Đọc truyện Trúc Mã Thanh Mai – Chương 5
Nghe nói khi đó Sầm Chi và Đào Kim Phần cứ một người ngủ trên chiếc bàn
học, một người ngủ trên cái giường nhỏ bằng tấm ván cửa đặt trên hai
chiếc ghế trong căn phòng tồi tàn, cứ như vậy cho hết kỳ nghỉ hè, không
dám vượt quá giới hạn một bước.
Ban ngày, họ như hình với bóng
không rời nhau nửa bước, đúng kiểu anh gánh nước em tưới rau, anh gánh
phân em bón phân, giúp cho mấy vườn rau của trường tươi tốt xanh mướt.
Làm việc nhà nông xong, thời gian còn lại chính là lúc dành cho họ. Lúc
thì họ ở nhà xem sách, đọc thơ, hoặc ra hồ bơi, tối đến tìm chỗ không có người tay trong tay cùng đi bách bộ, cũng rất tiểu tư sản.
Mãi cho đến khi khai giảng, lãnh đạo đều đã trở lại trường, Sầm Chi mới xin phép lãnh đạo kết hôn.
Lãnh đạo không tin một phần tử phái hữu chỉ sau một kỳ nghỉ hè lại kiếm được một cô sinh viên đại học từ tỉnh về, lãnh đạo gặp riêng Đào Kim Phần để nói chuyện, xem phần tử phái hữu đó có phải đang giở trò trêu hoa ghẹo
nguyệt không.
Cô giáo Đào e thẹn thừa nhận tình yêu của hai
người, xin lãnh đạo phê chuẩn cho kết hôn. Lãnh đạo thận trọng nói rằng
việc này phải bàn bạc lại với chi bộ Đảng rồi mới quyết định.
©STENT: http://.luv-ebook.com
Kết quả của cuộc bàn bạc là không đồng ý cho kết hôn, lí do là cô giáo Đào
vừa mới đến trường trung học còn đang trong giai đoạn thử việc, không
thể kết hôn.
Lí do này quá khiên cưỡng, nhưng hai người vẫn phải chấp nhận quyết định của tổ chức.
Qua một học kỳ, hai người lại lần nữa xin kết hôn. Chi bộ Đảng của trường
lại một lần nữa nói phải bàn bạc. Thời gian của cuộc bàn bạc kéo rất
dài.
Giữa chừng, bố của Đào Kim Phần – vị giáo sư họ Đào ở một
trường đại học nào đó trên tỉnh đã viết một bức thư dài hỏi xem có phải
con gái thật sự muốn kết hôn với một phần tử phái hữu hay không, có nhận thức được hậu quả của việc làm này hay không.
Trong thư trả lời Đào Kim Phần vặn hỏi lại có phải có đơn tố cáo của lãnh đạo trường trung học thành phố E hay không.
Giáo sư Đào nói:
– Người ta cũng vì muốn tốt cho con. Con còn trẻ, không hiểu sự đời, rất dễ bị lừa.
Đào Kim Phần không trả lời trực diện, chỉ viết lại câu chuyện về chàng
thanh niên Đảng tháng Chạp và người vợ của anh ta cho bố cô xem.
Bố cô liền chỉ ra:
– Đảng viên Đảng tháng Chạp là nhà cách mạng; còn người con muốn lấy lại
là phần tử phái hữu, phản đối cách mạng, sao có thể so sánh được?
Con gái trả lời:
– Sầm Chi không phản đối cách mạng, anh ấy chỉ đưa ra mấy ý kiến với
Đảng, có lẽ ý kiến đó chưa được chính xác, nhưng tấm lòng của anh ấy là
tốt, muốn giúp cho sự cải cách của Đảng chứ không phải chống đối Đảng.
Bố cô giận dữ:
– Con trẻ hiểu cái gì? Nếu nó không phản đối Đảng sao Đảng lại coi nó là
phái hữu, tống nó đến một nơi khốn khó như vậy? Hai đứa đến giờ còn chưa nhận thức được tính nghiêm trọng về lỗi lầm của Sầm Chi, như vậy rất
nguy hiểm.
Cứ thế cuộc chiến ngôn từ gay gắt giữa hai cha con diễn ra qua những bức thư, không ai thuyết phục được ai.
Cuối cùng giáo sư Đào ra một thông điệp:
– Cần bố mẹ hay là cần thằng phần tử phái hữu đó, con tự quyết định đi.
Con gái cũng không chịu thua nói:
– Bố mẹ thân yêu của con, xin bố mẹ hãy tha thứ cho đứa con gái bất hiếu này.
