Đọc truyện Tự Thú Của Một Tín Đồ Shopping – Chương 4
KHI TÔI VỀ ĐẾN NHÀ, bố mẹ tôi đang cãi nhau. Trong vườn, bố ở trên lưng chừng thang, đang thúc ống xối nước bên hông nhà, còn mẹ đang ngồi trên chiếc bàn sắt uốn, lướt qua tập catalô của hãng Past Times. Không một ai trong hai người buồn ngước lên khi tôi bước qua cổng vào sân.
“Em chỉ muốn nói là họ nên làm gương tốt!” Mẹ la lên. Trông mẹ thật đẹp, tôi nghĩ khi ngồi xuống. Màu tóc mới – màu nâu nhạt chỉ với một chút xam xám – và một chiếc áo ngoài cao cổ màu đỏ rất đẹp. Có lẽ ngày mai tôi sẽ mượn nó.
“Thế em nghĩ tự đẩy mình vào chỗ nguy hiểm là nêu gương tốt hay sao?” Bố trả lời, từ trên thang nhìn xuống. Tóc bố đã hoa râm hơn một chút, tôi nhận ra và hơi sốc. Nói thật, tóc muối tiêu khiến bố trông khá nghiêm trang. “Em nghĩ như thế có thể giải quyết được vấn đề à?”
“Nguy hiểm!” mẹ nói vẻ chế giễu. “Đừng có mà cường điệu hóa lên thế, Graham. Anh thực sự giữ cái cách nghĩ như thế về xã hội Anh quốc hay sao?”
“Con chào mẹ,” tôi nói. “Con chào bố.”
“Becky cũng nhất trí với em đấy, phải không con yêu?” mẹ nói, chỉ tay vào một trang trong tập Past Times, đầy những hộp kim hoàn và nữ trang mô phỏng theo kiểu của những năm 1930. “Áo len đan này dễ thương quá,” mẹ thì thào.”Nhìn kiểu thêu này mà xem!” tôi nhìn theo thấy một chiếc áo dài màu tím phủ kín những nét thêu Art Deco đầy màu sắc. Tôi sẽ giữ trang tạp chí ấy để tìm tặng bà nhân dịp sinh nhật – nếu tôi không biết có thể mẹ sẽ tự mua cho mình tuần sau.
“Chắc chắn Becky không thể đồng tình với em được!” bố tôi vặn lại. “Đó là ý kiến nực cười nhất mà anh từng nghe thấy đấy.”
“Không, không hề!” mẹ nói giọng phẫn nộ. “Becky, con có nghĩ chuyện gia đình hoàng gia đi lại bằng phương tiện công cộng là một ý hay không con yêu?”
“À…” Tôi thận trọng nói. “Con thực sự chưa…”
“Con có nghĩ là nữ hoàng nên đi tới những buổi chiêu đãi long trọng bằng xe buýt số chín mươi ba không?” bố chế giễu.
“Tại sao lại không được nhỉ? Rất có thể sau đó tuyến xe số chín mươi ba sẽ làm việc có hiệu quả hơn!”
“Thế,” tôi nói, ngồi xuống bên cạnh mẹ. “Chuyện là thế nào ạ?”
“Con có nhận ra là nước mình đang ngày càng ùn tắc giao không?” mẹ nói, như thể bà không nghe thấy tôi nói gì. “Nếu không có nhiều người sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chẳng mấy chốc đường phố mình sẽ tắc nghẽn hết.”
Bố tôi lắc đầu.
“ Và em nghĩ để nữ hoàng đi lại trên xe buýt số chín mươi ba có thể giải quyết được vấn đề đó à. Chẳng bận tâm đến vấn đề an ninh, không thèm quan tâm thực tế bà ấy sẽ có thể phải tham dự rất nhiều buổi chiêu đãi…”
“Em không nói nhất thiết phải là nữ hoàng,” mẹ vặn lại. “Ai đó trong số họ mà chẳng được. Công nương Micheal xứ Kent chẳng hạn. Cô ấy có thể đi lại bằng tàu điện ngầm thường xuyên, phải không? Những người đó cần phải học về cuộc sống thật mới được.”
Lần cuối cùng mẹ tôi đi tàu điện ngầm là khoảng năm 1983.
“Con đi pha chút cà phê nhé?” tôi vui vẻ nói.
“Nếu em hỏi anh, thì cái chuyện tắc nghẽn giao thông đó hoàn toàn chẳng có nghĩa lý gì cả,” bố tôi nói. Ông nhảy từ trên thang xuống và phủi tay. “Tất cả nằm ở vấn đề tuyên truyền.”
“Tuyên truyền?” mẹ thốt lên giận dữ.
“Phải rồi,” tôi nhanh nhảu nói. “À, để con đi đặt nước nhé.”
Tôi đi vào trong nhà, đặt ấm lên bếp rồi ngồi xuống bàn ăn trong khoảng nắng tuyệt đẹp. Tôi đã kịp quên bố mẹ tôi đang cãi nhau về vấn đề gì. Họ cứ nói luẩn quẩn mãi rồi lại nhất trí tất cả là lỗi của Tony Blair.Vả lại, tôi còn có những chuyện quan trọng hơn phải nghĩ tới. Tôi đang cố hình dung một cách chính xác xem tôi nên biếu Philip, sếp của tôi, bao nhiêu sau khi trúng số. Tôi không thể bỏ qua ông được, tất nhiên rồi – tuy nhiên đưa tiền mặt liệu có dở hơi không nhỉ? Liệu tặng quà có hơn không? Một cặp khuy măng sét thật đẹp chẳng hạn. Hay một chiếc hòm mây dã ngoại với những chiếc đĩa bên trong. (Clare Edwards, hiển nhiên, sẽ không nhận được gì hết.)
Ngồi một mình trong căn bếp đầy nắng, tôi cảm thấy như thể mình đang có một bí mật nhỏ bé sáng lấp lánh trong lòng. Tôi sắp trúng xổ số. Tối nay thôi, cuộc đời tôi sẽ đổi khác. Chúa ơi, tôi không đợi được nữa rồi. Những mười triệu bảng Anh. Thử nghĩ mà xem, ngay ngày mai thôi, tôi có thể mua được bất cứ thứ gì mà mình thích. Bất cứ thứ gì!
