Đọc truyện Trần Chân – Chương 17: Vũ Bảo Trân
Nghe tiếng xe ngựa dừng ngoài cổng, tôi đoán là Cát về nên ngưng hết mọi công việc để ra ngoài đón anh. Mã phu xuống trước tiên, gật đầu chào tôi rồi vội vã mở cửa xe cho Cát. Cát bước xuống xe một cách dứt khoát, nhìn anh, tôi nghĩ nếu tôi không biết anh yêu Tú Bình, nếu trong lòng tôi không có hình bóng của Nhật Trung thì biết đâu tôi sẽ một lòng một dạ dành hết tình cảm cho anh. Tôi tiến lại gần anh, mỉm cười vui vẻ: “Anh về rồi. Đi đường có mệt lắm không?”
Chúng tôi cứ sống với nhau một thời gian thì sẽ thân thiết hơn một bước. Nhưng chỉ cần xa nhau vài ngày thì lập tức sự khách sáo lại dài ra thêm một dặm. Anh nhìn tôi với vẻ hơi xa lạ, trả lời đầy khách khí: “Cũng không mệt lắm.”
“Vậy vào nhà ngồi nghỉ đi, em chuẩn bị nước cho anh tắm.”
Tôi xoay lưng định bước đi nhưng phát hiện Cát không đi theo sau mình. Vừa quay người lại định bụng hỏi anh còn chuyện gì thì thấy anh đứng nơi cửa xe ngựa, một tay vén màn, một tay để dành nâng một bàn tay trắng noãn khác đang từ từ bước xuống xe. Trong ánh nắng vàng vọt của chiều mùa hè, làn da trắng như tuyết của cô gái kia như làm mát dịu lòng người, bộ quần áo bạc màu chẳng thể vùi lấp được hết khí chất ngọt ngào tỏa ra từ người cô ta. Cô ấy mỉm cười dịu dàng với Cát rồi nhanh chóng tỏ ra sợ hãi khi bắt gặp tôi, thu người lại đứng sau lưng Cát, e ấp như một cô mèo con. Cát nói với cô ấy, nhẹ nhàng như thể chỉ cần lớn giọng một chút cô ấy sẽ hoảng sợ và tan biến: “Đừng lo. Đây là Trần Chân.” Rồi quay sang tôi thờ ơ nói: “Còn đây là Vũ Bảo Trân, từ đây cô ấy sẽ ở nhà chúng ta. Cô sắp xếp cho cô ấy nhé!”
Lúc này đây cô gái tên Vũ Bảo Trân ấy mới nhẹ nhàng bước ra, tiến đến trước mặt tôi, mỉm cười: “Chào em. Xin lỗi vì đã làm phiền.”
Bảo Trân đi theo Xuân Mai rửa mặt được một lúc lâu, Cát vẫn chưa có ý định quay về phòng anh mà vẫn ngồi lại nhà khách. Tôi hỏi anh có muốn dùng ít trà cho tỉnh táo sau chuyến đi dài hay không thì anh lại lắc đầu. Anh ngồi trên ghế, chẳng nói năng gì cả nên tôi đành phải mở lời hỏi về Bảo Trân: “Bảo Trân là khách của anh sao? Trước nay em chưa từng nghe anh nhắc tới chị ấy.”
Cát nghe tôi hỏi nên cũng bớt vẻ thờ ơ hơn. Anh từ tốn trả lời: “Trên đường đi tôi tình cơ gặp cô ấy. Cha cổ thua cờ bạc nên định đem bán con cho lầu xanh. Tôi thấy tội nên giúp đỡ một ít bạc, nào ngờ cô ấy nhất quyết theo tôi về đây, hy vọng có thể trở thành người hầu để trả ơn. Tôi không còn cách nào khác nên đành để cô ấy đi theo.”
