Truy Tìm Dracula

Chương 44


Đọc truyện Truy Tìm Dracula – Chương 44

“Cha rất xúc động khi cầm những lá thư của thầy Rossi trong tay, nhưng trước khi có thể suy nghĩ về chúng, cha còn có một nghĩa vụ phải hoàn thành. ‘Helen,’ cha quay sang nói với cô, ‘Tôi biết đôi lúc cô cảm thấy tôi không tin câu chuyện cô ra đời như thế nào. Cũng có những lúc tôi hồ nghi chuyện này. Xin cô thứ lỗi.’

“ ‘Tôi cũng ngạc nhiên như anh,’ Helen trầm giọng trả lời. ‘Mẹ tôi chưa bao giờ cho tôi biết bà có bất kỳ lá thư nào của ông Rossi. Nhưng chúng không phải là những lá thư viết cho bà, phải vậy không? Ít nhất là lá thư ở trên cùng.’

“ ‘Không,’ cha đáp. ‘Nhưng tôi nhận ra cái tên này. Ông ta là một sử gia xuất sắc người Anh – chuyên về thế kỷ mười tám. Hồi sinh viên tôi từng đọc một trong những cuốn sách của ông, và trong các lá thư thầy Rossi trao cho tôi, thầy cũng đã kể về ông ta.’

“Helen trông có vẻ bối rối. ‘Chuyện đó thì liên quan gì đến ông Rossi và mẹ tôi?’

“ ‘Tất cả mọi thứ đều có thể liên quan. Cô không nhận thấy sao? Ông ta hẳn phải là ông bạn Hedges của thầy Rossi – đó là cái tên mà thầy Rossi dùng để gọi ông ta, cô nhớ chứ? Thầy Rossi chắc hẳn đã viết cho ông ta từ Rumani, dù chúng ta chưa giải thích được vì sao mẹ cô có những lá thư này.’

“Mẹ Helen chắp tay ngồi nhìn chúng ta, hết người này đến người kia với một vẻ mặt rất nhẫn nại, nhưng cha nghĩ mình đã thoáng thấy nét đỏ bừng vì khích động trên gương mặt bà. Sau đó bà bắt đầu nói, Helen dịch lại cho cha nghe. ‘Bà nói bà sẽ kể hết với anh câu chuyện của bà.’ Giọng Helen xúc động, còn cha thì gần như nín thở.

“Đó là một quá trình không trôi chảy: người phụ nữ lớn tuổi nói chậm rãi, Helen làm nhiệm vụ thông dịch, thỉnh thoảng dừng lại để tỏ cho cha biết là cô cũng ngạc nhiên. Hình như Helen bị sốc vì từ trước đến nay cô chỉ biết câu chuyện một cách đại khái. Cha còn nhớ, khi về đến khách sạn, cha đã mất gần như suốt đêm hôm đó, bằng hết khả năng của mình ghi lại những điều được nghe kể theo trí nhớ. Tới thời điểm đó đã có nhiều sự kiện kỳ lạ xảy ra, và cha ắt hẳn đã rất mỏi mệt, nhưng cha nhớ mình vẫn ghi lại được câu chuyện đó với một sự tỉ mỉ đáng tự hào.

“ ‘Khi còn con gái, tôi sống trong làng P. nhỏ bé – thuộc vùng Transylvania, sát gần bên dòng sông Argeş. Tôi có nhiều anh chị em, phần đông họ hiện vẫn còn sinh sống tại khu vực đó. Cha tôi luôn nói rằng chúng tôi vốn thuộc dòng dõi các gia đình quý tộc xa xưa, nhưng tổ tiên chúng tôi lâm vào cảnh khó khăn, nên tôi đã lớn lên mà không có giày để mang và chăn ấm để đắp. Đó là một vùng đất nghèo nàn, những người duy nhất khá giả ở đó là vài gia đình Hungary, sống trong các biệt thự đồ sộ phía hạ lưu sông. Cha tôi vốn vô cùng khắt khe, tất cả bọn tôi đều khiếp sợ chiếc roi da của cha. Mẹ tôi đau ốm luôn, từ nhỏ tôi đã phải làm việc quần quật trên những cánh đồng bên ngoài làng. Đôi lúc cha xứ mang đến cho chúng tôi thực phẩm hoặc những vật dụng cần thiết, nhưng thường chúng tôi vẫn phải tự lực xoay xở.

“ ‘Khi tôi được khoảng mười tám tuổi, một bà lão từ một làng nào đó trên vùng núi cao, phía thượng lưu dòng sông, đã đến làng chúng tôi. Bà là một vracă, một thầy lang, cũng là người có khả năng đặc biệt nhìn thấy được tương lai. Bà nói với cha tôi bà có một món quà dành cho ông và lũ trẻ, rằng bà đã nghe nói về gia đình chúng tôi và muốn trao cho ông một vật thần diệu, một vật lẽ ra phải thuộc về ông. Cha tôi là người nóng nảy, không muốn mất thời gian cho những bà già mê tín dị đoan, mặc dù chính ông cũng từng dùng tỏi chà lên tất cả các kẻ hở trong căn nhà nhỏ của chúng tôi – ống khói, khung cửa, lỗ khóa và cửa sổ – để trừ ma cà rồng. Ông thô bạo đuổi bà lão đi ngay, nói rằng chẳng có tiền để đổi lấy bất cứ thứ gì bà rao bán. Sau đó, lúc ra giếng làng để lấy nước, tôi thấy bà lão đứng đó và đã cho bà bánh mì nước uống. Bà chúc tôi may mắn, nói tôi tử tế hơn cha tôi và sẽ đền đáp sự rộng lượng của tôi. Sau đó bà lấy trong túi đeo lưng ra một đồng xu nhỏ, đặt vào tay tôi, căn dặn tôi phải giấu và cất giữ đồng xu an toàn, vì nó thuộc về gia đình chúng tôi. Bà còn cho biết đồng xu có xuất xứ từ một lâu đài phía trên vùng thượng lưu sông Argeş.

“ ‘Tôi biết mình nên đưa đồng xu đó cho cha, nhưng tôi không dám vì nghĩ rằng ông ấy sẽ nổi giận vì tôi đã dám trò chuyện với bà phù thủy già kia. Thay vì vậy, tôi đã giấu đồng xu vào góc giường nơi tôi và các chị em gái ngủ chung và không nói cho một ai biết chuyện này. Thỉnh thoảng khi tin chắc không có ai dòm ngó tôi mới lấy đồng xu ra. Tôi cầm nó trong tay và tự hỏi không hiểu bà lão kia có ý gì khi trao nó cho tôi. Một mặt đồng xu là hình một con vật kỳ lạ có chiếc đuôi uốn thành vòng, mặt kia là hình một con chim cùng với một thánh giá nhỏ.

“ ‘Một hai năm nữa trôi qua, tôi tiếp tục quần quật trên mảnh ruộng của cha và giúp mẹ làm việc nhà. Lúc nào cha cũng chìm trong thất vọng vì có quá nhiều con gái. Ông nói chúng tôi sẽ không bao giờ có chồng vì ông quá nghèo, không có gì cho chúng tôi làm của hồi môn, và chúng tôi sẽ luôn là rắc rối lớn của ông. Nhưng mẹ bảo mọi người trong làng đều cho rằng chúng tôi rất xinh đẹp, vì vậy sớm muộn gì cũng sẽ có người hỏi cưới bọn tôi làm vợ. Tôi cố gắng giữ gìn áo quần sạch sẽ và chải, bện tóc gọn gàng, hy vọng một ngày nào đó mình sẽ được lựa chọn. Vào những dịp lễ hội, tôi chẳng thích một ai trong số các anh chàng đến mời tôi khiêu vũ, nhưng tôi biết sớm muộn gì tôi cũng phải lấy một người trong số họ, để không còn là gánh nặng cho cha mẹ. Chị Éva của tôi đã đi Budapest từ lâu, cùng với gia đình Hungary mà chị giúp việc, thỉnh thoảng chị gửi về nhà ít tiền. Thậm chí, có lần chị ấy còn gửi cho tôi một đôi giày tốt, một đôi giày da kiểu dân thành phố mà tôi rất tự hào.