Tờ báo trước mắt tôi đang ở mục bất động sản, thế là nghiễm nhiên, tôi nhặt nó lên xem lướt qua những ngôi nhà đắt giá. Tôi sẽ sống ở đâu nhỉ? Chealsea? Notting Hill? Mayfair? Belgravia, tôi đọc. Dinh thự biệt lập bảy phòng ngủ tuyệt đẹp có khu phụ dành cho nhân viên và vườn cây lớn. Chà, nghe cũng ổn đấy chứ. Tôi có thể tậu được một căn bảy phòng ngủ ở Belgravia rồi. Mắt tôi liếc nhanh một cách mãn nguyện xuống bảng giá và dừng lại kinh ngạc. Sáu phẩy năm triệu bảng. Họ đòi từng ấy cơ đấy. Sáu triệu rưỡi bảng.
Tôi thấy choáng váng và hơi tức giận. Họ có nghiêm chỉnh không vậy? Tôi làm gì có tới 6,5 triệu bảng cơ chứ. Tôi chỉ còn khoảng… 4 triệu thôi. Hay là 5 ấy nhỉ? Tôi nhìn chằm chằm vào trang báo, cảm thấy như bị lừa. Những người trúng xổ số phải đủ khả năng mua bất cứ thứ gì họ muốn chứ – tôi đã kịp cảm thấy nghèo túng và thiếu thốn rồi.
Tôi gạt phăng tờ báo sang bên rồi lấy tập quảng cáo đầy những chiếc vỏ chăn trắng phau tuyệt đẹp với giá £100 một chiếc. Như thế thì hợp lý hơn đấy. Khi nào trúng số rồi, mình sẽ chỉ mua mấy chiếc vỏ chăn trắng phau đẹp đẽ này thôi, tôi quyết định. Và tôi sẽ mua thêm một chiếc giường màu trắng gang đúc và cửa chớp bằng gỗ sơn và cả một bộ váy ngủ màu trắng mềm mại nữa…
“Thế giới tài chính thế nào rồi con?” tiếng mẹ cắt ngang mạch suy nghĩ, tôi ngước lên. Mẹ lăng xăng vào bếp, tay vẫn cầm tập catalô hãng Past Times. “Con đã pha cà phê chưa? Nhanh nhanh nào, con yêu!”
“Con cũng vừa định pha đây mà,” tôi nói, nhích một bước ra khỏi ghế. Nhưng, cũng như mọi lần, mẹ luôn ở đó trước tôi. Mẹ với tay lấy một hũ bằng gốm mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy, và múc từng thìa cà phê cho vào bình cà phê mới bằng vàng.
Mẹ tôi rất khiếp nhé. Bà thường xuyên mua sắm đồ đạc mới cho căn bếp rồi đem tặng những đồ cũ cho các cửa hàng từ thiện. Những ấm đun nước mới, những máy nướng bánh mới… Chúng tôi đã có cả thảy ba chiếc thùng rác mới trong năm nay – chiếc màu xanh thẫm, sau đó là bằng crôm và bây giờ đang là một chiếc màu vàng bằng nhựa trong suốt. Ý tôi là, tốn kém bao nhiêu tiền bạc.
“Váy này đẹp đấy!” mẹ tôi nói, nhìn ngắm tôi như thể lần đầu tiên. “Mua ở đâu thế?”
“DKNY,” tôi lí nhí đáp lại.
“Xịn quá nhỉ,” bà nói. “Có đắt không thế?”
“Không đắt lắm ạ,” tôi nói. “Khoảng năm mươi bảng.”
Đó hoàn toàn không phải là sự thật. Nó đáng giá gần 150. Nhưng nói với mẹ tôi đồ đạc thật sự trị giá bao nhiêu tiền cũng chẳng ích lợi gì, bởi đằng nào mẹ cũng nhồi máu cơ tim. Hay, đúng hơn, mẹ sẽ nói với bố tôi trước – rồi cả hai đều sốc đến nhồi máu cơ tim, rồi tôi sẽ trở thành trẻ mồ côi.
Bởi thế nên việc tôi vẫn làm là đồng thời duy trì hai hệ thống. Hệ thống giá cả thực tế và hệ thống giá riêng cho mẹ. Cũng hơi giống với việc mọi thứ trong một cửa hàng giảm giá 20%, và bạn đi tới đi lui trông đầu nhẩm giảm giá cho mọi mặt hàng. Sau một thời gian, bạn đã khá nhuần nhuyễn.
Khác biệt duy nhất là, tôi sử dụng một hệ thống thang đối chiếu, hơi giống trong thuế thu nhập. Nó bắt đầu giảm từ mức 20% (nếu một thứ giá thực là £20, tôi sẽ nói nó giá £16) cho đến mức… à, tới 90% nếu cần. Một lần tôi mua một đôi bốt giá £200, và tôi bảo mẹ chúng giá £20 trong đợt giảm giá. Và bà tin tôi.
“Thế con đang tìm căn hộ đấy à?” mẹ nói, liếc thấy mấy trang bất động sản qua vai tôi.
“Không ạ,” tôi rầu rĩ đáp, lật một trang trong tập quảng cáo. Bố mẹ tôi luôn tin tưởng vào chuyện tôi sẽ mua một căn hộ. Họ có biết mấy căn chung cư giá bao nhiêu tiền không chứ?
“Mà con này, hình như thằng Thomas vừa mua một ngôi nhà nhỏ xinh xắn ở khu Reigate đấy,” bà nói, ra hiệu về phía nhà hàng xóm ngay cạnh chúng tôi. “Nó đổi đời rồi.” Bà nói điều này với cảm giác mãn nguyện, như thể đang kể với tôi hắn vừa được giải Nobel Hòa bình vậy.
