Đọc truyện Trở Lại 30 Năm Trước – Chương 23
– Cô Tiêu, cô tới đón Tiểu Quang à?
Trên sân có một giáo viên nhà trẻ nhận ra mẹ của An Na, ra mở cổng.
Tiêu Du chào hỏi người ta, cầm cặp sách cho Tiểu Quang, chờ Tiểu Quang chào cô giáo rồi mới ôm Tiểu Quang ngồi vào sau xe.
– Mẹ, vừa nãy chị kia cho con kẹo bạch thỏ, nhiều lắm ạ.
Tiểu Quang bỗng quay lại chỉ vào An Na.
Tim An Na đập mạnh, thấy mẹ nhìn về phía mình thì cuống quýt giấu túi kẹo trong tay ra sau, lại cảm thấy không bình thường cho lắm, cô cầm lại như cũ, mắt nhìn thẳng vào ánh mắt nghi kỵ của mẹ mình, giải thích:
– Mẹ…à cô Tiêu, cô đừng hiểu lầm ạ…Nhà cô trước kia có giúp cháu….Hôm nay cháu tiện đường đi qua đây nên mua kẹo cho Tiểu Quang để cảm ơn…
Tiểu Du ồ lên, mỉm cười:
– Bố mẹ cháu là ai?
– …Cũng họ An ạ…- An Na ấp úng.
Họ An không nhiều, Tiêu Du không rõ nhà mình còn có qua lại với nhà họ An nào, thấy cô gái trẻ này rất kỳ lạ, thì mỉm cười nói:
– Tấm lòng chúng tôi xin nhận, nhưng kẹo thì không thể nhận được.
– Cô Tiêu, cô cầm cho Tiểu Quang đi ạ, cháu rất chân thành, kẹo không có vấn đề gì ạ, không tin cháu ăn cho cô xem. – An Na khổ sở van nài, để cho mẹ yên tâm, cô bóc một viên kẹo cho vào miệng.
Tiêu Du e ngại, do dự một lúc nói:
– Vậy thì cầm một viên vậy, còn lại thì không thể nhận được.
An Na biết mẹ là người dễ khóc dễ động lòng trước mặt bố, nhưng thực ra là người rất có nguyên tắc, biết đây là sự nhượng bộ cực hạn của bà rồi, cô đành thôi, đưa một viên kẹo cho Tiểu Quang.
Tiểu Quang ngoan ngoãn cầm lấy, nói:
– Cám ơn chị.
– Chào chị đi con. – Tiêu Du nói, – Chúng ta về thôi.
– Em chào chị.
Tiểu Quang cầm viên kẹo bạch thỏ trong tay, vẫy vẫy với An Na.
Tiêu Du gật đầu chào An Na, đạp xe đèo Tiểu Quang đi, đi được một đoạn ngắn, không hiểu vì sao trong lòng bà lại dâng lên một cảm giác kỳ lạ, như là đã gặp cô gái trẻ này ở đâu đó rồi.
Tiêu Du dừng xe, ngoái đầu nhìn An Na.
An Na thấy mẹ đột nhiên dừng xe quay lại nhìn mình thì tim đập liên hồi, không kìm lòng nổi muốn bước đến, nhưng chân vừa nhúc nhích đã thấy mẹ gật đầu với mình, mỉm cười rồi lại đạp xe đi.
An Na yên lặng nhìn theo bóng lưng mẹ chở Tiểu Quang đi xa, trong lòng tràn ngập sự buồn bã và thất vọng, một lúc lâu sau mới quay lại, nhìn vị giáo viên vẫn còn đang đứng ở cổng nhà trẻ, chỉ vào dây điện rối tung trên đỉnh nhà, nói:
– Cô ơi, dây điện chỗ trường kéo không đúng tiêu chuẩn, lại lâu quá rồi, vì an toàn, nhà trường nên gọi ngành điện lực đến kiểm tra tu sửa đi ạ.
Vị giáo viên kia liếc nhìn An Na, lạnh lùng nói:
– Cô là ai, sao nhiều chuyện thế? Nhà trường còn không lo đến, đến lượt cô lo à.
An Na bốc hỏa.
– Đây mà bảo là nhiều chuyện à? Cô mở to mắt của cô xem dây điện trên mái nhà chập lại rồi, đường dây thì bao lâu không thay rồi, đây lại là nhà trẻ, nhiều trẻ nhỏ, nhỡ xảy ra chuyện gì thì nhà trường có chịu trách nhiệm không?
– Cô nói năng gì đấy, cô rủa cái gì đấy?
– Cháu không rủa ai cả, cháu chỉ đang nhắc nhở cô thôi. – An Na quay qua nói với mấy phụ huynh đang đón con em mình, – Các phụ huynh nói xem cháu nói có lý không?
