Tục Tái Sanh Duyên

Chương 32


Đọc truyện Tục Tái Sanh Duyên – Chương 32

Lại nói chuyện thượng hoàng ngự triều tuyên triệu một nhà Hoàng Phủ vào, cho hai vợ chồng Hoàng Phủ Thiếu Hoa ngồi hai bên tả hữu, rồi phán hỏi các công việc về trước. Nào việc Mạnh Lệ Quân bị giam cấm và việc An Quốc làm giám quốc như thế nào.
Thượng hoàng lại hỏi đến việc hoàng tôn thì Triệu Lân tâu hết đầu đuôi từ khi đem ở trong cung ra, gặp vào tiết đoan ngọ. Hôm ấy trời mưa to gió lớn những thế nào. Hoàng tôn nằm trong giỏ thuốc, khi xách ra đến cửa cung, lại gặp An Quốc, suýt nữa lộ chuyện. Sau đem về giao cho Gia Tường công chúa nuôi dạy, v.v…
Triệu Lân tâu rằng:
– Muôn tâu thượng hoàng! Một nhà kẻ hạ thần thất đáng trị tội, nay thượng hoàng đã đặc cách mà ân xa cho, khiến cha mẹ anh em kẻ hạ thần đều được toàn tính mệnh. Ơn ấy dẫu ngậm vành kết cỏ, cũng chưa đủ báo đền, chỉ xin thượng hoàng thi ân cho một nhà kẻ hạ thần được từ chức về nơi điền lý thì đức trạch thánh triều, không biết kể sao cho xiết vậy.
Thượng hoàng nói:
– Có lẽ nào như thế được! Các ngươi trải bao gian khổ mới giữ cho nước nhà được vô sự, ngày nay nỡ nào vội bỏ mà đi. Việc này chẳng những ta quyết không ưng, ta thiết tưởng cha mẹ nhà ngươi cũnội giám không nỡ dứt tình mà bỏ ta và thái hậu mà về cho được!
Nói chưa dứt lời thì hai vợ chồng Hoàng Phủ Thiếu Hoa sụp lạy tâu rằng:
– Muôn tâu thượng hoàng! Vợ chồng kẻ hạ thần già yếu, xin thượng hoàng cho về, đã có trưởng tử kẻ hạ thần ở lại cung chức. Còn các thứ tử kẻ hạ thần đều chưa có vợ, kẻ hạ thần xin về thu xếp việc nhà, rồi trong một vài năm lại sẽ vào triều bái.
Thượng hoàng phán hỏi rằng:
– Các thứ tử nhà ngươi đã đính hôn với ai chưa?
Hoàng Phủ Thiếu Hoa tâu rằng:
– Muôn tâu thượng hoàng! Bấy lâu chỉ những loa toan quốc sự, cho nên chưa kịp nghĩ đến việc hôn nhân.
Thượng hoàng thở dài mà than rằng:
– Ấy đều là lỗi tại ta đó! Hưng Bình công chúa là con bà Mai thái phi, năm nay đã mười tám tuổi, âu là ta gả cho Triệu Thụy tức là con thứ năm của nhà ngươi, vợ chồng nhà ngươi chớ nên từ chối. Việc ấy không phải để báo ơn nhà ngươi đâu, chẳng qua muốn kén một người giai tế vậy. Nhà Hoàng Phủ toàn trung tận hiếu, dẫu gia quan tiến chức đến đâu cũng chưa đủ báo đền. Huống chi vợ chồng nhà ngươi đã vì việc nước mà trải bao gian khổ, nay ta muốn lập một cái chùa ở trong đại nội, để thỉnh thoảng ta được ra đấy mà cùng vợ chồng nhà ngươi giảng đàm đạo lý. Vua tôi tương đắc, há chẳng phải là “Thiên thu giai thoại” đó ru! Vợ chồng nhà ngươi chớ nên cáo về điền lý mà thêm nặng tội cho thiên tử, lại khiến thái hậu phải đau xót trong lòng. Thuở trước cũng chỉ vì vợ chồng nhà ngươi cáo về, để đến nỗi bọn quyền gian thừa cơ nổi loạn. Nếu vợ chồng nhà ngươi không một lòng tận trung báo quốc thì muôn dặm giang sơn vị tất còn được có ngày nay. Hoàng Phủ quốc cữu ơi! Thiên tử là bậc trung tài, tất phải nhờ có Chu công (là bậc trung thần đời Chu, đã hết lòng giúp ấu chúa) giúp cho thì nước mới yên được. Ta xem bản tâu của các quan văn võ triều thần, rất hợp ý ta, vậy nên mau mau chọn ngày tốt để cho thiên tử làm lễ phục vị.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe lời chỉ phán, nín lặng không dám tâu nữa. Các quan văn võ triều thần đều reo mừng mà rằng:
– Thần đẳng xin phụng chỉ!
