Đọc truyện Tục Tái Sanh Duyên – Chương 10
Một hôm Mạnh Sĩ Nguyên và Hàn phu nhân, hai vợ chồng già đang ngồi nói chuyện. Các cháu trai và các cháu gái đứng xúm xít cả xung quanh. Bỗng thấy Mạnh Gia Linh hốt hoảng chạy vào mà thưa rằng:
– Dám thưa hai thân! Việc này là một việc không hay!
Vợ chồng Mạnh Sĩ Nguyên vội vàng hỏi:
-Mạnh Gia Linh vừa khóc vừa thuật hết đầu đuôi mọi việc trong triều cho Mạnh Sĩ Nguyên nghe. Mạnh Sỉ Nguyên nói Lương Trấn Lân thừa tướng đập đầu tự tử, Bình Giang vương Hùng Hiệu bị giam, ngồi ngẫn người ra mà nghĩ, không nói câu gì. Hàn phu nhân hai hàng nước mắt khóc mà rằng:
– Ai ngờ tai biến đến như thế! Nếu vậy thì vợ chồng Hoàng Phủ Tương vương nghĩ uất mà chết mất thôi. Thượng hoàng bỏ đi không thấy về, Thái hậu ở trong cung thì hiện nay vẫn đang bị bệnh. Thế mà thiên tử quá ư nhu nhược chẳng biết tý gì. Tôi e giang sơn này không khéo có ngày về tay người khác vậy.
Hàn phu nhân nói xong, liền ngoảnh lại bảo Mạnh Gia Linh rằng:
– Mạnh Gia Linh con ơi! Bây giờ không biết nghĩ thế nào cho được. Ta thiết tưởng con nên mau mau trở về kinh địa, để cùng Nguyễn Long Quang tướng công đồng tâm hiệp lực mà giúp triều đình, đợi khi Hoàng Phủ Tương vương mãn tang tiến kinh thì may ra bảo toàn được vô sự.
Mạnh Sĩ Nguyên nghe nói lẩm nhẩm gật đầu, rồi bảo Mạnh Gia Linh rằng:
– Thân mẫu con nghĩ phải, con nên vâng lời. Cha con ta chịu ơn triều đình trong bốn mươi năm nay, chưa biết lấy chi báo đáp, Lương thừa tướng vì nước tự tử, tiếng thơm ghi để nghìn thu. Nguyễn tướng công thì một lòng chính trực đứng ở trong triều. Doãn tướng công cũng muôn dặm xa xôi đang đi sứ ở ngoại quốc. Thế mà ta đây cứ điềm nhiên vui thú tự nghĩ sao cho an tâm. Vậy con phải vâng lời thân mẫu con mà tiến kinh, chớ nên ngần ngại.
Mạnh Gia Linh nói:
– Song thân ơi! Con đi đã đành, nhưng dưới gối song thân lấy ai hầu hạ. Trưởng tử con hiện đang đi sang Hồ Quảng, còn thứ tử con thì đầu xanh tuổi trẻ, nào đã biết gì. Thế thì ngày nay đi sao cho an tâm, hai thân nên trù tính đến điều ấy.
Mạnh Sĩ Nguyên chưa kịp trả lời thì Hàn phu nhân liền nói:
– Mạnh Gia Linh con ơi! Con nên nghĩ ơn sâu của triều đình trong mấy năm trời nay, ngày nay gặp cơn nguy hiểm, con nỡ lòng nào mà ngoảnh mặt làm thinh. Vả con là thân thích với Phi Giao hoàng hậu thì con có dâng lời can gián, tất cũng không lo ngại gì. Cha mẹ năm nay dẫu gần bảy mươi tuổi đầu nhưng nhờ trời vẫn được tráng kiện như thường, vậy con nên mau mau đi ngay, không phải phiền về nỗi cha mẹ già yếu.
Vợ Mạnh Gia Linh là Phương thị phu nhân cũng khuyên chồng mà rằng:
– Phung quân ơi! Phu quân nên mau mau trở về kinh địa, rồi tùy cơ ứng biến, tâu xin xá tội cho họ Hùng. May ra thánh thượng có hồi tâm lại chăng, nếu không thì dẫu phu quân vì việc ấy mà bị tội, thiết tưởng cũng nên cam lòng.
Mạnh Gia Linh lại nói với hai thân rằng:
– Dám thưa hai thân! Thượng hoàng là bậc thánh minh, thái hậu có tài võ đoán, thế mà cũng đành chịu bó tay. Thượng hoàng giận quá bỏ đi, thái hậu quá nghĩ thành bệnh. Lại còn các quan triều thần như Lương thừa tướng, Doãn thừa tướng Hùng vương và Nguyễn công cũng đều là bậc anh hùng hào kiệt, thế mà kẻ thì bị chết, người thì bị giam, huống chi một thân con về chốn triều đình, chắc chắc đã làm nên công trạng gì vậy.
