Trăm Năm Cô Đơn

Chương 2


Đọc truyện Trăm Năm Cô Đơn – Chương 2

Khi tên cướp biển Phrăngxit Đrăc tấn công Riôacha ở thế kỷ XVI, bà tổ của Ucsula Igoaran đã quá kinh ngạc trước tiếng chuông nhà thờ inh ỏi đổ hồi và tiếng đại bác chát chúa nổ rền, đến mức quẫn trí ngồi vào một bếp than hồng. Những vết sẹo cháy đã làm cho cụ trở thành một người vợ ăn bám suốt đời. Cụ chỉ có thể ngồi nghiêng một phía dựa lưng trên những chiếc gối đệm và đi đứng kỳ dị, bởi thế chẳng bao giờ cụ đi ra ngoài trước con mắt mọi người. Cụ từ bỏ mọi sình hoạt xã hội vì bị ám ảnh bỏi cái ý nghĩ người mình phả ra mùi khét khó chịu. ánh bình minh bắt gặp cụ ở ngoài sân. Cụ không dám ngủ bởi nằm mộng thấy bọn người Anh cùng với những con chó dữ tợn đã trèo qua cửa sổ phòng ngủ và làm cụ chết khiếp vì những cực hình ghê rợn bằng những thanh sắt nung đỏ. Chồng cụ, một thương nhân người vùng Aragông(1), đã có hai con với cụ, tiêu tốn một nửa cửa hàng để thuốc thang và mua vui cho vợ, ngõ hầu làm giảm bớt nỗi sợ hãi. Cuối cùng, ông cụ bỏ nghề buôn, mang gia đình đi sống ở một miền xa biển, trong một xóm những người dân Anhđiêng hiền lành ở sâu trong núi. Tại đây cụ ông đã làm cho vợ một phòng ngủ không cửa sổ để bọn ướp biển, trong những cơn ác mộng kia, không có lối nhảy vào.

Tại xóm vắng này, trước đó rất lâu có một nhà trồng thuốc lá người Âu, sinh ra trên châu Mỹ. Đó là Đông(2) Hôsê Accađiô Buênđya người mà cụ tổ Ucsula cùng thành lập một tổ hợp sản xuất chỉ trong một thượng ngắn đã có vốn to. Vài thế ky sau, người cháu của ông tổ kết hôn với cô cháu gái của ông tổ Aragông. Vì thế mà mỗi bận Ucsula ra khỏi nhà theo tiếng gọi cuồng nhiệt của chồng mình, đã nhớ lại những ngẫu nhiên xảy ra cách đây ba trăm năm, và nguyền rủa cái giờ mà tên cướp biển Phrăngxit Đrăc tấn công Rioacha. Đó là cách đơn giản để giải phiền, bởi trên thực tế họ đã gắn bó với nhau cho tới khi chết bởi mối liên hệ còn bền chặt hơn cả tình yêu: đó là nỗi dằn vặt lương tâm chung cả hai người. Là anh em với nhau, họ cùng lớn lên trong một xóm cũ mà các bậc tiền bối của mình, bằng lao động và thuần phong mỹ tục, đã biến nó thành một cái làng tốt đẹp nhất trong số các làng thuộc tỉnh này. Mặc dù cuộc hôn nhân của họ đã thấy trước một cách hiển nhiên ngay khi trào đời, nhưng khi họ bộc lộ ý nguyện được lấy nhau thì cha mẹ hai bên đã định ngăn cản. Các cụ sợ rằng hai con người khoẻ mạnh đó thuộc hai dòng họ hàng thế kỷ đã có tình thâm giao sẽ phải sống trong tủi hổ vì sinh ra những con kỳ đà. Trước họ đã có tấm gương tày liếp. Bà cô của Ucsula lấy ông chú của Hôsê Accađiô Buênđya sinh ra một dứa con suốt đời mặc quần rộng thùng thình và chết vì bệnh chảy máu sau khi đã sống một cuộc đời bốn mươi hai tuổi luôn luôn trai tân, bởi vì y sinh ra và lớn lên với cái đuôi xoắn hình chiếc mở nút chai ở cuối có một túm lông. Đó là một cái đuôi lợn mà y không bao giờ để cho bất kỳ người đàn bà nào nom thấy. Và y đã phải trả giá bằng cả cuộc đời mình khi một người làm nghề đồ tể dùng con dao phay chặt phắt luôn cái đuôi lợn ấy đi. Hôsê Accađiô Buênđya với sự thanh thản của tuổi mười tám đã giải quyết vấn đề này bằng một câu gọn lỏn: “Có đẻ ra lợn anh cũng cóc cần, miễn là biết nói”. Thế là họ cưới nhau với tiệc tùng kéo dài ba ngày liền có pháo nổ và các ban nhạc giúp vui. Từ đó trở đi, bọn họ sẽ hạnh phúc biết bao nếu như bà mẹ Ucsula không đe doạ cô bằng tất cả những dị dạng đáng sợ của những đứa con sẽ sinh ra đến mức cô không dám cho động phòng. Vì sợ người chồng vâm váp và ngang ngược sẽ cưỡng dâm trong lúc mình ngủ, Ucsula, trước khi đi nằm, đã mặc một chiếc quần do bà mẹ may cho. Đó là một chiếc quần vải gai được một hệ thống dây da chằng khéo làm cho bền hơn với một chiếc khoá sắt to sụ đóng kín lại. Bọn họ sống như vậy trong mấy tháng liền. Ban ngày, chàng đi chăn dắt những chú gà chọi của mình, còn nàng cùng với mẹ ngồi thêu bên khung thêu. Ban đêm cô phải chống cự trong vài giờ trước khát vọng cuồng nhiệt của chồng mà việc ấy dường như được làm là để thay thế cho sự chung đụng xác thịt, cho tới khi linh cảm của dân chúng đánh hơi thấy có một cái gì không bình thường đang xảy ra và họ liền tung tin đồn rằng Ucsula sau một năm cưới chồng vẫn tiếp tục trinh tiết là do chồng cô bất lực. Hôsê Accađiô Buênđya là người biết tin đồn sau cùng.

– Ucsula này, mình thấy đấy, người ta đang đồn ầm lên, – anh bình tĩnh nói với vợ.

– Thây kệ họ nói, – cô nói, – chỉ cần chúng ta biết với nhau rằng liều đó là không đúng sự thực.