Triệu Phượng lại đem bức thư của Mạnh Lệ Quân vương phi buộc vào chim quạ thuở trước và một tờ kết minh cùng An Quốc trong khi khởi sự, đều đệ trình để thượng hoàng xem. Triệu Lân cũng đem cái áo lót mình, cái giỏ thuốc và cái ngọc bội của hoàng tôn năm xưa bày la liệt ở trên long án. Thượng hoàng cầm xem tất cả một lượt. Khi thượng hoàng xem xong, thở dài một tiếng, rồi giáng chỉ truyền các quan văn võ triều thần đều được tiến lên, quì trước thềm vàng mà trao tay cho xem. Thượng hoàng phán rằng:
– Các ngươi có đó mà xem. Một nhà Hoàng Phủ tận trung báo quốc như thế này thì dẫu gia phong tiến tước thế nào cũng chưa đủ đền công. Ngày nay ta nghĩ chỉ còn một cách cùng nhà Hoàng Phủ đính ước đời đời kết thân, bao nhiêu công chúa đều gả cho nhà Hoàng Phủ vậy.
Nói xong, lại truyền ghi câu nói ấy vào thiết khoán, bỏ trong hộp vàng. Thượng hoàng nói chưa dứt lời thì vua Anh Tôn vội vàng quì xuống mà tâu rằng:

– Muôn tâu thượng hoàng! Thượng hoàng đã chỉ phán như vậy thì trước hết dám xin thượng hoàng hãy giáng chỉ cho hoàng tôn được kết duyên với con gái phò mã Triệu Câu. Đôi vợ chồng ấy niêm mạo tương đương, thật đã đệp duyên phải lứa vậy.
Thượng hoàng nghe nói cả cười mà rằng:
– Nếu vậy thì ta già lẫn mất rồi, một đôi giai ngẫu như thế sao ta lại bỏ sót!
Nói xong, lại nghoảnh nhìn Hoàng Phủ Thiếu Hoa rồi cười mà phán rằng:
– Đã thân lại càng thân, việc này quốc cữu cũng chớ nên từ chối.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa khóc mà tâu rằng:
– Thánh ân gia hậu bao nhiêu thì tội lỗi của thần đẳng càng thêm thâm trọng.
Mạnh Lệ Quân vương phi cũng tâu rằng:
– Muôn tâu thượng hoàng! Thần đẳng đã dự hàng quốc thích, nay lại cầm quyền chính trong triều thì dẫu thượng hoàng là bậc thánh minh, nhưng thần đẳng đứng đầu trăm quan, lại càng thêm hổ thẹn. Xin thượng hoàng rộng ơn cho vợ chồng thần đẳng cáo quan lui về quê nhà, để được hưởng phúc thanh nhàn trong khi tuổi già, hễ gặp có thời tiết gì, vợ chồng thần đẳng lại sẽ xin vào triều kiến.
