Trở lại tìm nhau

P2:ĐẤU TRANH - Chương 15:Một vài lời yêu thương


Bạn đang đọc Trở lại tìm nhau: P2:ĐẤU TRANH – Chương 15:Một vài lời yêu thương

Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:”Table Normal”; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:””; mso-padding-alt:0in 5.4pt 0in 5.4pt; mso-para-margin-top:0in; mso-para-margin-right:0in; mso-para-margin-bottom:10.0pt; mso-para-margin-left:0in; line-height:115%; mso-pagination:widow-orphan; font-size:12.0pt; mso-bidi-font-size:11.0pt; font-family:”Times New Roman”,”serif”; mso-bidi-font-family:”Times New Roman”; mso-bidi-theme-font:minor-bidi;}
Manhattan, ngày hôm sau
Thứ Ba ngày 11 tháng Chín năm 2001
Plaza của Trung tâm Thương mại Thế giới
8h 35
– Cậu chỉ việc đi với mình! Zoé đề nghị.
– Không, Céline trả lời. Đấy là cô em họ cậu. Mình không muốn làm hỏng cuộc gặp gỡ của các cậu.
10 phút trước sự kiện
– Cô ấy làm việc trong một văn phòng luật sư, Zoé giải thích đầy tự hào. Hình như cô ấy có một phòng làm việc tuyệt đẹp ở tầng 50. Hãy tưởng tượng những gì chúng ta có thể nhìn thấy từ chỗ đó!
Ở giữa Plaza của Trung tâm Thương mại Thế giới, hai người phụ nữ trẻ ngẩng đầu nhìn đỉnh tòa tháp phía Nam.
– Đừng quên chụp ảnh nhé, Céline nói và đưa cho cô bạn chiếc máy ảnh dùng một lần.
Zoé cất chiếc máy ảnh vào ba lô và bước vào đại sảnh rộng mênh mông của tòa tháp đôi cao nhất thế giới.
9 phút trước sự kiện
Còn lại một mình, Céline xỏ đôi giày trượt và đi đạo trên bờ biển. Bầu trời quang đãng và một cơn gió trong lành thổi trên mỏn đất phía Nam của hòn đảo.
8 phút
Céline trượt dọc theo những tấm bảng lớn bằng đá hoa cương tưởng nhớ những người chết ở mặt trận và xuôi về phía bến phà. Cô cầm trên tay cái cốc giấy có chứa thứ đồ uống hỗn hơn Starbucks – một món giàu năng lượng – gồm táo nóng, nước caramen và kem tươi đánh bọt. Cô đeo tai nghe. Vào thời điểm tháng Chín năm 2001, hãng Apple còn chưa nghĩ ra iPod và cô nghe một đĩa CD của Michel Berger bằng chiếc máy nghe nhạc điện tử walkman: Vài lời yêu thương, bài hát cô cho là xúc động nhất của Album.
7 phút
Cô đến trước chiếc tàu nối Công viên Battery với đảo Staten. Nơi đây đang vô cùng nhộn nhịp: khách du lịch lên tàu để ra khơi và dân ngoại ô bắt đầu một ngày làm việc.
6 phút
Ở giữa những người đang chạy tập thể dục và đi xe đạp, cô leo lên bãi đất dẫn đến Công viên Battery, đi vòng quanh mô hình thu nhỏ của lâu đài Clinton và dừng lại một lát trước các cây mộc lan ở Vườn Hy Vọng, khu vườn được xây dựng để tưởng nhớ những bệnh nhân SIDA
5 phút
Cô nghĩ tới người đàn ông xa lạ bí ẩn mà cô đã gạt phăng ngày hôm trước ở sân bay. Đáp máy bay Concorde để làm cô ngạc nhiên! Hành động có vẻ phù phiếm. Nó gây ấn tượng mạnh, thật là hào hiệp. Trong vài phút, chàng trai ấy đã biến cô thành nữ nhân vật chính của một bộ phim hay một cuốn tiểu thuyết.

4 phút
Lúc ấy, cô sợ hãi và cô đã đối xử thô bạo với anh. Tại sao cô lại phản ứng kịch liệt như thế? Giờ cô tiếc cay tiếc đắng. Đã có ai từng mất công làm một việc như thế với cô chưa? Dẫu sao, chưa một người đàn ông nào trong số những người mà cô từng yêu cho đến tận bây giờ làm như vậy cả…
3 phút
Thế nếu chính tôi là người đàn ông của đời cô?
Một anh chàng có khả năng làm điều đó dĩ nhiên phải có một sức mạnh và sự tự tin mà không phải lúc nào cô cũng gặp. Nhưng cô đã phá hỏng tất cả. Thậm chí cô còn không biết cả tên anh và không có bất cứ một dấu vết nào để tìm lại anh.