“ ‘Đó là hoàn cảnh cuộc sống của tôi lúc gặp giáo sư Rossi. Rất hiếm khi có người lạ đến làng chúng tôi, nhất là lại đến từ một nơi rất xa, nhưng một ngày kia mọi người rỉ tai nhau cho biết có một người đàn ông đến từ Bucharest đã vào quán rượu cùng một người đàn ông khác, từ một đất nước khác đến. Họ hỏi han nhiều về các ngôi làng nằm dọc dòng sông, và về tòa lâu đài đổ nát trên núi, phía thượng nguồn con sông, cách làng chúng tôi một ngày đi bộ. Người hàng xóm, người đã ghé qua cho chúng tôi biết chuyện này, còn thì thầm với cha điều gì đó khi cả hai ngồi ở chiếc ghế dài bên ngoài cửa ra vào. Cha tôi làm dấu thánh giá và khạc xuống đất. “Chuyện tào lao nhảm nhí,” ông nói. “Chẳng ai lại hỏi những câu như vậy cả. Chẳng khác nào mời Quỷ tới.”

“ ‘Nhưng tôi rất hiếu kỳ. Tôi lấy cớ ra ngoài lấy nước để có thể nghe ngóng thêm chuyện này, khi đến quảng trường làng, tôi nhìn thấy những vị khách lạ ngồi tại một trong hai chiếc bàn đặt bên ngoài quán rượu, đang trò chuyện với một ông lão lúc nào cũng có mặt ở đó. Một trong hai người khách lạ cao lớn và da màu sậm, giống như người Gypsy nhưng ăn mặc theo kiểu dân thành thị. Người kia mặc một chiếc áo khoác màu nâu kiểu tôi chưa từng thấy, ống quần rộng nhét vào đôi giày ống, đầu đội mũ rộng vành màu nâu. Đứng ở phía bên kia quảng trường, gần bên giếng nước, tôi không thể nhìn rõ được gương mặt của anh chàng người nước ngoài. Hai người trong số các bạn tôi muốn nhìn rõ hơn, thì thầm bảo tôi theo họ. Tôi miễn cưỡng bước theo, biết rằng cha sẽ chẳng tán thưởng việc này.

“ ‘Khi chúng tôi đi ngang qua quán rượu, người đàn ông ngoại quốc ngước mắt nhìn lên, tôi ngạc nhiên thấy anh trẻ và đẹp trai quá, bộ râu hoe vàng và đôi mắt xanh sáng ngời giống như những anh chàng trong làng người Đức ở nước chúng tôi. Anh hút tẩu và khẽ chuyện trò với người bạn đồng hành. Một túi xách loại vải bạt, có quai đeo đặt dưới đất bên cạnh anh, còn anh thì đang viết gì đó vào một cuốn sách bìa cứng. Có nét gì đó trên gương mặt anh làm tôi thấy có cảm tình ngay tức khắc – vừa lơ đãng, vừa dịu dàng nhưng vẫn tinh anh. Anh đưa tay lên chạm vào vành mũ chào chúng tôi rồi quay mặt nhìn sang nơi khác ngay, người đàn ông kia cũng đưa tay lên vành mũ, nhìn chúng tôi chằm chằm, sau đó họ quay sang chuyện trò tiếp với già Ivan và lại ghi chép. Người đàn ông hình như đang nói chuyện với già Ivan bằng tiếng Rumani, rồi quay lại nói với chàng thanh niên bằng một thứ ngôn ngữ mà tôi không hiểu. Tôi tiếp tục rảo bước cùng các bạn, không muốn chàng thanh niên xa lạ đẹp trai nghĩ rằng tôi sốt sắng hơn các bạn mình.

“ ‘Sáng hôm sau, cả làng đồn ầm là những người khách lạ đã cho tiền một chàng trai trẻ tại quán rượu, để anh ta dẫn họ đến tòa lâu đài đổ nát, có tên gọi là Poenari, ở vùng thượng lưu sông Argeş. Họ sẽ đi suốt đêm. Tôi nghe cha nói với một người bạn là họ đi tìm lâu đài của Hoàng thân Vlad – ông nhớ lại trước đó gã ngốc có gương mặt Gypsy kia cũng đã từng đến tìm tòa lâu đài. “Một thằng ngốc thì chả bao giờ khôn ra được,” ông bực tức nói. Tôi chưa từng nghe nhắc đến cái tên đó – Hoàng thân Vlad. Dân làng thường gọi tòa lâu đài đó là Poenari hoặc Arefu. Cha bảo anh chàng dẫn đường cho đám khách lạ ấy là một tên điên ham tiền mọn. Ông quả quyết chẳng có món tiền nào có thể buộc ông phải ngủ qua đêm ở đó, bởi đống phế tích kia đầy rẫy tà ma. Ông nói có lẽ người khách lạ đi tìm kho báu đó cũng đang làm một việc điên rồ vì số kho báu của vị hoàng thân kia đã được chôn giấu kỹ và phải chịu một lời nguyền ác độc. Ông nói, nếu bất kỳ ai tìm được kho báu và giải được lời nguyền thì ông phải có một phần, một số báu vật ở đó thuộc quyền sở hữu của ông. Rồi ông bỗng im bặt khi bắt gặp tôi và các chị em gái đang lắng nghe.


“ ‘Những gì cha nói làm tôi nhớ đến đồng xu nhỏ bé mà bà lão đã cho tôi dạo nào, tôi cảm thấy có lỗi vì đã sở hữu một vật mà lẽ ra phải trao lại cho cha. Nhưng đột nhiên một ý tưởng nổi loạn xuất hiện trong tôi, và tôi quyết định sẽ cố trao đồng xu lại cho anh chàng ngoại quốc đẹp trai kia, bởi anh ta đang đi tìm kho báu ở tòa lâu đài. Khi có cơ hội, tôi đã lấy đồng xu ra khỏi nơi cất giữ, giấu nó vào một chiếc khăn tay, buộc chặt vào tấm tạp dề.

“ ‘Hai ngày sau đó, người khách lạ không xuất hiện, nhưng rồi tôi lại nhìn thấy anh ngồi một mình tại chiếc bàn ấy, trông rất mỏi mệt, áo quần dơ bẩn và sờn rách. Bạn bè tôi cho biết, ngày hôm đó tên Gypsy dân thành thị kia đã rời đi, chỉ còn lại một mình người khách ngoại quốc. Không ai biết vì sao anh muốn nán lại. Anh đã bỏ mũ ra, tôi nhìn thấy mái tóc bù xù màu nâu sáng. Vài người đàn ông khác đang cùng ngồi uống rượu với anh. Tôi không dám đến gần, hoặc bắt chuyện với người khách lạ vì quanh anh toàn là đàn ông, vì vậy tôi dừng lại trò chuyện với một người bạn một lát. Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện, người khách lạ đứng dậy và đi ra khỏi quán rượu.

“ ‘Tôi cảm thấy rất nản, nghĩ rằng mình không thể nào trao được đồng xu cho anh. Nhưng chiều hôm đó vận may đã đến. Ngay khi rời khỏi cánh đồng của cha, nơi tôi phải nán lại cho xong việc, anh chị em tôi còn bận bịu với những chuyện nhà lặt vặt khác, tôi nhìn thấy người khách lạ đang lững thững một mình ở bìa rừng. Anh đi dọc theo bờ sông, cúi đầu, hai tay chắp sau lưng. Anh chỉ có một mình, và giờ tôi đã có cơ hội để bắt chuyện với anh, nhưng lại chợt thấy sợ hãi. Thu hết can đảm, nắm chặt chiếc khăn, cùng đồng xu trong đó, tôi bước về phía anh, đứng trên đường mòn chờ anh đến.

“ ‘Khi đứng chờ ở đó, tôi cảm thấy thời gian như dài lê thê. Chắc hẳn anh đã không để ý cho đến khi chúng tôi hầu như mặt đối mặt. Rồi anh ta bất chợt ngước mắt lên khỏi con đường mòn, trông có vẻ rất ngạc nhiên. Anh bỏ mũ và bước sang một bên, tựa như để nhường tôi bước qua, nhưng tôi vẫn đứng yên, thu hết can đảm lên tiếng chào anh. Anh khẽ cúi xuống và mỉm cười, chúng tôi đứng đó, đăm đăm nhìn nhau một lúc. Không có gì trong gương mặt hoặc thái độ của anh làm cho tôi cảm thấy lo sợ, nhưng tôi hầu như ngây người đi vì e thẹn.

“ ‘Trước khi lòng can đảm kịp biến mất, tôi vội tháo chiếc khăn khỏi thắt lưng và lấy đồng xu ra. Tôi đưa nó cho anh, không nói gì, anh cầm lấy, lật qua lật lại, chăm chú xem xét đồng xu. Đột nhiên, mặt anh sáng lên, anh lại đưa mắt liếc nhìn tôi, ánh mắt rất sắc, tựa như có thể nhìn xuyên thấu tâm tư tôi. Khó mà hình dung nổi đôi mắt anh ấy lại sáng ngời và xanh biếc đến thế. Tôi cảm thấy run rẩy. “De unde? – từ đâu?” Anh làm điệu bộ ra dấu cho tôi hiểu câu hỏi của anh. Tôi ngạc nhiên, có vẻ như anh biết một vài từ trong ngôn ngữ chúng tôi. Tôi chợt hiểu khi anh vỗ vỗ lên mặt đất. Phải chăng tôi tìm được đồng xu từ dưới đất? Tôi lắc đầu. “De unde? – Vậy thì ở đâu?”

