Trọng Sinh Tên Ta Là Lâm Đại Ngọc

Chương 20


Đọc truyện Trọng Sinh Tên Ta Là Lâm Đại Ngọc – Chương 20

Lại ngồi kiệu quay về Giả phủ, xem ra sự tình trong cung, Hoàng thượng và Thái hậu không để lộ ra ngoài. Cũng phải thôi, lão thái hậu gặp giấc mộng, vì đề phòng bất trắc mới triệu ta vào cung. Lúc ta đến, hạ nhân đều không có một ai. Nếu không có việc gì, nói chuyện vài câu xong sẽ đuổi ta về Giả phủ, nếu có chuyện, cũng không để quá nhiều người biết.

Trở lại phủ, ta lập tức bị lão thái thái, Hình phu nhân, Vương phu nhân bao vây, hỏi nguyên nhân Thái hậu gọi ta tiến cung. Ta giản lược nói: “Nam Uyển vương gia ngày trước có giao tình rất tốt với cha con, khi con còn bé đã từng gặp vương gia một lần. Vương gia vô ý nhắc tới con với Thái hậu, người nhất thời cao hứng mới gọi con vào cung nhìn một lần. Chỉ nói chuyện bình thường, cũng không có gì đặc biệt, hỏi xong thì giữ con lại ăn điểm tâm, rồi mới cho người đưa về.”

Lão thái thái vội vàng cho người đi báo lại với Giả Chính, bảo hắn yên tâm, không có việc gì.

Xong lại tỉ mỉ hỏi Thái hậu hỏi ta những gì, ta trả lời ra sao, biết chuỗi vòng xuyến kia là được Thái hậu ban cho, mọi người đều hoan hỉ.

Lão thái thái thấy ta có vẻ mệt, bèn sai người đưa ta về quán Tiêu Tương nghỉ ngơi.

Trở lại quán Tiêu Tương, Tử Quyên cũng đang nôn nóng đi đi lại lại. Ta và Nam Uyển vương gia kết giao, nàng cũng biết một chút, cho nên đoán lần này ta tiến cung chắc có quan hệ đến vị vương gia kia. Thấy ta bình an trở về, chỉ nói không có việc gì, nàng cũng liền an tâm, nói: “Bảo nhị gia vài lần sai người đến hỏi cô nương, có cần đến báo một tiếng không?”

Ta gật đầu, nói với Tuyết Nhạn: “Đi Di Hồng viện, nói ta đã về, không xảy ra việc gì. Hôm nay ta mệt, đã ngủ rồi, có chuyện gì ngày mai nói sau.”

Tuyết Nhạn gật đầu rồi đi. Tử Quyên giúp ta rửa mặt, thay quần áo xong cũng ra ngoài. Lúc ta muốn đọc sách luyện võ, không thích bên cạnh có người, đám nha hoàn bà tử đều cho chờ bên ngoài.

Theo thói quen, lấy ra một quyển sách thuốc, hoa đèn có chút yếu, đang muốn dùng kéo khơi to, thì lão hoà thượng đột nhiên xuất hiện.

Đến đúng lúc lắm, ta đang muốn tìm ông đây. Ta cười nhạt nhìn hắn, lão lại ngượng ngùng xoa xoa cái đầu trọc lốc mà cười. Khiến ta tròn mắt, thần tiên cũng có biểu hiện này sao?

Ta ngồi trên ghế, hai tay khoanh trước ngực, tà nghễ nhìn hắn, thản nhiên nói: “Giải thích đi?”

Lão hoà thượng ha ha cười, cũng ngồi xuống đối diện. “Là do ta nhất thời sơ sót, cứu mạng người vốn nên tuyệt mệnh. Mệnh người này sửa, đương nhiên sẽ liên luỵ đến nhiều người khác, bao gồm cả chuyện ám sát Hoàng đế, như vậy sẽ thành đại hoạ. Ta không tiện ra tay, nghĩ tới nghĩ lui cũng chỉ nghĩ đến ngươi, người biết võ trên thế gian không thiếu, nhưng ta chỉ quen ngươi.”