Mấy phụ huynh hình như cũng tán thành, nhưng có vẻ rất e ngại vị giáo viên kia, một người do dự nói:
– Nhà trẻ…hẳn không xảy ra chuyện đâu…
Hiệu trưởng nghe có tiếng tranh cãi thì đi ra.
– Hiệu trưởng, tôi thấy đồng chí này nói rất có lý. Nhân dịp ngày nghỉ, nhà trường có nên cho thợ điện đến xem không? – Một phụ huynh lên tiếng.
Có người lên tiếng rồi, các phụ huynh khác cũng lên tiếng theo.
Hiệu trưởng đẩy kính mắt, nói:
– Vấn đề này nhà trường cũng đã chú ý tới rồi, đang chuẩn bị phản ánh lên trên. Mong các phụ huynh cứ yên tâm.
Các phụ huynh nghe nhà trường nói thế thì đều gật đầu, đón con xong thì đi về ngay.
– Đồ hâm dở.
Vị giáo viên kia lẩm bẩm mắng An Na rồi đi vào.
An Na vẫn lo lắng, nhà trường nói thế hẳn là đúng rồi, nhưng giờ hiệu suất xử lý trong quan hệ các ngành cũng thật khiến người ta lo lắng. Cô không quan tâm vị giáo viên kia, đuổi theo hiệu trưởng:
– Hiệu trưởng, mong cô nhất định phản ánh lên ạ, để thúc họ mau chóng kiểm tra sữa chữa đường điện. Cháu có một em trai học ở đây, cháu rất lo lắng.
– Đồng chí à, cháu còn trẻ thế, sao lại đa nghi như vậy? Cô nói rồi, cháu cứ yên tâm. Hiệu trưởng rất không vui, – Phụ huynh đã giao con đến đây, thì đều là mầm non của đất nước. Cháu nghĩ được, nhà trường nhất định sẽ làm được.
An Na biết mình chỉ có thể làm được đến mức này, chỉ mong nhà trẻ thật sự làm được điều họ vừa nói.
Dầu gì thì cô vẫn phải quay về trước, đến kỳ nghỉ hè năm nay sẽ đến đây một chuyến nữa. Nếu như khi đó mọi thứ vẫn y nguyên, cô sẽ liên lạc với các phụ huynh để hỗ trợ tạo áp lực cho nhà trẻ. Sự an toàn của trẻ nhỏ như nào, các phụ huynh hiểu rõ nhất, hơn nữa đã được nhắc nhở, ý thức được tai nạn sẽ xảy đến, họ nhất định sẽ không bỏ mặc đâu.
…..
Buổi tối, An Na lên tàu quay về, ngày hôm sau tìm được trường học mà Lý Mai khi còn sống từng dạy thay, lấy lý do đã hơn một năm không gặp lại bạn để nghe về tin tức của cô ấy.
Nửa năm trước khi Lý Mai còn sống, có từng thư từ qua lại với cô Lý Hồng của mình, có nói chút ít đến cuộc sống của mình, từ thư của Lý Mai mà cô Lý Hồng nhận được, An Na có đọc một cái, từ trong đó biết Lý Mai từng làm việc ở Thượng Hải.
Lý Mai tự sát ly kỳ tại nhà ga, làm cho An Na cảm thấy vô cùng khó hiểu, trong lòng cũng tồn tại một gút mắc chưa gỡ được. Tuy cô không thể không tiếp tục mượn thân phận của người chết, nhưng gút mắc này thủy chung vẫn ứ nghẹn ở trong lòng.
Chạy một ngày trong thành phố, lúc rời khỏi trường học, tâm tình An Na vô cùng nặng nề.
Cô đã tìm được đồng nghiệp có quan hệ khá thân thiết với Lý Mai khi còn sống, người kia nói, sau khi mẹ của Lý Mai chết, Lý Mai sống một mình, mấy tháng trước có chuyển đến một nơi hẻo lánh ở phương bắc sống cùng người thân, nhưng sau đó lại nói với An Na, sở dĩ Lý Mai rời khỏi nơi này, ngoài nguyên nhân mẹ chết ra thì một lý do khác là không thể sống ở nơi này nữa.
