Tục Tái Sanh Duyên

Chương 14


Đọc truyện Tục Tái Sanh Duyên – Chương 14

Mạnh Lệ Quân nghe lời nín lặng, chưa biết nói thế nào thì Lưu Yến Ngọc nói:
– Hiền sanh nghĩ lầm! Hiền sanh cũng đường đường là thân nam tử, vậy cái hiếu nhỏ mọn ấy sá kể làm chi. Hiền sanh nên biết rằng dòng dõi họ Hùng trông cậy ở hiền sanh đó. Ngày nay hãy tạm lánh mình, cố chí học hành, rồi mai sau thay họ đổi tên, sẽ xuất đầu lộ diện mà dâng biểu giải oan cho thân phụ. Vả Mạnh vương phi chẳng bao lâu nữa cũng sẽ tiến kinh, tìm lời khuyên bảo con Phi Giao, hoặc giả nó hồi tâm mà ân xá cho họ Hùng chăng thì bấy giờ lại được cùng nhau một nhà sum họp vậy. Hiền sanh chớ nên trái ý hai thân, hãy tạm lánh mình sang Vân Nam, có Mạnh Gia Linh cữu phụ kia vốn là người trung trực lạ thường, đối với họ Hùng, xưa nay vẫn một lòng quý mến.
Tô Ánh Tuyết cũng khóc mà bảo rằng:
– Thôi, nói nhiều làm chi! Hiền sanh cứ nên sang Vân Nam là hơn. Nếu không khi triều đình giáng chỉ nã tróc hiền sanh thì bấy giờ dẫu muốn thoát thân, thiết tưởng cũng khó lòng mà gỡ cho được. Xót thương cho nghĩa huynh (trỏ Lương Trấn Lân) tôi đập đầu tự tử, ngày nay vợ con trăm phần khổ sở, mà tôi thì không giúp được tí gì. Tôi còn nhớn ngày nào tôi đâm đầu xuống sông, được nghĩa mẫu tôi cứu vớt, ơn sâu ấy luống đã phụ phàng. Lại xót thương cho con gái tôi là Phi Loan kia xấu duyên phận hẩm, gặp phải nhà chồng đang lúc hiểm nguy, chẳng biết con tạo xoay vần, sau này vợ chồng có được đoàn viên chăng tá! Năm trước ta từ biệt con gái mà về quê nhà, lòng ta đã đau như cắt, ngày nay thì một đứa con nhỏ lại theo phu quân ra đi khiến tôi càng thêm cay đắng muôn vàn. Nhưng chỉ vì công nghĩa không dám nghĩ đến tư tình, cho nên dẫu sao cũng bấm gan chịu vậy. Tôi là đàn bà còn như thế được, huống chi hiền sanh là bậc tu mi. Hiền sanh nên yên lòng mà sang Vân Nam lánh nạn.
Nói chưa dứt lời thì Mạnh Khôi vào cáo từ xin đi. Hùng Khởi Thần bất đắc dĩ cũng phải đi theo. Mạnh Lệ Quân cầm lấy tay Mạnh Khôi mà dặn rằng:
– Hiền điệt ơi! Hiền điệt về tới nhà cứ nói là ta vẫn được khỏe mạnh như thường, chớ đem những nỗi đau lòng mà nói cho tổ phụ và tổ mẫu biết, kẻo người tuổi già sức yếu, luống thêm một mối thương tâm. Hiền điệt lại nên mật bảo với thân phụ và thân mẫu rằng: Ngày nay chẳng may xảy ra tai nạn này, ta đây cũng chưa biết sống chết thế nào nữa.
Mạnh Lệ Quân nói đến câu thương tâm ấy, lại ngất người ngã ra. Cả nhà vào gọi và đổ nước sâm thang hồi lâu mới tỉnh. Khi Mạnh Lệ Quân tỉnh rồi lại giục Mạnh Khôi và Hùng Khởi Thần đi. Bỗng có phò mã Triệu Câu ở phủ Hán vương về. Phò mã Triệu Câu nói:
– Tôi nghe tin triều đình đã có giáng chỉ, chỉ sáng mai thì sẽ tới đây. Dẫu chưa biết có phải là nã tróc Hùng công tử hay không, nhưng chi bằng ta tiên cơ định liệu. Bây giờ Hùng công tử nên thay hình đổi dạng, cứ nói là con một người gia tướng, từ thuở nhở cữu phụ tôi nuôi làm nghĩa tử, đặt tên gọi Mạnh Vân.
Phò mã Triệu Câu lại gọi Chu Thống vào mà bảo rằng:
– Chu Thống nhà ngươi hãy theo Hùng công tử lánh nạn sang ở nhà họ Mạnh tại Vân Nam, để cho được yên việc.
Chu Thống vâng lời. Một lúc Hùng Khởi Thần cải trang xong đi lẫn với bọn gia bộc, phò mã Triệu Câu và hai em tiễn ra đến ngoài cửa phủ, rồi hai bên cùng gạt nước mắt mà từ biệt nhau. Khi phò mã Triệu Câu trở vào trong nhà đem bức thư của tam đệ là Triệu Lân đệ trình Mạnh Lệ Quân:
“Con là Triệu Lân có mấy lời kính trình để ba mẹ (tức ba bà mẹ) rõ chuyện:
Từ khi con tiếp được thư nhà, được biết tin thân phụ con đem ngũ đệ đi tìm thượng hoàng, xa cách hai phương, lòng con thật nóng như lửa đốt. Muốn về không được, mà ở đây thì cũng nguy hiểm lắm thay! Ngày nay biến cố lạ thường, Hùng Hiệu bị oan, toàn gia Bình Giang vương phải giam vào ngục. Lương thừa tướng đập đầu tự tử. Thái hậu đã nhiều lần phẫn uất, hết sức bênh vực, cho nên gia quyến họ Hùng mới chưa phải đem ra hành hình.