Vậy vận khí của ông cũng tốt thật đó, có thể quen biết bổn tiểu thư đây.

Ta gật gật đầu, tỏ vẻ đã hiểu, lại nói: “Về sau còn phát sinh những chuyện như vậy, phải trả thù lao cho ta đó.”

Lão hoà thượng cười: “Cô nương rất rộng lượng, không có tức giận, ta còn tưởng phải đáp ứng yêu cầu gì của cô nương cơ.”

Ta cười, có vẻ lần gặp mặt đầu tiên đã doạ hắn sợ mất rồi.

Bất quá, lão hoà thượng cũng thật đơn thuần, hắn đã nói như vậy, lão nhân gia ta đương nhiên không thể lãng phí.

“Gần đây cũng không có sự tình gì cần ông, ta bỏ qua lần này. Chỉ là sau này còn có những chuyện như vậy, phải nói trước cho ta biết, đừng để ta ù ù cạc cạc hành sự. Hơn nữa, hôm nay thích khách cũng doạ ta một trận, lần đầu tiên có người chết trước mặt mình.”


Lão hoà thượng nghiêm mặt nói: “Việc hôm nay quả thật không thể lộ ra ngoài, về sau sẽ không có nữa. Cô nương lòng dạ lương thiện, không có tham lam, về sau sẽ hạnh phúc cả đời. Cô nương tuy không có yêu cầu gì, nhưng lần tương trợ này ta sẽ nhớ kĩ.”

Nói xong lại đột nhiên biến mất, lợi hại a!

Ta lại cúi đầu xem thêm vài trang sách, rồi cũng đi nghỉ. Ngày hôm sau, lại tua lại bài trả lời với đám chị em. Bảo Thoa lúc này còn muốn tiến cung, bài tử đều có. Nhìn sắc mặt của nàng, có vài phần trầm tư.

Đại Ngọc yêu thương Bảo Ngọc, day dứt cả đời không thể bên nhau, cuối cùng đau buồn mà chết.

Bảo Thoa không nặng tình yêu, chỉ có khát vọng, nhưng không có cơ hội thi triển, chỉ đành gả cho người vốn không yêu nàng, Bảo Ngọc.

Ta cũng không cảm thấy Bảo Thoa có gì không tốt, mỗi người có một suy nghĩ riêng, theo đuổi ước vọng của mình, cho nên, Bảo Thoa yêu công danh quyết không phải là nàng sai. Chỉ tiếc nàng là thân nữ tử, không thể tham gia thi cử, làm quan, về sau cũng vì anh trai mà mất đi cơ hội vào cung làm phi tần, đời nàng, quả thật không được thoả lòng thoả chí.

Bởi vì lần này ta nhận được hoàng ân, thái độ Giả phủ đối với ta thay đổi rất nhiều. Ta vẫn cứ bình thường như trước, nên đáp thì đáp, nên cười thì cười, chỗ cần im lặng tuyệt đối sẽ không nói. Lão thái thái khen ngợi: “Ta vẫn bảo từ trước, Ngọc nhi tính tình rộng rãi độ lượng, sẽ hạnh phúc đến cuối đời”. Bà vẫn thương ta từ trước tới giờ, bất luận lúc ta chỉ là một đứa bé mồ côi hay là lúc được Thái hậu chú ý.

Bất quá, có vẻ Giả phủ đều trong cậy ta sẽ tiến cung làm phi, ta cười thầm.

Giả Chính được bổ làm học quan, ngày hai mươi tháng tám phải rời kinh. Bảo Ngọc không người quản chế, đến cả đi học cũng bỏ, ngày ngày chỉ ở Đại Quan Viên chơi đùa cùng bọn chị em.

Một ngày, ta đang đọc sách, Thuý Mặc bỗng đi vào, cầm cho ta một mảnh giấy hoa tiên. Thám Xuân gần đây bị bệnh, ta liền hỏi: “Cô nương nhà các ngươi hôm nay thế nào?”

Thuý Mặc nói: “Cô nương đã tốt lắm, hôm nay không cần uống thuốc, chỉ là hay bị lạnh.”

