Tục Tái Sanh Duyên

Chương 19


Đọc truyện Tục Tái Sanh Duyên – Chương 19

Hùng Khởi Thần nghe nói, trong lòng khác nào lửa cháy, liền khóc òa lên mà rằng:
– Di nương ơi! Di nương chớ nên như thế. Vì tôi để lụy đến người, lòng tôi sao đành, thôi thì tôi xin theo người cùng chết.
Từ di nương khóc mà bảo rằng:
– Hùng công tử ơi! Tôi đây một thân một mình, con cái chẳng có, sống cũng vô ích. Chỉ mong sao cho công tử xuất đầu lộ diện được thì tôi dẫu ngậm cười chín suối cũng lấy làm vui lòng.
Nói xong, liền giục Hùng Khởi Thần đi mau. Hùng Khởi Thần không nỡ, cứ dùng dằng đứng mãi. Từ di nương mới nghiêm nét mặt mà bảo rằng:
– Tôi thấy công tử là bậc đại trượng phu, vậy nên mới liều mình để cứu công tử, không ngờ công tử lại lẩn thẩn như thể đàn bà. Công tử không biết nghĩ hai thân đang trong lúc hiểm nguy, cữu phụ vì ai mà phải bỏ nhà xa cửa. Nay công tử cứ khư khư tiểu tiết, há chẳng hổ thẹn lắm ru!
Hùng Khởi Thần nghe nói nét mặt đỏ bừng, liền gạt nước mắt mà rằng:
– Tôi xin vâng lời dạy bảo!
Nói xong, vội xách khăn gói đi ngay. Đi được mấy bước quay đầu nhìn lại. Từ di nương thấy Hùng Khởi Thần đi đã xa rồi, mới lần bước đi ra bờ sông, đứng mà khóc rằng:
– Thương xót thay cho thân tôi, không ngờ dòng nước biếc này lại là mồ hồng nhan vậy.
Nói xong, liền đâm đầu xuống sông. Ngay lúc bấy giờ Vệ Ngọc đã về tới nhà. Nguyên Vệ Ngọc tiếp được thư của Vệ Dũng Bưu, mới cùng vợ là Liễu thị đem hai con về. Hai con Vệ Ngọc một đứa tên gọi Quan Xá đã mười hai tuổi; một đứa tên là Hoạn Xá, mới lên chín tuổi. Khi về tới nhà, trông thấy cửa nhà đóng, sai người đấm gọi, mãi chẳng thấy ai thưa. Vệ Ngọc nổi giận xuống ngựa đạp tung cửa ra. Vào đến trong nhà, trông thấy gia đinh nằm ngổn ngang ra đấy mà ngủ. Mâm nồi đũa bát còn bừa bãi chung quanh. Vệ Ngọc đi thẳng vào nhà trong thì thấy cửa nào cũng khóa, chẳng có ai cả. Vệ Ngọc kinh ngạc mà nghĩ thầm rằng: “Quái lạ! Chẳng lẽ thân phụ ta đã đón hai di nương ta đi rồi, nếu không thì sao các cửa phòng đều khóa chặt như thế”. Nhưng bẻ khóa ra xem thì những đồ trần thiết trong phòng đều la liệt y nguyên, lại hình như có người ở. Vệ Ngọc lại bẻ khóa phòng Từ di nương thì thấy người lão ẩu và đứa nữ tỳ ở đấy, mới quát to lên mà hỏi:
– Hai di nương đâu? Tiểu thư và Hùng công tử cũng đi đâu cả?
Người lão ẩu trông thấy, mới biết là Vệ Ngọc công tử đã về, vội vàng cùng đứa nữ tỳ sụp lạy mà bẩm rằng:
– Dám bẩm công tử! Lã di nương và tiểu thư tôi vào trong thành thiêu hương, còn Từ di nương cho chúng tôi tiền mua rượu uống, bảo là của Hùng công tử ban thưởng. Chúng tôi say rượu quá, không biết Hùng công tử và di nương đi đâu.
Vệ Ngọc kinh ngạc mà rằng:
– Quái lạ! Hay là hai người có tư tình mà đem nhau đi rồi. Nhưng Từ di nương trốn đi cớ sao đồ đạc áo quần lại không thấy mang cái chi đi cả.
