Đọc truyện Tu La Thất Tuyệt – Chương 1: Thân thế bi thương – Thiên duyên kỳ ngộ
Hôm ấy, một chiều thu ảm đạm, ngàn lau xào xạc, lá vàng rơi rụng, trong rừng tiếng quạ kêu sương. Ánh tà dương vàng vọt chiếu xuống núi rừng mờ sương khói càng làm thêm vẻ não nùng…
Từ xa chợt vẳng đến tiếng tiêu réo rắt như khóc thương hờn oán, vang lên dìu dặt trong cảnh chiều tà khiến người ta phải não lòng!
Lần theo tiếng tiêu tìm đến, có một nam hài tử mới hơn mười tuổi ngồi bên gốc cây đã rụng hết lá, chỉ còn trơ cành với chiếc ngọc tiêu trắng bạc trên môi.
Trong gió thu giá buốt như thế mà đứa trẻ chỉ mặc chiếc áo vải phong phanh cũ rách với đàn dê quấn quýt xung quanh.
Một lúc sau, đứa trẻ ngừng thổi, từ từ ngẩng lên.
Nó có một khuôn mặt cực kỳ tuấn tú, mũi thẳng, môi thanh, làn da mịn màng, chiếc cằm cương nghị, đến nỗi làm người ta hoài nghi tự hỏi :
– Ở trần gian có người tuấn mỹ đến thế sao?
Thế nhưng nếu nhìn kỹ, trong đôi mắt đen láy sáng tinh anh của hài tử phảng phất một nỗi buồn.
Đứa trẻ giắt cây tiêu vào người đứng lên, chậm rãi bước lại gần đàn dê, trìu mến xoa đầu từng con.
Những con dê nhỏ rúc đầu vào lòng nó đầy thương mến và tin cậy. Đứa trẻ miệng nở nụ cười phô ra hàm răng trắng bóng.
Lúc này nỗi buồn trong đôi mắt nó đã biến mất, chỉ còn lại niềm vui và lòng an ủi, tựa hồ như trong một thế giới bao la này, chỉ có đàn dê mới là tất cả những gì thân thiết nhất của nó trên đời.
Chợt từ xa vẳng đến tiếng gọi run rẩy già nua, bị át đi trong tiếng gió xạc xào :
– Duy… thiếu gia… Duy… thiếu gia…
Hài tử vội ngoảnh về phía tiếng gọi trả lời :
– Phúc bá bá! Duy nhi về đây!
Nói xong vội vã xua đàn dê về chuồng, chẳng bao lâu khuất bóng trong ánh hoàng hôn.
Trời tối dần, từng trận hàn phong rít lên nghe càng thê lương.
Trên con đường mòn len lỏi giữa sườn đồi thấp thoáng hai nhân ảnh, đó chính là hài tử rách rưới khốn khổ chăn dê cùng với một lão nhân đầu bạc lưng còng.
Cả hai dìu nhau đi đến lối nhỏ gập ghềnh.
Thì ra không chỉ có đàn dê, đứa bé còn có một người thân, chỉ cần nhìn dáng đi run rẩy và bộ y phục bạc phếch với nhiều mảnh vá cũng biết số phận lão nhân này cũng chẳng sung sướng gì hơn nó.
Lão nhân vịn vào hài tử, lê đôi chân lẩy bẩy bước đi, thở dài nói :
– Ài! Từ khi lão gia và phu nhân theo nhau lìa trần, lão nô ngày càng yếu đi trông thấy! Lúc lâm chung, phu nhân đã đem thiếu gia phó thác cho lão nô, nào ngờ lão đầu này tuổi cao lắm bệnh, không còn được việc gì nữa! Chẳng những không giúp được gì mà trái lại còn làm khổ thiếu gia thêm…
Nói tới đó chợt nghẹn ngào như có vật gì chặn ngang cổ.
Hài tử giang tay ôm lấy lão nhân, run giọng nói :
– Phúc bá bá đừng nói thế! Duy nhi còn nhỏ, nên không thể đỡ đần gì giúp bá bá, đã già thế mà chẳng những không được hưởng phúc lại phải chịu cảnh cơ cực khốn khổ, đó là tội của Duy nhi!
