Đọc truyện Trâu Già Và Cỏ Non – Chương 17
Mùng hai Tết.
Trong chánh điện ngôi chùa cổ nhất thành phố, khi Nguyện vừa quỳ trước tôn tượng của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hai tay chắp trước ngực thì có một người cũng quỳ xuống bên cạnh, lạy phật cùng cô bé.
Ra khỏi chánh điện, Nguyện quay sang nhìn Thành mỉm cười:
_Chúc mừng năm mới! Chú Thành!
_Chúc mừng năm mới!
Cả hai đi đến chiếc ghế đá còn trống dưới gốc cây sala trong sân chùa, cùng ngồi xuống và im lặng ngắm cảnh. Một lát sau Nguyện nói:
_Lúc nãy chú không thắp hương sao?
_Bàn thờ đã có hương rồi, thắp thêm thì người ta cũng phải rút bỏ cho đỡ khói. Mà lúc nãy cô bé đã cầu nguyện gì thế?
_Sao chú lại muốn biết chuyện đó?
_Thấy cô bé thì thầm lâu như vậy, tôi rất tò mò.
_Thế chú có cầu nguyện gì không?
_Tôi à, có chứ.
_Vậy đi, cháu với chú cùng trao đổi đi.
_Cô bé muốn trao đổi kiểu gì?
_Mỗi người viết ra giấy rồi trao đổi, chú thấy thế nào.
_Tôi đồng ý. Tôi đề nghị là về nhà mới mở ra xem, cô bé thấy thế nào?
_Dạ, được.
_Sáng mùng một nhà cô bé có đi đâu không?
_Dạ, có. Cháu và cả nhà đi chùa Vạn Đức. Nhà chú có đi chùa không?
_Có, chùa ở gần nhà.
_Hôm qua chú đã xin rồi hôm nay xin nữa thì trời phật có chứng cho chú không?
_Hôm qua tôi không cầu xin gì cả.
_Không cầu xin thì sao lại phải vào chùa ạ?
_Đi mới thể hiện được lòng thành, cầu cạnh nhiều lần để các ngài thấy quen mặt mà chiếu cố nhiều hơn.
Cả hai cùng phì cười.
_Nói đùa thôi, đầu năm đi chùa cho tĩnh tâm thôi, không nhất thiết phải cầu xin gì. Mà cầu thì cũng chưa chắc có được.
_Dù không được cũng đông vui mà, chưa kể còn được xin xăm, ngắm người ngắm đồ.
_ “Ngựa xe như nước áo quần như nêm” phải không
_Dạ. Cháu viết xong rồi, chú xong chưa ạ?
Thành gật đầu đưa cho mảnh giấy cho cô bé và nhận lấy mảnh giấy từ tay cô bé cho vào ví của mình.
Xong xuôi, Thành nói:
_Hôm nay cô bé muốn làm gì?
_Tối nay chú trực ở công ty phải không.
_Ừ.
_Cháu cũng chỉ được đi đến chiều thôi, chú có ý tưởng gì không?
_Tôi cũng chỉ có hôm nay và sáng mai để đi thăm mấy người quen, chiều mai phải về cúng đưa ông bà. Cô bé có muốn đi thăm các cô bác ở viện dưỡng lão với tôi không?
_Cháu sẽ tháp tùng chú từ giờ đến chiều.
_Chưa hết giờ thì chưa về nhé.
_Hì, dạ.
Cả hai cùng đi ra xe. Khi xe đã ra khỏi chùa, Thành nói với Nguyện:
_Chúng ta dạo một vòng khu trung tâm trước khi đến viện dưỡng lão nhé.
_Dạ.
Thành phố những ngày tết thật khác xa so với bình thường. Xe cộ thưa thớt hẳn. Năm nay thời tiết đẹp, không khí dịu mát, đường hoa quận trung tâm được trang trí từ trước tết giờ vẫn đang khoe sắc trong ánh nắng rực rỡ của mùa xuân phương nam.
Trước Tết Thành và Nguyện đã đi dạo đường hoa rồi, những hai lượt. Một lần là vào sáng sớm trước 7 giờ sáng, lần nữa là từ 6 giờ chiều đêm, hoa đã ngắm thiếu chút nữa là phai màu, hình đã chụp cũng gần hết bộ nhớ nhưng giờ đi ngang vẫn thích thú ngắm nghía lại.
Đến viện dưỡng lão, Thành và Nguyện được chào đón như hai đứa con ở xa mới về, mọi người xáp vào chúc tới chúc lui, trêu ghẹo cả buổi sau đó cùng ăn cơm trưa rồi hai người mới được cho về. Nguyện đi cùng Thành về xóm Bến Đò, trước là chúc Tết thím Sáu sau là về phòng trọ của Thành.
Căn phòng của Thành thật khiến người người cảm thán, xem chừng chủ nhân của nó không phải chuẩn bị để đón 3 tháng mùa xuân mà thực sự là chuẩn bị để đón luôn 12 tháng.
