Đọc truyện Trò Chơi Tìm Kiếm Tình Yêu (Con Đường Đến Bên Em) – Chương 11
Mốc dịch
Lão Hồ đưa mọi người tới khu thắng cảnh rồi lái xe đi.
Dư Nam đã đặt phòng ở nhà trọ trên bán đảo Lý Cách từ trước, đi vào mùa du lịch, bên đó gần như chật kín khách.
Không còn cách nào khác, đành phải liên lạc với một nhà trọ thuộc một thôn hẻo lánh, thôn không nổi tiếng, nhưng điều kiện phòng ở khá thoải mái.
Trước đây Dư Nam đã đưa khách đến đây một lần, ông chủ nhà trọ là người Mosuo, hơn năm mươi tuổi, rất hiếu khách.
Khi họ đến, không có sẵn nơi ở cho hướng dẫn viên du lịch, lần này họ lấy căn phòng ba gian.
Điều kiện ngủ nghỉ nơi này không bằng Lệ Giang, nhưng được cái xây gần hồ, nhìn bên ngoài cửa sổ chính là bầu trời xanh thẳm kề bên hồ nước, phóng tầm nhìn về phía xa là dãy núi Nữ Thần.
Đi vào lúc thời tiết đẹp, qua cửa sổ chạm đất trong căn phòng còn có thể trực tiếp nhìn thấy mặt trời mọc.
Sắp xếp xong chỗ ở thì đã đến bốn giờ chiều, Dư Nam dặn dò mọi người cất hành lý rồi đến thôn Ni Trại dạo một vòng.
Họ tập trung ở cửa nhà trọ, Du Tùng mãi không thấy xuống.
Hỏi Trương Thạc, anh ta nói anh đang tắm.
Dư Nam không nói gì, để những người khác di dạo xung quanh, còn mình đứng ở cửa chờ anh.
Hai mươi phút sau, Du Tùng đi xuống với tinh thần sảng khoái, Dư Nam để ý anh đã thay quần áo khác, áo phông rộng rãi màu sáng và quần thể thao màu đen.
Lần đầu thấy anh mặc màu sáng, da thịt dưới lớp quần áo càng thêm chắc nịch đen bóng.
Trên tóc anh vẫn còn vương mấy giọt nước, đôi mắt mơ màng, như được phủ một lớp hơi sương.
Anh đi tới, Dư Nam chau mày nhìn thời gian.
Du Tùng nói: “Xin lỗi, lại không phối hợp với cô.”
Nhưng ngữ khí lại rất thản nhiên.
Dư Nam xoay người: “Đi thôi.”
Đến thôn Ni Trại cần phải ngồi thuyền, bên bờ là hàng dài thuyền máng heo (1), phía trên là những cô gái Mosuo cầm cây sào.
Bọn họ chọn một chiếc thuyền rồi đi lên.
Cô gái Mosuo biết nói tiếng phổ thông, tính cách vô cùng phóng khoáng, chèo đến giữa hồ, cô bắt đầu cất cao giọng hát.
Từng con thuyền máng heo, có xuôi có ngược, cây sào phá vỡ mặt hồ bình yên không gợn sóng, ngay cả bóng bầu trời xanh biếc và dãy núi xa xa đều trở nên mơ hồ.
Các thuyền đều do những cô gái Mosuo cầm sào, giọng hát trong trẻo vang vọng khắp khe núi.
Trương Thạc “mắt không kịp nhìn hết”, sáp đến gần Du Tùng nói: “Em cuối cùng cũng hiểu hướng dẫn viên Dư nói “Lúc đến đây sẽ không suy nghĩ thế nữa” là sao rồi.”
Nét mặt Du Tùng đã hiểu ra, nhưng vẫn cố tình hỏi: “Nghĩa là sao?”
Trương Thạc cảm thán lắc đầu, cuối cùng thốt ra bốn chữ “không thể chơi nổi.”
Du Tùng cười hừ một tiếng.
Trương Thạc chặc lưỡi, lẩm bẩm: “Quá dữ.”
Do sự khác biệt về ẩm thực phong tục, nên phụ nữ dân tộc Mosuo vạm vỡ hơn người Hán, hơn nữa hầu hết đều khá cao. Sau bao năm tháng rèn giũa trên khí hậu cao nguyên, da thịt đều thô ráp khô nứt, gò má đỏ au.
Vì vậy những cô gái ở đây mang vẻ đẹp dịu dàng thầm kín thiếu đi sự nữ tính.
Du Tùng nghe anh ta nói, ánh mắt bất giác rơi xuống người Dư Nam, anh ngồi ở đuôi thuyền, cô ngồi chếch đầu thuyền, ở giữa ngăn cách bởi Chương Khải Tuệ và Thạch Minh.
Tầm mắt anh chạm đến cần cổ mảnh khảnh, chiếc cằm nhỏ bé và cái trán trơn bóng.