Thượng hoàng nghe lời tâu lẩm nhẩm gật đầu, rồi truyền cho công bộ mau mau lập một cái chùa ở chốn đế kinh, để khi nào làm sẽ đến đấy tu hành, không phải đi đâu nữa. Thượng hoàng lại truyền cho vợ chồng Hoàng Phủ Thiếu Hoa đem Triệu Thụy vào triều kiến thái hậu. Bấy giờ trong cung đã tu tạo lại, lầu rồng gác phượng, lại có phần trang hoàng rực rỡ hơn xưa. Trong hoàng cung lại mới làm ra một cái điện gọi là “Hoa Ngạc Điện”. Vua Anh Tôn cùng ba vị vương tử hàng ngày sum họp tại đấy. Ngày ăn một mâm, đêm nằm một chiếu, cùng nhau thân ái bội phần.
Lại nói chuyện vợ chồng Hùng vương và vợ chồng Hoàng Phủ Thiếu Hoa bấy giờ cùng nhau kể lể n! nông nỗi sau khi tương biệt. Trong mười năm trời đăng đẳng, biết bao đoạn khổ tình thương. Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe đến chuyện nàng Hạng Ngọc Thanh, liền vỗ tay khen ngợi và nói:
– Nàng thật là một người kỳ nữ! Nhưng chẳng qua cũng bởi lòng trung nghĩa của hiền huynh cảm động đến trời mà xui khiến nên có bật quần thoa ấy. Còn tôi đây vô phúc sinh phải một đứa con yêu quái, để di lụy đến hiền huynh, thôi thì nghĩa nặng tình sâu, sự báo đền đành để kiếp sau.
Hùng vương thở dài mà than rằng:
– Chẳng qua bởi số mệnh của tôi tất phải gặp tai ách ấy, nhưng cũng nhờ có hiền điệt đem hết tài kinh luân thao lược, cho nên mới còn được thấy ngày nay. Lại đáng khen thây tam điệt Triệu Lân đã bao phen ra vào trong cung chữa thuốc cho tiện nữ (Hùng hậu) mà khiến được bọn quyền gian vẫn không nghi ngờ. Đáng lẽ ngày nay tôi phải lạy dập đầu mà tạ ơn mới phải, cớ sao lại còn nói đến sự báo đền. Vợ chồng tôi khi ở trong ngục thật là ngu ngốc, vẫn oán giận các hiền điệt không vào thăm hỏi, ai ngờ mưu cao trí rộng, chẳng những cứu cho một nhà họ Hùng an toàn tính mệnh, mà nghìn thu sử bút lại còn giải được tiếng oan.
Chà con Hoàng Phủ Thiếu Hoa đều tỏ ý khiêm tốn mà rằng:
– Sao người lại dạy quá lời. Đó chính là bởi lòng trung quân ái quốc của họ Hùng đã cảm động đến trời vậy.
Đang nói chuyện thì gia tướng bày tiệc, mấy người cùng ngồi vào uống rượu. Trong khi uống rượu, Hùng vương thở dài mà than rằng:
– Doãn Thượng Khanh tướng công cùng tiện nhi Hùng Khởi Phượng bấy lâu nay cũng chư về, Hùng Khởi Phượng còn trẻ tuổi, chẳng nói làm chi, như Doãn Thượng Khanh tướng công thì là một bậc nguyên lão trọng thần, năm nay đã già yếu. Con Doãn Thượng Khanh tướng công cũng đã từ quan, vợ chồng đem nhau về chống sơn dã, nay làm chức trưởng sử ở Triệu vương phủ ngày đêm mong nhớ, đã biết bao nước mắt khóc thương cha già.

Hùng vương lại bảo Hoàng Phủ Thiếu Hoa rằng:
– Sáng mai vương gia nên vì tôi tâu với triều đình sai quan sang Cao Ly để hỏi Nam Kim nữ chủ về việc ấy.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa đáp rằng:
– Viếc ấy đã có Nguyễn Long Quang tướng công, hiền huynh bất tất phải lo ngại. Vợ chồng tôi ngày nay tuổi già sức yếu, từng trải bao phen gian nan hiểm trở, cái thân đa bệnh, cần phải tĩnh dưỡng, không dám lại hỏi đến việc quân quốc làm chi. Tôi đã xin cáo từ trở về quê nhà, nhưng thượng hoàng không cho định lập một cái chùa ở chốn đế kinh này, để cho vợ chồng tôi làm nơi vui thú cảnh già vậy. Vừa rồi, vợ chồng vào triều kiến thượng hoàng thì thiên tử khóc lóc mà hối hận việc năm xưa, xin từ nay cùng hoàng hậu bách niên giai lão. Hiền huynh bất tất phải lo ngại, tôi chắc rằng hết cơn bỉ cực tới tuần thái lai.
