Đọc truyện Trên Hành Tinh Khỉ – Chương 2
Tôi gửi bản viết này vào không gian không nhằm mục đích cầu cứu mà để xua đuổi một tai họa khủng khiếp đang đe dọa giống người.
– Giống người nào? – Phyllis ngạc nhiên chen ngang.
– Đừng có cắt ngang lúc người ta vừa mới đọc. – Jinn nói rồi tiếp tục đọc.
Tôi là Ulysse Mérou. Tôi đang đi trên một con tàu vũ trụ cùng với gia đình. Trên tàu, chúng tôi trồng rau, cây ăn trái và chăn nuôi gia cầm. Chúng tôi không thiếu thứ gì. Có lẽ một ngày nào đó chúng tôi sẽ gặp một hành tinh hiếu khách. Đó là mong ước mà tôi chỉ dám nghĩ tới. Dưới đây là câu chuyện phiêu lưu hoàn toàn thực của tôi.
Vào năm 2500, tôi và hai người bạn lên một con tàu vũ trụ để tới khu vực ngôi sao siêu lớn Bételgeuse. Đó là một kế hoạch đầy tham vọng chưa bao giờ được vạch ra ở Trái Đất. Sao Bételgeuse, các nhà thiên văn của chúng tôi còn gọi là sao Anpha của chòm Orion, nằm cách Trái Đất khoảng 300 năm ánh sáng. Nó đặc biệt bởi nhiều điểm. Trước hết, bởi kích thước: đường kính gấp 400 lần đường kính Mặt Trời, tức là nếu tâm của nó trùng với tâm Mặt Trời thì nó sẽ trùm kín quỹ đạo sao Hỏa. Tiếp đến, bởi ánh sáng của nó: đó là sao có độ sáng cấp một, ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Orion. Từ Trái Đất có thể thấy nó bằng mắt thường mặc dù khá xa. Tiếp nữa, bởi bức xạ phát ra: đỏ và da cam rất rõ. Cuối cùng, đó là một sao có độ sáng thay đổi. Nguyên nhân của sự thay đổi này có thể là đường kính của nó tăng giảm xen kẽ nhau. Tóm lại, Bételgeuse là một sao loại Pulscar.
Sau khi thám hiểm và phát hiện không một hành tinh nào thuộc hệ thống Mặt Trời có cư dân, tại sao một thiên thể xa như vậy lại được chúng tôi chọn làm mục tiêu cho chuyến bay liên thiên thể đầu tiên? Nguyên do là giáo sư Antelle đã áp đặt quyết định này. Ông là người tổ chức chính và đã dốc toàn bộ tài sản to lớn cho chuyến bay. Là trưởng đoàn thám hiểm, ông là người đã thai nghén ra con tàu và hướng dẫn việc đóng nó. Trong khi bay, ông đã giải thích cho tôi lý do chọn mục tiêu như sau :
– Anh bạn Ulysse thân mến, – Ông nói – bây giờ không còn khó khăn gì nữa và chúng ta sẽ tới Bételgeuse cũng gần chẳng khác gì tới ngôi sao gần chúng ta nhất, chẳng hạn ngôi Proxima trong chòm Nhân Mã.
Ông mới nói tới đây thì tôi nghĩ có thể phản đối để phô ra những hiểu biết về thiên văn mới nhất vừa mới nhận được liền cắt ngang :
– Không còn xa nữa, ông nói lạ nhỉ? Sao Proxima trong chòm Nhân Mã chỉ cách Trái Đất có 4 năm ánh sáng, trong khi sao Bételgeuse cách Trái Đất…
– … 300 năm ánh sáng. Không phải tôi không biết điều đó. Tuy nhiên chúng ta sẽ không mất quá hai năm để tới đó, trong khi phải mất một khoảng thời gian gần như vậy để tới khu vực sao Proxima. Anh thấy mâu thuẫn vì anh vốn quen với cú nhảy của những con vật trên Trái Đất, ở đó ta chỉ gặp các gia tốc lớn khi khởi hành các con tàu vũ trụ. Vì gia tốc này chỉ kéo dài có mấy phút nên vận tốc đạt được trong hành trình nhỏ đến ngớ ngẩn không thể so được với vận tốc của chúng ta… Bây giờ, tôi giải thích cho anh về sự vận hành của con tàu chúng ta. Nhờ những tên lửa hoàn hảo do tôi lắp đặt, con tàu này có thể di chuyển trong vũ trụ với tốc độ lớn nhất của các vật thể vật chất, tức là với vận tốc kém vận tốc ánh sáng một lượng épsilon.
