Tục Tái Sanh Duyên

Chương 34


Đọc truyện Tục Tái Sanh Duyên – Chương 34

Mạnh Lệ Quân vương phi từ giã mọi người rồi gạt nước mắt lên xa ra đi. Khi Mạnh Lệ Quân vương phi đi khỏi, Gia Tường công chúa hỏi bảo mẫu rằng:
– Vừa rồi mụ nói một việc khó xử là việc gì?
Bảo mẫu nói:
– Vừa rồi lão tỳ vui mồm kể chuyện trong cung, thành ra quên mất, không nhớ có Mạnh vương phi ngồi đấy. Công chúa ơi! Việc tôi nói tức là việc Phi Giao tác quái ở Tiểu Hoa Sơn. Có khi đang đêm mưa to gió lớn, sấm sét ầm ầm, hiện ra một con xích giao vật mình ở trên mặt đất, thành cái vũng nuốc sâu hai ba thước. Con xích giao đầu to bằng cái đấu, mình dài ba thước, hai mắt sáng quắc. Trong bọn nội giám ai cũng khiếp sợ, có một người táo gan đánh bạo lẻn đến bên rừng rậm để dòm xem thế nào, không ngờ bị con xích giao lấy đuôi cuốn tròn, rồi tung lên trên cao, người ấy vỡ đầu gãy xương mà chết. Bây giờ bọn nội giám khiếp sợ quá đành liều bỏ trốn, không ai dám ở giữ mộ cả. Công chúa ơi! Nội giám Lăng Mậu đã đem việc ấy tâu với hoàng hậu, hoàng hậu rất lấy làm buồn rầu, chưa biết nghĩ ra thế nào. Hôm trước hoàng hậu đem việc ấy bàn cùng nàng Diễm Tuyết thì nàng Diễm Tuyết tâu với thái hậu xin sang tu ở Bồng Lai trong cung để nhận tiện xem tình hình con xích giao như thế nào. Thái hậu truyền cho Toà Khâm Thiên giám xem ngày thì nàng Diễm Tuyết lại tâu đi tu không cần chọn ngày. Rồi nhất định đến ngày hôm sau là ngày mai. Nàng Diễm Tuyết sang ở Bồng Lai cung, Mai thái phi phái người sang hầu hạ thì nàng không nhận, chỉ đem có hai đứa tiểu tỳ, mấy nhiều lão ẩu trông coi việc bếp núc và mấy nhiều lão nội giám để canh cửa mà thôi. Sáng hôm nay đã sửa soạn đủ cả, để đến buổi chiều thì nàng Diễm Tuyết dời sang, không biét đêm nay con xích giao sự thế ra thế nào, sáng mai công chúa cùng vương phi vào cung, tự khắc biết được rõ chuyện. Lão tỳ này đã tâu hoàng hậu xin về quê nhà, nhưng hoàng hậu không nghe, bảo phải ở trông nom cho thái tử. Hễ các nội giám có ai dẫn dụ thái tử làm điều càn dỡ thì lão tỳ này lập tức phải tâu trình.
Gia Tường công chúa thở dài mà rằng:
– Thái tử cũng cần phải có mụ trông nom mới được, mụ nên hết lòng. Ơn ấy thái tử không bao giờ dám quên vậy.
Bảo mẫu nói:
– Xin công chúa chớ nói như thế! Lão tỳ này chịu ơn nhà họ Hùng và nhà Hoàng Phủ trong ba mươi năm trời nay, chưa biết lấy chi báo đáp, khi nào lão tỳ này lại còn dám quên công.
Vệ Dũng Nga vương phi nghe nói cũng thở dài mà rằng:
– Nhà họ Hùng tôi chẳng may để đến nỗi di lụy cho mụ!
Đang nói chuyện thì bỗng nghe có nội giám ra đòi Bảo mẫu vào cung, Bảo mẫu liền cáo từ lui ra.
Lại nói chuyện mấy anh em phò mã Triệu Câu tiễn Mạnh Lệ Quân vương phi xuống thuyền rồi trở về phúc mệnh để Hoàng Phủ Thiếu Hoa biết. Hoàng Phủ Thiếu Hoa nín lặng, không nói câu gì chỉ tủm tỉm cười . Hồi lâu mới thở dài mà rằng:
– Các con ơi! Mẹ con thuở xưa khéo đem một ngọn bút hoa mà kéo hết ruột tằm, chịu bao nhiêu những khổ não, bấy giờ cũng nên để cho được dưỡng nhàn một vài năm mới phải.