Vậy là vợ chồng họ cứ sống trong tình cảnh ấy trong khoảng sáu tháng nữa, cho đến một ngày chủ nhật bi thương là ngày Hôsê Accađiô Buênđya đã thắng Pruđênxiô Aghila một trận chọi gà. Giận dữ, điên tiết vì thấy máu con gà của mình, kẻ bị thua liền tách ra xa Hôsê Accađiô Buênđya để mọi người trong sởi chọi gà có thể nghe được lời mình sẽ nói:

– Tao mừng cho mày, – anh ta gào, – để xem xem cuối cùng con gà ấy nó có làm ơn cho vợ mày không nào.

Hôsê Accađiô Buênđya nín thinh, ôm lấy gà mình. “Tôi sẽ trở lại ngay”, anh nói với mọi người, sau đó anh nói với Pruđênxiô Aghila:

– Còn mày, liệu xác đấy, hãy trở về nhà và cầm lấy vũ khí đi, kẻo tao sẽ giết mày.

Mười phút sau anh trở lại với cây giáo sắc nhọn của ông nội mình. Ngay ở lối ra vào sởi chọi gà, nơi có đến nửa làng đã tụ tập, Pruđênxiô Aghila đang đứng chờ. Anh ta không có thời gian để tự vệ. Cây giáo của Hôsê Accađiô Buênđya được phóng đi với sức mạnh của con bò tót và với đường bay chính xác của chính cây giáo do cụ Aurêlianô Buênđya Thứ nhất phóng đi từng kết liễu những con hổ trong vùng, đã xuyên qua cổ họng Pruđênxiô Aghila. Đêm ấy, trong lúc mọi người đang viếng tử thi ở ngoài sới chọi gà thì Hôsê Accađiô Buênđya bước vào phòng ngủ giữa lúc vợ anh đang mặc chiếc quần trinh tiết.

Huơ huơ cây giáo trước mặt cô, anh ra lệnh: “Hãy cởi thứ đó ra”.

Ucsula không nghi ngờ quyết định của chồng. “Mình sẽ phải chịu trách nhiệm về điều vừa xảy ra”, anh rền rĩ nói. Hôsê Accađiô Buênđya cắm phập ngọn giáo xuống nền nhà.

– Nếu mình đẻ ra kỳ đà thì chúng mình sẽ nuôi kỳ đà, – anh nói – Nhưng trong cái làng này sẽ không có thêm những người hết vì tội lỗi của mình.

Đó là một đêm tháng bảy đẹp trời, trăng thanh gió mát và bọn họ thức suốt đêm vần nhau trên giường cho đến lúc rạng đông, không để ý tới gió lùa vào phòng mang theo tiếng than khóc của gia quyến Pruđênxiô Aghila.


Đám tang này được liệt hạng đám tang danh dự, nhưng hai người dằn vặt lương tâm. Có một đêm mất ngủ, Ucsula ra sân ống nước, đã nhìn thấy Pruđênxiô Aghila đứng ngay bên cạnh chum. Anh ta đứng đấy, xanh tái, vẻ rầu rĩ, đang muốn dùng ẵm rơm cọ bát để nhét vào lỗ thủng nơi cổ họng. Cô không hãi nhưng mủi lòng thay. Cô trở vào phòng kể lại cho chồng nghe điều mắt mình nhìn thấy nhưng anh không tin. “Những người chết không đi ra khỏi phần mồ của mình”, anh nói. “Chẳng qua là chúng mình không chịu nữa sự giày vò của lương tâm mình thôi”.

Hai đêm sau, Ucsula lại nhìn thấy Pruđênxiô Aghila ở trong nhà tắm đang dùng bã lau lau vết máu đọng lại ở cổ. Đêm khác cô lại thấy anh ta đang đi lại dưới trời mưa. Giận dữ trước việc vợ mình nhìn thấy ma, Hôsê Accađiô Buênđya cầm giáo bước ra sân. Quả nhiên bóng ma rầu rĩ đang đứng ở đấy.

– Cút mẹ mày đi? – Hôsê Accađiô Buênđya gào lên. – Mày mà cứ lảng vảng ở đây ông sẽ giết?

Pruđênxiô Aghila không đi, mà Hôsê Accađiô Buênđya cũng không dám phóng cây giáo. Từ đấy trở đi anh không thể ngủ ngon giấc. Anh bị dằn vặt bởi chính nỗi buồn mênh mang của người chết từ trong mưa nhìn anh, bởi chính nỗi thương cảm sâu sắc của người chết đối với những người sống, bởi chính cơn khát của người chết lục khắp nhà để tìm nước dấp bã lau. “Có lẽ anh ta đau khổ lắm”, Ucsula nói với chồng: “Anh ta quá lẻ loi”.

Cô càng cảm động hơn khi lần gần đây nhìn thấy bóng ma đang mở vung nồi bếp thì cô hiểu cái mà nó đang tìm và kể từ lần ấy, cô đặt những tô nước ở khắp nhà cho nó. Một đêm nọ, bắt gặp bóng ma đang rửa vết thương ở ngay trong phòng mình, Hôsê Accađiô Buênđya không thể chịu được thêm nữa, đã nói:

– Được rồi, Pruđênxiô ạ, – anh nói với bóng ma, – chúng tôi sẽ đi khỏi làng mày, đi đến nơi xa nhất mà chúng tôi có thể đi, và chúng tôi sẽ không bao giờ trở lại nữa. Bây giờ cậu hãy đi đi, hãy thanh thản mà đi đi.