“ ‘Tôi cố gắng diễn tả hình ảnh một bà lão, khăn trùm trên đầu, gập người trên gậy – đưa đồng xu cho tôi. Anh gật đầu, cau mày. Anh bắt chước dáng điệu của một bà lão, sau đó chỉ tay theo con đường mòn hướng về làng chúng tôi. “Từ nơi đó?” Không – tôi lại lắc đầu và trỏ ngược lên phía trên dòng sông, rồi lên trời, tôi nghĩ tòa lâu đài và làng của bà lão nằm ở trên đó. Tôi chỉ cho anh và làm điệu bộ đang bước đi lên – lên cao trên đó! Mặt anh lại sáng lên, tay nắm chặt đồng xu. Sau đó, tôi đã từ chối khi anh trao đồng xu lại cho tôi, tôi trỏ vào anh và cảm thấy mình đang đỏ mặt. Lần đầu tiên anh mỉm cười, rồi cúi xuống chào tôi, và trong một khoảnh khắc tôi thấy như thiên đường đã rộng mở trước mắt mình. “Multumesc,” anh nói. “Rất cám ơn.”

“ ‘Sau đó tôi muốn bỏ đi ngay, trước khi cha kịp phát hiện tôi không có mặt ở bàn ăn tối, nhưng người khách lạ đã nhanh chóng ngăn tôi lại. Anh chỉ tay vào mình. “Ma numesc Bartolomeo Rossi,”(1) anh tự giới thiệu. Anh ta lặp lại lần nữa, sau đó viết ra trên mặt đất ngay dưới chân. Tôi bật cười khi cố gắng bắt chước anh đọc lên cái tên đó. Sau đó anh chỉ vào tôi. “Voi?- Còn cô?” anh hỏi. “Tên cô là gì?” Tôi trả lời và anh mỉm cười lặp lại. “Familia? – Họ à?” Dường như anh đang mò mẫm tìm từ.

“ ‘ “Họ của tôi là Getzi,” tôi trả lời.

“ ‘Hình như anh rất ngạc nhiên. Anh chỉ tay theo hướng dòng sông, sau đó vào tôi, và lặp đi lặp lại điều gì đó, theo sau là tiếng Drakulya, mà tôi hiểu nó có nghĩa là của con rồng. Tôi không hiểu ý anh. Cuối cùng vừa lắc đầu vừa thở dài anh thốt lên, “Ngày mai.” Anh trỏ vào tôi, vào chính mình, vào nơi bọn tôi đang đứng, và vào mặt trời trên bầu trời. Tôi hiểu anh yêu cầu được gặp lại tôi ở đây, vào cùng thời gian này ngày mai. Tôi biết cha tôi sẽ rất giận nếu biết việc này. Tôi trỏ tay xuống đất, ngay phía dưới chân, sau đó đặt một ngón tay lên môi. Tôi không biết cách nào khác để nói với anh đừng tiết lộ chuyện này với bất kỳ người nào trong làng. Trông anh có vẻ như giật mình, nhưng sau đó cũng đặt một ngón tay lên môi, và lại mỉm cười với tôi. Đến tận giây phút đó, tôi vẫn cảm thấy có phần e sợ anh, nhưng anh vẫn nở nụ cười đôn hậu và đôi mắt xanh sáng lấp lánh. Anh lại cố gắng trả đồng xu cho tôi, nhưng một lần nữa tôi từ chối không chịu nhận, anh cúi chào, đội mũ lên, và đi vào rừng theo hướng mà trước đó anh đã đến. Tôi hiểu anh muốn để tôi quay trở về làng một mình, tôi nhanh chóng rảo bước, không dám quay lại nhìn theo anh.

“ ‘Suốt buổi tối hôm đó, tại bàn ăn cùng gia đình, cũng như lúc rửa và lau chùi chén đĩa với mẹ tôi, không lúc nào tôi thôi nghĩ đến người khách lạ. Tôi nghĩ đến anh, đến bộ áo quần nước ngoài, cách anh cúi đầu chào lịch sự, vẻ mặt vừa lơ đãng vừa tinh anh, đôi mắt sáng ngời làm ấm lòng người của anh. Tôi nhớ đến anh suốt cả ngày hôm sau, khi cùng chị em mình quay sợi, dệt vải, lúc dọn bữa ăn, khi đi lấy nước, trong lúc làm việc đồng áng. Nhiều lần mẹ đã quở trách tôi không chú ý vào công việc đang làm. Lúc chiều tối, tôi nán lại để làm cỏ dại một mình, và nhẹ nhõm cả người khi cha và các anh em trai đi khuất về hướng làng.

“ ‘Ngay khi họ vừa đi khỏi, tôi vội vã chạy đến bìa rừng. Người khách lạ đang ngồi tựa lưng vào một gốc cây, chờ đợi, khi thấy tôi đến anh ngồi nhỏm dậy và mời tôi ngồi trên một khúc cây gần lối đi. Nhưng vì e ngại người trong làng đi ngang qua nên tôi đã dẫn anh vào sâu hơn trong rừng, vừa đi vừa nghe tiếng tim mình đập thình thịch. Sau đó, chúng tôi ngồi xuống hai tảng đá. Rừng cây vang tiếng chim gọi nhau về tổ – trời đầu hạ ấm áp và cây cỏ tươi một màu xanh.

“ ‘Người khách lạ lấy ra từ trong túi đồng xu mà tôi đã trao cho anh, cẩn thận đặt nó lên mặt đất. Sau đó anh lôi trong ba lô ra một hai cuốn sách và bắt đầu lật giở. Tôi hiểu đó là những cuốn tự điển tiếng Rumani và tiếng gì đó mà anh biết. Rất từ tốn, thường xuyên liếc nhìn vào hai quyển sách, anh hỏi liệu tôi đã từng thấy bất kỳ đồng xu nào khác giống đồng xu mà tôi đã trao cho anh. Tôi trả lời không. Anh nói con vật trên đồng tiền là một con rồng, và anh hỏi liệu tôi đã từng thấy con rồng này ở bất kỳ nơi nào khác, chẳng hạn như trên một tòa nhà hoặc trong một quyển sách hay chưa. Tôi trả lời mình có hình con vật đó ở trên vai.

“ ‘Thoạt đầu, anh không hiểu những gì tôi nói. Tôi tự hào vì biết viết và đọc chút đỉnh ngôn ngữ chúng tôi – một thời, lúc tôi còn bé, làng chúng tôi từng có một ngôi trường và một tu sĩ đã đến dạy chúng tôi học. Cuốn tự điển của người khách lạ quá rắc rối với tôi, nhưng chúng tôi đã cùng nhau tìm được chữ vai. Anh hỏi lại vì trông anh có vẻ bối rối, “Drakul?” Anh giơ đồng tiền lên. Tôi chạm vào vai áo khoác và gật đầu. Anh đỏ mặt nhìn xuống đất, và tôi chợt nhận thấy trong hai chúng tôi, tôi mới là người can đảm. Tôi mở nút, cởi chiếc áo khoác len, rồi mở cổ áo cánh. Tim đập thình thịch, nhưng tôi như bị một cái gì đó khống chế và không thể nào dừng lại. Anh nhìn đi nơi khác, nhưng tôi đã kéo chiếc áo cánh để lộ ra bờ vai và trỏ tay vào đó.

“ ‘Tôi không còn nhớ nổi quãng thời gian trước khi tôi mang trên mình hình xăm con rồng nhỏ màu xanh đậm đó. Mẹ tôi nói mỗi thế hệ bên họ cha tôi đều có một đứa trẻ bị xăm hình đó, và ông đã chọn tôi vì nghĩ rằng sau này lớn lên tôi sẽ là đứa xấu xí nhất. Ông nói cụ nội tôi cho biết đó là việc cần thiết để giữ cho ma quỷ tránh xa dòng họ chúng tôi. Tôi chỉ nghe nói về chuyện này một đôi lần, vì cha thường không thích đề cập đến nó, tôi cũng không biết người bà con nào thuộc thế hệ cha có hình xăm này, hoặc nó nằm đâu đó trên chính cơ thể cha, hoặc trên cơ thể của một trong số các anh chị em của ông. Con rồng của tôi trông rất khác với con rồng nhỏ trên đồng xu, nên đến tận khi người khách lạ hỏi liệu tôi còn có bất kỳ thứ gì khác có hình con rồng không tôi vẫn chưa từng thấy hai hình ảnh này có gì liên quan.