Ta mở tờ giấy hoa tiên, thấy viết:

“Thám Xuân xin nói;

Đêm trước, vừa tạnh mưa, mặt trăng trong suốt, tiếc cảnh đẹp không mấy khi được gặp, cho nên tôi không dám đi ngủ ngay. Đêm đã canh ba, nhưng vẫn thơ thẩn dưới giàn ngô đồng, gặp phải gió sương trêu cợt, cho nên hơi cảm nhẹ. Giờ đang lúc nằm trên giường yên tĩnh, chợt nghĩ đến người xa dù trong trường danh lợi, cũng còn tìm nơi sông núi, mời mọc xa gần để qua lại vui chơi, tìm hỏi bầu bạn, kết thân với vài ba người cùng chí hướng, hoặc dựng văn đàn, hoặc mở thi xã, tuy là hứng thú nhất thời, nhưng cũng nghìn năm có tiếng. Tôi không có tài, nhưng được ở gần nơi suối khe vòm đá, làm thêm mến cô Tiết, cô Lâm là những người phong nhã. Thềm trăng sân gió, tiếc là chưa được sum họp thi nhân, rèm hạnh khe đào, may có thể say sưa ngâm vịnh. Ai bảo đua tài nơi Liên xã chỉ dành cho đám mày râu, mà họp mặt núi Đông Sơn, lại không nhường bọn son phấn? Nếu được cô đạp tuyết mà đến, tôi xin quét hoa chờ đợi.

Kính thư.”

Đến lúc lập thi xã rồi sao? Đây là đoạn ta thích nhất trong nguyên tác. Khó trách hôm nay phong nguyệt bảo giám từ sáng sớm đã hiện bài thơ. Lập tức gật đầu, cho Thuý Mặc đi trước, còn mình sửa sang quần áo xong xuôi mới sang.

Đến viện của Thám Xuân, mọi người đã tề tựu đông đủ, ai cũng vui vẻ, cao hứng nhất đương nhiên là Bảo Ngọc. Hắn vốn thích cùng chị em ở một chỗ, làm những việc phong nhã, huống hồ, suốt ngày ở trong vườn dạo chơi, cũng có chút nhàm chán.


Mọi người ngồi xuống thương nghị, mỗi người tự nhận một biệt hiệu.

Ta—-Tiêu Tương phi tử, ấy là đương nhiên.

Bảo Thoa —-Hành Vu quân, đơn giản vì nàng ở Hành Vu uyển

Thám Xuân—-Tiêu Hạ khách, vì nàng thích nhất cây ba tiêu.

Lý Hoàn—-Đạo Hương lão nông, vì nàng ở Đạo Hương thôn.

Nghênh Xuân—-Lăng Châu.

Tích Xuân—-Ngẫu Tạ.

Bảo Ngọc—-phú quý nhàn nhân, Bảo Thoa nói “thiên hạ khó được phú quý, lại càng khó được nhàn tản, anh thì có cả hai” đặt cho hắn là “Di Hồng công tử”.

Lý Hoàn nói nàng và Nghênh Xuân, Tích Xuân không biết làm thơ, vậy để các nàng làm chủ, Lý Hoàn làm xã trưởng, hai người còn lại làm phó, một người ra đề mục, một người chịu trách nhiệm sao chép. Cũng không quy định các nàng không được tham gia, nếu có hạng mục dễ dàng, các nàng cũng sẽ tuỳ tiện làm một bài.

Nghênh Xuân, Tích Xuân vốn lười làm thi từ, nghe xong thấy hợp ý, mọi người cũng không phản đối. Lập tức, ngay tại Thu Sảng trai thành lập thi xã, Đạo hương lão nông ra đề mục, Lăng Châu hạ vần, Ngẫu Tạ giám trường.

Lý Hoàn vừa rồi thấy hai chậu hải đường trắng, liền ra đề vịnh ngay hoa đấy

Nghênh Xuân tuỳ ý rút ra một quyển sách, mở trúng một bài thơ thất ngôn, liền chọn đó làm thể loại, câu thơ mở đầu phải có chữ “môn”, dùng bốn chữ “bồn, hồn, ngôn, hôn” gieo vần.