Hai giọt lệ ứa ra trên đôi mắt nhăn nheo của lão nhân. Lão ghì mái đầu bạc trắng vào ngực hài tử, đôi vai gầy guộc rung lên từng hồi…
Nguyên hài tử tên là Bộc Dương Duy, phụ thân vốn là một lạc đệ tú tài, ba năm trước vì mang trọng bệnh mà qua đời, sau đó ít lâu cả mẫu thân do cực nhọc sầu muộn cũng giã từ trần thế, để lại con côi còn bé dại không nơi nương tựa. Vì phu thê nhuốm bệnh lâu năm nên nghèo túng chẳng còn lại chút của cải nào.
Nhân tình vốn bạc bẽo và hiểm ác.
Từ đó, Bộc Dương Duy bị người đời hắt hủi và bức hiếp, chỉ còn lão nô Chu Phúc tận tụy và trung thành, tận lực nuôi dưỡng con côi của chủ nhân.
Từ khi phu thê lâm trọng bệnh, của cải dần dần bán hết, Chu Phúc phải vào rừng chặt củi bán để kiếm sống qua ngày.
Nhưng hơn một năm qua do tuổi già, lại lao lực quá nhiều nên ngã bệnh không kiếm củi được nữa.
Bộc Dương Duy còn nhỏ nhưng tính khí quật cường, đã xin chăn dê cho một phú gia họ Trương trong làng, được mệnh danh là Trương Bách Vạn.
Với số tiền công rẻ mạt, hai người cũng có bữa rau bữa cháo qua ngày.
Hai người sống rất hòa thuận, thương yêu đùm bọc nhau còn hơn phụ tử.
Sống trong hoàn cảnh ngặt nghèo, cam go như thế đã rèn luyện cho họ có tính cách trầm tĩnh, ý chí vượt khó và nghị lực phi thường.
Chừng nửa canh giờ sau, hai người đến trước một gian nhà tranh tiêu điều đẩy cánh cửa bước vào.
Trong nhà có một bộ bàn bát tiên đã cũ, trên bàn có một ngọn đèn dầu hiu hắt, chiếc bàn thờ để hai linh vị nguội lạnh khói hương, một bộ phản mộc, trên tường treo một cái búa chặt củi và một vài đồ dùng lặt vặt.
Ngoài những thứ đó ra, trong nhà không còn vật gì khác nữa.
Gió lạnh lùa vào tấm phiên tre thưa nát làm ngọn đèn hắt hiu muốn tắt, càng làm cảnh tượng thêm thê lương.
Lão bộc Chu Phúc bảo hài tử ngồi xuống bàn, còn mình đi ra bếp, một lúc sau bưng vào một mâm trên đặt hai tô cháo và một đĩa rau dọn ra bàn.
Cả ngày đã đói mềm nên Tiểu Duy bưng tô cháo ăn ngay.
Chu Phúc chỉ ngồi trìu mến nhìn hài tử, bộ mặt chằng chịt những đường nhăn giãn ra bởi một nụ cười hiền từ.
Tiểu Duy chợt ngẩng lên, trông thấy lão bộc vẫn không động đến tô cháo của mình, ngạc nhiên nói :
– Sao Phúc bá bá không ăn đi?
– Thiếu gia cứ ăn đi, lão nô không muốn ăn.
Giọng hài tử đầy trách móc :
– Duy nhi đã nói mấy lần rồi, bá bá vẫn cứ xưng hô như thế… cháu không thích đâu! Duy nhi còn là thiếu gia gì nữa…
Chu Phúc cười đáp :
– Phúc bá gọi thế quen rồi, không cải được nữa. Vả lại gọi thế cũng được chứ sao đâu?
Lão nhìn tô cháo, nghĩ thầm :
– Chỉ còn lại có hai tô cuối cùng, một mình Duy nhi ăn còn chưa đủ, ta đâu nỡ ăn cho đành.
Tiểu Duy đẩy tô cháo ra nói :
– Bá bá không ăn, Duy nhi cũng không ăn đâu!
Nó cũng biết lão bộc nhường cho mình nên thái độ tỏ ra cương quyết, nhưng trong lòng cảm động, nước mắt trào ra.
Chu Phúc biết tính khí của Tiểu Duy, vội nói :
– Thôi được, bưng bát mà ăn đi. Bá bá cũng ăn đây.
