Đọc truyện Tục làng – Chương 10
Bà Phúc Loan đã quen lắm với việc này, nên dù không có thằng Tí với thằng Mão, bà vẫn có thể xoay sở được. Chế hương liệu, đổ đầy nước, sau đó để bốn tên phụ đồng khiêng người thả vào.
Khương Cảnh nằm trong bồn tắm bằng gỗ, tóc tai sõa sượi, nhìn như con rối bị đứt dây. Bà Phúc Loan đã mấy lần đánh tiếng thăm dò, nhưng vẫn không thấy y phản ứng. Chắc hẳn, Khương Cảnh vẫn chưa hết sốc. May mà lồng ngực y vẫn phập phồng, nếu không bà đã nghĩ Khương Cảnh chết rồi. Chết vì quá sợ.
Từ lâu, bà Phúc Loan đã thôi không đếm số người bị đưa vào đây, cũng như ngừng đếm từng năm kể từ khi Trịnh Hiệu Tích từ trần. Đếm những cái chết không bao giờ là chuyện vui vẻ, nhất là khi những cái chết ấy diễn ra ngay trước mắt mình. Vừa nghĩ, bà Phúc Loan vừa nâng một tay Khương Cảnh lên, nhẹ nhàng cọ rửa. Da Khương Cảnh rất đẹp. Màu đồng khỏe mạnh, căng tràn sức sống. Đúng là người trẻ tuổi. Bà Phúc Loan nghĩ. Hẳn nào, cậu mới chọn người này.
Khương Cảnh có vẻ không muốn nói chuyện, nhưng bà Phúc Loan vẫn phải làm tròn bổn phận của mình. Mà thực tế, bà luôn chờ mong giai đoạn này nhất. Suy nghĩ và lo âu của một năm qua tích tụ lại, giống như hồ nước đen ngòm, dìm bà tới không thở nổi. Chỉ có lúc này, bà mới có thể “tâm sự” để lôi chúng ra cho đỡ bức bối.
Đây là lệ. Khi chọn người để chăm dưỡng cho hèm sang năm, cần phải nói cho người ấy biết những chuyện đã xảy ra với ngài khi còn tại thế, và cả những chuyện kín đáo sau này. Nhưng cũng bởi việc này diễn ra, chỉ có bà Loan biết, người được chọn biết, nên cũng không lo nhỡ có lời nào trái phép, sẽ tới tai cậu Mân.
“Cậu cũng sắp được trở về nội phủ, ăn sung mặc sướng bên cạnh cậu Mân rồi đấy. Cớ gì mà cứ ủ dột mãi?” Bà Loan nói vẻ thăm dò.
Khương Cảnh nghe mấy chữ “ăn sung mặc sướng” mà chẳng có gì là vui vẻ, trái lại còn hỏi một câu, “Tôi sẽ chết đúng không?”
Bà Phúc Loan sâu xa nói, “Đã là người, ai mà chẳng phải chết. Thế nhưng cái chết của ta có ý nghĩa hay không thì mới là chuyện đáng bàn.”
Động tác của bà Phúc Loan vẫn không ngừng lại. Vừa tắm rửa cho Khương Cảnh, vừa rì rầm trò chuyện. Lúc đầu, Khương Cảnh còn đáp câu được câu không, thể nhưng hồi sau, dường như bà Phúc Loan cũng chẳng để ý tới chuyện y có chú ý hay không nữa. Bà chỉ muốn nói, muốn kể cho kì hết câu chuyện mình đã nắm lòng mấy năm qua.
Kì thực, bà Phúc Loan cùng với những người khác không khác gì nhau, luôn phải giả vờ là kẻ câm kẻ điếc, chứng kiến hết thảy những chuyện điên rồ mà cậu Mân làm ra. Bà rất thích thời gian được tiếp xúc riêng với “người được chăm dưỡng”, bởi chỉ có như thế, bà mới có thể trút hết những gì niêm kín trong lòng. Rất nhiều đêm, bà mơ thấy những “người” từng là người trước kia. Họ quay về đòi mạng bà. Mùi máu trên tay dù dùng thêm bao nhiêu nước hoa, rửa hết bao nhiêu thau nước cũng chẳng thể biến mất.
Đáng ra phải quen dần, thế nhưng bà Phúc Loan không thể quen nổi. Suy cho cùng, bà cũng là con người, cũng biết sợ. Cũng cần tìm người trút bầu tâm sự lắm chứ. Cảm giác được chia sẻ những điều kinh khủng mà mình đã phải chịu đựng, ít nhất cũng làm bà nhẹ nhõm hơn nhiều.
