Đọc truyện Tự Truyện Tâm Linh – Nghiệp Âm – Chương 18: Tầm sự học đạo, tiếp..
Trời bắt đầu hửng sáng, phía đằng đông là cả một vùng xích vân đồ sộ đang lan rộng ra muôn ngả, cái khoảnh khắc giao thoa ấy của đất trời tựa hồ như đưa tâm hồn con người ta trở lại với sự bình yên vốn có của nó. Lúc ấy, cái lúc mà màn đêm đang thu mình dần trong sự bao bọc của ánh bình minh, ta thèm, ta thèm một cảm giác vỗ về, trở che như vòng tay mẹ, một cảm giác của sự an yên mà nhẽ ra ta đáng được đắm mình vào nó. Cách đây chỉ chừng vài tiếng, chính ta còn đang băn khoăn về vận số, về tương lai khi tồn tại giữa hai thế giới song hành mà trong đó lại có một thế lực vô hình mà ta không hay, không biết, không thể cảm nhận. Nhưng xét về nhiều khía cạnh, thế giới ấy dẫu cho có hư thực đi chăng nữa thì vẫn luôn tồn tại dưới hai khái niệm cơ bản, đó là thiện và ác, và để đại diện cho phe thiện, như một chỗ dựa tâm linh cho bách tính muôn dân, đó là các vị Tiên Thánh, điển hình trong số đó mà đáng phải kể đến chính là vị nhân thần được suy tôn Thượng Đẳng Thần, ông Hoàng Bảy Bảo Hà.
Lại nói, ngay sau khi thầy Hữu hé lộ về ông Hoàng Bảy Bảo Hà thì đã tức thì cùng mẹ con tôi di chuyển từ Hải Dương lên Lào Cai để yết bái cửa tiên thánh. Quả thực, ấy cũng là một trong những lần hiếm hoi mà tôi được theo chân thầy Hữu đến cửa đình thần Tam, Tứ Phủ và âu cũng là lần đầu tiên tôi được tận mắt thưởng thức cái cảnh sắc mà theo thầy Hữu là đắc địa về phong thủy tại miền sơn cước. Quả thực vậy, đền Bảo Hà được xây dựng ngay dưới chân đồi Cấm, phía giáp danh là con sông Hồng đỏ nặng phù sa. Nếu để xét về phong thủy thì đền Bảo Hà được đặt vào thế “Tọa sơn đạp thủy”, đây là một trong những đắc cách về phong thủy nhằm trấn linh cho vùng biên ải được can qua, thịnh vượng. Xét về mặt tổng thể, đền Bảo Hà cho đến nay vẫn giữ được nét văn hóa kiến trúc nguyên bản từ thời Hậu Lê, điển hình là cửa vào tam quan bề thế thể hiện cho tầm quan trọng của đền phủ tiên thánh khi xưa cũng ngang bằng với những cung vua, phủ chúa. Chưa hết, phần triền mái của nhà đền tuy đã được trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc vuốt cong ở bốn góc tựa như thể mũi thuyền. Đặc biệt, chính giữa mái là hình tượng “lưỡng long chầu nguyệt” đang ẩn hiện sau làn khói nhang nghi ngút, đó là biểu thị thực thể cho sức mạnh tâm linh thần phục thánh thần của vạn vật. Đến đây, ta không thể không nhắc đến yếu tố con người, chính con người đã góp một phần không nhỏ vào việc giữ nề, giữ nếp, giữ nét văn hóa đặc trưng tại những đình đền thuộc hàng Tam Tứ Phủ, điển hình như đền Ông Bảy khi lượng khách tứ xứ thập phương đổ về đây dâng hương và hầu lễ tiên thánh mỗi ngày quả thực là không đếm xuế.
Ngay sau khi bước vào cửa tam quan, thầy Hữu quay sang mẹ tôi mà dặn,
-Bây giờ cô đi thắp nhang kêu cầu tất cả các miếu, các ban, sau khi xong việc thì quay lại chính cung thờ ông Hoàng Bảy, tôi và thằng cò sẽ đợi ở đấy.