“ ‘Người khách lạ quan sát tỉ mỉ hình con rồng trên da tôi, để đồng xu sát bên cạnh để so sánh, nhưng không chạm vào người tôi, thậm chí cũng không nghiêng người lại gần hơn. Anh vẫn còn đỏ mặt và có vẻ như bớt căng thẳng khi tôi cài áo cánh lại và mặc áo khoác vào. Anh tra tự điển và hỏi tôi người nào đã xăm con rồng lên chỗ da thịt đó. Khi tôi trả lời là cha mình, với sự giúp đỡ của một bà lão trong làng, một bà lang, anh hỏi liệu anh có thể nói chuyện với cha tôi về việc đó. Tôi lắc đầu phản đối dữ dội đến nỗi anh lại đỏ bừng mặt lên. Sau đó anh nói với tôi, một cách rất khó khăn, rằng gia đình tôi là dòng dõi của một ông hoàng độc ác, người đã xây dựng tòa lâu đài phía thượng nguồn dòng sông. Ông hoàng này được người ta gọi là “con trai của rồng,” và đã giết hại nhiều người. Anh ta nói ông hoàng đã trở thành một pricolic, một con ma cà rồng. Tôi làm dấu thánh để cầu xin Đức Mẹ che chở. Tôi đã phủ nhận khi anh hỏi liệu tôi có biết câu chuyện này không. Anh hỏi tôi bao nhiêu tuổi và có anh chị em không, và liệu có ai khác trong làng cùng họ với chúng tôi.


“ ‘Cuối cùng tôi chỉ vào mặt trời, gần như đã lặn, để báo cho anh biết là tôi phải trở về nhà, anh đứng lên ngay, trông rất nghiêm túc. Sau đó anh chìa tay ra giúp tôi đứng dậy. Khi nắm lấy bàn tay anh, tôi có cảm giác như tim mình muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Tôi lúng túng và nhanh chóng quay đi. Nhưng tôi chợt nghĩ, vì quá quan tâm đến chuyện ma quỷ nên anh có thể sẽ gặp nguy hiểm. Có lẽ, tôi nên cho anh một cái gì đó để bảo vệ. Tôi chỉ tay xuống đất và vào mặt trời. ‘Ngày mai, đến,” tôi nói. Anh tỏ vẻ ngần ngại một lúc, nhưng sau cùng cũng mỉm cười. Anh đội mũ, đưa tay chạm vào vành mũ ra dấu chào rồi đi khuất vào rừng.

“ ‘Sáng hôm sau, khi tôi ra chỗ giếng nước, anh đang ngồi ở quán rượu cùng với mấy ông lão, và lại viết gì đó. Tôi nghĩ mình đã thấy ánh mắt anh liếc nhìn tôi, nhưng anh không tỏ dấu hiệu nào có quen biết với tôi. Trong thâm tâm tôi rất vui, vì hiểu anh đã giữ kín bí mật của anh và tôi. Trưa hôm đó, khi cha mẹ và anh chị em tôi ra khỏi nhà, tôi đã làm một việc xấu xa: tôi mở chiếc tủ gỗ của cha mẹ lấy ra một con dao găm nhỏ bằng bạc mà trước đây tôi đã nhiều lần trông thấy. Mẹ tôi có lần đã nói nó được dùng để giết ma cà rồng, nếu chúng đến để gây rắc rối cho người hoặc gia súc. Tôi cũng nhổ một nắm hoa tỏi trong mảnh vườn của mẹ rồi giấu các món này vào trong khăn trên đường đi ra đồng.

“ ‘Lần này, các anh tôi cứ kè kè bên tôi, làm việc rất trễ, tôi không thể nào bứt ra khỏi họ, nhưng cuối cùng họ cũng nói sẽ trở về làng và bảo tôi về cùng. Tôi nói mình phải hái thêm một ít cỏ thuốc trong rừng và một lát sau sẽ về. Suốt quãng đường đến chỗ người khách lạ đang ngồi trên tảng đá hôm qua, sâu trong rừng, tôi rất hồi hộp. Anh đang hút tẩu, nhưng khi tôi bước đến, anh đứng bật dậy và bỏ tẩu thuốc xuống. Tôi ngồi xuống và bày ra cho anh thấy những gì tôi mang theo. Trông anh có vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy con dao, và rất thích thú khi tôi giải thích là anh có thể dùng nó để giết pricolici. Anh muốn từ chối, nhưng tôi đã nài nỉ tha thiết đến độ anh không cười nữa và thận trọng dùng khăn tay của tôi gói và cất con dao vào ba lô. Sau đó tôi trao cho anh bó hoa tỏi và bảo anh nên bỏ một ít vào túi áo khoác.

“ ‘Lúc tôi hỏi anh còn ở lại làng bao lâu, anh đưa năm ngón tay – năm ngày nữa. Anh cho biết là sẽ đến nhiều làng khác gần đó, đi từ làng chúng tôi đến từng làng để hỏi chuyện người dân về tòa lâu đài kia. Tôi hỏi sau năm ngày nữa, anh sẽ đi đâu khi rời khỏi làng chúng tôi. Anh nói anh sẽ đến một nước có tên là Hy Lạp, một đất nước tôi đã từng nghe nói đến, sau đó quay về quê mình, ở Anh. Anh vẽ lên đất cho tôi thấy đất nước anh, gọi là Anh quốc, một hòn đảo ở cách xa đất nước chúng tôi. Anh cho tôi biết trường đại học của anh ở đâu – tôi không biết anh hàm ý gì – và viết tên trường lên mặt đất. Tôi vẫn còn nhớ những con chữ này: OXFORD. Sau đó, thỉnh thoảng tôi đã viết lại những con chữ đó, để nhìn ngắm chúng. Đó là từ ngữ lạ lùng nhất mà tôi được nhìn thấy.

“ ‘Đột nhiên, nước ứa ra trong mắt tôi vì tôi hiểu anh sắp ra đi, tôi sẽ không còn bao giờ gặp lại anh hoặc ai đó giống như anh. Tôi đâu muốn khóc – tôi chưa bao giờ khóc vì đám trai làng khó chịu – nhưng giờ tôi không sao ngăn được nước mắt khỏi tuôn tràn trên má mình. Trông có vẻ lo lắng, anh rút trong túi áo khoác và trao cho tôi một chiếc khăn tay màu trắng. Chuyện gì vậy? Tôi lắc đầu. Anh chậm rãi đứng dậy, chìa tay ra giúp tôi đứng lên, giống như chiều tối hôm qua. Trong lúc đứng lên, tôi đã vô tình vấp ngã vào người anh, rồi chúng tôi đã hôn nhau khi anh đỡ lấy tôi. Sau đó, tôi quay người bỏ chạy ra khỏi rừng. Khi ra tới con đường mòn, tôi ngoái lại nhìn. Anh vẫn còn đứng đó, im lìm như một gốc cây, nhìn theo tôi. Tôi chạy suốt đường về làng, thao thức suốt đêm với chiếc khăn giấu trong bàn tay.

“ ‘Chiều tối hôm sau anh đã ở đó, vẫn nơi đó, tựa như chưa từng dịch chuyển từ khi tôi rời đi. Tôi lao đến, anh dang tay ôm lấy tôi. Khi những nụ hôn đắm đuối không còn đủ nữa, anh trải tấm áo khoác xuống đất và chúng tôi cùng nằm xuống. Trong giờ phút đó tôi mới biết thế nào là tình yêu, một khoảnh khắc đặc biệt. Bên trên tôi, đôi mắt anh xanh như bầu trời. Anh cài hoa lên tóc và hôn những ngón tay tôi, tôi ngạc nhiên vì việc anh làm, việc mình làm, và tôi biết như thế là sai, là tội lỗi, nhưng đồng thời cũng cảm nhận niềm vui thiên đường đang bừng mở chung quanh chúng tôi.

“ ‘Sau đó là ba đêm cho đến khi anh ra đi. Chúng tôi gặp nhau sớm hơn vào mỗi chiều tối. Tôi viện đủ mọi lý do có thể nghĩ ra để nói với cha mẹ, và luôn quay về với những bó cỏ thuốc hái trong rừng, tựa như đã vào đó chỉ để hái cỏ thuốc. Mỗi đêm Bartolomeo đều thủ thỉ với tôi là anh yêu tôi và năn nỉ tôi hãy theo anh khi anh rời khỏi làng. Tuy rất muốn nhưng tôi lại e sợ cái thế giới rộng lớn mà từ đó anh đến, mà tôi cũng không thể hình dung làm sao để có thể thoát khỏi cha mình. Mỗi đêm tôi hỏi anh vì sao anh không thể ở lại làng cùng tôi anh lại lắc đầu, nói anh phải về nhà, về với công việc của anh.

