Đọc truyện Tục Tái Sanh Duyên – Chương 12
Nàng Hạng Ngọc Thanh hiểu ý thò tay vào trong mình lấy ra hai gói bạc vụn trao cho thủ ngục quan. Thủ ngục quan chê ít mà rằng:
– Người ta ở đời ai làm nghề gì, ăn về nghề ấy. Bọn thủ ngục chúng tôi cả thảy mấy mươi người, mà nàng cho hai gói bạc này, còn chia nhau làm sao cho đủ. Nếu không có lệnh Tề vương thì nàng vào đây sẽ phải chịu trăm đường cực khổ. Nàng nên biết rằng hai cánh cửa ngục thất này ai muốn vượt qua, có lý cũng cần phải có tiền. Trung hiếu tiết nghĩa mà làm gì, chúng tôi đây chỉ biết tiền tài là trọng.
Nàng Hạng Ngọc Thanh không biết làm thế nào, bất đắc dĩ phải tháo cành thoa cài trên đầu trao cho bọn ngục tốt. Bấy giờ bọn ngục tốt mới cười ha hả, lại đưa nàng Hạng Ngọc Thanh đi. Đi đến mấy gian nhà thấp lụp xụp, trong có tiếng người đang ti tỉ than khóc, lại có tiếng một cụ già thở dài. Bọn ngục tốt mở cửa, rồi một người bước vào trước, báo cho Hùng vương biết.
Lại nói chuyện Hùng vương ở trong ngục, đang ngồi than thở một mình:
– Hùng Hiệu này đã từng oanh liệt trăm trận nơi chiến trường, ai ngờ ngày nay thui thủi ngồi đây, ba thước cùm lim, mấy làm xiềng sắt, những loài gian nịnh, lại đắc chí mà đem lời mai mỉa. Nếu không được Nguyễn tướng công tâu với thái hậu cho thì thật hồn đã về nơi chín suối. Đồ Man An Quốc là con đứa lão gian,, lại dùng thủ đoạn tàn ngược mà đối với ba trăm gia binh, khiến chúng đã chết đói mất hơn trăm kẻ. Trời ơi! Đó là tội của Hùng Hiệu này đã làm hại bao nhiêu nghĩa sĩ. Ta chỉ cầu trời một chết để rửa cái tội của ta. Tôi chết đã đành, nhưng ta làm di lụy đến hai người thiếu nữ. Một người là con dâu trưởng ta, hiện đang hoài thai, sắp đến kỳ lâm sản, một người là con dâu chưa cưới (trỏ Phi Loan quận chúa), cũng tình nguyện xin chết theo ta. Ước gì thánh thượng rộng ơn mà tha hai người ấy thì ta dẫu chết cũng được hả lòng.
Hùng Hiệu đang than thở thì Vệ Dũng Nga vương phi bỗng chạy đến mà bảo rằng:
– Phu quân ơi! Con dâu trưởng ta đang kêu đau bụng, hình như trở dạ đẻ, bây giờ gọi đâu cho được uẩn bà và lấy ai là người nấu cho lưng cháo. Hay là ta bảo thủ ngục quan nói với Nguyễn tướng công cho. Ngày nay phục dịch dẫu có Phi Loan, nhưng đêm ngày luống những lo phiền, người đã gầy còm chỉ còn một nửa, phỏng có cực không! Phi Giao mày hỡi mày! Mày giết vợ chồng ta đã đành, nhưng sao mày lại không thương đến Phi Giao là tình chị em ruột thịt. Nghĩ cũng nực cười, tôi không ngờ nhà Hoàng Phủ mà bây giờ lại sinh ra như thế!
Hùng Hiệu cũng thở dài mà than:
– Thôi nói làm chi nữa, chẳng qua tội ác tự mình. Nhưng bây giờ nghĩ sao cho có uẩn và, hay là ra gọi ngục tốt vào mà hỏi.
Vừa toan gọi ngục tốt thì bỗng thấy cửa mở sáng bừng, nàng Hạng Ngọc Thanh bước vào, sụp xuống đất lạy. Vợ chồng Hùng Hiệu đều kinh ngạc mà hỏi rằng:
– Nàng là người ở đâu? Họ tên là gì?
