Tục Tái Sanh Duyên

Chương 25


Đọc truyện Tục Tái Sanh Duyên – Chương 25

Nói xong, truyền nội giám đem tờ chiếu thư ra tuyên đọc. An Quốc tướng quân không hiểu ý tứ trong tờ chiếu thư, thấy tạm lập mình làm giám quốc thì lấy làm vui sướng. Các quan văn võ triều thần đều lạy dập đầu mà chúc câu “Thái hậu vạn tuế! Vạn vạn tuế!”
Thái hậu lại truyền gọi Nguyễn tướng công lại gần trước mặt mà khẽ dụ rằng:
– Nguyễn tướng công ơi! Con Phi Giao vừa mới sai người dâng nộp cái ấn ngọc tỷ này, âu là ngày nay ta cứ thu nhận.
Nguyễn tướng công tâu rằng:
– Cái ngọc tỷ này là đồ chí bảo của thiên tử, nay lập giám quốc, hạ thần thiết tưởng không được phép dùng, chỉ nên lưu để ở trong cung thái hậu.
Thái hậu gật đầu, truyền quan Hàn lâm học sĩ phải lục một đạo chiếu thư để tuyên đọc cho thiên tử và Phi Giao biết, lại ban thị khắp trong thiên hạ. Thái hậu toan sai nội giám phụng chiếu thư đem đi, nhưng sợ Phi Giao kháng cự hoặc sinh sự làm càn chăng, mà sai ngoại quan lại e có điều bất tiện. Thái hậu còn đang ngẫm nghĩ thì Mạnh Lệ Quân vương phi quì xuống tâu rằng:
– Muôn tâu thái hậu! Việc đem tờ chiếu thư ấy đến tuyên đọc cho Phi Giao, xin thái hậu cứ sai thần thiếp.
Thái hậu mừng rỡ mà phán rằng:
– Mạnh Lệ Quân em ơi! Việc này em chịu nhận đi thì thật là hay lắm. Nhưng còn người theo hầu, chưa biết chọn ai.
Triệu Phượng và Triệu Lân cũng quì xuống tâu rằng:
– Muôn tâu Thái hậu! Chung quanh hữu cung đều có cấm binh vây kín, cũng tất phải thần đẳng mới vào qua được, vậy xin Thái hậu sai thần đẳng theo thân mẫu đến hữu cung là tiện việc hơn.
Thái hậu liền truyền dụ rằng:
– Tờ chiếu thư này giao cho Mạnh Lệ Quân đem đến hữu cung, còn Triệu Phượng và Triệu Lân thì đi hộ vệ.
Mạnh Lệ Quân Vương phi phụng mệnh ra đi, trước mặt có hai tên cung nữ cầm cờ tiết. Khi đi tới nơi, cửa cung đóng chặt, tiêu điều lạnh lẽo, trông thật có vẻ bi thương. Mạnh Lệ Quân vương phi nghoảnh lại bảo Triệu Phượng và Triệu Lân rằng:
– Hai con nên mau mau vào trong vườn thượng uyển thỉnh thiên tử ra đây.
Hai quốc cữu vâng mệnh, nhưng lại đồng thanh và nói với Mạnh Lệ Quân vương phi rằng:
– Thân mẫu ơi! Thân mẫu vào đây cũng nên phải cẩn thận đề phòng mới được!
Mạnh Lệ Quân vương phi lại bảo rằng:
– Ngày trước khác, bây giờ khác, hai con không can chi mà phải lo ngại!
Nói xong, cầm cờ tiết gõ cửa cung mà gọi. Gọi đã hồi lâu mới thấy ở trong cung có người chạy ra hỏi rằng:
– Có phải chiếu thư của thái hậu ban đến đó không? Lệnh bà chờ đã lâu lắm!
Bỗng thấy cửa cung mở rộng, có mấy tên nội giám chạy ra. Mấy tên nội giám trông thấy Mạnh Lệ Quân vương phi , liền chắp tay cúi chào, rồi chạy vào phi báo để cho Phi Giao biết. Mạnh Lệ Quân vương phi theo vào nội cung thì thấy ngôi bảo tọa để không, các cung nữ đứng chung quanh đều ứa hai hàng nước mắt. Hồi lâu, bỗng thấy Phi Giao ở phía trong bước ra, làn thu thủy nét xuân sơn, vẫn không hề giảm kém năm xưa chút nào vậy. Mạnh Lệ Quân vương phi trông thấy Phi Giao xót tình mẹ con, cũng hơi áy náy trong lòng, chiếu thư vẫn cầm ở tay, mà chưa biết nói thế nào cho được. Bỗng nghe có vua Anh Tôn đến, Mạnh Lệ Quân vương phi mới đứng ra giữa bảo điện, vua Anh Tôn và Phi Giao sụp lạy hai bên. Mạnh Lệ Quân ứa nước mắt khóc mà tuyên đọc tờ chiếu thư. Vua Anh Tôn và Phi Giao cúi đầu lặng nghe. Khi tuyên đọc xong, vua Anh Tôn và Phi Giao đứng dậy, Mạnh Lệ Quân đặt tờ chiếu thư xuống, lại toan sụp lại vua Anh Tôn để tạ tội. Vua Anh Tôn cúi đầu mà thưa rằng:
– Có đâu tôi dám thế, bây giờ tôi không phải là thiên tử, lại tức là cháu ngoại sanh vậy.
