Đọc truyện Trên Sa Mạc Và Trong Rừng Thẳm – Chương 6
— —— —— —— —— —— —— —— —— —— —— —— —— —— —— —
Quả thực, ông Rô-li-xơn và Ta-rơ-cốp-xki đang trông chờ bọn trẻ, nhưng không phải giữa những đồi cát Va-đi Rai-an, nơi mà họ hoàn toàn không cần và cũng không hề muốn tới làm gì, mà tại một phía khác hẳn, tại thành phố En Pha-khen, trên con kênh cùng tên, nơi họ đang theo dõi những công việc được tiến hành trong những ngày cuối năm. Tính theo đường thẳng, khoảng cách giữa En Pha-khen và Mê-đi-nét vào khoảng bốn mươi lăm cây số. Song do không có đường nối trực tiếp, mà cần phải đi tới En Vax-ta, khiến đường xa gấp đôi, nên khi xem xét cuốn hướng dẫn về đường sắt, ông Rô-li-xơn đã tính toán như sau:
– Kha-mix ra đi vào buổi chiều, – ông nói với ông Ta-rơ-cốp-xki, – ở En Vax-ta, anh ta sẽ đi chuyến tàu chạy từ Cai-rô tới, nghĩa là sáng nay anh ta sẽ tới Mê-đi-nét. Bọn trẻ sẽ gói ghém hành trang chừng một tiếng đồng hồ. Ra đi từ trưa, hẳn chúng sẽ phải đợi chuyến tàu đêm đi dọc sông Nin, nhưng vì tôi không cho phép Nen đi đêm, nên chắc sáng nay chúng nó mới lên đường, và sẽ tới đây một lúc sau khi mặt trời lặn.
– Phải! – Ông Ta-rơ-cốp-xki nói. – Kha-mix phải nghỉ ngơi tí chút, thằng Xtas dẫu bao giờ cũng sốt sồn sột, nhưng nếu nói về cháu Nen, thì có thể tin ở thằng bé được anh ạ. Thêm nữa, tôi cũng đã gửi cho nó mẩu giấy dặn nó không được đi đêm.
– Thằng bé khá lắm, tôi hoàn toàn tin tưởng ở cháu. – Ông Rô-li-xơn đáp.
– Nói thật tình, tôi cũng vậy anh ạ. Tuy có nhiều nhược điểm, song Xtas có tính cách và không bao giờ nói dối, bởi cháu vốn dũng cảm, mà chỉ có bọn hèn nhát mới dối trá mà thôi. Cháu cũng không thiếu nghị lực, và nếu như thỉnh thoảng cháu biết cân nhắc chín chắn, thì tôi nghĩ rằng nó sẽ tự lập được trong cuộc sống.
– Chắc chắn là như vậy rồi. Còn nếu nói chuyện suy nghĩ chín chắn, thì hồi ở tuổi nó anh có chín chắn không?
– Phải thừa nhận là không, – ông Ta-rơ-cốp-xki vừa cười vừa đáp.
– Song, có thể, tôi không quá tự tin như nó.
– Rồi chuyện đó cũng qua thôi. Anh có thể lấy làm hạnh phúc vì có đứa con trai như thế.
– Còn anh thì vì có được một sinh linh dịu ngọt và đáng yêu như Nen.
– Cầu Chúa ban phước lành cho con bé! – Ông Rô-li-xơn xúc động đáp.
Hai người bạn thân siết chặt tay nhau, rồi họ cùng ngồi xem xét lại kế hoạch và bản hạch toán công việc. Công việc đó kéo dài mãi tới chiều.
Sáu giờ tối, lúc màn đêm đã buông xuống, họ có mặt trên sân ga, và vừa đi tản bộ dọc theo đường ke vừa nói tiếp chuyện bọn trẻ.
– Thời tiết tuyệt thật, nhưng hơi lạnh. – Ông Rô-li-xơn cất tiếng. – Không hiểu Nen có mang theo quần áo ấm hay không?
– Xtas hẳn sẽ nhớ điều đó, cả bà Đi-na cũng vậy.
– Tôi tiếc là đã không đi Mê-đi-nét mà lại đưa chúng tới đây.
– Anh có nhớ là chính tôi đã khuyên thế không nào?
– Nhớ chứ. Nhưng giá như từ đây chúng ta không tiếp tục đi xuống phía Nam thì hẳn là tôi đã đồng ý với anh. Tôi tính rằng, việc đi đường sẽ làm chúng ta mất nhiều thời gian, khiến chúng ta ở với bọn trẻ được ít hơn. Cũng xin thú thực với anh là chính Kha-mix đã gợi ý cho tôi nên đưa bọn trẻ tới đây. Anh ta nói với tôi rằng anh ta rất nhớ bọn trẻ và sẽ rất sung sướng nếu được tôi phái đi đón chúng. Thật cũng dễ hiểu vì sao anh ta lại gắn bó với bọn trẻ…
Câu chuyện bị gián đoạn bởi những tín hiệu báo rằng đoàn tàu đang tới gần. Lát sau, trong màn đêm hiện ra cặp mắt màu lửa của đầu máy, đồng thời nghe rõ tiếng còi cùng tiếng thở gấp gáp của nó.
