Đọc truyện Tục làng – Chương 8
“Mùi… mùi gì vậy?” Khương Cảnh lập cập hỏi. Không hiểu vì sao, sau khi nghe câu chuyện hư hư thực thực của người mù kia, y lại có cảm giác xương cốt như đang bị ngâm trong băng tuyết, lạnh thấu gan thấu phổi. Mà kẻ kia vẫn điềm nhiên như không, cười nói, “Còn mùi gì nữa? Xôi gà, thịt bò, rượu ngon… xem chừng đêm này cũng giống trước, tiệc lớn đây.”
“Tiệc… tiệc lớn?”
“Còn phải bàn. Hôn lễ của cậu cả nhà họ Mân, tất nhiên sao có thể làm qua loa được. Không chừng, ngoài kia đã bày biện hơn chục mâm rồi đấy… mà cứ yên tâm, kiểu gì chúng ta cũng có phần…”
Khương Cảnh theo phản xạ muốn hỏi, cậu Mân kết hôn với ai? Nhưng kìm lại được. Bởi dường như chính y cũng đã có đáp án. Con búp bê nọ vẫn lởn vởn trong tâm trí Khương Cảnh. Chỉ khác một điểm, hai tròng mắt trắng dã của nó, đã được thế bằng đôi đồng tử màu nâu, sinh động y như thật. Y nhìn rất rõ ràng, lúc Mân Doãn Kỳ ôm nó, vạch mí mắt nó ra…
Về phần vì sao lại thế, Khương Cảnh cũng không dám nghĩ tiếp.
“Nhưng mà… nửa đêm nửa hôm thế này, ai mà lại đi làm đám cưới?”
Người mù nọ vẻ như không vui. Những lời anh ta vừa nói, Khương Cảnh lại như nước đổ lá khoai, quên hết mất rồi. Anh ta dựa lưng vào tường, tìm một tư thế thoải mái mà rằng, “Thì mấy năm trước kia, cậu Mân cùng Trịnh Hiệu Tích cũng làm đám cưới giờ này đấy thôi, có gì mà lạ?”
Ngụ ý nói rằng, mâm cỗ đêm nay, dễ chừng mục đích là cho người sống thì ít, mà cho người chết thì nhiều. Mô phỏng lại cái chết của vị “thần” làng Triêu Tịch đang thờ, cũng chẳng phải là điều vui vẻ gì cho cam.
Bởi vì Trịnh Hiệu Tích, không phải tự nhiên mà chết, mà là bị người ta hại chết. Ai mà biết được cái pho tượng được cả chục người cúi lạy dập đầu ngoài kia, là thần hay quỷ? Người mù đến giờ vẫn không rõ ràng lắm điểm ấy. Mà Khương Cảnh mới tới, tất nhiên lại càng không biết.
“Năm trước tôi cũng như cậu…” Người mù chợt lên tiếng, rồi bỏ dở câu nói. Chừng như ngẩn ngơ. Không hiểu vì sao, Khương Cảnh lại có cảm giác như anh ta đang phiêu du vào một cõi riêng biệt. Việc này đến rất bất ngờ. Khi mà người ta tự nhiên nhớ lại một điều gì đáng nhớ trong quá khứ, thì y rằng sẽ có vẻ thất thần như thế. Chừng vài ba phút sau, người kia lại nói, “Tôi cũng như cậu, bị nhốt vào đây. Chỉ biệt nỗi, người kể chuyện là người khác. Còn người nghe chuyện, chính là tôi đây.”
“Anh… cũng bị bắt vì theo dõi cậu Mân à?”
“Không phải.” Người kia lắc đầu. “Nhưng tôi bị bắt để bà Loan chăm dưỡng, chờ ngày giúp ngài về trần.”
“Cậu nhìn đây này.” Người kia sờ lên dải băng thấm máu, nhẹ ấn vào hai hốc mắt trống rỗng. Dường như anh ta không còn thấy đau đớn nữa. “Có biết mắt tôi đi đâu rồi không?” Mà cũng chẳng cần Khương Cảnh nối ý, anh ta đã tự trả lời, “Ở ngoài kia, biến thành mắt của ngài rồi. Bà Loan mát tay lắm. Lúc khoét mắt tôi ra, ước chừng nhãn cầu chẳng sứt mẻ chút gì.” Nói đến đây, người mù bỗng cười hềnh hệch.