Phi Giao đến gần trước mặt Mạnh Lệ Quân vương phi rồi ôm lấy mà khóc:
– Thân mẫu ơi! Thân mẫu vốn có lòng nhân từ, xin thân mẫu thương lấy con. Con nghe những lời trong chiếu thư nói thì con dẫu chết cũng đáng tội. Nay con có một việc này muốn nhờ thân mẫu tâu thái hậu, xin cho thiên tử cùng ở với con một nơi. Con dẫu thừa ơn thiên tử trong bấy nhiêu năm trời, nhưng vẫn một mình vò võ ở riêng một cung, chưa được mấy ngày sum họp. Xin thân mẫu xót tình mẹ con mà giúp cho việc ấy.
Vua Anh Tôn cũng ứa nước mắt khóc mà nói với Mạnh Lệ Quân vương phi rằng:
– Cữu mẫu ơi! Tiện sanh đã phạm tội bất hiếu thì xin tâu thái hậu đem chính pháp đi, hà tất phải đợi đến khi thượng hoàng về. Cữu mẫu ơi! Ngày nay dẫu vì tình riêng mà khoan tha, nhưng tiện sanh cũng chẳng còn mặt mũi nào mà trông thấy hai thân nữa. Thôi thì bây giờ xin lập tân quân đi, hà tất phải lập giám quốc.
Nói xong, lại giẫm chân mà thở dài, Mạnh Lệ Quân vương phi động lòng thương xót, không thể chịu được, mới khóc òa lên một tiếng thật to mà bảo Phi Giao rằng:

– Phi Giao con ơi! Ta không hiểu cớ sao năm xưa con lại ngu ngốc như thế! Con quá tin lời đứa gian thần Mã Thuận mà khiến cho thiên tử mang tiếng bất hiếu, ngày nay dẫu hối cũng chẳng kịp nào. Thân phụ con còn đang đi tìm thượng hoàng có đem theo một đứa con nhỏ, cũng chưa biết bao giờ mới về. Bây giờ thiên tử cùng con lại bị giam cấm thì thái hậu và ta đây đều phải đứt ruột héo gan vậy.
Mạnh Lệ Quân vương phi nói xong, lại nức nở khóc hoài. Phi Giao cũng sụt sùi mà rằng:
– Thân mẫu ơi! Việc này dẫu khởi đầu tự con, nhưng gây vạ thực sự là Hùng vương đó. Số là bấy giờ Hùng hậu đòi lại quyền chính trong cung, con có nổi giận, nói quá mấy câu thì Hùng vương liền tuyên ngôn ở chốn triều đường rằng: “Hễ Hùng hậu có xảy ra sự việc gì thì con tất phải đền mạng mà chết theo.” Vì thế con lại càng căm tức, phải lập kế biếm Hùng hậu và giết Hùng vương, không ngờ thái hậu thiên vị tình riêng nỡ rút gươm mà toan chém con. Thiên tử nhân nhu thái quá, bất đắc dĩ con mới phải thay cầm quyền chính. Nếu không lưu phương thì đành di xú, con chỉ quyền nghi để có giết Hùng vương. Khi thân mẫu tới nới con luống cuống không biết làm thế nào thì Đồ Man Hưng Phục và Mã Thuận xui con đem giam cấm thân mẫu ở trong cung. Con tuy lộng quyền chuyên chính thật, nhưng về phần khuê đức thì con vẫn giữ được trọn vẹn, không dám để điếm nhục đến cha mẹ. Thân mẫu ơi! Con còn một điều rất khẩu yếu muốn nói, nghĩa là thái hậu nên ngẫm nghĩ cho kỹ, chớ lập giám quốc làm chi. Vả lập An Quốc tướng quân vị tất đã được như con. Còn như thân thể của con, thân mẫu bất tất phải thương xót, ngày nay dẫu chết đã từng được hưởng thụ bao nhiêu sự vinh hoa phú quý ở đời. Chẳng qua số mệnh bởi trời, Bành Tổ hay Cam La, cũng là một kiếp người vậy.