Khi uống rượu xong, Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại nói:
– Hiền huynh ơi! Tôi còn nhớ năm xưa tôi lưu lạc đến nhà hiền huynh, được hiền huynh trọng đãi, ăn một mâm nằm một chiếu, coi nhau hơn cốt nhục trong một nhà. Từ bấy đến nay thấm thoát đã ba mươi năm chẵn, tang thương mấy độ, mày râu bỗng thấy bạc phơ. Âu là đêm nay ta lại chung gối lên giường, cùng nhau chuyện trò cho bỏ bấy lâu mong nhớ.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa truyền rót rượu để cùng Hùng vương uống. Hai người đều bỏ mũ chỉ mặc bộ áo thường, cùng nhau chuyện trò rất thân mật. Sáng hôm sau, Hùng vương cáo từ ra đi. Phò mã Triệu Câu thì lại vào trong nội. hôm ấy vua Anh Tôn làm lễ phục vị. Hùng hậu lên ngôi hoàng hậu, hoàng tôn được gia phong làm đông cung hoàng thái tử. Các quan triều thần náo nhiệt lạ thường chỉ có Hoàng Phủ Thiếu Hoa là an nhàn vô sự. Khi Hùng vương về rồi, Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại vào nhà trong, hai vị phu nhân Tô Ánh Tuyết và Lưu Yến Ngọc đón mà hỏi rằng:
– Sao hôm nay phu quân không tiến triều?
Hoàng Phủ Thiếu Hoa cười mà bảo rằng:
– Hai phu nhân đã hỏi đến để ta nói cho mà nghe. Ta nay là một người vô câu thúc, dẫu không cáo về điền lý, nhưng cũng chẳng dự gì đến việc triều đường, chỉ một mực vui chơi ở chốn đế kinh này mà thôi.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa vừa nói vừa đi vào nhà trong thăm Mạnh Lệ Quân vương phi. Khi vào tới nơi, Mạnh Lệ Quân vương phi ngồi ở trên giường, Hoàng Phủ Thiếu Hoa liền cầm lấy tay mà hỏi han ân cần. Bỗng thấy Vệ Dũng Nga vương phi bước vào, theo sau có mấy người nữ tử, đều là những bậc mặc hoa da ngọc, nhan sắc tuyệt trần vậy. Phi Loan quận chúa trông thấy thân phụ tức khắc vật mình lăn khóc. Hoàng Phủ Thiếu Hoa cũng ứa nước mắt mà bảo rằng:
– Phi Loan con ơi! Bấy lâu con thủ tiết với họ Hùng, tình nguyện vào nhà giam, thật đã chuộc được tội lỗi cho cha mẹ. Nếu không nhờ có con cùng các anh con thì ta đây hổ thẹn biết dường nào!
Hoàng Phủ Thiếu Hoa trông thấy mấy người nữ tử theo sau Vệ Dũng Nga liền hỏi:
– Những ai đi theo sau vương phi thế kia?
Vệ Dũng Nga vương phi trỏ từng người mà đáp rằng:
– Đây là nàng Diễm Tuyết lệnh ái của quan trưởng sư Lưu Quí; đây là Hạng Ngọc Thanh kỳ nữ; còn đây tức là con dâu trưởng của tôi tên gọi Lương Cẩm Hà đó. Chúng theo tôi lại đây để bái yết vương gia và vương phi.
