Đọc truyện Truy Tìm Bức Tranh Thánh – Chương 7
Vị mục sư ngồi ở bàn chăm chú xem xét tờ giấy rất lâu mà không đưa ra một ý kiến nào.Khi nhận được đề nghị của Adam ông ta đã mời chàng trai vào phòng làm việc riêng của mình phía sau nhà thờ Lutheran Đức.
Hóa ra đó là một căn phòng nhỏ trơ trọi, với một chiếc bàn rộng bằng gỗ và rất nhiều những chiếc ghế chẳng chiếc nào ăn nhập với chiếc nào. Một cây thánh giá nhỏ mầu đen là vật trang trí duy nhất được treo trên bức tường trống trải. Adam và vị mục sư ngồi trên hai chiếc ghế cọc cạch. Adam ngồi thẳng đơ trong khi vị đại diện của Chúa trong chiếc áo choàng mầu đen tuyền từ đầu đến chân đang ngồi chống khuỷu tây trên bàn, hai tay ôm đầu, nhìn chăm chăm vào bản sao bức thư.
Sau một hồi khá lâu, ông nói, vẫn không hề ngước mắt lên:
– Nếu ta không lầm thì đây là một tờ biên nhận. Mặc dầu rất ít am hiểu về những chuyện thế này nhưng ta tin rằng Roge et Cie, hẳn là một ngân hàng Thụy sĩ ở Geneva có giữ một vật ở đây gọi là Bức Tranh Thánh của Sa hoàng. Nếu như ta không nhớ đúng về lịch sử, thì có thể thấy nguyên bản của bức tranh Thánh này đâu đó ở Moscow – ông nói tiếp mắt vẫn nhìn tờ văn bản – Có lẽ nếu người cầm tờ biên nhận này đến Geneva thì sẽ có quyền nhận bức tranh đã được nói đến ở trên, tức là bức tranh Thánh George và con Rồngdo ngài Emmanuel Rosenbaum gửi – Vị mục sư nói thêm, lần đầu tiên ngước mắt lên – Thú thực là ta chưa bao giờ nhìn thấy một cái gì như thế này.
Ông gấp tờ giấy lại đưa trả cho Adam. Adam nói:
– Cảm ơn Cha. Như thế này cũng rất có ích rồi ạ.
– Rất tiếc là Đức Giám mục bề trên của ta hiện đang đi vắng, bởi vì ta tin ngài có thể làm sáng tỏ hơn về vấn đề này hơn ta nhiều.
Adam nói:
– Cha đã nói tất cả những gì con cần biết rồi – anh vẫn không kìm nổi câu hỏi – Bức trang thánh đó có chút giá trị gì không ạ?
– Một lần nữa ta thú thực là không thể cho một ý kiến có giá trị lắm về lĩnh vực này. Ta chỉ có thể nói với con rằng, cũng như trong mọi thức nghệ thuật, giá trị của một vật có thể vô cùng khác nhau mà chẳng cần giải thích gì cả.
Adam hỏi:
– Vậy thì không có cách nào để biết giá trị của bức tranh Thánh này ư?
– Ta không thể mạo hiểm đưa ra một ý kiến nào, nhưng không nghi ngờ gì là những chuyên gia của Sotheby hay Christie có thể sẽ thích đánh giá thử. Dù sao thì họ cũng tuyên bố trên các quảng cáo rằng ở bất cứ lĩnh vực nào họ cũng có đủ chuyên gia để cho con một lời khuyên.
Adam nói:
– Vậy con sẽ kiểm tra lời quảng cáo của họ xem sao, và sẽ đến gặp họ – Anh đứng lên, bắt tay mục sư và nói – Cha tốt bụng quá.
Mục sư nói:
– Không có gì. Ta rất vui lòng giúp con vì có dịp rời xa những vấn đề về hôn nhân của Freud Gerber và tầm cỡ của Đại diện giáo khu.
Adam lên xe buýt đến Hyde Park Corner rồi nhảy xuống khu xe rẽ sang Knightbridge. Anh đi bộ qua đường và xuôi xuống Piccadilli về phía phố Ritz. Anh nhớ có đọc thấy ở đâu đó rằng nhà hàng Sotheby nằm ở phố Bond, mặc dầu không nhớ ra là có bao giờ nhìn thấy nó chưa.
Anh đi bộ khoảng một trăm mét nữa mới rẽ trái, rồi chú ý nhìn lên tết cả các biển hiệu cả hai bên đường. Anh bỏ qua các tấm biển mang tên Gucci, Cartie, Asprey và bắt đầu phân vân không hiểu mình có nhớ nhầm không, hay là nên kiểm tra trên danh bạ điện thoại. Anh tiếp tục bỏ qua Đại lý Du lịch Ailen và cửa hàng Celine và cuối cùng nhìn thấy hàng chữ vàng trên một quán báo nhỏ phía cuối đường.