“Sau rồi ra ngoài, cậu cũng được phụng sự hậu lắm, chẳng cần lo đâu… cậu Mân không bao giờ ngược đãi người được chọn cả. Chỉ có như thế, ngài mới vẹn toàn mà về trần cùng chúng sanh được.”
“Tôi ở cái làng này lâu lắm rồi. Từ thời thổ địa vẫn còn được đúc tượng, yết miếu rộn ràng, nào có tiêu điều như bây giờ… Bây giờ, đền thở lớn lắm, mà chỉ để một bức tượng với hai cái bài vị. Một trong số đó còn là của người sống. Cậu biết vì sao không?”
Bà Phúc Loan lẩm bẩm, chừng như thương xót. Không biết là thương xót cho số phận cái làng này, hay thương xót cho Mân Doãn Kỳ.
“Một khi đã vướng vào lưới tình, thì chuyện kinh thiên động địa gì, người ta cũng có thể làm ra cả…”
…
Bà Phúc Loan thực ra không phải người luôn hướng thiện hướng Phật. Bà chỉ là người bình thường, may mắn có năng lực tâm linh mạnh hơn người khác một chút, lại bỏ công nghiên cứu mấy thứ bùa ngải, tường tận quy luật âm dương hơn mọi người trong làng, nên được tôn làm Thanh Đồng. Chuyện này người ngoài không biết, chỉ có tứ trụ hầu dâng vẫn luôn theo hầu bà và cậu Mân là biết.
Ngày đó cậu Mân còn trẻ, nhưng chỉ vừa nhìn thoáng qua bà Phúc Loan đã nhận ra, còn cười mà rằng, “Bà Loan nay đi mua cá đấy à? Nhưng chỉ một con thì có đủ không?”
Lúc đó bà đã biết, chắc chắn trong nội phủ Mân gia có những chuyện không đơn giản chút nào, thậm chí còn vượt xa cả những sách vở viết về dị tượng mà bà tìm thấy trong tổ trạch. Bởi vì Mân Doãn Kỳ vừa liếc một cái đã nhìn ra, bà Phúc Loan nuôi ngải trong nhà. Cây ngải đó không lớn lên nhờ nước, mà lớn lên nhờ đồ tanh sống(*). Chuyện này nếu không phải người từng nghiên cứu qua bùa ngải, sẽ không thể biết được.
Huống chi, Mân Doãn Kỳ còn nhận ra bà Phúc Loan vì nuôi ngải mà hao hụt tâm sức. Lúc thằng hầu dâng lên cái hộp cậu Mân gửi tới, bà mở nó ra mà tay vẫn run rẩy. Trong đó có một cái cây bé chừng bàn tay, so với loại ngải bà đang nuôi có phần khác. Cậu Mân để lại một tờ giấy, nói rằng thứ này có thể giải quyết nỗi lo của bà.
Nhớ khi đó, bà Phúc Loan vừa mừng vừa sợ, đem hai cây ngải trồng chung vào một chậu. Buổi sáng hôm sau, khi quay lại kiểm tra, lại thấy cái cây mà Mân Doãn Kỳ đưa tới đã nuốt gọn cây ngải bà trồng. Lá cây bị đứt lìa, ri rỉ chất lỏng đen sẫm, thấm vào đất nâu, tỏa ra mùi tanh ngọt của máu.
Bây giờ bà mới biết, Mân Doãn Kỳ đang thị uy. Nói không chừng, nếu muốn, hắn ta giết bà còn được. Bà Phúc Loan nghĩ mãi không ra, vì sao tự dưng cậu Mân lại đánh chủ ý lên mình. Trước kia bà cũng rất an phận, chưa từng làm chuyện xấu. Sau này bà mới biết, cậu Mân có thứ không làm được, nên đành phải mượn đến tay bà.
Lúc xác của Trịnh Hiệu Tích được chuyển tới, Mân Doãn Kỳ cũng có mặt. Bà Phúc Loan vẫn nhớ hắn cực kì bình tĩnh, nói với bà rằng, “Lóc thịt, lưu lại xương.”
Làm thành hình nhân sống.
Giọng điệu của Mân Doãn Kỳ lạnh băng băng, không nghe ra chút tình cảm nào. Nhưng bà Phúc Loan biết, cậu yêu người chết kia, yêu đến mức phát điên mất rồi. Cậu chẳng ngại khó ngại khổ mà nghiên cứu các loại bùa yêu, thậm chí là nuôi cổ trùng trên người sống để thử nghiệm. Đừng thấy Mân gia giàu có đàng hoàng, cậu Mân lại anh tuấn sạch sẽ mà lầm tưởng. Dưới tay cậu, không biết bao nhiêu người đã phải bỏ mạng.
Có điều những cuộc thử nghiệm ấy, đều thất bại, nên mới phải đi tới hạ sách này.