Nhưng lão vừa bưng bát lên chưa ăn được miếng nào thì nghe sầm một tiếng, cửa nhà bật tung.
Hai người kinh hãi nhìn ra.
Ngoài cửa vang lên tiếng chửi :
– Mẹ nó! Quân lộn giống! Người ta bỏ tiền thuê ngươi chăn dê không phải để ngươi ngày ngày thổi tiêu đâu! Hôm nay mất một con, ngươi nói gì với lão tử đây?
Dứt tiếng, một người xồng xộc bổ vào nhà.
Hai người kinh hãi nhìn ra, thấy kẻ vừa xuất hiện là tên quản gia họ Nghiêm của Trương Bách Vạn.
Người ta thường gọi sau lưng hắn là Nghiêm Nhị Lột Da.
Đó là một tên hán tử đầu chồn mắt chuột, vợ ba của Trương Bách Vạn là cô cô của hắn, nhờ chút quan hệ này mà Nghiêm Nhị trở thành đại quản gia của một cơ ngơi lớn vào bậc nhất trong vùng.
Nghiêm Nhị vốn là một tên du thủ du thực, sau khi thành quản gia của Trương Bách Vạn, hắn trở nên chơi bời trác táng, rượu chè, cờ bạc, lầu xanh không thiếu món nào.
Đối với hạ nhân, hắn tha hồ tác oai tác quái, chửi mắng đánh đập không tiếc tay. Bị ức hiếp tàn tệ nhưng hắn được chủ bênh vực nên không ai dám phản kháng.
Lão bộc Chu Phúc thấy Nghiêm Nhị Lột Da vào vội lẩy bẩy đứng lên, miệng cười móm mém nói :
– Nhị tiên sinh! Đừng nóng giận nữa! Mời ngồi!
– Ngồi cái con khỉ. Tên lộn giống của nhà ngươi làm mất dê, ngươi ăn nói thế nào với lão tử đây?
Chu Phúc nài nỉ :
– Hài tử còn trẻ người non dạ, xin Nhị tiên sinh làm ơn làm phúc mở lòng từ bi, tha cho nó lần này…
Nghiêm Nhị Lột Da trừng mắt quát :
– Tha cho nó? Hừ! Nói nghe dễ quá! Ta hỏi ngươi, nếu Viên ngoại biết được, không bảo là ta thông đồng với các ngươi để bán đi sao?
Vừa nói, một tay chống nạnh, tay kia chỉ vào mặt Chu Phúc, bộ dạng hùng hổ chỉ nhìn là đủ ghét.
Tiểu Duy không nhịn nổi, cũng đứng lên chỉ tay vào mặt hắn nói :
– Ông đừng giương tay múa cánh với Phúc bá bá như thế! Tội ai nấy chịu. Muốn xử trí thế nào thì tôi cũng chịu.
Nghiêm Nhị Lột Da tức giận nhảy tới đập bàn quát :
– Láo xược! Lão tử sẽ lột da ngươi!
Chỉ nghe rầm một tiếng, mặt bàn bị đập mạnh nẩy lên, mâm bát đổ loảng xoảng, cháo đổ tung tóe ra cả mặt bàn.
Nghiêm Nhị Lột Da còn chưa hả giận, định hành hung tiếp thì chợt một vật bay thẳng vào mặt hắn.
Chỉ nghe bụp một tiếng, tên quản gia bị cả tô cháo nóng úp vào mặt bắn ra nhoe nhoét khắp mặt mũi áo quần.
Hắn đưa tay vuốt qua, tức giận mặt đỏ hầm hầm quát :
– Quân lộn giống! Ngươi… ngươi…
Lời chưa dứt đã chồm lên chụp lấy cổ áo Bộc Dương Duy, tay kia tha hồ đấm túi bụi, vừa đánh vừa gầm lên như thú dữ.
Cho đến khi nó ngã xuống, Nghiêm Nhị Lột Da vẫn chưa tha, dùng chân đá vào đầu, vào mặt không thương tiếc.
Đứa bé đáng thương không chịu nổi trận đòn thảm khốc kêu la thảm thiết, miệng hộc máu ngất đi.
Chu Phúc thấy vậy không chịu nổi, lao đầu vào bụng tên quản gia tàn bạo, miệng gào lên :
– Quân lòng lang dạ sói kia! Ta liều mạng với ngươi!