Vệ Ngọc quay ra thì vừa gặp Liễu thị và hai con vào, Vệ Ngọc mới thuật chuyện cho Liễu thị nghe, Liễu thị ngẩn người hồi lâu rồi nói:
– Cứ như ý tôi thiển nghĩ thì Từ di nương không phải là người tà tâm. Hoặc giả ngẫu nhiên đi đâu, hay là có mưu kế chi đây, ta hãy nên xét kỹ. Từ di nương bấy lâu tiết trinh một dạ, cùng tôi ý hợp tâm đầu. Xa cách mấy năm, vẫn tưởng nay về lại được cùng nhau họp mặt, ai ngờ xảy sinh biến cố, âu là ta hãy sai người hết sức dò la.
Vệ Ngọc nín lặng không nói câu gì, lại quay ra nhà ngoài. Gia đinh tỉnh rượu trông thấy Vệ Ngọc ai nấy đều run sợ cùng nhau sụp lạy. Vệ Ngọc quát mắng, toan đánh. Các gia đinh kêu van:
– Trăm lạy công tử! Chúng tôi biết tội đã nhiều, xin công tử rộng thương mà tha thức cho.
Vệ Ngọc truyền cho gia đinh mau mau tìm Từ di nương và Hùng công tử. Gia đinh vội vàng đổ đi tìm khắp mọi nơi mà chẳng thấy tông tích đâu. Đêm hôm ấy, Vệ Ngọc áy náy ngủ không yên giấc. Mới mờ mờ sáng, đã nghe tiếng đấm cửa gọi mà bảo rằng:
– Thương xót thay cho Từ di nương! Tôi thấy thi thể nổi ở ngoài sông nọ!
Vệ Ngọc hoảng hốt chạy ra bờ sông thì thấy thi thể Từ di nương trôi nổi. Vệ Ngọc liền sai người vớt lên, nét mặt vẫn như lúc sống mà không hề nhắm mắt. Vệ Ngọc trông thấy, giọt châu lã chã khôn cầm, không hiểu vì duyên cớ làm sao đến nổi như thế.
Người lão ẩu ngồi cạnh thi thể Từ di nương mà khóc, trông thấy áo quần có chỗ khâu liền với nhau, lấy tay tháo, nhưng tháo không được, Vệ Ngọc thấy vậy cũng có ý ngờ. Mới sai người khiêng thi thể Từ di nương vào trong nhà. Mọi người hỏi:
– Sao công tử lại không bảo người đi trình quan?
Vệ Ngọc nói:
– Tôi còng đợi Lã di nương và em gái tôi về đây, để hỏi xem sự tình ra làm sao, rồi bấy giờ sẽ đi báo quan khám nghiệm.
Mọi người đều nói:
– Công tử nghĩ thế cũng phải! Chúng tôi hãy xin lui về, khi nào báo quan về khám nghiệm, bấy giờ sẽ lại đến giúp.

Vệ Ngọc cảm tạ mọi người rồi quay về. Khi thi thể Từ di nương khiêng về đến nhà. Liễu thị sai người lấy kéo cắt gỡ bỏ bộ áo ướt để thay áo khác, bỗng thấy trước ngực đính một phong thư, ngoài có giấy dầu bọc kín. Liễu thị thấy trên mặt phong thư đề: “Tiện thiếp phụng trình lão gia tứ lãm”, liền lấy phong thư giao cho Vệ Ngọc. Vệ Ngọc mở xem. Bức thư như sau:
“Tiện thiếp là Từ thị, khóc trình lão gia soi xét.
Thiếp về hầu lão gia từ khi mới mười sáu tuổi, nâng khăn sửa túi, chốc đã trong mười năm trời. Thiếp lấy xiểm nịnh làm hèn cho nên không hề điểm trang, chẳng ngờ vẫn được lão gia yêu dấu. Ngày nay tai bay vạ gió, chỉ vì Hùng công tử không thuận kết duyên với Văn Cơ tiểu thư mà sinh ra điều kia tiếng nọ. Lã di nương biến tâm, lại vu hãm cho thiếp có tư tình cùng Hùng công tử. Việc ấy dẫu rằng trăm miệng khó giải oan tình.