Mi sao mà ngốc thế!
2 phút
Cô tiếp tục cuộc dạo chơi dọc bờ sông Hudson, trên bãi đất chạy dọc theo Vịnh Upper. Vào buổi sáng đẹp trời tháng Chín ấy, cô không thể nào buồn được. Cô chỉ cảm thấy không hài lòng, nhưng cô sẽ tìm ra cách để gặp lại anh. Nếu là ở bất cứ thành phố nào khác trên thế giới, có thể cô sẽ mất anh mãi mãi, nhưng ở đây thì khác. Chúng ta đang ở New York và mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Phải, ở đây mọi chuyện đều có thể xảy ra.
1 phút
Đứng thăng bằng trên đôi giày trượt, cô tiếp tục tăng tốc. Ở phía chân trời nhô lên bức tượng Nữ thần Tự do và đảo Ellis. Cô thích thành phố này, cô thích nơi này, thích ngọn gió đang thổi trên khuôn mặt, thích những chú chim mòng biển đang bay, thích say tốc độ. Cô dang rộng hai tay và kêu lên khe khẽ vì hưng phấn. Cô thấy mình tự do, thấy mình đẹp. Ở một nơi nào đó trong thành phố này, có một người đàn ông đang nghĩ đến cô. Một người muốn cô, một người có thể quay ngược thời gian để tìm lại cô!
0 phút
Sáng hôm ấy, bóng đen của chết chóc bay lơ lửng.
* * *
Céline
Sau này, mỗi lần mọi người hỏi em đang làm gì “đúng lúc chuyện đó xảy ra”, em đều nói là em trượt pa tanh đi dạo, nói về Công viên Battery, về Zoé, về bài hát mà em đang nghe lúc ấy…
Nhưng sự thực là vào cái ngày nổi tiếng ấy, khi chuyện đó xảy ra, em đang nghĩ về anh.
* * *
– Mẹ ơi, lại xem này!
Vẫn ngày hôm đó
Trong một căn nhà điệu đàng ở ngoại ô Paris

Vincent, mười bảy tuổi, vừa ở trường trung học về và bật vô tuyến. Trên màn hình: tiếng ầm ĩ, sự hoảng loạn, khói đen, bụi bốc mù mịt, người nhảy vào khoảng không.
– Mẹ ơi, lại xem này! Tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới. Chúng đang sụp đổ!
Mathilde, mẹ cậu, đột ngột chạy vào phòng khách. Trong nhiều giây, bà nhìn chằm chằm lên màn hình mà không hiểu gì, cho rằng đấy là một bộ phim, một kỹ xảo. Rồi đột nhiên:
– Chị con! Céline đang ở New York!
* * *
Một giờ sau
Mệt đứt hơi, mắt đỏ hoe, Thomas gõ cửa căn nhà. Người đàn ông trạc tuổi năm mươi mặc bộ đồ đen, áo sơ mi phanh ngực không đeo cà vạt, chiếc vòng tay bằng lông voi vừa kín đáo vừa phô trương. Ông gõ cửa căn nhà cách đây hai năm vẫn còn là nhà của ông, trước khi ông bỏ vợ, bà Mathilde, sau hai mươi bốn năm chung sống. Quá trình ly dị diễn ra thật tồi tệ, cả hai cậu con trai của ông không để cho ông nói kể từ khi biết tin họ có thêm một cậu em cùng cha khác mẹ mười tám tháng tuổi. Ông có cậu con trai ấy khi quan hệ với Tatiana, nhân viên bán hàng ở cửa hàng ông phụ trách, một cửa hàng lớn chuyên bán quần áo may sẵn nằm trên đại lộ Hausmann. Tatiana là một cô gái người Ukraina, hai mươi tuổi với nước da mịn màng và thân hình mảnh dẻ. Ông đã làm lại cuộc đời cùng cô gái. Ông gặp cô khi ở tuổi năm ba, cân nặng thừa hai mươi ký, huyết áp cao, tỉ lệ mỡ trong máu đáng lo ngại và đang mang cảm giác sắp về già. Thật khó khăn để tự tin khi càng ngày tuổi tác càng cao, khi nỗi sợ hãi về sự đi xuống và cái chết bao bọc lấy ta. Nhờ tuổi trẻ của cô gái người Slave, ông đã thay đổi hoàn toàn trong giây lát, thay thế Lexomil[72] bằng Viagra, món vịt chín giầm mỡ bằng món sushi, rượu vang Saint-Émilion bằng nước Coca, những cuộc đi săn bằng việc chạy bộ, thay chiếc Mercedes cổ bằng chiếc Mini Cooper đời mới.
