Tử Thư Tây Hạ

Chương 1: Lời tâm sự của tác giả


Đọc truyện Tử Thư Tây Hạ – Chương 1: Lời tâm sự của tác giả

Tất cả đều bắt đầu từ đây…

Cuốn tiểu thuyết này được lấy ý tưởng từ chuyến du lịch đầu tiên của tôi. Đó là vào khoảng vài năm trước, tại một sơn trại cổ xưa của người Khương nằm trong khu tự trị người Khương ở Bắc Xuyên, thuộc cao nguyên Xuyên Tây Bắc (Tứ Xuyên), tôi đã tình cờ gặp một người đã về hưu cũng đang tự mình đi du lịch khắp nơi. Ông đã kể cho tôi nghe một câu chuyện như sau:

Ở một vùng nằm sâu trong sa mạc Badain Jaran có một kinh thành cổ của vương quốc Tây Hạ bị vùi lấp trong cát vàng, tên gọi là Hắc Thành. Tòa thành đó do Lý Nguyên Hạo – vị hoàng đế đầu tiên của vương quốc Tây Hạ xây dựng. Lý Nguyên Hạo qua đời sau một cuộc chính biến cung đình, người con trai chưa đầy năm của ông là Lý Lượng Tộ kế vị, nhưng mẹ và cậu của ông – những người thuộc gia tộc Một Tạng mới là người thực sự nắm giữ triều chính. Khi Lượng Tộ trưởng thành, ông dần nhận thức được mọi việc và ngày một bất mãn với sự chuyên quyền của mẹ và cậu. Sau đó, ông đã phát động một cuộc chính biến, chém cậu ruột và lệnh cho mẹ mình dời đến kinh thành cổ ở giữa sa mạc hoang vắng. Khi Một Tạng hoàng hậu ra đi, ngoài đoàn tùy tùng đông đúc đi tháp tùng, bà còn mang theo vô số vàng bạc châu báu. Vài trăm năm sau, câu chuyện này vẫn được lưu truyền trên khắp vùng sa mạc Gobi và con đường tơ lụa, hấp dẫn bao kẻ trộm mộ đào vàng tìm kho báu. Rất nhiều kẻ đã bỏ mạng vì kho báu bí ẩn trong truyền thuyết đó, nhưng chưa ai tìm được vị trí của ngôi thành cổ Tây Hạ đã bị mất tích, vì truyền thuyết này còn mang theo một lời nguyền đáng sợ rằng: Người nào tìm được thành cổ thì sẽ mãi mãi không thể thoát ra khỏi sa mạc để quay về nữa.

Một câu chuyện từ thời Tây Hạ xa xôi, câu chuyện về những bảo vật của đất nước Tây Hạ, về Hắc Thành bị mất tích, về nền văn minh bị chôn vùi, về những mối tình đẹp mà bi lụy, còn có cả cuộc tranh giành đẫm máu của những người đời sau!

Ngay lần đầu tiên nghe được câu chuyện này, tôi đã bị nó thu hút một cách lạ kỳ. Câu chuyện của ông, có mấy phần là thực, mấy phần hư cấu, giờ đã không thể khảo chứng được nữa, nhưng người “bạn già” kia của tôi thì lại nhất nhất tin tưởng vào những điều trong câu chuyện, và luôn mong muốn rằng có một ngày mình sẽ tìm được di chỉ của vương triều được nhắc đến trong truyền thuyết đó, phủi sạch lớp bụi thời gian bao trùm lên lịch sử bí ẩn của nó.

Nhiều năm qua đi, khi khu sơn trại của người Khương ở Bắc Xuyên bị chôn vùi bởi một trận động đất, tôi bỗng nhớ lại câu chuyện từng được nghe kể trong chuyến đi vài năm trước đây, câu chuyện về Bắc Xuyên – nơi chứng kiến sự phồn thịnh rồi suy tàn của dân tộc Khương – một tộc người cũng lâu đời không kém gì dân tộc Hán.