Nói xong, liền đứng dậy lui vào thư phòng ngồi dưới cửa sổ xem sách. Bấy giờ có hai tên tiểu đồng đứng hầu, Hoàng Phủ Thiếu Hoa mở xem bộ “Lưu hầu truyện” ( truyện chép về ông Trương Lương, phò Hán Cao Tổ, đến lúc đại sự hoàn thành chẳng ham phú quý lui về theo ông Xích Tùng Tử tu tiên. Chú NXB ), lại có ý cảm khái, nghĩ mình cũng là một tay anh hùng hào kiệt trong bấy nhiêu năm trời tận trung báo quốc, mà ai ngờ công không đủ chuộc tội, ngày nay bỗng đành chịu làm một người bó tay ngồi ở xó nhà. Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghĩ đến đấy thì trong lòng buồn bực, liền lấy tay đập mạnh xuống bàn, hai tên tiểu đồn không hiểu duyên cớ làm sao, đều giật mình kinh hoảng mà lui ra mấy bước. Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại thở dài mà rằng:
– Hoàng Phủ Thiếu Hoa ơi! Nhà ngươi mấy đời chịu ơn triều đình, phú quý vinh hoa, đến thế đã cùng cực. Dẫu có đôi chút công lao khuyển mã, thiết tưởng cũng chưa đủ chuộc tội Phi Giao. May thay thượng hoàng và thái hậu đều có lòng nhân từ, nếu không thì nhà Hoàng Phủ ta tất phải diệt tộc. Ngày nay ta đã được toàn tính mệnh, cớ sao lại còn có ý bất bình. Âu là ta nên tìm thú lâm tuyền, để cầu lấy phước thanh nhàn mà di dưỡng tuổi thọ.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghĩ vậy, liền gấp sách cởi áo đi nghỉ. Mấy anh em phò mã Triệu Câu cùng ngồi nói chuyện ở nhà ngoài. Phi Loan quận chúa thuật lời Bảo mẫu cho nghe, mọi người đều nín lặng.
Phò mã Triệu Câu bỗng nói với Vệ Dũng Nga vương phi rằng:

– Cô mẫu ơi! Tôi còn nhớ trong tập “Thái Bình quảng ký” có nói con rồng ở Ngọc Xuyên vì ngủ say đánh mất hạt minh châu mà ba năm không dám về. Sau Quan Âm đại sĩ tâu xin ngọc hoàng tha tội cho, lại phải tu luyện nghìn năm mới thành được hạt minh châu vậy. Nay Phi Giao nguyên là con xích giao giáng thế, tất cũng phải tu luyện nghìn năm mới có được hạt minh châu ấy. Vậy thì cô mẫu nên đem hạt minh châu ấy mà trả lại hắn, kẻo hắn mất hạt minh châu ấy thì dẫu luân hồi mấy kiếp mà linh hồn vẫn còn áy náy không yên.
Vệ Dũng Nga vương phi nghe nói, liền nghoảnh lại bảo Phi Loan quận chúa rằng:
– Hạt minh châu khi trước ta giao cho con đâu, con lấy ra đây, nhưng bây giờ muốn trả lại thì làm thế nào được?
Phi Loan quận chúa vội vàng sai người đi lấy hạt minh châu. Hồi lâu, đem hạt minh châu đến, mọi người xúm lại cùng xem. Ai nấy đều cầm để lên trên bàn tay, ánh sáng rực rỡ thật là một vậy chí bảo tu luyện nghìn năm mới thành được vậy. Vệ Dũng Nga vương phi lại bảo phò mã Triệu Câu rằng:
– Phò mã ơi! Sang mai tôi tới Tiểu Hoa Sơn, tế trước mộ Phi Giao một lần, để khấn cầu Phi Giao, nếu quả có lòng oán tôi thì tôi xin liều mình chịu chết, không để di họa cho người khác.