Nàng Hạng Ngọc Thanh ứa nước mắt khóc rồi nói:
– Tên tôi là Hạng Ngọc Thanh thuở bé lưu lạc vào nơi hoa liễu, nhưng tôi quyết chí liều chết không chịu, mụ chủ dùng hết cách tàn ngược mà đối với tôi, may gặp Hùng quốc cữu cò lòng hào hiệp, bỏ nghìn vàng mà chuộc tôi ra, đem gởi tại nhà quan Tần học sĩ. Hùng quốc cữu rộng lượng bảo tôi đi lấy người khác, nhưng tôi đã chịu ơn sâu ấy thì thân này xin quyết một lòng. Tôi muốn đến hầu hạ đã lâu, nhưng sợ Hùng quốc cữu phu nhân nổi giận, cho nên trong nửa năm trời nay vẫn nương náu ở với Tần học sĩ phu nhân. Đến khi nghe Hùng quốc cữu đi sứ Cao Ly lại nghe tin lão gia bị nạn, tôi trộm nghĩ ơn sâu khó báo, đành liều thân này với giải lụa đào. Sau Tần học sĩ phu nhân khuyên tôi nên tự nguyện vào nhà giam, một là được bái kiến vương gia và vương phi; hai là thân danh lưỡng toàn, may ra Hùng quốc cữu phu nhân mở lượng hải hà mà thương cho thì ơn sâu mới có ngày báo đáp được. Vì thế tôi liều mình đến trước Ngọ Môn, nay được bái kiến vương gia và vương phi, thật là vén mây trông tỏ mặt trời vậy.
Hai vợ chồng Hùng Hiệu lẩm nhẩm gật đầu, rồi lại thở dài mà than rằng:
– Nàng nên tính kỹ, kẻo bước chân vào đây chưa biết bao giờ được ra, lại lo sau này tới chốn pháp trường thì uổng phí một đời xuân xanh của nàng vậy.
Nàng Hạng Ngọc Thanh cười mà đáp rằng:
– Ý tôi đã quyết, xin vương gia và vương phi chớ lo ngại. Tôi đến đây là để cầu chết, chứ không cầu sống. Kiếp này đã không được gặp thì xin theo Hùng quốc cữu phu nhân cùng quyết một lòng tử sinh.
Nàng Hạng Ngọc Thanh nói xong lại nức nở khóc, khiến cho vợ chồng Hùng Hiệu là gan anh hùng cũng phải giọt lệ nhủ sa. Hùng Hiệu nói với Vệ Dũng Nga vương phi rằng:
– Nàng đã quyết một lòng thì phu nhân cho nàng vào yết kiến Lương Cẩm Hà.
Vệ Dũng Nga vương phi ngẫm nghĩ một chút rồi nói:
– Nàng Hạng Ngọc Thanh ơi! Nàng đã quyết một lòng thì ta xin đem chân tình mà nói với nàng.
Nói xong, liền thuật rõ đầu đuôi câu chuyện Lương Cẩm Hà khi trước vì việc nàng mà nổi ghen cho nàng nghe, và lại bảo rằng:
– Huống chi ngày nay phu nhân đang sắp lâm sản mà nghe tin nàng đến thì chưa biết máu ghen rồi ra thế nào. Chi bằng nàng hãy hàm hồ nói là người nhà Nguyễn tướng công sai vào hầu hạ, đợi khi nào phu nhân mẹ tròn con vuông rồi, bấy giờ sẽ thuật rõ đầu đuôi.
Hùng Hiệu gật đầu mà rằng:
– Ừ! Nói cũng có lẽ! Nhưng con dâu ta vốn tính hiền thảo, há không biết trọng tiết nghĩa hay sao. Sau này ta chắc hai người phải cùng nhau tâm đầu ý hợp. Tiết nghĩa của nàng Hạng Ngọc Thanh này thật là ít có, thế thì ta cũng nên coi nàng như Phi Loan quận chúa vậy.
Vệ Dũng Nga đưa nàng vào yết kiến Lương Cẩm Hà phu nhân. Bấy giờ Lưong Cẩm Hà phu nhân đang kêu đau bụng, khúm núm không ngồi ngay được, hai hàng nước mắt lã chã tuôn rơi. Phi Loan quận chúa cũng run sợ mà mồ hôi toát đầm, miệng gọi:
Cô mẫu ơi, mau mau tới đây!
Vệ Dũng Nga vương phi vội vàng chạy đến thì tã lót không có, luống cuống chẳng biết làm thế nào. Nàng Hạng Ngọc Thanh trông thấy, liền chạy ngay đến, đỡ lấy Lương Cẩm Hà. Lại một mắt cởi áo lụa trong mình ra để làm lót đỡ. Lương Cẩm Hà đau quá bõng nghe tiếng trẻ con oe khóc, nàng Hạng Ngọc Thanh tay cầm cái áo lụa đỡ đón ngay lấy, rồi nói:
– Vương phi ơi! Mừng rỡ xiết bao, đã sinh hạ một công tử đây, thật giống Hùng quốc cữu như đúc!