Phi Giao nói đến câu ấy thì lại nức nở khóc, Mạnh Lệ Quân vương phi nói:
– Phi Giao con ơi! Ngày nay con nói ra bao nhiêu, khiến cho ta lại càng chua xót bấy nhiêu. Con nên biết rằng nỗi khổ tâm của Thái hậu dẫu người sắt đá cũng phải động lòng mà sa nước mắt.
Vua Anh Tôn vật mình lăn khóc mà rằng:
– Phụ hoàng ơi! Mẫu hậu ơi! Con đây thật là một đứa đại bất hiếu! Xót thương cho con mấy năm trời nay xa cách cha mẹ, có chẳng chỉ được gặp gỡ trong giấc chiêm bao.
Mạnh Lệ Quân cũng cứ gục đầu mà khóc. Phi Giao trông thấy như dao cắt ruột, không biết làm thế nào, mới khóc mà nói với Mạnh Lệ Quân rằng:
– Thân mẫu ơi! Thân mẫu làm thế nào để cứu thiên tử thì con đây dẫu xả thây trăm mảnh, cũng được cam lòng. Bao nhiêu tội ác, con xin nhận cả, xin thái hậu rộng ơn mà tha thiên tử, kẻo thái hậu chỉ có một mình thiên tử lòng nào lại nỡ dứt tình cho đang.
Mạnh Lệ Quân khóc mà bảo rằng:
– Bây giờ thái hậu cũng không thể quyết định được, tất phải đợi khi thượng hoàng về.
Vua Anh Tôn khóc mà nói rằng:
– Cữu mẫu ơi! Cữu mẫu tâu giúp với mẫu hậu rằng tôi dẫu là tội nhân, nhưng không dám tự liều mình để đau lòng mẫu hậu, xin đợi đến không thượng hoàng về triều, sẽ trị tội bất hiếu của mình.
Vua Anh Tôn nói xong thì Phi Giao nói:
– Thân mẫu ơi! Thân mẫu ra hôm nay, chưa biết hôm nào mới vào đây. Xin thân mẫu cứ yên lòng mà giữ gìn quý thể. Khi nào thân phụ con về thì thân mẫu nói giúp con mấy lời rằng công cù lao con chưa báo đáp, xin đành đợi đến kiếp sau. Còn anh chị em trong nhà, con cũng xin gửi lời từ biệt.
Hai mẹ con dùng dằng chưa nỡ rời tay thì bỗng thấy hai tên nội giám đến mà bẩm rằng:
– Dám bẩm vương phi! Thái hậu đã lui triều, có truyền lệnh gọi vương phi vào ngay để bàn các việc trọng yếu.
Mạnh Lệ Quân vương phi gạt nước mắt mà dời gót quay đi. Khi vào tới nam nội, chỉ tâu Thái hậu là thiên tử cùng Phi Giao sau khi nghe tờ chiếu thư thì cúi đầu lạy tạ, còn bao nhiêu những câu thương tâm đều giấu kín cả, kẻo sợ thái hậu đau lòng.
Triệu Lân đem năm trăm quân giả cách hộ vệ An Quốc tướng quân, nhưng kỳ thực thì canh giữ rất nghiêm mật không cho được giao thông với ai cả. Bấy giờ An Quốc tướng quân thành ra trong tay không có binh quyền, tiếng làm giám quốc nhưng Nguyễn tướng công cùng các quan văn võ triều thần chỉ vái mà không lạy. An Quốc tướng quân vẫn ngồi ở gian trên để tiếp kiến các quan triều thần, các quan triều thần đệ trình các việc khẩn yếu thì An Quốc tướng quân luống cuống không biết phê phó ra thế nào. Nguyễn tướng công lại cầm bút dâng để xin chữ phê. An Quốc tướng quân thẹn đỏ mặt lên mà khẽ nói rằng:
– Tôi nay mới lâm triều, chưa được am thuộc, nhờ tướng công hãy phê phò hộ cho.
Nguyễn tướng công liển nghoảnh lại bảo các quan văn võ trong triều thần rằng:
-Từ nay các quan cứ vào trong nội các làm việc cũng được.
Triệu Lân sai mấy tên gia tướng thân tín phải tra xét những người vào nhà An Quốc tướng quân, thành ra An Quốc tướng quân chẳng khác nào như mọt người tù tội vậy. Bao nhiêu những gia tướng tâm phúc của An Quốc tướng quân thì Triệu Lân sai đi giữ phía ngoài thành, An Quốc tướng quân thân cô thế cô, chỉ đành bó tay mà ngồi một xó. Bỗng nghe báo có hai quốc cữu đến. An Quốc tướng quân nghĩ thầm:
“Ta đợi hắn vào đây để xem hôm nay hắn bảo ra thế nào.”