Mạnh Gia Linh chưa nói dứt lời thì Hàn phu nhân nổi giận mà rằng:
– Mạnh Gia Linh con ơi! Không ngờ con dám cưỡng lời cha mẹ. con thử nghĩ nhà ta đây chịu ơn triều đình trong mấy mươi năm, mũ cáo áo rộng, chức trọng quyền tôn, vinh quý đến thế này là cùng cực. Huống chi Phi Giao hoàng hậu lại là sanh nữ ta, một may xảy có sự gì, chắc hẳn phải tru di đến hai họ. Sao con không nghĩ chữ: “Trung quân ái quốc”, mà lại bắt chước như con chim non mến tổ, không nỡ rời thì còn ra thế nào! Mạnh Gia Linh con ơi! Nếu ngày nay con không chịu vâng lời ta trở về kinh địa thì ta cũng liều nhịn đói để mà chết đi cho rồi!
Mạnh Gia Linh nói:
– Con xin vâng lời! Con xin vâng lời!
Nói xong, liền định đến ngày rằm tháng ấy thì sửa soạn tiến kinh. Khi Mạnh Gia Linh vào trong phòng, Phương thị phu nhân ứa hai hàng nước mắt, rồi khuyên giải:
– Phu quân ơi! Phu quân phải tùy cơ ứng biến, theo như Nguyễn Long Quang tướng công, chớ có liều chết mà chẳng bổ ích gì cho thánh thượng. Hai thân ta bảo phu quân đi là muốn phu quân nhẫn nại cho được nên việc, vậy phu quân không nên bắt chước tính nóng nảy của Lương thừa tướng vừa rồi.
Mạnh Gia Linh lẩm nhẩm gật đầu, rồi thở dài một tiếng, Mạnh Đức thấy vậy liền nói:
– Dám thưa thân phụ! Ngày nay thân phụ tiến kinh, một mình vò võ, muôn dặm xa xôi, mà con ở nhà thì lòng con sao đành. Xin thân phụ cho con theo đi, còn việc hầu hạ tổ phụ và tổ mẩu con thì chẳng bao lâu trưởng huynh con cũng về tới đây vậy.
Mạnh Gia Linh nói:
– Con không nên đi! Ta để con ở nhà là có hai lẽ: Một là hầu hạ tổ phụ và tổ mẫu, hai là ta đi chuyến này, khó lòng bảo toàn tính mệnh. Anh con dẫu không liên lụy nữa thì bấy giờ cũng phải phù linh cữu ta về. Cái tin đau đớn ấy sau này con nên phải giấu tổ phụ và tổ mẫu, chớ để người biết mà người lại thêm lòng hối hận.
Sáng sớm hôm sau, người nhà báo có con quan Nguyễn Long Quang tướng công là Nguyễn Thụy đến. Mạnh Gia Linh vội vàng ra nghênh tiếp, rồi truyền người nhà pha trà mời uống. Khi uống trà xong, Nguyễn Thụy nói:
– Tôi xin vào bái yết Mạnh lão gia.
Mạnh Gia Linh từ tạ, liền sai người vào mời Mạnh Sĩ Nguyên. Một lúc Mạnh Sĩ Nguyên ở nhà trong chống gậy bước ra, có Mạnh Đức theo sau. Nguyễn Thụy trông thấy, vội vàng đứng dậy lạy chào. Mạnh Sĩ nguyên đỡ dậy, rồi mời ngồi nói chuyện, Nguyễn Thụy thuật chuyện trong triều cho Mạnh Sĩ Nguyên nghe.
Mạnh Sĩ Nguyên thở dài mà than rằng:
– Ngày nay tôi già yếu, không thể theo lệnh đường mà duy trì việc nước được. Vậy tôi đã định cho tiện nhi tiến kinh để tuù lệnh đường sai khiến, gọi là chút lòng trung ái của kẻ lão thần này.
Nguyễn Thụy nghe lời, mừng rỡ mà nói với Mạnh Gia Linh rằng:
– Nếy vậy thì lão gia là môt bậc trung thần, hết lòng vì nước! Những nơi than lửa như thế mà lại sai hiền huynh về. Thân phụ tôi một mình cô độc, khác nào một cây khó chống nổi nhà, nếu thêm được hiền huynh về, cùng nhau hiệp lực đồng tâm thì thế tất phải nên việc.