Nghiêm Nhị bị cú húc bất ngờ bật lùi ba bước mới đứng vững, hỏa khí bốc lên, lao tới tung chân phóng một cước như trời giáng, đá bắn Chu Phúc vào góc tường.
Lão bộc đã già nua, lại lâm bệnh, rủ xuống chết giấc.
Nghiêm Nhị thấy mình đã gây ra án mạng, đứng ngây ra một lúc, chợt đâu đôi mắt nghĩ ra độc kế tránh tội.
Hắn bước tới bàn bưng cây đèn, không chút do dự châm vào bức phên nứa. Chỉ lát sau, ngọn lửa đã bùng lên.
Nhà tranh vách nứa là mồi tốt cho ngọn lửa, chẳng bao lâu đã cháy đùng đùng.
Nghiêm Nhị Lột Da không thèm nhìn hai nạn nhân đang nằm bất động, miệng cười nham hiểm bước nhanh ra cửa.
Khói sặc sụa xộc vào mặt mũi làm Tiểu Duy bật ho, tỉnh lại mở mắt ra nhìn.
Cả gian nhà đã biến thành một bóc đuốc lửa, nóng hầm hập.
Đứa trẻ nhìn quanh, trông thấy Chu Phúc vẫn còn nằm bất tỉnh dưới chân tường, nó vội lao tới bổ xuống người lão, vừa lay gọi :
– Phúc bá bá! Tỉnh lại đi! Phúc bá bá…
Vừa gọi vừa khóc òa lên.
Lão nhân bị lay gọi một lúc mới tỉnh lại, thấy xung quanh lửa cháy đùng đùng, lão kinh hãi đứng lên nhưng chợt cảm thấy ngực quặn đau không sao chịu nổi lại ngã nhào xuống ôm ngực ho rũ rượi, ộc ra một ngụm máu.
Bây giờ thì lão đã hoàn toàn kiệt sức, không nhúc nhích được chân tay nữa.
Thế lửa càng lúc càng lớn, xung quanh đã có tiếng người gọi cháy xôn xao.
Khắp người mồ hôi ướt đầm đìa, mình mẩy đầy thương tích nhưng Tiểu Duy vẫn cố sức kéo Chu Phúc ra cửa.
Việc đó là quá sức đối với một đứa bé mới hơn mười tuổi, lại vừa đói, vừa bị đánh trọng thương.
Dù cố sức bao nhiêu, nó cũng chỉ kéo lão bộc đi được vài bước.
Chu Phúc thều thào nói :
– Hài tử! Không… được đâu! Con hãy… bò ra… khỏi nhà… giữ lấy mạng… Bá bá… không sống… được nữa đâu!
Bộc Dương Duy nghiến răng nói :
– Không! Phúc bá bá…
Nó bật ho sặc sụa, lại nói tiếp :
– Duy nhi không thể thoát thân một mình bỏ bá bá trong lửa được.
Lão nhân chớp chớp đôi mắt đục mờ, từ đó, đôi dòng lệ ứa ra, lại bật ra một tràng ho rồi nói ngắt quãng :
– Mau đi đi… Đừng quên rằng… Bộc Dương gia… chỉ còn lại con… là người nối dõi… duy nhất… Chỉ cần…
Lão lại bật ho, nhổ ra một bãi đờm lẫn máu, nói tiếp :
– Chỉ cần… nghĩ đến… Phúc bá bá… là ta… mãn nguyện… lắm rồi… Hài tử! Nhanh đi đi… Đừng quên… Nghiêm Nhị… tên lòng lang… dạ sói đó…
Lão nói xong cố sức giằng ra khỏi Tiểu Duy, không ngờ đầu va vào cột nhà, thở hắt ra một hơi rồi tuyệt khí.
Lão bộc trung thành và nhân hậu đã kết thúc cuộc đời thật bi thảm.
Tiểu Duy mở to mắt nhìn lão nhân, một lúc mới hiểu rằng lão đã chết, gục xuống người lão gào lên thảm thiết.
Nhưng ngọn lửa đã táp tới người nóng rực, hài tử ngẩng lên, nghẹn ngào nói :
– Phúc bá bá! Duy nhi sẽ khắc ghi lời bá bá tận tâm can, không bao giờ quên!