Hôm nay Lã di nương cùng tiểu thư giả cách vào thành thiêu hương, nhưng kỳ thực xuất thú với phủ đường, để khiến nhà họ Vệ ta vì tội phản nghịch mà toàn gia đều bị bắt. Đêm qua thiếp đứng ngoài cửa sổ nghe trộm được rõ ràng. Xót phận tủi thân, đã toan liều mình tự tử. Chỉ vì muốn cứu Hùng công tử, nên phải nhẫn nhục đến hôm nay, để khuyên Hùng công tử trốn đi. Còn thiếp thì gieo mình xuống sông, đành vùi tấm thân ở dưới đất bùn, chưa biết bao giờ cho được trong sạch. Nếu lão gia không tin lời sàm báng mà còn rũ lòng thương đến thì một nắm xương tàn này dám xin cho an táng ở bên mộ Doãn phu nhân, khiến cho thiếp đây dẫu rằng hồn về chín suối, cũng vẫn được ngậm cười vậy”
Liễu thị nghe mấy lời trong thư nói, liền nức nở khóc mà rằng:
– Di nương ơi! Cớ sao di nương không đợi vợ chồng tôi về tới nhà, đã vội liều mình tự tử!
Vệ Ngọc dậm chân mà phàn nàn:
– Bây giờ tôi không nghĩ thế nào cho được! Lã di nương đi đã hai ngày nay thì chỉ trong ngày mai sẽ có quan quân về nã tróc. Nếu mà ta bây giờ bỏ trốn thì còn thi thể Từ di nương nỡ nào để cho bộc lộ thế này!
Vệ Ngọc nghĩ quanh nghĩ quẩn lại thở dài:
-Ta đã là một bậc đại trượng phu thì dẫu sống chết ta cũng không quản. Nếu ta bỏ trốn còn ra thế nào. Bây giờ ta bất tất phải báo quan khám nghiệm làm chi, hãy đem thi thể mà khâm liệm tử tế rồi quàn lại một chỗ.
Vệ Ngọc gọi các người hầu hạ Từ di nương xưa nay ra hỏi chuyện. Chúng lại thuật chuyện nàng Văn Cơ luyến ái Hùng Khởi Thần như thế nào, Vệ Dũng Bưu hứa gả thế nào, Hùng Khởi Thần cải trang thế nào. Sau chỉ vì Hùng Khởi Thần không thuận mà Lã di nương sinh ra điều này tiếng nọ. Còn như việc vào thành xuất thúc cùng phủ đường thì chúng đều không hiểu.
Vệ Ngọc nghe nói hầm hầm nổi giận, đập bàn kêu to lên một tiếng mà rằng:
– Trời ơi! Nhà họ Vệ xưa nay vốn là một nhà trai trung gái liệt, không ngờ ngày nay bỗng sinh ra đứa con gái dâm ô này. Thân phụ ta cũng nghĩ lầm, cớ sao lại đem việc nhân duyên mà ép biểu đệ. Bây giờ chúng thẹn quá hóa giận, vậy mới bày mưu lập kế mà hãm hại ta. Vả Lã di nương từ khi thân mẫu tạ thế đi, vẫn coi ta như kẻ thù cố ý xúi giục thân phụ ta bắt vợ chồng ta phải đi xa, để cho một tay hắn được nắm quyền. Nay hắn thấy ta sắp về, mới đem lòng hiểm ác, bày ra kế hại người này. Thôi thôi, chẳng qua muôn việc tại trời, hễ ta bị giải kinh, được gặp mặt cô phụ và cô mẫu (trỏ vợ chồng Hùng Hiệu) ta thì ta sẽ đem sự tình biểu đệ mà thuật cho biết.
Vệ Ngọc đem vàng bạc trong nhà chia ra làm ba phần:
– Một phần thưởng cho các gia đinh trong ngoài; một phần thưởng cho người lão ẩu và đứa nữ tỳ, bảo tìm đi nơi khác, kẻo mai có quan quân đến thì khó mà thoát thân; còn một phần thì chia cho các nô tỳ theo hầu mới về, cũng bảo trốn đi nơi khác. Vệ Ngọc dặn bảo xong, chạy vào trong phòng, ngồi khóc Doãn phu nhân: “Thân mẫu ơi! Nếu thân mẫu hãy còn thì khi nào Lã di nương dám hành hung như vậy. Hiện nay cửa nhà tan nát, chưa biết kết quả rồi ra thế nào?”