Bấy giờ Nguyễn Thụy lại thuật chuyện Phi Giao hoàng hậu kết liên thông với Mã Thuận cùng Đồ Man Hưng Phục để làm nhiều sự càn dỡ v.v… Nguyễn Thụy vừa nói vừa nhìn Mạnh Đức mà nghĩ thầm rằng: “Giả sử trưởng nữ ta đẹp duyên với cậu công tử này thì thật tốt đôi vừa lứa. Chỉ vì họ Mạnh đây là một nhà thế phiệt, vậy ta khó dám ngỏ lời, âu là ta thử dò ý xem sao mới được.” Chuyện trò hồi lâu, Mạnh Sĩ Nguyên bỗng đứng dậy nói:
– Tôi nay già yếu, không thể ngồi lâu được, xin thất lễ lui vào nhà trong. Hôm nay Nguyễn tiên sinh hãy ở chơi lại đây, rồi vào thư phòng xơi cơm, để cho tiện nhi được hầu chuyện.
Nguyễn Thụy vâng lời. Mạnh Sĩ Nguyên đứng dậy lui vào nhà trong. Cha con Mạnh Gia Linh mời Nguyễn Thụy vào thư phòng nói chuyện. Nguyễn Thụy nói:
– Cha con tôi đi xa lâu ngày, những con em các bạn thân ở nhà, thành ra không ai biết cả. Ngày nay tôi về đây, đang muốn nhờ hiền huynh kén chọn hộ cho một cậu rể, không ngờ hiền huynh lại sắp tiến kinh, thế thì việc này lại không biết trông cậy vào ai.
Mạnh Gia Linh:
– Hiền huynh có mấy lệnh lang và lệnh ái?
Nguyễn Thụy nói:
– Tôi được hai tiện nữ: Trưởng nữ mười lăm tuổi và thứ nữ mười ba tuổi, đều chưa đính hôn với ai. Còn một đứa con trai thứ xuất mới lên sáu tuổi. Tiện nữ dẫu chưa nói đến bậc công ngôn dung hạnh, nhưng nội nhân tôi ngày đêm khuyên nhủ vẫn giữ được thói băng tuyết, lại có theo đòi đôi chút bút nghiên. Chẳng hay trong gia hương ta có người nào đáng gả không? Xin hiền huynh chỉ bảo giúp.
Mạnh Gia Linh trỏ Mạnh Đức rồi cười mà bảo rằng:
– Như tiện nhi đây có thể cho vào bậc đồng sàng được không?
Nguyễn Thụy nói:
– Hiền huynh đây là một bậc hoàng thân, có đâu tiểu đệ dám với cao như vậy?
Mạnh Gia Linh nghiêm sắc mặt mà đáp rằng:
– Sao hiền huynh lại nói như thế! Thân phụ tôi cùng lệnh đường là anh em đồng triều trong bốn mươi năm, còn tiểu đệ đây bất tài, cùng hiền huynh cũng là tình thế nghị. Nay hiền huynh nói câu ấy thì thật khinh cha con tôi như phường thị khoái (là những kẻ ăn gian nói dối ở chợ) vậy.
Nguyễn Thụy nghe nói mừng lòng liền đứng dậy chắp tay mà rằng:
– Nếu hiền huynh ưng thuận như vậy thì tiện nữ thật có phận nhờ.
Mạnh Gia Linh vội vàng đáp lễ lại, rồi ngoảnh lại bảo Mạnh Đức rằng:
– Con quì xuống mà bái yết nhạc phụ đi!
Mạnh Đức từ từ bước đến trước mặt Nguyễn Thụy rồi sụp lạy mấy lạy mà rằng:
– Dám thưa nhạc phụ! Tiện tế xin lạy chào nhạc phụ!
Nguyễn Thụy mừng rỡ, đỡ dậy mà bảo rằng:
– Hiền tế ơi! Tôi vốn nhà hàn tiện, được lệnh đường đây có lòng yêu mến, lại đính ước Châu Trần thì thật vẻ vang cho nhà tôi quá lắm, mong rằng hiền tế cũng chớ thấy hàn tiện mà chê cười vậy.
Mạnh Gia Linh lại cười mà đáp rằng:
– Hiền huynh khiêm tốn thái quá! Tiện nhi được dự ngôi đông sàng như thế, chính là cái phúc cho nhà tôi.
Người nhà dọn tiệc, hai người cùng ngồi vào uống rượu, lại cho cả Mạnh Đức ngồi hầu. Khi uống rượu xong, Nguyễn Thụy lại cáo từ lui về. Về đến nhà nét mặt vẫn còn vui mừng hớn hở, Nguyễn Long Quang phu nhân ngạc nhiên mà hỏi rằng:
– Có việc chi mà con vui mừng thế? Hùng vương được xá tội hay là thượng hoàng đã hồi loan đó chăng? Con nên thuật chuyện cho ta được biết.