An Quốc tướng quân ngẩng nhìn thì thấy Triệu Phượng mũ áo đại triều, tay cầm một quyển sổ, nét mặt tươi cười, ở dưới thềm bước lên.
Triệu Phượng nói:
– Tôi xin có lời chúc mừng tướng quân, chẳng bao lâu sắp được lên ngôi đại bảo.

An Quốc tướng quân vội hỏi:
– Quốc cữu thấy thế nào mà lại nói thế. Trong mấy hôm nay, tôi chẳng thấy tin tức gì đáng mừng cả, chỉ biết rằng tôi đã lừa dối thân phụ tôi mà lại tự nhiên trong tay mất hết binh quyền.
Triệu Phượng lại mỉm cười mà bảo rằng:
– Tướng quân chớ nóng nảy! Ngày nay công việc mười phần đã được đến chính phần rồi, chỉ còn một phần nữa là trọn vẹn, xin tướng quân cứ yên lòng chờ đợi một chút. Tướng quân hãy ngồi xuống đây mà xem quyển sổ này.
Nói xong, liền cầm quyển sổ trao cho An Quốc tướng quân. An Quốc tướng quân mở ra xem thì quyển sổ ấy biên chép các đồ vàng bạc châu báu trong nội khố, cả thảy đánh giá mấy mươi trăm vạn. An Quốc tướng quân xem xong, vừa sợ vừa mừng lại hỏi hai quốc cữu rằng:
– Quyển sổ này để làm gì?
Triệu Phượng nói:
– Phàm thiên tử truyền ngôi cho ai, trước hết phải đưa quyển sổ này để giao lại các vàng châu báu trong nội khố. Sáng ngày hôm nay thái hậu đã khen tướng quân là người hiền đức, nên truyền ngôi đại bảo cho tướng quân. Dẫu thượng hoàng về triều, tất cũng đồng ý, hiện đã sai tòa khâm thiên giám chọn ngày để sắp truyền ngôi đó. Việc này mười phần đã xong đến chín phần rồi, nay tướng quân ban yến cho các công thần thì tất anh em tôi sẽ được bữa rượu thật say vậy.
An Quốc tướng quân nghe nói hớn hở vui mừng, vội vàng đứng dậy, chắp tay vái lạy hai Quốc cữu mà rằng:
– Đa tạ hai quốc cữu! Việc này mà thành được, đều là trông cậy ở tài giỏi trí cao của hai quốc cữu đó!
Hai Quốc cữu cáo từ lui ra. An Quốc tướng quân tay cầm quyển sổ đi vào nhà trong. Người vợ chính thất của An Quốc tướng quân là Nguyên thị bấy giờ đang hầm hầm nổi giận, quát mắng om sòm, An Quốc tướng quân nhí nhoẻn mà bảo rằng:
– Phu nhân ơi! Phu nhân chớ nóng nảy! Ta sắp làm Hoàng đế thì phu nhân tức là ngôi Hoàng hậu đó! Ngày nay một quyển sổ biên chép các thứ vàng bạc châu báu trong nội khố đây, phu nhân hãy cầm lấy mà xem.
Nói xong, liền trao quyển sổ cho Nguyên thị, Nguyên thị chẳng thiết xem, giật ngay quyển sổ mà ném xuống đất, rồi nói:
– Gớm cho Mị nương! Mị nương là đứa hoang dâm! Lão tặc đi vắng chưa đầy mấy ngày sao đã điên cuồng đến thế! Cái quần lót của đồ khốn nạn kia, cớ sao lại thấy ở giường nằm Mị nương? Khi tôi trông thấy, nó còn già mồm cãi. Này đây, đã quả nhiên hay chưa!
An Quốc tướng quân còn đang luống cuống thì bỗng thấy trên mắt phía tả bị tát một cái thật mạnh, nước mắt ràn rụa, tưởng chừng như lòi con ngươi ra, An Quốc tướng quân chỉ lấy tay bưng mặt, mếu máo kêu khóc. Nguyên thị quát to lên rằng:
– Muốn sống thì quì ngay xuống đây!
An Quốc tướng quân khúm núm quì xuống. Nguyên thị gọi nữ tỳ lấy roi, trỏ mặt An Quốc tướng quân mà mắng rằng:
– Đồ khốn nạn kia, cứ lừa dối gái này mãi! Nay bảo sắp làm Hoàng đế, kỳ thực chứ tâm ngẩm để tư tình với đứa dâm phụ kia! Bây giờ chưa làm Hoàng đế còn dám to gan như thế, đến khi đã làm Hoàng đế thì trong tam cung lục viện, mặc sức tự do, còn coi tôi ra gì nữa. Thôi thì tôi chẳng thiết làm Hoàng hậu, mà tôi cũng chẳng muốn ai làm Hoàng đế, bây giờ tôi chỉ đánh cho nhừ đòn rồi giam vào một nơi.