Liễu thị thở dài mà rằng:
– Sao lão gia ta quẫn trí mà không nghĩ ra! Nếu đem Hùng công tử đi theo thì khi nào Từ di nương đến nỗi thiệt mạng.
Suốt đêm hôm ấy, hai vợ chồng Vệ Ngọc không ngủ. Mờ sáng hôm sau bỗng nghe có tiếng người ồn ào. Lã di nương và nàng Văn Cơ đã về. Vệ Ngọc bước ra trông thấy phủ đường đem quân vây bắt. Vệ Ngọc cúi đầu sụp lạy. Quan phủ là Trương Bốc Nhân kinh ngạc mà bảo:
– Có phải Vệ Ngọc đó không? Nhà ngươi về bao giờ thế?
Vệ Ngọc nói:
– Tôi mới cáo giả về tới nhà hôm qua.
Phủ đường nghe nói sầm nét mặt:
– Cha con nhà ngươi dám chứa kẻ phản nghịch là Hùng Khởi Thần, bây giờ lại định về đem nốt gia quyến đi phải không!
Nói xong, truyền quân sĩ trói Vệ Ngọc lại. Mẹ con Lã di nương thấy Vệ Ngọc đã về, trong lòng luống cuống, lại nghe tin Từ di nương đâm đầu xuống sông và Hùng Khởi Thần đã trốn đi mất, lại càng run sợ. Hai mẹ con cứ ngẩn mặt nhìn nhau, không biết nói thế nào. Bỗng thấy phủ đường truyền đòi Lã di nương. Lã di nương sụp lạy, phủ đường phán rằng:
– Nhà ngươi vào thành xuất thú mà nay ta về tới đây thì Từ thị chết rồi, Hùng Khởi Thần thì không thấy. Ta chắc là nhà ngươi tha Hùng Khởi Thần từ trước, rồi mới đi xuất thú để mong thoát họa đó!
Lã di nương sụp lạy dập đầu mà kêu rằng:
– Chúng tôi đã xuất thú, khi nào lại dám buông tha. Việc này thật quả là tại có Vệ Ngọc về, mới đem giấu đứa phản nghịch ấy. Còn Từ di nương nguyên tư tình với đứa phản nghịch, cho nên buồn bực mà đâm đầu xuống sông. Nay Vệ Ngọc về đây thấy Từ di nương đã chết, sao không báo quan khám nghiệm, mà dám ẩn nặc việc án mạng này đi, lại tự tiện đem tiền tài trong nhà phân phát cho các nô tỳ bảo tìm đường trốn.
Phủ đường nổi giận mà quát mắng rằng:

– Vệ Ngọc kia! Sao nhà ngươi dám càn dỡ như vậy! Thân phụ nhà ngươi khi trước đánh quan khâm sai, làm di lụy đến tiền quan phải cáo bệnh từ chức. Nay ta mới về trọng nhậm ở đây, nhà ngươi lại dám tự tiện hành hung, vậy thì ta chẳng hỏi lôi thôi làm chi, cứ bắt nhà ngươi giải kinh trị tội. Lã thị kia cũng tất phải theo vào kinh địa rồi bấy giờ các ngươi sẽ tranh biện với nhau.
Nói xong, lại truyền quân sĩ vào khám hết các nơi phòng ốc. Hai con Vệ Ngọc đều nức nở khóc hoài. Nàng Văn Cơ động lòng xót thương, cũng phàn nàn cùng chị dâu là Liễu thị. Lã di nương vào giục nàng Văn Cơ đi. Bấy giờ nàng Văn Cơ có ý hối hận, trong bụng oán trách Lã di nương: “Di nương thật nghĩ lầm! Bấy giờ Hùng Khởi Thần trốn mất rồi, chẳng còn nên công cán gì mà tự nhiên thành ra tan cửa nát nhà. Anh con gỡ sao cho khỏi tội, còn chị dâu và hai cháu bé thì biết nương tựa vào ai. Di nương thật là người hiểm ác lạ thường, sau này còn mặt mũi nào trông thấy thân phụ con nữa!”