Lòng đau như cắt, nó nhìn lại lão nhân một lần cuối cùng rồi nặng nề đứng lên lê ra cửa.
Nhưng mái nhà đã đổ ụp xuống chặn mất lối ra, bốn phía lửa cháy đùng đùng, cả căn nhà đã biến thành biển lửa.
Tiểu Duy than thầm :
– Ta đành chịu chết thiêu cùng Phúc bá bá ở đây thôi!
Nhưng lúc ấy chợt phát sinh kỳ tích!
Cây ngọc tiêu mà Tiểu Duy để trên bàn thờ bên cạnh tấm linh vị chợt phát ra hàn quang màu trắng bạc tương phản với màu lửa đỏ rực. Giống như có một lực lượng nhiệm màu nào đó, trong phạm vi ba thước, ngọn lửa không táp được tới gần.
Không cần hiểu nguyên do cơ sự ra sao, Tiểu Duy thấy vậy cả mừng liền nhảy tới cầm cả cây ngọc tiêu lẫn hai tấm linh bài của phụ mẫu.
Nhờ cây ngọc tiêu tỵ hỏa thần diệu, lát sau nó thoát khỏi biển lửa trùng trùng ra được khỏi nhà.
Mặc dù vậy, tóc tai quần áo trên mình nó cũng đã bén lửa cháy sém, trên người bỏng rất nhiều chỗ.
Vừa ra khỏi thì cả căn nhà đổ ụp xuống.
Lòng đau như cắt, Tiểu Duy đứng lặng nhìn nơi mà trước đây nó đã sống, lẩm bẩm :
– Phúc bá bá hãy yên nghỉ. Duy nhi sẽ báo thù cho bá bá!
Nói xong bước đến một gốc tùng, kiệt sức ngồi xuống.
Bấy giờ đã có một số người rầm rập chạy tới, bất lực nhìn căn nhà đã bị hỏa thiêu không còn cứu được nữa, miệng kêu la inh ỏi.
Tiểu Duy nhìn cảnh tượng đó như đang diễn ra từ cõi xa xăm nào đó không liên quan gì đến mình. Mắt nó cứ trân trân nhìn đám lửa rực cháy sáng cả một góc trời đang thiêu cháy Phúc bá bá thân yêu của mình, hai hàng nước mắt lã chã tuôn rơi.
Một lúc sau, nó dùng tay áo cháy lỗ chỗ lên lau mặt, chợt nghĩ đến Nghiêm Nhị, đôi mắt rực lên ngọn lửa hận thù. Nhìn vào đó, không ai tin được hài tử mới mười tuổi lại có ánh mắt sáng rực đầy thù hận kinh nhân như thế.
Nó cầm chặt ngọn tiêu và hai tấm linh bài của song thân, nhìn lại đám lửa lần cuối rồi nặng nề đứng lên, cố nén nỗi đau lê gót bước đi, bước vào đêm tối.
– Nó đi đâu?
Đến một nơi vô định!
Sau lưng, tiếng người huyên náo vẫn không ngừng truyền đến.
Biết có ai trông thấy hài tử khốn khổ đó không? Nhưng chẳng ai nói với kẻ đơn côi bất hạnh ấy một lời an ủi.
Đầu cúi gằm, trái tim đau nhói vì tủi hờn và thương sót, nó lầm lũi đi, đôi chân nhỏ xíu non nớt trên quãng đường gập ghềnh vô định trong thế giới bao la, nhưng biết có tìm được một chỗ nương thân?
Trong lúc đó, từ một cửa sổ trên tầng lầu ở tòa trang viện đồ sộ của Trương Bách Vạn thò ra một bộ mặt nham hiểm.
Hắn đưa mắt nhìn đám cháy rực trời, nhe răng cười đắc ý.
Đó không phải ai khác, chính là Nghiêm Nhị Lột Da, quản gia của Trương gia trang.
Hắn không ngờ được rằng một trong hai người mà mình định hại đã may mắn thoát khỏi trường hỏa hoạn thảm khốc do hắn gây nên.
Gió vẫn rít lên từng đợt, những đám mây vội vã bay qua như không muốn chứng kiến thảm cảnh của thế nhân…
* * * * *
Ngược theo sơn đạo lên giữa chừng ngọn núi, trước mắt hiện ra một thác nước trắng xóa đổ xuống từ độ cao trăm trượng, từ xa trông như một dải lụa.