Nói xong, liền cầm roi giương thẳng cánh mà quất, quất túi bụi một hồi. An Quốc tướng quân kêu ầm lên rằng:
– Trời ơi! Đất ơi! Tôi đau quá rồi, xin tha cho tôi!
Nguyên thị đánh chán lại nói:
– Đồ khốn nạn kia! Từ nay cấm không được bước chân ra khỏi cửa phòng! Vợ con không thiết, lại chỉ muốn yêu vụng giấu thầm cùng đứa dâm phụ.
An Quốc tướng quân van lạy mà rằng:
– Phu nhân muốn đánh thế nào thì đánh, nhưng xin phu nhân tha cho đừng giam.
Nguyên thị lại nổi giận mà mắng rằng:
– Đồ khốn nạn kia đã không sớ đánh thì tất thế nào cũng phải giam vào một chỗ mới xong.

Nói xong, liền bỏ cái roi xuống, đứng dậy nắm lấy cánh tay An Quốc tướng quân, lôi xềnh xệch vào trong phòng. An Quốc tướng quân vốn có sức khỏe địch nổi muôn người, mà bây giờ trông như con gà con bị người ta kéo lê vậy. Quyển sổ vất tung ra đấy, mấy đứa nữ tỳ nhặt lấy cùng nhau khúc khít cười thầm. Nguyên thị là cháu nữ tôn Thiết Mộc Nhĩ Mông Cổ, người khỏe và giỏi võ nghệ, tính rất hay ghen. Thiết Mộc Nhĩ gả Nguyên thị làm vợ chính thất An Quốc tướng quân, sinh được hai trai và một gái còn bé. Phàm các nữ tỳ, hễ đứa nào hơi cười nói với An Quốc tướng quân thì không bị đánh chết tất cũng nhừ đòn. Công việc trong nhà Đồ Man Hưng Phục lúc trước đều bởi một tay Mị nương chưởng quản. Từ khi có Nguyên thị về làm dâu thì cướp hết quyền chính trong nhà. Nàng Mị nương chỉ vì Đồ Man Hưng Phục đã hứa lời rằng hễ thành đại sự thì xin lập nàng làm hoàng hậu, cho nên nàng cũng cố nhịn. Vả nàng chắc rằng ngôi thái tử sau này là về phần Định Quốc tướng quân, chứ An Quốc tướng quân không dự chi đến. Ai ngờ ngày nay bị Nguyên thị trông thấy cái quần lót, thành ra che đậy không nổi, đành phải giả điếc giả ngây. Dần dần việc vỡ lở ra, Mị nương hổ thẹn quá, đến đêm vào phòng thắt cổ tự tử.
Lại nói chuyện Gia Tường công chúa từ khi Triệu Phượng và Triệu Lân đi khỏi rồi, nghĩ đến công việc nước nhà, luống những ngậm ngùi thương khóc. Hoàng tử dẫu còn nhỏ tuổi, nhưng thấy công chúa thương khóc thì cũng động lòng, liền chạy đến gần, nắm áo Gia Tường công chúa rồi quì xuống đất mà hỏi.
Gia Tường công chúa ngẫm nghĩ hồi lâu, mới gạt nước mắt thuật chuyện đầu đuôi cho hoàng tử biết mình là con Hùng hậu. Nào những khi mới sinh, để nằm trong giỏ thuốc mà xách ở trong cung đem ra. Từ bấy đến nay vẫn nhận làm con. Phi Giao hạ lệnh cấm không cho vào triều kiến tại nam nội. Vì thế nên âu sầu buồn bã mà không cầm nước mắt cho được. Hoàng tử nghe nói, vật mình lăn khóc:
– Tổ phụ ơi! Chẳng hay cớ sao tổ phụ lại nỡ bỏ muôn dặm giang sơn này mà đi cho đành!
Hoàng tử lại nói với Gia Tường công chúa rằng:
– Công chúa nuôi nấng con trong bấy nhiêu năm trời, quản bao nhọc nhằn, thật là coi con cũng như con đẻ vậy. Con có biết đâu sự thế như thế, thảo nào xưa nay công chúa không ẵm chị con mà chỉ hay ẵm con! Hôm trước Nguyễn tướng công vào đây, lại ngắm nghía bàn chân con, con nghĩ lấy làm lạ. Đã đành rằng ngày nay con được yên ổn, nhưng không biết thân mẫu con ở trong cung bay giờ thế nào? Chẳng thà con không biết thì thôi, nay con đã biết thì ngồi yên sao được, vậy công chúa cho con vào nam nội, để bái yết tô mẫu và thân mẫu.
