Đọc truyện Trăm Năm Cô Đơn – Chương 19
Amaranta Ucsula trở về vào đầu tháng mười hai, vui tươi và hớn hở, dắt theo một anh chồng ngoan ngoãn bằng sợi thừng tơ buộc ở cổ. Cô trở về đột ngột, không hề báo trước mặc bộ đồ trắng ngà, đeo chuỗi ngọc dài đến tận đầu gối, cùng những chiếc nhẫn bằng ngọc bích và đá quí, mái tóc uốn tròn mượt mà, hai bên tóc mai uốn cong được cài mỏ chim én. Người đàn ông đã kết hôn với cô sáu tháng trước là một người Phần Lan, đã cứng tuổi, khoẻ đẹp và có dáng dấp của một thuỷ thủ. Chưa cần đẩy cửa phòng ngoài, Amaranta Ucsula đã nhận ngay ra rằng so với dự định, mình vắng mặt đã quá lâu và trở về quá chậm.
– Trời đất ơi, – cô kêu lên với vẻ vui sướng nhiều hơn là sợ hãi, – sao lại chẳng có một người đàn bà nào ở đây thế này!
Hành lý của Amaranta Ucsula xếp ở hành lang không xuể. Ngoài chiếc rương cũ của Phecnanđa mà cha mẹ đã gửi tới trường cho, Amaranta Ucsula còn mang về hai tủ đứng quần áo bốn va-li lớn, một bao tải đầy những chiếc ô che nắng, tám thùng mũ nan với chiếc lồng to đùng nhốt năm chục chim yến, chiếc xe đạp ẩy chân của chồng đã được tháo rời và đựng trong một bọc có thể xách như xách một cây đàn viôlôngxen. Sau chuyến đi dài, cô không nghỉ ngơi dù chỉ một ngày. Amaranta Ucsula vận chiếc quần bảo hộ lao động bằng vải dày đã sờn mà chồng mang về cùng một vài thứ áo quần của các tay đua mô tô, rồi bắt tay vào việc sửa sang ngôi nhà. cô xua đuổi lũ kiến đỏ đã ngự trị hành lang, chăm sóc cho các khóm hồng tươi lại, nhổ sạch đến tận rễ các loại cỏ dại, trồng lại các chậu cây dương xỉ, kinh giới và thu hải đường ở cạnh cầu thang. Amaranta Ucsula chỉ huy một đội thợ mộc, thợ khoá và thợ nề tiến hành việc trát lại những chỗ nứt nẻ trên nền nhà, chữa lại các cửa, sửa các loại bàn ghế, giường tủ và quét vôi trắng các bức tường cả bên trong lẫn bên ngoài, cho nên chỉ ba tháng sau khi cô trở về, không khí tươi trẻ và hội hè của thời kỳ có chiếc đàn pianô tự động xưa kia đã trở lại với ngôi nhà. Ở nhà này chưa hề có ai luôn luôn vui vẻ, vào bất kỳ lúc nào và bất kỳ hoàn cảnh nào như Amaranta Ucsula, chưa có ai sẵn sàng nhảy múa, ca hát và sẵn sàng vứt bỏ mọi đồ vật và các tập tục khô khan vào đống rác như cô. Amaranta Ucsula chỉ quét một nhát chổi là hết sạch các kỷ mềm tang thương cùng các vật vô dụng và các thứ đồ tế lễ mê tín dị đoan xếp đống trong góc nhà, và cô chỉ giữ lại – để tỏ lòng biết ơn Ucsula – tấm hình của Rêmêđiôt ở phòng ngoài: “Ðẹp quá này” – cô kêu lên và cười ngặt nghẽo – “Một bà cụ mười bốn tuổi!”. Khi một người thợ nề bảo rằng trong nhà này có rất nhiều ma quái và chỉ có thể đuổi chúng đi bằng cách tìm ra những báu vật mà người ta đã chôn cất, thì Amaranta Ucsula cười khanh khách và nói rằng cô không tin vào những chuyện dị đoan. Amaranta Ucsula rất tự nhiên, thoải mái, có tinh thần mới mẻ và phóng khoáng đến mức khi nhìn thấy cô Aurêlianô đâm ra lúng túng. “Thật tuyệt vời”, – Amaranta Ucsula reo lên sung sướng, với đôi tay rộng mở. – “Người ăn thịt đồng loại đáng kính của tôi đã trưởng thành biết bao”! Trước khi Aurêlianô kịp phản ứng, Amaranta Ucsula đã đặt đĩa hát vào chiếc máy hát xách tay mà cô mang theo và dạy anh những điệu nhảy tân thời. Cô bắt Aurêlianô bỏ những chiếc quần bẩn thỉu thừa kế của đại tá Aurêlianô Buênđya, cô tặng Aurêlianô những chiếc áo kiểu trẻ trung và đôi giày hai màu, rồi bắt anh ra đường mỗi khi anh ở quá lâu trong căn phòng của Menkyađêt.