Phi Loan quận chúa không dám đến gần. Vệ vương phi thì vực con dâu lên giường nằm nghỉ. Bấy giờ nước nóng không có, nệm đắp thì không, nàng Hạng Ngọc Thanh mới trao tiểu công tử cho Vệ Dũng Nga vương phi ẵm, rồi nói:
– Xin vương phi hãy ẵm cháu, để tôi ra nhờ ngục tốt mua mấy thứ cần dùng.
Nói xong, liền mở khăn gói lấy tiền, rồi gót sen thoăn thoắt chạy ra gọi ngục tốt, nhờ mua các thứ. Thế lực đồng tiền cũng thật mạnh, hồi lâu đem vào chẳng thiếu thứ gì. Vệ Dũng Nga vương phi khẽ rỉ tai thuật chuyện nàng Hạng Ngọc Thanh cho Phi Loan quận chúa nghe. Phi Loan quận chúa nói:
– Nếu vậy thì thật là người ít co Tôi xin trọng đãi nàng như hàng chị em.
Nàng Hạng Ngọc Thanh lại đem mấy chiếc áo quần khâu can lại để làm tã lót. Vệ Dũng Nga vương phi và Phi Loan cũng xúm vào khâu. Nàng Hạng Ngọc Thanh nấu nước tắm rửa cho tiểu công tử, rồi lấy lót quấn, trao cho Lương Cẩm Hà phu nhân ẵm. Lại đi bắc nồi cháo, lui cui nhóm bếp, nét mặt phù dung, than bụi lọ lem. Nàng dẫu thông minh, nhưng việc bếp núc chưa từng mó tay đến, thành ra cúi đầu thổi lửa, mồ hôi tầm tả mà lửa không cháy, sau đến Vệ Dũng Nga vương phi và Phi Loan quận chúa cũng đến thổi giúp. Ba người đang luống cuống thì có Phạm lão bà đến.Nguyên Phạm lão bà là mẹ một tên ngục tốt thấy con về nhà nói chuyện nàng Hạng Ngọc Thanh xinh đẹp lạ thường, mới định vào để xem mặt. Không ngờ khi vào tới nơi thì nàng Hạng Ngọc Thanh đang mặt mũi nhọ bẩn, trông như ma lem. Phạm lão bà bạt cười ma bảo rằng:
– Nàng thật là người không quen nấu bếp, để tôi làm giúp cho.
Nói xong, liền vén tay áo mà đun bếp hộ, bấy giờ lửa mới cháy đều. Phạm lão bà vừa đun bếp vừa tỉ tê hỏi chuyện nàng Hạng Ngọc Thanh. Nàng ứa hai hàng nước mắt, kể lể lai lịch cho nghe. Phạm lão bà lại khẽ bảo nàng Hạng Ngọc Thanh rằng:
– Nàng đã biết phu nhân tính nết thế nào mà nay cam lòng hầu hạ, nữa một mai không thể ở được thì há chẳng uổng công khó nhọc lắm ru.
Phạm lão bà nói đến đây thì cháo vừa nấu chín. Nàng Hạng Ngọc Thanh bưng cháo đến cạnh giường Lương Cẩm Hà phu nhân nằm. Bấy giờ phu nhân hai mắt đang nhắm, nét mặt âu sầu, thân thể gầy còm, đầu bù tóc rối. Nàng Hạng Ngọc Thanh trông thấy cũng phải động lòng thương. Phi Loan quận chúa khẽ bảo Lương Cẩm Hà rằng:
– Hiền tẩu ơi! Hiền tẩu hãy gương ăn lưng cháo!
Lương Cẩm Hà thở dài mà than rằng:
– Ở đây lấy đâu ra cháo. Thôi cô nương chớ nên làm phiền lòng vương phi.
Phi Loan quận chúa nói:
– Cháo đã nấu được rồi đây!
Nàng Hạng Ngọc Thanh đưa bát cháo lại, rồi khẽ nói:
– Phu nhân ơi! Xin phu nhân cố gượng mà xơi lưng cháo.
Lương Cẩm Hà phu nhân cầm lấy bát cháo, ăn vào đến đâu tỉnh người đến đấy. Ăn xong tinh thần hồi phục, mới ngoảnh nhìn nàng Hạng Ngọc Thanh mà hỏi rằng:
– Nàng là người ở đâu mà lại bưng cháo đến cho tôi ăn thế này?
Phi Loan quận chúa nói:
– Nàng là người nhà quan Nguyễn tướng công cho vào để phục dịch giúp ta đó.