Nàng Văn Cơ còn đang ngẫm nghĩ thì bỗng lại có lệnh phủ đường đòi hỏi. Nàng Văn Cơ gót sen rón rén ở nhà dưới bước lên, khép ngang vạt áo, cúi đầu sụp lạy. Phủ đường thấy nàng có nhan sắc khuynh thành, chim sa cá lặn, ngẩn nhìn hồi lâu, rồi mới khẽ cất tiếng hỏi:
– Nàng có phải là con gái Vệ Dũng Bưu đó không?
Nàng Văn Cơ khẽ nói:
– Bẩm vâng!
Phủ đường hỏi:
– Anh nàng là Vệ Ngọc mới tới đây ngày hôm qua phải không? Mẹ con nàng đã đi xuất thú cùng ta, cớ sao lại dám buông tha Hùng Khởi Thần?
Nàng Văn Cơ nói:
– Việc xuất thú này là tự ý di nương tôi, còn anh tôi về lúc nào tôi cũng không được biết.
Phủ đường còn đang tra hỏi thì bỗng nghe có mấy tiếng súng nổ, có thiên binh vạn mã ở đâu kéo đến, một viên võ tướng cưỡi con ngựa đỏ đi trước uy phong rất lẫm liệt tức là Định Quốc tướng quân. Phủ đường run sợ, chưa kịp ra đón thì Định Quốc tướng quân đã vào tới nơi. Nàng Văn Cơ cùng Lã thị không còn hồn vía nào. Phủ đường phải quì xuống đất nghênh tiếp.
Số là từ khi Trương Hổ về kinh, đem việc Vệ Dũng Bưu đánh mình bẩm với Đồ Man Hưng Phục. Đồ Man Hưng Phục nổi giận, định phái ngự lâm quân đi nã tróc. Bấy giờ Đồ Man An Quốc có ý ghét anh là Đồ Man Định Quốc, không muốn để cho ở kinh, sợ khi thân phụ chiếm ngôi thiên tử thì anh lại cướp mấp quyền mình, đang nghĩ kế để khiến cho anh phải đi xa. Nhân có việc quan khâm sai Trương Hổ về bẩm, Đồ Man An Quốc mới nói với thân phụ rằng:
– Sau thân phụ không tâu triều đình sai anh con đi nã tróc Hùng Khởi Thần và trấn thủ tại Giang Nam, để dò xét dân tình cùng tin tức thượng hoàng xem ra làm sao.
Đồ Man Hưng Phục khen phải, mới vào tâu Phi Giao hoàng hậu. Phi Giao hoàng hậu phê chuẩn, phong cho Đồ Man Định Quốc làm tổng đốc, trấn thủ tại Giang Nam, được quyền “Tiện nghi hành sự”. Đồ Man Định Quốc vẫn chưa lấy vợ, mới có bốn người thiếp hầu. Bấy giờ phụng mệnh triều đình đem quân theo đường bộ thẳng tới Giang Nam, còn gia quyến thì cho theo đường thủy đến sau. Khi cất quân đi, Đồ Man Hưng Phục dặn rằng:
– Giang Nam là một nơi thiên hiểm, ta cho con ra trấn thủ tại đấy. Hễ đại cục chưa thành thì con cứ đóng quân để làm hậu viện. Vậy con ra đấy cần phải mua chuộc lòng dân, chớ con đam mê tửu sắc. Một mai ta được lên ngôi thiên tử thì bấy giờ ta sẽ cho người triệu con về làm đông cung.
Đồ Man Định Quốc vâng lệnh, đem năm ngàn quân ra đi, toàn thị những quân cường tráng. Lại sợ Vệ Dũng Bưu biết mà trốn mất, cho nên khi tới Giang Nam, không vào phủ đường, cứ thẳng tiến về nhà họ Vệ. Có Trương Hổ đi dẫn đường. Bấy giờ phủ đường sụp lạy mà kêu rằng:
– Chúng tôi chưa thấy mã bài truyền báo không kịp ra viễn tiếp tôn giá, thật là đắc tội.
