Bạn đang đọc Trước vòng chung kết – Chương 9 – Phần 2
Các khán đài ồn lên dữ dội. Các cổ động viên đội Cảng đỏ mặt tía tai:
– Ðá như ăn cướp!
Có người rống đến bể họng:
– Ðồ du côn!
Có người còn quá khích hơn:
– Giết nó! Ðuổi cổ nó ra sân!
Trọng tài, vì không thổi phạt, cũnng nhận được đủ thứ lời lẽ:
– Ðổi trọng tài đi! Ðồ đui!
Kẻ thì lên án khá nặng: – Trọng tài “dỏm”! Ra sân đi!
Kẻ thì xoáy vô đạo đức:
– Trọng tài bán độ!
Không khí phấn khích, căng thẳng ghê gớn. Ông già dù đen cố ngồi thu mình cho nhỏ lại, sợ người khác nhớ ra mình là cổ động viên của đội Hải Quan.
Từng làm trọng tài nên Tân rất thông cảm với tình cảnh người hiệp sĩ áo đen trên sân cỏ. Trong bụng, nó cũng thầm trách những khán giả lên án trọng tài quá đáng. Nhưng còn đối với hậu vệ Hải Quan thì nó dứt khoát không bỏ qua. Ai đời lại đi đá vô chân người ta. Nó ngoạc miệng:
– Ðuổi ra sân đi, đồ chơi xấu!
Nó đang tính hét thêm một câu khác thì anh Sáu đã quay lại:
– Này, em đừng có hét om sòm lên như vậy!
Tân vùng vằng:
– Ai biểu chơi xấu chi! – Chắc gì hậu vệ Hải Quan chơi xấu! Nếu thực là chơi xấu thì trọng tài đã thổi phạt rồi.
– Trọng tài thiên vị!
Anh Sáu nhăn mặt:
– Ðừng có nói ẩu như vậy chớ. Chưa chắc mình đã thấy rõ hơn trọng tài. Với lại đá bóng va chạm là chuyện thường. Nhiều khi để ngăn chặn một đường bóng nguy hiểm, hậu vệ bắt buộc phải phạm lỗi. Vấn đề là sau đó anh ta phải sẵn sàng chấp nhận hình phạt của trọng tài mà không cãi chầy cãi cối.
Tân không đồng ý: – Nói như anh thì cầu thủ được phạm lỗi dài dài hả?
Anh Sáu cười:
– Làm gì có chuyện đó! Phạm lỗi lần thứ nhất thì bị phạt hoặc bị cảnh cáo, lần thứ hai thì thẻ vàng, lần thứ ba thì thẻ đỏ, ra sân luôn, làm sao phạm lỗi dài dài được. Nhưng em phải phân biệt một điều là vô tình phạm lỗi khác với cố tình đá xấu. Một cầu thủ thô bạo rất dễ nhận ra bởi những cú đốn giò, níu áo hay giựt chỏ của họ. Em đá bóng hoài em dư biết chuyện đó chớ.
Tân nhe răng cười vì nó thấy anh Sáu nói có lý. Nhưng đâu phải khán giả nào cũng hiểu ra như vậy. Thiếu gì người ngồi hậm hực suốt nãy giờ.
Ðúng như anh Sáu nói, sự thô bạo xảy ra trên sân rất hiếm. Thỉnh thoảng có những va chạm ở những khu vực đông cầu thủ và thường là trước khung thành mỗi bên, tuy nhiên không ác liệt đến mức phải có một bên nào đó lãnh phạt đền.
Lúc này, đội Cảng đã đưa tiền vệ Thà vào thay Thương, khu trung tuyến dường như trở nên vững chắc hơn và đội Cảng bắt đầu lấy lại ưu thế trên sân, tổ chức được nhiều đợt tấn công sắc bén. Ðội Hải Quan liên tục bị phạt góc. Tới quả phạt góc thứ tư, trung phong Thòn đón được bóng, đánh đầu cực mạnh. Thủ môn Vũ Nhật Thành chỉ kịp đẩy bóng bằng mười đầu ngón taỵ Bị đổi hướng đi, thay vì bay vô lưới, trái bóng bắn về phía trái và chạm góc cao khung thành, nẩy trở ra. Bị bất ngờ, hàng phòng ngự Hải Quan đứng như chôn chân tại chỗ. Hồ Thủy lướt tới dùng ngực đở bóng và sút ngay khi bóng chưa chạm đất. Lưới tung lên trước con mắt bàng hoàng của thủ môn.