Nguyễn Thụy lại mỉm cười mà thưa rằng:
– Thân mẫu ơi! thượng hoàng đã về đâu, mà Hùng vương cũng chưa được tha. Ngày nay con vui mừng là mừng về nỗi đã chọn được một người giai tế.
Nguyễn Thụy nói xong, lại thuật chuyện đầu đuôi cho thân mẫu nghe, Nguyễn Long Quang phu nhân mừng rỡ mà rằng:
– Họ Mạnh nối đời là một nhà hiển loạn. Vả lại vốn dòng thi thư, con Phương Xuân nhà ta được về làm dâu nhà ấy thì đáng mừng cho ta biết là dường nào! Ta chỉ cầu nguyện cho Mạnh Gia Linh tiến kinh lần này được an toàn vô sự.
Bấy giờ cả nhà đều chuyện trò vui vẻ. Thiều Xuân tiểu thư cũng cười mà mừng cho chị là Phương Xuân tiểu thư. Nguyễn Thụy nhờ một người bạn đồng niên là Bách Quản sang làm mối để xin làm lễ kết thân.
Đến hôm Mạnh Gia Linh tiến kinh lại có đem theo một cái quan tài, nói thác là muốn phòng khi nhiễm bệnh, sợ ở kinh địa không mua được quan tài tốt chăng. Đó là một sự đáng nực cười.
Lại nói chuyện nàng Hạng Ngọc Thanh ở nhà Tần Sĩ Thăng. Tần Sĩ Thăng phu nhân đối đãi rất tử tế. Một hôm, Tần Sĩ Thăng ở trong triều về, thuật chuyện quốc cữu là Hùng Khởi Phượng phải phụng mệnh đi sứ nước Cao Ly. Nàng Hạng Ngọc Thanh nghe nói trong lòng phiền não, nghĩ thầm: “Ta xót thương cho Hùng quốc cữu, phong lưu niên thiếu, xưa nay chưa bước chân đi đâu bao giờ, mà ngày nay phải dãi gió dầm sương, xa xôi muôn dặm. Thư sinh thể cách, chịu sao nổi những sự đắng cay. Thôi chẳng qua cũng là số mệnh của ta chẳng ra gì! Từ khi gặp Hùng quốc cữu có lòng hào hiệp mà cứu vớt, ta vẫn tưởng được chỗ nương tựa tấm thân. Ai ngờ thân thế long đong, Hùng quốc cữu lại phải gửi ta ở nhà Tần học sĩ này. Hùng quốc cữu hẹn ta chờ đợi trong mười năm thì thiết tưởng ở đây cũng không tiện. Dẫu phu nhân có lòng biệt đải, nhưng tính phong nguyệt của Tần học sĩ, mỗi khi gặp mặt, ta vẫn phải cúi đầu. Bể sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm dễ đo cho cùng. Bây giờ muốn đi chẳng biết đi đâu, mà ở đây lâu ngày thì cũng khó yên thân cho được!” Nàng Hạng Ngọc Thanh tính quẩn lo quanh, ruột đau như cắt, dẫu không dám khóc ra tiếng, nhưng vẫn gạt thầm giọt châu. Tần Sĩ Thăng phu nhân thấy nàng mặt ủ mày chau, mới tìm lời khuyên giải mà rằng:
– Nàng Hạng Ngọc Thanh ơi! Nàng cứ yên lòng mà ở đay chờ đợi, tôi chắc chẳng bao lâu Hùng quốc cữu cũng sẽ về tới nơi.
Một hôm, Tần Sĩ Thăng phu nhân đang ngồi nói chuyện với nàng Hạng Ngọc Thanh, bỗng nghe tiếng giày lẹp kẹp thì Tần Sĩ Thăng ở ngoài bước vào, nét mặt có ý hoảng hốt, rồi ngồi ngẩn người ra mà rằng:
– Không may! Thật là một sự không may! Ai ngờ tai vạ tự trời rơi xuống vậy!
Tần Sĩ Thăng phu nhân kinh ngạc mà hỏi rằng:
– Việc chi thế?
Nàng Hạng Ngọc Thanh cũng đứng dậy khép nép mà thưa rằng:
– Tôi xin cúi chào quan Tần học sĩ.
Tần Sĩ Thăng liền nói:
– Xin miễn lễ! Tôi có chút việc muốn ngỏ cùng nàng. Chẳng hay nàng có biết chuyện nhà Hùng vương hay không?
Nàng Hạng Ngọc Thanh nói:
– Việc chi thế? Xin đại nhân chỉ bảo cho biết.
