa tướng có tiếng người nghiêm trực, mà trông thấy bọn họ, cũng phải chào hỏi tươi cười. Bình Giang vương thì lại càng quá lắm nữa!
Mã Thuận nghe nói, nổi giận mà rằng:
– Cũng là một bọn nội giám hầu cận thiên tử mà chúng lại kẻ trọng người khinh. Đồ Man tiên sinh ơi! Tiên sinh có nghĩ kế chi mà khiến cho tôi khỏi được cái tức này hay không?
Đồ Man Hưng Phục nói:
– Không thể làm gì được! Một người là phụ huynh tả hoàng hậu, một người là cữu tổ hữu hoàng hậu, thế thì tôi đây còn dám nói gì, mà dẫu có nói cũng không nổi. Ngày trước tôi tâu xin lập hữu hoàng hậu, suýt nữa đã bị bọn họ hại đến tính mệnh tôi, bây giờ tôi xin chịu thôi, không dám bàn việc chi nữa.
Mã Thuận nghe nói, đập bàn mà kêu rằng:
Nếu vậy đành để cho bọn họ khinh mình hay sao?
Đồ Man Hưng Phục nói:
– Cũng có cách làm được, nhưng chỉ sợ tôn ông không dám làm.
Mã Thuận mừng mà hỏi rằng:
– Thế nào! cứ nói! thử xem tôi có dám là hay không?
Đồ Man Hưng Phục nói:
– Tôn ông ơi! Vừa rồi có bản tâu ở Cao Ly gởi đến. Số là vua Cao Ly tạ thế, con hãy còn bé, vợ vua Cao Ly là nàng Nam Kim lên làm vua. Nam Kim nữ chủ sợ văn võ triều thần có lòng ly phản, muốn xin thiên triều ta phái cho mấy trọng thần đến để phong vương. Nam Kim nữ chủ thực lòng xin nội thuộc. Trong mấy hôm nay, triều đình đang bàn chưa biết phái ông nào đi. Bây giờ tôn ông nên tâu hữu hoàng hậu phái Doãn Thượng Khanh đi, rồi lại viết riêng một phong thư mật báo cho Nam Kim nữ chủ bảo giữ hắn ở lại Cao Ly để giúp việc chính trị.
Mã Thuận nghe nói, mừng rỡ mà rằng:
– Quả nhiên là một kế rất diệu! Nhưng chỉ hiềm về nỗi Doãn Thượng Khanh năm nay già yếu, mà lại là chỗ thân thích với thái hậu và hữu hoàng hậu, vị tất triều đình đã chịu để cho đi xa.
Đồ Man Hưng Phục cười mà đáp rằng:
– Tôi đã biết trưóc là tôn ông không thể làm nổi. Nhưng còn một kế này nữa.
Nói xong, liền ghé vào tai Mã Thuận mà bảo kế.
NGUYỄN ĐỖ MỤC dịch thuật