Sân vận động như muốn nổ tung trước bàn thắng chớp nhoáng đó. Tiếng la, tiếng hét, tiếng huýt và tiếng vỗ tay nổi lên như sấm. Những khuôn mặt rạng rỡ hạnh phúc, cười toe toét, khoe gần đủ ba mươi hai cái răng. Chìm ngập trong không khí hoan hỉ đó là những khuôn mặt ủ ê. Ông già dù đen cụp dù kẹp vô nách như sắp sửa ra về, không thèm coi tiếp.
Tân hể hả nhứt hạng. Nó nhảy cẫng lên như muốn bay tới ngọn cây trên đầu, hoa chân múa tay loạn xạ. Trong khi “bay”, nó đạp trúng lưng một khán giả ngồi trước khiến ông này quay lại tính gây sự. Anh Sáu phải vội vàng xin lỗi và níu nó ngồi xuống.
Hùng bụi giơ ngón tay cái lên:
– Số dách!
Hùng bụi là cổ động viên của đội Sở Công Nghiệp nên chỉ chia sẻ niềm vui với bạn mình một cách chừng mực để tỏ lòng trung thành với đội của mình. Anh Sáu cũng vui như Tết. Tất nhiên anh không biểu lộ niềm vui của mình bằng cách đập cánh bay lên trời và đá vô lưng người ta như thằng Tân. Anh ngồi yên vỗ tay như những người lịch sự khác, Chỉ cho phép mình quá trớn bằng cách vỗ mạnh tay hơn bình thường cho đến khi hai bàn tay đã rát bỏng không thể đập vào nhau được nữa mới thôi.
Sau bàn thắng của đội Cảng, trận đấu đã tiếp tục đến mười lăm phút rồi mà sự ồn ào trên khán đài vẫn chưa tắt hẳn.
Dưới sân, trận đấu đang ở thế giằng co. Ðội Hải Quan đang dốc sức quyết san bằng tỉ số. Còn đội Cảng thì dứt khoát không để đối phương thực hiện ý đồ. Khu trung tuyến bị tranh chấp quyết liệt. Nhưng hình như các hậu vệ đội Cảng phải làm việc nhiều hơn các hậu vệ Hải Quan. Liêm và Minh nhí thường xuyên đổi chổ cho nhau, khuấy động hàng phòng ngự đối phương. Trong vòng mười lăm phút, đội Cảng không thể nào ổn định lại đội hình đã bị rối loạn. Các tiền vệ đều rút hết về án ngữ trước khung thành nhà nhưng tình hình không có vẻ gì tốt hơn. Bóng liên tục đến chân các cầu thủ Hải Quan. Cỏ xanh trong vùng cấm địa đội Cảng bị dày xéo bởi hàng chục đôi giày của cả hai phe. Sự tấn công dồn dập của đội Hải Quan hầu như không thể nào ngăn chận nổi.
Tất cả khán giả theo dõi đều nín thở khi Liêm đột phá qua Hải và Thăng rồi đột ngột dứt mạnh. Thủ môn Lưu Kim Hoàng nghiến răng đấm bóng văng trở lại. Bóng tới ngay chân Ðức. Ðức sút không cần chỉnh bóng. Bóng lại trúng chân hậu vê Thăng, bật ra. Minh nhí ngã người sút vô-lê cực mạnh. Lưu Kim Hoàng bó tay, nhìn bóng bay qua người. Các cổ động viên đội Hải Quan chưa kịp vỗ tay thì bóng chạm xà ngang dội lại. Hậu vệ Cảng Sài Gòn rối mòng mòng, không biết phải kèm chân sút nào của đối phương. Nguy cơ thường trực đe dọa khung thành. Cầu thủ Hải Quan lại được bóng, Hồ Thanh Dũng dứt sấm sét. Bóng lại trúng cột dọc.
Khán giả hồi hộp muốn đứng tim y như đang coi phim tình báo. Ông già dù đen đấm tay vô ngực: – Làm như khung thành này bị ếm bùa hay sao ấy!