Anh băng qua đường phố một chiều và tiến vào cánh cửa bên cạnh quán báo. Có cảm giác như anh là một chú bé lần đầu tiên đến trường mới, bỡ ngỡ với mọi thứ xung quanh và không biết nên hỏi ai. Hầu như tất cả mọi người đi qua anh đều đi thẳng lên cầu thang, anh vừa định theo mọi người thì nghe thấy có tiếng nói:
– Thưa bà, mời bà đi lên cầu thang và đi thẳng. Vài phút nữa người điều khiển cuộc bán đấu giá sẽ chính thức bắt đầu.
Adam quay lại và nhìn thấy một người đàn ông mặc chiếc áo khoác màu xanh lá cây dài. Trên túi áo trái có thêu tên “Sotheby”.
Adam hỏi:
– Tôi muốn nhờ đánh giá một thứ thì gặp ai?
Người đàn ông trả lời như quát:
– Ngài đi thẳng cho đến hết hành lang sẽ gặp người tiếp đón ngồi bên tay trái.
Adam cám ơn anh ta rồi đi đến bàn lễ tân.
Một bà cụ đang giải thích cho cô gái ngồi sau bàn rằng bà ta được bà nội để lại cho chiếc bình từ lâu lắm rồi và bà muốn biết nó có giá trị gì không.
Cô gái nhìn bình gia bảo rồi hỏi:
– Mười lăm phút nữa cụ có thể quay lại không ạ? Lúc đó ngài Makepace của chúng tôi mới có thể xem xét và đoán định giá của nó được.
Bà cụ nói đầy hy vọng:
– Cám ơn cô.
Cô gái cầm chiếc bình rất đẹp lên và đem vào phòng trong. Mấy giây sau cô quay lại và hỏi Adam:
– Tôi có thể giúp được gì ngài không ạ?
Adam đáp:
– Tôi cũng không rõ lắm nữa. Tôi cần hỏi ý kiến về một bức tranh Thánh.
– Ngài có đem theo đây không ạ?
– Không, lúc này nó đang ở nước ngoài.
– Vậy ngài có biết chi tiết gì hơn về bức tranh không ạ?
– Chi tiết ư?
– Tên họa sỹ, thời đại, cỡ bức tranh. Hoặc tốt hơn là ngài có ảnh chụp bức tranh không?
Adam e ngại đáp:
– Không. Tôi chỉ biết tên bức tranh đó thôi, nhưng tôi cũng có một tài liệu liên hệ về nó – anh nói thêm và đưa cho cô ta tờ biên nhận mà anh đã đưa cho mục sư xem.
Cô gái nhìn dòng chữ nguệch ngoạc viết bằng tiếng Đức, nói:
– Không có gì nhiều lắm. Nhưng tôi sẽ thử hỏi ngài Sedgwick, trưởng phòng về các bức tranh Thánh của Nga và Hy Lạp, may ra ông ta có thể giúp được ngài chăng.
Adam nói:
– Cảm ơn cô.
Cô gái nhấc điện thoại lên và hỏi:
– Ngài Sedgwick có thể tiếp một khách hàng muốn hỏi ý kiến được không ạ?
Cô ta lắng nghe một lúc rồi đặt máy xuống:
– Ngài Sedgwick sẽ xuống đây bây giờ, nếu ngài có thể đợi được.
Adam đáp:
– Nhất định rồi.
Anh cảm thấy hơi hoảng sợ. Trong khi cô gái tiếp một khách hàng khác, Adam ngồi chờ ngài Sedgwick và ngắm ngía những bức ảnh treo trên tường. Có rất nhiều ảnh chụp những vật đã được bán trong cuộc bán đấu giá vừa rồi. Một bức tranh lớn của Picasso có tên là Trois Baigneuses, Adam chỉ có thể nhận ra từ đám sơn dầu rực rỡ một hình ba người đàn bà bởi vì vú của họ gần như mọc ngay giữa ngực. Bên cạnh bức tranh của Picasso là một bức của Dega vẽ một cô gái đang tập múa, lần này thì chắc chắn là một cô gái. Nhưng bức trang Adam thích nhất là của họa sĩ anh chưa bao giờ nghe thấy có cái tên là Jackson Pollock đã được bán với giá mười một ngàn bảng. Anh tự hỏi không hiểu có loại người nào có thể quẳng một số tiền lớn đến thế để mua một tác phẩm nghệ thuật.
– Một điển hình của nghệ thuật vẽ cọ.
Một giọng nói cất lên sau lưng anh. Adam quay lại và nhìn thấy một người cao gầy đét với hàng ria hoe hoe và mái tóc đỏ lưa thưa. Bộ comple như treo trên một cái mắc áo di động, ông ta nói bằng giọng eo éo như đàn bà:
– Tên tôi là Sedgwick.