Tôi nghe Cát kể cũng thấy Bảo Trân có phần đáng thương. Lúc cô ấy mới bước xuống xe tôi cũng đã để ý thấy gia cảnh cũng không thật sự khá giả, chỉ là không ngờ lại tội đến như vậy. Tôi nhìn diện mạo của cô ấy, nếu để ở lại đây làm kẻ hầu người hạ, kể ra cũng thiệt thòi. Nhưng nếu tôi đối đãi như một người khách, không biết có làm cô ấy tủi thân hay không. Tôi chỉ còn cách hỏi thẳng Cát: “Vậy em nên sắp xếp cho cô ấy như thế nào đây?”
Cát nhìn qua tôi một lượt rồi đề nghị: “Chẳng phải trước nay Nhược Lan luôn hầu hạ cô sao. Giờ cô ấy đi lấy chồng rồi, bên cạnh cô cũng thiếu đi một người. Hay là để Bảo Trân ở lại, thay chỗ cho Nhược Lan, cô thấy thế nào?”
“Em thấy như vậy cũng không hay lắm” Tôi nói: “Dù gì Bảo Trân cũng mang ân tình của anh, đã cất công theo anh về đây, giờ lại trở thành hầu gái của em, em chỉ sợ cô ấy tủi thân thôi. Huống hồ Xuân Mai giờ đây cũng khác gì Nhược Lan, chăm sóc em rất chu đáo, nếu đột ngột thay người, em sợ làm Xuân Mai không vui.”
Cát ngẫm nghĩ đôi chút về lời nói của tôi, sau đó gật gù: “Cô nói cũng có lí. Thôi vậy cho cô ấy lo chuyện trong bếp đi. Lúc ở Thăng Long cô ấy cũng có nấu qua vài món cho tôi ăn, tôi thấy tay nghề cũng khá. Nhà ở đây không đông đúc như trong Hải Đông, có thêm một người giúp đỡ cũng tốt.”
Cát đã lên tiếng như thế tôi cũng không bàn ra nữa. Tôi đem những gì Cát nói thuật lại cho Xuân Mai nghe để chị ấy tiện bề sắp xếp chỗ ở cũng như công việc cho Bảo Trân. Tối đó sau khi tắm rửa sạch sẽ, Bảo Trân đến phòng nhằm xin lỗi và cảm ơn tôi. Xin lỗi vì khi chiều không biết tôi là vợ của Cát nên thái độ có phần bất kính, còn cảm ơn là vì tôi chấp nhận để cô ấy ở lại. Tôi nhìn Bảo Trân thay bộ đồ của Xuân Mai, dù không phải loại vải thượng hạng nhưng cũng khá hơn bộ mặc khi chiều. Có thể nói ở Bảo Trân có một nét đẹp mộc mạc mà người khác ngắm hoài không chán. Cô ấy sau khi biết tôi là vợ của Cát nên cũng tỏ ra e dè hơn. Tôi tự hỏi nếu như khi chiều Xuân Mai không đính chính lại, thì trong suy nghĩ của Bảo Trân, tôi là gì?
Còn về phần tay nghề làm bếp của Bảo Trân thì không cần đợi lâu tôi cũng được kiểm chứng. Sáng hôm sau Trân thức dậy thật sớm, quét sân sạch sẽ rồi vào bếp nấu bữa sáng cho chúng tôi. Vị cô nấu có mặn hơn so với Xuân Mai một chút, nhưng nói chung cũng rất dễ nuốt. Tôi không ngần ngại mở miệng khen: “Tối qua tôi có nghe anh Cát nhắc đến khả năng bếp núc của chị Trân, hôm nay ăn thử quả thật rất ngon.”
Bảo Trân được khen hai mắt long lanh lên nhìn tôi: “Thật sao mợ ba? Cậu Cát có khen em nấu ăn ngon sao? Vậy mà lúc ở Thăng Long cậu không nói gì, em còn tưởng những món em nấu không vừa miệng cậu.”