“ ‘Vào đêm cuối trước khi anh rời khỏi làng, tôi đã bật khóc ngay khi chúng tôi vừa chạm vào nhau. Anh ôm và hôn lên tóc tôi. Tôi chưa từng gặp một người đàn ông nào dịu dàng và tử tế như vậy. Khi tôi ngưng khóc, anh cởi chiếc nhẫn bạc nhỏ có phù hiệu ra. Tôi không chắc, nhưng lúc đó tôi nghĩ đó là phù hiệu trường đại học nơi anh làm việc. Anh đã đeo chiếc nhẫn đó ở ngón út bàn tay trái. Anh tháo chiếc nhẫn ra, đeo nó vào ngón nhẫn của tôi. Rồi anh ngỏ lời muốn cưới tôi làm vợ. Chắc hẳn anh đã học câu này trong tự điển, vì anh nói là tôi hiểu ngay.

“ ‘Thoạt đầu, ý tưởng đó có vẻ bất khả thi đến nỗi tôi lại bắt đầu khóc – tôi còn quá trẻ – nhưng rồi tôi lại đồng ý. Anh cho tôi hiểu là anh sẽ quay trở lại tìm tôi trong vòng bốn tuần. Anh phải đi Hy Lạp để lo một số công việc ở đó – công việc gì, tôi không thể hiểu. Sau đó anh sẽ trở lại với tôi và sẽ đưa cho cha tôi một ít tiền để làm vui lòng ông. Tôi đã cố gắng giải thích là tôi không có của hồi môn, nhưng anh không nghe. Mỉm cười, anh cho tôi thấy con dao găm và đồng xu mà tôi đã tặng anh, sau đó dùng hai tay ôm vòng lấy mặt và hôn tôi.

“ ‘Lẽ ra tôi phải cảm thấy hạnh phúc, nhưng tôi lại linh cảm thấy sự hiện diện của tà ma và lo sợ sẽ có chuyện gì đó xảy ra khiến anh không thể trở lại. Mỗi khoảnh khắc bên nhau của chúng tôi trong chiều tối hôm đó đều vô cùng ngọt ngào vì tôi nghĩ chúng là những giây phút cuối cùng. Anh tỏ ra rất tự tin, chắc chắn rằng chúng tôi sẽ sớm gặp lại nhau. Đến tận khi khu rừng gần như tối hẳn, tôi vẫn không thể nói lời từ biệt. Nhưng rồi tôi bắt đầu thấy sợ cơn giận dữ của cha nên sau cùng đành hôn Bartolomeo một lần nữa, kiểm tra chắc chắn là bó hoa tỏi vẫn còn trong túi áo anh, rồi rời đi. Tôi cứ ngoái lại nhìn nhiều lần. Lần nào cũng vậy, tôi thấy anh vẫn đứng đó, cầm mũ trong tay. Trông rất cô đơn.

“ ‘Tôi vừa bước đi vừa khóc, tháo chiếc nhẫn nhỏ, hôn lên nó rồi cột gút nó lại trong chiếc khăn tay. Khi về đến nhà, cha đang nổi giận và muốn biết tôi đi đâu khi trời đã tối mà không được phép của ông. Tôi trả lời là cô bạn Maria bị lạc mất một con dê và tôi phải giúp cô đi tìm. Tôi lên giường ngủ, lòng nặng trĩu, đôi lúc cảm thấy tràn đầy hy vọng nhưng rồi nỗi buồn lại ập đến ngay.

“ ‘Sáng hôm sau, tôi nghe nói Bartolomeo đã rời khỏi làng, đi nhờ xe ngựa của một bác nông dân đến Târgoviste. Với tôi, đó là một ngày dài lê thê và chán chường, đến chiều tối tôi lại lững thững vào rừng, đến nơi hẹn hò của chúng tôi, để được một mình ở đó. Tôi lại bật khóc khi thấy lại cảnh cũ. Tôi ngồi xuống những tảng đá mà chúng tôi đã ngồi, nằm xuống nơi chúng tôi đã nằm mỗi chiều tối. Tôi úp mặt xuống đất nức nở khóc. Rồi tôi cảm thấy tay mình chạm vào một cái gì đó giữa đám dương xỉ, và ngạc nhiên khi nhận ra một gói các lá thư vẫn còn nguyên phong bì. Tôi không đọc được những dòng chữ viết tay trên các bì thư, chúng được gửi đến đâu và cho ai, nhưng in ở nắp của mỗi bì thư là cái tên đẹp đẽ của anh, như những dòng chữ vẫn in trong sách. Tôi mở vài lá thư và hôn lên những dòng chữ của anh, dù có thể nhận thấy chúng không phải gửi cho mình. Trong một thoáng, tôi băn khoăn tự hỏi liệu có thể chúng được viết cho một phụ nữ khác hay không, nhưng lập tức gạt phăng ý nghĩ này đi. Tôi nhận ra có lẽ những lá thư hẳn đã rơi ra lúc anh mở ba lô khoe con dao găm và đồng xu mà tôi đã tặng anh.

“ ‘Tôi đã nghĩ đến việc gửi chúng bằng đường bưu điện về Oxford trên đảo quốc Anh, nhưng lại không nghĩ ra được cách phải gửi như thế nào để không bị để ý. Vả lại, tôi không biết sao có tiền mà gửi. Chắc hẳn phải tốn nhiều tiền để gửi một gói như vậy đến hòn đảo xa xôi của anh, trong khi tôi thì chưa bao giờ có tiền ngoại trừ đồng xu nhỏ mà tôi đã tặng anh. Tôi quyết định giữ chúng lại để trao tận tay khi anh trở lại với tôi.

“ ‘Bốn tuần lễ chậm chạp trôi qua, rất chậm. Để có thể theo dõi được ngày tháng, tôi đã khắc những khía hình chữ V vào một gốc cây gần nơi hẹn hò bí mật của chúng tôi. Tôi làm việc đồng áng, giúp đỡ mẹ, kéo sợi và dệt vải để may áo quần cho mùa đông sắp đến, đi lễ nhà thờ, và nghe ngóng tin tức về Bartolomeo ở bất cứ nơi nào có thể. Thoạt đầu những người lớn tuổi còn nhắc đến anh chút ít, và lắc đầu ngao ngán trước mối quan tâm của anh về lũ ma cà rồng. “Chẳng có gì tốt lành từ việc đó cả,” một người trong số họ nhận xét, những người còn lại đều đồng tình. Tôi cảm thấy lòng mình lẫn lộn buồn vui khi nghe thấy vậy. Vui vì được nghe người khác kháo chuyện về anh, bởi tôi không bao giờ có thể thổ lộ với bất kỳ ai một lời nào, nhưng tôi cũng cảm thấy rùng mình ớn lạnh khi nghĩ đến việc anh ấy có thể lôi kéo sự chú ý của lũ pricolici.


“ ‘Tôi không ngớt băn khoăn tự hỏi điều gì sẽ xảy ra khi anh quay trở lại. Liệu anh có đến nhà cha tôi, gõ cửa và xin cha tôi cho phép cưới tôi làm vợ? Tôi tưởng tượng cả gia đình sẽ ngạc nhiên ra sao. Tất cả bọn họ sẽ tụ tập ở cửa nhà và chăm chú nhìn, trong lúc Bartolomeo trao quà cho họ còn tôi hôn từ biệt mọi người. Sau đó anh sẽ dẫn tôi đến một chiếc xe ngựa đang chờ sẵn, thậm chí có thể là một chiếc xe hơi. Chúng tôi sẽ đi xe ra khỏi làng, ngang qua các xứ sở mà tôi không thể hình dung được, bên kia những ngọn núi, xa hơn cả thành phố vĩ đại mà chị Éva đang sống. Tôi hy vọng chúng tôi sẽ ghé thăm Éva, vì lúc nào tôi cũng thương yêu chị nhất. Bartolomeo cũng sẽ quý mến chị ấy, vì chị mạnh mẽ và dũng cảm, và là một người thường đi đây đó như anh.