Lương Cẩm Hà phu nhân nói:
– Quan Nguyễn tướng công có lòng tử tế quá! Khi trước đã cho vợ con giúp thân mẫu tôi đưa linh cữu thân phụ tôi về quê nhà, ơn sâu ấy chưa biết bao giờ tôi đã đền bồi cho được. Ngày nay tôi lâm sản, lại còn cho người đến hầu hạ, thế thì lòng “Cứu lai tuất hoạn” (là giúp người trong khi có tai vạ và thương kẻ hoạn nạn) thật không mấy người bằng. Nhưng người này bảo là nữ tỳ nhà quan Nguyễn tướng công thì vị tất đã phải, vì tôi không trông ra vẻ nữ tỳ. Vả Nguyễn tướng công phu nhân trở về quê nhà, mà tướng công lại không tiểu thiếp thì làm chi có nữ tỳ. Nàng là người ở đâu? Xin cứ nói thực cho tôi được biết.
Nàng Hạng Ngọc Thanh nói:
– Ngưyên tôi đến ở nhà quan Nguyễn tướng công đã lâu, tướng công tôi vẫn coi tôi như con gái, nay nghe tin phu nhân lâm sản, vậy tướng công sai tôi tới đây để hầu hạ sớm khuya.
Nàng Hạng Ngọc Thanh nói dứt lời thì bỗng thấy Vệ Dũng Nga vương phi bước vào mà bảo Lương Cẩm Hà phu nhân rằng:
– Vương gia nghe tin sinh hạ tiểu công tử, rất lấy làm mừng, đang định cầu ân xá cho đứa hài nhi ấy, còn một mình dẫu chết cũng xin cam lòng. Người ta ở đời, cũng thông bĩ thái cũng là lẽ thường, con chớ lấy làm nghĩ. Vả có nàng Hạng Ngọc Thanh đây sớm khuya làm bạn thì con cũng được yên lòng.
Vệ vương phi lại bảo nàng Hạng Ngọc Thanh rằng:
– Nàng cùng Phi Loan quận chúa ngủ chung một giường, còn ta và phu nhân thì cùng nằm với tiểu công tử. Bây giờ Phạm lão bà về rồi, nàng nên dọn dẹp chỗ bếp núc cho cẩn thận.
Nàng Hạng Ngọc Thanh vâng lời. Bấy giờ ngục tốt đưa cơm vào, Vệ vương phi bảo nàng Hạng Ngọc Thanh cùng ngồi vào bàn để ăn. Nàng Hạng Ngọc Thanh chối từ không dám ngồi. Phi Loan quận chúa nói:
– Nàng không ví như người khác được, vương phi đã cho ngồi thì nàng chớ nên khiêm tốn quá.
Nàng Hạng Ngọc Thanh bất đắc dĩ mới rón rén ghé ngồi xuống ghế. Mấy bát cơm vàng, vài ngọn rau héo, nàng cố gượng nuốt vào cổ họng, mà nuốt không trôi, lại phải thổ ra. Vệ Dũng Nga vương phi thấy vậy, trong lòng áy náy, liền nói:
– Chúng ta số phận không ra gì, phải chịu cực khổ đã đànhm nàng ở đâu cũng đến mà chia sự cực khổ. Bữa no bữa đói, chúng ta chỉ cầm hơi cho qua ngày, nay nàng mới ăn vào, chắc chưa được quen vậy.
Nàng Hạng Ngọc Thanh tươi cười mà đáp rằng:
– Con vẫn có bệnh ăn vào hay thổ, ngày nay chứng ấy bỗng tái phát, chứ không phải vì cơm rau mà ăn không được ngon miệng.
Nàng Hạng Ngọc Thanh bấm bụng mà cố gượng ăn một bát. Khi Vệ Dũng Nga vương phi và Phi Loan quận chúa ăn xong, nàng Hạng Ngọc Thanh dọn dẹp bát dĩa thì trời vừa tối. Tối đến, một ngọn đèn xanh, thỉnh thoảng nghe mấy tiếng trống canh điểm, có thủ ngục quan vào ngục để soát tù. Bấy giờ Vệ Dũng Nga vương phi và Phi Loan quận chúa đều ngủ yên cả, tiểu công tử khóc, Lương Cẩm Hà phu nhân ru con rồi lại thở dài than rằng:
– Nín, nín đi con ơi! Con đừng khóc nữa! Chẳng qua con cũng xấu số mà đầu thai lúc này! Trong tám năm trời nay, tổ phụ và tổ mẫu chỉ ngày đêm mong có cháu ẵm, ai ngờ ngày nay luống thêm một tên trong sổ tù tội.