“Chà, con thì không đủ tiền mua chung cư đâu,” tôi nói. “Cả nhà nhỏ hay gì cũng thế thôi.”
Chưa đâu, dù sao đi nữa, tôi nghĩ. Chưa cho tới tám giờ tối nay. He he he.
“Gặp vấn đề tiền nong à?” bố nói, bước vào bếp. “Con biết đấy, có hai cách giải quyết cho vấn đề tiền nong.”
Mắt ông lấp lánh, và tôi biết ông chuẩn bị nói cho tôi một câu danh ngôn ngắn gọn khôn ngoan nào đó. Bố có danh ngôn cho bất cứ vấn đề nào tồn tại trên đời – cũng như một tuyển tập dày những bài thơ năm câu hài hước và cả những chuyện cười thật khủng khiếp nữa. Có lúc tôi khoái nghe. Có lúc thì không.
“C.G.C.T,” bố nói, hấp háy mắt. “Hoặc K.T.T.”
Ông dừng lại nói cho thên phần kịch tính còn tôi thì lật giở tập quáng cáo trong tay mình, giả vờ không nghe ông nói gì.
“Cắt Giảm Chi Tiêu,” bố tôi nói, “hoặc Kiếm Thêm Tiền. Cái này hoặc cái kia. Con chọn cái nào, Becky?”
“Ồ, cả hai, con mong được như thế,” tôi hờ hững đáp, giở tiếp một trang khác trong tập quảng cáo của mình. Thật lòng, tôi gần như thấy thương cho bố. Sẽ khá sốc với bố tôi khi con gái độc nhất của ông trở thành đại triệu phú chỉ sau một đêm.
Sau bữa ăn, mẹ và tôi đi bộ tới hội chợ hàng thủ công ở trường tiểu học trong vùng. Thực ra tôi chỉ đi cùng mẹ cho vui chứ cũng chẳng định mua gì – nhưng khi chúng tôi tới nơi, tôi tìm thấy một quầy bán đầy những tấm thiệp làm bằng tay tuyệt đẹp, mà chỉ có £1,5 một tấm! Thế là tôi mua luôn mười tấm. Rốt cuộc ai mà chẳng cần có thiệp, phải không nào? Ở đó còn có cả một bồn trồng cây cảnh bẳng gốm màu thiên thanh rất đẹp với hình những chú voi nhỏ đi vòng quanh – mà tôi vẫn hằng nói mấy năm nay rằng chúng tôi nên trồng thêm cây xanh trong căn hộ. Thế là tôi mua cả cái đó. Có mỗi mười năm bảng thôi mà. Mấy hội chợ hàng thủ công kiểu này thật rẻ phải không? Khi đi, bạn nghĩ chúng toàn những thứ vớ vẩn – nhưng rồi thể nào cũng tìm được thứ gì đó mà bạn muốn.
Mẹ tôi cũng rất vui vì đã tìm thấy một đôi giá nến nữa cho bộ sưu tập của bà. Mẹ tôi có hàng loạt các bộ sưu tập giá nến, giá đựng bánh mì nướng, bình gốm, con thú bằng thủy tinh, mẫu thêu và đê thêu. (Cá nhân mà nói, tôi không nghĩ những chiếc đê thêu này đáng được tính riêng là một bộ sưu tập, bởi bà có rất nhiều, cả một hòm ấy chứ, tất cả là từ mục quảng cáo sau tạp chí Mail on Sunday. Nhưng bà chẳng bao giờ nói với ai về điều này. Mà đáng ra, tôi cũng không nên nhắc lại chúng.)
Dù sao thì chúng tôi đều cảm thấy khá hài lòng với mình và quyết định đi uống một tách trà. Sau đó, trên đường ra khỏi hội chợ, chúng tôi đi ngang một trong những gian hàng thực sự buồn tẻ, không ai thèm đến gần, những người tốt bụng liếc qua một lần rồi cũng nhanh chóng bỏ đi. Anh chàng khốn khổ đằng sau quầy hàng trông thật đáng thương, thế là tôi dừng lại ngắm nhìn một chút xem sao. Bảo sao không ai thèm dừng lại. Anh chàng bán những chiếc bát gỗ hình thù kỳ lạ và cả những chiếc kéo bằng gỗ cho phù hợp nữa chứ. Những chiếc kéo gỗ này thì dùng để làm quái gì nhỉ?
“Đẹp thật!” Tôi vui vẻ nói, cầm một chiếc bát lên.
“Làm thủ công bằng gỗ táo,” anh ta nói. “Mất một tuần để làm đấy.”
Chà, tôi sẽ nói là phí cả tuần đấy, nếu bạn hỏi tôi. Nó chẳng có hình thù gì cả và gỗ chỉ là một khối nhem nhuốc màu nâu. Nhưng khi tôi đặt nó xuống lại chỗ cũ, trông anh ta đau lòng tới mức tôi thấy tội nghiệp cho anh ta và lật nó lên để xem giá, nghĩ bụng nếu nó khoản năm bảng tôi sẽ mua. Nhưng giá nó tới những tám mươi bảng! Tôi chìa cho mẹ xem và mẹ hơi bĩu môi.
“Chính tác phẩm này đã được đăng trên tạp chí Elle Decoration tháng trước đấy,” anh chàng rầu rĩ nói rồi chìa ra một trang báo cắt rời. Và người tôi đông cứng trước câu nói đó. Elle Decoration? Anh ta đùa đấy à?
Anh ta không hề đùa. Ở đó, trên trang tạp chí đầy màu sắc là ảnh chụp một căn phòng, hoàn toàn trống rỗng ngoại trừ một chiếc túi xách bằng da lộn, một chiếc bàn thấp và một chiếc bát gỗ. Tôi chăm chăm nhìn nó nghi hoặc.
“Có chính xác là chiếc này không?” tôi hỏi, cố tỏ ra không quá phấn khích. “Chính xác là chiếc bát này ư?” Khi anh ta gật đầu, tay tôi đã nắm chặt lấy chiếc bát. Không thể tin được. Tôi đang cầm một tác phẩm trong tờ Elle Decoration. Tuyệt vời biết mấy? Giờ đây tôi cảm thấy mình thật sành điệu và phong cách, tôi còn ước mình đang mặc một chiếc quần lanh trắng, tóc buộc gọn phía sau lưng như Yassmin Le Bon cho phù hợp.