Amaranta Ucsula hoạt bát, mảnh mai và bướng bỉnh như Ucsula, xinh đẹp và khêu gợi như Rêmêđiôt – Người đẹp, cô có một bản năng bẩm sinh rất lạ lùng về khả năng đi trước thời thượng. Khi qua đường bưu điện nhận hình vẽ các mốt mới nhất, ngay lập tức Amaranta Ucsula biết rằng cô đã không nhầm khi nghĩ ra những kiểu mẫu đó, và đó chính là những mẫu được cô may trên chiếc máy quay tay thô sơ của Amaranta. Cô đã đặt mua nhiều tạp chí về mốt thời trang và tờ thông tin về nghệ thuật và âm nhạc dân gian xuất bản ở châu âu, và chỉ thoáng qua Amaranta Ucsula đã biết ngay rằng mọi chuyện diễn ra đúng như cô mường tượng từ trước. Không thể hiểu nổi vì sao một người đàn bà có đời sống tinh thần như vậy lại trở về lột thị trấn lặng như chết và chìm đắm trong bụi bặm và nóng nực này, nhất là lại về với một người chồng có thừa tiền để sống ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới và yêu vợ đến mức để cho vợ dùng thừng tơ buộc cổ lôi đi. Nhưng, càng ngày càng thấy rõ rằng Amaranta Ucsula có ý định ở hẳn lại đây bởi vì cô chỉ chấp nhận những chương trình lâu dài, và chỉ làm những gì phục vụ việc chuẩn bị cho một cuộc sống thuận tiện và một tuổi già yên tĩnh ở Macônđô. Chiếc lồng chim yến cho thấy những ý định ấy không phải là ngẫu nhiên. Khi Amaranta Ucsula nhớ lại rằng mẹ cô có viết trong một bức thư về chuyện chim chóc bị huỷ diệt, cô liền hoãn ngay lại một vài tháng chờ đến khi có một chiếc tàu từng ghé qua vùng đảo Aphortunađat và trên chiếc tàu đó cô đã chọn được hai mươi lăm đôi chim yến đẹp nhất để mang về gây lại giống trên bầu trời Macônđô. Trong rất nhiều sáng kiến không thực hiện được của Amaranta Ucsula, đây là điều đáng tiếc nhất. Cô đã thả từng đôi chim yến ra với ý định để cho chúng sinh sôi nảy nở, nhưng chúng đã vụt bay khỏi Macônđô trước khi nhận ra rằng chúng được tự do. Cô đã cố gắng giữ chúng lại một cách vô ích bằng chiếc lồng mà Ucsula đóng trong lần sửa sang nhà cửa đầu tiên. Cô đã làm những chiếc tổ giả bằng cói ở trên cây hạnh đào, rắc hạt kê lên mái ngói và dùng tiếng hót của những con chim trong lồng để gọi những con chim kia quay lại, nhưng tất cả đều vô ích, vì chúng càng có ý định bỏ đi, chúng chỉ bay một vòng trên trời để tìm đường trở về vùng đảo Aphortunađat.
Một năm sau khi trở về, mặc dù chưa có một quan hệ bạn bè thân mật và chưa mở một hội vui nào, nhưng Amaranta Ucsula vẫn tin rằng có thể khôi phục được cái cộng đồng đang ở trong tình trạng bất hạnh đó. Gastôn, chồng cô, luôn luôn giữ ý để không va chạm với vợ, mặc dù ngay từ buổi trưa nhớ đời ấy khi từ tàu hoả bước xuống, ông ta đã cho rằng quyết định của vợ mình là do ảo giác của sự nhớ nhung quê hương gây nên. Tin chắc rằng quyết định đó sẽ bị thực tế làm thay đổi, nên ngay cả việc lắp lại chiếc xe đạp ông ta cũng chẳng làm, mà chỉ đi kiếm những trứng nhện đẹp nhất trong các mạng nhện mà đám thợ nề hất xuống, lấy móng tay xé ra rồi để hàng giờ dùng kính lúp xem những con nhện bé li ti từ trong đó chui ra. Sau đó, cho rằng Amaranta Ucsula tiếp tục làm các công việc cải tạo kia vì không muốn cánh tay trở nên vụng về và biến dạng, Gastôn liền lắp lại chiếc xe đạp bánh trước lớn gấp bội bánh sau, rồi lại tìm bắt và mổ xẻ những con sâu bọ lạ mà ông ta thấy ở quanh nhà bỏ vào các lọ đựng mứt hoa quả rồi gửi cho người thầy cũ dạy lịch sử tự nhiên ở trường đại học Liêha, ở đó ông đã học rất tốt môn sinh vật mặc dù luôn luôn có ý muốn trở thành người lái máy bay. Khi đi xe đạp, Gastôn mặc loại quần của người làm xiếc trên dây, đi đôi tất sặc sỡ và đội chiếc mũ kiểu thám tử, nhưng khi đi bộ ông lại mặc một bộ đồ đẹp hết ý bằng vải gai thô, đi giày trắng, thắt cà vạt nhỏ bằng lụa, đội mũ nan vành phẳng và tay cầm gậy song. Gastôn có đôi mắt màu xám nhạt làm nổi thêm phong độ của một thuỷ thủ, bộ ria hung hung màu lông sóc. Mặc dù Gastôn hơn vợ chí ít là mười lăm tuổi, nhưng ông có những ý thích rất trẻ rung, luôn luôn muốn làm cho vợ được hạnh phúc và có những phẩm chất của một người tình tốt tất cả những điều đó bù đắp cho sự cách biệt về tuổi tác giữa hai người. Thực ra những ai nhìn thấy người đàn ông ngoại tứ tuần, có những thói quen rất thận trọng, luôn luôn phục tùng vợ ấy và thấy chiếc xe đạp ẩy chân – kiểu xe trong rạp xiếc – của ông ta, đều không thể nghĩ rằng giữa ông ta và người vợ trẻ có sự hoà hợp trong một tình yêu phóng túng, rằng ở những nơi không thuận tiện nhất, bất ngờ nhất, họ luôn luôn thoả mãn với nhau như thuở ban đầu gặp gỡ và có một cảm hứng yêu đương mỗi ngày một sâu sắc hơn, phong phú hơn. Gastôn không chỉ là một người tình mãnh liệt, có sự hiểu biết và trí tưởng tượng không bao giờ cạn, mà có lẽ là người đầu tiên trong lịch sử yêu đương đã làm một cuộc hạ cánh khẩn cấp để đến nỗi suýt nữa thì toi mạng cùng với người yêu, chỉ bởi vì muốn làm chuyện ái ân bên trên một cánh đồng hoa viôlet.