Bên dưới vực là dòng sông lớn ầm ầm đổ nước về xuôi.
Ven đường, dưới gốc cổ tùng có một đứa trẻ nằm co quắp, người run lên từng đợt, thỉnh thoảng cất tiếng rên.
Một lúc sau, sức lực hồi phục lại đôi chút, hài tử cố sức bò xuống suối, vục mặt xuống nước uống ừng ực sau đó ngẩng đầu lên.
Bây giờ mấy thấy rõ hài tử chính là Bộc Dương Duy, người vừa thoát khỏi cơn hỏa hoạn thảm khốc.
Chỉ là khuôn mặt tuấn tú của nó giờ đây tái mét, đôi mắt sáng như sao tối xạm hẳn đi.
Lúc này trong lòng nó chỉ còn nỗi đau thương và lòng thù hận, sẽ ăn sâu vào tiềm thức chẳng bao giờ gột rửa nổi…
Quả là cuộc đời đối với nó quá phũ phàng. Mới hơn mười tuổi đã phải lăn lộn kiếm sống, thế mà nơi trú ẩn cuối cùng cũng bị thiêu cháy, người thân yêu cuối cùng bị sát hại một cách thảm thương.
Nó chợt nhớ lại những tháng ngày hạnh phúc bên phụ mẫu, được học hành, được yêu thương chiều chuộng.
Nhưng niềm vui chẳng được bao lâu, sau khi phụ thân lìa đời, mấy vị thúc bá tới đuổi mẹ con nó và Chu Phúc ra khỏi nhà.
Đau thương, sầu khổ và uất ức, sau đó ít lâu mẫu thân cũng tạ thế, bỏ lại một mình nó cô đơn giữa cuộc đời.
May còn có Phúc bá bá tận trung theo nó hầu hạ sớm hôm, nếu không nó đã chết từ lâu…
Thế mà nay Phúc bá bá cũng bị chết thảm, để lại nó một mình trơ trọi trên cõi đời này…
Uống một ngụm nước suối lạnh ngắt, Tiểu Duy dần bình tĩnh lại.
Lúc này đã quá trưa, nhìn quanh thấy rừng núi ngút ngàn, nó hoàn toàn không biết đây là đâu và mình đi được bao xa.
Nó lấy làm lạ rằng lầm lũi đi suốt đêm, không phương hướng, vừa đói, vừa bị thương, sức lực hầu như đã cạn kiệt, nhiều lúc ngất đi lại tỉnh dậy, thế mà đến bây giờ nó vẫn còn sống được.
Vừa đói vừa rét, nhưng xung quanh chỉ là rừng núi hoang, việc kiếm được miếng ăn chỗ nghỉ chỉ là vô vọng.
Đầu váng mắt hoa, nhiều khi nó muốn nằm xuống để quên đi mọi sự đời, nhưng những lúc đó hào khí lại nổi lên, thầm nghĩ :
– Bây giờ mà nằm xuống là chẳng bao giờ còn đứng lên được nữa. Nhưng mình quyết không làm thế, vì nếu chết đi lúc này thì lấy ai để báo thù.
Bụng cồn cào không sao chịu nổi, nó uống thêm mấy ngụm nước, hy vọng nhờ bụng đầy mà quên đi được cơn đói.
Nhưng vừa cúi xuống, chợt thấy ánh hồng sáng lóa.
Tiểu Duy kinh dị ngẩng lên, chợt cười thầm tự nhủ :
– Chỉ là đáy nước phản chiếu ánh mặt trời thôi, có gì đâu chứ?
Nhưng lần thứ hai cúi xuống, nó lại thấy ánh hồng rực sáng.
Tiểu Duy ngạc nhiên nhìn kỹ, chợt nhận ra dưới lòng khe có một trái cây chín đỏ mọng?
Bụng đang đói, nó liền lấy lên xem.
Trái cây to bằng nắm tay dính vào một mẩu cành, không hoa không lá.
Không giằn lòng được, Tiểu Duy bẻ đôi quả ra lập tức mùi thơm tỏa ra sực nức.
Chỉ cần ngửi mùi thơm đó, cơn đó đã nổi lên cồn cào.