Vệ Dũng Nga vương phi nói xong lại thở dài mà than rằng:
-Tôi nay dẫu chết cũng chẳng tiếc đời, chỉ hiềm một nỗi trưởng tử tôi đi sứ chưa về thì vong hồn tôi không khỏi ngậm sầu ở nơi chín suối vậy.
Mấy anh em phò mã Triệu Câu nghe nói, đều tìm lời khuyên giải. Truyện trò hồi lâu, mấy anh em phò mã Triệu Câu lui ra. Hai phu nhân và Vệ Dũng Nga vương phi cùng ngủ tại đấy, ba người lại cùng nhâu chuyện trò mãi đến canh khuya. Sáng hôm sau Vệ Dũng Nga vương phi vào yết kiến Hùng hậu. Hùng hậu nghe báo vội vàng ra đón. Khi trông thấy Vệ Dũng Nga vương phi, Hùng hậu cúi đầu chào, rồi mời ngồi và truyền cung nữ pha trà uống. Hùng hậu nói:
– Thân mẫu ơi! Chẳng hay hôm qua thân mẫu đến tiễn biệt Mạnh Lệ Quân vương phi có chuyện gì lạ không?
Vệ Dũng Nga vương phi thuật chuyện cho nghe. Hùng hậu lại ứa nước mắt khóc, Vệ Dũng Nga vương phi tìm lời khuyên giải, rồi nói đến việc định đem hạt minh châu trả lại cho con xích giao. Hùng hậu lẩm nhẩm gật đầu rồi nói:
– Thân mẫu ơi! Đêm qua nàng Diễm Tuyết đã ngủ tại Bồng Lai cung, không biết sự thể thế nào, bây giờ thân mẫu thử sang chơi hỏi xem cho biết. Còn các đồ tế vật, để con xin bảo người sửa soạn mang ra.
Hùng hậu lại sai một tiểu nội giám đưa Vệ Dũng Nga vương phi sang Bồng Lai cung. Nàng Diễm Tuyết nghe báo, vội vàng ra đón vào. Vào đến nơi đại điện, mười hàng cột vẽ, chín bậc đá hoa, hai bên có treo các danh họa, trông thật là một cảnh thanh u nhã khiết vậy. Vệ Dũng Nga vương phi ngắm nghía các bức tranh vẽ, rồi lẩm nhẩm gật đầu. Nàng Diễm Tuyết cười mà thưa rằng:
– Vương phi đã quá bộ tới đây, xin mời vương phi vào trong nội điện.
Vệ Dũng Nga vương phi vâng lời, đứng dậy theo nàng Diễm Tuyết vào nội điện xem các bức tranh vẽ. Nào Ngọc Hoàng, nào Vương Mẫu, cũng đều có tranh vẽ cả. Hai bên tường lại có vẽ những cảnh bồng doanh hải đảo, nét bút thiên nhiên, trông rất thần tình. Nơi nội điện ấy chế tạo theo kiểu vương phủ, tráng lệ lạ thường. Trên có treo một bức biển hoành đề bốn chữ vàng “Báo đức thù trung” của thượng hoàng ngự tả, viết theo lối phi bạch. Hai bên có hai cái giá sách; bên tả thì để những tấu sớ chiếu chỉ vế việc chiến công của Hoàng Phủ Thiếu Hoa thuở trước; bên hữu thì để những cáo sắc văn từ của Mạnh Lệ Quân vương phi/ Chung quanh điện có trồng các thứ kỳ hoa dị thảo, hiu hiu gió thổi, ngào ngạt mùi hương, thật là một nơi tiên cảnh ở trong trần thế vậy. Nàng Diễm Tuyết lại đưa Vệ Dũng Nga vương phi sang một nơi tĩnh thất là nơi để nàng ở đấy mà tu luyện tinh thần. Khi vào tới nơi, nàng Diễm Tuyết mời Vệ Dũng Nga vương phi ngồi rồi sụp lạy làm lễ tương kiến. Vệ Dũng Nga vương phi đỡ dậy mà bảo rằng:
– Tôi tới đây hôm nay, trước là mừng tiểu thư đã được nơi tu luyện; sau là muốn biết đêm hôm qua Phi Giao còn hiện hình tác quái nữa hay không?