Gastôn và Amaranta Ucsula quen nhau từ ba năm trước ngày cưới, khi chiếc máy bay thể thao cánh kép có vỏ bằng vải dày và nhôm dát mỏng của Gastôn đã bay một đường bay dũng cảm để tránh đâm vào cột cờ và phần đuôi của nó bị mắc chặt vào dây điện nên Gastôn đã phải nhảy xuống sân trường của Amaranta Ucsula. Thế là từ đấy, mặc dù chân bị nẹp, cứ cuối tuần Gastôn lại đến nhà trọ của những người phụ nữ theo đạo, nơi Amaranta cư trú thường xuyên – ở đó nội qui cũng chẳng ngặt nghèo lắm như Phecnanđa mong muốn – để đón cô đến câu lạc bộ thể thao của anh. Họ bắt đầu yêu nhau trên độ cao năm trăm mét, trong ngày chủ nhật khi bay trên những cánh đồng hoang, và họ càng thấy gắn bó với nhau hơn khi thấy mình là những con người quá nhỏ bé trên trái đất. Amaranta Ucsula nói về Macônđô như thể đó là một xóm làng rực rỡ và thanh bình nhất trên thế giới, nói về ngôi nhà lớn luôn ngào ngạt mũi hoa kinh giới, cô muốn sống ở đó đến già với người chồng chung thuỷ và hai đứa con trai bướng bỉnh mà sẽ có tên là Rôđrigô và Gônxalô chứ không bao giờ chúng là Aurêlianô hoặc Hôsê Accađiô và một đứa con gái sẽ có tên là Virhinia chứ nhất định không là Rêmêđiôt. Amaranta Ucsula nhắc nhở thường xuyên đến làng quê đã được lý tưởng hoá bằng nỗi nhớ nhung, khiến cho Gastôn hiểu rằng cô sẽ không lấy chồng nếu như không được đưa về sống ở Macônđô. Gastôn chấp thuận cũng như sau này chấp thuận theo ý thích của vợ, bởi vì tin rằng đó chỉ là một khát vọng nhất thời mà rồi nó sẽ bị thời gian xoá đi. Nhưng khi đã qua hai năm sống ở Macônđô mà thấy Amaranta Ucsula vẫn hoan hỷ như ngày mới về thì Gastôn bắt đầu thấy dấu hiệu báo động. Cho đến lúc ấy, ông đã mổ xẻ biết bao nhiêu sâu bọ ở vùng này, đã nói tiếng Tây Ban Nha như người địa phương và đã điền kín các ô đố chữ trên những tờ tạp chí mà họ nhận được qua đường bưu điện. Gastôn không thể lấy cớ về khí hậu để sớm trở về, vì thiên nhiên đã phú cho ông một buồng gan có thể thích nghi dễ dàng với những miền đất xa lạ, có thể chịu đựng được cái nóng ngột ngạt ban trưa và thứ nước có bọ gậy ở bên trong. Anh rất thích món ăn đặc sản của địa phương, có lần đã ăn hết tám mươi hai quả trứng thằn lằn. Ngược lại, Amaranta Ucsula mang theo cá và các loại hải sản ướp trong các thùng nước đá, thịt hộp và mứt hoa quả, vì cô chỉ ăn được những thứ đó thôi; cô vẫn mặc theo kiểu châu Âu và nhận hình vẽ các loại mốt ăn vận qua đường bưu điện dù chẳng đi đâu và chẳng thăm ai, và mặc dù anh chồng đã chẳng còn hào hứng lắm với việc khen ngợi những bộ đồ ngắn, những chiếc mũ len đội lệch và những dây trang sức quấn đến bảy vòng mới hết của cô. Có lẽ điều bí ẩn của Amaranta Ucsula là ở việc cô luôn luôn tìm cách để bận rộn, cô làm những việc trong nhà do mình nghĩ ra, làm ẩu một số việc để rồi ngày hôm sau lại sửa chữa, với một sự vội vàng nguy hiểm từng khiến Phecnanđa nghĩ đến cái tật xấu di truyền ở trong cái nhà này là làm để rồi phá. Amaranta Ucsula vẫn giữ tính vui nhộn, cho nên khi nhận được đĩa hát mới cô lại bảo Gastôn ở lại trong phòng ngoài rất lâu để tập những điệu nhảy mà các bạn học của cô đã minh hoạ bằng hình vẽ, và sau đó họ thường kết thúc bằng những cuộc mây mưa trên những chiếc ghế xích đu sản xuất ở thành phố Viên hoặc trên nền nhà không trải thảm. Chỉ cần có con nữa thôi là Amaranta Ucsula hạnh phúc hoàn toàn, nhưng cô tôn trọng điều đã cam kết với chồng là chưa sinh đẻ trước khi chung sống được đủ năm năm.