Phu nhân nói đến sự thương tâm ấy, lại nức nở khóc hoài. Nàng Hạng Ngọc Thanh trở dậy, tìm lời khuyên giải Lương Cẩm Hà phu nhân, và ẵm lấy tiểu công tử đem ra chỗ đèn sáng xem thì đầu và mặt đều bị muỗi đốt, toàn những lấm tấm đỏ, thảo nào mà ngủ không yên giấc. Nàng Hạng Ngọc Thanh đưa tiểu công tử cho phu nhân xem, phu nhân lại khóc òa lên một tiếng. Vệ Dũng Nga vương phi và Phi Loan quận chúa giật mình tỉnh dậy, chạy lại hỏi han duyên cớ rồi cùng nhau thương khóc. Nàng Hạng Ngọc Thanh ẵm tiểu công tử, Phi Loan quận chúa đi hâm cháo và nấu nước. Vệ Dũng Nga vương phi lại ra bên ngoài thuật chuyện muỗi đốt tiểu công tử cho Hùng vương nghe. Hùng vương ngẩn người ra hồi lâu rồi thở dài mà than rằng:
– Thuơng xót thay cho một đứa hài nhi vừa mới lọt lòng mẹ đã phải chịu những sự cực khổ tại nơi ngục thất. Hùng Hiệu này từ khi còn ở quê nhà, vẫn có lòng trọng nghĩa khinh tài và chu cấp cho những người cùng khốn; sau lại vì tình bạn hữu mà không quản xa cửa lìa nhà. Đến khi làm quốc thích được phong hầu, dẫu rằng phúc quý vinh hoa, cũng không hề dám xa xỉ hoạc là những sự tàn bạo. Ai ngờ trời già độc địa lại khiến cho đứa hài nhi đến nỗi phải chịu khổ hình. Trời ơi! Đem thân bách chiến làm một kẻ tội tù, ngày xưa chỉ biết tướng quân là quý là tôn, ngày nay mới biết quyền thế của mấy chú ngục tốt vậy.
Vệ Dũng Nga vương phi cũng thở ngắn than dài. Bên trong thì Phi Loan quận chúa luống những âu sầu buồn bã, chỉ có nàng Hạng Ngọc Thanh là vẫn vui vẻ như không, vừa ẵm tiểu công tử vừa xua muỗi, suốt đêm không ngủ. Dần dần đứa hài nhi đã sởn sơ. Lương Cẩm Hà phu nhân đã gượng dậy đi lại được. Bấy giờ Lương Cẩm Hà phu nhân ẵm lấy tiểu công tử mà bảo nàng Hạng Ngọc Thanh rằng:
– Bây giờ Vệ vương phi và Phi Loan quận chúa đều sang phòng ngoài cả, nàng hãy ngồi cuống đây mà nói chuyện cùng tôi. Nàng vì mẹ con tôi đến nỗi mặt hoa ủ dột, biết bao giờ cho tôi trả được nghĩa nàng. Quan Nguyễn tướng công có lòng tử tế quá, ơn sâu ấy thiết tưởng ngậm vành kết cỏ cũng khó báo đền.
Lương Cẩm Hà phu nhân nói xong, lại thổn thức khóc hoài. Nàng Hạng Ngọc Thanh lấy lời ngọt ngào mà khuyên giải rằng:
– Phu nhân ơi! Phu nhân chớ rước não mua phiền, thân nghìn vàng nên phải giữ gìn cẩn thận. Bởi vì tiểu công tử mới sinh, cần có sữa bú, nếu phu nhân phiền não mà mất sữa đi, bấy giờ làm thế nào. Phu nhân nên phải giữ gìn cẩn thận, hoặc giả triều đình giáng chỉ ân xá, mà được cùng nhau sum họp một nhà thì ngày xuân, xuân hãy còn dài.
Lương Cẩm Hà phu nhân khóc mà đáp:
-Nàng Hạng Ngọc Thanh ơi! Nỗi thương tâm của tôi không thể nói cho nàng biết được. Nhà phu quân tôi chẳng may gặp tai nạn này, thân phụ tôi phải đập đầu ở trước cửa cung mà chết, nếu không nhờ có Nguyễn tướng công giúp đỡ thì thân mẫu tôi khó lỏng đã về được đến quê nhà. Từ khi thân mẫu tôi về quê nhà đến bây giờ, tôi chưa được tin tức hay dở thế nào, càng nghĩ càng thêm đau ruột. Phu quân tôi đi sứ, xa xôi muôn dặm, khiến cho mộng hồn tôi luống những năm canh vơ vẩn, lại thêm hôi về sự bất hòa thuở xưa.
Nàng Hạng Ngọc Thanh nói:
– Chẳng hay vì việc gì mà phu nhân và quốc cữu lại có sự bất hòa?
Lương Cẩm Hà phu nhân khóc lóc mà kể sự ghen tuông năm trước cho nàng Hạng Ngọc Thanh nghe, và bảo rằng:
– Bấy giờ thật tại tôi nông nổi chưa xét rõ lòng phu quân tôi.