Tần Sĩ Thăng nín lặng hồi lâu, rồi thuật rõ đầu đuôi việc nhà Hùng vương bị nạn cho hai người nghe. Tần Sĩ Thăng phu nhân nghe nói, sợ tái mét mặt đi. Nàng Hạng Ngọc Thanh cũng đứng ngẩn người ra, không biết nói thế nào. Tần Sĩ Thăng dậm chân thở dài mà rằng:
– Nàng Hạng Ngọc Thanh ơi! Việc chung thân của nàng, bây giờ làm ra thế nào? Để nàng ở đây thì sợ liên lụy, mà không để nàng ở thì nàng biết đi đâu. Nàng nên lo tính mau mau, kẻo tai vạ đến nơi đó.
Tần Sĩ Thăng lại bảo phu nhân rằng:
– Phu nhân nên bàn giúp nàng, để tôi còn phải ra ngoài nghe nóng tin tức.
Nói xong, tức khắc lui ra. Tần Sĩ Thăng phu nhân thở dài mà bảo nàng Hạng Ngọc Thanh rằng:
– Nàng Hạng Ngọc Thanh ơi! Bây giờ nàng nghĩ thế nào, nên nó rõ cho tôi được biết.
Nàng Hạng Ngọc Thanh hai hàng nước mắt chảy xuống ròng ròng, rồi vừa khóc vừa nói:
– Phu nhân ơi! Số mệnh tôi chẳng ra gì, còn kể chi nữa, nhưng chỉ lo liên lụy đến phu nhân. Cứ như lời quan Tần học sĩ vừa nói thì nếu chúng biết tôi ở đây, tất buộc cho người tội “Oa tang phản nghịch”, khó lòng mà an toàn được. Phu nhân ơi! Chi bằng tôi tự ra mà thú nhận đi. Một là nhà phu nhân đây tránh khỏi tai vạ; hai là tôi cũng nhân đấy mà được trông thấy Hùng vương, họa may vương phi thương lòng tôi thành mà cho được đêm ngày hầu hạ chăng. Phu nhân ơi! Trong số tội danh, thế nào chúng cũng ghi tên tôi làm tiểu thiếp của Hùng quốc cữu, thế là trọn ước trăm năm. Còn ơn sâu của phu nhân thì kiếp sau tôi xim làm trâu ngựa để báo đền vậy.
Nàng Hạng Ngọc Thanh nói xong, lại nức nở khóc hoài. Tần Sĩ Thăng phu nhân ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi bảo nàng rằng:
– Nàng Hạng Ngọc Thanh ơi! Nàng nói chí phải! Nhưng tôi còn một điều này muốn ngỏ cùng nàng: Số là nàng đến ở nhà tôi đây đã gần nửa năm, phu quân tôi vẫn có lòng trộm yêu thầm nhớ, chỉ ngại vì danh phận bạn hữu mà không dám nói ra. Từ khi Hùng quốc cữu đi sứ Cao Ly, phu quân tôi thường bàn riêng với tôi rằng: “Hùng quốc cữu đã bằng lòng tặng nàng Hạng Ngọc Thanh cho tôi đó!” Tôi nghe nói vẫn phải khuyên can. Ngày nay chỉ e sợ mắc tai vạ mà sinh ý khác chăng, vậy hãy để tôi về phòng, thử dò hỏi tâm sự của phu quân tôi xem thế nào sau ta sẽ liệu.
Nàng Hạng Ngọc Thanh gạt nước mắt rồi cảm tạ mà rằng:
– Ngày nay tôi chỉ trông cậy ở phu nhân đó!
Tần Sĩ Thăng phu nhân gật đầu lui ra, trở về phòng ngồi, sai người mời Tần Sĩ Thăng vào. Tần Sĩ Thăng nói:
– Nàng Hạng Ngọc Thanh nghĩ thế nào? Ngày nay không khéo thì tai vạ đến nhà ta đó.
Phu nhân nói:
-Nàng chẳng biết nghĩ thế nào cả. Nàng chỉ nói rằng đã đem thân vào nhà họ Tần thì sống chết cũng chỉ nhờ họ Tần chủ trương cho mà thôi.
Tần Sĩ Thăng nghe nói, nét mặt hớn hở mà hỏi lại rằng:
-Phu nhân ơi! Thật nàng Hạng Ngọc Thanh nói thế phải không?
Tần Sĩ Thăng phu nhân nói:
– Khi nào tôi lại nói dối. Chẳng hay phu quân nghĩ thế nào?