Ðể khỏi trống trải trong những giờ nhàn rỗi, Gastôn đến phòng Menkyađêt với anh chàng Aurêlianô lánh đời. Gastôn rất thích thú kể với Aurêlianô về những nơi thân thuộc nhất trên quê hương mình mà Aurêlianô hiểu biết tường tận như thể từng sống ở đó nhiều năm. Khi Gastôn hỏi làm thế nào để biết được những điều không ghi trong bộ bách khoa toàn thư, ông nhận được chính câu mà Aurêlianô đã trả lời Hôsê Accađiô: “Người ta biết tất cả”. Ngoài tiếng Phạn, Aurêlianô đã biết tiếng Anh, tiếng Pháp, chút ít tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp. Vì trong thời gian đó Aurêlianô ra khỏi nhà vào các buổi chiều và được Amaranta Ucsula dành cho khoản tiền chi tiêu hàng tuần lên phòng anh giống một bộ phận của hiệu sách ông già thông thái xứ Catalunha. Aurêlianô đọc một cách tham lam cho đến tận khuya, mặc dù qua cách đọc của Aurêlianô, Gastôn nghĩ rằng không phải Aurêlianô mua sách để tìm các thông tin mà là để kiểm nghiệm xem những kiến thức của mình có chính xác không, và chẳng thích cuốn sách nào hơn những bản viết trên tấm da thuộc mà anh đã dành cho chúng những khoảng thời gian tốt nhất của buổi sớm mai. Cả Gastôn và vợ đều muốn hoà mình vào cuộc sống gia đình, nhưng Aurêlianô là một người thầm kín, trong anh có một lớp mây mù bí ẩn mỗi ngày một dày đặc thêm. Gastôn không thể nào thân mật với Aurêlianô được, và ông phải tìm trò tiêu khiển khác để giải buồn trong những lúc rỗi rãi. Lúc ấy ông nảy ra ý định lập một đường bưu điện hàng không.
Ðó không phải là một đề án mới mẻ. Thực ra, Gastôn đã có ý định ấy ngay từ khi quen biết Amaranta Ucsula, có điều là khi xưa không phải ông định thiết lập cho Macônđô mà cho xứ Côngô thuộc Bỉ, nơi gia đình ông có những khoản vốn đầu tư vào việc sản xuất dầu cọ. Ðến khi lấy Amaranta Ucsula rồi, ông quyết định sẽ sống ở Macônđô một vài tháng để chiều lòng vợ nên đành huỷ bỏ dự kiến trên. Nhưng khi Gastôn thấy Amaranta Ucsula kiên trì tổ chức những cải cách công cộng và thậm chí còn cười khi ông nói bóng nói gió đến khả năng trở về quê hương, khi ông hiểu rằng mọi chuyện đã đi quá xa, và thế là Gastôn lại nối đường liên hệ với những người bạn thân ở Bruxen mà lâu nay ông quên lãng, và ông nghĩ rằng để trở thành một người hướng đạo thì vùng Caribê hay là châu Phi cũng như nhau mà thôi. Trong khi mọi việc đang tiến triển, Gastôn chuẩn bị một bãi hạ cánh trên khu đất rộng hoang vu giống như một cánh đồng khô cứng nứt nẻ, và ông nghiên cứu hướng gió, nghiên cứu địa lý vùng duyên hải và những đường bay thích hợp, mà không hề biết rằng việc làm cẩn thận của mình – rất giống với việc làm của ngài Hơcbơc đã gây nên một sự nghi ngờ rất nguy hiểm trong dân làng, họ nghĩ rằng mực đích của ông không phải là mở đường mà là trồng chuối. Phấn khởi với cái điều bất chợt nghĩ ra mà cuối cùng dẫu sao cũng xác định lý do của việc ông dứt khoát ở lại Macônđô, Gastôn đã đến tỉnh lị vài lần, gặp các nhà chức trách, lấy được giấy phép và ký được những hợp đồng độc quyền. Trong khi đó, ông tiếp tục trao đổi thư từ với những người bạn thân ở Bruxen, giống như quan hệ thư tín giữa Phecnanđa và các thầy thuốc không nhìn thấy được, thuyết phục họ rằng hãy gửi chiếc máy bay đầu tiên đến cùng với một tổ thợ máy lão luyện để lắp ráp nó ở hải cảng gần nhất rồi từ đó bay đến Macônđô. Một năm sau khi bắt đầu đo lường và tính toán về khí tượng, tin tưởng vào những lời hứa hẹn được nhắc đi nhắc lại của những người trao đổi thư từ với mình, Gastôn đã có thói quen vừa đi đường vừa nhìn lên trời, lắng nghe tiếng gió, chờ mong máy bay xuất hiện.
Việc Amaranta Ucsula trở về đã đưa đến sự thay đổi căn bản trong cuộc sống của Aurêlianô mặc dù cô không để ý thấy điều đó Sau khi Hôsê Accađiô chết, Aurêlianô trở thành một khách hàng thường xuyên của ông già thông thái người xứ Catalunha. Hơn nữa, lúc này Aurêlianô được tự do và có thời gian. Những điều ấy khơi dậy trong anh một sự tò mò nhất định đối với cái thị trấn mà anh chẳng hề lạ lùng. Trên những con đường vắng vẻ và bụi mù, với sự quan tâm mang tính khoa học hơn lâ tính nhân đạo, Aurêlianô vừa đi vừa xem xét phía bên trong của những ngôi nhà đổ nát, những tấm lưới sắt ở các cửa sổ đã bị gỉ, và các bầy chim hấp hối cùng những con người đã bị kỷ mềm làm cho nhu nhược đi. Với trí tưởng tượng, anh định khôi phục lại vẻ rực rỡ đã bị huỷ hoại của thành phố thời Công ty chuối mà lúc này chiếc bể bơi ở đó đã khô cạn, chất đầy giày đàn ông và dép đàn bà, trong những ngôi nhà hoang tàn Aurêlianô thấy bộ xương của một con chó Ðức còn bị cột vào một chiếc vòng bằng sợi xích sắt, và một máy điện thoại chuông cứ réo liên hồi, khi Aurêlianô nhấc ống nghe lên, anh hiểu được điều