Trong khi ông thường xuyên cảm thấy bị vợ làm giảm uy tín, thì một cô gái trẻ đẹp lại thấy ông thật hợp với cô và đã thức tỉnh trong ông những tình cảm của tuổi thiếu niên mà ông tưởng rằng đã mất đi vĩnh viễn. Ông đã chối bỏ một cuộc sống tiện nghi yên ổn của người đàn ông đã trưởng thành để lấy một cuộc sống sung sức, một tâm trạng đang yêu và cương vị ông bố trẻ. Thật tuyệt vời khi ta lại một lần nữa “trong tâm trạng đang yêu”: lại tay trong tay, lại những nụ hôn nồng cháy, lại chiếc giường kêu cọt kẹt!
Tuy nhiên, ông ý thức được tất cả: ông biết rằng cuộc sống mới này có kết cuộc không chắc chắn, nhưng ông chấp nhận rủi ro. Ông tự định ình một tương lai hạnh phúc trong vòng mười năm. Mười năm mà ông còn có thể theo được nhịp sống của người tình. Mười năm mà tuổi tác của ông có thể được đem ra làm thí nghiệm và một chiếc vòng tay hiệu Swarovski làm quà có thể chuộc lỗi cho sự bất lực nhất thời của tuổi tác.
Để có cuộc sống mới, ông đã phải trả giá đắt: sự thù hận dễ hiểu của người vợ cũ, bà lên án ông đã phá tan cái gia đình được xây dựng trên nền tảng của lòng tin, sự chống đối kịch liệt của các cậu con trai, cái cười khẩy của một vài người bạn đang chết thèm vì muốn được như ông, nhưng lại trách cứ ông rơi vào bẫy quỷ giữa ban ngày.
Trong gia đình, duy nhất cô con gái Céline là vẫn thường xuyên gặp ông. Cô không hẳn ủng hộ ông, nhưng ít nhất cũng không đánh giá ông. Céline hiểu những rung động của con tim và hiểu rằng đam mê có thể thắng lý trí. Céline mà ông yêu quý và giờ đây có thể không còn trên cõi đời này nữa…
* * *
Mathilde mở cửa cho ông. Bà òa khóc.
– Bà có tin gì chưa? ông vừa thở gấp vừa hỏi.
– Tôi gọi đến khách sạn của con rồi, nhưng không ai nhấc máy.
– Thế còn di động của nó?
– Đó không phải là điện thoại ba tần[73]. Nó không nghe được ở Mỹ, nhưng…
Mathilde sụp xuống, khóc nức nở.
– Có chuyện gì vậy? ông kêu lên.
– Tôi nhận được điện thoại của bố mẹ Zoé, đồng nghiệp của con…

– Thế sao?
– … họ nói là con gái họ dự định thăm cô em họ đang làm việc ở Trung tâm Thương mại Thế giới…
Không đúng! Tại sao lại đúng vào hôm nay?
– … và họ nghĩ là Céline cùng đi với con gái họ…
Lần này, Thomas sụp xuống. Vincent đến gặp ông trong phòng khách, cùng với anh trai Rafael không còn ở chung với gia đình. Trong lần cuối cùng ông gặp các con trai, những lời chửi rủa đã được phun ra và suýt nữa chúng đã dùng đến cả nắm đấm. Tuy vậy, tối nay là sự đoàn kết thiêng liêng. Ông ôm hôn các con và chúng không đẩy ông ra. Ông muốn đôn đáo mọi việc, nhưng ông cảm thấy bất lực. Không có gì để làm cả, ngoài việc chờ đợi. Những giờ tiếp theo thật nặng nề. Cứ hai phút điện thoại lại reo: họ hàng, bè bạn lo lắng muốn biết liệu Céline có đang ở New York hay không. Ông trả lời tất cả mọi người một cách khô khan, trách họ làm đường dây bận.
Họ vẫn bật vô tuyến và sợ hãi rình rập trên màn hình cứ như là vô tuyến có thể thông báo về cái chết có thể xảy ra của con gái họ. Người ta nói rằng có hàng ngàn người chết. Họ không biết trong số đó có người Pháp hay không, nhưng làm sao mà không có được cơ chứ? Lần đầu tiên, người ta phát âm những từ sẽ xuất hiện đều đặn trên các bản tin thời sự của thập niên sau đó: cuộc chiến khủng bố, Bin Laden, Al Qaida…
Mathidle và các con lả đi trên tràng kỷ. Trạng thái ủ rũ mà mỗi người lần lượt thể hiện để nổi giận, chia sẻ nỗi lo sợ hay niềm hy vọng. Thomas nhìn trộm họ. Thật lạ lùng cái tình trạng tạm đình chiến này, tình trạng bỏ mối oán giận trong ngoặc kép, thứ tình cảm “tạo dựng lại gia đình”. Trong vài giờ, sự gay gắt bắt nguồn từ cuộc chia tay mất đi. Chỉ còn là ông bố bà mẹ sẵn sàng cho đi bất cứ thứ gì để con gái họ còn sống và hai cậu em trai đang lo lắng đến chết cho chị mình.