Còn Tân thì đang trải qua một cơn đau tim. Nó thót bụng lại rồi thở ra rồi thót bụng lại, lo lắng cho đội nhà như chính tính mạng mình bị đe dọa. Anh Sáu cũng căng thẳng ghê lắm, nhưng anh không biểu lộ ra ngoài như Tân.
Nhưng nỗi bồn chồn hốt hoảng của Tân cũng như sự trầm tĩnh của anh Sáu không giúp ích được gì cho đội Cảng đang bối rối trong cơn hiểm nghèo.
Như những người đi săn quyết không chịu về tay không, các cầu thủ Hải Quan vẫn kiên trì áp đảo. Thắng lợi trong tầm tay thường kích thích con người cố gắng vượt mức và thường được đền đáp xứng đáng.
Tới cú sút thứ năm của đối phương thì thủ môn Lưu Kim Hoàng đành bất lực. Trái bóng bay sát cột dọc như tên bắn, không cách gì với tới.
Dưới sân, các cầu thủ Hải Quan ôm nhau.
Trên khán đài, thằng Tân ôm mặt.
Sự huyên náo bùng nổ và lan truyền trong đám đông không thua gì lúc nãy. Nhưng trên các gương mặt, niềm vui và nỗi buồn đã đỗi chỗ cho nhau. Như một đứa trẻ, ông già dù đen bay vút lên khỏi chổ ngồi, còn bay cao hơn thằng Tân khi nãy. Ông vẫy dù như thể chim đập cánh, hăng hái đến nỗi rớt một chiếc dép xuống “trần gian”. Và như thể để hòa vào hạnh phúc tươi tắn của chủ, chiếc dép vui vẻ đập “bốp” một cái lên đầu cô gái ngồi dưới thấp. Cô gái giật bắn người, tưởng trời sập, cục cà rem văng ra khỏi miệng, hớn hở chui tọt vào cổ áo của một anh chàng ngồi dưới nữa khiến anh này tưởng mình lên cơn sốt rét đột ngột. May mắn cho ông già dù đen, thứ nhất là nhờ ổng… già, thứ hai là hai nạn nhân xấu số kia đều là cổ động viên của đội Hải Quan, do đó họ thông cảm với niềm vui quá đáng của ổng chớ nếu không thì lôi thôi to. Còn các cổ động viên của đội Cảng thì ngược lại, mặt mày buồn thiu. Dù vậy, trong số họ vẫn có người vỗ tay trước bàn thắng của đối phương. Như anh Sáu chẳng hạn. Cùng với ông già dù đen, anh vỗ tay rất lâu. Nhác thấy thằng Tân bất động, vẻ mặt rầu rĩ pha lẫn hậm hực, anh nheo mắt hỏi:
– Sao em không vỗ tay? Bàn thắng vừa rồi không đẹp hả?
Tân đáp, nó không nhìn anh Sáu:
– Em chỉ vỗ tay cho đội Cảng.
Anh Sáu nhận xét:
– Như vậy là thiếu tinh thần thể thao.
Tân vẫn khăng khăng:
– Mình ủng hộ đội nào thì mình vỗ tay cho đội đó chớ!
– Nhưng ủng hộ đội này đâu phải là lạnh nhạt, thờ ơ với tài nghệ của đội kia.
– Nhưng em không thích vỗ tay khi Hải Quan đá lọt lưới Cảng.
– Vậy là sai! Trước hết, người ta tới sân vận động để coi đá bóng, để thưởng thức nghệ thuật điều khiển trái bóng của cầu thủ. Trước những pha dàn xếp ngoạn mục, những cú đi bóng lắt léo, những cú sút tuyệt kỹ không cần biết của phe nào, người xem chân chính đều cảm thấy rung động và vỗ tay tán thưởng. Bởi vì bóng đá là môn thể thao phục vụ con người, em hiểu không?
Tân nửa hiểu nửa không. Một mặt nó công nhận anh Sáu nói có lý, mặt khác nó cảm thấy rất vô lý khi phải vỗ tay mừng đội Hải Quan đá vô gôn đội Cảng. Nó quay sang Hùng bụi:
– Nè mày, khi đội Sở Công Nghiệp của mày bị đội nào đó “để” 1-0, mày có vỗ tay không?