Tôi nhìn sang Cát, thấy anh vẫn cắm cúi ăn như không để ý đến những gì Bảo Trân nói. Tôi chắc anh đang ngại khi tôi công khai chuyện anh khen Bảo Trân trước mặt cô ấy nên mỉm cười: “Chị cứ tin vào khả năng của chị là được rồi. Sau này chuyện cơm nước trong nhà, chị giúp Xuân Mai nhé!”
Bảo Trân nghe tôi nói, miệng tủm tỉm cười. Miệng Trân không to không nhỏ, khi cười mỉm tạo thành đường cong của trăng non, khả ái vô cùng. Tôi nghĩ đến cha Trân, có một cô con gái xinh đẹp như thế, đáng lẽ phải gả vào gia đình tử tế mới phải, cớ sao lại nhẫn tâm đem bán con cho lầu xanh vì cờ bạc. Trước nay tôi không chứng kiến nhiều cảnh tình tương tự như vậy, không thể nghĩ được phận làm cha mẹ lại có thể đối xử như thế với con mình. Đến cả hổ dữ cũng không nở ăn thịt con, vậy mà…
Bữa sáng xong xuôi Cát lập tức ra ruộng bông. Anh vắng mặt tại Châu Lạng này cũng hơn mười ngày, trong lòng luôn lo lắng cho mùa vụ thứ hai này. Bảo Trân nhanh nhảu đem hết chén bát đi rửa rồi lo chuẩn bị cho bữa trưa. Tôi thấy chị ấy tất bật như vậy, không khỏi cảm thấy chạnh lòng nên nói: “Công việc ở nhà rất nhiều, làm hoài cũng không hết nên chị cũng không cần phải hối hả vậy đâu. Cứ từ từ mà làm, mệt thì nghĩ ngơi một lúc. Nhà ở đây hiện tại chỉ có anh Cát và tôi, cũng không có quy định khắt khe lắm đâu.”
Bảo Trân nghe tôi nói vâng vâng dạ dạ nhưng tay chân vẫn thoăn thoắt. Nhìn theo chị ấy tôi chỉ biết lắc đầu. Thôi thì cô ấy cũng mới đến đây chưa đầy một ngày, có chút xông xáo cũng là điều dễ hiểu. Sau này khi đã quen nề nếp, tự khắc sẽ sắp xếp lại công việc của mình cho hợp lí. Dù gì đối với gia nhân thì chỉ cần Xuân Mai lo lắng thì tôi cũng yên tâm. Tôi bảo Xuân Mai lấy cho tôi áo khoác rồi nói: “Tôi đi thăm Nhược Lan, chắc sẽ dùng cơm bên nhà chị ấy luôn. Hôm nay chị không cần chuẩn bị cơm trưa cho tôi, chỉ cần nấu mấy món anh Cát thích rồi đem ra ruộng bông cho anh ấy nhé.”
Xuân Mai hỏi tôi có muốn chị ấy cùng đi hay không, dù gì bây giờ có thêm Bảo Trân thì chị ấy cũng xem như bớt một phần công việc. Nhưng chị ấy cùng tôi sang nhà Nhược Lan thì chúng tôi sao có thể nói chuyện tự nhiên nên từ chối: “Không cần đâu. Chị ở nhà, xem Bảo Trân có gì chưa hiểu thì chỉ dẫn chị ấy.”
Xuân Mai thấy tôi không có vẻ gì là cần chị ấy đi chung nên cũng không nhiều lời nữa. Dù chị trước mặt tôi chưa bao giờ tỏ ra thân thiện, sau lưng tôi thì âm thầm nhận thư giúp Cát, nhưng ở phương diện nhìn sắc mặt chủ nhân mà liệu thì tôi rất hài lòng về chị ấy. Nói gì thì nói, một mình đi sang nhà Nhược Lan, dù tôi đã khá quen, nhưng đôi lúc vẫn cảm thấy buồn!