– ….Bạn ấy có bạn trai. Tôi nghe Lý Mai nói hai người còn định kết hôn nữa. Có một lần Lý Mai còn hỏi tôi bánh kẹo cưới thì nên phát như nào. Người đàn ông kia trước sáu tháng cuối năm thi lên đại học thì bắt đầu coi thường Lý Mai, không lâu sau thì nghe nói có người khác, muốn bỏ cô ấy…
– Nhưng đây chưa phải là thảm nhất, thảm nhất chính là, mấy tháng trước, Lý Mai lúc trường kiểm tra sức khỏe định kỳ phát hiện có thai…Gã đàn ông kia không nhận, còn nói cô ấy vu oan cho mình. Ôi, bạn nói xem một cô gái đang đầy mộng mơ như thế lại xảy ra chuyện đó, nghĩ xem cô ấy phải sống thế nào đây? Tôi cũng khuyên bạn ấy bỏ thai rồi đến nơi khác để sống, bắt đầu lại cuộc sống mới. Lúc ấy tôi thấy Lý Mai vẫn chưa đến mức tuyệt vọng đâu, còn mong mỏi gã khốn kia quay lại cơ, chẳng biết về sau bạn ấy lại…
An Na hỏi tên gã khốn kia và tên trường đại học, sau đó xin phép ra về.
Cô nhớ kỹ tên của gã đàn ông kia, một ngày nào đó nếu có thể, cô sẽ trả thù cho cô gái đã phải dùng hai giây dầy buộc lại với nhau để thắt cổ tự tử trong nhà vệ sinh kia, để cho gã đàn ông khốn kia biết cảm giác sống không bằng chết là cảm giác gì.
…
Tính cả lúc đi và lúc trên đường về thì An Na đã rời khỏi huyện La Bình được mười ngày rồi. Cũng không còn mấy ngày nữa là tới cuối năm.
Lúc cô đi, đường xá của huyện La Bình còn rất khô ráo, chạng vạng khi quay về, khắp nơi đã là một màu tuyết trắng xóa.
Cô đi mới tầm chục ngày, mà nơi này tuyết đã ngập khắp. Trên đường tuyết đóng băng rất dày. Bến xe từ sáng sớm đã ngừng đón khách ra ngoại thành, trong bên có rất nhiều khách từ nơi khác trở về nhà, có không ít khách quyết định đi bộ về nhà, cùng lắm thì đi bộ vài chục km là đến.
An Na không đi bộ theo những người đó, bản thân lại không có nhiều tiền để nghỉ ở khách sạn, đành phải đến nhà Trần Lệ để xin tá túc.
Trần Lệ ở trong căn nhà cũ dành cho công nhân viên chức ở phía đông thành quan, căn nhà đã có mấy chục năm lịch sử, tầm ba mươi mét vuông, không có toa lét, có một căn bếp nhỏ, diện tích còn lại ngăn thành hai phòng. Một phòng hai vợ chồng Trần Lệ ở, phòng kia là của Trần Xuân Lôi hoặc là bà nội ở. Giờ đang lúc nghỉ đông, Trần Xuân Lôi quay về Hồng Thạch Tỉnh rồi, xưởng của Trần Lệ cũng đã nghỉ bảy tám ngày, Tiểu Ny đã được đón về. Lúc An Na đến, Tiểu Ny vô cùng vui mừng, ôm chặt lấy cô.
Trần Lệ thấy An Na quay về thì cũng rất vui, nom con gái ôm chặt lấy An Na rất thân thiết thì mỉm cười:
– Ôi, lúc em đi, Tiểu Ny cứ ủ rũ suốt, cứ lo em không trở lại.
– Sao có thể chứ. – An Na đưa kẹo bạch thỏ cho Tiểu Ny. Tiểu Ny mắt sáng ngời, muốn cầm lại không dám, nhìn sang mẹ.
– Nhìn mẹ cái gì, cô mua cho cháu đấy. – An Na bóc kẹo, cho vào miệng Tiểu Ny.
– Mua nhiều kẹo làm gì, tốn tiền lắm.
– Cho bọn trẻ ăn, không bao nhiêu đâu chị. – An Na nói, lại lấy trong túi hành lý ra chiếc áo lông Cashmere.
– Chị, đồ Thượng Hải đấy, tặng chị. Đầu xuân hoặc thời tiết se lạnh thì mặc được ạ.
Áo lông Cashmere cũng không phải là loại đắt, mà loại đắt tiền An An giờ cũng không mua nổi. Nhưng so với thói quen ăn mặc áo bông dầy cộm và hoa ăn sặc sỡ của thời đại này thì chiếc áo này mang phong cách rất tây.
– Ôi, em đi Thượng Hải thôi, sao còn mua cái này làm gì, phí quá. Đi đường mệt không, em đi nghỉ đi, chị đi làm thức ăn, lát anh rể em về là cả nhà ăn cơm.
Trần Lệ rất vui, cất chiếc áo đi, sau đó đi vào bếp nấu nướng.
Buổi tối Đại Tống về nhà, lúc ăn cơm có nói đến chuyện tiền lương ít ỏi.