Kẻ phần tử phái hữu Sầm Chi phát hiện ra mình đã trở thành nguyên nhân gây bất hòa giữa hai cha con nhà họ Đào, không thể không nghẹn ngào khuyên:
– Kim Phần, em hãy nghe lời bố mẹ đi! Vì anh mà hai bố con em trở mặt với nhau, anh cảm thấy rất áy náy!
Đào Kim Phần liền tỏ thái độ rõ ràng:
– Anh đừng lo việc bố con em trở mặt với nhau, anh chỉ cần nói cho em biết, anh có yêu em không?
– Yêu!
– Trước đây anh đã yêu người con gái nào chưa?
– Chưa!
– Từ nay về sau anh có yêu người con gái nào khác nữa không?
– Không!
Đào Kim Phần liền mỉm cười:
– Vậy thì được rồi, chỉ cần anh nhớ rõ những lời đã nói hôm nay với em thì những việc khác đều để em lo.
Bố mẹ cô treo cung gác kiếm, nghe theo ý trời, nhưng dư luận lại cứ dấy
lên, ngươi quen hay không quen cứ kéo đến như đèn cù để khuyên nhủ, có
người khuyên bậc làm cha nên để cho con gái một con đường sống, người
thì khuyên con gái vì tình cảm nhất thời mà làm lỡ làng cả cuộc đời, có
người ra mặt thuyết phục, người lại tiến cử ứng cử viên tốt hơn.
Cho đến khi tất cả đều trở lại bình thường thì một học kỳ nữa đã trôi qua.
Năm thứ hai sau khi Đào Kim Phần đến trường trung học ở thành phố E, cuối
cùng nhà trường cũng phê chuẩn cho cô kết hôn với Sầm Chi.
Không
tổ chức đám cưới vì đang thời kỳ khó khăn, vật tư thiếu thốn, gạo muối
cũng khó mua, càng đừng nói đến những thứ xa xỉ khác. Sầm Chi chuyển mấy hòm đồ của Đào Kim Phần đến căn phòng tồi tàn của mình, cạnh hai chiếc
ghế kê thêm một chiếc ghế nữa, bên trên đặt thêm một tấm gỗ, vậy là
thành giường cưới. Ghế băng và ghế đẩu không cao bằng nhau nên phải kê
thêm mấy quyển sách trên chiếc ghế băng.
Và trên chiếc giường cao cao thấp thấp lắc lư lắc lẻo như sắp đổ đó Sầm Chi và Đào Kim Phần đã thành vợ chồng.
Tục ngữ nói: “Vợ chồng nghèo hèn trăm sự khó”, nhưng Sầm Chi và Đào Kim
Phần không hề cảm thấy khó, dường như bởi vì họ hèn chứ không nghèo.
Giáo viên của trường trung học rất nhiều người đều được coi là “bán hộ”,
trong hai vợ chồng chỉ có một người dạy học ở trường học, được lĩnh
lương, nhận lương thực, thực phẩm từ nhà nước, nhưng người kia thì lại
làm ruộng ở quê. Số gia đình như hai vợ chồng Sầm Chi và Đào Kim Phần
đều dạy ở trường, đều lĩnh lương, đều nhận lương thực, thực phẩm từ nhà
nước thì không nhiều. Đào Kim Phần lại tốt nghiệp đại học chính quy, là
số ít ở trường, nên tiền lương của cô cao hơn rất nhiều so với các giáo
viên khác.
Lúc đó rơi đúng vào thời kỳ “ba năm thiên tai liên
tiếp”, thiếu thốn nguyên liệu, thiếu dầu, thiếu muối, thiếu đường, thiếu thịt, thiếu gạo, thiếu mì, mỗi giáo viên hàng tháng chỉ có hơn mười
kilogram lương thực, lại không có dầu và nước thì sao ăn nổi? Một vài
giáo viên “bán hộ” ham hố ăn lương thực ở nông thôn không cần phải lên
kế hoạch, còn có thể tự trồng mấy rau củ như khoai lang, bí ngô trên đất nhà mình, làm cái gọi là “tăng gia rau cỏ”, nên xin nghỉ việc về quê
trồng cấy.
Giáo viên không đủ, trường học quyết định để Sầm Chi
đứng giảng, để ngăn ngừa ông mượn lớp học truyền bá tư tưởng phản động
cho học sinh nên chỉ cho ông dạy môn Khoa học.
Ba năm thiên tai
đã trở thành ba năm trăng mật của Sầm Chi và Đào Kim Phần, họ không
những không chết đói mà còn sinh được một đứa con.