Đó là nguyên nhân bọn họ vượt núi. Vài anh bạn của Hôsê Accađiô Buênđya, tất cả đều trai trẻ như anh, náo nức với chuyến đi mạo hiểm này, đã thu dọn đồ đạc rồi mang chúng cùng với vợ con để đi tới miền đất chẳng một ai đã hứa hẹn cho họ. Trước lúc khởi hành, Hôsê Accađiô Buênđya đã chôn cây giáo ở ngay ngoài sân và lần lượt chặt cổ những con gà chọi tuyệt vời của mình mà lòng anh đinh ninh tin rằng làm như thế sẽ an ủi phần nào vong linh Pruđênxiô Aghila. Vật duy nhất mà Ucsula mang theo là một chiếc rương trong đó đựng quần áo cưới một ít đồ ăn và một túi nhỏ đựng những đồng tiền vàng của cha cô để lại. Đoàn người ra đi không đi theo một lộ trình nhất đinh. Họ chỉ mải đi theo hướng ngược lại con đường dẫn tới Riôacha để không bỏ lại một dấu vết nào và để tránh chạm mặt người quen. Đó là một chuyến đi kì dị. Khi đoàn người đi được mười bốn tháng trời, với cái bụng quặn đau vì thịt khỉ và canh rắn, Ucsula đẻ ra một chú bé với tất cả các bộ phận người của chú. Cô đẻ rơi giữa đường ngay lúc nằm trên một chiếc võng hai người khiêng, bởi vì hai chân cô xuống máu sưng vù lên mất cả hình thù, và các tĩnh mạch cứ phồng lên như những vấp rộp. Những đứa trẻ thật đáng thương hại với cái bụng lép và đôi mắt quầng thâm. Tuy vậy chúng lại tỏ ra dẻo dai hơn cha mẹ chúng trong chuyến đi gian truân này, và trong phần lớn thời gian còn thích thú là khác. Một buổi sáng nọ, sau gần hai năm ròng rã leo núi, họ là những người đầu tiên nhìn thấy sườn phía tây của dấy núi. Từ trên đỉnh núi mù mây phủ họ nhìn thấy mặt nước bằng bao la của một đầm lầy mênh mông trải tới tận bờ bên kia thế giới. Song chẳng bao giờ họ gặp biển. Có một đêm, sau vài tháng lạc lối giữa những đầm nước, những đã cách rất xa nơi cuối cùng họ gặp những người Anhđiêng trên con đường mình đi, họ nghỉ lại bên bờ một con sông nhiều đá, nước trong như một dải pha lê đông lạnh. Nhiều năm sau này, đại tá Accađiô Buênđya định theo con đường ấy để đánh úp Riôacha và sau sáu ngày đi chàng hiểu rằng đó là một cơn điên. Tuy nhiên, cái đêm họ nghỉ lại bên cạnh sông ấy, những người đồng hành của cha chàng đều hoảng hốt như những người chết đuối không nơi bám víu, nhưng con số của họ đã tăng thêm trong cả quá trình vượt núi và tất cả bọn họ quyết sống (dĩ nhiên họ đã tìm cách) cho đến lúc đẩu bạc răng long. Đêm ấy Hôsê Accađiô Buênđya nằm mộng thấy ở ngay nơi đó một thành phố đông vui với những ngôi nhà có tường kính đã mọc lên. Ông hỏi đó là thành phố gì và ông được trả lời bằng một cái tên chưa bao giờ nghe thấy, một cái tên chẳng có ý nghĩa gì nhưng nó cứ vang đọng trong giấc mơ: Macônđô. Ngay ngày hôm sau, ông thuyết phục các bạn mình rằng sẽ chẳng bao giờ bọn họ tìm thấy biển. Ông hạ lệnh cho họ phát quang một vùng bên cạnh sông, nơi thoáng mát hơn và tại dó họ lập làng.

Trước hôm được biết nước đá, Hôsê Accađiô Buênđya vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của giấc mộng về những ngôi nhà có tường kính. Sau hôm đó, ông những tưởng mình đã hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó. Ông nghĩ rằng trong một tương lai không xa người ta có thể sản xuất hàng loạt các khối nước đá bằng vật liệu hết sức thông thường như nước lã, và dùng chúng để xây dựng những ngôi nhà mới cho làng. Lúc đó Macônđô sẽ không còn là một nơi nóng bức đến mức bản lề và chốt cửa bằng sắt cũng phải quăn lại vì hơi nóng, và trở thành một thành phố quanh năm là mùa đông. Nếu như ông không nôn nóng tiến hành xây dựng một nhà máy nước đá ngay là vì lúc ấy ông đang hào hứng với việc dạy dỗ các con mình, trước hết là Aurêlianô, cậu bé ngay từ đầu đã bộc lộ một năng khiếu đặc biệt về thuật làm vàng giả. Phòng thí nghiệm lúc nào cũng sạch bong không một vết bụi. Giờ đây, rất bình tâm, không náo nức trước điều kỳ ảo bằng việc xem lại những chỉ dân của Menkyađêt, ông cố tách vàng của Ucsula ra khỏi thứ hợp chất đóng chóc lại ở đáy chảo. Cậu thanh niên Hôsê Accađiô hầu như không tham gia công việc ấy. Trong khi cha cậu dốc toàn tâm toàn sức vào công việc trong ống nghiệm thì cậu cả, vốn là người thực làm theo ý mình, là người lớn trước tuổi, đã trở thành một chàng thanh niên lực lưỡng. Cậu vỡ giọng. Mép cậu đã lún phún mọc đầy lông tơ. Một đêm nọ, Ucsula bước vào phòng khi cậu đã cởi hết quần áo để đi ngủ. Bà thảng thốt cảm thấy vừa thẹn vừa thương. Đó là người đàn ông, sau chồng mình, bà thấy khỏa thân, và y đã được chuẩn bị chu đáo để vào đời và điều đó bà thấy không được bình thường. Lần thứ ba, Ucsula hoài thai, và lại sống lại những nỗi lo âu thuở mới lấy chồng.

Vào thời ấy, có một người đàn bà vui tính, ăn thô nói tục hay khơi chuyện, thường đến nhà, là người vẫn hay làm giúp các việc vặt trong nhà và biết bói bài. Ucsula đem chuyện con trai mình thổ lộ với thị. Bà nghĩ rằng cái cơ thể quá cỡ của con trai mình là một sự không bình thường như cái đuôi lợn của người chú họ. Người đàn bà bật một tràng cười ha hả vang vọng khắp nhà giống như một dòng thuỷ tinh ào chảy. Trái lại, thị nói, “cậu cả sẽ là người hạnh phúc đấy, bà ạ”. Để khẳng định lời đoán số, vài ngày sau thị mang tới nhà một cỗ bài, rồi sau đó, một mình lẻn vào kho ngô ở gắn nhà bếp với Hôsê Accađiô và đóng chặt cửa lại. Thị điềm nhiên đặt cỗ bài lên chiếc bàn thợ mộc cũ, rồi liến thoắng nói rặt những chuyện không đâu, trong lúc đó chàng trẻ tuổi buồn chán hơn là thích thú ngồi bên cạnh thị chờ đợi. Bỗng nhiên thị giơ tay lên ôm choàng lấy anh. “Ôi tuyệt quá , thị nói một cách thảng thốt vẻ chân thành, và đó là điều duy nhất thị có thể nói được. Hôsê Accađiô cảm thấy gân cốt bủn rủn, sợ hãi và muốn khóc thét lên. Người đàn bà không hề dặn bảo anh điều gì. Nhưng suốt đêm ấy Hôsê Accađiô cứ lục tìm thị trong thứ mùi khói phả ra từ nách thị, và cái mùi ấy cứ bám lấy da thịt anh. Anh muốn lúc nào cũng được ở bên cạnh thị, muốn thị là mẹ mình. muốn rằng bọn họ, anh và thị không bao giờ sẽ ra khỏi kho ngô, muốn thị nói với mình ôi tuyệt quá, muốn thị lại ôm lấy mình rồi nói ôi tuyệt quá. Một ngày nọ, anh không thể chịu đựng thêm nữa và đã đến nhà thị để tìm thị.