An Na lúc trước khi đi từng tiện đường rẽ vào trạm sữa huyện, cũng nghe cô gái tên Triệu Trung Phân kia nói, trạm sữa giờ chưa có ai nhận thầu, đoán chừng sẽ kéo dài tới sang năm, bèn nói ra.
– Cái này kiếm tiền được à? Có kiếm được tiền cũng không nhận thầu đâu. – Trần Lệ lắc đầu, – Nhận thầu xong có rủi ro gì cũng phải chịu. Đám dân nghèo chúng ta không có năng lực đó, cứ chịu khó kiếm từng đồng cực khổ cũng được.
Đại Tống thì có vẻ khá hứng thú, nhưng thấy Trần Lệ nói vậy thì không lên tiếng.
An Na cười cười, không nói gì. Buổi tối cô ngủ cùng Tiểu Ny. Ngày hôm sau đường vẫn chưa thông, đến buổi chiều thứ ba, nhà ga mới bắt đầu vận hanh trở lại, An Na muốn nhanh chóng về báo một tiếng với Trần Lệ rồi bắt xe quay về Hồng Thạch Tỉnh, không muốn phải làm phiền đến nhà Trần Lệ nữa. Lúc đi tới cổng nhà, vừa lúc thấy Trần Lệ đối diện đi tới, bên cạnh còn có một người đàn ông nữa. Người đàn ông này hơi gầy, có vẻ lớn hơn cô mấy tuổi, mặt dài, nhìn rất nhã nhặn, mặc trang phục bằng vải ga-ba-đin be, giày da bóng loáng, chỉnh thể nhìn rất đĩnh đạc lịch sự.
Tràn Lệ có vẻ như khá nịnh bợ người đàn ông này, nhìn là nhận ra đã nỗ lực mời người ta đến nhà, còn thái độ người ta thì rất có lệ.
– Ôi Mai Mai, đúng lúc quá, may mà em về, mau qua đây.
Trần Lệ nhìn thấy An Na thì mắt sáng lên, mặt mày mừng rỡ vội gọi cô.
An Na đi tới:
– Chị, nhà ga thông xe rồi, em…
– Để chị giới thiệu, đây là Cao Vĩ,
Lại bước đến nói nhỏ vào tai cô, – Là đối tượng mà lần trước chị muốn làm mối cho em đó, bố cậu ta là trưởng phòng nhân sự của huyện đáy.
An Na ngây ra.
– Em Cao, đây là em họ của chị Lý Mai, từ Thượng Hải tới. Chị không nói khoác đâu, em ấy giỏi đàn hát lắm, lần trước còn đại diện cho trường đi tham gia biểu diễn văn nghệ của huyện, còn đoạt giải nữa đấy.
Trần Lệ hăng say thổi phồng An Na lên. An Na lúc này mới bừng tỉnh, đây chính là đối tượng mà chị ấy muốn giới thiệu cho mình, cô vội kéo tay Trần Lệ sang một bên, thì thào:
– Chị, đừng nói gì nữa, em…
– Đồng chí Lý Mai, rất vui được quen biết đồng chí. Tôi là Cao Vĩ, cao trong núi cao, vĩ trong vĩ đại.
An Na còn chưa nói hết thì đã nghe Cao Vĩ kia tự giới thiệu bản thân rồi, đành phải quay người qua.
– Chào đồng chí.
An Na gật đầu với anh ta, rồi lại quay sang Trần Lệ:
– Chị, em về là để nói với chị một tiếng, xe thông rồi, em về đây ạ.
– Ấy, từ từ đã, gấp làm gì. Ngày mai đi cũng được mà. Mà em còn chưa ăn cơm chiều đấy.
Trần Lệ kêu lên.
– Em còn có việc cần phải về ngay. Em không đói đâu ạ.
An Na chạy vào trong nhà dọn đồ đạc của mình, lại chào Tiểu Ny một câu rồi đi ra. Thấy Cao Vĩ và Trần Lệ vẫn ở đó.
An Na chào Trần Lệ rồi nhanh chóng đi ra nhà ga.
– Đồng chí Lý Mai, hay là tôi đưa đồng chí đi. – Cao Vĩ đuổi theo.
– Không cần đâu ạ. Tự tôi đi được. Cám ơn anh. Chị ơi, em đi đây, không thì muộn xe mất.
An Na cũng không quay lại, bỏ mặc Trần Lệ còn đang muốn giữ mình ở lại, vội vã đi ra bến xe. Cuối cùng cô cũng bắt được chuyến xe cuối cùng, trong chiếc xe chật cứng khách quay về Hồng Thạch Tỉnh.