Gia Tường Công chúa nghe nói lại khóc òa lên mà rằng:
– Hoàng tử ơi! Bấy nhiêu năm trời, tôi đây cũng nhớ hai thân mà không được vào triều bái. Hễ ngày nay biếm truất được Phi Giao thì toô sẽ đem hoàng tử vào nam nội, nhưng chỉ sợ An Quốc tướng quân biết chuyện thì thật tai vạ tày trời. Vậy hãy đợi xem tin tức thế nào, bấy giờ mới có thể quyết định được.
Bỗng thấy bảo mẫu ở đâu chạy đến, nét mặt hớn hở mà nói với Gia Tường công chúa rằng:
– Dám bẩm công chúa! Công chúa nên lấy làm mừng. Ngày nay thái hậu lâm triều, đã biếm truất Phi Giao hoàng hậu và nã tróc Mã Thuận, xin công chúa chớ lo ngại.
Hoàng tử nghe được tin ấy, mừng rỡ mà rằng:
– Công chúa ơi! Nếu vậy thì xin công chúa mau mau đưa con vào cung.
Gia Tường công chúa nói:
– Bây giờ triều chính chưa định, các quan triều thần chưa biết ai trung ai gian. Nếu hoàng tử vào cung thì khiến người sinh nghi, khó lòng mà bảo toàn được tính mệnh.
Bảo mẫu cười mà bảo rằng:
– Cũng chẳng khó chi điều ấy! Hoàng tử cứ nhận là con công chúa thì hồ dễ mấy kẻ đã biết được tường. Nhưng việc này tất phải đợi hai quốc cữu về đây, chứ bây giờ thì trước sao phủ phò mã này đều có cấm binh canh giữ.
Hoàng tử nghe nói không biết làm thế nào, chỉ đành lòng mà đợi hai quốc cữu. Đợi trong mấy ngày, không thấy hai quốc cữu vể, hoàng tử luống những sụt sùi thương khóc, chẳng thiết ăn uống chi cả.
Khi Triệu Phượng và Triệu Lân về. hoàng tử chạy đến bên cạnh quì xuống đất rồi nức nở khóc. Hai quốc cữu giật mình kinh sợ. Gia Tường công chúa gạt nước mắt mà thuật chuyện đầu đuôi cho hai quốc cữu nghe. Lại nói cho hai quốc cữu biết rằng trong mấy ngày nay hoàng tử chỉ những nhớ Hùng hậu mà biếng ăn quên ngủ. Hai quốc cữu chưa kịp trả lời thì hoàng tử phục xuống đất rồi nắm lấy áo Triệu Lân mà nói rằng:
– Tam thúc ơi! Con chịu ơi sâu của tam thúc dã bảo toàn tính mệnh giúp con, biết bao giờ cho con báo đáp được. Bây giờ con chỉ muốn vào nam nội để yết kiến thân mẫu con và tâu với tổ mẫu rộng ơn mà ân xá cho thân phụ của con vậy.
Hoàng tử nói xong lại nức nở khóc hoài. Triệu Phượng và Triệu Lân đều ứa nước mắt khóc rồi đồng thanh mà rằng:
– Hoàng tử ơi! Xin hoàng tử chớ thương khóc! Hoàng tử muốn như vậy cũng chẳng khó gì! Ngày nay Gia Tường công chúa vào cung sẽ đưa sẽ đưa hoàng tử vào bái yết tả hoàng hậu.
Hai quốc cữu thuật rõ đầu đuôi mọi việc đem quân và nam nội rước thái hậu ra ngự triều. Lại nói cho biết là quân dân ngày nay đều hiểu đại nghĩa, không ai chịu theo An Quốc tướng quân. Gia Tường công chúa vui mừng, chắp tay lạy tạ hoàng thiên đã có lòng phù trợ. Công chúa lại bảo hai quốc cữu rằng:
– Nhờ có tài giỏi trí cáo của hai quốc cữu mà khiến cho nhà Hoàng Phủ sau này giảm bớt được một phần tội lỗi.
Hai quốc cữu cáo từ lui ra, Gia Tường công chúa truyền sửa soạn áo quần cho hoàng tử cải cải dạng nữ trang để sắp sửa đưa vào triều kiến thái hậu. Khi sửa soạn xong, hoàng tử cùng đứng với Trân Khanh quận chúa. Quận chúa thì trông thật mặt hoa da ngọc, mà hình dáng hoàng tử thì lại rất giống thượng hoàng. Khi sắp khởi hành, bảo mẫu lại sực nhớ mà nói với Gia Tường công chúa rằng:
– Dám bẩm công chúa! Cái giỏ thuốc, cái áo lót mình và cái ngọc đeo là những kỷ niệm từ khi đem hoàng tử từ trong cung ra, ngày nay công chúa cũng nên đưa vào để trình thái hậu.