Đồ Man Hưng Phục làm thừa tướng, hai con làm Long Vũ tướng quân, đem cấm binh vào trong cung, giả danh là hộ vệ hoàng gia, nhưng kỳ thực có lòng phản nghịch. Xin thân mẫu mau mau thu xếp tiến kinh, kẻo con còn thơ ngây, một mình ở đây khó lòng mà bảo toàn được. Phi Giao giáng chỉ tha cho Phi Loan để định ly hôn cùng họ Hùng, nhưng Phi Loan không chịu cải giá, lại tình nguyện theo họ Hùng vào trong ngục thất. Hiện nay có giáng chỉ nã tróc biểu huynh con là Hùng Khởi Thần, chẳng bao lâu sẽ tới Vân Nam vậy ta nên phải đề phòng trước.
Độ này quan dân náo loạn, chỉ đêm ngày mong đợi thân mẫu về triều. Hùng hậu may nhờ được thái hậu đem vào ở nội cung, mà thái hậu thì bệnh nặng không dậy, thánh thượng cũng chẳng vào vấn an lần nào, Phi Giao lại truyền ngôn là thái hậu muốn hại thánh thượng để lập Triệu vương, như vậy thì thật nguy cho nước nhà lắm lắm.
Triệu Lân thủ thư”
Mọi người xem thư, ai cũng thở ngắn than dài, ngẩn mặt ra mà nhìn nhau. Phò mã Triệu Câu nói:
– Quái lạ! Không biết cớ sao trong thư lại không nói chi đến việc long thai. Mà thái hậu có lẽ nào lại biến tâm như thế. Tất có sự bí mật chi đây, cho nên không thể nào viết ra thư được.
Mạnh Lệ Quân vương phi căm tức bội phần, nghiến hai hàm răng mà ngất người đi. Cả nhà xúm lại gọi hồi lâu mới tỉnh. Khi Mạnh Lệ Quân tỉnh dậy, thở dài than rằng:
– Trời ơi! Cái tội làm hại nước, ta đây dẫu chết cũng không tránh khỏi. Tiếc thay những bậc hiền thần danh tướng ở Nguyên triều này, ai ngờ lại bị vùi dập về tay họ Mạnh.
Lưu Yến Ngọc gạt nước mắt mà tìm lời khuyên giải. Tô Ánh Tuyết thì nức nở khóc mãi không thôi. Bỗng nghe báo có thánh chỉ đến, phò mã Triệu Câu vội vàng ra nghênh tiếp. Trương Hổ đứng tuyên đọc tờ thánh chỉ. Phò mã Triệu Câu nghe xong liền nói:
– Trương Hổ! Nhà ngươi phụng chỉ đến bắt Hùng Khởi Thần nhưng ngày hai mươi tháng ba hắn đã đi sang nhà ông cậu rồi. Trương Hổ kinh ngạc mà bẩm rằng:
– Chết nỗi! Bây giờ biết làm thế nào? Ông cậu hắn quê quán ở đâu? Họ tên là gì? Làm chức nghiệp gì? Xin phò mã chỉ bảo cho, để chúng tôi theo đến đấy mà tróc nã.
Phò mã Triệu Câu nói:
– Ông cậu hắn là một quan tổng binh, nay đã cáo bệnh về nghỉ, hiện ở Giang Ninh, tên gọi Vệ Dũng Bưu, nhà ngươi nên tức khắc đi ngay, ta đây cũng sẽ có bản tâu về tâu thánh thượng.
Trương Hổ nghe nói có ý buồn rầu mà rằng:
– Bây giờ chúng tôi lại kéo nhau sang Giang Ninh thì biết lấy chi làm tiền lộ phí.
Phò mã Triệu Câu truyền người nhà đem hai trăm lạng bạc trao cho Trương Hổ, Trương Hổ cáo từ lui ra, rồi theo đường Giang Ninh cất quân thẳng bước.
Phò mã Triệu Câu thầm nghĩ: “May sao thân mẫu ta lại biết liệu trước, nếu không thì ngày nay có quan khâm sai đến, ta khó lòng mà giấu được Hùng Khởi Thần”. Phò mã Triệu Câu quay vào nhà trong thăm Mạnh Lệ Quân thì thấy thần sắc hôn quyện, lại chập chờn cơn tỉnh cơn mê. Cả nhà xúm quanh, đều lấy làm lo sợ. Các danh y trong tỉnh, mời đã gần khắp mà bệnh tình vẫn chưa thuyên giảm chút nào. Một hôm quan tuần phủ Thiếp Mộc Nhĩ đến thăm bệnh Mạnh Lệ Quân, nói với phò mã Triệu Câu rằng:

– Tôi có người bạn tên gọi Nhạc Hiệu. Ông ta tinh nghề làm thuốc nổi tiếng danh y gia truyền đã ba đời. Gần một năm nay ông ta vẫn ở với tôi, âu là phò mã thử dùng xem, biết đâu cũng có công hiệu.
Phò mã Triệu Câu nghe nói mừng lòng, liền gọi người nhà là Triệu Thành mà bảo rằng:
– Triệu Thành! Nhà ngươi cầm danh thiếp của ta đi theo đại nhân đây về nhà, để mời thầy thuốc.