Hùng bụi giơ cùi chỏ ra:
– Vỗ cái này này! Ở đó mà vỗ tay!
– Còn mày thì sao? – Tân hỏi Minh Mông Cổ – Mày ủng hộ đội nào?
– Tao không ủng hộ đội nào hết. Tao cưng các đội thành phố ngang nhau. Khi nào đội thành phố đá với các đội ở tỉnh khác thì tao ủng hộ đội thành phố, còn thành phố đụng thành phố thi đội nào thắng cũng đuợc.
Minh Mông Cổ trả lời nghe chán phèo. Tân lại ngó xuống sân. Nó cảm thấy ý kiến của Hùng bụi gần gũi với nó hơn ý kiến của anh Sáu, dù là anh Sáu nói có vẻ hợp lý hơn.
Dưới sân, hai đội vẫn thay phiên nhau tấn công. Trận đấu đã trở về trạng thái cân bằng. Dần dần, đội Hải Quan tỏ ra núng thế hơn, nhất là từ khi Tần bị chấn thương phải ra sân. Ðội Cảng gần như dồn hết đội hình lên phần sân dối phương. Phan Hữu Phát của đội Cảng tỏ ra xuất sắc ở cánh mặt, liên tục tạo nên những pha sóng gió trong vùng cấm địa Hải Quan. Cặp chân cuả Hồ Thủy và cái đầu của trung phong Thòn thường xuyên uy hiếp khung thành đối phương. Nhưng thủ môn Vũ Nhật Thành trong một chiều sung sức đã cản phá có hiệu quả những cú kết thúc hiểm hóc của đội Cảng, tỏ ra là một tấm lá chắn vững chắc.
Trong tình hình thế trận chỉ diễn ra trên nửa sân đó, thình lình hậu vệ Toản của đội Hải Quan cướp được bóng và chuyền dài lên phía trước. Bóng rớt sau lưng hàng phòng ngự đội Cảng, lúc này đang dàn hàng ngang ở vạch vôi giữa sân. Tiền đạo Liêm băng lên như một cơn trốt xoáy, bứt qua khỏi các hậu vệ Cảng Sài Gòn, đuổi theo bóng. Sau một thoáng bất ngờ trước đòn phản công chớp nhoáng của đối phương, các hậu vệ đội Cảng choàng tỉnh co giò đuổi theo Liêm.
Các cổ động viên đội Cảng muốn rớt tim ra ngoài khi chứng kiến cảnh rượt bắt vô vọng của hậu vệ đội nhà. Liêm chạy như tên bắn, bỏ đối thủ sau lưng khoảng ba, bốn thước, đang cắm đầu cắm cổ dẫn bóng thẳng vô gôn Lưu Kim Hoàng như ngựa phi về đích. Lưu Kim Hoàng có vẻ lúng túng, nửa muốn đứng trong gôn, nửa muốn chạy ra truy cản đối phương. Và khi anh ta quyết định rời khung thành thì bóng đã lọt vô góc cao bên trái, kéo theo những tràng vỗ tay như sấm dậy trên các khán đài.
Ông già dù đen một lần nữa bay lên. Nhưng lần này, trước khi bay, ông cẩn thận tuột dép cầm nơi tay.
Tiếp thu ý kiến của anh Sáu, Tân vỗ tay đàng hoàng. Nhưng tay nó vỗ mà mắt nó buồn rầu nhìn đám mũ, nón tung lên khắp bốn mặt khán đài như bươm bướm. Rồi nó nhìn lên bảng số. Tỉ số 2-1 như đóng đinh vô ngực nó. Chợt nó la lên:
– Ðồ ăn hại! Có mấy con số mà cũng không biết đường treo!
Tân la chói lói làm Hùng bụi giựt mình, quay lại: – Gì vậy mày?
Tân chỉ tay lên bảng số bên khán đài D, càu nhàu:
– Mày coi tụi nó gắn số kìa!
Ý thằng Tân muốn nói đến mấy đứa nhỏ chuyên lo việc thay số trên hai bảng ghi điểm. Hùng bụi nhìn theo tay chỉ của bạn, ngơ ngác hỏi:
– Có gì đâu?