“ ‘Tôi đã trải qua bốn tuần trong tình trạng như vậy, đến cuối tuần thứ tư tôi cảm thấy mệt, kém ăn và mất ngủ. Khi đã khắc những khía chữ V vào gốc cây được gần bốn tuần, tôi bắt đầu trông ngóng một dấu hiệu nào đó của việc anh sẽ quay lại. Bất kỳ lúc nào có một chiếc xe vào làng, tiếng bánh xe luôn làm cho tim tôi rộn lên. Tôi ra giếng lấy nước ba lần một ngày, chờ mong và trông ngóng tin tức. Tôi thầm nhủ chắc hẳn anh không thể đến đúng sau bốn tuần, và mình nên chờ thêm một tuần nữa. Sau tuần thứ năm, tôi ngã bệnh và nghĩ chắc chắn ông hoàng của lũ pricolici đã giết anh. Có lần, thậm chí tôi đã nghĩ rằng người yêu tôi có thể quay trở lại dưới lốt ma cà rồng. Tôi chạy đến nhà thờ ngay giữa trưa, và cầu nguyện trước tượng Thánh Nữ Đồng Trinh để xua đi cái ý tưởng khủng khiếp đó.

“ ‘Đến tuần thứ sáu rồi thứ bảy, tôi bắt đầu không còn hy vọng. Vào tuần thứ tám, qua nhiều triệu chứng mà tôi thường nghe được từ những phụ nữ có gia đình, tôi chợt hiểu là mình đã có thai. Đêm về, tôi lặng lẽ khóc thầm trong chiếc giường ngủ chung với các chị em, và cảm thấy toàn thế giới, kể cả Chúa Trời và Đức Mẹ Thiêng liêng đều đã bỏ rơi mình. Tôi không biết chuyện gì đã xảy đến với Bartolomeo, nhưng tôi tin chắc chuyện đó phải khủng khiếp lắm, vì tôi biết anh thực sự yêu tôi. Tôi bí mật đi hái các loại cỏ và rễ cây, những thứ được cho rằng có thể ngăn không cho đứa bé trong tôi ra đời, nhưng chỉ hoài công vô ích. Đứa bé lớn mạnh trong tôi, mạnh hơn cả tôi, và bất chấp bản thân mình tôi bắt đầu yêu cái sức mạnh đó. Lúc kín đáo đặt tay lên bụng, tôi cảm nhận được tình yêu của Bartolomeo và tôi tin rằng anh không thể nào quên tôi.

“ ‘Tôi biết mình phải rời khỏi làng trước khi mang tủi nhục đến cho gia đình và hứng chịu cơn lôi đình của cha. Tôi nghĩ đến việc thử tìm bà lão đã trao cho tôi đồng xu. Có lẽ bà sẽ cho tôi vào nhà, cho tôi nấu nướng và lau nhà cho bà. Bà đến từ một trong những làng mạc phía thượng lưu sông Argeş, gần lâu đài của ma cà rồng, nhưng tôi không biết làng nào, hoặc liệu bà còn sống hay không. Tôi không dám mạo hiểm băng rừng một mình, vì trên núi ngoài lũ gấu và chó sói còn có rất nhiều ma quỷ.

“ ‘Sau cùng, tôi quyết định viết thư cho chị Éva, tôi đã gửi thư cho chị một đôi lần. Tôi lấy vài tờ giấy và một cái bì thư từ nhà của vị cha xứ, nơi thỉnh thoảng tôi tới giúp việc bếp núc. Trong lá thư, tôi nói rõ cho chị biết tình trạng của tôi và cầu xin chị đến giúp tôi. Phải mất năm tuần sau thư trả lời của chị mới đến. Tạ ơn Chúa, bác nông dân mang lá thư cùng một ít hàng tiếp tế đến nhà đã trao nó cho tôi chứ không phải cha, và tôi đã bí mật vào rừng để đọc. Khi ấy bụng tôi đã lùm lùm, nên tôi cảm thấy lạ lùng khi ngồi xuống một khúc cây, dù vậy tôi vẫn có thể giấu cái bụng tròn đó dưới tấm tạp dề của mình.

“ ‘Có một ít tiền trong thư, tiền Rumani, tôi chưa bao giờ thấy nhiều tiền như vậy, thư của chị Éva ngắn gọn và thực tế. Chị nói tôi phải đi bộ rời khỏi làng, đến làng kế tiếp, cách xa khoảng năm cây số, và sau đó bắt xe ngựa hoặc xe tải đến Târgoviste. Từ đó tôi có thể đáp xe đến Bucharest, và từ Bucharest tôi có thể đi xe lửa đến biên giới Hungary. Chồng chị sẽ đợi tôi tại trạm biên phòng T – vào 20 tháng Chín – tôi vẫn còn nhớ ngày hẹn đó. Chị nói tôi phải tính toán thế nào để có thể đến nơi đúng ngày hôm đó. Kèm theo thư của chị còn có một thư mời có đóng dấu của Chính phủ Hungary, giúp tôi vào đất nước đó. Chị gởi lời yêu thương đến tôi, và bảo tôi phải rất thận trọng, và cầu chúc tôi lên đường bình an. Khi đọc đến cuối thư, tôi đã hôn lên chữ ký của chị và cầu Chúa phù hộ cho chị bằng tất cả tấm lòng mình.

“ ‘Tôi gói nhúm đồ đạc ít ỏi của mình vào một túi nhỏ, gồm cả đôi giày tốt kia để dành cho lúc lên xe lửa, những lá thư mà Bartolomeo đã đánh rơi và chiếc nhẫn bạc của anh. Một buổi sáng nọ tôi rời bỏ căn nhà tranh của gia đình mình, ôm hôn người mẹ đang càng lúc càng già yếu của tôi. Tôi muốn sau này mẹ hiểu đó là một cách tôi tạm biệt bà. Tôi nghĩ bà sẽ ngạc nhiên, nhưng bà không hỏi tôi câu nào. Sáng hôm đó, thay vì ra đồng, tôi đã băng qua khu rừng, cố tránh đường lộ. Tôi dừng lại để chào từ biệt địa điểm hẹn hò bí mật trong rừng, nơi tôi đã nằm cùng Bartolomeo. Bốn tuần khắc trên thân cây đã mờ nhạt. Ở đó tôi đã đeo lại vào tay chiếc nhẫn của anh và cột khăn lên đầu, như một phụ nữ đã có chồng. Tôi có thể cảm nhận mùa đông đang đến qua những chiếc lá vàng và bầu không khí se lạnh. Tôi đứng đó khá lâu, sau đó đi dọc theo con đường mòn đến làng kế bên.

“ ‘Tôi không nhớ toàn bộ chuyến đi đó, chỉ còn nhớ là tôi rất mệt và đôi lúc rất đói. Có đêm tôi ngủ nhờ nhà một bà lão, bà đã cho tôi ăn xúp đỡ dạ và càu nhàu lẽ ra chồng tôi không nên để tôi đi một thân một mình như vậy. Có lúc tôi phải tá túc trong kho thóc. Sau cùng tôi tìm được một chuyến xe đến Târgoviste, và sau đó bắt thêm một chuyến nữa đến Bucharest. Tôi không biết đi xe lửa sẽ mất bao nhiêu tiền, vì vậy tôi rất cẩn thận, và chỉ bỏ tiền ra cho việc ăn uống khi cần thiết. Bucharest rất lớn và đẹp, nhưng tôi cảm thấy khiếp sợ vì ở đó có quá nhiều người, tất cả đều ăn mặc đẹp, và bọn đàn ông trâng tráo nhìn tôi ngay cả ở giữa đường. Tôi phải ngủ tại ga xe lửa. Tàu hỏa cũng làm tôi sợ, một con quái vật khổng lồ, đen đúa. Khi đã ngồi trên tàu, cạnh bên cửa sổ, tôi cảm thấy lòng hơi nhẹ nhõm một chút. Con tàu chạy qua nhiều cảnh đẹp tuyệt vời – những ngọn núi, dòng sông và những cánh đồng mênh mông, khác xa với những khu rừng vùng Transylvania chúng tôi.

“ ‘Ở trạm ga biên giới, tôi được biết hôm đó là ngày 19 tháng Chín và tôi đã nằm ngủ trên một chiếc ghế dài cho đến khi một trong các viên chức biên phòng cho tôi vào phòng làm việc của ông và cho tôi uống một ly cà phê nóng. Ông ta hỏi chồng tôi ở đâu, tôi trả lời là đang đến Hungary để gặp chồng. Sáng hôm sau, một người đàn ông đội mũ, mặc com lê đen đến gặp tôi. Anh ta có khuôn mặt rất hiền hậu, hôn lên cả hai má tôi và gọi tôi bằng “em gái”. Tôi luôn quý mến người anh rể này từ lúc đó cho đến ngày anh qua đời, và đến nay tôi vẫn còn yêu quý. Anh ấy còn hơn bất kỳ người anh nào trong gia đình tôi. Anh ấy đã chăm lo mọi thứ, mời tôi một bữa ăn nóng mà chúng tôi ngồi ăn tại một bàn có trải khăn ăn trên tàu. Chúng tôi có thể vừa ăn vừa ngắm nhìn cảnh vật đang lướt trôi bên ngoài cửa sổ.