Lương Cẩm Hà phu nhân lạy chào rồi lại đưa tiểu công tử làm lễ tương kiến. Sau đến nàng Diễm Tuyết và nàng Hạng Ngọc Thanh, hai nàng cúi đầu sụp lạy, trông thật là một đôi nghiêng nước nghiêng thành. Mọi người đang làm lễ tương kiến thì bỗng nghe báo có Mạnh Gia Linh tướng công đến. Hoàng Phủ Thiếu Hoa cùng Mạnh Lệ Quân vương phi vội vàng ra nghênh tiếp. Mạnh Lệ Quân vương phi trông thấy Mạnh Gia Linh tướng công liền ứa nước mắt khóc, hai anh em cùng nhau kể lể những nông nỗi biệt ly trong mười năm trời. Mỗi khi thuật đến chuyện Phi Giao thì Mạnh Lệ Quân vương phi luống những thở ngắn than dài, càng nghĩ bao nhiêu thì lại càng đắng cay chua xót. Mạnh Gia Linh tướng công lại khuyên giải Mạnh Lệ Quân vương phi mà rằng:

– Thôi, câu chuyện đã qua, chớ nên nghĩ đến! Cho hay sinh con gái rất sợ về nỗi có tài. Vả cư cụ Hợp Tôn đã nói rõ cho ta biết tiền thân nó tức là con xích giao. Nhưng chẳng hay cớ sao binh thư của muội phu, lại để cho nó lấy trộm được. Nói rút lại thì cũng là lỗi tại em cả, vì em quá chiều vậy nên nỗi thế.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe nói, vội hỏi duyên cớ làm sao. Mạnh Lệ Quân vương phi liền khóc mà thuật hết đầu đuôi mọi nỗi cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe. Mạnh Lệ Quân vương phi nói:
– Vì tội ác của con Phi Giao mà tôi đã phải thay thái hậu thảo một tờ chiếu thư để theo phép nghiêm trị. Vừa rồi thân huynh trách em quá chiều con Phi Giao, nhưng không phải thế. Con Phi Giao dẫu tính khí vẫn cương cường mà vẫn không hề trái lời huấn dụ, cho nên họ hàng cô cậu ai cũng mến nó như con. Không nhờ từ khi nó vào hoàng cung, bỗng biến tâm đổi tính, làm lắm điều càn rỡ, chẳng coi ai ra gì. Năm xưa tôi phải xa lìa cha mẹ, cải trang trốn đi, dẫu thi đỗ làm quan cũng là một sự bất đắc dĩ, nhưng nghĩ đến ơn cù lao chín chữ, vẫn thường áy náy trong lòng. Còn từ khi về nhà Hoàng Phủ Thiếu Hoa, một niềm hiếu thuận, thờ cha kính mẹ, xét mình chẳng có tội lỗi gì, không biết oan nghiệt gì đâu mà sinh ra đứa con yêu quái ấy! Hay là năm xưa tôi cưỡng lời cha mẹ, cố giữ ngôi thừa tướng trong mấy năm trời, không chịu cải trang, vậy nên quả báo không sai, đến nỗi sinh phải đứa con bất hiếu chăng! Trời ơi! Tôi nghĩ đến cha mẹ lúc nào, lòng tôi lại đau như cắt, những mong được sum vầy dưới gối, để cho trọn đạo thần hôn.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
– Nếu phu nhân muốn về Vân Nam thăm cha mẹ thì tôi cùng đi một thể, tôi còn muốn sang đấy để tế trước mộ Lương Trấn Lân tướng công một tuần và khuyên hai công tử nên ra làm quan. Tôi có tau xin mà thượng hoàng nhất định không cho đi, hiện đã sai sứ đi Vân Nam để tế Lương Trấn Lân tướng công và gia phong quan chức cho hai công tử nữa. Bài tế văn ở mộ thì thiên tử ngự chế rồi giao cho Triệu vương chép lại. Lại ban cho một trăm khoảnh ruộng để làm tự điền. Triều đình báo đáp như thế thì tướng công ở dưới suối vàng tưởng cũng hả dạ. Vì nhà Hoàng Phủ mà khiến cho bao nhiêu người phải khổ sở lầm than.