Định quốc tướng quân không trả lời, liền ngồi xuống ghế mà quát to lên rằng:
– Vệ Dũng Bưu đâu? Giải nó ra đây!
Phủ đường run sợ, quì xuống mà bẩm rằng:
– Dám bẩm tướng quân! Vệ Dũng Bưu đã bỏ nhà đi từ hai tháng trước.
Định Quốc tướng quân nghe nói nổi giận:
– Hắn cậy sức khỏe đánh quan khâm sai, nhà ngươi đã không nã giải, nay lại dám dụng tình buông tha.
Phủ đường lạy dập đầu mà bẩm rằng:
– Đó là việc của phủ quan trước chúng tôi không được biết.
Định Quốc tướng quân hỏi:
– Phủ quan trước bây giờ ở đâu?
Phủ đường nói:

– Hiện đã cáo bệnh về quê nhà rồi. Vệ Dũng Bưu dẫu đã trốn thoát, nhưng con trai hắn là Vệ Ngọc, tiểu thiếp là Lã thị và một người con gái còn ở nhà. Vừa rồi Lã thị cùng đứa con gái có đến phủ xuất thú việc Vệ Dũng Bưu ẩn nặc kẻ phản nghịch Hùng Khởi Thần nên chúng tôi tức khắc đem quân tới đây, không ngờ Vệ Ngọc đã đưa giấu Hùng Khởi Thần đi chỗ khác. Chúng tôi đang lấy khẩu cung Vệ Ngọc thì bỗng thấy tôn giá vừa đến.
Định quốc tướng quân trỏ nàng Văn Cơ mà hỏi:
– Có phải người này là tiểu thiếp của Vệ Dũng Bưu đó không?
Phủ đường nói:
– Đây là con gái Vệ Dũng Bưu tên gọi Văn Cơ.
Định Quốc tướng quân chú ý mà nhìn không hề chớp mắt, hồn xiêu phách lạc. Hồi lâu mới trấn định tinh thần mà phán rằng:
– Đem Vệ Ngọc ra đây.
Chúng giải Vệ Ngọc đến trước mặt thì Định Quốc tướng quân quát to lên rằng:
– Thân phụ nhà ngươi bây giờ trốn ở đâu? Sao dám cả gan đánh quan khâm sai và buông tha đứa phản nghịch. Nay ta đã tới đây tra hỏi, nhà ngươi nên thú thực thì khỏi tai vạ đến thân.
Vệ Ngọc sụp lạy mà bẩm rằng:
– Chúng tôi vẫn cung chức tại Sơn Đông, đường sá xa xôi, đã ba năm nay không được tin tức gì ở nhà cả, bởi vậy tôi mới cáo về để nuôi thân phụ, đêm qua vừa về tới nhà, tôi không biết thân phụ tôi đã đi đâu chỉ thấy người tiểu thiếp của thân phụ tôi chết ở dưới sông, chẳng hiểu đầu đuôi thế nào cả. Tôi ngờ là Lã thị uy bách, đến nỗi Từ thị tự tử, nhưng chưa được mục kích, cho nên không dám tố cáo, phải tạm khâm liệm Từ thị. Bỗng thấy phủ đường đem quân về nã tróc, nói là nghe báo có Hùng Khởi Thần. Tướng quân ơi! Thật là vạ gió tai bay, Lã thị cố ý vu oan cho tôi, xin tướng quân minh sát.
Lã thị nghe nói, có ý tức giận, nghĩ thầm: “Năm xưa hắn vẫn cậy thế thân mẫu mà đè nén ta, bây giờ đến thế này hãy còn già miệng!” Nghĩ vậy liền nói:
– Dám bẩm tướng quân! Vệ Ngọc kêu là không hiểu Từ thị vì đâu mà chết, thế thì cớ sao lại không đi báo quan về khám nghiệm ngay từ đêm hôm qua. Xem thế đủ biết rằng Vệ Ngọc buông tha Hùng Khởi Thần lại đẩy Từ thị xuống sông, để khỏi có người tiết lộ tin tức. Sau có ý muốn bỏ trốn, nên mới phân phát gia tài trong nhà. Mưu gian đã rõ rành rành. Dám xin tướng quân nghiêm trị.
