Đọc truyện Trúc mã không thanh mai – Chương 1918
Trúc mã không thanh mai
Tác giả: Thập Tứ Khuyết
Chuyển Ngữ: Tuế Nguyệt
Link:
19
Kỳ thực Tiểu Bạch không thích họa ta, mỗi một nha hoàn trong Phượng Hoàng sơn trang hắn đều vẽ tặng một bức, chỉ duy nhất chưa từng họa qua ta. Bởi vậy, vào ngày sinh nhật năm mười lăm tuổi, ta không biết là mượn cớ uống rượu gây chuyện hay là vì cái gì khác, chạy vọt vào thư phòng của hắn, đem toàn bộ những bức họa của hắn xé hết, lại ầm ĩ nháo nhào, vừa khóc vừa giãy, sau đó say quá nên thiếp đi. Hôm sau tỉnh lại, đầu giường có treo một bức họa chân dung của ta. Bà vú kể lại, bởi vì đêm qua ta túm áo Tiểu Bạch hỏi: “Vì cái gì ngươi chưa bao giờ họa ta? Chẳng lẽ ta không đẹp bằng họ sao? Chẳng lẽ ta không phải thê tử mà ngươi muốn kết hôn sao? Ta đã chờ lâu như vậy, lâu như vậy, chờ ngươi chủ động mở miệng đến cầu ta cho ngươi họa, thế nhưng tại sao, tại sao ngươi còn không đến? Tại sao không họa ta? Tại sao?”
Ta không biết có phải bởi lần đó ta đã thất thố đe dọa hắn hay không, từ đó về sau, mỗi khi thay mùa hắn đều họa cho ta một bức, như là “Tích hoa xuân khởi tảo”, “Ái nguyệt dạ trì miên” , “Cúc thủy nguyệt tại thủ”, “Lộng hoa hương mãn y”… Tóm lại mỗi một bức đều đủ chính thống, cũng đủ tục khí.
Nhưng lúc này đây bức họa ta rút từ bình hoa ra, không hề giống với tất cả những bức họa khác mà ta nhận được, đó là năm ta bảy tuổi…
Tóc tết đuôi sam, mặc chiếc váy màu xanh nhạt ngồi bên bờ hồ, hai chân đung đưa trong hồ, có vẻ như là đang nghịch nước, nhưng ánh mắt lại nhìn về nơi xa xăm, nét mặt mơ màng, có thể nhìn thấy nỗi ưu thương toát lên từ gương mặt xuyên qua trang giấy.
Bên cạnh có đề “Kinh hồng nhất miết”.
Qua bộ y phục này, ta nhớ lại đó hẳn là vào hôm thọ yến của cha năm ta bảy tuổi, ta đã không còn nhớ rõ, mà hắn lại không quên chi tiết nào, tỉ mỉ đến nỗi ngay cả trang sức ta mang lúc đó là “Song ngư triền châu”, hắn cũng có thể vẽ ra thật sống động.
Xoang mũi giống như bị gì đó chặn lại, khiến ta trở nên khó thở. Nhìn đến dòng chữ trên bức họa: “Tô tam tử – Hạnh, một đêm không ngủ vào ngày mùng ba đầu tháng mười hai năm Mậu Hợi.” Bức họa này… được vẽ sau khi Tiểu Bạch từ hôn vào một năm trước.
Ta vội lấy ra một bức khác, mở ra, lại lấy ra một bức, mở ra… tất cả những bức họa này bên trong đều vẽ ta.
Bảy tuổi, tám tuổi, chín tuổi… cho đến mười sáu tuổi.
Toàn là dáng vẻ khi ta không chú ý tới, lại trở nên sống động ở trong tranh, sau đó bày ra trước mắt ta, nhìn thấy những bức họa này, dường như ta thấy chính mình cứ như thế lớn dần lên sau mỗi năm, từ một đứa bé trở thành một thiếu nữ tuổi thanh xuân.
Hơn nữa, bức nào cũng đều không vui.
Kỳ thực trời sinh ta tính tình kiêu ngạo, lại rất được nuông chiều, ít nhiều cũng có điểm vô tâm vô tình, bởi vậy rất ít khi không vui, giờ phút này lại thấy bộ dáng của chính mình trong mắt người khác, thực ra là được vẽ vào trong tranh, nhất thời trong lòng cảm thấy phức tạp, không biết là vui hay buồn.