Anh đến chơi nhà không được tự nhiên lắm, ngồi đợi ở phòng khách, không nói không rằng. Trong thời khắc ấy anh không thèm khát thị. Anh thấy thị hoàn toàn khác với hình ảnh mà cái mùi của thị khêu gợi; lúc này thị như một người đàn bà khát. Anh uống cà phê rồi từ biệt ngôi nhà ọp ẹp. Đêm ấy, trong nỗi sợ hãi do mất ngủ, anh lại da diết khát khao thị, nhưng lúc ấy anh không yêu thị như lúc ở trong kho ngô mà trái lại như trống cái buổi chiều ấy.

Mấy ngày sau, người đàn bà đột ngột gọi anh đến nhà mình vào lúc thị đang ở nhà với bà mẹ. Thị lôi anh vào buồng ngủ với cái cớ dạy anh chơi bài. Thế là thị tha hồ ôm anh, đến mức anh mất cả khoái cảm sau cú ngây ngất ban đầu, rồi anh cảm thấy sợ nhiều hơn là thích thú. Thị nũng nịu đòi anh phải đến tìm mình vào ngay đêm ấy. Anh đã trót đồng ý nhưng khi đi ra anh mới hiểu rằng không thể đi được. Song đêm ấy, trên cái giường nóng bỏng như than lửa, anh hiểu rằng cần phải đi tìm thị dù biết việc đó là không thể làm được. Anh sờ soạng mặc quần áo, tai lắng nghe trong bóng tối tiếng thở đều đều của cậu em, tiếng ho khan của cha mình ở phòng bên, tiếng hen khò khè của đàn gà mái ở ngoài sân, tiếng muỗi vo ve, tiếng thình thình của con tim mình đập và tiếng ồn ào của trời đất chưa bao giờ anh được nghe, rồi anh bước ra con đường đang im lìm ngủ. Anh thành tâm mong muốn cửa đã được cài then hẳn hoi chứ không chỉ khép lại như lời thị hứa với anh. Nhưng cửa vẫn chưa cài then.

Anh lấy ngón tay khẽ đẩy cánh cửa và thế là các bản lề rít lên cọt kẹt nghe vừa buồn vừa âm vang khiến anh lạnh cả gáy. Kể từ lúc anh bước vào, bằng cách lách vai nhẹ nhàng để không gây tiếng động, anh vẫn cảm thấy cái mùi ấy. Anh vẫn còn ở trong phòng khách là nơi ba người em trai thị mắc võng ở những vị trì mà cho đến lúc này anh không biết và trong bóng tối không thể xác định được, vậy là anh chỉ còn thiếu sờ soạng mà bước vào, mà đẩy cánh cửa phòng và đi đến nơi ấy làm sao không bị nhầm giường thì nằm. Anh tìm nó. Anh vấp phải dây võng mắc ở tầm thấp hơn là anh tưởng, và cái người đàn ông đang ngáy khò khò cho đến lúc ấy vẫn đang mộng mị, nói vẻ tỉnh khô: “Đó là ngày thứ tư”. Khi đẩy cánh cửa buồng ngủ anh đã không thể tránh được cú vấp phải mép sàn nhà nhô cao.


Trong bóng đêm tối đen như mực, bỗng nhiên, với một nỗi nhớ nhung không thể đừng được, anh hiểu rằng mình đã hoàn toàn mất phương hướng. Trong phòng chật hẹp này có bà mẹ, cô em, người chồng và ba đứa con của cô ta đang ngủ, và cả người đàn bà nữa, mà có lẽ thị không đợi anh, cũng đã ngủ rồi. Có lẽ anh sẽ không lần theo cái mùi ấy nếu như nó không nồng nặc khắp nhà. Cái mùi đàn bà ấy vừa có vẻ hư hư lại vừa có vẻ thực thực như thể lúc nào nó cũng ở ngay trên làn da anh. Anh đứng im như thằng phỗng trong một lúc lâu mà ngạc nhiên tự hỏi lòng mình đã làm thế nào để đi tới cái vực thẳm trống trải này. Giữa lúc ấy có một bàn tay xoè rộng các ngón cũng đang sờ soạng trong bóng tối, đã đụng phải mặt anh. Cái bàn tay ấy không ngạc nhiên, vì dù không biết đích xác là anh, nó đang đợi anh.

Thế là anh tin cái bàn tay ấy và trong trạng thái mệt mỏi đến kinh khủng, anh đã để cho nó lôi tuột mình đến một chỗ không được tiện nghi lắm, là nơi nó lột truồng anh ra, nó mân mê anh như mân mê củ khoai, nó vần anh sang bên trái lại xoay anh sang phải, là nơi anh không ngửi thấy mùi đàn bà nữa mà chỉ thấy mùi nước đái quỷ, và là nơi anh định nhớ lại gương mặt thị thì anh lại hình dung ra gương mặt bà Ucsula; rồi anh hoang mang mà nhận ra rằng mình đang làm một việc mà từ lâu hằng mong muốn nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng trên thực tế sẽ có thể được làm, không hề biết đang là nó như thế nào bởi không biết đâu là chân, đâu là đầu và cũng chẳng biết chân ấy là của ai, đầu ấy là của ái và anh cảm thấy mình không thể chịu đựng được hơn nữa trước cơn nhói biết nơi thận mình, trước cơn đau quắn nơi bụng mình, anh đâm phát hoảng và cảm thấy nỗi khao khát chếnh choáng vừa muốn được chạy trốn đồng thời vừa muốn được ở lại mãi mãi trong cái im lặng đầy thất vọng và cái cô đơn đáng sợ hãi này.