– Tỉ số gắn lộn mèo vậy mà mày kêu không có gì! – Tân gắt.
Hùng bụi lại nheo mắt dòm lên bảng số:
– Thì 2-1 là đúng rồi chớ gì nữa!
– Mày không chịu để ý gì hết trơn! Hải Quan thắng Cảng 2-1 mà trên kia lại ghi Cảng thắng Hải Quan 2-1, vậy mà không có gì hả? Hùng bụi gật gù: – À đúng rồi! Vậy mà tao không nhìn ra!
Nói xong, Hùng bụi vội vã nhìn xuống sân. Nó sợ thằng Tân cao hứng chỉ một hàng chữ khác.
Nhưng Tân cũng mắc nhìn xuống sân. Nó theo dõi trận đấu và chờ đội Cảng gỡ hòa.
Ðội Cảng không gỡ hòa nổi. Tỉ số cách biệt mong manh đó vẫn giữ nguyên đến hết trận mặc dù trong hiệp hai, đội Cảng có đến ba cơ hội ghi bàn. Hồ Thủy, Thà, rồi Thòn thay nhau sút chệch cột dọc và thử độ cứng của xà ngang.
Tiếng còi chấm dứt trận đấu vừa vang lên, khán giả lục tục đứng dậy, ồn ào chen chúc nhau ra cửa. Hùng bụi và Minh Mông Cổ cũng chen theo dòng người. Anh Sáu và Tân ngồi yên tại chỗ. Khi dòng người đã thưa thớt, hai anh em mới đứng dậy, lặng lẽ rời khỏi sân vận động, không ai nói với nhau một câu nào.
Tối đó, anh Sáu ăn ít hơn lệ thường.
Nuốt qua loa hai chén cơm, anh buông đũa và cầm ly nước ra ngồi một mình trước hiên.
Lát sau, Tân chạy ra ngồi cạnh anh Sáu. Nó quan sát anh một hồi rồi rụt rè hỏi:
– Bộ anh buồn hả?
– Ừ.
– Tại đội Cảng thua hả?
– Ừ.
– Vậy mà hồi chiều lúc đội Cảng thua, anh lại vỗ tay?
– Ðâu phải anh vỗ tay vì đội Cảng thua mà là vì bàn thắng đẹp của đội Hải Quan.
Tân im lặng. Nó nghĩ ngợi một lúc rồi đột nhiên tuyên bố:
– Anh không vô tư.
– Cái gì? – Anh Sáu sửng sốt.
– Nếu anh vô tư thì ai thắng ai thua cũng được, mắc gì anh buồn!
Anh Sáu bật cười:
– Ðâu phải vậy! Vô tư hay không là thái độ thưởng thức trên sân, tức là không thiên vị đội nhà mà phải tán thưởng những pha hay, những bàn thắng đẹp của cả hai đội. Còn tình cảm thì làm sao vô tư được. Mỗi người đều có đội mà mình yêu thích chớ. Hồi chiều anh rất mong đội Cảng thắng. Và khi đội Cảng thua làm sao anh vui nổi.
Anh Sáu nhìn thẳng vô mặt Tân:
– Em cũng vậy chớ gì?
Tân gật đầu, thừa nhận:
– Em cũng buồn.
– Ðó thấy chưa! – Anh sáu nói tiếp – Mà ai lại chẳng vậy. Chớ nếu đi coi đá bóng mà ai thắng ai thua cũng được, không hồi hộp lo âu, không vui mừng, buồn bã thì đâu có gì mà khoái. Bóng đá sở dĩ hấp dẫn một phần ở chỗ nó gắn liền tình cảm của mình với một đội bóng nào đó. Nhưng điều này không có nghĩa là mình chỉ cổ vũ đội của mình một cách thiên vị mà tỏ ra bất công với thành tích của những đội khác. Như em hồi chiều…
Tân không để cho anh Sáu nói hết. Nó đấm tay thùm thụp vô lưng anh, vùng vằng:
– Bàn thắng thứ hai của đội Hải Quan em có vỗ tay mà.
Anh Sáu cười hì hì: – Thì anh có nói xấu em đâu! Anh tính nói như em hồi chiều là một khán giả vô tư đó chớ!