Điều này vừa chứng minh rằng tôi có gu thẩm mĩ tốt. Chẳng phải tôi đã tự mình lựa chọn chiếc bát – xin lỗi, tác phẩm này – đấy sao? Chẳng phải tôi đã nhận ra giá trị của nó đấy sao? Tôi đã kịp thấy phòng khách của chúng tôi được thiết kế lại hoàn toàn theo chiếc bát, tất cả đều mờ ảo và giản tiện. Tám mươi bảng. Chẳng là gì so với một tác phẩm theo phong cách trường tồn cùng thời gian như thế.
“Tôi sẽ mua nó,” tôi nói đầy quả quyết, và kiếm trong túi mình tập séc. Vấn đề là, tôi tự nhắc với lòng mình, mua đồ rẻ thực sự là một biện pháp tiết kiệm sai lầm. Sẽ tốt hơn nhiều nếu bỏ thêm một chút mà mua được thứ gì đó nghiêm túc dùng được cả đời. Mà chiếc bát này mang phong cách rất cổ điển. Suze nhất định sẽ vô cùng ấn tượng cho mà xem.
Khi chúng tôi về đến nhà, mẹ đi thẳng vào trong, còn tôi đứng lại trên lối vào, cẩn thận chuyển những món đồ vừa mua của mình từ xe mẹ sang xe tôi.
“Becky! Bất ngờ quá!”
Ôi Chúa ơi. Đó là ông hàng xóm Martin Webster đang đứng tựa vào hàng rào với một cái bồ cào trong tay và một nụ cười rộng ngoác thật thân thiện trên khuôn mặt. Kiểu đó của ông Martin luôn khiến tôi cảm thấy có lỗi, tôi không hiểu vì sao nữa.
Mà thực ra thì tôi có biết. Là bởi vì tôi biết ông luôn hi vọng khi lớn lên, tôi sẽ lấy Tom, con trai ông. Nhưng tôi đã không vậy. Lịch sử mối quan hệ của tôi và Tom là thế này: Tom mời tôi đi chơi một lần khi chúng tôi đều khoảng mười sáu tuổi và tôi nói không, lúc đó tôi đang hẹn hò với Adam Moore. Và đó cũng là điểm kết thúc, ơn Chúa. Cực kỳ thành thật mà nói, tôi thà cưới chính ông Martin còn hơn phải cưới Tom.
“Cháu chào chú!” tôi nói nhiệt tình quá mức. “Chú khỏe không ạ?”
“Ồ, cả nhà chú đều khỏe cả ấy mà,” Martin nói. “Cháu đã nghe chuyện thằng Tom vừa mua nhà chưa?”
“Rồi ạ,” tôi nói. “Ở Reigate ạ? Thích quá!”
“Có hai phòng ngủ, một phòng tắm, phòng tiếp khách, và một phòng bếp không vách ngăn,” ông kể lể. “Nội thất trong bếp đầu bằng gỗ sồi ngâm vôi.”
“Ôi trời,” tôi nói. “Thật tuyệt vời!”
“Tom sướng run lên với ngôi nhà đấy,” Martin nói. “Janice!” ông cao giọng. “Ra xem ai này!”
Lát sau Janice xuất hiện ở thềm cửa ra vào, trên người còn đang mặc chiếc tạp dề hoa.
“Becky!” bà nói. “Cháu thành người lạ nào thế này? Bao lâu rồi ấy nhỉ?”
Giờ thì tôi lại cảm thấy có lỗi vì đã không về thăm bố mẹ thường xuyên hơn.
“Dạ,” tôi nói, cố gắng gượng cười. “Cô chú biết đấy. Cháu khá bận rộn với công việc rồi đủ thứ khác.”
“Ồ phải rồi,” Janice nói, gật đầu thật mạnh. “Công việc của cháu.”
Không biết từ lúc nào, Janice và Martin đã có trong đầu suy nghĩ tôi là một người quyền cao chức trọng đang phất lên trong giới tài chính. Tôi đã cố nói với họ rằng thực sự không phải vậy – nhưng tôi càng phủ nhận bao nhiêu, họ lại nghĩ tôi hoành tráng bấy nhiêu.. Thật là nan giải. Giờ họ nghĩ tôi rất giỏi giang và khiên tốn.
Dù sao thì có ảnh hưởng đến ai cơ chứ? Nói thật thì cũng khá thú vị khi được đóng vai một thiên tài trong lĩnh vực tài chính.
“Vâng, thực sự dạo này bọn cháu cũng hơi bận một chút.” Tôi điềm tĩnh nói. “Vụ sát nhập SBG với Rutland ấy mà.”
“Phải rồi,” Janice thì thào.
“Cháu nhắc chú mới nhớ đấy,” Martin đột nhiên nói. “Becky, cháu ở đây nhé. Đợi chú hai giây.”
Rồi ông biến mất trước khi tôi kịp nói gì, để lại tôi ngượng nghịu một mình với Janice.
“Thế,” tôi nói vu vơ. “Cháu nghe Tom toàn dùng gỗ sồi ngâm vôi trong nhà bếp ạ!”
Đó thực sự là điều duy nhất mà tôi có thể nghĩ ra mà nói. Tôi mỉm cười với Janice, đợi bà trả lời.
Thế nhưng, bà rạng rỡ nhìn tôi đầy vui sướng. Khuôn mặt bà rực sáng lên – và tôi chợt nhận ra mình đã phạm một sai lầm to lớn. Đáng ra tôi không nên nhắc đến ngôi nhà nhỏ khốn khiếp ấy của Tom. Đáng ra tôi không nên nhắc đến đồ bếp gỗ sồi ngâm vôi. Bà ấy sẽ nghĩ tôi mơ tưởng đến Tom, Vì giờ đây cậu ta đã có một ngôi nhà riêng đứng tên cậu ta.