Dù so sánh với Chương Khải Tuệ phía trước, hay cô gái người Mosuo phía sau, cô vẫn hết sức tinh tế và nổi bật.
Du Tùng đánh giá từ trên xuống dưới, cuối cùng đối diện với đôi mắt trong veo, dưới hồ nước thấp thoáng ánh mắt ấy lạnh lùng rõ ràng.
Cô rốt cuộc nhận ra anh đang nhìn mình chằm chằm, trợn mắt một cái, quay đầu nhìn mặt hồ.
Du Tùng bật cười, cũng không nhìn cô nữa.
Thôn Ni Trại yên tĩnh hơn bán đảo Lý Cách, dân cư sống gần bờ hồ, không có những quán hàng rong lộn xộn, thiếu đi hơi thở thương mại, càng thích hợp để thả lỏng đầu óc.
Nơi này có một địa điểm nổi tiếng tên “Cây Tình Nhân”, khi đến họ nhìn thấy cô dâu chú rể chụp ảnh cưới gần đấy.
Chương Khải Tuệ vui mừng hớn hở chạy đến góp vui, tiện tay kéo Trương Thạc đến giúp họ chụp ảnh.
Du Tùng đi về tảng đá phía sau, ngồi xuống, từ trong khoang mũi phát ra một tiếng “hừ”.
Dư Nam đứng bên cạnh anh: “Sao thế?”
Du Tùng nói: “Khó hiểu thật.”
Ánh mắt Dư Nam men theo, Thạch Minh ôm Chương Khải Tuệ đứng giữa hai cây tình nhân, cười rạng rỡ.
“Anh nói họ à?”
Du Tùng lấy một điếu thuốc ra châm, “Hai cái cây còi cọc, có gì hay mà chụp.”
Dư Nam nói: “Những cây mọc bên hồ này, đa số đều có đôi có cặp, giống như đôi tình nhân dựa vào nhau mà sống, đến đây chụp ảnh vì để xin một điềm tốt. Không còn bơ vơ, hoạn nạn cùng chịu, tương thân tương ái, trọn đời trọn kiếp.”
“Cô tin à?”
Cô trả lời lấy lệ: “Có hi vọng cũng tốt mà.”
Không còn bơ vơ, hoạn nạn cùng chịu, tương thân tương ái, trọn đời trọn kiếp.
Thỉnh cầu quá xa xỉ, cô không tin.
Du Tùng liếc mắt nhìn cô, quái gở nói: “Bà chị ngốc à, nhìn không ra cô vẫn còn ngây thơ vậy.”
Dư Nam nói: “Thứ anh chưa nhìn ra nhiều lắm.”
Du Tùng nhếch môi: “Còn gì nữa?”
“Đâu liên quan tới anh.”
“Chưa chắc.”
“Đừng nói mớ.”
Du Tùng nhìn cô một lúc lâu, ngón tay kẹp điếu thuốc chỉ vào cô, quay đầu không nói chuyện nữa, hai người im lặng nhìn ba người phía xa xa.
Du Tùng nói: “Hai cái cây đó không lớn nổi nữa nhỉ?”
Dư Nam nhìn anh, ánh mắt nghi ngờ.
Nhưng Du Tùng không giải thích.
Thôn Ni Trại không lớn, mất không nhiều thời gian đã tham quan xong.
Mặt trời xuống núi, ánh chiều tà đỏ như lửa chiếu xuống mặt hồ phẳng lặng, tựa từng đoạn gấm màu vàng kim.
Một con thuyền phá vỡ mặt hồ, cô đơn chiếc bóng, lay động trong vùng nước mênh mông, bỗng nhiên vẽ lên cảnh sắc thiên nhiên hoàn mỹ.
Bữa tối họ quay về bán đảo Lý Cách giải quyết.
Dư Nam trưng cầu ý kiến mọi người.
Chương Khải Tuệ muốn ăn bún gà địa phương, Trương Thạc nhất quyết muốn ăn lẩu đặc sản.
Hai người tranh cãi không ngớt, không ai chịu nhường ai.
Nét mặt Dư Nam lạnh lùng, ôm cánh tay trầm mặc không góp lời.
Du Tùng dụi thuốc đứng dậy, giọng nói như mang theo tức giận: “Ầm ĩ cái mẹ gì, ăn thịt nướng.”
Rồi anh đi trước.
Sau vài giây im lặng, Trương Thạc đuổi theo: “Hay, ý kiến hay, thịt nướng cũng ngon, dạo này chưa ăn.”
Chương Khải Tuệ, Thạch Minh: “…”
* * * * *
Dư Nam đưa họ đến nhà ông chú tên Trại Ban ăn heo sữa nướng.