Triệu Thành vâng lời, theo quan tuần phủ Thiếp Mộc Nhĩ về. Khi tới nhà, Thiếp Mộc Nhĩ bảo Nhạc Hiệu rằng:
– Đây là người nhà Hoàng Phủ phò mã sai đến đón tiên sinh để về chữa thuốc cho Mạnh vương phi đó!
Nhạc Hiệu nói:
– Tài học tôi chưa được bao nhiêu, chỉ sợ lại phụ công tiến cử của đại nhân vậy.
Quan tuần phủ Thiếp Mộc Nhĩ nói:
-Nghề là thuốc của tiên sinh, tôi vẫn kính phục đã lâu. Vả làm thuốc có người mát tay, hoặc giả tiên sinh cũng mát tay mà chữa khỏi bệnh cho Mạnh vương phi chăng.
Nhạc Hiệu vâng lời, liền đội mũ mặc áo đi theo Triệu Thành về nhà Hoàng Phủ. Triệu Câu nghe báo, vội vàng chạy ra nghênh tiếp, mời ngồi uống nước trà và kể bệnh trạng Mạnh Lệ Quân cho Nhạc Hiệu nghe.
Nhạc hiệu lẩm nhẩm gật đầu, rồi nói:
– Xin phò mã cho chúng tôi vào bắt mạch.
Triệu Câu đứng dậy đưa vào nhà trong, sai nữ tỳ cuốn màn để cho Nhạc Hiệu bắt mạch. Khi bắt mạch xong, Nhạc Hiệu không nói câu gì, lại cùng Triệu Câu đi ra nhà ngoài. Phò mã Triệu Câu hỏi:
-Tiên sinh xem mạch thân mẫu tôi thế nào, xin tiên sinh nói rõ cho biết.
Nhạc Hiệu nói:
– Cứ như bệnh trạng của Mạnh vương phi đây không phải là nhẹ. Số là vương phi đa tài, xưa nay vẫn dùng quá tâm lực. Tâm khí đã hư, can hỏa tất vượng. Ngày nay lại gặp có sự bất bình, cho nên huyết hải xung khai mà sinh ra thế. May sao nguyên khí vẫn vững, nhưng nay muốn tránh thổ huyết không nên dùng sâm. Các danh y đều cho là chứng huyết hư, bởi vậy càng bổ huyết thì càng vọng hành. Bây giờ nên dùng bài “Dẫn hỏa qui nguyên” thì tự khắc can hỏa bình tĩnh vậy.
Phò mã Triệu Câu gật đầu khen phải, rồi xin Nhạc HIệu kê đơn thuốc. Nhạc Hiệu kê đơn xong, lại nói với phò mã Triệu Câu rằng:
– Cái đơn thuố này bất tất phải đổi chi cả, cốt giữ làm sao cho vương phi đừng nghe thấy những tin tức buồn rầu thì chỉ trong trăm ngày, có thể bình phục như thường được. Nếu để cho có sự gì lo phiền giận dữ, bấy giờ thuốc tiên cũng chẳng công hiệu nào. Dẫu rằng không chết, nhưng sau này cũng thành ra phế nhân vậy.
Nhạc Hiệu nói xong, cáo từ lui ra. Phò mã Triệu Câu truyền đem tiền bạc ra để tiến tống. Mạnh Lệ Quân uống một nước thuốc rồi nằm thiu thiu ngủ. Cách mấy ngày hôm sau, bệnh thế đã bớt nhiều. Phò mã Triệu Câu dẫu thấy bệnh thế đã bớt nhiều, nhưng bao nhiêu tin tức ở trong nội cung, nhất thiết không dám cho biết một tý gì nữa. Công việc trong nhà đã có phu nhân lo liệu. Hai cậu đệ nhị và đệ tứ công tử thì lúc nào cũng hầu hạ luôn bên cạnh mình Mạnh Lệ Quân. Mạnh Lệ Quân tinh thần vẫn trấn định, trong khi nhàn hạ, mới hỏi hai công tử rằng:
– Chẳng hay ai bốc thuốc cho ta uống như thế?
Hai công tử mới thuật chuyện mời Nhạc Hiệu đến chữa thuốc cho Mạnh Lệ Quân vương phi nghe. Mạnh Lệ Quân vương phi nói:
– Nếu vậy thì người ấy thật giỏi nghề thuốc, đoán bệnh không đế nỗi lầm. Ngày nay ta nghe trong mình đã khoan khoái lạ thường âu là ta phải sửa soạn tiến kinh mới được.
Lưu Yến Ngọc nói:
– Xin hãy thư thả, đợi đến xuân sau sẽ đi.
Mạnh Lệ Quân vương phi nói:
– Không thể được! Ngày nay thái hậu luống những lo sợ, gia quyến Hùng vương thì bị giam ở trong ngục thất, ta nỡ lòng nào mà ngồi cho yên. Vậy ta nhất định đến ngày ba tháng chín này sẽ khở hành tiến kinh, còn công việc trong nhà đã có hai phu nhân lo liệu.
Nói chưa dứt lời thì bỗng thấy phò mã Triệu Câu bước vào mà nói với Mạnh Lệ Quân rằng:
– Tiết đoan ngọ vừa rồi, Gia Tường công chúa đã đẻ sinh đôi: Một trai và một gái. Hiện tam đệ là Triệu Lân đã sai người báo tin cho con biết.

Nói xong, liền đem bức thư của Triệu Lân đệ trình Mạnh Lệ Quân. Bức thư như sau này:
“Kính trình ba mẹ, (tức ba bà mẹ)
Nhà cửa vẫn được bình yên, chỉ có thái hậu bệnh nặng, một mình con không sao mà trông nom cho xiết, vậy xin thân mẫu mau mau tiến kinh.