– Kém một lượng épsilon?
– Vâng, vận tốc của chúng ta chỉ kém vận tốc ánh sáng một lượng vô cùng nhỏ, nếu anh muốn biết thì nó cỡ một phần tỷ. Điều nữa anh cũng cần biết là khi chúng ta di chuyển với vận tốc như vậy thì thời gian riêng của chúng ta sai biệt hẳn với thời gian của Trái Đất. Sai biệt càng lớn khi chúng ta di chuyển càng nhanh. Như lúc này, từ lúc bắt đầu cuộc nói chuyện tới bây giờ mới có vài phút nhưng đã tương ứng với vài tháng trên Trái Đất. Khi tới giới hạn, tức là khi chuyển động với vận tốc ánh sáng, chúng ta sẽ thấy thời gian hầu như không trôi nữa. Khi đó, chúng ta sẽ không nhận ra một sự thay đổi nào. Một vài giây của anh và tôi, vài nhịp đập của tim chúng ta trùng với một khoảng thời gian bằng nhiều năm ở Trái Đất.
– Điều đó tôi cũng hiểu. Đó chính là lý do chúng ta có thể hy vọng tới được đích trước khi chết. Nhưng tại sao chuyến đi dài hai năm? Tại sao không vài ngày hay vài giờ?
– Đó chính là điều tôi muốn. Đơn giản là muốn đạt tới vận tốc để thời gian hầu như không trôi nữa mà cơ thể chúng ta vẫn chịu được sự tăng tốc thì phải mất khoảng một năm. Sau đó lại phải mất một năm nữa để giảm vận tốc. Mười hai tháng tăng tốc, mười hai tháng giảm tốc. Giữa hai khoảng thời gian đó, chúng ta chỉ cần vài giờ để vượt qua phần lớn hành trình. Bây giờ thì chắc anh hiểu vì sao đi tới sao Bételgeuse không lâu hơn đi tới sao Proxima. Trong trường hợp đi tới sao Proxima, nhất thiết chúng ta cũng phải mất một năm tăng tốc, một năm giảm tốc, chỉ có điều giữa hai khoảng đó là vài phút thay vì vài giờ. Do đó, xét về thời gian, hai hành trình tuy khác nhau nhưng không đáng kể. Vì tôi đã già và chắc chắn không còn đủ sức để thực hiện chuyến đi khác nên tôi nhắm vào một mục tiêu thật xa, hy vọng có thể tìm thấy ở đó một thế giới hoàn toàn khác thế giới của chúng ta.
Những cuộc nói chuyện kiểu trên chiếm hết thời gian rỗi rãi của chúng tôi, đồng thời cho thấy tài năng khoa học của giáo sư Antelle. Tôi rất mừng là có một người chỉ huy như vậy trong chuyến đi khá mạo hiểm như thế này. Đúng như ông dự kiến, chuyến bay kéo dài khoảng hai năm tính theo thời gian trên tàu. Trong khoảng thời gian này, ba thế kỷ rưỡi đã trôi qua trên Trái Đất. Đây là điều bất tiện duy nhất do nhắm vào một ngôi sao quá xa: nếu một ngày nào đó quay trở về chúng tôi sẽ thấy một Trái Đất già cỗi từ bảy tới tám trăm năm. Nhưng chúng tôi không lo lắng về điều này. Thậm chí tôi còn ngờ rằng viễn cảnh sẽ thoát khỏi con người là một trong những nguyên nhân khiến giáo sư chọn mục tiêu thám hiếm thật xa. Ông thường thú nhận với tôi rằng loài người làm ông phát mệt.
– Lại loài người, lúc nào cũng loài người. – Phyllis cắt ngang.
– Đúng là loài người, bản thảo ghi như thế. – Jinn khẳng định rồi tiếp tục đọc.