Nàng Hạng Ngọc Thanh nói:
– Cư như vậy thì phu nhân nổi giận là phải. Nàng Hạng Hoa Tu thật có một tội to. Hùng quốc cữu đã đem nghìn vàng mà chuộc cho nàng thì nàng nên xả tấm thân xin làm nô tỳ để hầu hạ phu nhân và quốc cữu, cớ sao lại nghiễm nhiên ở nhà Tần học sĩ, há chẳng đáng cười lắm ru! Hoặc giả cái chí “Tòng lương” (nghĩa là gài giang hồ mà tu chí theo nghề làm ăn lương thiện) của nàng, vị tất đã thực.
Lương Cẩm Hà phu nhân thở dài mà than rằng:
– Không phải lỗi tại nàng, chẳng qua chỉ tại tôi không minh. Vợ chồng lấy nhau trong tám năm tròi, cầm sắt can chi bỗng sinh ra lời kia tiếng nọ. Việc ấy tôi rất hối hận, vẫn định viết thư bảo nàng cứ vững lòng chờ đợi, hoặc giả triều đình ân xá, nàng được kết duyên cùng phu quân tôi thì tôi đây cũng chuộc được một phần tội lỗi vậy.
Nàng Hạng Ngọc Thanh nghe nói, nét mặt tươi cười mà thưa rằng:
– Phu nhân ơi! Phu nhân thật là đại hiền đại đức đã rủ lòng thương đến nàng Hạng Hoa Tu. Nhưng ngặt vì nàng Hạng Hoa Tu là phường ty tiện, chỉ đáng hầu hạ phu nhân và tiểu công tử, có đâu dám dự vào hàng trong trướng dưới màn. Phu nhân ơi! Phu nhân muốn viết thư bảo nàng, ai ngờ nàng tứ là kẻ hèn mọn này. Phu nhân ơi! Chính thực tôi ở nhà Tần học sĩ tới đây vậy.
Nói xong, liền quì xuống đất, kể lể đầu đuôi cho Lương Cẩm Hà phu nhân nghe. Lương Cẩm Hà phu nhân nghe nói vừa sợ vừa mừng, ngập ngừng không biết nói sao cho được, một tay ăm tẵểu công tử một tay ôm lấy nàng Hạng Ngọc Thanh mà rằng:
– Thế ra nàng là Hạng Hoa Tu tự nguyện vào nhà giam đó! Trong bọn quần thoa mà có được người tiết nghĩa kỳ nữ như thế thì thật khiến tôi phải hổ thẹn. Thôi, thôi! Nàng chớ gọi tôi là phu nhân, từ đây hai ta chỉ nên ngọi nhau bằng chị em mà thôi.
Lương Cẩm Hà phu nhân đứng dậy, đặt tiểu công tử xuống giường rồi sụp lạy nàng Hạng Ngọc Thanh mà thưa rằng:
– Hiền muội ơi! Xin cảm tạ lòng tiết nghĩa của hiền muội. Nếu không nhờ có hiền muội săn sóc trông nom cho trong bấy nhiêu ngày thì tính mệnh hai mẹ con tôi khó lòng đã còn đến ngày hôm nay vậy.
Nàng Hạng Ngọc Thanh chẳng còn hồn vía nào nữa, vội vàng đỡ dậy mà thưa rằng:
– Chết nỗi! Sao phu nhân lại xử như thế thì há chẳng khiến cho Hạng Ngọc Thanh này phải tổn thọ mất ru!
Vệ Dũng Nga vương phi và Phi Loan quận chúa bước vào thấy vậy, cũng biết ngay là Lương Cẩm Hà phu nhân đã hiểu chuyện nàng Hạng Ngọc Thanh. Lương Cẩm Hà phu nhân nói với Vệ Dũng Nga vương phi rằng:
– Hai mẹ con tôi chịu ơn nàng Hạng Ngọc Thanh đây to lắm, chưa biết lấy gì mà báo đáp cho được, vậy ngày nay ở trong ngục thất này, xin lấy thân tình mà gọi nhau bằng chị em.
Vệ Dũng Nga vương phi nghe nói có ý vui mừng mà rằng:
– Nếu vậy thì con và nàng Hạng Ngọc Thanh đây, hai người đều là bậc thế gian hiếm có! Con thì đức hạnh hiền hòa, nàng Hạng Ngọc Thanh thì tiết nghĩa trọn vẹn, chỉ xót thương cho nhà họ Hùng ta không may xảy ra sự tai biến này, khiến hai người đều phải chịu phần cực khổ.
Nàng Hạng Ngọc Thanh chối từ không dám, chỉ xin nhận làm nữ tỳ để để hầu hạ tiểu công tử mà thôi. Nàng Hạng Ngọc Thanh nói:
– Vương phi và phu nhân dạy như thế thì tỳ tử này không được yên lòng.