Người đàn bà ấy tên là Pila Tecnêra. Thị là một thành viên của đoàn người di cư đã lập nên làng Macônđô, bị gia đình lôi đi leo để tách thị ra khỏi gã đàn ông từng cưỡng hiếp thị vào lúc thị mới mười bốn tuổi, và theo đuổi thị đến năm thị hai mươi mốt tuổi, nhưng không bao giờ quyết định công khai quan hệ cửa hai người trước công chúng vì gã là con người sở khanh. Gã hứa sẽ theo thị đến cùng trời cuối đất, nhưng ngay sau đó, khi vấn đề đã êm đẹp đâu vào đó, thị cứ mòn mắt chờ trông, bằng cách đánh đồng gã với những người đàn ông cao lớn và cả với những người nhỏ bé thấp lùn, với những người đàn ông tóc hung và cả những người tóc đen, đó là những người mà quân bài hứa hẹn với thị rằng họ sẽ đến từ đường biển và từ đường bộ trong ba ngày, ba tháng hoặc ba năm. Trong lúc chờ đợi, thị đã đánh mất độ săn chắc của các bắp vế, độ căng phồng của bộ ngực, vẻ duyên dáng yểu điệu, nhưng lúc nào thị cũng giữ được con tim luôn bốc lửa tình. Cuồng nhiệt trước trò mê say ấy, đêm nào cũng vậy, Hôsê Accađiô đi tìm hơi thị bằng cách vượt qua cái mê cung ấy. Có những khi gặp cửa đóng then cài, anh đã gõ cửa vài lần, vì biết rằng đã có gan gõ lần thử nhất ắt phải gõ tới lần chót, và sau khi đã dai dẳng chờ đợi, anh được thị mở cửa.

Ban ngày, thiếp đi vì buồn ngủ, anh thầm ngậm nhấm khoái cảm đêm trước. Song khi thị bước vào nhà, vui vẻ, hồn nhiên, vẻ bông lơn, thì anh chẳng phải mệt sức để che giấu nỗi mệt mỏi của mình, bởi vì cái người đàn bà có tiếng cười giòn từng làm kinh động những con bồ câu ấy rất mãn nguyện đã dạy cho anh biết thở thật sâu, biết giữ cho tim không đập quá dồn dập và đã cho phép anh biết vì sao những người đàn ông lại sợ chết đến thế. Anh quá mải mê suy tư đến nỗi không hiểu niềm vui tràn trề của tất cả mọi người trước việc cha và em trai anh làm náo loạn cả nhà bằng cách loan tin đã nung chảy được chất hợp kim và đã tách được vàng của Ucsula.

Quả nhiên, sau những ngày làm việc cần cù đầy hứng thú, cha con Hôsê Accađiô Buênđya đã giành được kết quả. Ucsula rất sung sướng, đến mức bà phải cảm ơn Thượng đế về phát minh của thuật giả kim, trong lúc đó dân làng tụ tập trong phòng thí nghiệm và gia đình mời họ xơi mứt ổi với bánh qui để mừng kỳ tích, Hôsê Accađiô Buênđya cho họ xem cái nồi nấu kim loại với số vàng đã được lấy lại, làm như thể ông vừa chế được. Sau khi cho mọi người xem khắp lượt, cuối cùng ông mang nó đến trước mặt đứa con trai đầu lòng của mình, người trong thời gian gần đây hầu như không bước chân vào phòng thí nghiệm. Đặt trước mắt anh thứ kim loại khô khốc và vàng óng, rồi ông hỏi: “Con thấy thế nào?”. Hôsê Accađiô chân thành trả lời cha:

– Cái đồ cứt chó ấy mà!

Cha anh liền vả một cái tát trái vào miệng anh đến là đau, làm cho anh phải chảy máu và ứa nước mắt. Đêm ấy Pila Tecnêra dán thuốc cao lên chỗ sưng, mò mẫm trong bóng tối tìm chai rượu và bông và làm tất cả những gì thị muốn nhưng không làm anh khó chịu, để yêu anh mà không làm anh đau đớn. Bọn họ trở nên thân thiết, chỉ ít phút sau, không ai bảo ai, đã thầm thì to nhỏ nói chuyện với nhau:

– Anh muốn chỉ một mình em bên anh, – anh nói, – một ngày gần đây, anh sẽ kể hết chuyện chúng mình cho mọi người biết để kết thúc những trò vụng trộm luôn một thể.

Thị không định ngăn cản anh.

– Thế thì rất hay, – thị nói, – nếu chỉ có mình chúng mình với nhau thôi, chúng mình sẽ thắp đèn sáng để nhìn nhau cho sướng và em có thể gào to tất cả những gì em thích không còn lo một ai quấy rối, và anh sẽ thì thào bên tai em tất cả những lời tục tĩu anh nghĩ ra được.

Buổi trao đổi này, nỗi căm tức cha mình, và khả năng khẩn cấp của mối tình quá trớn, đã làm cho anh thêm bạo dạn rồi đột ngột, anh kể tất cả cho em trai mình nghe.

Thoạt đầu, Aurêlianô chỉ hiểu được nỗi nguy hiểm và những tai hoạ sẽ xảy ra do các cú liều mạng của anh trai mình gây nên, nhưng cậu vẫn chưa cảm nhận được cái khoái cảm đến đê mê của câu chuyện. Rồi niềm khao khát dần dần xâm chiếm cậu. Cậu bắt người anh kể tỉ mỉ những tình tiết li kì, đồng cảm với nỗi đau đớn ê chề và mềm lạc thú của ông anh, cậu cũng thấy bồi hồi lo âu và sung sướng. Cậu thức đợi ông anh mình cho đến gần sáng, cứ trằn trọc bồi hồi trên cái giường như có ai bỏ than đỏ vào, và khi ông anh trở về, cả hai người đều tỉnh như sáo nói chuyện cho đến lúc dậy, vì vậy mà chẳng bao lâu cả hai anh em đều lử đử lừ đừ, chán ngấy thuật giả kim và kiến thức uyên bác của cha mình và cả hai đều trốn vào cõi cô đơn.