Sự thể Phi Giao lộng quyền, con đã nói ở trong thư trước. Bây giờ gia quyến họ Hùng cực khổ trăm chiều. Chị Lương Cẩm Hà mới sinh con trai, trông nom nhờ có quan Nguyễn tướng công, chứ con đây tị hiềm, không dám đi lại hỏi han chi cả. Lại có một người kỳ nữ, nói là tiểu thiếp của biểu huynh Hùng Khởi Phượng, tình nguyện vào nhà giam. Xem thế thì biết nhà họ Hùng trung trực, đã cảm hóa cả đến bọn phụ nữ, mà Hoàng Phủ ta thật không được bằng. Cái họa “diệt tộc” sau này, con chỉ sợ để tiếng về thiên cổ.
Ký tên: Triệu Lân”
Mạnh Lệ Quân xem xong, nửa mừng nửa lo, bàn đi tính lại hồi lâu, rồi nhất định phải tiến kinh mới được. Ngày hôm sau, Mạnh Lệ Quân sang phủ Hán vương yết kiến bà thái phi. Thái phi đứng dậy nghênh tiếp, mời ngồi mà bảo rằng:
– Hôm trước Triệu quốc thái phi (mẹ Triệu vương) có viết thư hẹn với tôi để cùng tiến kinh, không ngờ thánh thượng lại giáng chỉ cấm không cho hồi triều, nói thượng hoàng dẫu bỏ đi, nhưng các phiên vương đều phải yên phận mà giữ bờ cõi, chớ sinh lòng dòm dỏ, khiến cho náo loạn dân tâm. Như thế thì chúng tôi khi nào còn dám tiến kinh nữa. Thái hậu ơi! Bây giờ muốn vào vấn an mà cũng không được đó! Nói xong, hai hàng nước mắt lã chã tuôn rơi. Mạnh Lệ Quân cũng gạt nước mắt mà rằng:
– Xin thái phi cứ yên lòng. Ngày nay dẫu tai biến lạ thường, nhưng nhờ có ân trạch tiên triều thì giang sơn này chắc chưa đến nỗi đã nghiêng đổ. Còn như tội ác của nhà Hoàng Phủ tôi, dẫu muôn chết cũng không rửa sạch được nào. Thái phi có muốn nhắn điều chi gì xin người chỉ bảo.
Bà thái phi khóc mà đáp rằng:
– Tôi cũng chẳng có nhắn chi cả, chỉ xin cầu cho thái hậu chóng được bình phục như thường. Thượng hoàng tất có ngày về triều, mà thiên đạo khi nào lại có giúp đứa gian ác. Mạnh vương phi ơi! Vương phi là người trí rộng tài cao, việc nước sau này trông cậy ở trong tay vương phi đó. Tôi còn có một điều cốt yếu này, xin vương phi ngồi trên cho tôi lại rồi sẽ thưa: Vương phi ơi! Vương phi cùng Phi Giao dẫu là tình mẹ con ruột thịt, nhưng vương phi cũng nên phải nghĩ đến nghĩa vua tôi và ân tình của thái hậu đối với vương phi thuở xưa.
Bà thái phi vừa nói vừa phục xuống đất lạy Mạnh Lệ Quân. Mạnh Lệ Quân giật mình kinh sợ, cố hết sức đỡ bà thái phi dậy, rồi lại cúi đầu sụp lạy mà thưa rằng:
– Thái phi bất tất phải như thế. Tấm lòng trung thành của tôi, đã có hoàng thiên soi xét. Tôi quyết không khi nào dám quên công nghĩa mà vị tư tình. Nếu tôi nói chẳng như lời thì dám xin lôi thần đả tử. Tội ác của tôi dẫu chết cũng đáng, tôi còn mặc dầy chữa thuốc cho khỏi là còn mong rằng phen này tiến kinh, sẽ dùng lời khuyên bảo con Phi Giao. Nếu khuyên bảo không được, bấy giờ tôi cũng xin liều mình một chết, để đền ơn triều đình vậy.
Mạnh Lệ Quân nói xong, bà thì bà thái lại nức nở khóc hoài. Các cung nữ xúm lại khuyên giải, và pha trà mời uống. Trong khi uống trà, bà thái phi lại thuật chuyện bà Triệu quốc thái phi nghe tin Triệu vương nói, cũng vật mình lăn khóc, kể sao xiết nỗi thảm sầu. Mạnh Lệ Quân lại khóc mà rằng:
– Thôi thì trăm điều tội ác, tôi xin chịu cả. Vì tôi bất hiền, cho nên mới sinh ra một đứa con bất hiếu ấy. Nhà Hoàng Phủ tôi thật tận trung báo quốc đã mấy đời nay, nay phu quân tôi quyết chí đi tìm thượng hoàng, hễ tìm không thấy thì cũng liều chết không về nữa.