“Toàn bộ là gỗ sồi ngâm vôi và gạch lát nền Địa Trung Hải,” bà nói, đầy tự hào. “Có hai sự lựa chọn là gạch Địa Trung Hải và gạch của Farmhuose Quarry và Tom đã chọn Địa Trung Hải.”
Trong vòng một giây, tôi đã cân nhắc xem có nên nói tôi sẽ chọn đồ của Farmhuose Quarry không. Nhưng như thế có vẻ hơi quá đáng.
“Dễ thương quá!” tôi nói. “Và còn có cả hai phòng ngủ nữa!”
Làm sao mà tôi không thể thoát ra khỏi chủ đề về ngôi nhà nhỏ khốn khiếp ấy nhỉ?
“Nó vẫn luôn mong có hai phòng ngủ mà,” Janice nói “Hơn mọi thứ, cháu chưa từng thấy chuyện này, phải không?” Bà mỉm cười ý nhị với tôi, và kỳ cục làm sao, tôi nhận thấy mặt mình bắt đầu đỏ ửng lên. Sao tôi lại đỏ mặt nhỉ? Thật là ngu ngốc. Giờ thì bà sẽ nghĩ là tôi thích Tom. Bà sẽ hình dung ra hai đứa tôi ở chung trong ngôi nhà độc thân đó, cùng làm bữa tối với nhau trong căn bếp gỗ sồi ngâm vôi.
Tôi phải nói điều gì đó mới được. Tôi phải nói là “Cô Janice, cháu không hề thích Tom. Cậu ta quá cao và hơi thở còn bốc mùi. “ Nhưng làm thế quái nào mà tôi nói ra được những điều ấy cơ chứ?
“Chà, cô gửi lời hỏi thăm cậu ấy giùm cháu nhé,” tôi nghe mình nói như vậy.
“Chắc chắn rồi,” bà nói, rồi dừng lại. “Mà nó đã có số điện thoại của cháu ở London chưa nhỉ?”
Ặc!
“Cháu nghĩ là rồi ạ,” tôi nói dối, tươi cười rạng rỡ. “Mà lúc nào muốn cậu ấy đến đấy gặp cháu cũng được mà.” Giờ thì điều tôi nói nghe càng giống một câu ám chỉ lộ liễu. Tôi có thể tưởng tượng cuộc trò chuyện này sẽ được thuật lại cho Tom như thế nào. “Con bé hỏi mọi thứ về căn nhà mới của con. Nó còn bảo con gọi điện cho nó nữa đấy!”
Chắc chắn cuộc sống sẽ dễ thở hơn nhiều nếu những cuộc trò chuyện có thể tua đi tua lại rồi xóa sạch như những cuốn video. Hoặc giả bạn có thể bảo người khác không quan tâm tới những gì mình vừa nói, chẳng hạn như trong một phiên xử án. Làm ơn xóa khỏi hồ sơ mọi chi tiết liên quan đến ngôi nhà nhỏ và căn bếp gỗ sồi.
May sao, đúng lúc đó, Martin quay trở ra, tay cầm một tờ giấy.
“Cháu nhìn qua cái này hộ chú một chút,” ông nói. “Cô chú tham gia quỹ có lợi nhuận của Flagstaff Life mười lăm năm nay rồi. Bây giờ đang định chuyển sang quỹ tăng trưởng liên kết mới. Cháu xem có được không?”
Tôi chẳng biết gì cả. Ông ấy đang nói cái gì mới được chứ? Một kế hoạch tiết kiệm mới chăng? Làm ơn đừng hỏi gì cháu hết, tôi muốn nói như vậy. Chú đi mà hỏi những người hiểu họ đang nói gì ấy. Nhưng nếu nói vậy, họ sẽ không còn tin tôi là một thiên tài về tài chính nữa – vậy nên, tôi phải cố hết sức mình.
Tôi lướt qua mấy tờ giấy với phong cách là tôi mong là ra vẻ hiểu biết nhất rồi gật gù mấy cái. Đó là một bức thư hứa hẹn khoản lợi nhuận đặc biệt dành cho những nhà đầu tư chuyển sang quỹ mới. Nghe cũng có lý đấy chứ.
“Công ty đó viết cho cô chú, nói rằng có thể cô chú muốn một khoản lãi suất cao hơn trong những năm nghỉ hưu,” Martin nói. “Thư còn gửi kèm một bản tính toán làm bằng chứng nữa.”
“Họ còn gửi tặng một chiếc đồng hồ bằng quả lắc nữa,” Janice nói xen vào. “Hàng Thụy Sĩ hẳn hoi.”
“Ừm,” tôi nói, chăm chú đọc phần tiêu đề bức thư. “Chà, cháu nghĩ cũng là một ý hay đấy ạ.”
Flagstaff Life, tôi thầm nghĩ. Tôi chắc chắn mình vừa nghe ở đâu đó về bọn này rồi. Flagstaff Life là công ty nào nhỉ? À, phải rồi! Đó là công ty đã tổ chức bữa tiệp sâm panh ở Soho Soho. Đúng rồi. Hôm đó Elly say đứ đù và cứ bảo David Salisbury của tờ The Times là cô ta yêu hắn. Nghĩ mà xem, buổi tiệc đó hoành tráng kinh thật. Hoàng tráng bậc nhất ấy chứ.
Hừm. Nhưng mà còn gì nữa không nhỉ? Còn gì mà tôi vừa mới nghe không nhỉ? Tôi gãi mũi cố nhớ lại… nhưng quên mất rồi. Mà cũng có thể tôi đã nhầm.
“Tổ chức này cũng được xếp hạng là một công ty chứ cháu” Martin nói.
“Ồ vâng,” tôi nói, ngẩng mặt lên. “Trong lĩnh vực này họ được đánh giá cao lắm đấy.”