“Bọn trẻ nhà này cứ như những thằng đần, lúc nào cũng thẫn thờ”, Ucsula nói. “Có lẽ chúng bị giun quấy đấy”. Bà chuẩn bị cho họ một tô nước thuốc lá paicô(3) và cả hai người điềm nhiên uống, rồi chỉ trong một ngày họ đã mười một lần ngồi vào bô, thải ra một vài con giun màu hồng hồng. Hai anh em thích thú chìa cho mọi người xem vì chúng cho phép họ đánh lạc hướng Ucsula về căn nguyên cái bệnh buồn phiền của họ. Lúc đó Aurêlianô không chỉ hiểu mà còn có thể cảm nhận những kinh nghiệm tình dục của ông anh như chính mình đã trải qua, bởi vì có một lẩn khi người anh kể rất tỉ mỉ về cách thức làm tình như thế nào, thì cậu đã ngắt lời hỏi: “Anh cảm thấy như thế nào?”… Không ngần ngừ, Hôsê Accađiô trả lời ngay:

– Như thể trời rung đất chuyển ấy.

Vào lúc hai giờ sáng một ngày thứ năm trong tháng Giêng, Amaranta đã ra đời. Trước lúc chưa có ai vào phòng, Ucsula xem xét khắp người đứa hài nhi. Nó nhẹ tênh và căng mọng như một con thằn lằn non, nhưng tất cả các bộ phận trên người nó đều thuộc giống người. Aurêlianô chỉ biết tin vui khi thấy mọi người kéo đến nhà mình rất đông. Để trốn tránh sự ồn ĩ này, cậu ra khỏi nhà đi tìm ông anh, người đã bỏ trống giường từ lúc mười một giờ, và đó là một quyết định đột ngột đến mức cậu không kịp tự hỏi làm thế nào để lôi được anh mình ra khỏi phòng Pila Tecnêra. Cậu đi quanh nhà thị vài giờ liền, cứ huýt sáo làm hiệu liên tục cho đến khi buổi bình minh buộc cậu phải trở về. Trong phòng của bà mẹ, cậu bắt gặp Hôsê Accađiô với bộ mặt tỉnh bơ, đang chơi với cô em gái mới sinh.

Ucsula hầu như vừa kết thúc kì nghỉ đẻ bốn mươi ngày thì những người digan cũng vừa tới làng. Đó chính là những người làm xiếc và những người múa rối từng mang nước đá đến đây.

Khác với nhóm người của Menkyađêt, chẳng bao lâu bọn họ đã trưng bày các thứ hàng hoá tiêu xài chứ không như trước đây chỉ có những thành tựu của tiến bộ khoa học. Khi mang nước đá đến, họ đã không quảng cáo mặt ích lợi phục vụ cho đời sống con người mà chỉ quảng cáo nó như một trò ảo thuật đơn thuần. Lần này, bên cạnh các trò tiêu khiển khác, họ mang đến một cái thảm bay. Họ không giới thiệu nó như một đóng góp cơ bản cho sự phát triển giao thông mà giới thiệu nó như một thứ đồ chơi. Dĩ nhiên dân chúng moi nốt những mẩu vàng cuối cùng để thưởng thức cú bay vù vù trên các nóc nhà trong làng.

Lợi dụng sự tha thứ đầy thú vị của công chúng đang ồn ào, Hôsê Accađiô và Pila Tecnêra đã sống những giờ tự do. Họ là hai người tình ngây ngất hạnh phúc giữa đám đông đến mức tưởng rằng tình yêu còn sâu sắc và lắng đọng hơn cả cái khoái lạc tột dình và tức thời của họ trong những đêm vụng trộm. Tuy vậy Pila Tecnêra lại phá tan cái niềm vui ấy. Phấn chấn hẳn lên trước đam mê của Hôsê Accađiô lúc đang tận hưởng hạnh phúc đôi lứa, thị nhầm lẫn cách thức nói và lúc cần nói, đã bỗng nhiên chụp lên đầu anh một trách nhiệm nặng nề bằng cả quả địa cầu. “Giờ đây, anh đã là một người đàn ông rồi đấy”, thị nói với anh. Và vì anh không hiểu điều thị vừa nói, thị thong thả giải thích cặn kẽ:

– Nghĩa là anh sẽ có một đứa con trai.

Trong vài ngày liền, Hôsê Accađiô không dám ra khỏi nhà. Chỉ cần nghe thấy tiếng cười khanh khách của Pila Tecnêra là đã đủ để anh trốn vào phòng thí nghiệm, là nơi những thứ đồ thủ công mỹ nghệ, thành quả của thuật giả kim, đang sống lại nhờ lòng từ thiện của Ucsula. Hôsê Accađiô Buênđya vồn vã đón đứa con lầm lạc và hướng dẫn anh tập sự trong công việc mẩy mò của thuật giả kim đã được ông hiểu cặn kẽ. Một chiều nọ, hai anh em rất phấn khởi trước tấm thảm bay ngang tầm cửa sổ phòng thí nghiệm mang theo người digan lái và vài em nhỏ trong làng đang vui vẻ vẫy tay chào, và Hôsê Accađiô Buênđya không thèm nhìn tấm thảm bay. “Cứ để họ mơ mộng”, ông nói, “chúng ta sẽ bay cao hơn bọn họ với phương tiện khoa học hơn cái thảm bay thảm hại này”. Dẫu đang phải giả vờ làm ra vẻ hứng thú với công việc, Hôsê Accađiô không bao giờ có thể hiểu được những khả năng kỳ vĩ của lò luyện đá giả kim mà đối với anh nó chỉ đơn giản là một bình thuỷ tinh làm tồi quá. Anh biếng ăn, mất ngủ, cáu kỉnh, giống hệt cha mình lúc ông phải đối mặt với những thất bại trong một số công việc và trạng thái thất thường ấy của anh đã buộc ông phải thay anh làm mọi công việc trong lò luyện đá giả kim vì nghĩ rằng công việc này làm anh quá lao lực. Aurêlianô dĩ nhiên hiểu rằng nỗi đau khổ ấy của ông anh mình không liên quan gì đến lò luyện đá giả kim, nhưng cậu không tài nào làm cho anh thổ lộ với mình điều sâu kín kia. Hôsê Accađiô không còn hiếu động như trước. Từ một người hóm hỉnh và cởi mở anh trở thành một kẻ kín đáo và khó tính. Quá ưa thích nôi cô đơn, lúc nào cũng giận hờn xung quanh, một đêm nọ, như mọi bữa anh lại để trống giường bỏ đi ra ngoài, nhưng không đến nhà Pila Tecnêra mà đi thẳng một mạch đến hội chợ. Sau khi dạo khắp các trò vui, không thích thú trước bất kỳ trò thơi nào, anh để ý đến một người không diễn trò, một cô gái digan rất trẻ, hầu như còn đang ở tuổi thơ, đeo đầy cổ những hạt pha lê giả ngọc. Đó là một người đàn bà đẹp nhất cho đến lúc ấy anh được biết. Anh đang ở giữa đám người mải mê xem trò diễn một người đàn ông biến thành con rắn vì không nghe lời bố mẹ.