mà một người đàn bà đau khổ và cổ xưa hỏi bằng tiếng Anh trong máy, anh trả lời rằng đúng như vậy, cuộc đình công đã kết thúc, ba ngàn xác người chết đã bị đổ xuống biển, Công ty chuối đã bỏ đi và đã từ nhiều năm nay Macônđô trở lại thanh bình. Những cuộc đi dạo đó đã đưa Aurêlianô đến xóm lầu xanh điêu tàn, ở đó xưa kia người ta đốt hàng nắm tiền để mua vui cho các cuộc sống nhảy nhót, bây giờ đó là khu vực của những đường phố tang thương nhất, với một vài ngọn đèn đỏ còn đang thắp, những phòng nhảy vắng tanh được trang trí bằng những chiếc miện bỏ đi, ở đó những người vợ goá chẳng của ai cả, xanh rớt và béo ị, những bà lão người Pháp và những chủ chứa người Babilon vẫn tiếp tục đợi chờ bên cạnh những chiếc máy hát quay tay. Aurêlianô không thấy ai nhớ gì đến gia đình anh, ngay cả đến đại tá Aurêlianô Buênđya cũng không được nhớ tới nữa, trừ một người đàn ông già nhất trong số những người da đen ở vùng Antidat, một ông già có mái tóc trắng như bông trông giống hình người trong tấm phim âm bản, đang tiếp tục hát ở dưới mái hiên những khúc ca thê thảm về buổi chiều tàn. Aurêlianô nói chuyện với ông già bằng thứ thổ ngữ của vùng Curaxao anh đã học được trong có vài tuần, và thỉnh thoảng cùng ăn với ông món canh đầu gà do cô gái gọi ông ta bằng cố nấu cho. Ðó là một cô gái da đen to lớn, xương cốt cứng cỏi, háng như háng ngựa, cặp vú như hai quả dưa tươi, mái đầu tròn và đẹp có chụp một chiếc lưới giữ tóc bằng dây đồng trông giống như chiếc mũ bịt đầu của một chiến binh thời Trung cổ. Cô ta tên là Nigrômanta. Dạo ấy Aurêlianô bán những bộ đồ ăn, giá cắm nến và những thứ đồ cũ khác của nhà để lấy tiền ăn. Khi không có một xu dính túi, và thường là như vậy, Aurêlianô đến các quán ăn trong chợ, ở đó người ta cho anh những đầu gà lẽ ra vứt vào đống rác, Aurêlianô mang về cho Nigrômanta nấu canh, cô ta còn bỏ rau thơm vào cho thêm ngon lành. Khi ông cụ chết rồi, Aurêlianô không năng lui tới nhà Nigrômanta như trước nữa, nhưng vẫn gặp cô ta dưới bóng tối những cây hạnh đào ở ngoài quảng trường khi cô ta đang gạ gẫm những khách chơi đêm hiếm hoi bằng tiếng huýt gió như tiếng thú rừng. Nhiều lần Aurêlianô cặp kè bên cạnh Nigrômanta và nói với cô, bằng thứ tiếng của xứ Curaxao về món canh đầu gà và những thứ ngon lành thú vị khác của cảnh nghèo hèn, và chắc là Aurêlianô cứ tiếp tục như vậy nếu như Nigrômanta không bảo cho anh biết rằng việc anh đi với cô sẽ làm cho cô mất khách. Mặc dù có những lần Aurêlianô cảm thấy thèm khát và chính Nigrômanta cũng đồng cảm và muốn chia sẻ với anh, nhưng hai người vẫn chưa ăn nằm với nhau. Bởi vậy cho đến khi Amaranta Ucsula trở về Macônđô và ôm hôn anh một cách thân tình khiến anh lặng người đi, thì Aurêlianô vẫn còn là một chàng trai chưa biết mùi đời. Mỗi lần Aurêlianô nhìn thấy Amaranta Ucsula, và tệ nhất là những lúc cô dạy anh những điệu nhảy mới mẻ, Aurêlianô lại có cảm giác đê mê trong xương cốt, đó chính là cái cảm giác đã từng làm cho cụ tổ năm đời của anh mụ người đi khi Pila Tecnêra kiếm cớ xem bói bài cho cụ ở kho ngô. Cố nén nỗi đau khổ trong lòng, Aurêlianô vùi đầu vào những dòng chữ trên tấm da thuộc và tránh sự khêu gợi ngây thơ của người đàn bà đã từng làm anh mất ngủ nhiều đêm vì bị sự thèm khát không được thoả mãn giày vò; nhưng càng tránh Amaranta Ucsula thì anh lại càng khao khát chờ nghe tiếng cười khanh khách, tiếng rên như tiếng mèo gừ của cô cất lên trong khi đang sung sướng thoả mãn tình dục vào bất kỳ lúc nào và ở những chỗ bất ngờ nhất trong nhà. Một đêm, trên chiếc bàn lớn ở xưởng kim hoàn, chỉ cách giường của Aurêlianô mười mét, vợ chồng Amaranta Ucsula đã diễn các trò ái ân một cách cuồng nhiệt, không còn biết trời đất là gì nữa. Ðêm ấy, chẳng những Aurêlianô không thể chợp mắt, mà ngay hôm sau anh vẫn còn hầm hập như sốt và bực tức đến phát khóc lên. Với Aurêlianô, sẽ chẳng bao giờ mất đi cái đêm đầu tiên anh chờ đợi Nigrômanta trong bóng tối những cây hạnh đào, cố vượt lên nỗi lo lắng, do dự, tay nắm chặt một đồng rưỡi pêxô mà anh đã xin của Amaranta Ucsula, không phải anh xin tiền vì cần tiêu, mà là để trả thù Amaranta Ucsula, làm nhục cô bằng việc dùng số tiền đó đi mua dâm ở người con gái khác. Nigrômanta dẫn Aurêlianô vào căn buồng có ánh sáng mờ ảo của những ngọn nến mạt hạng, đến chiếc giường ngủ là tấm ván kê trên đôi mễ và có trải tấm vải đã nhàu bẩn sau những cuộc truy hoan, tiếp đón Aurêlianô bằng tấm thân đã dày dạn, trơ trẽn và không hề bộc lộ một chút tình cảm, cô chuẩn bị tư thế để vắt cổ Aurêlianô như vắt cổ một chú bé còn nhút nhát, nhưng ngay lập tức Nigrômanta đã nhận thấy ở anh ta một người đàn ông dữ dội khiến cô phải quằn quại toàn thân.