Gia đình Trại Ban sống ở “nhà tổ mẫu” (2), ông ta và mẹ, em gái cùng sống với nhau, ngoài ra còn có đứa cháu trai ba tuổi.
Đây là một gia đình dân tộc Mosuo điển hình. Mỗi chỗ trong nhà được trang trí hoa văn nhỏ bé, thể hiện rõ bản sắc dân tộc, đồng thời cũng mang đến cảm giác thần bí không dễ nhận ra.
Du Tùng gọi heo sữa nướng, thịt tảng (3), cải trắng nướng thịt mỡ heo và một phần cá ướp chua rán.
Dư Nam định gọi thêm, Trại Ban dựng ngón trỏ ngắt lời cô: “Vẫn như cũ, khoai tây nấu nấm, bánh mạch đắng nhỉ.”
Dư Nam cười: “Vẫn là chú hiểu cháu nhất… À, đúng rồi, thêm một bình Tô Lý Mã (4).”
Trại Ban đi ra sau chuẩn bị, Dư Nam nói: “Tô Lý Mã là rượu “tẩu hôn”, trước khi chàng trai chủ động đều phải uống tăng thêm can đảm, lát nữa chúng ta nếm thử xem.”
Sự không vui vừa rồi sớm đã tan biến hết, du lịch bên ngoài đều phải vui vẻ, không ai sẽ vì chuyện nhỏ mà tính toán chi li, tự làm mình mất hứng.
Chương Khải Tuệ chớp mắt: “Chỉ có con trai mới được uống sao? Em cũng muốn nếm thử.”
Thạch Minh hỏi: “Chị Dư, rượu này độ cồn có cao không?”
Dư Nam lắc đầu: “Đây là loại rượu lúa mì thanh khoa (5), vị thanh ngọt, độ cồn không cao, con gái cũng có thể uống.”
Trương Thạc nói: “Đã uống thì phải mạnh chứ, nhẹ hều thì cảm nhận được gì?”
Du Tùng giang rộng hai chân, dựa người vào lưng ghế: “Đừng uống, không tìm nổi cửa đâu.”
Trương Thạc khoe khoang: “Em chưa từng nhé.”
“Hay là muốn trực tiếp trèo cửa sổ.”
Mọi người đều bật cười, bầu không khí dịu đi rất nhiều.
Thời gian đợi thức ăn khá lâu, heo sữa phải nướng tại chỗ, chờ món ăn lên đủ cũng là chuyện của nửa tiếng sau.
Tất cả vui vẻ ngấu nghiến, vùi đầu ăn thịt.
Giữa chừng Trại Ban lên mời rượu.
Họ mời ông ngồi cùng bàn. Trại Ban chất phác nhiệt tình, cũng không từ chối, nhanh chóng lấy một cái ghế tới để ngồi.
Ông giải thích cho mọi người lịch sử văn hóa người Mosuo, cấu tạo và ý nghĩa “nhà tổ mẫu”.
Qua chính trải nghiệm của bản thân chủ nhà, câu chuyện trở nên chân thật hơn, cảm nhận khác hẳn khi Dư Nam nói.
Trại Ban kể, có thể nói chính xác, trong làng, ông ta đã “tẩu hôn” với khoảng bốn mươi năm mươi cô gái người Mosuo, con trai con gái ruột cũng phải đến năm sáu đứa.
Trương Thạc kinh ngạc đến rớt cằm, lẩm bà lẩm bẩm: “Bốc phét.”
Dù là khoác lác hay không, nhưng cũng là một con số giật mình. Khái niệm cuộc sống của bọn họ là tự do không gò bó, đối với tình cảm luôn tùy tiện và phóng khoáng.
Sau khi Trại Ban đi, Trương Thạc vẫn đang xoắn xuýt, anh ta chép miệng, chua xót nói: “Chả trách ông ta gầy như que củi, eo cong lưng còng.”
Chương Khải Tuệ mù mờ hỏi: “Tại sao?”
“Phòng the quá độ, tinh lực hao tổn nghiêm trọng, cho nên già sớm.”
Chương Khải Tuệ hừ mạnh hai tiếng, sắc mắt dần phiếm đỏ.
Thạch Minh không vui nói: “Không thể nói thế được, cơ thể bọn họ do lao động nặng nhọc, nên lão hóa sớm cũng điều bình thường.”
Trương Thạc vô cùng đồng ý: “Tẩu hôn đúng thuộc lao động nặng nhọc.”
Thạch Minh: “…”
Mọi người thảo luận rất sôi nổi, Dư Nam dường như là người ngoài cuộc, cô cầm đũa gắp nấm, ngẩng đầu lên, một ánh mắt đang dừng trên người cô.
Du Tùng hầu như không lên tiếng.
Cô chau mày: “Đủ chưa?”
Du Tùng nhai thành tiếng to: “Hửm?”
“Anh nhìn gì?”