Hôsê Accađiô không để ý xem. Trong lúc diễn ra cuộc tra hỏi người đàn ông – con rắn, anh len lỏi giữa đám đông để đi tới nàng người đầu tiên là nơi anh gặp cô gái digan, dừng lại phía sau cô ta. Từ phía sau, anh ôm lấy thắt lưng cô ta. Cô ta cố vùng ra nhưng Hôsê Accađiô càng ôm chặt hơn. Vậy là cô đã rung động, đứng im nhưng vẫn quay lưng lại anh, run rẩy vì ngạc nhiên và sợ hãi mà không thể tin điều đó là sự thực, cuối cùng cô ngoảnh mặt lại, với nụ cười run rẩy cô nhìn anh. Trong lúc ấy hai người đàn ông digan lùa người đàn ông con rắn vào túi và mang vào bên trong quán hàng. Một người digan trưởng trò quay ra phía công chúng nói:

– Thưa quý ông quý bà, bây giờ chúng tôi xin trình diễn tiết mục kinh rợn về một người đàn bà, đêm nào cũng như đêm này, đều bị chặt đầu vào đúng giờ này trong suốt một trăm năm mươi năm vì tội đã dám nhìn cái không nên nhìn.

Hôsê Accađiô và cô gái không xem tiết mục chặt đầu người đàn bà. Họ đi về quán của cô, là nơi với nỗi thèm khát tuyệt vọng họ thỏa sức hôn nhau trong lúc cởi quần áo. Cô gái digan cởi hết những chiếc áo ngoài, những chiếc váy lót, chiếc coóc-xê đệm nhiều lần vải, chuỗi hạt pha lê giả ngọc thì bộ ngực căng và đôi mông nở trước đây bỗng biến đi mất. Thực ra cơ thể cô giống như một cành khô, ngực lép, vế teo không bằng cánh tay của Hôsê Accađiô, nhưng lại có được cái vẻ dạn dĩ và cái hơi nồng ấm kéo lại. Tuy nhiên, Hôsê Accađiô không thể đáp ứng ngay cơn cuồng nhiệt của cô, bởi họ đang nằm trong một cái quán công, là nơi những người digan qua lại luôn, lúc thì mang các dụng cụ làm xiếc, lúc thì hoá trang, có lúc họ tụ tập bên cạnh giường chơi một ván xúc xắc. Ngọn đèn treo trên một cây cột ở giữa bãi soi sáng xung quanh. Lúc họ thôi không mân mê nhau, Hôsê Accađiô trần truồng nằm duỗi thẳng cẳng trên giường, không biết làm gì thêm, thì cô gái cố làm trò khêu gợi anh. Sau đó, có lúc có một ả digan da dẻ bóng mượt bước vào, theo sau là một người đàn ông, vốn không phải là người cùng gánh xiếc cũng không phải là người làng này. Và rồi cả hai cùng cởi quần áo ngay trước giường Hôsê Accađiô đang nằm. Không có ý định trêu ngươi anh, người đàn bà nhìn Hôsê Accađiô, với lòng đầy thèm khát, háo hức ngắm nghía con vật trứ tuyệt của anh đang nghỉ ngơi.

– Ôi, anh bạn? – Ả reo lên. – Cầu Thượng đế sẽ che chở cô em cho anh bạn nhé.

Người bạn gái của Hôsê Accađiô yêu cầu để cho họ được yên và cái đôi ấy nằm xuống nền nhà ngay cạnh giường. Nỗi đam mê của những người khác đánh thức cơn hăng của Hôsê Accađiô. Ngay từ phút đầu, các xương hóc cô gái dường như long ra kêu ràn roạt như những quân đôminô chạm vào nhau, trên da cô nhớp nhúa thứ mồ hôi nhờ nhờ vàng, đôi mắt cô giàn giụa lệ cả người cô phát ra tiếng kêu ư ứ và phát ra thứ mùi bùn cứ lẩn vẩn đây đó. Nhưng cô gái dai sức đã vượt qua cú chung đụng với một tính cách kiên cường và một sự dũng cảm đáng khâm phục.

Lúc ấy Hôsê Accađiô cảm thấy mình bị nâng bổng lên đến trạng thái khó thở là nơi trái tim anh tan ra trong một cái giếng nhục dục êm dịu đang chảy vào cô gái theo các lỗ tai và chui ra qua lỗ miệng biến thành những lời được dịch sang ngôn ngữ của cô. Đó là thứ năm. Đêm thứ bảy, đầu đội một chiếc khăn đỏ, Hôsê Accađiô bỏ nhà ra đi cùng với những người digan.


Khi Ucsula thấy anh vắng mặt vội đi khắp làng tìm anh. Tại khu lán tan hoang, không có gì hơn là một dòng nước bẩn giữa những đám tro còn nóng trong các bếp đã dập lửa. Một người đang tìm những hạt pha lê giả ngọc trong đống rác, nói với Ucsula rằng đêm qua họ đã nhìn thấy con trai bà lẫn trong đám người digan ồn ào, tay đẩy chiếc xe cũi trong nhất người-rắn.

“Thế là nó theo bạn digan rồi”, bà gào lên bên tai ông, người không tỏ một dấu hiệu lo lắng nào trước tin con trai mất tích.

– Cầu Chúa đúng như thế, – Hôsê Accađiô Buênđya nói và vẫn nghiền cái chất liệu đã được nghiền ngàn lần trong cối, đã được nung rồi lại nghiền. – Như vậy nó sẽ học để làm người.