Mạnh Gia Linh tướng công nói:
– Việc ấy há phải lỗi riêng tại nhà Hoàng Phủ, chẳng qua là ách vận của nước nhà tất có một phen như thế.
Mạnh Gia Linh tướng công nghoảnh lại bảo Mạnh Lệ Quân vương phi rằng:
– Chẳng bao lâu nữa anh về Vân Nam vậy em cùng đi làm sao cho được.
Mạnh Lệ Quân vương phi nói:
– Bất cứ lúc nào tất phải để cho em cùng đi.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
– Phu nhân chưa khỏi bệnh thì đi làm sao cho được, âu là để đến mùa xuân sang năm, rồi cùng tôi về Vân Nam.
Mạnh Lệ Quân vương phi lại đáp rằng:
– Đợi thế nào được! Năm nay hai thân thiếp tuổi già sức yếu, tấm lòng nhớ con gái, hồ dễ đã lúc nào nguôi, thế thì thiếp đây dâũ chưa khỏi bệnh mặc lòng, cũng tất phải về thăm mới phải. Vả công việc trong nhà đã có hai phu nhân cùng các con. Hai thân tuổi hạc đã cao, một ngày một ngã bóng dâu, ta về sớm ngày nào tức là hay ngày ấy vậy.
Mạnh Gia Linh tướng công gật đầu khen phải, rồi nói:
– Hễ thiên tử làm lễ phục vị xong thì ta sẽ sửa soạn khởi hành.
Bỗng nghe báo ngoài cửa có Nguyễn Long Quang tướng công đến. Mạnh Lệ Quân vội vàng đứng dậy lui vào nhà trong. Bấy giờ Vệ Dũng Nga vương phi cùng mọi người nói chuyện, trông thấy, lại thuật chuyện trong cung cho Mạnh Lệ Quân vương phi nghe.Vệ Dũng Nga vương phi nói:
– Vừa rồi thái hậu gia ân thải bớt các cung nữ ra. Trong bọn cung nữ có hai chị em họ Trần thuật chuyện khi trước vương phi cắt thịt đùi để nấu “Nhân cao” cho thái hậu uống. Thượng hoàng và thái hậu nghe nói đều động lòng thương xót mà ứa nước mắt khóc. Thiên tử bấy giờ cũng giọt lệ chứa chan, quì xuống tâu thượng hoàng và thái hậu rằng :
– “Con cam tội bất hiếu. Ơn sâu của nhà Hoàng Phủ thật không biết thế nào mà báo đáp cho cùng.”
Thiên tử cứ nức nở khóc hoài, thượng hoàng và thái hậu sai ba vị vương tử đỡ thiên tử dậy, rồi tìm lời khuyên giải. Thế mới biết bao giờ cha mẹ cũng có lòng thương con. Trưởng tử tôi là Hùng Khởi Phượng đi sứ Cao Ly đã mười năm nay mà chưa thấy về. Tôi đã phải tâu xin thiên tử giáng chỉ sai sứ đi hỏi Nam Kim nữ chủ. Xót thương con dâu tôi ngày đêm mong đợi, chỉ muốn được phu quân về để đem ngôi chính thất mà nhường cho nàng Hạng Ngọc Thanh, gọi là báo đền lòng tiết nghĩa của nàng đã tình nguyện vào nhà giam trong bấy nhiêu năm trời.

Vệ Dũng Nga vương phi nói xong hai hàng nước mắt lại ròng ròng chảy xuống. Lương Cẩm Hà phu nhân liền dắt tiểu công tử đến trước mặt để khuyên can tổ mẫu. Tiểu công tử nói:
– Tổ mẫu ơi! Xin tổ mẫu chớ lo phiền! Chẳng bao lâu nữa thân phụ con tất cũng được về nước. Vả thân mẫu con những lo cùng phiền nước mắt không lúc nào ráo, nay tổ mẫu lại thương khóc thì càng khiến cho thân mẫu con phải đức ruột đau lòng. Tiếc thay bấy giờ con đang đọ ngây thơ, chưa biết hăng hái tòng quân như Mộc Lan nữ tướng quân thuở trước.