Định Quốc tướng quân khen phải, truyền quân sĩ lột áo Vệ Ngọc ra, vật nằm xuống đất và đem côn ra đánh. Mỗi khi ngọn côn hạ xuống thì thân thể thâm tím, có khi lại bật máu tươi ra.
Vệ Ngọc kêu oan mà rằng:
– Trời ơi! Tướng quân ơi! Nếu đánh chết tôi thì lấy ai khai cung, Lã thị vu oan cho tôi, chứ thực tôi không hiểu tý gì cả, xin tướng quân minh sát.
Nàng Văn Cơ trông thấy, có ý không nỡ, cũng nghĩ thầm mà oán giận Lã di nương là người nhẫn tâm. Liễu thị nghe tiếng chạy ra, trông thấy Vệ Ngọc bị đánh, đến phục ở bên cạnh mà kêu rằng:
– Trăm lạy tướng quân! Nghìn lạy tướng quân! Tôi xin chịu tội thay cho phu quân tôi.
Nói xong, nghoảnh lại bảo nàng Văn Cơ rằng:
– Cô nương ơi! Cô nương nỡ lòng nào mà để cho thân huynh bị khổ nhục.
Nàng Văn Cơ khóc nức nở, đứng dậy mà kêu với Định Quốc tướng quân rằng:
– Trăm lạy tướng quân! Thân huynh tôi thật quả không hiểu gì cả. Di nương tôi vì sự hiềm khích cũ mà vu oan cho, dám xin tướng quân hãy rộng tha, đợi khi bắt được Hùng Khởi Thần, bâý giờ sẽ đối chất.
Nàng Văn Cơ tiếng oanh thỏ thẻ, Định Quốc tướng quân nghe thấy hồn xiêu phách lạc, chỉ những toan đứng dậy mà đỡ lấy nàng, nhưng lại còn ngại về nỗi trước mặt các hàng tướng sĩ. Bấy giờ Định Quốc tướng quân tươi cười mà hỏi rằng:
– Nàng và Vệ Ngọc là con cùng mẹ phải không?
Nàng Văn Cơ nói:
– Tôi là con Lã thị sinh ra.
Định Quốc tướng quân nói:
– Thế thì lại càng lạ lắm! Nàng không đồng đảng với sinh mẫu mà lại có ý bênh vực trưởng huynh là cớ làm sao?
Nàng Văn Cơ khóc lóc mà thưa lại rằng:
– Sinh mẫu tôi và thân huynh tôi chẳng qua vì sự hiềm khích nhỏ trong gia đình. Nay thân huynh tôi bị tội, cửa nhà tan nát thì sau này tôi còn mặt mũi nào mà trông thấy thân phụ. Vả thân huynh tôi thực không có tội, nỡ nào nín đi cho đành!
Định Quốc tướng quân lẩm nhẩm gật đầu rồi nói:
– Khen cho thực cũng nên rằng khôn ngoan rất mực nói năng phải lời, khi nào mà ta lại nỡ không nghe.

Nói xong, truyền bắt toàn gia họ Vệ tống giam, rồi cất quân về dinh tổng đốc. Khi về tới dinh, các quan văn võ trong thành kéo nhau đến bái yết. Định Quốc tướng quân suốt ngày thường hay gắt gỏng, nhất thiết không tiếp ai cả. Các quan văn võ thấy vậy ai nấy đều run sợ, không hiểu ra duyên cớ làm sao. Hỏi dò những người theo hầu thì chúng lại thừa cơ nạt mà bảo rằng:
– Chỉ vì khi tôn giá tới nơi, xác quan chậm ra nghênh tiếp. Cung ứng chưa được long trọng, lễ vật hãy còn đơn sơ. Tôi e ngài dâng một bản tâu thì các quan khó toàn được tính mệnh.
Cách ba hôm sau, có quan tham mưu tên gọi Bách Toàn vốn là người tinh ranh giảo hoạt, mới đánh bạo vào yết kiến Định Quốc tướng quân để dò la ý tứ. Bấy giờ Định Quốc tướng quân đang ngồi trong thư phòng, có bốn tên tiểu đồng đứng hầu. Đứa nào cũng đều nước mắt chạy quanh, ra ý khiếp sợ. Bách Toàn trông thấy, cũng lấy làm lạ, nhưng bất đắc dĩ phải tươi cười nét mặt mà bẩm rằng:
– Dám bẩm tướng quân! Chúng tôi là Bách Toàn đem đầu vào bái yết.