Tần Sĩ Thăng cười mà đáp rằng:
– Phu nhân ơi! Nàng Hạng Ngọc Thanh đã nói như thế, việc này tùy lòng phu nhân. Nếu phu nhân rộng lượng hải hà thì cho nàng làm thiếp, người ngoài chẳng mấy kẻ đã hiểu đầu đuôi. Nàng cùng phu nhân xưa nay vẫn ý hợp tâm đầu, dẫu có sum họp một nhà, chắc cũng không điều kia tiếng nọ. Vả lại Hùng quốc cữu thường nói muốn tặng nàng cho tôi, sau này quốc cữu về đây tất cũng lấy việc này làm vui lòng vậy. Có như thế thì một là nhà ta đây tránh khỏi ta vạ; hai là nàng cũng được chỗ nương thân; ba là phu nhân vẫn định nạp tiểu tinh đã lâu, thế thì nay sẵn của nhà, lại còn phải tìm đâu hơn nữa. Một việc này có thể trọn vẹn được cả ba điều ấy, nhưng nên chăng thế nào thì còn quyền ở trong tay phu nhân.
Nói xong, liền ghé xuống ngồi ở bên cạnh phu nhân mà tỏ tình luyến ái. Tần Sĩ Thăng phu nhân nghe nói, trong lòng tức giận, nhưng vẫn giả cách tươi cười, rồi lẩm nhẩm gật đầu mà rằng:
– Nếu vậy rất hay! Phu quân hợp ý tôi lắm. Tôi cùng nàng Hạng Ngọc Thanh, chị em vẫn cùng nhau tương đắc, khi nào lại còn ghen tuông. Tôi chỉ lo nàng mà bỏ đi thì thật buồn cho tôi quá, nay phu quân nghĩ như vậy, lòng tôi bao xiết vui mừng. Âu là tôi bảo nàng Hạng Ngọc Thanh sửa soạn sắp làm tân nhân. Mà còn cái phòng phía tây kia, tôi sẽ truyền cho người quét dọn để làm nơi hoa chúc.
Tần Sĩ Thăng nghe nói, liền chắp tay đứng dậy vái mà thưa rằng:
– Đa tạ lượng hải hà của phu nhân, thật không bao giờ tôi dám quên ơn.
Tần Sĩ Thăng phu nhân nín lặng, chẳng nói câu gì, chỉ tủm tỉm cười. Tần Sĩ Thăng không biết là giả, suốt đêm luống những năn nỉ mà kể lể tâm tình. Sáng hôm sau, Tần Sĩ Thăng phu nhân dậy sớm, chưa kịp chỉnh trang thì Tần Sĩ Thăng lại giục đến việc ấy. Tần Sĩ Thăng phu nhân nói:
– Phu quân chớ nóng nảy. Nàng đã ở trong nhà mình thì lo gì chẳng nên việc. Bây giờ phu quân hãy chọn xem hôm nào tốt ngày.
Tần Sĩ Thăng cười mà rằng:
– Phu nhân nói chí phải! Ta phải chọn ngày trước rồi sau sẽ thỉnh môi nhân.
Nói xong, gọi nữ tỳ lấy quyển lịch ra xem. Xem xong, lại nói:
– Ngày hai mươi bảy tháng ba này là ngày thượng cát cho việc hôn nhân giá thú, tức là chỉ còn vài ba ngày nữa thôi.
Tần Sĩ Thăng phu nhân cười bảo:
– Chóng thế thì thật lợi cho phu quân!
Tần Sĩ Thăng cũng cười đáp:
– Phu nhân chớ ngăn trở việc này, tôi xin quì gối xuống mà lạy tạ phu nhân trước.
Tần Sĩ Thăng phu nhân đỡ dậy rồi cười mà bảo:
– Nếu vậy thì phu quân ngồi trong phòng này, để tôi sang nói chuyện với nàng. Đợi tôi về đây, bấy giờ phu quân hãy đi, phu quân chớ theo sang làm chi cho phiền.
Tần Sĩ Thăng nói:
– Vâng! Vâng! Tôi xin ngồi đây!
Tần Sĩ Thăng phu nhân sẽ dặn hai con nữ tỳ phải chực luôn tại trong phòng, không được đi đâu, rồi thủng thỉnh bước sang tây lầu để cùng nàng Hạng Ngọc Thanh nói chuyện. Nàng Hạng Ngọc Thanh đứng dậy chào rồi nói:
– Phu nhân ơi! Chẳng hay quan Tần học sĩ dạy thế nào?