Phi Loan quận chúa thấy nàng Hạng Ngọc Thanh chân tâm chối từ, mới ngoảnh lại bảo Lương Cẩm Hà phu nhân rằng:
– Tiết nghĩa của nàng Hạng Ngọc Thanh thất ít người theo kịp. Nếu cách xưng hô ngang hàng như thế thì tôi e người ngoài lại chê nàng Hạng Ngọc Thanh là có ý vị danh. Vậy từ nay hiền tẩu nên gọi nàng là Hạng nương mà nàng thì cứ nên gọi hiền tẩu là phu nhân, mới được lưỡng tiện.
Nàng Hạng Ngọc Thanh lạy dập đầu mà rằng:
– Đó chính là lòng sở nguyện của tử tỳ vậy.
Vệ Dũng Nga vương phi nói:
– Nàng Hạng Ngọc Thanh ơi! Từ nay nàng chớ nên tự xưng là tỳ tử. Bởi vì ở đây đều những người cốt nhục trong một nhà, chứ người ngoài không ai được vào tới. Nàng được vào là nhờ có quan Nguyễn tướng công hết sức chu toàn, nói nàng tức là gia quyến đảng phản nghịch, nên mới cho giam lẫn cùng bọn chúng ta vậy. Chẳng qua lòng trời còn tựa, con dâu ta đến kỳ lâm sản thì gặp có nàng vào, khiến được mẹ tròn con vuông, còn là nhờ công săn sóc trông nom của nàng đó.
Lại nói chuyện quan thừa tướng Mạnh Gia Linh đi gấp trong hai tháng về đến Bắc Kinh, tức khắc vào thẳng phủ phò mã. Triệu Lân nghe báo, vội vàng ra đón, sụp lạy mà hỏi thăm tin tức quê nhà. Khi uống trà Mạnh Gia Linh hỏi đến tình hình tả cung Hùng hậu. Triệu Lân nghĩ thầm: “Việc này khó nghĩ quá, chẳng biết có nên nói không? Nói ra mà tiết lộ thì di lụy đến nhiều người lắm. Chi bằng ta đợi cho thân mẫu ta tới đây, bây giờ sẽ giải tỏ đầu đuôi”. Triệu Lân nghĩ vậy liền nói:
– Cữu phụ ơi! Tả cung hoàng hậu trước kia có phát ra chứng điên rồ thật, sau phải theo thái hậu vào ở nam nội, bây giờ chữa thuốc hiện đã gần yên. Chỉ phiền một nỗi bệnh trạng của thái hậu mỗi ngày một nặng, hơn một năm nay, lúc tỉnh lúc mê chữa mãi chưa khỏi. Thánh thượng thì nửa năm nay không vào triều kiến thái hậu. Tháng trước gặp ngày “Thiên thu thọ tiết” Tề vương cùng Nguyễn tướng công khóc lóc tâu can mà thánh thượng cũng không hề giáng lâm. Phi Giao hoàng hậu chuyên quyền, giết hại những người trung trực, hễ ai bảo tấu xin tha cho Hùng bá phụ thì tức khắc trị tội, hoặc cách chức, hoặc xử tử, không tha người nào. Phi Giao hoàng hậu ban chiếu rằng khi nào thượng hoàng về cung, bấy giờ sẽ xá tội cho họ Hùng. May mà thái hậu tiên kiến, có giáng chỉ rằng hễ Hùng Hiệu chết ở trong ngục thì tức khắc biếm Phi Giao hoàng hậu vào lãnh cung. Vì thế Đồ Man Hưng Phục không dám tàn ngược quá, tính mệnh họ Hùng còn được dai dẳng đến ngày nay. Tôi nghe nói vừa rồi Lương Cẩm Hà phu nhân mới sinh được một tiểu công tử. Lại có một người kỳ nữ Hạng Ngọc Thanh nhận là tiểu thiếp của Hùng quốc cữu, tự nguyện vào nhà giam. Phi Loan quận chúa cũng cố xin vào ngục thất, chứ không chịu tiếng ly hôn cùng họ Hùng vậy.
Mạnh Gia Linh khen ngợi mà rằng:
– Hùng vương thật là một người tận trung vị quốc, không ngờ ngày nay bỗng mắc phải tai nạn này! Ta tới đây bây giờ cũng không còn chủ ý gì, chỉ đành liều một chết ở trước mặt thánh thượng. Đêm nay ta ngủ tại đây, rồi sẽ viết bản tâu để sáng mai vào tâu triều đình.
Mạnh Gia Linh đang nói chuyện thì bỗng thấy hai người nhũ mẫu ẵm hai đứa hài nhi đến trước mặt bẩm mà bẩm rằng:
– Dám bẩm lão gia! Đây là hai con của công chúa tôi mới sinh, cho ra chào lão gia đó!