Định Quốc tướng quân đang ngẩn người ngồi nghĩ, sực trông thấy Bách Toàn vào, liền hầm hầm nổi giận:
– Trong ba ngày nay, nhà ngươi đi đâu mà mất mặt không thấy!
Bách Toàn nói:
– Chúng tôi có dám đi đâu. Số là chúng tôi nghe thấy quan dân ở ngoài thì thào nghị luận bảo nhau rằng không biết vì cớ gì tướng quân tới đây đã ba ngày nay mà chẳng tiếp ai cả. Vì thế quan dân náo loạn, cứ kéo nhau đến họp ở trước nha môn. Chúng tôi phải giảng giải để chúng nghe rằng tướng quân vì đường xa mệt nhọc, bấy giờ mặt ngoài mới khỏi có những lời nghị luận hoang đường. Hôm nay chúng tôi vào đây để thăm tướng quân, chẳng hay tướng quân ngọc thể khiếm an hoặc có điều gì tư lự?
Định Quốc nghe lời Bách Toàn nói đã hơi nguôi cơn giận, bảo rằng:
– Chỉ vì mấy hôm nay ta có một việc rất buồn trong lòng.
Bách Toàn nói:
– Bẩm tướng quân! Chẳng hay tướng quân có việc chi?
Định Quốc nói:
– Quan tham mưu Bách Toàn ơi! Số là hôm trước ta đến nhà họ Vệ, trông thấy một người con gái xinh đẹp như hoa cười ngọc nói, nghiêng nước nghiêng thành. Lòng ta luống những yêu vụng dấu thầm, chỉ vì nàng là tội nhân, ta chưa biết tính thế nào cho được. Nhà ngươi nên vì ta bày mưu lập kế, sau này ta sẽ trọng thưởng.
Bách Toàn cười mà bẩm rằng:
– Cứ lời tướng quân nói thì chắc là em gái của Vệ Ngọc đó thôi. Người ấy quả nhiên xinh đẹp bội phần, hôm trước bị tống giam, tôi có được trông thấy mặt.
Định Quốc tướng quân vui cười mà bảo:
– Nếu vậy thì nhà ngươi cũng có mắt tinh đời! Có phải thật đẹp không?
Bách Toàn nói:
– Đẹp thì có đẹp, nhưng việc này rất khó! Khó về nỗi tướng quân tới đây là để bắt kẻ phản nghịch, mà nay lấy con gái đứa phản nghịch, còn ra thể thống gì? Bách Toàn này cũng xin bó tay, chẳng còn mưu kế gì cho được!
Định Quốc lại nổi giận lên mà nói:
– Cứ như lời nhà ngươi nói thì ta quyết không thể lấy được nàng hay sao?
Bách Toàn nói:
– Có thể lấy được! Nhưng cần phải thông mưu với quan sở tại, bảo nàng cải khẩu cung, rồi bắt nàng phải nhập tịch vào giáo phường, khi ấy tướng quân sẽ xuất tiền mua đem về phủ.
Bách Toàn nói xong miệng tủm tỉm cười. Định Quốc tướng quân vỗ tay mà khen:
– Hay! Nếu vậy hay! Nhà ngươi nên mau mau vì ta mà bàn với quan sở tại.
Bách Toàn cười mà đáp:
– Khoan đã! Việc này các quan sở tại chưa ai biết cả. Ngày nay tướng quân nên đòi địa phương quan vào mà quở trách, rồi hạ lệnh cách chức quan tri phủ đi, cho tôi thay vào chức ấy, tôi sẽ y kế thi hành.
Định Quốc tướng quân vui cười, liền cầm lấy tay Bách Toàn mà bảo rằng:
– Nhà ngươi giúp ta được việc này thì không bao giờ ta dám quên ơn. Nhưng làm thế nào cho mau chóng mới được.
Bách Toàn cười mà nói rằng:
– Tướng quân cứ yên lòng, chớ nên nóng nảy vội!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.