Mọi người nghe nói đều khen ngợi mà rằng:
– Tiểu công tử còn nhỏ tuổi mà nói năng đã khác thường.
Mạnh Lệ Quân vương phi lại nói:
– Trong mấy năm trời nước Cao Ly không triều cống chi cả. Tôi nghe nói Nam Kim nữ chủ mỗi ngày một hoang dâm càn rỡ, mà Phi Giao cũng lười biếng cho nên không sai người đem quân sang hỏi tội. Mới đây lại nghe nói Nam Kim nữ chủ bị bệnh, còn việc tu bổ quốc sử chưa biết bao giờ xong. Ngày nay ta nên tâu với triều đình sai một viên đại tướng đem quân tới Áp Lục Giang. Hễ Cao Ly tha sứ thần ta về thì thôi bằng không thì sẽ tiến kinh hỏi tội.
Vệ Dũng Nga vương phi mừng mà nói:
-Vương phi thật là một tay thao lượt, ít người theo kịp! Việc ấy ta phải tâu với thiên tử điều binh khiển tướng ngay. Còn một việc nữa tôi xin nói để vương phi biết: Nàng Diễm Tuyết quyết chí tu hành, tổ mẫu nàng cùng thân phụ nàng đều quyết chiều ý nàng cả. Thái hậu định lập một cái chù ở trong cung, cho nàng ra đấy tu hành, vương phi nghĩ có nên không?
Mạnh Lệ Quân vương phi cười mà hỏi nàng Diễm Tuyết rằng:
– Nàng Diễm Tuyết ơi! Nàng nghĩ thế nào mà muốn đi tu?
Nàng Diễm Tuyết nói:
– Con chẳng có kiến thức chi cả. Từ bé đến nay vốn tính vẫn thích sự tu hành. Vả lại lười biếng chỉ hàng ngày theo thân phụ xem ngắm các tinh tượng lấy thế làm vui. Thân phụ có ý chiều con cho nên không nỡ trái ý. Tổ mẫu và thân mẫu con cũng bằng lòng, mới đem việc ấy tâu cùng thái hậu vậy.
Nói chưa dứt lời thì Lưu Yến Ngọc phu nhân gọi nàng Diễm Tuyết mà bảo rằng:
– Diễm Tuyết con ơi! Cha mẹ con đều bằng lòng cho con tu hành cũng chẳng qua cũng bởi duyên túc phúc của con đó! Ta vẫn biết đã lâu rằng con là người có tiên phong đạo cốt, ngày nay dẫu tạm xuống trần thế, nhưng sau này rồi sẽ lại bạch nhật phi thăng. Chúng ta đây không ai được bằng con vậy.
Mạnh Lệ Quân vương phi và Vệ Dũng Nga vương phi đều cười mà bảo rằng:
– Lưu phu nhân thật là một người rất tinh nghề xem tướng. Phu nhân thường nói nàng có tiên phong đạo cốt, chứ không phải người trần, ngày nay quả nhiên nàng ham sự tu hành, thế mới biết người ta ở đời. muôn việc đều có số mệnh. Chúng ta đây lòng trần mắt thịt, đắm chìm ở trong bể khổ, thời giờ thắm thoát, chẳng qua cũng lao lực một đời.
Nói chưa dứt lời thì nàng Hạng Ngọc Thanh đứng dậy, đến gần trước mặt Mạnh Lệ Quân vương phi và Vệ Dũng Nga rồi quì xuống mà thưa rằng:
– Bám bẩm hai vị vương phi! Tiện tỳ này có một nỗi riêng hơn hai mươi năm trời nay chưa hề ngỏ chuyện với ai, ngày nay sự thế đáo đầu, vậy xin cứ thực phân trần để hai vương phi lượng tình cho.
Mạnh Lệ Quân vương phi và Vệ Dũng Nga vương phi đỡ nàng Hạng Ngọc Thanh dậy rồi kinh ngạc mà hỏi:
– Nàng Hạng Ngọc Thanh ơi! Nàng có việc gì xin nàng cứ nói!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.