Chẳng cần biết trái cây có độc hay không, nó cắn thử một miếng thấy ngọt lịm liền yên tâm ăn hết cả trái.
Trái cây thật diệu kỳ, vừa ăn xong, cơn đói đã biến mất không còn dấu vết.
Nhưng chỉ một lát sau, Bộc Dương Duy cảm thấy khắp người nóng ran, mạch máu căng lên, huyết khí chảy rần rật, mồ hôi chảy đầm đìa, đôi mắt như muốn phóng ra những đốm lửa, nóng đến nỗi làm nó ngã xuống lăn lộn rên rỉ tỏ ra vô cùng đau đớn.
Vừa lúc ấy chợt nghe vang lên một thứ âm thanh quái dị từ xa đến gần lại rất nhanh.
Âm thanh này đáng sợ đến nỗi làm bất cứ ai nghe thấy cũng phải rùng mình chấn động, toàn thân nổi gai ốc, chân tay nhũn đi không sao cử động được, đầu óc mê muội mất đi lý trí!
Người trong giang hồ chẳng ai không nghe nói đến thứ âm thanh này.
Đó là một thứ ma âm khí công vô cùng lợi hại gọi là Đoạt Phách tiêu khiến tất cả các cao thủ võ lâm trong hắc bạch lưỡng đao chỉ cần nghe danh cũng đủ kinh hồn táng đởm!
Chỉ sau chốc lát đã thấy một nhân ảnh màu trắng lướt tới nhanh như tia chớp, từ trên vách đá cao mấy chục trượng lao xuống khe nước chỗ Bộc Dương Duy còn nằm lăn lộn.
Đó là một người mình cao dong dỏng, thân vận bạch bào, dáng vẻ thư sinh, nhưng khuôn mặt thì khiến người ta vừa trông thấy đã rùng mình thất đảm, vì trông trắng nhợt như bộ bạch y mà hắn đang mặc, lạnh như băng hoàn toàn không có sinh khí, tựa hồ như một cái xác chết mới từ huyệt mộ chui lên.
Bây giờ Bộc Dương Duy không lăn lộn nữa mà đã ngất đi.
Bạch y nhân bước đến gần nhìn nó một lúc rồi cúi xuống sờ vào mặt, trên bộ mặt giống như của người chết lộ vẻ kinh dị.
Hắn trân trân nhìn Bộc Dương Duy một lúc nữa, miệng lẩm bẩm :
– Ài! Thiên duyên! Quả thật đây là thiên duyên! Hài tử này vừa được ăn Đại Đào Tiên Quả là thần vật ngàn năm khó cầu.
Hình như Bộc Dương Duy nghe có người nên tỉnh lại, miệng rên rỉ.
Bạch y nhân liền xuất chỉ điểm xuống ba sáu chỗ huyệt trên người nó, thủ pháp cực kỳ thần tốc.
Điểm huyệt xong, bạch y nhân cắp lấy Bộc Dương Duy lướt đi như làn gió, đến bên một bờ vực sâu thắm mới đặt hài tử ngồi xuống, còn mình cũng ngồi sau lưng, dùng tay phải ấn vào hậu tâm nó.
Chỉ lát sau, chợt thấy khí trắng từ lòng bàn tay bạch y nhân tỏa ra.
Trong hôn mê, nhưng Bộc Dương Duy vẫn cảm thấy có một luồng nhiệt khí từ hậu tâm truyền vào cơ thể đối nghịch với cơn sốt do ăn phải hồng quả tạo nên làm cho sự đau đớn trong người giảm đi rất nhiều.
Do luồng nhiệt khí này mà các kinh mạch và huyệt đạo toàn thân tự động vận hành nhanh hơn bình thường gấp bội.
Dần dần cơn đau mất hẳn, luồng nhiệt khí xâm nhập từ hậu tâm bây giờ biến thành hàn khí làm thân nó lạnh toát giống như bị ngâm trong một hố băng, người run lên, hai hàm răng và vào nhau cầm cập.
Trong lúc đó, kinh mạch huyệt đạo vẫn tiếp túc vận hành.
Cuối cùng luồng hàn khí tiêu thất, Bộc Dương Duy cảm thấy cơ thể mình thư thái, chợt tỉnh mở mắt ra.
Thấy trước mặt mình là một người mặt trắng nhợt như ma, nó không khỏi rúng động.