Gia Tường công chúa gật đầu, vội vàng đi lấy các đồ kỷ niệm. Khi Gia Tường công chúa trông thấy mấy hàng chữ chính tay thượng hoàng đề ở trong cái áo lót của mình kia thì lại động lòng xót thương. Bên ngoài sắp sẵn xa giá. Gia Tường công chúa cùng ngồi ngọc liễn với hoàng tử, còn Trân Khanh quận chúa thì giao cho bảo mẫu coi giữ ở nhà.
Các gia tướng và quân cấm binh thì đi kèm hai bên để hộ vệ. Khi đến nam nội, các cung nữ trông thấy hớn hở vui mừng, chạy vào báo với thái hậu và Mạnh Lệ Quân vương phi. Gia Tường công chúa tay dắt hoàng tử bước lên trên thềm, cúi đầu sụp lạy. Thái hậu ứa hai hàng nước mắt, rồi đỡ dậy mà bảo rằng:
– Gia Tường con ơi! Trong bấy năm nay xa cách, bây giờ ta lại gặp con!
Thái hậu thấy hoàng tử cải dạng nữ trang, lại trỏ mà hỏi rằng:
– Đây có phải là ngoại nữ tôn của ta đó không? Còn hoàng tử bây giờ thế nào, vẫn được an khang đó chứ!
Gia Tường công chúa chưa kịp trả lời thì hoàng tử vội vàng chạy đến, nắm lấy áo long bào của thái hậu, rồi khóc mà rằng:

– Tổ mẫu ơi! Tổ mẫu vẫn không quên tôn nhi này, ngày nay tôn nhi đã được vào đến đây để vấn an tổ mẫu đó!
Thái hậu vui mừng, hai tay ẵm lấy hoàng tử rồi ngắm nghía mà nói:
– Thế ra con tức là hoàng tử đó phải không?
Thái hậu vừa nói vừa khóc, hai hàng nước mắt chảy xuống ròng ròng, lại ẵm hoàng tử mà đặt lên trên lòng. Hoàng tử vừa khóc vừa hỏi:
– Tổ mẫu ơi! Chẳng hay thân mẫu con bây giờ ở đâu?
Thái hậu truyền cung nữ đi triệu Hùng hậu vào. Gia Tường công chúa lại bái yết Mạnh Lệ Quân vương phi. Mạnh Lệ Quân vương phi hỏi đến Trân Khanh quận chúa thì Gia Tường công chúa đáp rằng:
– Quận chúa dẫu nhỏ tuổi, nhưng tính nết thuần hòa, đối với hoàng tử, vẫn quý mến như tình cốt nhục.
Nói chưa dứt lời thì bỗng nghe báo có Hùng hậu đến, ăn mặc một cách nhã đạm nhưng mày ngài mắt phượng, dung nhan chẳng khác năm xưa. Hoàng tử nghoảnh nhìn xung quanh, toàn thị những người áo gấm xiêm hoa, chưa biết ai là thân mẫu. Thái hậu gạt nước mắt rồi gọi hoàng tử mà bảo rằng:
– Mẫu tử tình thâm, tất thế nào thiên tính cũng có cảm cách. Mấy người đứng đây, con thử nhìn xem ai là thân mẫu con?
Hoàng tử đứng dậy nhìn khắp một lượt, khi nhìn đến Hùng hậu thì bỗng òa khóc lên rồi quì xuống mà rằng:
– Thân mẫu ơi! Người có phải là thân mẫu con đó không?
Thái hậu cùng mọi người đều lấy làm lạ. Hùng hậu kinh ngạc nét mặt đỏ bừng, hai tay đỡ hoàng tử dậy mà bảo rằng:
– Ô hay! Tại sao xưng hô như thế! Huống chi tôi đây là một người có tội…
Thái hậu liền nghoảnh lại bảo Hùng hậu rằng:
– Đây chính là con trai của nhà ngươi sinh ra trong tiết đoan ngọ năm xưa đó! Ta giao cho Gia Tường công chúa nuôi đã gần được tám năm nay.
Hùng hậu nghe nói tức thì quì xuống khóc mà tâu với thái hậu rằng:
– Muôn tâu thái hậu! Việc này thần thiếp chưa hiểu làm sao. Nghe nói năm xưa thần thiếp lâm sản, chỉ là một hòn máu mà thôi, cớ sao ngày nay lại có đứa con này. Sự thể đầu đuôi thế nào, xin thái hậu chỉ bảo cho biết.