Thị Thư xếp sẵn bốn phần giấy bút, mọi người đều lặng lẽ ngồi nghĩ, chỉ có Bảo Ngọc là nhìn ngó xung quanh, một chút cũng không ngồi yên.

Thơ ta vốn không phải làm, chỉ là chép lại mà thôi, cũng không thể làm xong quá sớm, đành đứng bên cửa sổ giả vờ nghĩ một lúc. Ta không ham mấy thứ danh hão, nhưng thích nhìn nữ tử tài hoa mỹ mạo, cho nên cũng thích thi xã. Hương chuẩn bị tàn, ta mới chép bài thơ đã học thuộc lòng ra giấy.

Bốn người viết xong, Bảo Ngọc nói Đạo Hương lão nông xem là công bằng nhất, nên để nàng chấm. Mọi người cũng đồng ý, trước tiên xem bài của Thám Xuân:

“VỊNH HOA HẢI ĐƯỜNG TRẮNG


Cỏ lướt bên ngoài lúc xế chiều

Tạnh mưa xanh ngắt chậu đầy rêu.

Ngọc pha vẻ quý người khôn đọ,

Tuyết trắng màu da bụng đã xiêu

Nhị ngát hoa khoe chiều ẽo ợt,

Canh khuya trăng gợn bóng treo leo.

Cảo tiên này bảo đừng bay vội,

Vịnh cảnh hoàng hôn dãi tấm yêu.”

Rồi đến bài của Bảo Thoa:

“Cửa khép vì hoa khép suốt ngày,

Tưới hoa bình nước sẵn cầm tay.

Phấn son rửa sạch thềm thu nọ,

Băng tuyết vời về bực móc đây.

Lạt thếch hoa càng thêm được vẻ,

Buồn tênh ngọc cũng phải chau mày.

Muốn dâng Bạch đế màu trong trắng,

Lẳng lặng chờ đây lúc xế tây.”

Bảo Ngọc viết:

“Lặng lẽ trời thu dọi cửa lầu,


Bảy cành chụm lại tuyết pha mầu.

Thái Chân ra tắm làn băng nuột,

Tây tử ngồi nhăn nét ngọc sầu.

Gió sớm khôn tan ngàn mối hận

Mưa đêm lại đọng mấy dòng châu.

Lan can đứng dựa lòng man mác,

Sáo thổi chầy deo khéo cợt nhau.”

“Đại Ngọc” là:

“Lơ lửng rèm tương cửa khép hờ,

Đất băng chậu ngọc, khéo xinh chưa.

Lê đầy nhị trắng đành vay ngọt,

Mai sẵn hồn thơm cứ mượn bừa.

Cõi nguyệt tiên may tay áo trắng,

Buồng thu khách gạt hạt châu sa.

Ngượng ngùng biết ngỏ cùng ai nhỉ?

Gió lạnh đêm mờ đứng ngẩn ngơ.”

Mọi người xem xong, đều nói bài này hay hơn cả, Lý Hoàn nói: “Về tình tứ phong lưu thì bài này hơn, nhưng về hàm súc hồn hậu thì vẫn phải nhường cho Hành Vu quân.” Thám Xuân nói: “Lời bình rất đúng, Tiêu Tương phi tử phải đứng thứ hai.” Lý Hoàn lại nói: “Di Hồng công tử phải chịu cuối bảng, có phục hay không?” Bảo Ngọc đáp: “Thơ tôi vốn không tốt, đương nhiên chịu.”

Thơ dù sao cũng không phải của ta, cho nên các nàng muốn luận thế nào thì luận, ta không để ý lắm.

Mọi người bàn bạc ngày họp mặt kế tiếp, rồi đặt tên thi xã là “Hải đường xã”, xong mới tan hội.

Ta chỉ thấy, nữ tử nơi này quả nhiên phong lưu tài hoa, cư nhiên trong một nén nhang liền xuất khẩu thành thơ, khiến ta thán phục không thôi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.