Này nhé, bên ngoài cửa ra vào được trang trí bằng những bông hoa mai bằng giấy. Chưa tới một biển nhưng cũng thực sự là cả một thác hoa đang đổ từ trên cao xuống. Bên trong cánh cửa thì nhẹ nhàng hơn, những cánh hoa đào dịu dàng mềm mại không kém phần tươi tắn theo cành lá vươn cao.
Trên tường ngoài những bức tranh treo còn được có những bông hoa, hình trang trí được dán thêm, cửa sổ được treo hoa, chiếc lọ sứ trên bàn cũng được dán chữ xuân và đính hoa vòng quanh. Tất cả là tác phẩm của NGuyện trước Tết. Từ sau khi thường xuyên đến đây ngâm cứu truyện Kiều cùng với Thành, Nguyện dần trở thành chủ nhân còn Thành thì dần ra người ở ké, phòng của đàn ông trưởng thành phút chốc trở thành phòng của thiếu nữ dậy thì.
Khi Thành từ nhà tắm ra thì thấy Nguyện đã say ngủ, bên cạnh là Rì Rì cũng đang lim dim, Phi Phi giờ này chắc đang tâm sự với một cô nàng kiki nào dướigốc mít ở mé sông rồi.Anh nhẹ nhàng tắt tivi, đắp lại chăn cho cô bé. Đứng ngắm cô bé ngủ một lát rồi Thành đến nằm trên ghế sô pha, cầm cuốn sách trên bàn mở ra đọc; lát sau anh cũng ngủ thiếp đi luôn.
Đến khi Thành tỉnh dậy thì đã gần 4h chiều, Nguyện đang ngồi ở bàn nhìn ra sông ngắm cảnh. Trên bàn là hai ly sinh tố trái cây. Nghe tiếng động cô bé quay lại nhìn anh, nụ cười tươi tắn của cô bé khiến cho anh chợt ngây ra, không chống cự nổi dù là một phút.
_Có sinh tố đang chờ chú nè.
_Cô bé đã dậy lâu chưa.
_Dạ cũng một lúc rồi.
Thành đi rửa mặt rồi ra ngồi cạnh Nguyện.
Trời nóng, anh kéo tay áo lên đến khuỷu tay khiến NGuyện nhìn thấy một góc hình xăm. Thành bắt được ánh mắt của Nguyện, một lát sau anh hỏi Nguyện:
_Cô bé đang nghĩ gì?
_Chú ngoài xăm trên tay thì có xăm trên người không? Nguyện hỏi.
_Có?
_Tại sao?
_Nguyên nhân đi xăm hả? Cũng khó mà nói rõ hết được.
_Chú xăm là để làm đại ca giang hồ sao?
_Cô bé nghĩ tôi là nhân vật trong truyện hả? Tôi mà như vậy có nước bị chú Trung bắt bỏ rọ, cân ký xuất chuồng mất. Nhưng thực ra tôi cũng có một thời gian ngắn lê lết trong giang hồ.
Nguyện ngồi ngay ngắntrở lại, mặt hướng về anh thể hiện cô bé đã sẵn sàng nghe chuyện.
_Cũng không vẻ vang gì. Cô bé cũng biết rồi đấy, ba mẹ tôi mất sớm, là chú Trung nuôi tôi lớn lên. Năm tôi 13 tuổi, chú Trung bị bệnh, phải nằm viện một thời gian, nhà hết tiền muốn mua một ít đồ tẩm bổ cho chú cũng không có. Tôi không nhịn được đã theo mấy tên nghiện ở xóm đi vận chuyển ma túy, chút xíu thôi. Trót lọt được 2 lần, đến lần thứ 3 thì bị bắt. Chú Trung vào trại cải tạo thanh thiếu niên thăm tôi. Gặp tôi chú đưa ít đồ ăn bảo tôi ăn, sau đó đưa 2 bộ quần áo bảo để dành mặc, sau cùng là một hóa đơn mua quan tài.Tôi chưa hiểu chuyện gì thì chú bảo đã bán thứ đồ duy nhất có giá trị còn lại trong nhà, vốn là đồ do ông bà để lại, cũng chỉ mua được nhiêu đó thứ. Chú bảo chuẩn bị sẵn hết rồi nếu tôi không chịu cải tạo tốt và còn bước sai đường một lần nữa thì chú sẽ cùng chiếc quan tài đó đi vào lòng đất, để tôi ở đây muốn làm gì làm.
Hôm đó tôi khóc dữ lắm, cũng đã hứa với chú sẽ nghe lời chú. Sau này khi được thả về nhà, tận mắt thấy chiếc quan tài nằm chình ình giữa nhà tôi mới hoàn toàn tin là chú ấy làm thật. chú Trung vẫn kiên quyết để nó giữa nhà như vậy cho đến rất lâu sau đó chúng tôi phát hiện mối đùn, mở ra thì chiếc quan tài đã mục hết cả, nó là đồ dỏm đóng bằng gỗ tạp. Chú Trung đành phải cho nó nghỉ hưu, sau đó chú có vẻ buồn buồn, không biết là vì phải chia tay bạn cũ hay không còn gì để đe tôi nữa.