Chuyện trò hồi lâu, thái giữ ở ăn cơm, mãi đến chiều tối mới về. Khi về tới nhà, hai phu nhân đã sửa soặn đủ các đồ hành lý. Đệ nhị công tử là Triệu Phượng cũng quyết chí xin theo. Các quan văn võ trong thành nghe tin Mạnh Lệ Quân sắp tiến kinh, đều đưa các đồ lễ vật đến tiễn tống. Phò mã Triệu Câu lại sai người nhà đưa vàng lụa sang ta ơn Nhạc Hiệu, vì đã có công chữa khỏi bệnh cho Mạnh Lệ Quân. Trước khi khởi hành tiến kinh, Mạnh Lệ Quân cấp tiền lộ phí cho mười ba tên gia tướng đi mười ba tỉnh để tìm Hoàng Phủ Tương vương. Lại làm lễ bái yết tổ tiên và ủy thác mọi việc cho hai phu nhân. Mạnh Lệ Quân lại gọi đệ tứ công tử là Triệu Tường đến gần trước mặt mà bảo rằng:
– Con ơi! Con nên nghe lời ta mà ở nhà hầu hạ hai mẹ, bỏ nghề võ học nghề văn, để giữ lấy việc thờ cúng tổ tiên.
Phò mã Triệu Câu nói:
– Thân mẫu ơi! Thân mẫu phải cẩn thận, Phi Giao nó chẳng nghĩ chi đến tình cốt nhục đâu. Thân mẫu chớ nên khuyên bảo nó mà e lại bị nó hãm hại.
Mạnh Lệ Quân thở dài mà than rằng:
– Sống chết có mệnh, dẫu sao ta cũng đành lòng!
Đêm hôm ấy, cả nhà suốt đêm không ngủ. Sáng sớm hôm sau sửa soạn khởi hành. Hán vương gởi các đồ lễ vật để tiến cống thái hậu. Bà thái phi cũng gởi một biểu tâu. Các gia tướng theo hầu đều đeo cung tên và binh khí. Mạnh Lệ Quân không đi đường thuỷ mà đi đường bộ. Cả nhà đi tiễn, nghĩ nỗi “Sinh ly tử biệt” ai nấy cũng đều sa nước mắt. Triệu Phượng theo đi, hai phu nhân nức nở khóc mãi. Phò mã Triệu Câu và Triệu Tường cùng quì xuống đất lạy mà thưa rằng:
– Chúng con xin cầu trời phù hộ cho thân mẫu bình an vô sự, sau này cốt nhục lại có ngày đoàn viên. Chúng con không theo đi được, thật là đại bất hiếu.
Mạnh Lệ Quân vương phi thẳng đường tiến mau. Chẳng bao lâu vào tới kinh thành, đến phủ phò mã. Gia Tường công chúa nghe báo, vội vàng ra nghênh tiếp. Mạnh Lệ Quân cầm lấy tay Gia Tường công chúa, rồi hai hàng nước mắt chảy ròng ròng, ngậm ngùi nín lặng hồi lâu, không nói ra lời. Gia Tường công chúa lạy thưa:
– Bấy lâu xa cách dưới gối, tội bất hiếu đã cam, may sao ngày nay vương phi tới đây, cho con lại được sớm khuya hầu hạ.
Hai người nhũ mẫu lại ẵm công tử và tiểu thư ra chào. Mạnh Lệ Quân mừng rỡ, liền ẵm lấy tiểu công tử mà hỏi chuyện. Ngắm nghía hồi lâu, trong lòng lấy làm kỳ dị, nhưng bấy giờ chưa tiện nói ra. Mạnh Lệ Quân lại nghoảnh nhìn tiểu thư thì mặt ngọc da ngà, thật giống Gia Tường công chúa như đúc. Gia Tường công chúa truyền các nữ tỳ pha trà, rồi nhân khi vắng người, liền thuật chuyện đầu đuôi mọi việc cho Mạnh Lệ Quân nghe. Mạnh Lệ Quân nghe nói, vội vàng đứng dậy, nhìn lại tiểu công tử một lượt rồi ứa nước mắt mà rằng:
– Triệu Lân còn nhỏ tuổi, mà đã lập được cái công bổ thiên cứu nhật này. Ai ngờ con bà Lưu phu nhân biết tận trung báo quốc, mà con gái ta lại độc ác giống hổ lang. Thôi, thôi! Công chúa bất tất phải lo phiền, thế nào thượng hoàng cũng có ngày vài nước. Họa căn dẫu bởi tại nhà Hoàng Phủ, nhưng thương xót thay cho phu quân ta từ xưa vốn giữ một lòng trung thành. Ngày nay đã bỏ nhà đem một đứa con nhỏ đi tìm thượng hoàng, chưa biết lưu lạc phương nào vậy. Cái tội không biết dạy con của ta, thật đáng diệt tộc, may nhờ có Triệu Lân cứu được hoàng tử thì dòng dõi nhà Hoàng Phủ cũng chưa đến nỗi nào.
Mạnh Lệ Quân nói đến câu thương tâm ấy lại không thể cầm được nước mắt cho được. Gia Tường công chúa nghĩ cũng đứt từng khúc ruột, nhưng phải ngậm đắng nuốt cay mà tìm lời khuyên giải Mạnh Lệ Quân. Các cung nữ bày tiệc, Gia Tường công chúa mời Mạnh Lệ Quân ngồi trên, rồi tự mình ngồi hầu ghế dưới. Nhà ngoài cũng bày tiệc mời Triệu Phượng. Mạnh Lệ Quân truyền cho các cung nữ lui ra. Khi mọi người lui ra rồi, Gia Tường công chúa cùng Mạnh Lệ Quân kể lể những nỗi xa xưa. Trong khi đang nói chuyện thì bỗng nghe báo có Triệu Lân vào. Triệu Lân nét mặt tái mét mà kêu rằng:
– Thân mẫu ơi! Công chúa ơi! Thật là một việc không may! Gia quyến họ Hùng, chỉ sớm ngày mai thì phải đem ra hành hình đó!