Nàng Diễm Tuyết nói:

– Vương phi không hỏi đến thì thôi, nay đã hỏi đến Diễm Tuyết xin nói thực. Đêm qua tôi đến đây, một mình treò lên tinh đài để đợi xem thế nào. Bấy giờ trời quang mây tĩnh, sanh hồi canh ba, bỗng có một đám mây đen ở Tiểu Hoa Sơn nổi lên. Vương phi ơi! Chỉ một chỗ Tiểu Hoa Sơn mưa to gió lớn, sấm chớp ầm ầm, còn trên tinh đài vẫn không mưa gió chi cả. Tôi trông thấy con xích giao hiện lên, mình dài ba trượng, khắp mình đều có vảy vàng, ánh sáng lóng lánh, lại có nanh vuốt dữ dội ghê gớm. Con xích giao vật mình ở trên ngọn núi, nghoảnh đầu trông thấy tôi, liền gục đầu xuống thì lúc ấy gió mưa sấm chớp lại yên lặng như không. Chỉ nghe văng vẳng tiếng khóc thương, tự hồ có ý oán giận.
Vệ Dũng Nga vương phi thở dài mà rằng:
– Tôi cũng hiểu cớ sao Phi Giao lại đem lòng oán giận nhà họ Hùng tôi đến như thế! Bấy giờ hắn giáng sinh làm nguyên soái bên Phiên tên gọi là Ô Tất Khải thì phu quân tôi chém hắn, chẳng qua chỉ vì việc nước, chứ có thù hiềm chi nhau. Nay hắn cố chí hại nhà họ Hùng, tưởng cũng là một điều lầm của hắn, cớ sao vẫn còn có ý bất bình. Tiểu thư ơi! Hắn hại một nhà họ Hùng tôi, chẳng nói làm chi, nhưng xót thương thay hắn lại hại cả vợ chồng Hoàng Phủ Tương vương nữa, khiến cho một người lặn lội đường trường, xa xôi muôn dặm, khổ sở về việc đi tìm thượng hoàng; một người thì giam cấm trong cung, thấm thoát hàng mươi năm trời, đã hoa tổn bao nhiêu nước mắt. Ngày nay tôi định đến tế Phi Giao một tuần để khấn nguyện rằng nếu quả có tiền oan nghiệt chướng thì riêng một mình tôi xin chịu hại, chớ đừng làm kinh hãi cho bọn nội giám kia.
Vệ Dũng Nga vương phi nói chưa dứt lời thì bỗng thấy người lão ẩu vào bẩm rằng:
– Dám bẩm vương phi và tiểu thư! Chánh cung hoàng hậu có sai nội giám Thẩm Nhân đem các tế vật ra để vương phi đến tế mộ Phi Giao.
Vệ Dũng Nga vương phi cùng nàng Diễm Tuyết nghe báo, vội vàng ra nghênh tiếp. Nội giám Thẩm Nhân nói:
– Tôi vâng mệnh chánh cung hoàng hậu đem các tế vật cùng một đạo tế văn ra đây. Hoàng hậu truyền tiểu thư tuyên đọc văn tế để vương phi vào làm lễ.
Vệ Dũng Nga vương phi cùng nàng Diễm Tuyết thủng thỉnh đi sanh Tiểu Hoa Sơn. Khi tới nơi nàng Diễm Tuyết trần thiết các đồ tế vật, châm đèn đốt hương để Vệ Dũng Nga vương phi vào tế. Nàng Diễm Tuyết mở đạo tế văn ra, rồi khẽ cất tiếng oanh tuyên đọc. Khi tuyên đọc xong, lại quì trước án, lẩm nhẩm tụng niệm một quyển đạo kinh. Vệ Dũng Nga vương phi cúi đầu sụp lạy, rồi cầm hạt minh để lên trên án mà khấn rằng:
– Phi Giao hoàng hậu ơi! Hoàng hậu vốn là một bậc thông minh cái thế, cớ sao lại quá nghe lời sàm báng, để gây tai vạ cho nước nhà. Còn như việc giao chiến ở trên mặt bể, thuở xưa bấy giờ hai bên đều vì việc nước mà phải tương tranh, cớ sao lại đem lòng oán giận. Khi ấy phu quân tôi chỉ biết tận trung báo quốc, chứ chưa hề có ý mong đoạt lấy hạt minh châu, thế mà hoàng hậu làm cho nhà họ Hùng tôi bị giam cầm trong bấy nhiêu năm, dẫu rằng tính mệnh được toàn, nhưng khổ sở xiết bao, thiết tưởng hoàng hậu cũng đã thỏa lòng hả dạ vậy.