Tất cả đều bắt đầu từ vùng đất này. Hơn một ngàn năm trước, một nhánh của người Khương là người Khương Đảng Hạng (còn gọi là người Đảng Hạng), vì sinh tồn, đã dũng cảm rời khỏi vùng đất của mình, bắt đầu một cuộc di dân hướng về phương Bắc đầy gian nan nhưng vô cùng vĩ đại. Họ đã kiên cường, dũng cảm, vượt qua núi tuyết nguy hiểm, băng qua sa mạc bao la, dưới sự dẫn dắt của người lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc để đến được một vùng đất phì nhiêu màu mỡ, và đây cũng chính là nơi họ xây dựng một đế chế hưng thịnh rồi dần suy tàn. Nền văn minh mà họ đã sáng tạo ra ở nơi này, cuộc chiến sinh tồn của họ với hai dân tộc hùng mạnh hơn mình gấp nhiều lần là Đại Tống và Khiết Đan, để tạo dựng thế chân vạc, tồn tại suốt hơn hai trăm năm, cho đến tận ngày hôm nay, chúng ta vẫn gọi vùng đất tuyệt vời này bằng cái tên rất đẹp: Tái Thượng Giang Nam, tức Giang Nam trên ải, vì vùng đất này nằm ở vùng biên ải, nhưng phong cảnh sơn thủy rất hữu tình, có thể sánh ngang với Giang Nam.


Năm 1227, đoàn kỵ binh của Thành Cát Tư Hãn đã quét sạch Đế quốc Bạch Sắc[1] từng một thời phồn vinh này, những tàn tích còn lại của nền văn minh này cũng bị chiến tranh huỷ diệt. Một vương triều từng cùng Tống, Liêu, Kim, tạo thành thế tứ quốc chân vạc và đứng vững hơn hai trăm năm (1032 – 1227), đã đến và đi một cách vội vàng như thế.

Nền văn minh đã bị chôn vùi mãi mãi dưới lớp cát vàng cuồn cuộn, mãi đến tận ngày hôm nay, khi chúng ta lật giở “Nhị thập tứ sử” ra, vẫn chưa thể tìm ra được một cuốn nào mang tên “Tây Hạ sử”[2].

Những người Đảng Hạng cuối cùng đã đi đâu, về đâu? Không ai biết được câu trả lời là gì. Có người nói rằng, họ đã trở lại vùng núi nơi mình đã ra đi; cũng có người cho rằng, một chi của người Đảng Hạng đã mang nền văn minh đó đi vào lòng sa mạc, đến một ốc đảo mà không ai biết đến, để tiếp tục xây dựng nền văn minh riêng của mình…

Cố Phi Ngư

Trong tiểu thuyết này, tác giả có nhắc đến một số nhân vật có thực trong lịch sử của Trung Quốc và thế giới. Chúng tôi xin bổ sung phần chú thích về các nhân vật này để độc giả tiện theo dõi.

I – Các nhân vật trong lịch sử cổ đại của Trung Quốc

Thác Bạt Tư Công: vị thủ lĩnh kiệt xuất của dân tộc Đảng Hạng cuối triều Đường, vì có công trong khởi nghĩa Hoàng Sào nên được vua phong tước là Hạ Quốc Công – một chức tước được truyền lại cho con cháu và phân cho cai quản một vùng đất và được lấy họ Lý.


Thác Bạt Kế Thiên (963 – 1004): hay Lý Kế Thiên, được phong tước Đinh Nam Quân Tiết Độ Sứ, là người đặt nền móng cho vương triều Tây Hạ.

Thác Bạt Đức Minh (979 – 1031): còn gọi là Tây Bình Vương, Đinh Nam Quân Tiết Độ Sứ, con trai của Thác Bạt Kế Thiên.

Thác Bạt Nguyên Hạo (1003 – 1048): Tây Hạ Cảnh Tông, con trai của Thác Bạt Đức Minh, là vị hoàng đế sáng lập ra vương triều Tây Hạ. Năm 1032, Lý Nguyên Hạo bắt đầu tìm cách ly khai nhà Tống, ông từ bỏ họ Lý, đổi thành họ Ngôi Danh. Ông tự đặt niên hiệu, xây cung điện, thành lập chế độ quần thần văn võ, tổ chức hệ thống quân đội, cho sáng tạo hệ thống chữ viết riêng. Đến năm 1038 thì xưng làm hoàng đế, nhưng đặt tên nước bằng chữ Hán là Đại Hạ, người Hán lúc đó chỉ gọi là Tây Hạ.

Ngôi Danh Lượng Tộ (1047 – 1067): Tây Hạ Nghị Tông, trị vì từ năm 1048 tới năm 1067. Ông là con trai của Nguyên Hạo, lên ngôi khi mới lọt lòng mẹ, là vị hoàng đế thứ 2 của Tây Hạ.