Bà Phúc Loan dù sợ nhưng không dám phản kháng. Từ lúc mạo hiểm nhận lấy cây ngải kia, bà đã biết mình không thể thoát khỏi khống chế của người đàn ông này. Lúc cầm dao lên, bà còn cảm thấy “mạch máu” mình giật giật. Ngải thần đã ám vào người, nó ngửi thấy mùi máu, nên muốn thoát ra. Da bà nổi đầy những đường ranh màu tím đen, có nhịp đập như thể rễ cây vươn dài. Mân Doãn Kỳ thấy thảm trạng của bà, cũng chỉ tùy ý nắm cổ tay bà lầm rầm câu gì đó. Mạnh tượng lại trở về bình thường.
Có thể kìm hãm sức mạnh của bùa ngải dễ như không, không biết cậu Mân còn có thể làm gì nữa.
Thân thể Trịnh Hiệu Tích dù đã bắt đầu cứng lại, nhưng vẫn coi là “còn tươi”. Khi lưỡi dao cắt vào da thịt của xác chết, bà Phúc Loan còn tưởng như đang cắt vào người mình. Bà phải cố hết sức mới không nôn ọe. Trong căn phòng đó chỉ có bà và Mân Doãn Kỳ. Một người làm, một người quan sát. Mấy chiếc xô để dưới bàn cứ mỗi lúc một đầy thêm. Phần đầu là phần khó xử lí nhất. Bà Phúc Loan phải đổi lại con dao nhỏ hơn, từ từ rạch đi lớp da mặt, sau đó cắt gọn mí mắt, khoét ra hai nhãn cầu. Chưa hết, tậm chí còn phải tỉ mỉ banh miệng xác chết bằng một đôi đũa để dọc, sau đó tách lợi ra khỏi răng. Mớ tóc trên đầu cũng phải cạo sạch, để tiện bề xử lí. Sau cùng, bà lấy đồ vật đặc chế, luồn qua mũi xác chết để lấy não bên trong(**). Sau khi kết thúc quá trình “lóc thịt lưu xương”, ước chừng cũng đã là hai ngày sau. Hai ngày không ăn uống gì, nhưng bà Phúc Loan cũng không cảm thấy quá mệt. Khi tất thảy quá trình dừng lại, bà mới thấy chân tay bủn rủn. Mân Doãn Kỳ không để ý người đàn bà đang thở dốc nặng nhọc, hắn tự bê thau nước đã chuẩn bị sẵn đặt lên bàn, bắt đầu lau kĩ bộ xương.
Hình nhân mà Mân Doãn Kỳ vẫn ôm ôm ấp ấp, thực ra không phải búp bê bình thường. Búp bê bình thường, trong thân chỉ được nhồi bông hoặc rơm. Còn búp bê làm cho Trịnh Hiệu Tích, bên trong có cả một bộ xương người.
“Làng này làm gì có thần, có thần thì những chuyện quái quỷ này nên chấm dứt từ lâu rồi mới phải.” Bà Phúc Loan thì thào. “Làm gì có vị thần nào bị đối xử tàn bạo như thế, đến lúc chết rồi mà vẫn bị phanh thây để lưu xương? Làm gì có vị thần nào hồn vẫn cứ vất vưởng ở đây, không khác gì cô hồn dã quỷ? Làm gì có, làm gì có…”
“Ta biết là cậu Mân điên rồi. Điên tình. Nhưng lại chẳng dám ngăn cản. Chắc cậu vẫn sẽ cứ như thế, cho đến khi cái làng này chết cả, không còn ai để chọn nữa mới thôi. Cả cái làng này chết cả…” Bà Phúc Loan lầm bầm. Nước trong bồn tắm đã lạnh ngắt, khiến Khương Cảnh phải rùng mình.
“Cho nên chúng ta đành phải chấp nhận đi thôi. Phép nước lệ làng, tục đã ấn thành, thì cứ thế thực hiện. Sống được ngày nào, hay ngày đó.”
Lúc này Khương Cảnh mới ngộ ra, những người còn lại trong làng Triêu Tịch này đều đã biết, họ sớm muộn gì cũng sẽ chết.
Bởi vì làng này không có thần, mà chỉ có quỷ.
_
(*) Chi tiết này không tham khảo tư liệu chính thống mà dựa trên phim “Người bất tử” của Victor Vũ. Trong “Người bất tử”, có cảnh cây ngải ăn thịt cả một con cá sống, chỉ chừa lại bộ xương.
(**) Đây là cách rút não thường dùng trong ướp xác. Nhét một chiếc móc (cây gậy) qua lỗ mũi. Một số phần bao quanh cây gậy và được rút ra ngoài, những phần khác sẽ hóa lỏng.