Vệ Dũng Nga vương phi cùng nàng Diễm Tuyết sụp lạy xong, lại rót rượu xuống đất làm lễ giáng thân, rồi đốt vàng mã và truyền cất hết các đồ tế vật, chỉ còn hạt minh châu thì để lại ở trên hương án mà thôi. Vệ Dũng Nga vương phi cùng nàng Diễm Tuyết lại trở về ngồi ở tại Bồng Lai cung, rồi sai bọn nội giám trực ở tại mộ Phi Giao để rình xem đêm ấy tình hình ra thế nào. Nàng Diễm Tuyết truyền nữ tỳ pha trà mời Vệ Dũng Nga vương phi ngồi uống, rồi đứng dậy đốt hương thỉnh chuông gõ mõ và tụng niệm một vài quyển đạo kinh. Khi tụng niệm xong, nàng cởi bộ áo pháp y ra, rồi ra ngồi trò chuyện. Vệ Dũng Nga vương phi thấy nàng mặt hoa da phấn, trong ngọc trắng ngà, mà vẫn có vẻ phiền muộn. Nàng Diễm Tuyết ngồi xuống ghế, tên nữ tỳ pha trà mời uống. Vệ Dũng Nga vương phi ngắm nghía hồi lâu, trong lòng có ý nghi ngờ. Vệ Dũng Nga vương phi liền hỏi:
– Tiểu thư từ thuở nhỏ vẫn quyết chí tu hành, lại được hai thân ưng thuận, thật là một thanh phúc ít có. Nhưng tôi nhìn nét mặt tiểu thư, dẫu tươi cười mà hình như vẫn có vẻ phiền muộn không vui, tôi chắc là ở trong tất có duyên cớ chi đây, xin tiểu thư cứ giải tỏ chân tình, hoặc giả tôi có vì tiểu thư mà mưu tính được chăng, quyết không bao giờ dám tiết lộ với ai vậy.
Nàng Diễm Tuyết nghe đến câu ấy, nét mặt bỗng thấy buồn rầu, rồi hai hàng nước mắt ròng ròng chảy xuống. Vệ Dũng Nga vương phi kinh ngạc mà rằng:
– Tiểu thư ơi! Tôi mới được biết tiểu thư mà dám nói những câu như thế cũng là cái tội đường đột, nhưng tiểu thư chớ nghi ngại, xin cứ giải tỏ chân tình cho nghe.
Nàng Diễm Tuyết lại nức nở khóc rồi nói:
– Vương phi ơi! Vương phi không hỏi đến thì thôi, chứ đã hỏi đến lại càng khiến cho tôi đứt ruột đau lòng. Số là câu chuyện của tôi cũng tương tự với câu chuyện Phi Giao vậy.

Vệ Dũng Nga vương phi nghe nói lại bội phần kinh ngạc, rồi cầm lấy tay nàng Diễm Tuyết mà ân cần hỏi rằng:
Tiểu thư ơi! Sự thể thế nào xin tiểu thư cứ nói cho biết!
Nàng Diễm Tuyết thở dài mà than rằng:
– Việc này khó nói quá, vì câu chuyện khí hoang đường, nhưng vương phi đã hỏi đến thì tôi xin nói thực! Vương phi ơi! Tiền thân của Diễm Tuyết này nguyên là mộ vị hoàng hậu nhà Nam Tống, về đời vua Độ Tôn. Bấy giờ đang lúc quốc suy vận vi, chiếc thân bồ liễu đã từng ngậm đắng nuốt cay mà chết. Nhưng linh hồn chưa diệt cho nên lại được đầu sinh. Tôi thấy nhà họ Lưu vốn là một nhà từ thiện. Vả lại có lòng trung quân ái quốc, vậy mới giáng sinh vào nhà họ Lưu. Vẫn định đổi kiếp luân hồi để thành chánh quả, may mà hai thân tôi cũng ưng thuận, khiến tôi được quyết lòng tu hành. Tuy vậy, trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng, tôi không thể cầm được nước mắt cho được!