Mọi người nghe nói, đều kinh hoảng lạ thường, nhất là Mạnh Lệ Quân thì run sợ không thể ngồi vững được. Gia Tường công chúa vội vàng đỡ lấy, Triệu Lân cũng xúm lại mà gọi. Gọi trong hồi lâu, Mạnh Lệ Quân mới tỉnh dậy, tựa mình vào Triệu Lân mà ngồi và bảo rằng:
– Triệu Lân con ơi! Cái tài cao trí rộng của con, cha mẹ cũng lấy làm khen ngợi. Vác việc khác, ta không cần hỏi vội, ngày nay con hãy kể cho ta nghe việc nhà họ Hùng chẳng biết cớ gì mà tự nhiên bây giờ lại phải đem ra hành hình, hay là các quan triều thần có ai nói gì chăng?
Triệu Lân thấy Mạnh Lệ Quân hỏi như vậy, bấy giờ mới yên lòng, liền thuật chuyện đầu đuôi mà rằng:
– Số là Đồ Man Hưng Phục tâu với triều đình, nói gia quyến họ Hùng ở trong ngục đã lâu, ngay nay đảng võ khắp bốn phương, cho nên sinh ra nhiều giặc cướp. Vậy xin chém vợ chồng Hùng Hiệu thì tự khắc giặc cướp phải tan. Vả vợ chồng Hùng Hiệu ở trong ngục, ngày nào cũng đàn hát vui cười, lại rung đùi ngâm thơ, ra ý kiêu ngạo tự đắc, không sợ hãi một chút nào cả. Nếu không trừ tiệt đi, tất sinh nội biến. Bản tâu ấy dâng lên thì Phi Giao hoàng hậu phê chuẩn ngay, định đến ngày tám tháng này, đầu trống năm canh sẽ đem chém vợ chồng Hùng Hiệu. Phi Loan quận chúa thì bắt phải về phủ Tương vương để hầu hạ cha mẹ, đợi khi hết tang, bấy giờ sẽ tiến kinh. Nàng Lương Cẩm Hà và nàng Hạng Ngọc Thanh cùng đứa con mới sinh thì hãy cứ giam ở trong ngục thất, đợi khi Hùng Khởi Phượng và Hùng Khởi Thần về đây, sẽ đem hành hình. Thân mẫu ơi! Phi Giao giáng chỉ chỉ như thế mà thái hậu không biết một tý gì. Nguyễn Long Quang tướng công và các quan đại thần cũng có can ngăn mà Phi Giao không nghe, lại giáng chỉ rằng:
– Nếu ai dám tâu xin nữa thì tức là thông đồng với lũ phản nghịch, cũng nhất loại xử trảm. Thân mẫu nghĩ như thế thì còn ai dám tâu xin nữa! Ngày nay gặp thân mẫu tới đây, họa may Hùng bá phụ có sinh toàn được chăng, nhưng dùng kế chi mà cứu cho được, xin thân mẫu phải mau mau trù tính. Còn như công việc của con về trước thì một là họca, hai là phúc, bây giờ cũng chưa biết thế nào.
Mạnh Lệ Quân nói:
– Bây giờ không có kế chi cho được, chỉ có một kế vào diện tấu thánh thượng, họa may mới cứu thoát Hùng vương.
Mạnh Lệ Quân hỏi Triệu Lân rằng:
– Chẳng hay giám trảm quan là ai?
Triệu Lân nói:
– Đồ Man Hưng Phục và Nguyễn Long Quang tướng công.
Mạnh Lệ Quân nghe nói cau mày ngẫm nghĩ:
– Bây giờ không có kế chi cho được, âu là ta phải dùng đến kế khổ nhục mới xong. Mạnh Lệ Quân nghĩ vậy, mới gọi Triệu Lân đến gần bên cạnh, rồi ghé tai bảo thầm. Triệu Lân lẩm nhẩm gật đầu mà nói rằng:
– Nếu vậy rất hay! Con xin sang bảo trước với Nguyễn Long Quang tướng công.
Triệu Lân cáo từ lui ra, Mạnh Lệ Quân cũng không nói cho Gia Tường công chúa biết, chỉ bảo công chúa sửa soạn một tiệc rượu để đầu trống canh năm ra pháp trường tiễn biệt vợ chồng Hùng vương. Hồi lâu, Triệu Lân về báo với Mạnh Lệ Quân rằng:
– Đồ Man Hưng Phục đã đem ba trăm cấm binh giải vợ chồng Hùng bá phụ ra rồi, chỉ đợi đến đầu trống canh năm thì hạ thủ mà cửa thành bấy giờ đóng chặt, không cho ai qua lại. Quan Nguyễn tướng công dặn con mời thân mẫu phải ra ngay, rồi y kế thi hành, chớ có chậm trễ.
Mạnh Lệ Quân vương phi đứng dậy ra đi. Vương phi ngồi xe trước, lại có hai công tử cùng gia tướng theo sau. Đèn lồng sáng như ban ngày. Khi tới pháp trường, thấy đình liệu đỏ rực, cấm binh vây kín xung quanh bốn mặt, tướng sĩ đều gươm tuốt trần. Triệu Lân cưỡi ngựa đi lên trước, các cấm binh trông thấy kinh ngạc mà hỏi rằng:
– Có phải quốc cữu định đến tế vợ chồng Hùng vương đó chăng?
Triệu Lân nói :
– Chính phải! Đêm qua Mạnh vương phi vừa mới tới đây, nghe tin vợ chồng Hùng vương bị xử tử, vậy có đặt một tiệc rượu để tiễn tống, gọi là tỏ chút thân tình.