Dẫy toa sáng ánh đèn trườn dọc theo đường ke, rùng rùng rồi dừng lại.
– Tôi chẳng thấy chúng ở cửa sổ nào hết. – Ông Rô-li-xơn nói.
– Có thể chúng nó ngồi phía trong và chắc chúng sẽ ra ngay bây giờ.
Hành khách bắt đầu xuống tầu, nhưng chủ yếu là người Ả Rập, vì ngoài các vườn cọ và xiêm gai ra, En Pha-khen không có gì đáng để tham quan cả. Không thấy bọn trẻ xuống tàu.
– Hoặc là Kha-mix không đi kịp tàu ở En Vax-ta, – ông Ta-rơ-cốp-xki cất tiếng với vẻ hơi bực mình, – hoặc là sau chuyến đi đêm hắn ta ngủ bù, và cả bọn ngày mai mới tới.
– Có thể, – ông Rô-li-xơn đáp với vẻ lo lắng, nhưng cũng có thể là có đứa nào đó bị ốm chăng?
– Nếu thế thì hẳn là Xtas đã đánh điện.
– Biết đâu chúng mình lại sẽ nhận được điện ở khách sạn thì sao.
– Ta đi đi.Nhưng tại khách sạn không hề có tin tức nào đang đợi họ cả. Ông Rô-li-xơn mỗi lúc một thêm lo lắng.
– Anh biết còn có thể thế nào nữa không? – Ông Ta-rơ-cốp-xki nói, – Có thể là, nếu như Kha-mix ngủ quên, y sẽ không thừa nhận với bọn trẻ chuyện đó, mà mãi ngày hôm nay mới đến chỗ chúng bảo rằng ngày mai chúng lên đường. Trước mặt chúng ta chắc y sẽ bào chữa là y không hiểu kĩ mệnh lệnh của chúng ta. Dù sao tôi cũng phải điện cho Xtas đây.
– Còn tôi sẽ điện cho ngài thống đốc của Phai-um.
Lát sau, cả hai bức điện được gửi đi. Tuy vẫn chưa có lí do gì để phải lo lắng, song trong khi chờ trả lời, cả hai kĩ sư đêm đó ngủ không ngon giấc và tờ mờ sáng hôm sau họ đã bật dậy.
Mãi gần mười giờ sáng mới có điện trả lời của ông thống đốc với nội dung như sau:
“Đã kiểm tra ở ga. Bọn trẻ đã đi Ga-rắc En Xun-ta-ni ngày hôm qua”.
Để đoán được cái tin tức này đã khiến hai ông bố kinh ngạc và giận dữ biết chừng nào. Họ nhìn nhau một lúc lâu dường như không hiểu được lời lẽ của bức điện, sau đó ông Ta-rơ-cốp-xki, vốn là người nóng nẩy, đập tay xuống bàn nói:
– Đây hẳn là sáng kiến của thằng Xtas thôi, nhưng tôi sẽ dạy cho nó phải từ bỏ những sáng kiến kiểu này đi!
– Tôi không ngờ nó lại làm việc đó. – Ông bố của Nen nói. Rồi lát sau ông hỏi:
– Thế còn Kha-mix thì sao?
– Hoặc là hắn không gặp bọn trẻ và không biết nên làm thế nào, hoặc là hắn cũng cùng đi với chúng.
– Tôi cũng nghĩ thế.
Một giờ sau, họ lên đường đi Mê-đi-nét. Tại khu lều trại, họ được biết rằng cả bọn chủ lạc đà cũng không có mặt, còn tại ga người ta khẳng định rằng Kha-mix cùng đi với bọn trẻ tới En Ga-rắc.
Mãi đến ga này, cái sự thật kinh khủng mới bắt đầu lộ ra.
Viên trưởng ga, chính người Ai Cập ngái ngủ mang cặp kính đen và đội mũ phê-đơ màu đỏ ấy, trả lời cho họ biết, rằng ông ta trông thấy một đứa bé trai chừng mười bốn tuổi, cùng một em gái chừng tám tuổi và một người đàn bà da đen không còn trẻ nữa đi vào sa mạc. Ông ta không nhớ rõ tổng số lạc đà là tám hay chín con, nhưng có một con thồ nặng hàng, dường như chuẩn bị đi xa vậy, còn hai người Bê-đu-in cũng có hai bọc hàng lớn trên yên. Ông ta còn nhớ được rằng khi ông ta đang đứng quan sát đoàn người và vật nọ, thì một người Xu-đan là chủ lạc đà nói rằng, đây là con của những người Anh đã đi Va-đi Rai-an trước đó.
– Thế những người Anh ấy đã trở về chưa? – Ông Ta-rơ-cốp-xki hỏi.
– Đã về rồi ạ. Họ trở về ngay ngày hôm qua với hai con chó sói săn được. – Người trưởng ga đáp. -Tôi cũng ngạc nhiên là tại sao họ không về cùng bọn trẻ. Nhưng tôi không hỏi họ lí do, vì chuyện đó không liên quan đến tôi.
