Bạn đang đọc Trâu thiến: Chương 09
Trời vẫn chưa sáng, tôi thức giấc vì bị ông Đỗ phát một cú thật mạnh vào mông. Vẫn còn ngái ngủ, tôi cáu :
– Ông Đỗ! Trời đã sáng đâu?
– La Hán! Không xong rồi… Trâu của chúng ta… chết rồi!
Nghe ông Đỗ nói trâu chết, cơn buồn ngủ của tôi ngay lập tức biến mất. Tôi cảm thấy vừa sợ hãi vừa vui mừng. Chỉ cần một cú nhảy, tôi đã rời khỏi cánh cổng và đứng bên cạnh Song Tích. Sương mù dày đặc, tuy trời đã bắt đầu sáng nhưng không trông thấy gì cả, trước mắt tôi là một màn đen kịt chẳng khác nào lúc canh ba nửa đêm. Tôi vươn tay sờ sẫm lên thân thể Song Tích, cảm thấy da nó rất lạnh. Tôi đẩy thật mạnh thân hình nó, nó không hề có phản ứng. Tôi không tin là Song Tích đã chết, tôi nghi ngờ hỏi ông Đỗ :
– Vì đâu mà ông nói là Song Tích đã chết?
– Chết rồi, chết thật rồi!
– Ông đưa bật lửa cho cháu mượn tí, cháu xem nó đã chết thật chưa?
Ông Đỗ đưa chiếc bật lửa cho tôi, lẩm bẩm như người nằm mơ :
– Chết rồi, chết thật rồi!
Tôi không thèm để ý lời ông ta nữa, đánh lửa rồi giơ cao chiếc bật lửa lên. Trước mắt tôi, Song Tích đang nằm nghiêng thanh thản, bốn chân duỗi dài thẳng đuột chẳng khác bốn nòng pháo. Một con mắt nó vẫn đăm đắm nhìn tôi, lòng trắng và lòng đen vẫn phân biệt rất rõ ràng khiến tôi giật mình. Chiếc bật lửa tắt ngấm, tất cả lại chìm trong bóng đêm đen kịt.
– Làm sao bây giờ, ông nói đi, chúng ta làm sao bây giờ? – Tôi hỏi.
– Tao cũng thẳng biết phải làm sao bây giờ, cứ đợi đã – ông Đỗ nói.
– Đợi cái gì?
– Đợi trời sáng!
– Trời sáng rồi làm sao?
– Cần phải làm gì thì làm nấy. Dù sao thì nó cũng đã chết rồi, cùng lắm thì chúng ta thế mạng cho nó – ông Đỗ ngạo nghễ nói.
– Ông Đỗ, cháu còn nhỏ, cháu không muốn chết đâu…
– Yên tâm đi, có thế mạng thì chỉ có tao, không đến lượt mày đâu!
– Ông Đỗ, ông thật tốt…
– Mày ngậm miệng lại đi, đừng làm phiền tao nữa!
Chúng tôi ngồi im lặng trước cổng trạm thú y, dựa lưng vào cánh cổng sắt lạnh lẽo. Những làn sương đặc quánh như những đụn bông trắng bay bay trước mặt tôi. Trời vừa ẩm vừa rét, tôi cuộn chặt người lại, răng đánh vào nhau nghe lộp cộp. Tôi đang cố dằn lòng để khỏi bước đến bên cạnh con trâu đã chết nhưng đôi mắt tôi thì không thể không liếc về phía ấy. Thực ra thì tất cả đều đặc quánh trong sương mù, thân thể con Song Tích chỉ là một chiếc bóng mờ mờ cũng như chính thân thể của chúng tôi cũng chỉ là những chiếc bóng đen đen mờ mờ trong sương. Nhưng mũi của tôi thì có thể ngửi thấy mùi vị bốc lên từ thân thể con trâu. Mùi này không đến nỗi khó ngửi lắm, nó chỉ là một thứ mùi nồng nồng lạnh lạnh, cũng giống như thứ mùi tôi đã từng ngửi thấy năm ngoái khi đi ngang qua nhà ăn công cộng trên công xã.
Sương mù chưa tan, trời vẫn chưa sáng nhưng tiếng loa phóng thanh trên trạm truyền thanh của công xã đã bắt đầu oang oang. Lại là “Đông phương hồng”. Chúng tôi biết đã là sáu giờ sáng. Bài “Đông phương hồng” đã nhanh chóng kết thúc nhưng phía đông vẫn chưa kịp hồng, mặt trời vẫn chưa kịp lên. Nhưng rồi sau đó, phía đông trở nên sáng hơn, sương mù cũng bắt đầu tan dần, tôi đứng dậy làm một vài động tác vươn vai vặn lưng đá chân cho đỡ mỏi. Ông Đỗ vẫn ngồi im lặng, lưng dựa vào cổng sắt, toàn thân đang run, không phải run nhẹ mà run lên bần bật, run đến nỗi mà cánh cổng bằng sắt cũng run theo. Tôi lo lắng hỏi :
– Ông ơi, ông ốm rồi à?