Cho đến trước
Cách mạng Văn hóa, cuộc sống của nhà Sầm Chi có thể được coi là hàng
trung lưu ở trường trung học đó, trong số các bạn đồng trang lứa, cô là
đứa trẻ được ăn ngon mặc đẹp hơn cả, khiến rất nhiều người phải ghen tị.
Sau khi Cách mạng Văn hóa nổ ra, với tội danh “phú nông phản cách mạng”,
Sầm Chi đã bị lôi ra, nhưng vấn đề của ông là vấn đề cũ, không đáng phải phê phán, tố cáo nhiều, cho nên về cơ bản chỉ bị “tố cáo theo tốp”,
cùng với đám “đầu trâu mặt ngựa” và “bè lũ đương quyền đi theo con đường chủ nghĩa tư bản” bị quần chúng nhân dân giám sát, phải đi cải tạo lao
động.
Điều này dường như không nằm ngoài sự dự đoán của Sầm Chi
và Đào Kim Phần, nên hai người đều có thể bình tĩnh đón nhận. Sầm Chi
còn cười nói:
– Trước đây chỉ có một mình mình bị cải tạo lao
động, giờ có nhiều người cùng làm với mình, không còn cô độc nữa, hơn
nữa giờ cấp bậc của anh cũng được tăng rồi, đến Bí thư Vương – người
theo chủ nghĩa tư bản cũng phải lao động cùng anh.
Nhưng một bức
thư được bà ngoại của Sầm Kim gửi đến đã khiến tinh thần lạc quan của cả gia đình bị sụp đổ: Ông ngoại của Sầm Kim, giáo sư Đào – cha của Đào
Kim Phần bị lôi ra phê phán, tố cáo, với tội danh “đi theo học thuật
phản động”, thường xuyên bị Hồng vệ binh kéo đi khắp các đường phố để
thị uy dân chúng, trên cổ còn đeo một cái biển viết “Đả đảo Đào Xuân
Lai”, còn phải tự mình khua chiêng gõ trống hét vang khắp đường phố:
“Tôi là Đào Xuân Lai đi theo học thuật phản động!”, “Tôi là Đào Xuân
Lai, phần tử phản cách mạng!”.
Bà ngoại viết rằng:
– Nếu
không có mẹ theo sát thì bố con đã nghĩ quẩn rồi. Kim Phần, thư con viết cho bố con cũng bị Hồng vệ binh lục ra, coi là bằng chứng lấy đi. Con
mau giải quyết chỗ đồ đạc ở chỗ con đi. Chiến dịch này khác với ngày
xưa, hồi trước chỉ liên quan đến một số ít người, nhưng lần này có lẽ ai cũng phải chịu sự nung đốt của lò lửa cách mạng. Con lấy người của phái hữu thì càng phải đặc biệt cẩn thận.
Tối đến, Đào Kim Phần và
chồng đóng cửa, mở cái hòm gỗ lớn, lấy những bức thư tình và thư nhà
được cất giữ cẩn thận trong đó ra, lấy một cái chậu men cũ và bắt đầu
đốt thư. Những bức thư đó đều được viết khi hai người đang yêu nhau, vẫn luôn được cất giữ cẩn thận, định một ngày nào đó sẽ viết hồi ký cho
mình, giờ cũng phải nén lòng đốt bỏ.
Lúc đó Sầm Kim còn nhỏ, rất
nhiều chi tiết sau này là nghe mẹ kể lại. Cô chỉ nhớ, trong giấc mơ nào
đó, cô nghe thấy tiếng “bang” và giật mình mở mắt ra xem, thấy bố mẹ
đang ngồi trên chiếc ghế con, ở giữa là một đống lửa, trong phòng có ít
tro xám bay trong gió.
Cô hiếu kỳ hỏi:
– Mẹ, mẹ đang sưởi ấm à?
Mẹ đến bên giường vỗ lưng ru cô ngủ:
– Ngủ đi, ngủ đi, mẹ có chút việc, làm xong mẹ sẽ ngủ cùng con.
Số thư phải đốt có đến một thùng lớn, chỗ tro đốt ra cũng cả đống lớn, cái chậu rửa mặt cũ bị biến dạng. Xử lý đống đó phải đặc biệt cẩn thận, nhỡ bị người ta phát hiện thì sẽ hỏng bét, chắc chắn sẽ bị hỏi thăm vì đã
đốt bằng chứng buộc tội.