Nhưng đã quen lăn lộn giữa cuộc đời đầy bất hạnh nên hài tử này có khả năng trần định phi thường, bình tĩnh nhìn đối phương.
Bạch y nhân nhìn nó bằng ánh mắt lạnh như băng tuyết, chợt hừ một tiếng nhấc bổng Bộc Dương Duy lên nói :
– Ta muốn ném ngươi xuống vực này, người có sợ không?
Bộc Dương Duy nhìn xuống, thấy bên dưới vực thẳm sâu hút tối om không thấy đáy làm nó rợn cả người.
Nhưng lúc này nó không quan tâm đến vấn đề sống chết nữa nên không thấy sợ, thản nhiên đáp :
– Ném đi! Thì cũng chỉ là chết thôi là cùng!
Bạch y nhân không ngờ một hài tử mới mười tuổi mà nói được một câu khí khái như vậy, ngẩn mặt nhìn Bộc Dương Duy một lúc rồi buông nó xuống.
Sắc mặt của Tiểu Duy trầm tĩnh đến lạnh lùng.
Bấy giờ mặt trời đã thấp dần xuống núi.
Bạch y nhân ngước nhìn ánh tà dương rồi quay lại nhìn Tiểu Duy, trên mặt hiện lên vẻ thê lương, thở dài nói :
– Ngày xưa, khi còn nhỏ, ta cũng vô cùng đau khổ, nhưng cũng lạnh lùng, quật cường như thế…
Bộc Dương Duy nhìn bộ mặt đáng sợ không có một chút huyết sắc của Bạch y nhân, trong lòng kinh dị tự hỏi :
– Chẳng lẽ trong quá khứ con người này cũng là một kẻ cô đơn bất hạnh đáng thương?
Bạch y nhân chợt hỏi :
– Hài tử! Người có thích ta không?
Lúc này hắn nhìn chàng bằng ánh mắt hiền từ, không còn lạnh lùng như trước nữa, có lẽ đó là cái nhìn rất hi hữu trong đời hắn.
Bộc Dương Duy nghĩ thầm :
– Người này miệng thì hung dữ nhưng vừa rồi cứu cho mình khỏi chết, không phải hạng hung ác như Nghiêm Nhị Lột Da hoặc mấy kẻ khẩu Phật tâm xà.
Nghĩ đoạn gật đầu đáp :
– Thích.
Bạch y nhân chú mục nhìn nó, lại hỏi :
– Ngươi không sợ bộ mặt của ta sao?
Bốc Dương Duy khẳng khái trả lời :
– Không!
Bạch Y nhân lộ vẻ ngạc nhiên hỏi :
– Vì sao?
– Vì tôi đã găp không ít người có khuôn mặt dễ nhìn nhưng lòng dạ lại độc như rắn rết. Mặc dù mặt ông trắng nhợt lạnh lùng, đáng sợ nhưng tôi biết tâm tính ông rất tốt. Ông chưa hề quen biết tôi, nhưng vẫn cứu giúp tôi.
Bạch y nhân tỏ ra kích động, bước tới gần xoa đầu nó, dịu dàng nói :
– Hài từ biết nhiều đấy! Một đứa trẻ còn ở tuổi như ngươi mà nói được câu đó thật đáng quý.
Hắn dừng lại một lát, chợt hỏi :
– Ngươi có nguyện ý đi theo làm đồ đệ của ta không? Ta sẽ dạy ngươi võ nghệ.
Trên khuôn mặt tuấn tú của Bộc Dương Duy lộ rõ niềm vui. Nó trả lợi ngay không chút do dự :
– Tôi nguyện ý! Nhưng chỉ sợ mình ngu ngốc học chẳng ra gì phụ mất lòng tốt của người thôi.
Trên bộ mặt trắng nhợt đáng sợ của Bạch y nhân thoáng hiện nụ cười.
Hắn vẫy tay nói :
– Vậy thì hãy bái ta làm sư phụ đi!
Bộc Dương Duy liền quỳ xuống giập đầu ba cái.
Bạch y nhân cười ha ha nói :
– Rất tốt! Bây giờ chúng ta đi thôi!
Dứt lời cắp lấy đồ đệ hú dài một tiếng, tung mình lên cao năm sáu trượng lướt đi như tia chớp…