– Không ốm đau gì cả đâu, nhưng tao thấy nửa người trên rét quá, rét từ trong những khớp xương rét ra.
Tôi chợt nghĩ đến những lời bà tôi thường nói rằng, ai mà cảm thấy những khớp xương của mình lạnh cóng là người ấy chỉ còn cách cổng vào âm tào địa phủ một vài bước chân nữa mà thôi. Tôi vừa định đem những lời bà tôi nói thuật lại cho ông Đỗ nghe thì đã thấy ông ta run rẩy đứng dậy.
Tôi lò dò đi theo sau lưng ông Đỗ quanh Song Tích một vòng. Lúc này chúng tôi đã có thể trông thấy nó một cách rõ ràng. Nó chết một cách yên lặng, ngay cả tôi và ông Đỗ ngồi bên cạnh mà cũng thẳng hề nghe nó quẫy đạp hay kêu rống gì. Có thể nói, nó từ bỏ thế gian một cách yên bình. Trong đời một con trâu, hoặc là đứng, hoặc là nằm úp bụng xuống đất, kiểu nằm nghiêng một bên rất thư thái này chỉ có thể là cái nằm của sự chết. Nó đang nằm thanh thản trên đất, thân hình có vẻ to hơn bình thường một tí. Rõ ràng nó là một con trâu đã trưởng thành, dường như mấy ngày không ăn uống gì không làm cho nó gầy đi là mấy.
– La Hán, tao ở lại đây trông chừng, mày chạy nhanh về đội báo cáo tình hình với chú Mặt Rỗ của mày đi!
– Tôi không muốn đi?
– Mày còn trẻ, chân mày nhanh, mày không đi, lẽ nào mày bắt ông già này đi à?
– Ông nói đúng, tôi đi đây!
Tôi đeo chiếc túi rách lên lưng, chạy theo con đường dẫn về thôn. Vừa chạy đến xưởng gia công thì tôi đã gặp chú Mặt Rỗ. Chú đang cưỡi một chiếc xe đạp, lưng thẳng đuột, cả người cứng đơ như một súc gỗ, động tác điều khiển xe vô cùng lúng túng. Từ xa tôi đã nhận ra chú, vừa nhận ra là tôi đã gào toáng lên. Nghe tiếng kêu gào của tôi, chú Mặt Rỗ chuẩn bị những thao tác dừng và xuống xe nhưng chiếc xe vẫn phóng vù qua người tôi đến mười mấy mét mới chịu dừng lại. Cách dừng và xuống xe của chú trông chẳng đẹp tí nào. Chiếc xe và cả người điều khiển xe đều ngã sóng soài trên đường, một đỗi thật lâu người điều khiển xe mới lóp ngóp đứng dậy. Tôi chạy đến, cố gắng kêu lên thật đau xót :
– Chú Mặt Rỗ ! Trâu của chúng ta… chết rồi…
Chú Mặt Rỗ đang kẹp bánh trước của chiếc xe vào giữa hai đùi để điều chỉnh tay lái bị vẹo sang một bên sau cú ngã. Tôi nhận ra đó là chiếc xe của tay thanh niên rất nổi tiếng trong thôn Quách Hiếu Thắng, bởi xe của anh ta được quấn rất nhiều những giấy nhựa xanh xanh đỏ đỏ. Quách Hiếu Thắng nâng niu chiếc xe này còn hơn cả con mắt của mình, mượn được xe của anh ta thì mặt của chú Mặt Rỗ phải to hơn cả ông trời. Nếu Quách Hiếu Thắng trông thấy cảnh chú Mặt Rỗ làm ngã chiếc xe của anh ta thế này, anh ta không nhảy dựng lên mới là lạ. Tôi mở miệng :
– Chú…
– La Hán, mày dám đem chuyện tao cưỡi xe bị ngã nói lại với Quách Hiếu Thắng, tao vả toét miệng mày! – Chú Mặt Rỗ trừng mắt nhìn tôi nói.
– Chú, trâu của chúng ta chết rồi!
– Mày nói cái gì? – Rõ ràng câu hỏi của chú biểu lộ một sự vui mừng.
– Trâu chết rồi, Song Tích chết rồi…
Mặt chú Mặt Rỗ giãn ra, tươi tỉnh. Chú xoa tay hỏi lại :
– Chết thật rồi? Tao cũng đoán là nó sẽ chết, tao đến đây là vì chuyện ấy… Đi xem thử thế nào. Ngồi lên xe, tao chở đi.
Chân trái chống dưới đất, chân phải đặt lên bàn đạp, chú rướn người đạp mạnh. Chiếc xe lượn qua lượn lại trên đường một hồi lâu mới lấy được thăng bằng và bắt đầu tăng tốc chạy như bị ma đuổi. Hình như chú đang vận động toàn bộ thân hình cũng như toàn bộ sức lực để đạp xe, vừa đạp vừa hét :
– La Hán! Chạy theo lấy đà, vịn vào giá đèo hàng nhảy lên.