Tại sao cứ phải đợi đến khi mai táng, đến khi xảy ra tai nạn, hay khi nghe thông báo về căn bệnh hiểm nghèo để xóa bỏ hận thù?
* * *
Thế rồi, vào lúc hai giờ sáng, là cuộc gọi mà họ không còn hy vọng.
Ông là người nhấc máy. Ở đầy dây bên kia, ngay khi cô còn chưa nói một từ nào, ông đã biết đó chính là cô: cô con gái bé nhỏ Céline, cô con gái mà ông đã công kênh trên vai khi cô bé mới ba tuổi, cô con gái mà ông đưa tới trường rồi đi học múa, cô con gái mà ông làm giúp bài tập, cô con gái mà ông từng an ủi mỗi khi cô buồn.
Ông bật loa điện thoại lên. Giọng nói vang trong căn phòng và còn hơn cả một sự an ủi, cứ như thể ông biết tin con gái sinh ra trên đời một lần nữa. Tất cả mọi người đều muốn nói, nhưng không ai nói được gì nhiều bởi ai cũng khóc. Cuộc điện thoại, được thực hiện từ Lãnh sự quán, không thể kéo dài mãi được. Vậy là, trong lúc phấn khích, tất cả mọi người cùng kêu một câu, tình yêu và niềm vui sống được cô đặc lại giờ đây phun ra như một dòng thác: chúng ta yêu con, Céline. Chúng ta yêu con.
Rất lâu sau khi cô đã dập máy, cả bốn người vẫn đứng sát vào nhau trong xúc động và yên lặng.
* * *
3 giờ sáng
Thomas ra gặp vợ cũ ở ngoài hiên.
Bà hút thuốc. Điếu thuốc đầu tiên từ nhiều năm nay.
– Tôi vẫn có một bao giấu trong bếp, bà bảo.
– Để hút khi có chuyện à?
– Khi gặp bất hạnh hoặc hạnh phúc.
Đến lượt mình, ông châm điếu Marlboro. Ông cũng vậy, đã “chính thức” bỏ thuốc lâu rồi, nhưng tối nay cũng không giống mọi ngày.
Ông mỉm cười với Mathilde và cuối cùng ông cũng dám nhìn vào mắt bà. Được rửa bởi nước mắt, đôi mắt bà ánh lên tia sáng dịu dàng. Họ hút thuốc trong yên lặng. Bà toát ra vẻ đã bắt lại được liên lạc.
– Tôi đi đây, ông quyết định sau một lát.
Ông mặc áo vest và đi đến bên chiếc xe hơi đỗ ở đầu lối đi rải sỏi.
Ông quay người lại và giơ tay làm  hiệu cho bà.

Bà lưỡng lự giây lát rồi nói:
– Ông đi cẩn thận nhé.
* * *
Manhattan, ba ngày sau đó
Thứ Sáu ngày 14 tháng Chín năm 2001
19h 50
Ethan gọi một miếng bánh pho mát và một ấm trà Darjeeling rồi ngồi xuống chỗ ngồi quen thuộc, một chiếc bàn nhỏ bằng đá cẩm thạch ở cuối căn phòng.
Nằm ở trung tâm khu phía Tây, quán cà phê Zavarsky trông giống một quán cà phê thành Viên hồi đầu thế kỷ XX. Trang trí lỗi thời một cách khéo léo, các bức tường được trang hoàng bằng gương cổ và những bức tranh chép cầu kỳ của Gustav Klimt. Bánh mứt quả hồ đào, bánh táo và bánh Krafen có vị của ngày xưa. Ở giữa căn phòng, một nghệ sĩ violon đang chơi các giai điệu của Mozart, Paganini, Saint-Saens.