Mẹ tôi nghe xong thì vội vã đi ngay, phần tôi thì theo sau thầy Hữu tiến vào chính cung thờ ông Hoàng Bảy. Phải nói rằng, ở đền Bảo Hà hay hầu hết tất cả những đền phủ lớn trên khắp cả nước, họ đều có sự sắp xếp, bài trí, sử dụng gam màu và phối hợp họa tiết hết sức tinh vi. Đặc biệt là những sắc vàng đồng và đỏ mun, nó xuất hiện trên tất thẩy những đồ vật được bày biện, trang trí trong cung thờ, chưa kể đến là cả những họa tiết, chạm trổ rồng phượng cũng không nằm ngoại lệ. Tất cả những thứ ấy hòa quyện lại tạo cho ta một cảm giác uy linh, bề thế khi bước vào bất cứ một cửa đình thần nào. Thầy Hữu sau một hồi quan sát thì sốt sắng thủ thỉ với tôi, giọng nói có đôi phần hệ trọng lắm,
-Sắp tới đây là đến giá hầu ông Hoàng Bảy, con lách vào phía gần phía trong nơi họ hầu bóng mà ngồi, nhớ kỹ nếu như lát nữa ông Bảy giáng ngự vào thanh đồng hễ có cho bất cứ thứ gì thì cũng phải gói ngay vào cái khăn này, dùng chỉ đỏ buộc xung quanh, vái tượng ông ba vái rồi xin lui ra vòng ngoài chờ ta, bất cứ ai nói gì, dọa nạt ra sao cũng không được để tâm tới.
Dứt lời, thầy Hữu đẩy tôi chen vào giữa mấy người lớn tuổi đang ngồi san sát phía sau sập hầu lớn đặt ngay dưới ban chính thờ ông Bảy, còn bản thân thì vòng ra phía bên phải sập đứng như thể chờ đợi điều gì đó. Quãng ấy có tiếng đàn nguyệt ngân lên trong trẻo hòa cùng nhịp phách trống nhanh dần, giai điệu khi ấy nghe quả thực là vui tai lắm, chẳng khác nào những cung âm của xuân hội, chừng được dăm ba nhịp thì lại nghe có tiếng hát trầm bổng, quãng ngắn quãng dài như thể phú thơ trên nền nhạc,
-Gió Nam thoảng hương bay ngào ngạt, bóng ác tà đã gác non tây. Trăng in mặt nước vơi đầy, Bảo Hà cổ tích xưa nay còn truyền.
…
Đoạn đến đây thì thanh đồng ngồi chính giữa sập đá đang lắc lư theo âm điệu bỗng cầm tay vào miếng vải sắc đỏ có thêu hình “lưỡng long chầu nguyệt” đang phủ đi diện ảnh mà hất ra phía sau, hành động ấy được thực hiện một cách dứt khoát, đượm hồn, tư thế quả thực trông rất đẹp mắt.. Lúc này ánh mắt thanh đồng nhìn ra vẻ oai nghiêm và bệ vệ lắm, tay phải tựa vào chồng gấm, tay trái nắm lại, đánh sang ngang như thể ra hiệu cho mấy người hầu dâng ở hai bên. Tức thì, hai người hầu dâng phía trước lập tức đỡ thanh đồng dậy, một người nhanh nhẹn cầm lên chiếc đai hồng rồi thắt ngang bụng cho ghế thánh, hành động ấy diễn ra thoăn thoắt xem chừng như là thuần thục lắm. Kế đó, vị thanh đồng lồng tay vào một tấm khăn tấu sắc đỏ, có thêu hình long phượng trông thực rất cầu kỳ, đoạn cầm hai nén nhang cúi mình khấn ba khấn trước chính ban, một khấn bên tả, một khấn bên hữu. Xong xuôi, thanh đồng lùi lại phía sau hai bước, ra hẳn phía góc của sập hầu, thế rồi chân trái duỗi thẳng tiến về phía trước, chân phải bước lên hai cấp xong khụy gối xuống nệm rồng, thực hiện nghi thức tam bái vạn niên. Lúc này thì cung văn lại tấu lời, tiết tấu nhạc điệu có phần dồn dập hơn, nghe mà thấy tim can cũng rộn rã theo phần nào,
-A, là bút phê sai, triền hương là bút phê sai. Cảm phiền chư tướng đáo lai hộ trì, tả sai binh bộ binh thùy
…
Thanh đồng bấy giờ cầm một bó nhang lớn mà dơ lên giữa chính điện, lửa trên nhang cháy bập bùng chẳng khác nào một bó đuốc, ấy rồi anh ta tay trái trống hông, tay phải múa đuốc theo những cung tròn. Lúc này, nhìn thanh đồng trên sập trông mới oai phong, lẫm liệt làm sao, người thì khoác lam bào tầm long, đầu thì đội khăn xếp điểm hoa, chưa kể ấy là ngực đeo ngọc thạch kim lệnh. Quả thực, phong thái so với các bậc danh gia, quan tướng năm xưa thì cũng chẳng có thua kém là bao. Ngay sau đó, thanh đồng cầm mỗi tay một cây gậy hình trụ, kích thước chừng hơn sáu chục phân, dân gian gọi đó là hèo, một đầu hèo được bọc đồng chạm trổ hoa văn trông rất mịn màng, đầu còn lại thì có gắn thêm mấy quả lục lạc bằng đồng, anh ta cứ cầm như vậy mà tới lui trên sập, vừa di chuyển vừa múa hèo lên xuống trông rất cầu kỳ và cẩn trọng. Được một chạp, thanh đồng lại ngồi xuống ghế lớn mà mấy tay hầu dâng vừa kê ở chính sập. Anh tay hai tay cầm hèo để theo lối vuông góc, tay trái di chuyển chiếc hèo nằm ngang tựa như đang kéo đàn nhị, kỳ thực, lúc đó ta mới thấy được sự diễn xướng của thanh đồng có hồn đến mức nào, nhìn anh ta bấy giờ đúng thực là hết mực phong lưu, tài hoa, người thì hơi ngả người ra phía sau, mắt lim dim quãng mở quãng đóng, đầu lắc lư như thể đang ngâm hoa, thưởng nhạc.