“ ‘Chị Éva đợi chúng tôi tại ga Budapest. Chị mặc bộ áo vest và váy, đội một chiếc mũ xinh xắn, tôi nghĩ trông chị chẳng khác gì một bà hoàng. Chị ôm chầm và hôn tôi nhiều lần. Đứa bé sinh ra tại một bệnh viện tốt nhất Budapest. Tôi muốn đặt tên nó là Éva, nhưng chị Éva bảo muốn được đích thân đặt tên cho đứa bé và đã gọi nó là Elena. Nó là một đứa bé dễ thương, hai mắt to đen, và biết cười rất sớm, lúc mới năm ngày tuổi. Mọi người ai cũng nói là chưa bao giờ thấy một bé sơ sinh biết cười sớm như vậy. Tôi đã hy vọng nó có đôi mắt xanh của Bartolomeo, nhưng con bé giống hệt gia đình bên tôi.

“ ‘Tôi đã chờ cho đến khi sinh xong đứa bé mới viết thư cho anh ấy, vì muốn báo cho anh biết thông tin về một đứa bé thật sự, chứ không phải chỉ nói về cái bào thai của mình. Khi Elena được một tháng tuổi, tôi đã nhờ anh rể giúp tôi tìm địa chỉ trường đại học nơi Bartolomeo làm việc, trường Oxford, và chính tay tôi viết cái từ lạ lùng này lên bì thư. Anh rể tôi viết hộ tôi lá thư tiếng Đức, chính tay tôi đã ký tên vào bức thư đó. Trong thư tôi kể với Bartolomeo là tôi đã chờ anh suốt ba tháng trời, sau đó phải bỏ làng ra đi vì biết mình sắp có con. Tôi kể về chuyến đi của mình và về ngôi nhà của chị Éva tại Budapest. Tôi kể với anh về Elena, nó xinh đẹp và tươi tắn biết bao. Tôi nói tôi yêu anh và lo sợ một chuyện gì đó khủng khiếp đã xảy ra làm anh không thể quay trở lại. Tôi hỏi khi nào tôi có thể gặp anh, và liệu anh có thể đến Budapest để đón tôi và Elena. Tôi bảo bất chấp chuyện gì xảy ra, tôi sẽ yêu anh suốt đời.

“ ‘Rồi tôi lại chờ, lần này là một thời gian dài, rất dài, khi Elena đã chập chững những bước đi đầu tiên mới có thư của Bartolomeo. Lá thư đến từ Mỹ, chứ không phải từ nước Anh, và được viết bằng tiếng Đức. Anh rể tôi đã dịch lá thư bằng một giọng rất ôn tồn, nhưng tôi nhận ra anh ấy đã quá trung thực, không thay đổi bất kỳ nội dung nào của lá thư. Trong thư, Bartolomeo nói anh đã nhận được thư tôi, lúc còn ở nhà cũ tại Oxford, trước khi đi Mỹ. Anh lịch sự cho biết là anh chưa bao giờ nghe nói hay từng biết tên tôi, và anh chưa bao giờ đến Rumani, vì vậy đứa trẻ mà tôi mô tả có thể không phải là con anh. Anh rất lấy làm tiếc khi nghe một câu chuyện đáng buồn như vậy và anh cầu chúc cho tôi những điều tốt lành. Đó là một lá thư ngắn gọn và rất tử tế, không chút ác tâm nhưng cũng không có dấu hiệu nào cho thấy là anh có biết tôi.

“ ‘Tôi đã khóc rất lâu, tôi còn trẻ và không hiểu con người có thể đổi thay, tâm tư và tình cảm của họ cũng có thể biến đổi. Khi đã ở Hungary được nhiều năm, tôi bắt đầu hiểu ra rằng người ta có thể là một người này khi ở quê hương mình nhưng sẽ là một người khác khi ở đất nước khác. Tôi hiểu rằng điều tương tự đã xảy ra với Bartolomeo. Cuối cùng tôi chỉ ước gì anh đừng nói dối như thế, rằng anh chẳng biết gì về tôi. Tôi ước như vậy bởi khi cùng ở bên nhau tôi đã cảm nhận anh là một người đáng quý trọng, một con người thành thật, tôi không muốn nghĩ xấu về anh.

“ ‘Tôi nuôi Elena lớn lên với sự giúp đỡ của những người bà con, và nó đã trở thành một cô gái thông minh và xinh đẹp. Tôi biết điều này vì con bé mang trong mình dòng máu của Bartolomeo. Tôi đã kể cho con bé nghe về cha nó – tôi chưa bao giờ nói dối con gái mình. Có thể tôi chưa kể cho nó nghe đầy đủ, nhưng nó còn quá trẻ để hiểu được tình yêu có thể làm cho con người trở nên mù quáng và điên khùng đến mức nào. Nó đã vào đại học và tôi rất hãnh diện vì nó, Elena cũng nói với tôi nó đã biết cha nó là một học giả xuất sắc tại Hoa Kỳ. Tôi hy vọng một ngày nào đó nó có thể gặp ông ấy. Nhưng tôi không biết ông ta dạy ở trường đại học mà anh theo học,’ mẹ Helen bổ sung rồi quay lại nhìn cô con gái với vẻ gần như trách móc, và bằng cử chỉ đột ngột này bà kết thúc câu chuyện.

“Helen lắc đầu, thì thầm một vài tiếng gì đó giống như lời xin lỗi hay tự bào chữa. Trông cô có vẻ sửng sốt chẳng kém gì cha. Suốt câu chuyện cô đã ngồi im, tựa như chỉ biết dịch và thở, và chỉ thì thầm điều gì đó khi mẹ cô mô tả con rồng trên vai bà. Sau này, Helen mới cho cha biết mẹ cô không bao giờ cởi đồ trước mặt cô, không bao giờ đưa cô đến những nhà tắm chốn công cộng như bác Éva.

“Thoạt tiên chúng ta ngồi yên lặng tại bàn, cả ba người bọn ta, nhưng sau đó một lát Helen quay về phía cha, bất lực ra dấu chỉ vào gói thư đang nằm trên bàn, trước mặt chúng ta. Cha hiểu; cha cũng đã từng nghĩ như vậy. ‘Tại sao bà không gửi một vài lá trong số này cho thầy Rossi, để chứng tỏ ông đã từng ở bên bà tại Rumani?’

“Cô nhìn về phía mẹ – trong đôi mắt là vẻ vô cùng phân vân, cha nghĩ vậy – sau đó, có vẻ như cô đã nêu câu hỏi này với bà. Câu trả lời của mẹ cô, khi cô dịch ra cho cha nghe đã làm cha nghẹn ngào, một nỗi đau cho cả bà lẫn người thầy bạc tình của cha. ‘Tôi đã nghĩ đến việc này, nhưng qua lá thư của ông tôi hiểu bây giờ tâm tư của ông ấy đã hoàn toàn thay đổi. Tôi nhận ra có gửi đến ông những lá thư này cũng sẽ chẳng có thay đổi nào xảy đến với tôi, trái lại sẽ gây ra nhiều khổ đau hơn, và rồi sẽ mất mát thêm một vài kỷ niệm về ông mà tôi còn có thể gìn giữ.’ Bà đưa tay ra tựa như muốn chạm vào nét chữ của ông, sau đó rút tay lại. ‘Tôi chỉ ân hận là không trả lại được cho Bartolomeo những gì thật sự là của ông ấy. Nhưng ông ấy cũng đã giữ quá nhiều thứ của tôi, nên có lẽ chẳng sai trái gì khi tôi giữ những lá thư này lại cho bản thân mình, phải vậy không?’ Bà đưa mắt nhìn từ Helen sang cha, đột nhiên một chút xao xuyến thoáng hiện trong đôi mắt bà. Cha nghĩ, cha đã nhìn thấy trong đôi mắt đó không phải là sự bất chấp, mà là ngọn lửa hồi tưởng về sự dâng hiến ngày xưa, rất xưa. Cha nhìn đi nơi khác.


“Helen tỏ ra không đồng tình. ‘Vậy tại sao mẹ không trao những lá thư này cho tôi từ sớm, ít nhất là thế?’ Câu hỏi của cô bật ra gay gắt, và ngay sau đó, cô quay sang hỏi bà mẹ cũng câu hỏi đó. Người phụ nữ lớn tuổi lắc đầu. ‘Bà nói,’ Helen dịch, gương mặt đanh lại, ‘bà biết tôi ghét cha tôi, mà bà thì muốn chờ đợi một ai đó yêu quý ông thì mới trao bảo vật này.’ Vì bà vẫn còn yêu ông ấy, cha có thể tiếp lời Helen như vậy, dường như lòng cha đã cảm động đến mức có thể thấu hiểu mối tình đã bị chôn vùi bao năm qua trong căn nhà nhỏ bé đơn sơ này.