“Cậu có biết số phận của những người được chọn sẽ như thế nào không? Không chỉ là mắt của cậu, mà ngay cả da của cậu, thịt của cậu… ngài thiếu cái gì, cậu phải bù lại cái đó. Bù hết, bù hết, bù cho kì hết mới thôi, cho đến khi ngài hoàn chỉnh mới thôi…”
Anh ta lẩm bẩm, lời nói càng lúc càng dồn dập, càng trầm đục. Chúng như hoá thành lưỡi dao cùn, đục đục khoét khoét màng nhĩ Khương Cảnh. Thậm chí trong ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu và bóng đêm lạnh lẽo của phòng giam, Khương Cảnh còn mường tượng ra cái lúc mà mình bị đặt lên một cái bàn. Bà Phúc Loan vận áo tấc đỏ, tay cầm dao, từ từ cắt xuống từng miếng thịt của y, cắt xuống, cắt xuống…
“Cái mà ngài còn ấy à, cũng chỉ là một bộ xương khô mà thôi. Nên chúng ta, đám con nhang đệ tử của thần thánh làng Triêu Tịch, đành phải hi sinh thân mình để ngài được về trần! Ha ha! Cậu thấy không? Ngài đang cứu chúng ta đấy! Đời khổ mà! Ha ha! Thế là chết! Là chết hết! Là không khổ nữa, không sợ nữa!”
Người mù phát điên rồi.
Khương Cảnh lặng lẽ lê mình vào một góc, chân tay run lập cập. Bỗng dưng y lại đến cái cảnh, hai cái chân cứng ngắc đong đưa trong khoảng không trống rỗng của con búp bê kia. Của con búp bê mà ai ai cũng gọi là “ngài”. Con búp bê mà Mân Doãn Kỳ yêu thương hết mực…
“Cậu không thoát được. Tôi cũng không thoát được. Cả cái làng này, chẳng ai thoát nổi đâu.”
Đó là câu nói cuối cùng của người mù với Khương Cảnh, trước khi bị hai thằng hầu kéo ra ngoài.
…
Bên ngoài đúng thật là có hơn mười mâm cỗ. Mâm nào mâm nấy đều kín thức ăn, được đơm rất đầy đặn. Nhưng lạ nỗi, chẳng ai động đũa. Mọi người chỉ đưa mắt nhìn nhau. Họ như đã biết chuyện sẽ diễn ra thế này, nên cũng không làm gì hoang mang ra mặt, chỉ yên lặng cầu khấn cho trời mau sáng, sớm kết thúc hèm, để còn về nhà ngủ đẫy một giấc, cố gắng gột rửa mọi sự hoang đường đêm nay ra khỏi đầu.
Nhưng Mân Doãn Kỳ ngồi mâm thượng trên kia vẫn điềm nhiên như không. Hắn ôm lấy búp bê trong ngực, ân cần hỏi han, “Hiệu Tích thích ăn gì nào? Hôm nay nấu toàn món cung đình thôi. Hiệu Tích thích nhất là mấy món cung đình đấy còn gì. Còn nhớ năm nào đưa em vào kinh, có mỗi mấy món ăn mà cứ ao ước mãi… giờ ta làm cho em cả một bàn này…”
Mân Doãn Kỳ nói rất nhiều, nhưng búp bê vẫn chỉ im lặng. Thế mà hắn lại chẳng có vẻ gì là nóng ruột, chỉ cầm tay búp bê khẽ vuốt ve.
“Hiệu Tích à Hiệu Tích, hôm nay là ngày vui của chúng ta, nên đi chúc rượu mới phải chứ nhỉ?”
Đúng lúc này, đột nhiên hai con mắt đang nhắm nghiền của búp bê bật mở.
Đồng tử trắng dã giật giật, sau đó xoay tròn. Đôi con ngươi ấy xoay rất nhanh, giống như khi bọn trẻ con chơi quay cù vậy. Khi hoạt động đó dừng lại, cũng là lúc màu trắng ởn như lụa bạch biến mất, thay vào đó là một đôi mắt màu nâu thật đẹp. Đôi mắt đó, đang nhìn Mân Doãn Kỳ không chớp.
Người khác thì không biết, nhưng Mân Doãn Kỳ luôn để ý búp bê từ đầu đến cuối, làm sao lại không nhận ra thay đổi của nó. Người búp bê đang ấm lên. Cách thớ thịt hẳn cũng đã dần bám vào khung xương.
“Hiệu Tích chịu nhìn ta rồi à…” Mân Doãn Kỳ vui vẻ hôn xuống. Câu nói của hắn chỉ nhẹ như gió thoảng mây bay, thế nhưng lại đánh thức tất cả mọi người đang có mặt ở đấy. Họ bừng tỉnh khỏi cơn mộng, vẻ bình tĩnh mà bản thân đã cố công gây dựng bỗng nhiên bay biến đâu mất. Ngay cả bà Phúc Loan cũng cuống quýt quỳ lạy. Trong đêm khuya tăm tối, làng Triêu Tịch đường xá không một bóng người, lại vang lên tiếng hô đồng thanh như thể rung chuyển trời đất. Lũ quạ bị động, vỗ cánh bay đi rào rào, nhả ra mấy tiếng quạ quạ như phụ họa với cái nghi lễ đón chào quái quỷ ấy. Trăng mờ, mây lấp. Chỉ còn lại người dân làng Triêu Tịch và vị “thần” của họ.
“Ngài về! Ngài về!”
“Ngài về rồi!”