Nghe nói bố rất thông minh vì đã xử lí
đống “tội chứng” như thế này: bố khoét một lỗ tròn ở đáy cái chậu rửa
mặt rồi tím ít đất vàng, làm thành một cái bếp than nhỏ. Chỗ tro đó nghe nói được trộn lẫn với bột than làm thành các viên than, dùng để nấu
cơm.
Nghỉ hè năm đó, lần đầu tiên mẹ đưa Sầm Kim lên tỉnh để thăm ông bà ngoại, bố vì bị giám sát lao động nên không thể cùng đi.
Cô chỉ nhớ lúc tàu nhổ neo, trời còn rất sớm, nửa đêm họ đã phải dậy, bên
ngoài vẫn còn se se lạnh, cô mặc một cái váy và đi đôi xăng đan, khẽ
rùng mình. Trên các con phố trống trải của thị trấn nhỏ không có ai khác ngoài ba người nhà họ.
Bố đặt cô lên vai, hai tay giữ đôi chân cô, cô cảm thấy ấm hơn nhiều.
Đến bờ sông, dưới bầu trời đen kịt, cô nhìn thấy một con tàu lớn, rất nhiều cửa sổ nhỏ hắt ra ánh đèn, giống như một ngôi nhà lớn vậy. Mẹ nói với
cô đó là con tàu.
Tấm ván bắt từ bờ sông lên tàu rất dài, bố giẫm lên, tròng trành lắc lư, cô sợ quá ôm chặt lấy đầu bố.
Bố nói:
– Kim Kim, con bịt mắt bố rồi, bố chẳng thấy gì sẽ rơi xuống nước mất.
Cô vội bỏ tay ra, đổi sang tư thế nắm lấy tai bố và hỏi:
– Bố ơi, rơi xuống nước có bị chết đuối không?
– Bố biết bơi sẽ không bị chết đuối, nhưng bị hòn đá to như con ngoắc vào thì sẽ bị chìm xuống đáy.
– Đeo hòn đá vào thì sẽ chìm xuống đáy ạ?
– Đúng vậy, hòn đá nặng, không nổi lên được.
Bố đưa cô và mẹ vào một phòng nhỏ trên con tàu, có bốn cái giường, bên
trên hai cái, bên dưới hai cái, cô còn nhỏ, không phải mua vé nên ngủ
cùng giường với mẹ.
Cô và mẹ đứng bên mạn tàu nhìn bố một mình
xuống tàu. Cô cứ thấp thỏm, có cảm giác như dáng đi chao đảo đó, bố sẽ
bị ngã khỏi tấm ván và rơi xuống nước.
Nước sông đánh vào đáy tàu phát ra những âm thanh trống rỗng và hoang vu, tiếng còi tàu chói tai
đột ngột vang lên. Trời vẫn chưa sáng, tàu tu tu tu từ từ rời bến, bóng
bố nhỏ dần, cuối cùng khuất hẳn, cô buồn đến nỗi phát khóc.
Mẹ ôm lấy cô vỗ về:
– Đừng khóc, đừng khóc con, chúng ta đi thăm ông bà ngoại thôi mà, rồi sẽ về ngay, bố đợi mẹ con mình ở nhà.
Cuộc sống trên tàu rất kỳ lạ, giống như một căn nhà lớn bập bềnh trên sông
nước. Mẹ không phải đi làm, cả ngày chơi với cô. Nhưng trên tàu chẳng có gì chơi, cô và mẹ thường ngồi bên mạn thuyền ngắm cảnh hai bên bờ sông, nhưng bên sông cũng chẳng có cảnh gì đẹp, chỉ là những bờ sông dài vô
tận, tất cả đều giống nhau, khiến cô cứ cảm giác như con tàu chẳng hề di chuyển chút nào, cứ dừng mãi một chỗ.
Dường như phải rất lâu rất lâu họ mới đến được tỉnh. Mẹ sợ Hồng vệ binh nhìn thấy sẽ gây phiền
phức nên nhân lúc trời còn tối thui đã đưa cô về nhà ông bà ngoại.
Ông bà ngoại sống trong một căn hộ, ở thành phố E rất ít nhà chung cư, đây
là lần đầu tiên Sầm Kim tận mắt nhìn thấy một căn hộ, lần đầu tiên ngủ
trong phòng ngủ ở tầng trên cô cứ nghĩ không biết cái nhà này có đổ
không? Liệu ngủ đến nửa đêm, dưới giường có xuất hiện một cái hố rồi
nuốt chửng cả cô và chiếc giường vào trong đó không? Liệu khi vừa tỉnh
dậy có phát hiện ra chẳng phải căn hộ gì mà là chiếc tàu lớn, tất cả mọi người trong nhà đều ở trên một con tàu lớn không?