“Tốt rồi,” Martin nói, trông rất thỏa mãn. “Nếu Becky nghĩ đây là một ý hay…”
“Vâng, nhưng cháu nghĩ không chỉ nên nghe mình cháu!” Tôi nói nhanh. “Ý cháu là một nhà tư vấn tài chính sẽ biết nhiều điều hơn đấy ạ…”
“Nghe nó nói kìa!” Martin nói, cười khúc khích. “Con bé là một chuyên gia tài chính thực thụ rồi đấy.”
“Cháu biết không, Tom thỉnh thoảng cũng mua tạp chí của cháu đấy,” Janice chen vào. “Không phải vì bây giờ nó đang có nhiều tiền rồi muốn đọc về vụ thế chấp hay gì đâu… Mà nó nói những bài báo của cháu rất hay! Tom nói…”
“Cậu ấy tử tế quá!” tôi cắt ngang. “Chà, cháu phải đi bây giờ. Gặp lại cô chú vui quá. Cho cháu gửi lời hỏi thăm Tom!”
Và rồi tôi trở nhanh vào nhà đén nỗi đầu gối tôi va cả vào khung cửa. Rồi tôi thấy có chút áy náy, và ước rằng mình đã tạm biệt hai người tử tế. Nhưng thú thật! Nếu tôi mà còn nghe thêm một từ nào về Tom và cái bếp chết tiệt của cậu ta nữa, tôi sẽ phát điên.
Tuy nhiên, đến lúc ngồi xem chương trình xổ số quốc gia thì tôi đã quên mọi thứ về họ. Chúng tôi đã có một bữa tối ngon tuyệt – Gà Provencale của cửa hiệu Marks and Spencer, và một chai Piont Grigio tuyệt cú mèo mà tôi mang về. Tôi biết gà Provencale là của cửa tiệm Marks and Spencer vì tôi đã mua nó, chỉ vài lần thôi. Tôi còn nhận ra cả cà chua và ô liu phơi trắng, tất cả mọi thứ. Mẹ tôi, tất nhiên, vẫn ra vẻ như mẹ tự nấu chúng, với bí quyết riêng của bà.
Tôi không hiểu sao bà lại phiền hà như thế. Hẳn sẽ chẳng có ai để tâm – nhất là khi chỉ có bố và tôi. Và ý tôi là, hiển nhiên trong căn bếp nhà chúng tôi chẳng bao giờ có tí nguyên liệu tươi sống nào. Có rất nhiều hộp các tông và rất nhiều đồ ăn sẵn – ngoài ra không có gì nữa. Thế nhưng mẹ chẳng bao giờ thừa nhận bà mua đồ ăn sẵn, ngay cả khi đấy là một cái bánh đựng trong hộp giấy bạc. Bố tôi sẽ ăn những cái bánh đầy nấm làm bằng chất dẻo và nước xốt loét nhoét như thế, rồi nói với bộ mặt thẳn tưng, “Ngon tuyệt, em yêu”. Và mẹ tôi sẽ mỉm cười đáp lại, hoàn toàn mãn nguyện với bản thân.
Nhưng mà tối nay, không phải là bánh gói giấy, mà là gà Provencale. (Công bằng mà nói, tôi cho rằng nó trông như thể nhà làm vậy – trừ việc sẽ không ai cắt ớt đỏ nhỏ ra như vậy cả, đúng không? Người ta còn nhiều việc quan trọng hơn để làm.) Dù sao thì chúng tôi cũng chén hết và uống khá nhiều Piont Grigio, chỉ còn một mẩu bánh táo ở trong lò – và tôi đã đề xướng, vẻ như tình cờ, rằng chúng ta cùng đi xem tivi nào. Bởi vì, theo như đồng hồ thì chương trình xổ số Quốc gia đã bắt đầu. Chỉ vài phút nữa thôi, chuyện ấy sẽ xảy ra. Tôi không chờ nổi nữa.
May mắn thay, bố mẹ tôi không phải là những người thích nói chuyện về chính trị hay sách vở. Chúng tôi cập nhật tin tức cho nhau, tôi kể cho bố mẹ về công việc của tôi, còn bố mẹ kể cho tôi về kỳ nghỉ của họ ở Corsica – cuối cùng thì chúng tôi chẳng còn chuyện gì để nói. Chúng tôi cần xem tivi, như một thứ để tiếp tục buổi tán chuyện.
Thế là cả ba người rồng rắn vào phòng khách, bố tôi bật chiếc lò sưởi chạy bằng khí đốt rồi bật tivi lên. Và đây rồi! Chương trình xổ số quốc gia xuất hiện trên màn hình màu rực rỡ. Các ngọn đèn vụt sáng, và Dale Winton đang trêu đùa cùng Tiffany từ EastEnders, và như mọi khi, khán giả hò hét rất hồ hởi. Dạ dày tôi càng lúc càng co thắt lại, còn tim tôi đập thùm thụp thùm thụp. Bởi chỉ ít phút nữa thôi, những quả bóng kia sẽ được quay. Chỉ ít phút nữa thôi, tôi sẽ trở thành triệu phú. Tôi biết rõ rằng mình sẽ là triệu phú.
Tôi bình tĩnh ngả người trên ghế bành, nghĩ xem mình sẽ làm gì khi trúng giải. Ý tôi là ngay khi biết mình trúng. Tôi sẽ hét lên chứ? Hay tôi sẽ giữ im lặng? Mà có khi chẳng nên nói cho ai trong vòng hai mươi bốn giờ ấy chứ. Có lẽ tôi không nên nói cho bất kỳ một ai.
Suy nghĩ mới mẻ này thực sự làm tôi ngỡ ngàng. Tôi sẽ là một người thắng xổ số bí mật! Tôi sẽ nhận được tất cả số tiền mà không có chút áp lực nào hết. Nếu mọi người hỏi tôi tại sao có thể mua nhiều đồ hiệu như thế thì tôi chỉ cần nói với họ là tôi đang làm thêm rất nhiều thôi. Đúng rồi! Và tôi sẽ bí mật thay đổi cuộc sống của bạn bè tôi, như một thiên thần tuyệt diệu.
Tôi chỉ mới tưởng tượng ra cái nhà tôi có thể mua mà không ai biết sẽ to đến mức nào thì một giọng nói trên tivi đánh động tôi.