Chợt, thanh đồng ấy đứng phắt dậy, người nghiêng lại về phía sau, hai tay cầm đôi hèo ném thẳng về phía tôi rồi gầm lên một tiếng “Ha” nghe thật là uy dũng. Chột dạ, tôi nhớ lại lời thầy Hữu nên vội vàng gói gém hai cây hèo lại, buộc chỉ đỏ ở phía bên ngoài rồi vái lậy tượng ông Bảy ba vái. Xong xuôi, tôi cố chen ra vòng ngoài nép sát vào phía cửa gỗ để đứng chờ thầy Hữu. Mấy người xung quanh đó cứ thì thầm to nhỏ với tôi rằng tôi đã bị ông Bảy chấm lính bắt đồng, mau chạy lên sập lậy ông ngay đi rồi nghe ông phán truyền. Tôi thì quả thực lúc ấy vững tâm lắm, ai nói như nào tôi cũng mặc kệ, cứ y án làm theo lời thầy Hữu cho chắc chắn. Ngoảnh đi ngoảnh lại, tôi đảo mắt tìm thầy Hữu thì đã thấy thầy đang quỳ gối phía sau thanh đồng ở ngay trên sập, một tây cầm cây quạt xếp che miệng, một tay bưng đĩa có trung tửu và xấp tiền đang dâng lên ông Bảy mà thưa,
-Nam mô A Di Đà Phật con tấu lậy quan Hoàng Bẩy Bảo Hà trấn thủ miền sơn cước biên cương, họ Nguyễn con là Nguyễn Văn Hữu, gia chủ là Nguyễn Ngọc Quang người dương thế mệnh càn bóng quế, đem thân về tâu đem đầu về bái cửa quan Hoàng. Quan giáng phúc lưu ân nhận đồng thương đồng nhận lính thương lính cho Nguyễn Ngọc Quang cùng gia môn được an khang thịnh vượng, ngũ phúc lâm môn. Họ Nguyễn con xin thỉnh dương pháp khí cửa quan, mượn thế oai linh nơi đình thần Tứ Phủ diệt tà sát quỷ. Ghế của quan, có công có danh, có chức có quyền, đẹp hơn người, tươi hơn bạn, họ Nguyễn con có giọt dầu lễ bạc tâm thành dâng tiến lên quan để quan phát lộc đi quan chi lộc về, cho bóng quan được oai phong lẫm liệt, cầu được ước nên, muôn dân trăm họ được ăn mày công đức cửa quan. A Di Đà Phật.
Thanh đồng lúc này nghe được lời tấu của thầy Hữu thì gật đầu như thể ưng thuận lắm, miệng nhả khói thuốc trông hết mực huyền ảo, tay hất ra sau rồi phán truyền,
-Ta chứng minh công đức cho họ Nguyễn đắc lễ đắc bái, chu viên hoàn hảo, mười phân vẹn mười, đầy quyền mãn quả, cha biết mặt, mẹ đề tên, sở cầu được tất ứng, sở nguyện được tòng tâm, ta cho cứu tử độ sinh, cứu dân độ thế, cứu đâu được đó, cho thơm danh nước tiếng. Quà lễ ngày hôm nay sẽ tấu tới thượng thiên thượng ngàn đền vàng thoải phủ để chứng minh công đức cho họ Nguyễn Văn và Nguyễn Ngọc ha.
Dứt lời, thanh đồng cầm xếp tiền tung về phía sau, thầy Hữu sau này nói rằng hành động ấy là để ban tài tiếp lộc tới thanh đồng đạo quan, cho muôn dân trăm họ đã đến trợ duyên tiếp phúc cho buổi hầu. Việc xong, thầy Hữu cúi lậy ba vái rồi lui ra phía bên ngoài. Lúc này mẹ tôi vừa hay trở về đến chính ban, thầy Hữu ra dấu cho hai mẹ con ra phía bên ngoài, thầy Hữu quãng ấy dặn,
-Về cơ bản là đã thỉnh được pháp khí, nhưng phải là người đã từng ra hầu thánh hoặc kề cận bên cửa đình thần thì mới có thể sử dụng được nó. Bây giờ cô vào lễ tạ ông Bảy rồi xin lệnh ông cho cậu bé giám quan nhà cô được linh ứng với pháp khí khi hành lễ. Đây, cô cầm lấy hai đồng đài âm dương và cái đĩa này, reo ba lần, nếu được một mặt sấp, một mặt ngửa là âu vạn sự đã nhất nhất được tòng tâm.