Nói xong, lại nức nở khóc hoài. Vệ Dũng Nga vương phi nghe nói, ngồi ngẩn người ra, như ngây như dại, nhìn nhưng hồi lâu, mới khẽ cất tiếng mà bảo rằng:
– Nếu vậy thì tiểu thư tức là Toàn thái hậu đời Tống, mà lại là thân mẫu của sự cụ Hợp Tôn vậy.
Nàng Diễm Tuyết gạt nước mắt rồi nói:
– Chính phải!
Vệ Dũng Nga vương phi thở dài mà rằng:
– Tôi vẫn được nghe Toàn thái hậu là bậc hiền minh, lại quyết chí tu hành cho thành chính quả. Khi tôi còn nhỏ tuổi, nghĩ lấy làm kính mến bội phần, chỉ tiếc rằng tôi đẻ muộn sinh sau, không được cùng cổ nhân tương tiếp. Nay tiểu thư còn nhớ việc kiếp trước mà ngỏ cho tôi biết thì tôi đây cùng tiểu thư vị tất không phải là cũng có tiền duyên. Tiểu thư đã là Toàn thái hậu thì ngày nay tôi xin sụp lạy làm lễ triều kiến.
Nàng Diễm Tuyết nói:
– Việc ấy là việc cách thế, sao vương phi lại dạy quá lời. Vương phi cũng chẳng phải là người đâu, vậy tôi mới dám đem chuyện thiên cơ mà tiết lộ cho vương phi biết.
Nàng Diễm Tuyết sai đứa nữ tỳ pha trà mời Vệ Dũng Nga vương phi uống, rồi hai người cùng nhau trò chuyện, bàn về những công cuộc thạnh suy thành bại trong đời nhà Tống thuở xưa. Vệ Dũng Nga vương phi hỏi:
– Vợ chồng Hoàng Phủ Thiếu Hoa như thế tất cũng là thiên tiên giáng trần, chẳng biết sau này rồi thế nào?
Nàng Diễm Tuyết mới thuật chuyện cho Vệ Dũng Nga vương phi biết vợ chồng Hoàng Phủ Thiếu Hoa đều là thần tiên giáng trần cả. Trong khi bị giáng phải chịu mọi nỗi đắng cay khổ sở, rồi sau sẽ trở về tiên cung. Nàng Diễm Tuyết lại nói:
– Vương phi cùng Hùng vương nguyên xưa cũng là tiên lại và tiên cơ ở Thượng Thanh cung, vì trông thấy các tiên giáng trần mà động lòng ham muốn sự vinh hoa phú quý, bởi thế cho nên Ngọc Hoàng thượng đế cũng bắt đày xuống trần thế vậy.
Vệ Dũng Nga vương phi thở dài mà than rằng:
– Vợ chồng Hoàng Phủ Thiếu Hoa là thiên tiên giáng trần đã đành, còn như vợ chồng tôi mà tiền thân như thế thì cũng lạ thật. Tôi không dám hy vọng gì, chỉ xin hỏi trưởng tử tôi là Hùng Khởi Phượng sau này có về nước được không? Xin tiểu thư bảo rõ cho tôi được biết.
Nàng Diễm Tuyết nói:

– Vương phi ơi! Việc Hùng công tử đi sứ Cao Ly, chẳng bao lâu sẽ được về triều, vương phi bất tất phải lo ngại. Khi Hùng công tử trở về, chẳng những lập nên kỳ công, mà sẽ lại được phong thái ấp. Còn việc dẹp loạn ở Kim Lăng kia thì tất phải đợi đến cưú binh của Hùng vương thì mới xong.
Vệ Dũng Nga vương phi nghe nói mừng rỡ xiết bao, liền chắp tay khấn nguyện mà rằng:
– Nam Vô Phật! Tôi chỉ ước mong được như lời tiểu thư nói!
Nói chưa dứt lời thì bỗng trông thấy một tên tiểu nội giám canh thủ tại mộ Phi Giao xin vào yết kiến.