Bảy tuổi, mẫu thân qua đời. Thọ yến của phụ thân tuy rằng náo nhiệt, nhưng thiếu nữ chủ nhân tham dự, đối với người ngoài có lẽ không sao cả, nhưng với ta mà nói, bi thương không thể tả.
Tám tuổi, đầu bếp nữ mà ta thích nhất phải gả đi nơi đất khách, nghĩ đến sau này không còn được ăn món cá nấu đậu cay cay cùng với tôm chiên giòn, ta đã buồn trong một thời gian dài.
Chín tuổi, vẹt trong nhà bị ta cho ăn nhiều quá nên lăn ra chết, dù hạ nhân đã đổi cho ta một con mới, nhưng chỉ có con vẹt đã chết kia mới có thể gọi ta một tiếng “Nam Nam” – đó là cách xưng hô mà trước đây mẫu thân hay dùng với ta.
Mười tuổi, đi ra ngoài bị người ta cười nhạo có phụ thân là quỷ keo kiệt, tuy rằng lúc đó ta nổi giận quát mắng hắn rồi cao ngạo ngẩng đầu bỏ đi, nhưng sau khi về nhà, vẫn nhịn không được mà khóc vì xấu hổ.
Mười một tuổi, bởi vì ta bướng bỉnh, ngã lăn từ trên lầu hai xuống, gãy một tay một chân, nằm dưỡng thương trên giường khoảng nửa năm mới khỏi hẳn, mỗi ngày đều bị cơn đau ốm tra tấn nước mắt lưng tròng.
Mười hai tuổi, bà vú hiểu rõ ta nhất qua đời, phảng phất như mẫu thân lại mất đi lần nữa, ta gào khóc, ba ngày ba đêm không ăn cơm, ai cũng không khuyên được.
Mười ba tuổi, lần đầu tiên có hồng triều(1), ta đau đến chết đi sống lại, rồi lại cáu gắt với người khác, không dám nói với ai, chỉ âm thầm khóc, nghĩ rằng mình sắp chết.
Mười bốn tuổi, Tô đại ca mà ta ngưỡng mộ cưới tân nương, tân nương không đẹp bằng ta, cho nên ta rất khổ sở.
Mười lăm tuổi, Tô nhị ca mà ta ngưỡng mộ cưới tân nương, tân nương đẹp hơn ta, ta lại càng khổ sở…
Nhiều năm như vậy, thời gian như kim khâu, trong lúc đó đã khâu ta và Tiểu Bạch vào hai chữ duyên phận, khít khít khao khao như vậy, mà ta lại ngu ngốc đến tận lúc này vẫn không biết gì. Nhiều bức họa đến thế, mỗi một bức ta đều đau buồn, mà mỗi một lần đau buồn đó, đều không phải vì Tiểu Bạch.
Tranh cuộn đã lấy ra hết, dưới đáy bình hoa còn có gì đó, ta thò tay vào lấy ra, thì ra là một cái hộp, nhìn vô cùng quen mắt, sau khi mở ra, bên trong hé ra vật gì đó được xếp chỉnh chỉnh tề tề…
Đều là giấy gói kẹo
Đó là kẹo mà người khách đến từ Thiên Trúc tặng cho phụ thân, thông qua tay Tiểu Bạch giao cho ta, bị ta ăn ngốn ăn nghiến, lại không để ý mà vứt bừa giấy gói kẹo đi.
Ta nhìn thấy giấy gói kẹo trong hộp kia, hốc mắt vẫn khô khốc tựa như bị vật gì hung hăng đập vỡ, nước mắt dâng lên rốt cuộc không cầm lại được.
Tiểu Bạch, Tiểu Bạch, ngươi…
Đã chết sao?
Thật sự… đã chết sao?
“Chuyện gì… đã xảy ra?” Ta cầm giấy gói kẹo, quay lại nhìn thẳng vào bọn hạ nhân. Bọn họ do dự, khó xử, có điều không một ai lên tiếng. Đang kúc căng thẳng, một thanh âm từ xa xa truyền đến: “Ta đến nói cho muội biết rốt cuộc là chuyện gì đã xảy ra đây.”
Hạ nhân chen nhau lui về phía sau, chừa ra một con đường ở chính giữa. Nam tử mặc trường bào màu xanh ngọc từ từ bước đến, tựa như hạc trắng giữa đàn gà.
Tim ta thắt lại, run giọng nói: “Tô… nhị ca?”
—
(1)Hồng triều: nguyệt kỳ (làm con gái thật mệt hehe)