_Tội nghiệp chiếc quan tài, đến xí quách cũng không còn luôn. Chủ nô hay tư bản tư bản gì cũng phải cúi đầu: “thưa cụ” với bácTrung. Thật ngưỡng mộ quá!
Thành bật cười, anh cũng không vội kể thêm với Nguyện là sau đó anh đã đến gặp ông chủ tiệm cầm đồ đe dọa, nếu để miếng ngọc, đồ gia bảo nhà anh lại thì một ngày nào đó anh sẽ đến chuộc với giá gấp mười lần, còn nếu ông tham tiền mà bán mất thì lúc đó chiếc quan tài kia sẽ nhường ông dùng trước. Nguyện lại càng không biết cô đang giữ bảo vật gia truyền của nhà người ta, trách nhiệm và nghĩa vụ bao nặng nề, quyền lợi thì “hồi sau sẽ rõ”
Quà tặng đầu năm này đối với Nguyện cũng có chút đặc biêt, cô bé lặng im một hồi như để thẩm thấu hết câu chuyện vừa nghe.
_Tôi không làm cô bé sợ đó chứ?
_Dạ không, cháu chỉ là đang nghĩ hình xăm và giang hồ có đúng là không liên quan nhau không?
_Cô bé thấy khó tin sao?
_Cháu chỉ là thấy hơi khó hiểu. Chú không thoải mái cho người khác nhìn thấy hình xăm trên người, có phải chú đã hối hận rồi không?
Thành bật cười:
_Tôi không ngại người khác thấy, chỉ là không muốn phải giải thích này kia. Việc xăm hình lên người là một phần nghi thức do tổ tiên tôi truyền lại không liên quan đến phong trào thời thượng hay giang hồ gì. Lúc xưa, quân lính nhà Trần vì muốn thể hiện quyết tâm đánh giặc đã thích chữ “Sát Thát” lên cánh tay đó.
Chuyện này thì không có gì lạ, một trong nhữngtriều đại vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc, không học thì còn học cái gì được nữa chứ.
_Chú nói là nghi thức tổ truyền?
Thành gật đầu.
_Chú có thể… cho cháu xem được không?
Thành ngần ngừ một lát nhưng vẫn cởi áo ra.
Dù đã được Thành cảnh báo trước nhưng Nguyện vẫn không khỏi giật mình trước hình xăm chằng chịt rối rắm nhưng rất sống động nổi bật lên những răng nanh, những móng vuốt, và rất nhiều đôi mắt: hung hãn, thù hận và cả ác độc. Chẳng hiểu sao phải xăm hình đáng sợ như vậy.
Sau xem xong một hồi:
_Này là nghi thức này là thật hả chú?
_Ừ.
_Vậy nó có ý nghĩa gì? Thực hiện để làm gì?
_Giờ chưa nói cho cô bé biết được.
_Vì sao?
_Bí mật quân sự.
Nguyện nhíu mày tỏ vẻ không hiểu, Thành lắc đầu tỏ ý không thể nói thêm.
_Xăm nhiều vậy có đau không chú?
Thành gật đầu.
_Vậy sau này con chú cũng phải xăm như vậy sao? NGuyện không để ý giọng nói của mình đã lạc đi ít nhiều.
_Không hẳn, đã là người họ Lý thì phải biết còn có tiến hành hay không thì tùy thuộc hoàn cảnh và ý nguyện của bản thân.
Thành thấy vẻ mặt có chút hoang mang của Nguyện thì bật cười. Cô bé là đang lo lắng cho đời sau sao.
_Chú cười gì chứ? Nguyện sực tỉnh, mặt đỏ lên, cô bé liên tiếp đập tay vào người Thành.
_Hình như cô bé đang lo cho con của tôi!
_Sao lại thế, cháu chỉ là tò mò thôi.
_Vậy vì sao cô bé lại đỏ mặt?
_Làm gì có.
Thành gật gù với vẻ “ đúng là không có không đỏ mặt thật”vì thế phải chịu cô bé đập thêm vài cái.
Trên đường về Nguyện hỏi Thành:
_Mùng 4 chú lên là đi làm luôn phải không?
_Ừ, cô bé đi du lịch nhớ ăn uống, đi đứng cho cẩn thận. Và…nhớ gởi hình về cho tôi xem.
NGuyện phì cười:
_Dạ, cháu sẽ nghe lời. Cô bé thầm thêm trong lòng “thưa ông chú vú em”.
Thành thì nghĩ: “Cô bé đi du lịch nước ngoài cùng gia đình nhưng may quá, sẽ về trước Valentine”.
Tác giả: Lễ này tôi sẽ đi du lịch hơn một tuần, các chương sau thì có rồi nhưng chương tiếp theo (chương 18) thì chưa có chữ nào, cũng chưa biết viết gì, hy vọng sau khi đi về sẽ có có tinh thần viết tiếp.Chúc mọi người ăn giỗ Tổ vui vẻ!