Tôi đem chuyện Bảo Trân được anh Cát mang về nhà kể cho Nhược Lan nghe. Chị ấy nghe xong, cũng không bàn luận gì. Còn về chuyện thư từ của anh Cát, tôi cũng không dám nhắc đến, sợ Nhược Lan vì lo lắng cho tôi mà ảnh hưởng đến sức khỏe. Cho đến khi mặt trời xuống núi, tôi chuẩn bị ra về, Nhược Lan mới nói với tôi: “Tôi tớ trong nhà, đẹp quá cũng không hẳn là một chuyện tốt. Đành rằng cậu Cát không có vẻ gì là mặn mà với chuyện nữ sắc nhưng khó tránh khỏi việc lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Cô vẫn nên để ý kĩ người mới này. Nếu tâm tư cô ta sạch thì tốt, còn bằng ngược lại, giải quyết trước khi mọi chuyện đi quá xa, cô nhé!”
Tôi bật cười, thầm trách Nhược Lan lo quá xa. Anh Cát nội cái việc yêu Tú Bình đã xem như moi hết ruột gan ra rồi, làm sao còn thời gian cho cô gái khác chứ. Còn bản thân tôi, vẫn luôn dò la tin tức nơi trời tây, hy vọng ai đó bình an trong trận chiến với Ai Lao thì làm sao còn tâm tư để xem nữ nhân khác có dòm ngó đến Cát hay không. Mọi chuyện đến thì cứ đến thôi.
Nhưng những gì Nhược Lan lo cũng không hẳn là không có khả năng. Chiều hôm đó khi tôi trở về nhà thì không thấy Bảo Trân đâu, hỏi ra mới biết cô ấy đem cơm ra ruộng cho Cát từ trưa. Cho đến khi Cát từ ngoài ấy về, cô ấy mới đi theo phía sau. Xuân Mai chỉ mới nói Bảo Trân vài câu, Cát đã bênh vực: “Ngoài kia có chút chuyện cần người nên tôi kêu cô ấy ở lại. Cô cũng đừng nên hà khắc quá, dù gì cô ấy cũng mới đến nhà chúng ta.”
Xuân Mai im lặng rồi làm tiếp việc của mình. Bảo Trân hôm đó bị Xuân Mai giáo huấn cũng xem như biết điều. Những ngày sau đó cô ấy đem cơm trưa ra cho Cát và tôi, sau khi ăn xong liền lập tức thu dọn chén bát ra về chứ không nấn ná ở lại. Tính ra Bảo Trân cũng rất hiểu phép tắc, tôi cũng nhanh chóng quên đi lời căn dặn của Nhược Lan.
*
* *
Tháng tư thời tiết càng nóng gay gắt hơn. Mỗi buổi trưa ra ruộng là hầu như mồ hôi trên người tuông ra như tắm. Tôi từ nhỏ lại bị dị ứng với nắng nóng, hễ mồ hôi ra nhiều mà không lập tức lau khô thì trước sau gì cũng bị dị ứng, nổi rôm sảy đầy người. Năm ngoái còn ở Hải Đông, trời nóng một chút Nhược Lan đã chuẩn bị nước mát cho tôi lau người, hoặc ở bên cạnh quạt suốt ngày. Năm nay tôi đón nắng ở Châu Lạng, đâu thể quan tâm bản thân mình kĩ càng như khi xưa, thế là mấy đốm đỏ cũng bắt đầu xuất hiện trên cơ thể.
Một bữa trưa đang ngồi ăn cơm cùng Cát trong chòi ở ruộng bông, tôi khó chịu xăn tay áo lên cao một chút, không ngờ những đốm đỏ kia vô tình lọt vào mắt anh.
“Cô bị gì vậy?”
Nghe anh hỏi, tôi vẫn chậm rãi ăn cơm, ung dung trả lời: “Trời nóng quá nên em nổi sảy. Đó giờ đều bị như vậy rồi, không có gì nghiêm trọng hết.”