Ngôi Danh Bỉnh Thường (1061 – 1086): Tây Hạ Huệ Tông, trị vì từ năm 1067 tới năm 1086, là vị hoàng đế thứ 3 của Tây Hạ.

Ngôi Danh Thuần Hựu (1177 – 1206): Tây Hạ Hoàn Tông, trị vì từ năm 1193 tới năm 1206, là vị hoàng đế thứ 6 của Tây Hạ.


Ngôi Danh An Toàn (1170 – 1211): Tây Hạ Tương Tông, là người đã tiến hành chính biến để soán ngôi của anh họ là Ngôi Danh Thuần Hựu, trị vì từ năm 1206 tới năm 1211, là vị hoàng đế thứ 7 của Tây Hạ.

Ngôi Danh Huân Túc (1163 – 1226): Tây Hạ Thần Tông, trị vì từ năm 1211 tới năm 1223, là vị hoàng đế thứ 8 của Tây Hạ.

Ngôi Danh Đức Vượng (1181 – 1226): Tây Hạ Hiến Tông, trị vì từ năm 1223 tới năm 1226, là vị hoàng đế thứ 9 của Tây Hạ.

Ngôi Danh Hiển (? – 1227): Tây Hạ Mạt Chủ Nam Bình Vương, là vị hoàng đế thứ 10 và cuối cùng của nước Tây Hạ trong lịch sử Trung Quốc.

Thành Cát Tư Hãn (1162 – 1227): sinh ra với tên gọi Thiết Mộc Chân, tên đầy đủ là Bột Nhi Chỉ Cân Thiết Mộc Chân, là Hãn vương của Mông Cổ và là người sáng lập ra Đế quốc Mông Cổ sau khi hợp nhất các bộ lạc độc lập ở vùng Đông Bắc châu Á năm 1206. Là một nhà lãnh đạo lỗi lạc và quan trọng của lịch sử thế giới.

Dã Lợi Nhậm Vinh (? – 1042): là học giả nổi tiếng uyên bác, đại thần của Tây Hạ thời Nguyên Hạo, người đã sáng tạo ra chữ viết Tây Hạ.

Cốt Lạc Mậu Tài: học giả Tây Hạ, là người biên soạn cuốn “Phiên Hán hợp thời chưởng trung châu” năm 1190. Năm 1909, cuốn sách được tìm thấy ở di chỉ Hắc Thủy Thành (nay thuộc Ejinaqi, khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc).


II – Các nhân vật lịch sử cận đại

La Chấn Ngọc (1866 – 1940): nhà nông học, nhà ngôn ngữ học, khảo cổ học, chuyên gia về đồ kim loại và đồ đá ngọc, là người khai phá ngành nông học hiện đại và người đặt nền móng đầu tiên cho ngành khảo cổ học cận đại của Trung Quốc.

La Phúc Trường (1895 – 1921): học giả nổi tiếng của Trung Quốc, chuyên gia văn tự cổ dân tộc, chuyên gia Tây Hạ học, con trai thứ 3 của La Chấn Ngọc.

Alexander Nikolayevich Shelepin (1918 – 1994): Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, người đứng đầu của ủy ban An ninh Quốc gia Xô Viết (KGB) từ năm 1958 đến năm 1961.

Aleksei Ivanovich Ivanov (1878 – 1938): nhà Hán học nổi tiếng người Nga, chuyên gia về ngôn ngữ Tây Hạ, người đã phát hiện ra cuốn từ điển song ngữ Hán – Tây Hạ “Phiên Hán hợp thời trưởng trung châu” vào năm 1909, sau đó ông bắt đầu đi sâu nghiên cứu ngôn ngữ Tây Hạ, có nhiều đóng góp lớn.

Mikhailovich Alekseev (1881 – 1957): Giáo sư, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, là chuyên gia Đông Phương học nổi tiếng của Liên Xô.

Lev N. Menshikov (1926 – 2005): nhà Hán học nổi tiếng người Nga, người đã có nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu văn hóa Đôn Hoàng, cổ văn Hán Tạng và văn hóa nhà Đường của Trung Quốc.

Joseph Francis Rock (1884 – 1962): người Mỹ gốc Áo, ông là nhà nhà thực vật học, ngôn ngữ học, địa lý học nổi tiếng – người đã dành 27 năm cuộc đời mình sống và tìm hiểu văn hóa ở vùng Tây Nam, Trung Quốc.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.