Aurêlianô và Nigrômanta cặp bồ với nhau. Aurêlianô dành buổi sáng để đọc các ký hiệu trên những tấm da thuộc, buổi trưa anh đến cái phòng ngủ đầy kích thích kia, ở đó Nigrômanta chờ đợi để bày cho anh hết ngón chơi này đến ngón chơi khác, cho đến khi cô ta phải rời Aurêlianô ra để đi rình bắt những “con bò lạc” khác. Cứ như vậy đến vài tuần sau Aurêlianô mới phát hiện ra rằng ở thắt lưng Nigrômanta có một sợi dây nhỏ như được làm bằng dây đàn viôlôngxen nhưng rắn như thép và không có chỗ nối vì nó sinh ra và lớn lên cùng với cô ta. Gần như lần nào cũng vậy, giữa các đợt mây mưa, họ trần truồng và ăn ngay trên giường, trong cái nóng khủng khiếp và dưới những ngôi sao ban ngày có thể nhìn thấy qua các lỗ thủng trên mái tôn bị gỉ. Lần đầu tiên Nigrômanta có một người đàn ông thường trực, một “cái cọc” như chính cô gọi trong khi cười ngất, điều đó khiến cho Nigrômanta đã bắt đầu có ảo tưởng ở tình yêu và ảo tưởng đó chỉ chấm dứt khi Aurêlianô thú thật nỗi khát khao không được thoả mãn với Amaranta Ucsula mà sự thay thế của Nigrômanta không thể làm nguôi đi, ngược lại, lòng anh lại càng bị giày vò hơn khi kinh nghiệm khiến cho chân trời tình ái rộng mở thêm. Thế là, tuy vẫn tiếp Aurêlianô nồng nàn như trước, nhưng Nigrômanta đòi thù lao một cách gay gắt, đến mức khi Aurêlianô không có tiền trả, cô đã ghi nợ, không phải ghi bằng chữ số mà bằng những vạch móng tay ở mặt sau cánh cửa. Tối đến, khi Nigrômanta đi lang thang trong bóng tối ở quảng trường thì Aurêlianô đi đi lại lại ở hành lang như một người khánh lạ trong nhà, anh chào hỏi qua loa Amaranta Ucsula và Gastôn – hàng ngày vợ chồng họ ăn tối vào giờ này – rồi quay về phòng, đóng cửa lại, anh không thể đọc, không thể viết và thậm chí không thể nghĩ ngợi được gì, cứ nôn nao vì những tiếng cười đùa bỡn cợt dạo đầu và sự bùng nổ sau đó của việc tận hưởng lạc thú diễn ra suốt đêm của đôi vợ chồng kia. Ðó là cuộc sống của Aurêlianô trong hai năm trước khi Gastôn bắt đầu chờ máy bay đến, và cứ như vậy cho tới một buổi chiều Aurêlianô đến quán sách của ông già thông thái người xứ Catalunha và gặp bốn chàng trai lắm mồm đang cãi nhau gay gắt về các biện pháp diệt gián ở thời Trung cổ. Ông chủ quán sách biết rằng Aurêlianô thích những chốn mà trước kia chỉ có thánh Bêđa Ðấng chí tôn(1) đọc thôi, đã khôn khéo mời anh tham gia cuộc tranh luận, và Aurêlianô nói một thôi một hồi rằng gián, theo sách Cựu ước là loài vật cánh xuất hiện sớm nhất trên trái đất đã chết nhiều nhất do bị đập bằng dép, nhưng là loài vật hoàn toàn bất trị với bất cứ biện pháp tiêu diệt nào, từ cà chua trộn muối bôrăc đến bột mì trộn đường, bởi vì ngay từ thời rất xa xưa một ngàn sáu trăm lẻ ba loại gián đã chống đỡ lại sự truy đuổi rất bền bỉ và không thương xót của loài người đối với bất kỳ loài vật nào, kể cả đôi với chính bản thân loài người nữa, đến mức độ cùng với việc có bản năng sinh đẻ, loài người còn có bản năng giết gián, và nếu như loài gián thoát khỏi sự cuồng nộ của loài người thì chính là vì chúng đã ẩn nấp trong bóng tối, ở đó chúng không bị tổn thất, bởi loài người có nỗi sợ hãi bẩm sinh đôi với bóng tối, nhưng ngược lại, chúng lại rất sợ ánh sáng giữa trưa, do vậy ở thời kỳ Trung cổ, hiện nay và mãi mãi sau này, biện pháp hữu hiệu duy nhất để diệt gián là dùng ánh sáng mặt trời.
Cái thuyết định mệnh mang tính chất bách khoa ấy là cơ sở cho một quan hệ thân hữu sâu sắc giữa những người trẻ tuổi này. Từ ấy, chiều nào Aurêlianô cũng gặp bốn chàng trai hay tranh biện kia, đó là Anvarô, Hecman, Anphônxô và Gabrien, những người bạn đầu tiên và cũng là cuối cùng trong cuộc đời anh. Ðối với một người đàn ông từng giam mình trong sách vở như Aurêlianô, những buổi học bão táp, bắt đầu ở hiệu sách từ lúc sáu giờ chiều và kết thúc ở các nhà chửa vào lúc sớm mai, là một sự khám phá. Cho đến lúc ấy, Aurêlianô vẫn chưa nghĩ rằng văn chương là một trò chơi được bày đặt ra để bỡn cợt người khác, như Anvarô đã cho anh thấy trong một đêm chè chén. Phải một thời gian sau Aurêlianô mới nhận ra rằng rất nhiều sự kỳ cục đã bắt nguồn từ tấm gương của ông già thông thái người xứ Catalunha. Ðối với ông ta, sự hiểu biết chẳng có giá trị gì nếu như nó không được sử dụng để phát minh ra một phương pháp thới làm sữa đậu.