Ehan tự rót ình một tách trà và vừa nhấm nháp vừa nhìn qua cửa sổ. Ba hôm sau ngày tận thế, cuộc sống đang từ từ lấy lại nhịp điệu. Trên phố, cũng như ở khắp nơi trong thành phố, gia đình của những người mất tích dán lên hàng nghìn tấm áp phích nhỏ, hàng nghìn khuôn mặt vô danh không còn dấu hiệu sống kể từ sáng thứ Ba. Dưới kia, về phía Nam, lửa vẫn cháy âm ỉ, tỏa ra thứ mùi hăng hắc của cao su và thịt cháy. Lính cứu hỏa đang bới tìm không ngừng nghỉ các đống đổ nát, nhưng kể từ thứ Tư, họ không tìm thấy thêm người nào nữa.
Ở hè đường phía bên kia, trên một bức tường nhỏ, người ta đến đặt bình hoa, hình vẽ của trẻ con, nến để tưởng nhớ những người đã mất trong khu phố. Một dòng khách bộ hành nối nhau đi qua trước đài kỷ niệm ngẫu hứng và xúc động đứng mặc niệm vài phút cho những nạn nhân mà đa số họ chưa từng biết mặt.
Ở túi áo trong, Ethan vớ được chiếc bút máy để ghi lại vào sổ một vần thơ của Yeats[74] mà lúc nãy anh đọc được trên chiếc cột gần phần đường dành cho người đi bộ: Tôi nghèo, tôi chỉ còn lại những giấc mơ. Tôi đặt chúng dưới bước chân em. Hãy đi nhè nhẹ, bởi vì em đang bước đi trên những giấc mơ của tôi. Một trào lưu mới nở rộ khắp nơi: mọi người chép vào các bài thơ và dán chúng lên cửa kính, lên đèn đường hay ở bến xe buýt. Mọi phương cách đều tốt để xoa dịu chấn thương và chuẩn bị công việc tang lễ.
Anh lôi ra từ túi xách một cuốn sách. Một cuốn tiểu thuyết mà anh mới mua trưa nay trong giờ nghỉ trưa: cuốn Đời nhẹ khôn kham của Milan Kundera. Cuốn sách mà cô gái đã đọc ở sân bay. Người đã làm anh cháy túi và đã hắt hủi anh. Mặc dù nhục nhã, kỷ niệm về cô vẫn ám ảnh anh, và trong ba ngày náo loạn vừa qua, khuôn mặt cô vẫn luôn trở lại.
Tuy nhiên, từ khi anh trở về, phòng khám lúc nào cũng đông khách. Sự việc hai tòa tháp bị phá hủy chẳng chừa ai. Mỗi người đều quen biết ai đó bị chết và rất nhiều người có nhu cầu được trợ giúp về tâm lý. Vừa cố gắng học cách tiếp tục sống, người ta vừa lo sợ một thảm kịch trong tương lai. Người ta hoài nghi, lật lại vấn đề, nhìn thế giới bằng con mắt khác. Một số người chạy trốn, số khác lao vào sống hết mình. Người ta nghĩ tới việc nói câu “anh yêu em” “em yêu anh” nhiều hơn trước.
Còn anh?
Từ khi trở về New York, nỗi cô đơn đè nặng trong anh. Ngay cả nếu như anh không chịu thú nhận điều đó, anh vẫn cảm thấy thiếu vắng tình cảm. Để thoát ra khỏi thực tế trong chốc lát, anh lật giở các trang của cuốn tiểu thuyết, đắm chìm vào những trang sách, dừng lại ở một đoạn:
Những người đàn ông theo đuổi vô số phụ nữ có thể dễ dàng phân chia thành hai loại. Loại thứ nhất tìm kiếm ở tất cả những người phụ nữ giấc mơ của mình, ý nghĩ chủ quan của mình về phụ nữ. Loại thứ hai bị thúc đẩy bởi ham muốn chiếm lĩnh sự đa dạng khôn cùng của thế giới phụ nữ khách quan.
– Chỗ này còn trống không? giọng một phụ nữ hỏi anh.
Không nhìn lên, anh gật đầu, nghĩ rằng người ta chỉ muốn mượn chiếc ghế ngồi đối diện. Rồi anh ngạc nhiên thấy người ta đặt cái gì đó trước mặt mình: một bó hoa hồng bằng sô cô la và mứt hạnh to tướng. Tấm danh thiếp đính kèm món quà là… danh thiếp của anh. Tấm danh thiếp mà anh đã để lại cửa hàng ông chủ hiệu bánh người Ý ở sân bay.
Vậy là, anh ngẩng nhìn lên và…
– Anh có tin vào tình yêu lớn không? Céline hỏi và ngồi xuống trước mặt anh.
Anh nheo mắt lại và nhìn cô say đắm. Cô tiếp tục:
– Tôi cũng không tin, mới cách đây ba ngày, tôi còn không tin vào điều đó.
 
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.