Nhưng cô không có cơ hội hỏi mẹ cô bởi vì mẹ còn mãi nói chuyện với ông ngoại và bà
ngoại, cứ như muốn trút hết những điều cần nói của cả đời ra vậy, hơn
nữa mấy người lớn đều thì thà thì thầm, dáng vẻ rất lo lắng. Mỗi lần cô
muốn hỏi mẹ cái gì đều bị mẹ ngăn lại:
– Mẹ đang bận, Kim Kim tự chơi đi.
Chơi ở nhà bà ngoại mấy hôm thì cô chẳng nhớ điều gì khác mà chỉ nhớ mỗi bà nói:
– Giời ạ, Kim Kim nhà mình biến thành gái quê đặc sệt rồi, đặc giọng
thành phố E, nếu ông ngoại không gặp chuyện thì bà chẳng cho cháu quay
về thành phố E đó, sống ở đây cùng bà.
Ông ngoại nói:
– Khi xưa mẹ cháu không nghe lời khuyên, nếu không cháu đã không phải sinh ra và lớn lên ở cái mảnh đất khỉ ho cò gáy đó.
Mẹ cười nói:
– Kim Kim, ông già rồi nên lẩm cẩm, nếu mẹ không đến nơi khỉ ho cò gáy đó thì sao có Kim Kim được?
Ông ngoại vẫn nhấn mạnh:
– Con ở tỉnh, lẽ nào rồi không lấy được chồng rồi có con ư?
– Nhưng đó sẽ không phải là Kim Kim bây giờ!
Sau đó mấy người lớn nói đến bố, mặc dù họ đều không nhắc đến tên của bố nhưng cô biết họ đang nói về bố cô.
Mẹ nói với ông ngoại:
– Giờ bố cũng bị họ dán nhãn kẻ thù mà bố vẫn cho rằng anh ấy là người xấu?
Ông ngoại đỏ mặt tía tai nói:
– Bố không giống nó, bố là quần chúng đấu tranh với quần chúng, do những
kẻ thường ngày không phục mình giờ muốn trả thù mình, sớm muộn gì Đảng
và Chính phủ cũng sẽ minh oan cho bố. Còn nó là phái hữu, bị Đảng định
tội, vĩnh viễn không thể sửa sai được.
Mẹ liển cãi lại:
–
Ai bảo vĩnh viễn không sửa sai được? Những Đảng viên tháng Chạp của Nga
đấy cuối cùng chẳng phải đã được minh oan đó sao? Lê nin đều gọi họ là
“nhà cách mạng dân tộc” đấy.
– Những người theo Đảng tháng Chạp
phản đối sự độc tài của Sa hoàng, lật đổ chuyên chủ nên Tôn Trung Sơn
mới có thể so sánh với Đảng tháng Chạp đó. Còn cái thằng chống lại Đảng
ai sẽ sửa sai cho nó?
©STENT: http://.luv-ebook.com
Bà vội xen vào:
– Đã lấy nhau rồi, con cũng còn bé bỏng gì nữa đâu, giờ nói những thứ này thì có tác dụng gì? Lẽ nào ông còn muốn chọc ngoáy phá hai đứa chúng
nó?
Ông ngoại thở dài nói:
– Chọc phá thì không thể, con
cái có rồi, lẽ nào lại để con không có cha? Tôi chỉ lo lắng thằng đó đối xử không ra gì với con gái mình, nhiều thằng đàn ông chỉ có thể đồng
cam mà không thể cộng khổ, giờ tôi ra nông nỗi này, không biết liệu nó
có phản lại mà ghét bỏ nhà chúng ta không?
Mẹ an ủi nói:
– Anh ấy không phải là người như vậy. Hơn nữa anh ấy bị coi là phái hữu thì còn có thể ghét bỏ ai chứ?
Bà lo lắng nói:
– Ừ! Mẹ chỉ sợ nó cả đời không may mắn, càng ngày càng tồi tệ hơn.
Mẹ nói với vẻ rất tự tin:
– Không thể như thế được. Cái hay của việc lấy người phái hữu chính là
trước khi lấy đã biết anh ấy bị đày xuống đáy vực sâu của cuộc đời rồi,
từ nay về sau không còn chỗ cao nào đi nữa, cũng chẳng còn chỗ nào thấp
hơn.
Sau này nhớ lại, mẹ vẫn luôn tự trách mình vì đã nói những
lời huyênh hoang đó. Phải biết rằng vực sâu của đời người không có chỗ
thấp nhất mà chỉ có chỗ thấp hơn.