Buổi chiều mà Aurêlianô giảng giải về loài gián, cuộc tranh luận được kết thúc ở ngôi nhà của những cô gái bán thân nuôi miệng, đó là một nhà chứa ma quái ở ngoại ô Macônđô. Chủ nhà là một người đàn bà tươi cười, luôn lo lắng về chuyện đóng cửa và mở cửa. Nụ cười vĩnh cửu của mụ dường như được tạo nên bởi sự nhẹ dạ của khách chơi, những người này cử tin chắc rằng cái nhà chứa này là có thật, là chắc chắn, mặc dù thực ra nó chỉ tồn tại trong tưởng tượng mà thôi, bởi vì ở đây ngay cả những đồ vật có thể sờ thấy được cũng là không có thực: những chiếc ghế sẽ rời ra khi người ta ngồi xuống, tròng chiếc máy hát quay tay có con gà mái đang ấp trứng, vườn hoa gồm những bông hoa bằng giấy, lịch là lịch của những năm xa xưa, thuở Công ty chuối mới đến, những bức tranh là tranh cắt từ những tạp chí chưa in bao giờ. Ðến cả những cô gái làm tiền nhút nhát từ những nhà bên chạy đến khi mụ ta thông báo là có khách đến cũng hoàn toàn không phải là người thật. Những cô gái ấy xuất hiện không chào hỏi ai, họ mặc những chiếc áo hoa của cái thuở lên năm tuổi hoặc ít hơn, họ cởi ra với cử chỉ ngây thơ như khi mặc vào, và trong lúc sự ân ái lên đến đỉnh cao thì họ lại kêu lên một cách kinh ngạc rằng sao mà dữ dội thế, rằng hãy nhìn xem trần nhà đang sập xuống kia kìa, và ngày sau khi nhận một đồng rưỡi pêxô họ liền đem tất cả số tiền đó mua một chiếc bánh và một mẩu pho-mát mà mụ chủ bán cho, lúc đó mụ ta vui vẻ hơn bất kỳ lúc nào khác vì chỉ có mụ mới biết rằng ngay cả những thứ đó cũng chẳng phải là thức ăn thật. Aurêlianô, mà lúc đó thế giới của anh chỉ bắt đầu ở những tấm da thuộc chi chít chữ và kết thúc ở chiếc phản của Nigrômanta, tìm thấy ở cái nhà chứa ma quái ấy một phương thuốc ngốc nghếch cho sự nhút nhát của mình. Thoạt đầu Aurêlianô không dám đến một căn phòng mà mụ chủ thường bước vào giữa những thời điểm tốt nhất của việc ân ái, ở đó mụ ta bình luận mọi kiểu về sự khoái lạc của những người trong cuộc mây mưa. Nhưng dần dần anh ta trở nên quen thuộc với những bổng lộc ấy của trái đất, đến mức một đêm buông tuồng nhất anh ta đã trút bỏ quần áo ở ngoài phòng tiếp đón, vừa đi khắp nơi trong nhà vừa giữ thăng bằng một chai bia đặt trên các bộ phận thuộc giống đực rất khác thường của mình. Chính Aurêlianô là người đã bày đặt ra những kiểu chơi kỳ quái mà mụ chủ hưởng ứng với nụ cười không biết tắt trên môi, mụ không phản đối cũng phòng tin những trò đó là có thật, cũng như thái độ của mụ khi Hecman định đốt ngôi nhà này để chứng minh rằng nó không tồn tại, hay là khi Anphônxô vặn cổ con vẹt và ném nó vào cái thảo nước đang sôi bắt đầu luộc gà.
Dù Aurêlianô thấy gắn bó với cả nhóm bằng những tình thân thiện và yêu mến duy nhất, đến mức anh nghĩ rằng bốn người kia chỉ là một, anh vẫn gần gũi với Gabrien hơn với ba người kia. Sự gắn bó ấy nảy sinh trong cái đêm mà vô tình Aurêlianô nhắc tới đại tá Aurêlianô Buênđya, và Gabrien là người duy nhất không tin rằng Aurêlianô đang giễu cợt ai. Ðến cả mụ chủ, thường không xen vào những cuộc chuyện trò, lúc ấy cũng gân cổ lên mà cãi rằng đại tá Aurêlianô Buênđya, người mà quả thật mụ có nghe nói tới một vài lần, chỉ là một nhân vật mà chính phủ bịa ra để kiếm cớ giết những người Tự do. Ngược lại, Gabrien không hề tỏ ra nghi ngờ đối với sự thật về đại tá Aurêlianô Buênđya, vì đại tá là chiến hữu và là người hạn nối khố của cụ tổ anh ta, đại tá Hêrinênđô Mackêt. Những sự gợi nhớ không hẳn là cố ý càng sâu sắc hơn khi họ nói về vụ tàn sát những người lao động. Mỗi khi Aurêlianô đụng đến chuyện đó, không chỉ mụ chủ mà cả một số người lớn tuổi hơn mụ đều phủ nhận những lời đồn đại về những người lao động bị vây chặt ở nhà ga, về đoàn tàu hai trăm toa chở xác chết, thậm chí họ còn khăng khăng tin vào những điều đã được ghi trong những hồ sơ pháp lý và trong sách của trường tiểu học là Công ty chuối không hề tồn tại bao giờ cả. Aurêlianô và Gabrien gắn bó với nhau bằng một sự đồng cảm được xây dựng trên những sự kiện có thật mà chẳng ai tin, những sự kiện tác động đến cuộc sống của hai người tới mức họ thấy mình lưu lạc trong sự chao đảo của một thế giới đã bị tàn phá, ở đó chỉ còn lại một sự nhớ nhung mà thôi. Gabrien ngủ ở bất kỳ chỗ nào khi anh ta buồn ngủ. Một vài lần Aurêlianô để anh ta ngủ ở xưởng kim hoàn, nhưng ở đó anh ta thức trắng đêm vì bị váng đầu nhức óc bởi những tiếng động mà những người chết đi lại suốt đêm ở trong các phòng ngủ gây nên. Sau đó Aurêlianô gửi gắm Gabrien cho Nigrômanta. Những lúc rỗi rãi cô ta đưa Gabrien về căn phòng tiếp khách làng chơi của mình và cô lại ghi nợ bằng những vạch dọc trên mặt sau cánh cửa, ở những chỗ trống còn lại rất ít ỏi sau khi đã ghi nợ của Aurêlianô.