Nói xong, ông ta đi làm công việc của mình.
Trong khi ông ta kể, mặt ông Rô-li-xơn trắng nhợt ra như tờ giấy. Đưa cặp mắt không hồn nhìn sang bạn, ông bỏ mũ phớt, đưa bàn tay lên vầng trán đẫm mồ hôi, và lảo đảo như sắp ngã.
– Anh Rô-li-xơn, hãy cứng rắn lên nào! – Ông Ta-rơ-cốp-xki kêu lên. – Bọn trẻ của chúng mình bị bắt cóc rồi! Cần phải cứu chúng.
– Nen! Nen ơi! – Ông bố người Anh bất hạnh cứ lặp đi lặp lại.
– Nen và Xtas! Đó đâu phải là lỗi Xtas. Chúng nó đã lừa hai đứa tới đây một cách hèn hạ và bắt cóc chúng đi. Ai biết được vì sao cơ chứ? Để tống tiền chăng? Rõ ràng thằng Kha-mix là đồng loã. I-đrix và Ghe-bơ-rơ cũng thế.
Đến đây, ông chợt nhớ ra điều mụ Phá-tma nói, rằng cả hai tên Xu-đan này đều thuộc về bộ tộc Đan-gan đã sinh ra Ma-hơ-đi.
Nhớ ra điều đó, tim ông như chết lặng giây lâu trong lồng ngực, vì ông chợt hiểu ra rằng, bọn trẻ có thể không phải bị bắt để tống tiền mà là để đánh đổi với gia đình Xmai-nơ.
Nhưng bọn đồng tộc của tên tiên tri tàn ác kia sẽ làm gì bọn trẻ cơ chứ? Chúng không thể ẩn náu trong sa mạc hoặc đâu đó dọc bờ sông Nin, vì trên sa mạc thì tất cả sẽ bị chết đói chết khát, còn dọc sông Nin thì chắc chắn là sẽ bị bắt ngay. Có lẽ, chúng mang theo bọn trẻ chạy đến với Ma-hơ-đi rồi.
Ý nghĩ ấy cũng khiến ông Ta-rơ-cốp-xki kinh hoàng, song người cựu binh đầy nghị lực này nhanh chóng định thần và bắt đầu lược qua tất cả các sự kiện đã diễn ra, đồng thời tìm phương sách ứng cứu.
“Mụ Phát-ma, – ông suy nghĩ, – không có lí do gì để trả thù chúng ta cũng như bọn trẻ con chúng ta, vậy thì nếu chúng nó bị bắt cóc hẳn là để nộp cho Xmai-nơ. Dù sao chăng nữ a, chúng cũng không bị cái chết đe doạ. Đó quả là cái may trong cái rủi. Song đang có một con đường kinh khủng chờ bọn trẻ, con đường có thể là tử đạo đối với chúng”.
Ông lập tức chia sẻ với bạn những suy nghĩ của mình rồi nói:
– I-đrix và Ghe-bơ-rơ, vốn là những kẻ hoang dã và ngu ngốc, tưởng rằng những đạo quân của Ma-hơ-đi đã ở gần đây, trong khi đó Khác-tum, thành phố Ma-hơ-đi chưa đến được, còn cách đây những hai nghìn cây số. Chúng nó sẽ phải vượt quãng đường này bằng cách đi dọc sông Nin và không tách xa nó, nếu không, người và lạc đà sẽ chết gục vì khát. Anh hãy đi ngay tới Cai-rô và yêu cầu phó vương gửi điện tới tất cả các đồn binh, đồng thời truy đuổi ngay bên tả ngạn và hữu ngạn dọc theo dòng sông. Hãy hứa thưởng thật hậu cho các tù trưởng ven sông nếu như bắt được bọn đang chạy trốn. Hãy bắt giữ tất cả những ai đến gần các làng mạc để xin nước. Bằng cách ấy, chắc chắn I-đrix và Ghe-bơ-rơ sẽ lọt vào tay chính quyền, còn chúng ta sẽ đoạt lại được bọn trẻ.
Ông Rô-li-xơn đã lấy lại được bình tĩnh.
– Tôi sẽ đi ngay đây, – ông nói. – Lũ đểu cáng này quên rằng quân đội Anh quốc của Vôn-đơ-lây đi cứu viện cho tướng Goóc-đôn đã lên đường và sẽ chặn đường chúng đến với Ma-hơ-đi. Chúng không thoát đâu. Chúng không thể thoát nổi. Tôi sẽ điện ngay cho bộ trưởng của chúng ta rồi sẽ lên đường. Còn anh định sẽ làm gì?
– Tôi sẽ điện xin nghỉ phép, và không cần chờ phúc đáp, tôi sẽ lên đường ngay theo vết bọn chúng dọc sông Nin đến Nu-bi-a để đốc thúc thêm vào việc đuổi bắt.
– Thế nghĩa là chúng ta nhất định sẽ gặp nhau, vì từ Cai-rô tôi cũng sẽ làm như thế.
– Được lắm! Bây giờ vào việc thôi.
– Cầu Chúa phù hộ! – Ông Rô-li-xơn đáp.