Ucsula hỏi mọi người bọn digan đi về hướng nào. Trên đường đi bà lại hỏi, người ta lại chỉ cho, bà tiếp tục đi vì nghĩ rằng vẫn còn thời gian để đuổi kịp con trai. Cứ như thế bà đi ngày một xa làng hơn cho đến khi nhận ra mình đã ở cách làng quá xa đến mức không nghĩ sẽ trở về. Hôsê Accađiô Buênđya chỉ phát hiện ra sự vắng mặt của vợ mình vào lúc tám giờ tối, khi ông đặt chất hợp kim được nấu lại trên một lớp mùn và đi xem vì sao bé Amaranta khóe đến khản tiếng. Ít giờ sau, ông tập hợp một nhóm đàn ông nai nịt gọn gàng, đặt bé Amaranta vào tay một bà nhận cho bú chực, rồi đi tìm Ucsula. Aurêlianô cũng cùng đi với họ. Những ngư dân người Anhđiêng, bằng điệu bộ, đã ra hiệu cho họ biết rằng không thấy ai đi qua kể từ sáng sớm đến giờ. Sau ba ngày tìm kiếm vô ích, những người đi tin trở về làng.

Trong vài tuần, Hôsê Accađiô Buênđya hoàn toàn chịu thất vọng. Ông chăm nom bé Amaranta như một người mẹ. Ông tắm, thay quần áo cho bé rồi ban ngày, bốn lần mang bé đi xin bú, và ban đêm ông hát ru bé ngủ, vốn là việc Ucsula chưa từng làm. Có lần Pila Tecnêra tự nguyện đến xin đỡ đần công việc nội trợ cho đến khi nào Ucsula trở về. Aurêlianô, mà linh cảm kỳ lạ của cậu vốn đã cảm thấy thị là kẻ thủ phạm gây ra nỗi bất hạnh này, quắc mắt nhìn thị khi thị bước vào. Vậy là cậu biết rằng dù dưới hình thức nào đi nữa thị cũng là kẻ có tội trong việc ông anh trai bỏ đi và tiếp đó, bà mẹ cậu mất tích, rồi bằng cách đó cậu đã thầm lặng và kiên quyết kết tội thị khiến cho người đàn bà này không dám bén mảng tới nhà nữa.

Với thời gian trôi đi mọi việc lại đâu vào đấy. Hôsê Accađiô Buênđya và con trai ông không hay biết vào lúc nào họ lại làm việc trong phòng thí nghiệm, nào lau bụi, nào đất lửa cho ống nghiệm, rồi lại mải mê tiến hành công việc bào chế các chất hợp kim đã vài tháng nay ngủ yên trên lớp mùn. Ngay đến bé Amaranta, nằm gọn trong chiếc nôi mây, cũng tò mò quan sát công việc lặng lẽ của cha và anh mình trong căn phòng lạ kì hẳn đi vì hơi thuỷ ngân. Sau mấy tháng Ucsula biệt tích, có một lần đã xảy ra những sự việc lạ lẫm. Một bình thuỷ tinh rỗng nằm trên tủ từ lâu từng bị người ta bỏ quên, bỗng nặng đến mức không thể xê dịch được. Một nồi đựng nước lọc đặt trên bàn làm việc, không hề có lửa đun ở dưới, cũng tự nhiên sôi sùng sục và chỉ trong nửa giờ đã cạn sạch nước. Hôsê Accađiô Buênđya và con trai ông thảng thốt nhìn những hiện tượng đó mà không thể giải thích được, nhưng rồi họ cứ khăng khăng cho chúng là điềm báo trước của chất hợp kim sẽ ra đời. Một ngày nọ, chiếc nôi của bé Amaranta tự nó quay tròn rồi đi xung quanh căn phòng trước nỗi hoảng hốt của Aurêlianô, người đã vội vàng chạy đến giữ lại. Nhưng cha cậu vẫn cứ điềm nhiên như không. Ông đặt chiếc nôi trở lại chỗ cũ rồi cột nó vào một chân bàn, lòng tin rằng cái sự kiện hằng mong đợi hẳn sẽ phải xảy ra nay mai. Đúng lúc ấy Aurêlianô nghe thấy cha mình nói:

– Nếu không sợ Thượng đế thì hãy sợ kim loại vậy!

Bỗng nhiên Ucsula trở về sau gần năm tháng mất tích. Bà trở về với vẻ hớn hở, trẻ trung, mặc bộ váy áo lạ kiểu đối với người làng. Hôsê Accađiô Buênđya mừng mừng tủi tủi hầu như không thể cưỡng lại cứ ôm hôn bà. “Chao ôi, ra thế cơ đấy!”, ông nói như gào: “Tôi biết sẽ xảy ra mà” và thực tình ông tin, bởi vì trong những buổi ở lý trong phòng khi bào chế hợp chất, từ trái tim mình ông đã cầu cho sự kiện đang háo hức chờ đợi sẽ không phải là kết quả mỹ mãn của thuật giả kim, cũng không phải là sự giải thoát khỏi bễ lò đang thổi lửa nung chảy kim loại, cũng không phải phép biến bản lề, khoá cửa ở nhà này thành vàng, mà là cái sự kiện vừa xảy ra: Cuộc trở về của Ucsula. Nhưng bà không chia sẻ niềm vui ồn ĩ của chồng mình. Bà hôn ông theo lệ như thể bà vắng nhà chưa quá một giờ đồng hồ, rồi bảo ông:

– Mình hãy ra ngoài đi!

Khi ra đường và nhìn ngắm đám đông, Hôsê Accađiô Buênđya mãi mới định thần được. Họ không phải là bọn digan. Họ là những người đàn ông và đàn bà y hệt dân làng này, cũng có mái tóc mềm và nước da nâu, cũng là những người nói chính tiếng nói của ông và cũng thở than về cạnh những nỗi đau khổ ấy. Họ mang theo những chú lừa thồ thức ăn, những chiếc xe bò chở bàn ghế và dụng cụ nấu ăn, vốn là những thứ hàng giản dị và thiết cốt được những người bán hàng bày bán không phải quảng cáo. Họ tới đây từ bờ bên kia của đầm lầy, cách Macônđô khoảng hai ngày đường, là nơi các làng hàng tháng đều đặn nhận thư từ bưu điện và đã làm quen với các máy móc sản sinh nhiều lợi ích. Ucsula không đuổi kịp bọn digan, nhưng bà gặp được con đường mà chồng mình không thể phát hiện ra trong chuyến tìm kiếm những phát minh vĩ đại đã thất bại.

Chú thích:

(1) Một vùng phía Tây Bắc nước Tây Ban Nha.

(2) Tiếng tôn xưng: ngài, ông…

(3) Paicô – một thứ cây thuộc họ rau muối sản ở châu Mỹ, lá có vị chát có thể tẩy được giun.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.