Adam chìa tay ra và nói:
– Tôi là Scott.
– Ồ ngài Scott. Hay là chúng ta lại đằng kia ngồi và ngài sẽ cho tôi biết, tôi có thể giúp gì cho ngài được.
Adam nói và ngồi xuống chiếc ghế đối diện ông ta:
– Tôi cũng không chắc ngài có thể giúp tôi được không. Chỉ là vì tôi được thừa hưởng theo di chúc một bức tranh Thánh và tôi hy vọng may ra nó có giá trị chăng thôi.
Sedgwick mở một cặp kính lấy trong hộp ra và nói:
– Khởi đầu tốt đấy.
Adam nói:
– Cũng có thể không được như vậy, bởi vì tôi không hề biết gì về bức tranh đó và tôi không muốn làm phí phạm thời giờ của ngài.
Sedgwick cam đoan:
– Ngài không hề làm phí thì giờ của tôi tí nào. Chúng tôi đã từng bán rất nhiều những vật có giá trị không đến mười bảng kia
Adam không hề biết điều đó và giọng nói nhẹ nhàng của ông ta khiến anh đỡ bối rối hơn.
– Bây giờ tôi hiểu là ngài không có bức ảnh chụp nào của bức tranh đó đúng không ạ?
Adam nói:
– Đúng như vậy. Hiện nay bức tranh vẫn còn đang ở nước ngoài và nói thật lòng là tôi chưa từng được nhìn thấy nó.
Sedgwick nói và gấp kính lại:
– à ra thế. Nhưng ngài có thể cho tôi biết tí gì về xuất xứ của nó không?
– Rất ít. Bức tranh đó được gọi là bức tranh Thánh của Sa hoàng và chủ đề của nó là Thánh George và Con Rồng.
– Lạ nhỉ – Sedgwick nói – Chỉ mới tuần trước cũng có một người hỏi về bức tranh đó, nhưng ông ta không để lại tên.
Adam hỏi:
– Cũng có người muốn biết về bức tranh Thánh của Sa hoàng đó ư?
Sedgwick gõ gõ chiếc kính lên đầu gối và nói:
– Phải. Một người Nga. Tôi đã kiểm tra lại nhưng có rất ít tài liệu về bức tranh này. Người đó muốn biết bức tranh đó có qua tay chúng tôi không, hoặc chúng tôi có bao giờ nghe nói đến nó không. Tôi chỉ có thể nói với ông ta rằng đó là một tuyệt tác của Rublev, và hiện nay vẫn đang được treo ở Cung điện Mùa Đông để cho dân chúng thưởng thức. Chỉ có một điều chắc chắn rằng bức treo ở Cung điện Mùa đông là nguyên tác bởi vì vành vương niệm bạc của Sa hoàng được khắc phía sau khung tranh. Kể từ thế kỷ mười bốn, người ta đã làm rất nhiều phiên bản các tác phẩm của Rublev và chúng rất khác nhau về chất lượng cũng như giá trị, nhưng hình như ông ta quan tâm đến một phiên bản do họa sĩ triều đình đã chép lại cho Sa hoàng Nicholas vào khoảng năm 1914. Tôi không tìm thất bất cứ một dấu vết nào của bức tranh Thánh ấy trong công trình khảo cứu. Ngài có tài liệu nào về bức tranh Thánh của mình không? Sedgwick hỏi.
Adam nói:
– Không nhiều lắm. Mặc dầu vậy tôi có bản sao của một tờ biên nhận đính kèm tờ di chúc.
Ông Sedgwick lại mở kính ra xem xét tờ biên nhận rất nhiều lần, cuối cùng ông ta nói:
– Tuyệt, rất tuyệt. Tôi thấy có vẻ như nếu Roget et Cietrao lại thì bức tranh Thánh của Sa hoàng – phiên bản do họa sĩ triều đình vẽ thời đó vẽ lại – thì nó thuộc về ngài. Nhưng chắc chắn là ngài sẽ phải tự mình đến đó để nhận bức tranh.
Adam hỏi:
– Nhưng nó có đáng phải phiền hà đến thế không? Ngài có thể cho tôi chút khái niệm gì về giá trị của bức tranh đó không?
Sedgwick lật tờ biên nhận và nói:
– Khó có thể nói được nếu không nhìn thấy thực tế.
– Vậy con số thấp nhất có thể là bao nhiêu?
Ông ta nhăn mặt, sau một hồi cân nhắc mới nói:
– Mười. Có lẽ mười lăm nhưng cao nhất chỉ đến hai mươi là cùng.
Adam nói, không giấu nổi thất vọng.
– Hai mươi bảng! Ngài Sedgwick, xin lỗi vì tôi đã làm phí thì giờ của ngài.
– Không, không, không, ngài Scott, ngài không hiểu tôi rồi. Tôi muốn nói là hai mươi ngàn bảng kia.