Tôi làm theo đúng như lời thú, nắm chặt giá đèo hàng, tung người lên. Thân hình chú Mặt Rỗ lạng qua một bên, chiếc xe lảo đảo. Chú kêu lên :
– Không xong rồi, không xong rồi!
Chỉ kêu được chừng ấy, cả chú lẫn tôi và chiếc xe đã nằm gọn dưới mương nước. Trán chú đập vào một hòn đá bên bờ mương rách toạc một đường, máu rươm rướm chảy ra. Bụng tôi thúc mạnh vào giá đèo hàng, đau muốn tắt thở. Chú bò dậy, chẳng để ý gì vết thương trên trán, cũng chẳng quan tâm đến tôi đang ôm bụng nhăn nhó, vội vàng lôi chiếc xe của Quách Hiếu Thắng lên khỏi mương, đặt nằm trên đường quan sát thật kỹ. Toàn bộ chiếc xe bị nhúng trong bùn lem luốc hôi thối. Không đắn đo gì cả, chú cởi phắt thiếc quần dài trên người, chầm chậm lau bùn. Cuối cùng chú dựng chiếc xe lên, dùng tay quay bàn đạp. Bàn đạp bên phải bị vẹo, không quay được. Gương mặt thiểu não, chú nói :
– Hỏng rồi, chỉ loáng một cái mà đã hỏng nặng rồi…
– Chú Mặt Rỗ! Trâu của đội chúng ta chết rồi… – Tôi hét lên.
– Chết thì làm thịt ăn! – Chú Mặt Rỗ nổi điên – Mày léo nhéo cái gì? Tất cả trâu trong đội chết hết thì chúng ta sống những ngày còn lại càng tốt hơn!
Tôi biết là những lời nói của mình buông ra lúc này là không đúng lúc, nhưng thái độ lãnh đạm đến tàn nhẫn của chú Mặt Rỗ đối với số phận những con trâu không thể không làm tôi điên tiết. Nếu biết sớm thái độ của những người đang quản lý đội sản xuất như thế này, không việc gì mà chúng tôi phải dắt trâu đi suốt mấy ngày đêm; cũng không việc gì mà phải chịu khổ khi dắt Song Tích đến công xã; cũng không việc gì cảm thấy ân hận và thương xót khi Song Tích chết. Nhưng quả thật cái chết của Song Tích đã làm tôi thực sự đau xót, riêng về chuyện này đã nói lên được hai điều. Thứ nhất, dù sao tôi cũng vẫn là một thiếu niên lương thiện; thứ hai, tôi vẫn còn có cảm tình với những con vật vốn quan hệ rất mật thiết với con người.
Ngồi bệt xuống đất, chú Mặt Rỗ bảo tôi giữ chặt chiếc xe đạp rồi hai tay chú nắm chặt lấy chiếc bàn đạp bị cong vẹo, hai chân đạp chặt vào khung xe, đẩy mạnh. Đẩy một hồi, chú bỏ một tay ra, tay còn lại nắm bàn đạp quay thử. Bánh sau chiếc xe từ từ chuyển động rồi chạy thật nhanh. Vô cùng phấn khởi chú nói :
– Cơ bản là được rồi, gắng thêm tí nữa!
Tôi tiếp tục giữ chiếc xe để chú tiếp tục uốn uốn nắn nắn mọi thứ. Một lát sau, có lẽ khá mệt, chú vừa thở vừa chửi :
– Mẹ kiếp, đúng là xui xẻo. Sáng sớm vừa rời khỏi cổng gặp ngay một con thỏ hoang tao đã biết là ngày hôm nay chẳng gặp được điều tốt đẹp gì.
– Chú là cán bộ mà vẫn mê tín à? – Tôi hỏi.
– Tao mà là cán bộ cái con mẹ gì! – Chú trừng mắt nhìn tôi đẩy chiếc xe đạp đi về trước, nhổ một bãi nước bọt, nói – Mày dám đem chuyện này nói với Quách Hiếu Thắng, tao lột da mày, nghe chưa?
– Cháu nhất định không nói – Tôi khẳng định rồi hỏi – Chú làm thế nào với trâu bây giờ?
– Làm thế nào à? – Chú Mặt Rỗ cười – Quá dễ! Bỏ lên xe kéo về, lột da, xẻ thịt!
Khi đi đến gần trạm thú y, chú lại quay sang dặn dò tôi :
– Mày hãy ngậm miệng lại cho tao nhờ nhé, cho dù là ai hỏi mày bất kỳ điều gì, mày cũng không được mở miệng đấy!
– Hay là cháu giả câm, được không?
– Quá tốt! Thế thì mày cứ giả câm vậy!