Vệ Dũng Nga vương phi cùng nàng Diễm Tuyết ở trong tĩnh thất đi ra. Tên nội giám nét mặt tươi cười cúi chào Vệ Dũng Nga vương phi và nàng Diễm Tuyết rồi thuật những chuyện trông thấy trong đêm hôm trước. Tên tiểu nội giám nói:
– Dám bẩm vương phi cùng tiểu thư! Hạt minh châu để ở trên án, đêm qua bỗng thấy phát quang, lóng lánh ngũ sắc. Đến hồi canh ba, hây hẩy nổi gió, trong bọn chúng tôi có người táo bạo đánh gan ra đứng nấp tại phía sau núi. Sang đến canh tư thì mưa to gió lớn sấm chớp ầm ầm, có một con xích giao hiện lên há miệng đớp hạt minh châu ấy. Dám bẩm vương phi và tiểu thư! Bấy giờ trời mưa trút, chỗ chúng tôi đứng nước ngập đến cổ chân, mình mẩy ướt đầm đìa. Chúng tôi trông thấy con xích giao đang múa lượn thì có một tiếng sấm vang dữ dội. Chúng tôi sợ quá phải ôm chặt lấy gốc cây. Khi mưa tạnh sấm yên, trời vừa sáng rõ, chúng tôi kéo đến trước mộ thì trông thấy con xích giao nằm cuộn khúc tại đấy, hai mắt mở trừng trừng. Chúng tôi trước còn khiếp sợ, không dám đến gần, sau thấy hắn không cựa quậy mới dùng gậy sắt khẽ chọc, thành ra đó là một cái xác con xích giao. Chúng tôi đến xem tận chỗ mộ phần thì quan quách bỗng thấy trống không. Thi thể Phi Giao không biết biến đâu mà các đồ châu bảo nhập quan khi trước, đều vất tung ra đấy. Quan nội giám Thẩm Nhân cũng có phụng mệnh hoàng hậu đến xem. Khi về phí báo thì hoàng hậu mừng rỡ mà phán rằng đó là con xích giao đã thoát xác thành con phi long bay về Đông Hải vậy. Nói xong, liền giáng chỉ cho quân canh mộ để xác con xích giao vào trong quan, rồi lại lấp đất, đắp thành mộ phần. Sự thể đầu đuôi như vậy, vậy chúng tôi phải sang đây bẩm bạch để vương phi cùng tiểu thư biết.
Vệ Dũng Nga vương phi nghe xong, nét mặt tươi cười, lại cảm tạ nàng Diễm Tuyết mà rằng:
– Nếu không nhờ tiểu thư tụng niệm cho mấy quyển kinh thì khi nào đã chóng được phi thăng như vậy.
Nàng Diễm Tuyết nói:
– Tôi có công gì, chẳng qua nhờ mấy lời chân thành cảm động trong bài tế văn của công chúa hoàng hậu đó!
Bỗng nghe báo có nội giám Lăng Mậu phụng mệnh thánh thượng đến triệu Vệ Dũng Nga vương phi. Lại báo tin Trương phi và Dư phi đã sinh được ba vị hoàng tử . Vệ Dũng Nga vương phi cười mà bảo rằng:
– Hai bà cung phi, cớ sao sinh được ba vị hoàng tử.
Nội giám Lăng Mậu cũng cười mà đáp rằng:
– Dám bẩm vương phi! Hồi giờ tý và giờ sửu hôm qua Trương phi sinh đôi được hai vị hoàng tử; đến hồi giờ dần thì Dư phi cũng sinh được một vị hoàng tử. Chánh cung hoàng hậu rất lấy làm mừng rỡ.
Nội giám Lăng Mậu lại nói:
– Khi thánh thượng lui triều, lại thuật chuyện cho chánh cung hoàng hậu biết rằng Doãn tướng công và Hùng quốc cữu ở Cao Ly, chẳng bao lâu cũng sắp về. Vậy việc này đầu đuôi thế nào, tôi không tường cho lắm, vương phi vào cung, tự khắc biết được rõ.
Vệ Dũng Nga vương phi không nghe nói mà rằng, khi đã nghe nói Hùng Khởi Phượng sắp về, mừng rỡ kể sao cho xiết.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.