Mạnh Gia Linh cúi đầu nhìn hai đứa bé. Một đứa con trai thì diện mạo đường hoàng, và một đứa con gái thì nhan sắc kiều mỹ, rất lấy làm khen ngợi, rồi bỗng ngạc nhiên mà hỏi Triệu Lân rằng:
– Quái lạ! Không biết cớ sao đứa con trai này không giống mặt cha, mà lại giống thượng hoàng như đúc. Hiền sanh thủ nhìn xem. Này này Nghiêu my Thuấn mục (lông mày như vua Nghiêu, mắt như vua Thuấn) quả nhiên là chân tướng đế vương, chẳng lẽ lẽ cháu ngoại lại giống ông ngoại hay sao. Hiền sanh ơi! Việc này ta lấy làm nghi ngờ lắm.
Triệu Lân nghĩ thầm: “Việc này ta khó lòng mà giấu cữu phụ cho được”. Nghĩ vậy mới truyền bảo hai người nhũ mẫu rằng:
– Các ngươi vào nhà trong nói với công chúa bảo người nhà sửa soạn làm cơm.
Triệu Lân lại nói:
– Các ngươi để công tử lại đây, còn tiểu thư thì ẵm vào.
Mọi người vâng lời đi cả vào nhà trong. Triệu Lân ẵm hoàng tử đứng dậy, một tay cài chặt cửa lại, rồi quay vào nói với Mạnh Gia Linh rằng:
– Cữu phụ ơi! Cữu phụ đã có lòng nghi ngờ vậy con xin nói thực: đứa con trai này tức là hoàng tử đó!
Mạnh Gia Linh mừng rỡ mà hỏi rằng:
– Đầu đuôi thế nào, nói cho ta được rõ.
Triệu Lân mới thuật rõ lai lịch việc bỏ hoàng tử vào giỏ thuốc đem ra cho Mạnh Gia Linh nghe và nói rằng:
– Việc này trong ngoài không ai biết cả, chỉ nói là Gia Tường công chúa đẻ sinh đôi. Thái hậu đã mệnh danh cho hoàng tử là “Dục An”. Tháng trước Gia Tường công chúa có ẵm hoàng tử vào cung, hoàng tử ngắm nhìn Hùng hậu không hề chớp mắt, rồi bỗng oà khóc, khóc mãi không nín, khiến cho công chúa kinh sợ vô cùng, phải tâu với thái hậu xin ẵm ra, từ đấy không dám đem hoàng tử vào cung nữa.
Triệu Lân nói xong, Mạnh Gia Linh rất lấy làm kinh ngạc, rồi cầm tay Triệu Lân mà bảo rằng:
– Hiền sanh mới ngần này tuổi đầu mà đã lập được công “Bổ thiên cứu nhật”, chẳng những bảo toàn cho nước, mà nhà họ Mạnh và nhà Hoàng Phủ sau này cũng nhờ hiền sanh mà không đến nỗi tổn hoại thanh danh. Thôi, thôi! Hiền sanh ngồi lên đây để cho ta lạy tạ!
Nói xong, liền sụp xuống đất lạy. Triệu Lân kinh hoảng vội vàng đỡ dậy mà thưa:
– Chết nỗi! Xin cữu phụ tha cho, kẻo tiện sanh tổn thọ mất! Nhà Hoàng Phủ tiện sanh sinh ra con Phi Giao, thật là khởi đầu mối họa làm hại cho nước, nay tiện sanh dẫu cứu được hoàng tử, cũng chưa lấy gì làm công, chỉ xin một lòng tận trung để mong rằng sau này không đến nỗi diệt tộc vậy.
Mạnh Gia Linh ngồi viết bản tâu, vừa viết vừa thở dài. Khi viết bản tâu xong, lại ứa hai hàng nước mắt, rồi quẳng bút xuống bàn, đứng dậy mũ áo chỉnh tề, ngồi đợi đến sáng.
Mờ sáng hôm sau, Triệu Lân bước vào, Mạnh Gia Linh bảo rằng:
– Hiền sanh ơi! Ta tự quê nhà tới đây, thật đã quyết liều một chết, bởi vậy có đem theo một cỗ quan tài. Hôm nay vào tâu, lành dữ thế nào sẽ biết. Giả sử thánh thượng tứ tử hoặc trảm thủ thì hiền sanh nên bỏ ta vào quan tài ấy, lột hết triều phục, chỉ mặc một cái áo mỏng mà thôi. Sống không can gián được quân thượng, chết mặc mũ áo, cũng thêm nhục đến tổ tôn. Khi tiện nhi có đến đây để phù linh cữu về thì hiền sanh nên dặn phải dấu cao đường, chớ khiến cho lòng già lại sinh đau xót.