Tục làng

Chương 18


Đọc truyện Tục làng – Chương 18

Năm 1627, Trịnh – Nguyễn phân tranh.(*)
Chiến tranh nổ ra, cuối cùng chia đôi đất nước thành hai nửa. Một nửa là Đàng Trong, một nửa là Đàng Ngoài. Nhiều người phải bỏ nhà chạy loạn, rồi biệt xứ. Có người tìm cách vượt biên, có người từ Đàng Trong chạy ra Đàng Ngoài; lại cũng có người lang thang tứ phương.
Nhưng dù có đi đâu đi chăng nữa, như một luật bất thành văn, ai cũng tránh tới vùng phía Đông sông Nhĩ Hà. Người ta truyền tai nhau rằng, nơi đó có một ngôi làng ma.
Người ta đồn rằng, khi xưa có một võ tướng đưa quân đi ngang, vì dừng chân tại ngôi làng đó mà bỏ mạng. Tên lính duy nhất sống sót trở về, thần trí cũng không được tỉnh táo, thậm chí còn phát điên. Trong miệng gã ta cứ nhắc đi nhắc lại mãi mấy câu, “Nhĩ Hà… phía Đông…”
“Có quỷ đòi mạng.”
Nhà vua từng cho người tới nơi đó tìm hiểu, cốt để xem xem thực khư ra sao. Kết quả vẫn là, chỉ có một người toàn mạng trở về. Người này tốt số hơn tên lính nọ, vẫn có thể kể lại ngọn ngành câu chuyện. Nhưng thái độ khiếp đảm cùng sự run rẩy trong lời nói của anh ta đã dấy lên không ít ngờ vực. Anh ta nói rằng, đó là một ngôi làng bỏ hoang. Có rất nhiều hoa đăng và vàng ròng. Tất cả mọi thứ đồ xa hoa ấy, đều được treo trước cửa những ngôi nhà cũ, thậm chí đã có phần mục nát. Chúng bám bụi rất dày. Vậy nên khi tới, mọi người đều không hiểu vì sao, một nơi giàu có thế này, lại không có lấy một bóng người. Mãi cho đến lúc thấy người kia, bọn họ mới luận ra nguyên nhân.

Anh ta cố gắng tả lại cảnh tượng khi ấy. Đó là một người đàn ông. Hắn ta mặc bộ quần áo kiểu cũ, trên tay ôm một bộ hài cốt. Sở dĩ nhận ra đó là hài cốt, vì dù có được “mặc” quần áo như người bình thường, thì những dẻ xương vẫn lộ ra ở những nơi quần áo không thể che đi. Như là phần cổ tay và đầu. Bọn họ chinh chiến nơi sa trường, đã sớm quen với cái chết, làm sao không nhận ra. Lại nói, sát khí trên người đàn ông kia rất nặng. Thậm chí… còn có cả âm khí.
Người đàn ông đó có nụ cười rất kỳ dị. Hắn ta hỏi rằng.
“Các người đến, để tế thân cho Hiệu Tích đấy à?”
Câu chuyện này giống như dị bản của Liêu Trai chí dị. Sau khi nghe xong, có người ngờ vực, lại cũng có người khinh thường.
Lại nói, người lính kia sau khi kể xong câu chuyện ấy, đột nhiên bệnh nặng liệt giường. Rồi một ngày nọ, người ta tìm thấy, anh ta thắt cổ tự tử trong phòng.
Chính bởi những sự kiện hết sức kì lạ như thế, nên dù bán tính bán nghi, ai cũng nhủ thầm, tránh được là tốt. Phòng bệnh còn hơn chữa bệnh.
Nhưng không phải ai cũng biết được điều ấy. Nhất là lớp thanh niên trai tráng, tự xưng “đầu đội trời, chân đạp đất”, đã quen cảnh màn trời chiếu đất, bổn bể là nhà. Mấy chuyện yêu ma quỷ quái mà nhân gian đồn thổi, không làm khó được bọn họ. Cho nên khi đứng trước cổng làng tan hoang, Trịnh Tú cũng không hề sợ hãi, mà chỉ thấy hơi là lạ.
Trịnh Tú năm nay hơn hai mươi ba tuổi, là một canh điền. Khi chiến tranh xảy ra, cậu cũng cùng dân làng di tản. Nhưng chẳng biết thế nào lại lạc dấu cả đoàn. Ma xui quỷ khiến, lại đến được đây.
Cổng làng đã cũ lắm, chữ bên trên bị mài mòn gần hết, chỉ miễn cưỡng nhận ra vài nét. Có lẽ trải qua nhiều mưa to gió lớn, nên vết nứt rất nhiều. Ngó vào bên trong, thấy đường làng hoang vắng tiêu điều, không hiểu sao lại có cảm giác lạnh lẽo.
Mắt thấy trời sắp tối, Trịnh Tú cũng không lần lữa thêm, mà đi qua cánh cổng kia. Định bụng tìm một nơi để ngả lưng. Ngay khi trời sáng, cậu sẽ rời đi.

Nhưng mà Trịnh Tú không biết, bước chân vào ngôi làng này, cũng là đặt chân tới cửa tử.
Bởi vì nửa đêm hôm đó, người đàn ông ôm bộ hài cốt xuất hiện.
Hắn ta cười với cậu mà rằng.
“Ngươi đến, để tế thân cho Hiệu Tích đấy à?”
 
 
 
HẾT

_
(*) Trịnh – Nguyễn phân tranh: là thời kỳ phân chia giữa chế độ ” vua Lê chúa Trịnh ” ở phía Bắc sông Gianh (sử gọi là Đàng Ngoài ) và chúa Nguyễn cai trị ở miền Nam ( Đàng Trong), mở đầu khi Trịnh Tráng đem quân đánh Nguyễn Phúc Yên năm 1627 và kết thúc vào cuối thế kỉ 18  khi quân Tây Sơn  đánh đổ cả chúa Nguyễn lẫn chúa Trịnh. (theo wikipedia )
 
 
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.