Thái hậu phán rằng:
– Việc này ta khó nói quá, âu là để Gia Tường Công chúa nói cho nhà ngươi nghe.
Gia Tường Công chúa vâng mệnh, thuật hết sự tình đầu đuôi cho Hùng hậu nghe. Hùng hậu nghe xong ôm lấy hoàng tử mà khóc nức nở. Con gọi mẹ, mẹ gọi con, khiến cho Thái hậu động lòng mà ứa nước mắt khóc. Mạnh Lệ Quân vương phi cũng giọt lệ chứa chan. Hùng hậu cúi đầu lạy tạ thái hậu, hoàng tử vội quì ở bên. Hùng hậu nói:
– Muôn tâu Thái hậu! Năm xưa con đang trong cơn mê hoảng, lâm sản cũng chẳng biết gì. May nhờ có Thái hậu và Công chúa nuôi nấng trông nom cho, mà ngày nay mẹ con lại được cùng nhau sum họp. Ơn sâu ấy biết lấy chi báo đáp, chỉ xin khấn trời cho Thượng hoàng mau mau về triều đình. Mạnh Lệ Quân vương phi chữa thuốc cho thần thiếp, hàng mấy năm trời quản bao khó nhọc, mà Hoàng Phủ Tương vương thì đem đứa con nhỏ đi tìm thượng hoàng, cũng là một người trung thần hiếm có xưa nay vậy. Muôn tâu thái hậu! Vì hai mẹ con thần thiếp mà để di lụy đến thánh thượng, ngày nay thần thiếp muốn xin thái hậu biếm truất thần thiếp vào lãnh cung mà ân xá cho thánh thượng, còn cha mẹ thần thiếp bây giờ hiện đang ở trong ngục thất, nhưng đạo làm tôi phải liều thân báo nước, sống chết cũng xin nhờ lượng chí tôn.
Hoàng tử nghe nói, cũng nức nở khóc mà xin theo mẹ vào lãnh cung, khiến cho Thái hậu không thể cầm nước mắt cho được. Giọt châu lã chã, ướt thấm mấy lần áo bào.
Mạnh Lệ Quân vương phi tâu với Hùng hậu rằng:
– Muôn tâu hoàng hậu! Việc này thái hậu không dám tự quyết, tất phải đợi thượng hoàng về triều. Nếu thượng hoàng chưa về thì không thể nào ân xá cho thiên tử được. Lễ nghĩa chung của thiên hạ, pháp luật chung của tổ tôn, thái hậu dẫu cao quý, nhưng cũng không vượt lễ nghĩa và bỏ pháp luật vậy. Hoàng hậu chớ nên tâu xin nữa mà khiến thái hậu thêm đau lòng. Vả hoàng tử đã vào đây, quyết không nên ra về, chỉ nên tâu thái hậu cho ở với Hưng Bình công chúa.
Mạnh Lệ Quân vương phi lại bảo các cung nữ rằng:
– Các con hầu hạ đã lâu năm, trải bao khó nhọc, chẳng bao lâu nữa thượng hoàng về triều, thái hậu sẽ trọng thưởng cho các con. Vậy công việc trong cung, các con chớ nên tiết lộ mà có tai vạ.
Các cung nữ nghe nói, đều vui lòng xin tuân mệnh. Thái hậu thở dài mà phán rằng:
– Ngày nay ta khóc mãi cũng khô nước mắt, thôi thì các ngươi cùng ngồi cả lại, để ăn yến cho đỡ buồn.
Bấy giờ hoàng tử bái yết Hùng hậu xong, lại bái yết Mạnh Lệ Quân vương phi. Thái hậu truyền gọi Chu vương và Hưng Bình công chúa đến để làm lễ tương kiến. Nội giám bày tiệc, thái hậu ngồi trên nhất, Hùng hậu và Mạnh Lệ Quân vương phi ngồi hai bên. Hai bà công chúa ngồi tiếp thái hậu. Chu vương thì cùng hoàng tử ngự yến ở cung bên. Bấy giờ hoàng tử đã hơi biết lễ phép, trong khi ăn tiệc, đối đáp nhiều câu rất dị kỳ, Chu vương năm ấy cũng mới mười lăm tuổi. Hai bên cùng nhau trò chuyện, thật hợp ý tâm đầu. Khi tiệc xong, Gia Tường công chúa cáo từ xin về, lại đệ trình cái thuốc và cái áo lót mình có mấy hàng thủ bút của thái hậu năm trước. Hùng hậu trông thấy, đau lòng đứt ruột, vừa đọc vừa khóc.
o0o


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.