“Nhìn cô.”
Dư Nam lườm anh một cái: “Đẹp không?”
“Xấu mù.”
Dư Nam: “…” Ông nội nhà anh.
Trương Thạc vụng trộm ngẩng đầu. Lại nữa rồi.
Du Tùng nói: “Heo sữa nướng ngon lắm.”
“Ngon thì anh ăn đi.”
“Cô không nướng à?”
“Cảm ơn, không cần.”
Dư Nam cúi đầu, bên kia không nói gì.
Lúc này, một thứ xù xì bỗng nhiên chạm vào môi cô, mang theo hơi nóng hôi hổi. Đồng thời, cái mùi như da thịt bị nướng cháy xộc vào mũi, trực tiếp xông thẳng lên não cô.
Heo sữa đã được Trại Ban chặt nhỏ, lớp da khô nứt, còn cả xương đặt trong khay.
Du Tùng gắp miếng thịt chân trước đặt bên miệng Dư Nam, đôi đũa hơi đẩy về phía trước: “Nếm thử xem?”
Thịt heo vẫn còn mùi vừa mới nướng xong dán lên môi cô.
Máu cả người Dư Nam như đông cứng lại, con sóng trong dạ dày sắp phá thành xông ra.
Cô nhanh chóng lấy tay che miệng, “ọe” một tiếng rồi chạy ra ngoài.
Chiếc ghế phía sau đổ nhào, phát ra tiếng vang dội.
* * * * *
Dư Nam suýt nữa nôn cả dạ dày ra, cô quỳ bên bồn cầu trong nhà vệ sinh, những thứ đã tiêu hóa lúc trước bị cô cho ra hết, sau đó vẫn còn nôn khan, trong dạ dày không còn thứ gì, chỉ nôn ra được mật xanh mật vàng.
Chương Khải Tuệ hoảng sợ chạy theo sau, ngồi xổm xuống, vỗ nhẹ vào lưng Dư Nam: “Chị Dư, chị không sao chứ?”
Dư Nam không còn sức trả lời, xua tay, lại “ọe” thêm hai tiếng.
“Em lấy cho chị ít nước nhé?”
Dư Nam khẽ lắc đầu, huyệt thái dương đập thình thịch, chân mềm oặt, đầu nặng trịch.
“… Kéo tôi dậy.”
Chương Khải Tuệ ôm hai vai cô đỡ cô đứng dậy.
Cô lảo đảo đến bồn rửa tay, vốc ít nước lên miệng.
Khuôn mặt trong gương tái xanh không sức sống. Khóe mắt đỏ quạch, nổi đầy tơ máu, trên mặt còn vương những giọt nước trong suốt li ti.
Cô lại cúi người xuống rửa mặt, dùng ngón tay chà xát đôi môi, ngón tay trắng bệch, dùng lực rất mạnh.
Chương Khải Tuệ sợ hãi, giọng nói nức nở: “Chị Dư, đừng rửa nữa, sắp rách da rồi.”
Dư Nam nghe không vào tai, động tác máy móc, mang theo sự cố chấp cứng đầu.
Một lực mạnh ôm lấy cô, ép cô đứng thẳng.
Cầm chặt tay cô.
Dư Nam “sshh” một tiếng, tự động thả tay xuống.
“Đi lấy chai nước.”
Chương Khải Tuệ đáp vâng, chạy ra ngoài.
Du Tùng xoay người cô lại. “Sao thế?”
Hết chương 11
(1) Thuyền máng heo hay còn gọi là thuyền độc mộc, người Mosuo gọi là “Nhật cổ”, là một trong những đặc sắc ở hồ Lô Cô.
(2) Nhà tổ mẫu: nhà mà người Mosuo ở gọi là “nhà tổ mẫu” (Trong tiếng Mosuo “tổ mẫu” mang ý nghĩa là “lớn”). Nhà tổ mẫu có hai cái cột chống đỡ, gọi là cột “nam” và “nữ”, thể hiện nam nữ bình đẳng, cột “nam” và cột “nữ” bắt buộc phải lấy từ một cái cây, cột “nữ” là gốc cây, cột “nam” là thân cây, tượng trưng “nữ gốc nam ngọn”.
(3) Thịt tảng (坨坨肉): một món ăn của dân tộc Di (Trung Quốc), trong tiếng Di gọi là “Ô sắc sắc cước” có nghĩa là từng miếng thịt heo. Sở dĩ gọi là “thịt tảng” vì mỗi miếng thịt nặng khoảng một hai lạng. (Tên món ăn do người dịch dịch).
(4) Tô Lý Mã là loại rượu ngon truyền thống của dân tộc Mosuo, Phổ Mễ (Trung Quốc)
(5) Lúa mì thanh khoa: giống lúa trồng ở vùng Tây Tạng, Thanh Đảo, Trung Quốc.