Tần Sĩ Thăng phu nhân xua tay bảo nói nhỏ, rồi ngồi xuống ghế, có ý buồn rầu mà rằng:
– Nàng Hạng Ngọc Thanh ơi! Chủ ý của nàng, có lẽ không thể chậm được. Cứ như theo kế nàng nghĩ thì giữ được trong sạch danh giá, nhưng nàng đi chuyến này, khó lòng cho được sinh toàn. Nàng Hạng Ngọc Thanh ơi! Tôi nỡ lòng mà để nàng tự nhiên vô cố phải dẫn thân đến chỗ chết. Tôi không ngờ rằng phu quân tôi lại bất nghĩa đến như thế!…
Tần Sĩ Thăng phu nhân nói đến sự thương tâm ấy, hai hàng nước mắt lại lã chã tuôn rơi. Nàng Hạng Ngọc Thanh nghe nói, liền quì xuống đất, rồi lại nức nở mà thưa rằng:
-Phu nhân ơi! Xin phu nhân đừng nghĩ chi đến tôi nữa. Tôi đội ơn sâu của phu nhân, vẫn tưởng có ngày báo đáp, ai ngờ hai chữ “bạc mệnh” cứ khư khư buộc mãi lấy người hồng nhan. Tôi đi chuyến này, vị tất đã được trùng phùng, vậy phu nhân nên giữ ngọc gìn vàng, tôi xin chúc cho phu nhân chóng sinh quý tử.
Tần Sĩ Thăng phu nhân khóc mà bảo rằng:
– Phu quân tôi lòng lang dạ thú đã lâu, tôi nói ra càng thêm hổ thẹn. Tôi để nàng đi thế này, dẫu là vì nàng, mà thực cũng là vì nhà tôi đó. Nàng Hạng Ngọc Thanh ơi! Sau này nàng được gặp Hùng vương, cũng chớ nói chi đến chuyện ấy, một là giữ cho toàn nghĩa của vợ chồng tôi, hai là nàng cũng được tiết sạch giá trong vậy. Nàng Hạng Ngọc Thanh ơi! Nơi ngục thất nhiều bề khổ sở, tôi nghĩ bao nhiêu lại thương nàng bấy nhiêu. Đường đi tất nàng cũng không thuộc, để tôi sẽ cho một tên người nhà dẫn lối giúp nàng. Y phục tư trang, nàng hãy để đây, khi vào ngục thất rồi, sau tôi sẽ sai người đưa đến.
Tần Sĩ Thăng phu nhân lại khẽ bảo nàng rằng:
– Hôm nay tôi đặt một tiệc rượu, đổ cho phu quân tôi thật say, rồi sang canh ba, tôi sẽ tới đay đưa nàng đi trốn.
Nàng Hạng Ngọc Thanh khóc mà thưa rằng:
– Đã đành tôi trốn thoát được, nhưng đến khi quan Tần học sĩ tỉnh rượu, tất thế nào cũng quở trách phu nhân, chi bằng để tôi vô bẩm rõ với người, nếu người không cho thì tôi xin liều mình tự tử.
Tần Sĩ Thăng phu nhân xua tay mà bảo rằng:
– Không nên! Nàng Hạng Ngọc Thanh ơi! Nếu nàng nói rõ, tất phu quân cũng không dám cưỡng bách, nhưng tôi thường thấy phu quân tôi vẫn nói: “Hiện nay họ tôn thất có Đồ Man Hưng Phục quyền thế lừng lẫy, mà hắn lại hiếu sắc, nếu ta đem nàng Hạng Ngọc Thanh dâng hắn thì chẳng bao lâu sẽ được quan to, chỉ vì nghĩa bạn bè cho nên không nỡ. Nay nàng Hạng Ngọc Thanh thuận về với ta, cũng là theo lời Hùng quốc cữu chứ sao!” Tôi thiết tưởng nếu nàng nói ra mà phu quân tôi đem nàng dâng cho Đồ Man Hưng Phục thì chẳng những nàng chết không được trong sạch, mà lại ai là kẻ giải oan cho nàng. Chi bằng nàng cứ tự ra thú nhận là hơn. Khi nàng đi khỏi rồi thì tôi không phải e sợ chi cả.
Nàng Hạng Ngọc Thanh lạy tạ mà rằng:
– Phu nhân thật là cao kiến, tôi đây nông nổi không nghĩ tới điều ấy.
Tần Sĩ Thăng phu nhân đứng dậy lui ra, truyền cho người nhà sửa soạn bày tiệc để buổi chiều hôm ấy hai vợ chồng cùng nhau uống rượu vui. Khi ăn cơm sáng xong, Tần Sĩ Thăng phu nhân lại vội vàng sai mấy đứa nữ tỳ dọn dẹo tân phòng. Trong phòng trần thiết một cách rất lịch sự: Màn hoa giường chạm, nệm gấm gối thêu, đỉnh trầm khói bay, giá gương bóng lộn, thật là một nơi nhà vàng để sắp sửa tiếp đón con người ngọc vậy. Tần Sĩ Thăng mừng rỡ xiết bao, liền chắp tay vái mà nói với phu nhân rằng:
– Phu nhân vì tôi mà không quản sự tổn phí, tôi nghĩ càng thêm áy náy.