Cát không tin những gì tôi nói, đột ngột để bát cơm xuống, cằm lấy tay tôi rồi tỉ mỉ quan sát: “Nổi ở tay thôi sao? Còn trong người thì thế nào?”
Tôi mấy hôm nay cũng nghe lưng mình hơi ngứa, nhưng đâu thể nào quay đầu nhìn phía sau nên cũng không biết chính xác lưng có nổi nhiều hay không nên chỉ đành nhìn anh cười trừ. Cát thấy tôi cười, chỉ thở dài một hơi: “Mai mốt đừng ra ruộng nữa!”
Tôi nghe Cát nói mà thiếu chút nữa nhảy dựng lên: “Làm sao được. Em ở đây chỉ có hai nơi để đi, nhà Nhược Lan và ruộng bông. Em cũng không thể ở suốt bên Nhược Lan, anh cấm em ra ruộng chẳng khác nào bắt em ở nhà đến buồn chán chết mất?”
Cát ngẫm nghĩ đôi lúc rồi nói tiếp: “Vậy thì ra buổi sáng một chút hoặc chiều gần tắt nắng ra một chút. Đã biết bản thân bị dị ứng sao còn không chịu giữ gìn.”
Tôi vẫn giảy nảy lên: “Ngày dài đằng đẵng, em cứ ở nhà suốt như thế thì biết làm gì đây?”
Cát lúc này mới không quan tâm tôi nữa, thờ ơ trả lời: “Không có chuyện gì làm thì ngủ một giấc cho khỏe. Ai bắt cô phải cực nhọc bao giờ.”
“Người mà làm như heo không bằng. Ăn xong rồi ngủ.” Tôi lầm bầm nhưng cũng đủ để Cát nghe. Anh trừng mắt nhìn tôi. Tôi sợ quá cúi đầu và thật nhanh cho hết bát cơm để tránh anh nói này nói nọ nữa. Vậy mà Cát vẫn không tha cho tôi, anh nói tiếp: “Ăn xong thì đi về cùng với Bảo Trân đi.”
Rồi anh quay sang nói với Bảo Trân: “Cô về nhà chuẩn bị nước nấu lá sả cho mợ ba tắm, rồi ra tiệm thuốc mua ít thuốc thoa cho mợ.”
Cho đến lúc tôi tắm xong tôi vẫn không tin được việc mình bị cấm túc một cách đầy bất ngờ như thế. Tất cả là tại cái cơ thể mẫn cảm này. Nếu tôi bình thường như mọi người, có phải tốt hơn hay không.
Tôi mãi mê suy nghĩ đến mức Bảo Trân nói gì đó tôi cũng không nghe rõ. Cho tới khi cô ấy chìa cây trâm ra trước mặt tôi, khẽ hỏi: “Mợ ba, dùng cây trâm này có được không?”
Tôi nhìn cây trâm Bảo Trân đang cầm, thoáng giật mình rồi nhanh chóng lấy lại cây trâm. Đây là cây trâm của Nguyên phi, trước nay tôi không cho phép người khác tùy tiện đụng vào, lỡ có chuyện gì xảy ra lại không hay. Tôi quay lại Bảo Trân, sợ cô ấy bị hành động của tôi làm hoảng sợ nên nhẹ nhàng nói: “Mai mốt chị đừng đụng vào cây trâm ấy, có biết không?”
Bảo Trân dạ một tiếng rồi nhanh chóng lấy cây trâm khác cài lên tóc cho tôi. Suốt cả buổi hôm ấy cũng im lặng không dám nói thêm điều gì. Tôi cũng vì buồn bực trong người nên cũng không buồn giải thích nữa.
Tôi cầm cây trâm của Nguyên phi lên, tỉ mỉ quan sát một lần nữa rồi thở dài. Đây quả thật là của nợ mà tôi trót mang vào người. Muốn cài cũng không dám, muốn trả lại cũng không biết làm sao để mở lời…