Nói chưa dứt lời thì xe Mạnh Lệ Quân đến. Hai anh em Triệu Lân đỡ Mạnh Lệ Quân xuống xe, rồi đi đến chỗ cái cọc trói vợ chồng Hùng Hiệu. Bấy giờ hai vợ chồng Hùng Hiệu đều quì mà nhắm mắt, nín lặng không nói câu gì. Mạnh Lệ Quân trông thấy không sao cầm, liền khóc òa lên một tiếng thật to chạy đến ôm lấy Vệ Dũng Nga vương phi mà bảo rằng:
– Hiền tỷ ơi! Em là Mạnh Lệ Quân đây, xin hiền tỷ mở mắt nhìn em một chút.
Vệ Dũng Nga vương phi đang mơ mơ màng màng, bỗng nghe tiếng gọi, mở mắt ra nhìn, trông thấy Mạnh Lệ Quân, ứa hai hàng nước mắt, rồi nhắm lại, nín lặng không nói, chỉ lấy tay xua mà gạt đi. Mạnh Lệ Quân khóc lóc kể những nông nỗi đoạn trường, nói:
– Hiền tỷ ơi! Hiền tỷ chớ oán ai, chỉ nên oán Mạnh Lệ Quân này! Mạnh Lệ Quân này thật đã phụ lòng một người ơn sâu nghĩa trọng! Hiền tỷ ơi! Ngày nay em xin theo hiền tỷ cùng xuống suối vàng.
Mạnh Lệ Quân vương phi vừa khóc vừa nói, đến nỗi các hàng quan quân đứng quanh đấy đều phải động lòng xót thương. Hùng Hiệu thấy vậy, cũng phải kêu lên một tiếng mà rằng:
– Mạnh vương phi ơi! Vương phi có tài: “Kinh thiên vĩ địa” cớ sao lại nói quẩn như thế! Người ta ở đời, nào ai không chết, bi hoan tán tụ, cũng là việc thường. Tôi xin dặn vương phi một việc khẩn yếu này: Đồ Man Hưng Phục vốn có lòng phản nghịch, trong triều chỉ e có vợ chồng vương phi và tôi. Nay vợ chồng đã chết mà vương phi cũng chết thì việc nước trông cậy vào ai. Chết có ích gì, giang sơn này vận mệnh ở trong tay vương phi đó! Nếu vương phi khuyên bảo Phi Giao hoàng hậu biết hối lỗi mà trả lại quyền chính thì Hùng Hiệu này ở dưới suối vàng cũng ngậm cười. Vương phi lại nên khuyên bảo Phi Loan quận chúa, kẻo quận chúa một hai xin tự tử, không muốn trở lại nhà mình. Hạng Ngọc Thanh và Lương Cẩm Hà cũng đã mấy phen khóc mà chết ngất đi. Bây giờ vợ chồng tôi ra đây, chưa biết ba mạnh ấy ở trong ngục sống chết thế nào vậy.
Hùng Hiệu lại dặn Triệu Lân và Triệu Phượng rằng:
– Hễ khi nào Hoàng Phủ Tương vương về thì hai công tử nên nói giúp tôi rằng: Tôi đây vốn người ở nơi thôn dã, không hiểu trung quân báo quốc là gì. Ngày nay xảy ra việc này, nghìn thu về sau, tất bị danh phản nghịch. Vậy thì khi nào thượng hoàng về, cũng nên vì tôi mà giải nỗi oan tình.
Mạnh Lệ Quân vương phi sụp lạy mà thưa rằng:
– Người dạy chí phải, nhưng lòng tôi nay rối loạn, chưa chắc đã làm gì nên. Ngày nay có mấy chén rượu để gọi là tỏ chút lòng thành trong khi tiễn biệt.
Mạnh Lệ Quân nghoảnh lại bảo Triệu Lân và Triệu Phượng rằng:
– Hai con rót rượu để mời bá phụ và cô mẫu!

Hai công tử rót rượu, rồi lấy mũi dao chích huyết cánh tay nhỏ vào chén rượu. Hùng Hiệu thấy vậy, dẫu gan sắt đá cũng phải đắng cay. Khi uống cạn ba chén rồi, tinh thần trấn định, lại cả cười mà rằng:
– Nếu vậy rát hay! Nhà Hoàng Phủ vẫn giữ được lòng trung thì Hùng Hiệu này dẫu chết xuống suối vàng, cũng không hối hận.
Hùng Hiệu nghoảnh lại bảo Vệ Dũng Nga rằng:
– Phu nhân ơi! Phu nhân cũng nên mở mắt mà uống một chén rượu. Những bậc trung nghĩa như thế này, ta thiết tưởng từ xưa cũng ít có! Ngày nay dẫu mang tiếng phản nghịch, nhưng người sau ai lại không thấu nỗi oan tình.
Hùng Hiệu nói chưa dứt lời thì bỗng lại nghe tiếng người mời uống rượu. Hùng Hiệu nghoảnh lại nhìn, rồi kinh ngạc mà rằng:
– Kìa, kìa, Tần Sĩ Thăng đấy phải không? Khi trước tiện nhi có đem nàng Hạng Ngọc Thanh đến phiền quấy hiền điệt, ơn ấy ta chưa báo đáp được. Ngày nay lại còn có lòng tử tế đến đây để tiễn biệt ta, ta cảm tạ biết dường nào.
Hùng Hiệu uống một hơi ba chén rượu, mọi người trông thấy ai cũng động lòng xót thương. Nguyễn Long Quang tướng công cũng đến, tay cầm chén rượu mà bảo Hùng Hiệu rằng:
– Tiểu đệ cũng có chén rượu để tiễn biệt hiền huynh.