Tần Sĩ Thăng phu nhân cười mà bảo rằng:
– Chẳng qua việc cũng việc nhà, lo là thâm tạ! Chỉ xin phu quân chớ nên có mới nới cũ mà thôi.
Tần Sĩ Thăng cũng cười mà đáp rằng:
– Tôi đây há phải là người vong ân bội nghiã hay sao! Việc kết duyên với nàng Hạng Ngọc Thanh này, chẳng qua là bởi lượng hải hà của phu nhân, nếu phu nhân không hài lòng thì khi nào tôi dám nói đến. Thủy chung việc này đều trông ơn ở phu nhân, thật muôn đời nghìn kiếp, không bao giờ tôi dám quên ơn sâu ấy.
Tần Sĩ Thăng phu nhân cười mà bảo rằng:
– Đừng nói lôi thôi nữa! Chiều tối hôm nay tôi sẽ đặt một tiệc rượu để mừng phu quân về sự mới nạp tiểu tinh. Tôi chúc cho phu quân qua năm sau này sẽ được hát bài thơ “Chung tư” (là 1 bài thơ nói về sự lắm con) vậy.
Tần Sĩ Thăng nói:
– Sao phu nhân lại xa xỉ quá thế! Tôi đây cũng nên có chén rượu nhạt để tạ môi nhân.
Ngày vui ngắn chẳng đầy gang, thấm thoát trời đã gần tối, các nữ tỳ bày tiệc ở trong phòng, hai vợ chồng Tần Sĩ Thăng cùng ngồi uống rượu. Phu nhân vốn là người uống được rượu, chỉ vì thấy Tần Sĩ Thăng động uống rượu vào thì lả lơi trớt nhã, không được nghiêm trang, cho nên từ đó phu nhân chừa không uống một giọt rượu nào cả. Ngày nay vì nàng Hạng Ngọc Thanh mà lại phải rót chén rượu đầy để mời Tần Sĩ Thăng uống.
Tần Sĩ Thăng nói:
– Lạ lắm thay! Tôi không ngờ tửu lượng của phu nhân cũng ghê gớm như thế! Tôi cùng phu nhân kết duyên trong bấy nhiêu năm, chưa hề thấy phu nhân uống một chén rượu, chẳng hay cớ sao hôm nay phu nhân lại vui chén uống nhiều? Xin phu nhân ngỏ ý cho tôi được biết.
Tần Sĩ Thăng phu nhân cười mà đáp rằng:
– Lại còn cớ chi mà lại Chỉ vì cớ ngày mai có mừng tân nhân! Chút thân bồ liễu, chưa biết sau này thế nào, nay muốn cùng phu nhân uống một tiệc rượu thật say, để tỏ lòng hèn mọn này quả không tý gì là ghen tuông vậy.
Tần Sĩ Thăng nghe nói, lại khanh khách cười mà rằng:
-À! Thế ra phu nhân nghĩ như vậy! Nhưng phu nhân cứ yên lòng, tôi đã là người có cầm quyển sách. Vả cũng lạm dự một chiếu trong tòa Hàn Lâm, vậy “Tao khang chi thê bất khả hạ đường (nghĩa là người vợ hàn vi không nên bỏ), khi nào tôi lại quên cho được. Tôi xin phạt phu nhân mười chén rượu về tội dám nghi oan cho tôi.
Nói xong, lại lè nhè mà rằng:
– Phạt! Phạt nên phạt… Tần Sĩ Thăng phu nhân cười, rồi ngoảnh lại bảo nữ tỳ rằng:
– Quan Tần học sĩ đây đã định phạt ta thì con đi lấy một cái chén thật lớn ra đây để ta kính tạ lại.
Bấy giờ phu nhân cứ chén tạc chén thù mãi, làm cho Tần Sĩ Thăng say quá, không thể uống được, đã hai ba lần gọi cơm. Phu nhân lại tủm tỉm cười, rót một chén rượu lớn thật đầy rồi nói với Tần Sĩ Thăng rằng:
– Phu quân ơi! Nếu phu quân quyết không phụ tôi thì xin phu quân uống cạn chén này!
Bấy giờ Tần Sĩ Thăng đã say mèn cả người, chỉ chực ngã xuống, nhưng nghe câu nói ấy, bất đắc dĩ lại phải uống cạn chén đầy. Uống xong liền ngã lăn ra đấy, phu nhân và các nữ tỳ phải vực lên trên giường. Cởi mũ áo giày cho Tần Sĩ Thăng, rồi để nằm đấy. Phu nhân truyền các nữ tỳ cất dọn bàn ăn đi và đuổi người nhà ra ngoài hết cả, khóa chặt cửa lại.