“Tình cảm của cha không chỉ dành cho thầy Rossi. Ngồi tại bàn, trong căn nhà đó, cha cầm lấy bàn tay Helen, tay kia nắm lấy bàn tay chai sần của người mẹ, giữ chặt chúng. Vào khoảnh khắc đó, cái thế giới trong đó cha đã lớn lên, sự dè dặt và tĩnh lặng của nó, những thói quen và tập quán của nó, cái thế giới trong đó cha đã học hành và thành đạt rồi thỉnh thoảng tập tành yêu đương, có vẻ như đã xa tít tắp như dải Ngân hà. Cha không thể nói liệu mình có muốn hay không, nhưng nếu không vì nỗi xúc cảm nghẹn ngào trong cổ họng ắt hẳn cha đã có thể tìm được một cách nào đó để nói cùng hai người phụ nữ này, cùng mối quan hệ dẫu có khác nhau nhưng đều sâu sắc của họ với thầy Rossi, rằng cha cảm nhận sự hiện diện của ông giữa chúng ta.

“Một lát sau, Helen im lặng rút tay ra khỏi tay cha, nhưng mẹ cô vẫn để nguyên như vậy và bằng giọng nói êm ái, bà hỏi một câu gì đó. ‘Bà muốn biết bà có thể làm gì để giúp anh tìm được thầy Rossi.’

“ ‘Xin cô nói với bà là bà đã giúp tôi, và tôi sẽ đọc những lá thư này ngay khi rời khỏi nơi đây, để xem liệu chúng có thể giúp dẫn chúng ta đi xa hơn không. Nói với bà khi nào tìm được ông ấy chúng ta sẽ báo cho bà biết.’

“Mẹ Helen tỏ vẻ khiêm nhường cúi đầu xuống khi nghe như vậy, và đứng dậy để kiểm tra món hầm trong lò. Một mùi thơm ngào ngạt bốc lên, ngay cả Helen cũng mỉm cười, như thể chuyến trở về căn nhà vốn chẳng phải nhà cô này đã được đền bù. Khoảnh khắc bình yên này giúp cha bạo dạn hơn. ‘Xin cô hỏi xem liệu bà có biết bất kỳ điều gì về ma cà rồng, những điều có thể giúp ích chúng ta trong cuộc tìm kiếm này.’

“Khi Helen dịch lại yêu cầu này, cha chợt nhận ra mình đã phá vỡ sự yên bình mong manh vừa xuất hiện. Bà nhìn đi nơi khác rồi đưa tay làm dấu thánh, nhưng một lát sau có vẻ như bà đã lấy lại được sức mạnh để tiếp tục nói. Helen chăm chú lắng nghe và gật đầu. ‘Bà nói chúng ta cần phải nhớ tên ma cà rồng kia có thể thay đổi hình dạng. Hắn có thể đến với bọn ta dưới nhiều hình thức khác nhau.’

“Cha muốn biết thực sự câu nói này chính xác có ý nghĩa gì, nhưng mẹ Helen đã bắt đầu múc thức ăn ra đĩa bằng bàn tay run run. Hơi ấm của lò nấu cùng mùi vị của bánh mì và thịt tràn ngập căn nhà nhỏ bé, tất cả chúng ta đều ăn rất ngon miệng, dù trong im lặng. Thỉnh thoảng mẹ Helen vừa vỗ vỗ lên tay cha vừa lấy thêm bánh mì hoặc châm thêm trà tươi cho cha. Thức ăn tuy đơn sơ nhưng nhiều và ngon, ánh nắng chiếu vào từ cửa sổ phía trước như để trang hoàng cho bữa ăn thêm đẹp.

“Khi đã ăn xong Helen bước ra ngoài với một điếu thuốc, mẹ cô vẫy tay ra hiệu cho cha theo bà đi vòng qua bên hông nhà. Ở phía sau là một chuồng gà nhỏ với vài con gà đang bới đất xung quanh, một chuồng thỏ có hai con thỏ tai dài. Mẹ Helen bắt một con thỏ ra, đứng bên cha như trong một màn trình diễn kịch câm dễ chịu, gãi nhẹ lên cái đầu mềm mại của con vật trong lúc nó chớp mắt và khẽ vùng vẫy. Qua một trong các cánh cửa sổ, cha có thể nghe tiếng Helen đang rửa chén đĩa. Mặt trời ấm áp trên cao, xa xa bên kia mái nhà là những cánh đồng xanh mướt, âm vang tiếng vo ve và dập dờn một niềm lạc quan bất tận.

“Rồi cũng đến lúc chúng ta từ giã để trở lại trạm xe buýt, cha cất những lá thư của thầy Rossi vào cặp. Khi chúng ta bước ra ngoài, mẹ Helen dừng lại ở lối đi; có vẻ như bà không nghĩ đến việc bách bộ qua làng để tiễn Helen và cha lên xe buýt. Bằng cả hai tay, bà nắm chặt và thân tình lắc mạnh hai tay cha, nhìn thẳng vào mặt cha. ‘Bà chúc anh lên đường bình an, mong anh sẽ tìm được những gì anh mong muốn,’ Helen giải thích. Cha nhìn vào đôi mắt đen huyền của người đàn bà lớn tuổi và hết lòng cám ơn bà. Bà ôm lấy Helen, buồn bã giữ lấy và vuốt ve khuôn mặt cô trong lòng bàn tay một lúc, sau đó bà để chúng ta lên đường.

“Đến lề đường, cha quay lại nhìn bà lần nữa. Bà đứng ở cửa, một tay vịn vào khung, tựa như cuộc viếng thăm của chúng ta đã làm bà mệt mỏi. Cha đặt chiếc cặp xuống đất và rảo bước trở lại với bà, nhanh đến nỗi trong khoảnh khắc cha không kịp nhận ra mình đã hành động như vậy. Rồi, trong lúc nhớ đến thầy Rossi, cha ôm bà trong vòng tay và hôn lên đôi má mềm mại, đã hằn những nếp nhăn năm tháng. Bà đứng thấp hơn cha một cái đầu, ôm cha thật chặt, vùi mặt vào vai cha. Đột nhiên bà xoay người và chạy biến vào nhà. Cha nghĩ bà muốn được một mình với những cảm xúc riêng tư nên đã quay đi, nhưng chỉ một giây sau bà đã quay lại. Cha ngạc nhiên khi bà lại xuất hiện, nắm lấy và ép chặt vào lòng bàn tay cha một vật gì đó nhỏ và cứng.

“Khi xòe tay ra, cha thấy một chiếc nhẫn bạc có một phù hiệu nhỏ. Cha hiểu ngay đó là chiếc nhẫn của thầy Rossi và bà định nhờ cha trả lại cho ông. Khuôn mặt bà bừng sáng, đôi mắt đen huyền chợt long lanh. Cha lại cúi xuống hôn bà, nhưng lần này là một cái hôn lên miệng. Đôi môi bà ấm và dịu ngọt. Khi buông bà ra, đi như chạy trở lại chỗ chiếc cặp và Helen, cha nhìn thấy trên gương mặt người phụ nữ lớn tuổi lấp lánh một giọt lệ lẻ loi. Cha đã đọc được ở đâu đó rằng chẳng có cái gì gọi là giọt lệ lẻ loi, đó chỉ là kiểu nói hoa mỹ xa xưa đầy thi vị. Và có lẽ hiện giờ đúng là như vậy thật, vì đơn giản giọt lệ của bà đang là bạn đồng hành với nước mắt của cha.

“ Ngay khi chúng ta đã ngồi yên vị trên xe buýt, cha lấy các lá thư của thầy Rossi ra và thận trọng mở lá thư đầu tiên. Khi ghi lại lá thư ở đây, cha sẽ trân trọng ý nguyện của thầy, bảo vệ sự riêng tư của người bạn thầy bằng một biệt danh – bí danh, như ông gọi. Cha cảm thấy thật kỳ lạ khi lại được nhìn thấy nét chữ của thầy Rossi – trẻ trung hơn, ít nét bay bướm hơn – trên các trang giấy đã ngả vàng.

“ ‘Anh đọc chúng ở đây sao?’ Helen hỏi, tựa gần như sát vào vai cha, vẻ ngạc nhiên.

“ ‘Ừ, chẳng lẽ cô có thể chờ được hay sao?’

“ ‘Không,’ cô đáp.”

Chú thích:

1. Nguyên văn tiếng Rumani: Tên tôi là Bartolomeo Rossi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.