Nói xong, nghoảnh lại bảo người nhà rằng:
– Bay rót rượu ra để ta cùng Hùng vương uống.
Ông bạn cũ của tôi ơi! Ngày nay ông cùng tôi uống rượu cảm khái ở trên pháp trường này cũng hay! Nguyễn tuớng công ơi! Ông có lòng tử tế chu toàn cho tôi trong bấy lâu nay, bây giờ lại ra đây cùng tôi uống rượu, tôi thật vui suớng muôn vàn. Trong khi chém tôi, xin ông chớ thương xót, vì tôi làm một con ma say rượu, dẫu hồn về chín suối cũng chẳng biết đau.
Hùng Hiệu vừa uống vừa gọi:
– Rót rượu mau!
Nguyễn Long Quang uống tiếp năm, bảy chén rượu luôn đã thấy ruột nóng như lửa. Hai hàng nước mắt ràn rụa xuống chén rượu. Nguyễn Long Quang vốn là người uống được rượu, bấy giờ uống mãi cho đến trời đã sáng tỏ. Đồ Man Hưng Phục thấy trời đã sáng rõ, mới sai người mời Nguyễn Long Quang. Nguyễn Long Quang chạy đến mà bảo rằng:
– Đồ Man tiên sinh ơi! Mạnh vương phi đêm qua bỗng tới đây, bây giờ đang rót rượu để tiễn biệt vợ chồng Hùng Hiệu, không biết vợ chồng Hùng Hiệu nói gì mà vương phi ngất nq ngã lăn quay ra đó. Hai vị công tử xúm quanh khóc lóc rầm lên. Trời đã sáng rồi, nếu ta chậm việc hành hình thì tất có tội cả, chi bằng tiên sinh chạy đến bảo hai vị công tử vực vương phi về, để ta hạ lệnh chém vợ chồng Hùng Hiệu cho được yên việc.
Đồ Man Hưng Phục đang nóng việc chém vợ chồng Hùng Hiệu, không biết là kế lừa vội vàng chạy đến, và toan cúi chào Mạnh Lệ Quân, chẳng ngờ Nguyễn Long Quang giả say, va ngay vào mình Đồ Man Hưng Phục. Đồ Man Hưng Phục đứng không vững, lại nhàođầu mà ngã vào Mạnh Lệ Quân. Hai công tử thấy vậy vội quát to lên rằng:
– Đồ Man Hưng Phục đánh chết vương phi rồi!
Hai công tử vừa quát vừa chạy lại đánh Đồ Man Hưng Phục. Nguyễn Long Quang giả cách kêu van, rồi tức khắc truyền cho quân sĩ giải vợ chồng Hùng Hiệu vào ngục thất. Còn mình thì phi ngựa về báo với Phi Giao hoàng hậu rằng:
– Muôn tâu hoàng hậu! Kẻ hạ thần phụng chỉ đi giám sát vợ chồng Hùng Hiệu. Không ngờ bỗng thấy Mạnh vương phi đến.
Phi Giao hoàng hậu kinh ngạc mà hỏi rằng:
– Vương phi đến bao giờ thế? Sao không có ai vào tâu.
Nguyễn Long Quang tâu rằng:
– Muôn tâu hoàng hậu! Cứ như lời quốc cữu Triệu Lân nói thì vương phi mới đến đêm hôm qua. Nghe tin vợ chồng Hùng Hiệu bị chém có đặt tiệc để tiễn biệt. Đồ Man Hưng Phục giục vương phi về phủ, lấy tay gạt một cái, chẳng may vương phi ngã đập mặt mà máu me đầm đìa. Quốc cữu Triệu Lân và Triệu Phượng túm lấy Đồ Man Hưng Phục. Kẻ hạ thần luống cuống chỉ sợ sổng mất tội tù, vậy phải tức khắc lại giải vào ngục thất. Hiện đã vực vương phi lên xe để vào yết kiến hoàng hậu đó.
Phi Giao hoàng hậu nghĩ thầm:
– Thân mẫu ta nghe tin vợ chồng Hùng Hiệu bị chém tất lấy làm tức giận, cho nên mới không hỏi chi đến ta mà ra thẳng pháp trường để tế vợ chồng Hùng Hiệu. Cứ luật hễ tế lễ kẻ phản nghịch cũng phải đồng tội, nhưng tình mẹ con cốt nhục, chẳng lẽ ta nói thế nào. Làm vua trong một nước cần phải giữ trung hiếu, thế thì khi nào lại dám giết mẹ và anh em ruột thịt.
Phi Giao hoàng hậu đang cúi đầu ngẫm nghĩ thì bỗng thấy Ngọ Môn quan quì xuống tâu rằng:
– Muôn tâu hoàng hậu! Mạnh vương phi cùng quốc cữu Triệu Lân và Triệu Phượng hiện đã trói Đồ Man Hưng Phục giải đến Ngọ Môn, để đợi lệnh trên chỉ phán.
Phi Giao hoàng hậu nghĩ thầm:
– Bây giờ ta xử thế nào, chẳng lẽ ta lại để cho thân mẫu ta cùng Đồ Man Hưng Phục đối chất hay sao? Lại còn lễ triều bái bây giờ định ra thế nào cho phải.
Phi Giao hoàng hậu cau mày ngẫm nghĩ hồi lâu rồi gọi hai tên nội giám mà bảo rằng:
– Nhà ngươi mau mau mời vương phi vào ngồi trong hữu cung, để ta ra ngự triều, cho hai quốc cữu cùng Đồ Man Hưng Phục đối chất.
o0o


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.