Chuyến bay không có hỏng hóc nào nghiêm trọng. Chúng tôi khởi hành từ Mặt Trăng. Trái Đất và các hành tinh trong hệ Mặt Trời biến mất rất nhanh. Chúng tôi ngắm Mặt Trời cho tới khi, trên nền trời, nó bằng quả cam, quả mận, rồi chỉ còn là một điểm sáng không có kích thước, một ngôi sao theo đúng nghĩa mà chỉ giáo sư mới có thể nhận ra trong số hàng tỷ ngôi sao của thiên hà.
Thế là chúng tôi sống không có mặt trời nhưng chúng tôi không thấy khó chịu vì con tàu được cung cấp những nguồn sáng tương đương. Những cuộc nói chuyện với giáo sư rất lý thú. Trong hai năm, tôi học được nhiều hơn tất cả những gì tôi học được trước đây. Tôi cũng học được cách điều khiển con tàu. Thực ra, khá dễ: chỉ cần ra lệnh cho các thiết bị điện tử, chúng sẽ thực hiện tất cả các phép tính và trực tiếp thực hiện các thao tác.
Khu vườn trên tàu tạo ra sự dễ chịu cho chúng tôi. Nó chiếm một vai trò quan trọng trên con tàu. Là người quan tâm tới nhiều bộ môn, trong đó có thực vật học và nông học, giáo sư Antelle muốn lợi dụng chuyến bay để kiểm tra một số lý thuyết về sự sinh trưởng của cây trồng trong không gian. Một căn phòng lập phương mỗi cạnh khoảng mười mét được dùng làm thực địa. Nhờ có các tầng nên toàn bộ thể tích được sử dụng hết. Đất được tái sinh nhờ phân hóa học, và tròn hai tháng sau khi khởi hành, chúng tôi vui mừng thấy các loại rau mọc trong vườn. Các loại rau này dư cung cấp cho chúng tôi thức ăn lành sạch. Chúng tôi cũng không quên tạo ra sự thoải mái: có một khu dành riêng trồng hoa được giáo sư chăm sóc như chăm sóc người yêu. Vị giáo sư độc đáo này còn mang theo một số chim, bướm và cả một con vượn. Chúng tôi đặt tên cho chú vượn nhỏ bé là Hector và thay phiên nhau chơi với chú.
Tuy không yếm thế nhưng chắc chắn giáo sư Antelle không quan tâm tới loài người nữa. Ông thường tuyên bố ông không trông đợi một sự kiện gì lớn lao ở loài người nữa và chắc chắn điều đó giải thích…
T- Yếm thế là gì? Loài người là gì? – Phyllis lại cắt ngang.
– Nếu em cứ cắt ngang như vậy thì chúng mình không bao giờ đọc xong được. – Jinn cáu và nói – Hãy làm như anh, cố mà hiểu!
TPhyllis hứa sẽ yên lặng cho tới khi đọc xong và cô đã giữ lời.
T… điều đó giải thích việc ông đã mang nhiều vật nuôi, cây trồng lên một con tàu khá lớn, đủ chứa nhiều gia đình trong khi số lượng hành khách lại giới hạn ở con số ba: bản thân ông, nhà vật lý trẻ tuổi Arthur Levain, một người có nhiều triển vọng và tôi, Ulysse Mérou, một nhà báo ít tên tuổi. Tôi đã tình cờ gặp ông trong một cuộc phỏng vấn. Sau khi biết tôi không có gia đình và chơi cò cũng được, ông liền đề nghị tôi đi theo cuộc thám hiểm. Thật là một cơ hội đặc biệt cho một nhà báo trẻ. Tôi nghĩ ngay cả khi bài phóng sự của mình chỉ được đăng sau tám trăm năm nữa thì nó sẽ vẫn có giá trị độc nhất vô nhị. Thế là tôi nhận lời ngay.
Hành trình diễn ra không một trở ngại. Điều khó chịu duy nhất là sự tăng trọng lượng trong năm tăng tốc và trong năm giảm tốc. Chúng tôi phải thích nghi với cảm giác cơ thể nặng gấp một lần rưỡi cơ thể ở Trái Đất. Ban đầu hơi mệt nhưng chúng tôi quen rất nhanh. Giữa hai giai đoạn đó là trạng thái mất trọng lượng với những điều dị thường đã biết của hiện tượng này, nhưng rất may giai đoạn đó chỉ kéo dài có vài giờ.
Và một hôm, chúng tôi xúc động khi nhìn thấy sao Bételgeuse trên nền trời với một dáng vẻ mới.