Nói đoạn thầy Hữu lấy ra hai đồng đài âm dương rồi dúi cho mẹ tôi, phần tôi và thầy Hữu thì đứng ngoài chờ đợi. Được chừng mươi phút thì mẹ tôi từ phía bên trong thất thiểu đi ra, khuôn mặt khi ấy thực sự là lo lắng lắm, giọng nói thì thoảng có đôi phần run sợ,
-Thầy ơi, con reo đồng đài ba lần thì cả ba lần hai mặt đều sấp, bây giờ phải làm như nào hả thầy.
Thầy Hữu thở dài một tiếng rồi đáp,
-Âu chắc có lẽ ông Bảy đã chấm đồng thằng cu Quang này thật rồi, giờ không chỉ còn là câu chuyện mượn pháp khì trừ tà nữa. Xem ra số mệnh của thằng bé này lại thêm đôi phần vất vả đây. Thôi, chúng ta về đã kẻo không kịp giờ giải ấn làm lễ.
Ba người chúng tôi lập tức khởi hành trở về Hà Nội theo y lệnh của thầy Hữu, quãng đường từ Bảo Hà về thủ đô khi ấy chỉ còn chập choạng trong giấc ngủ dong của tôi trên xe. Thực sự, với một cậu bé chừng tuổi ăn tuổi ngủ như tôi thì những việc đi lại đến vài trăm cây số trong ngày như thế này thật đúng là quá sức. Nhưng thôi, đành phải cố gắng mà cho xong việc, dù gì thì đây cũng là những việc tốt cho gia đình cũng như bản thân tôi ở hiện tại.
Trời đã đổ về khuya, vùng ngoại ô vắng vẻ khi ấy cũng đã thưa bớt bóng người, cả một màn đêm tĩnh mịch yên ả đang ôm trọn lấy tầm nhìn của tôi. Phía bên cạnh, thầy Hữu giường như cũng phần nào thấy được sự lo lắng và ngổn ngang của tôi qua ánh mắt nên bèn cất lời,
-Nghiệp Âm nó là như thế đấy con ạ, những gì mà ngày hôm nay con được quan sát, được chứng kiến trên đất Bảo Hà âu cũng là một khía cạnh nào đó của Nghiệp Âm. Đối với những người như vậy, cuộc sống vốn dĩ chẳng dễ dàng gì để mà cân bằng được giữa việc âm và việc trần. Làm việc trần tốt thì âm nhiễu, làm việc âm tốt thì dương cực. Sau này nếu như con có thể cân bằng được âm phần và dương thế thì đúng là một kỳ tích hiếm gặp.
Thầy Hữu kế đó quay sang mẹ tôi hỏi dò,
-Mấy thứ cần cho buổi lễ tôi dặn chị khi ở trên xe đã chuẩn bị xong hết chưa
Mẹ tôi đáp vội,
-Chồng con ở nhà đã lo chu toàn, tất cả bây giờ chỉ đợi thầy về hành sự nữa mà thôi.
Nói tới đây thì vừa hay xe về đến trước cổng, ba người chúng tôi vội vã tới mức còn chẳng kịp nói lời tạm biệt với bác tài. Thầy Hữu khi đó một tay xách hình nhân đang giam Xích Diệm Quỷ, một tay lệ khệ túi đồ nghề theo chân mẹ tôi bước nhanh ra phía sau nhà. Ở đó, bố tôi hình như đã lo liệu xong xuôi mọi việc nên đứng chờ tự bao giờ, nhưng hình như ông có vẻ không mấy hồ hởi khi thấy ba người chúng tôi về tới. Đoạn thầy Hữu khoán cho mẹ con tôi dừng lại không được bước tiếp, thầy Hữu hô lớn,
-Vong nào ở đâu, sao lại nhập vào gia chủ trong đất này
Hai mẹ con tôi khi ấy thất kinh, bốn mắt nhìn nhau hoảng hốt không ai dám nói với ai câu nào. Về phần bố tôi, ông đứng hoàn toàn bất động trên nền đất, ánh mắt chừng chừng nhìn xuống phía dưới, đầu hơi gục xuống như có ai đang đè trên cổ. Thầy Hữu lúc này toan tiến lại gần thì bố tôi bất ngờ hất mắt lên nhìn thẳng vào thầy Hữu, ánh mắt trợn tròn như đang giận dữ…
…