“Câu hỏi số ba.”
Cái gì cơ?
“Con vật mà tôi yêu thích nhất là con chim hồng hạc bởi vì nó màu hồng, lông xù, và có đôi chân dài.” Cô gái ngồi trên chiếc ghế bỗng duỗi cặp chân dài bóng bẩy ra khiến khán giả hết sức phấn khích. Tôi sửng sốt nhìn cô ta chằm chằm. Chuyện gì thế này? Tại sao chúng tôi lại đang xem chương trình Blind Date?
“Hồi trước xem cái show này còn thấy buồn cười,” mẹ tôi nói. “Bây giờ thì xuống dốc rồi.”
“Thế em bảo nó nhí nhố vớ vẩn à?” bố tôi vặn lại đầy hoài nghi.
“Bố ơi, thật ra, chúng ta có thể quay lại…”
“Em không bảo bây giờ nó buồn cười. Em nói là…”
“Bố!” tôi nói, cố gắng không tỏ ra bồn chồn quá. “Chúng ta có thể chuyển vê kênh BBC1 một lát được không ạ?”
Bind Date biến mất và tôi thở phào nhẹ nhõm. Lát sau, một người đàn ông đứng đắn xuất hiện trên màn hình.
“Điều mà cảnh sát đã không tính tới,” ông ta nói với giọng âm mũi, “là những nhân chứng không đủ khả năng…”
“Bố!”
“Cái lịch phát sóng đâu rồi?” ông sốt ruột hỏi. “Phải có chương trình gì đấy hay hơn cái này chứ.”
“Sắp có chương trình xổ số!” Tôi gần như thét lên. “Con muốn xem xổ số!”
Tôi hoàn toàn hiểu rằng dù tôi có xem nó hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cơ hội trúng giải của tôi – nhưng mà tôi không muốn bỏ mất khoảnh khắc tuyệt vời đó, phải không? Bạn có thể cho rằng tôi hâm hâm một tí, nhưng tôi cảm thấy rằng nếu tôi xem nó thì bằng cách nào đó tôi có thể giao tiếp với những quả bóng qua màn hình. Tôi sẽ nhìn chúng chăm chú khi chúng quay tít rồi nhẹ nhàng hiện ra những con số trúng giải của tôi. Như thể ủng hộ một đội bóng vậy. Đội 1 6 9 16 23 44.
Cũng có thể những con số sẽ không theo đúng trật tự như vậy, phải không?
Đội 44 1 23 6 9 16. Có thể. Hay là Đội 23 6 1…
Bỗng nhiên có một tràng pháo tay, Martine McCutcheon đã hát xong ca khúc của cô ta. Ôi Chúa ơi. Nó sắp diễn ra rồi. Tôi sắp đổi đời rồi.
“Xổ số đã trở nên thương mại hóa quá mức rồi, phải không?” mẹ tôi nói, khi Dale Winton dẫn Martine đến cái nút đỏ. “Thật đáng xấu hổ.”
“Em nói gì cơ, nó trở nên thương mại hóa?” Bố tôi vặn lại.
“Trước đây người ta chơi xổ số để hỗ trợ hoạt động từ thiện.”
“Làm gì có chuyện đó! Đừng có ngớ ngẩn thế! Chẳng có quỹ từ thiện nào hết. Tất cả chỉ là bản thân, bản thân, bản thân.” Bố tôi chỉ cái điều khiển về phía Dale Winton và màn hình tắt phụt.
“Bố!” Tôi la lên.
“Thế anh nghĩ không ai quan tâm đến quỹ từ thiện hả?” mẹ tôi nói vào khoẳng lặng.
“Anh không nói thế.”
“Bố! Bật lại đi,” tôi thét lên. “Bật-lại-đi-ạ!” Tôi đang chuẩn bị giành lấy cái điều khiển, thì bố bật trở lại.
Tôi nhìm chằm chằm vào màn hình, không thể tin vào mắt mình nữa. Quả bóng đầu tiên đã rơi xuống. Và là số 44. Số 44 của tôi.
“… xuất hiện ba tuần trước. Và đây là con số thứ hai. Và đó là số 1.”
Tôi không động đậy được nữa. Nó đang diễn ra, ngay trước mắt tôi. Tôi sắp thắng xổ số thật rồi. Tôi thực sự sắp trúng xổ số! Tôi sắp trúng giải xổ số khốn khiếp đó rồi!
Bây giờ khi nó chuẩn bị diễn ra, tôi cảm thấy lạ thường. Như thể cả đời mình tôi đã biết điều này sẽ xảy ra. Ngồi đó yên lặng trên chiếc ghế sofa, tôi cảm thấy mình như thể đang trong một thước phim tài liệu đời thường về bản thân mình. “Becky Bloomwood đã thầm biết rằng một ngày nào đó cô sẽ trúng xổ số. Nhưng khi ngày đó tới, ngay cả cô cũng không đoán trước được…”
“Và thêm một số bên dưới nữa. Số 3.”
Cái gì cơ? Trí óc tôi tỉnh lại và tôi nhìn chằm chằm vào màn hình sửng sốt. Không thể nào. Số 23 chứ.
“Và số 2, con số thưởng tuần trước.”
Tôi cảm thấy lạnh buốt cả người. Cái quái gì thế này? Những con số này là thế nào?
“Và lại một con số bên dưới nữa! Số 4. Một con số khá phổ biến – nó đã xuất hiện lần thứ mười hai trong năm nay. Và cuối cùng là… số 6! Ôi, chưa bao giò! Đây là lần đầu tiên! Bây giờ, hãy sắp xếp chúng theo thứ tự…”
Không. Không thể nào. Sai sót ở đâu rồi. Dãy số trúng độc đắc không thể là 1,2,3,4,5,44. Đấy không phải là một dãy số xổ số, nó là… nó là một sự tra tấn.
Tôi sắp trúng kia mà. Tôi sắp trúng.
“Nhìn kìa!” mẹ tôi nói. “Thật không thể tin được! 1-2-3-4-5-44.”
“Có gì mà không tin được?” bố tôi đáp. “Cũng giống như những dãy số khác thôi mà.”
“Đâu có!”
“Jane, em không biết tí gì về xác suất à?”
Tôi đứng dậy, lặng lẽ ra khỏi phòng khi nhạc hiệu chương trình xổ số quốc gia trên tivi kết thúc. Tôi vào bếp, ngồi xuống bàn, vùi đầu vào lòng bàn tay. Thực sự thì tôi thấy run run. Làm sao tôi không trúng được cơ chứ? Tôi sắp sống trong một căn nhà lớn, sắp đi nghỉ ở Barbados với tất cả bạn bè, và sắp vào tiệm Agnè b mua tất cả những gì tôi muốn. Điêu đó dường như rất thật.
Còn bây giờ, thay vào đó, tôi ngồi trong căn bếp của bố mẹ, không có nổi tiền cho một kỳ nghỉ, và tôi mới đốt tám mươi bảng vào một cái bát gỗ mà thậm chí tôi chẳng thích chút nào.
Khổ sở, tôi đặt ấm đun nước rồi nhặt Women’s Joural lên, giở qua giở lại – nhưng làm thế cũng chẳng giúp tôi vui lên chút nào. Tất cả mọi thứ đều nhắc tôi nhớ đến tiền. Có thể Cắt Giảm Chi Tiêu là một biện pháp. Tưởng tượng mà xem… tôi cố thắt lưng buộc bụng để tiết kiệm sáu mươi bảng một tuần. Tôi sẽ có £6.000 sau một trăm tuần.
Và bỗng nhiên trí óc tôi thức tỉnh. Sáu nghìn bảng. Chẳng ghê gớm gì, phải không nào? Nếu nghĩ kỹ thì tiết kiệm sáu mươi bảng một tuần có khó lắm đâu. Chỗ đó chỉ bằng mấy bữa ăn thôi. Ý tôi là, thậm chí ta còn chẳng nhận ra ấy chứ.
Chúa ơi, đúng rồi. Tôi sẽ làm như vậy. Sáu mươi bảng một tuần, hằng tuần. Thật tuyệt vời! Tôi sẽ hoàn toàn làm chủ tài chính của mình – và khi tôi thanh toán hết các hóa đơn tôi sẽ vẫn tiếp tục tiết kiệm. Tằn tiện sẽ trở thành một thói quen của tôi. Và cuối năm tôi sẽ vung tiền cho một vụ đầu tư cổ điển, chẳng hạn một bộ váy Armani. Hoặc có thể là Christian Dior. Dù sao cũng phải là một thứ đẳng cấp.
Tôi sẽ bắt đầu vào thứ Hai này, tôi phấn khích, xúc một thìa sôcôla Ovaltine vào cốc. Điều này sẽ làm tôi không tiêu bất cứ thứ gì. Tất cả tiền tiết kiệm của tôi cứ tích dần lên, rồi tôi sẽ giàu. Chuyện sẽ tuyệt vời lắm đây!
OCTAGON > Tài năng… phong cách… tầm nhìn
PHÒNG DỊCH VỤ TÀI CHÍNH
TẦNG 8 TOWER HOUSE
ĐƯỜNG LONDONWINCHESTER S0 44 3DR
Gửi cô Rebecca Bloomwood Số thẻ thanh toán 7854 4567
Căn hộ số 2
Số 4 đường Burney
London SW6 8FD
Ngày 2 tháng Ba năm 2000
Cô Bloomwood thân mếm,
Theo như sổ sách của chúng tôi, hóa đơn Thẻ Bạc Octagon gần đây nhất của cô vẫn chưa được thanh toán. Nếu cô đã trả tiền trong một vài ngày vừa rồi, xin hãy bỏ qua lá thư này.
Hóa đơn của cô hiện nay đã lên tới £235,76. Khoản phải thanh toán nhỏ nhất là £43,00. Cô có thể thanh toán bằng tiền mặt, séc, hoặc thông qua phiếu tín dụng chuyển khoản được đính kèm ở phía dưới. Chúng tôi rất mong sớm nhận được khoản thanh toán của cô.
Trân trọng,
John Hunter
Quản lý Tài khoản Khách hàng
OCTAGON > Tài năng… phong cách… tầm nhìn
PHÒNG DỊCH VỤ TÀI CHÍNH
TẦNG 8 TOWER HOUSE
ĐƯỜNG LONDONWINCHESTER S0 44 3DR
Gửi cô Rebecca Bloomwood Số thẻ thanh toán 7854 4567
Căn hộ số 2
Số 4 đường Burney
London SW6 8FD
Ngày 2 tháng Ba năm 2000
Cô Bloomwood thân mếm,
Đây là thời điểm tiêu xài tốt chưa từng có!
Trong một thời gian có hạn, chúng tôi đang khuyến mại thêm NHIỀU ĐIỂM THƯỞNG với tất cả giao dịch trên £50 qua Thẻ Bạc Octagon* – vì thế ngay lập tức hãy nắm lấy cơ hội để cộng thêm nhiều điểm hơn nữa vào tổng số tiền của bạn và giành lấy những phần quà dành cho những người tích điểm.
Một vài phần quà hấp dẫn đó là:
Một túi da Ý 1.000 điểm
Một lốc sâm panh hồng 2.000 điểm
Hai vé máy bay đến Paris** 5.000 điểm
(Số điểm hiện nay của bạn là: 35 điểm)
Và xin nhớ rằng, trong suốt thời gian khuyến mãi đặc biệt này, khi tiêu £5 bạn sẽ được cộng thêm 2 điểm! Chúng tôi rất mong bạn sẽ tham gia tích cực vào chương trình khuyến mãi đặc biệt này.
Trân trọng,
Adrian Smith
Quản lý Dịch vụ Khách hàng.
* trừ các khoản thanh toán ở quán ăn, hiệu thuốc, sạp báo, và tiệm làm tóc
** với một vài giới hạn – xem tờ bướm đính kèm