Mặc dù sống rất bừa bãi, cả nhóm cũng cố gắng làm một việc gì đó có ý nghĩa lâu bền, theo yêu cầu của nhà thông thái xứ Catalunha. Với kinh nghiệm của một cựu giáo viên văn học cổ điển và với kho sách lạ lùng, cụ là người đã tạo điều kiện cho họ dành cả một đêm để tìm tình huống kịch thứ ba mươi bảy, ở một nơi mà chẳng một ai có ý muốn và có điều kiện để học quá bậc tiểu học. Bị quyến rũ bởi việc phát hiện ra tình bạn, mê mẩn bởi sự thôi miên của một thế giới mà trước đó bị tính hẹp hòi của Phecnanđa che lấp, Aurêlianô từ bỏ việc khám phá những chữ ghi trên tấm da thuộc, ngay giữa lúc những câu thơ bí ẩn đã bắt đầu hiện ra với anh. Nhưng sau khi biết chắc rằng vẫn còn đủ thời gian để làm tất cả mà vẫn không cần phải dứt bỏ những nhà chứa kia, Aurêlianô lại có ý chí để quay lại căn phòng của Menkyađêt, anh quyết định không nản lòng cho đến khi khám phá ra những khoá mã cuối cùng. Những điều đó xảy ra trong thời gian Gastôn bắt đầu chờ đợi máy bay đến, và Amaranta Ucsula sống rất cô đơn. Một buổi sớm cô ta vào phòng của Menkyađêt:
– Xin chào người ăn thịt đồng loại, – cô ta nói, – anh lại ở trong hang của mình rồi.
Amaranta Ucsula đẹp không chịu được, cô mặc bộ đồ do cô may và đeo một trong những sợi dây chuyền dài cũng do chính cô làm bằng những đốt xương sống cá chăng. Amaranta Ucsula đã thả lỏng anh chồng, tin rằng chồng chung thuỷ, và đây là lần đầu tiên từ ngày về cô ta có vẻ thành thơi một chút.
Aurêlianô chẳng cần nhìn cũng biết rằng cô ta đến. Amaranta Ucsula chống khuỷu tay lên mặt bàn, rất gần và rất dịu dàng khiến Aurêlianô như cảm nhận được những tiếng lao xao trong xương cốt của cô, và Amaranta Ucsula hỏi về những tấm da thuộc có viết chữ. Aurêlianô cố gắng chế ngự sự bối rối, lấy lại tiếng nói, sức sống và trí nhớ như đã biến đâu mất và nói với cô về số phận của tiếng Phạn, về khả năng khoa học có thể nhìn thấy tương lai hiện rõ trong thời gian như có thể đọc được chữ viết qua mặt sau của tờ giấy khi giơ mặt trước có chữ viết về phía ánh sáng, về sự cần thiết phải giải mã được những lời tiên đoán để không tự mình làm mình thất bại, về Những lời sấm truyền của Nôstrađam và về sự huỷ diệt của xứ Cantabria mà thánh Midan(2) đã báo trước. Ðột nhiên, trong khi vẫn tiếp tục nói, như bị kích thích bởi một sự thôi thúc im ngủ từ lâu trong mình, Aurêlianô đặt tay mình lên tay Amaranta Ucsula và tin rằng cái quyết định cuối cùng kia sẽ chấm dứt cơn sóng gió.
Nhưng Amaranta Ucsula nắm lấy ngón tay trỏ của anh với một cử chỉ âu yếm thơ ngây mà cô từng đối xử với anh nhiều lần thuở thơ bé, và cô cứ giữ như vậy trong khi Aurêlianô tiếp tục trả lời các câu hỏi của mình. Cứ như vậy, họ liên hệ với nhau qua một ngón tay trỏ giá lạnh chẳng truyền cảm gì cả, cho đến khi Amaranta Ucsula như sực tỉnh khỏi một giấc mơ thoáng qua và vỗ tay lên trán. “Lũ kiến!”, cô ta kêu lên như vậy. Thế là Amaranta Ucsula quên những bản chữ viết trên tấm da thuộc và bước một bước nhẹ nhàng uyển chuyển ra đến cửa, và từ chỗ đó cô đưa ngón tay lên miệng gửi Aurêlianô một chiếc hôn gió, như chiếc hôn cô gửi cha mình trong buổi chiều xưa khi cô lên đường đi Bruxen.
– Anh sẽ giảng giải cho tôi sau nhé, – cô ta nói. – Tôi quên mất rằng hôm nay là ngày phải bỏ vôi vào các tổ kiến.
Những khi có việc gì đó cần làm ở gần phòng Menkyađêt, Amaranta Ucsula vẫn vào phòng đó một cách ngẫu nhiên và ở lại một lát, trong khi chồng cô vẫn tiếp tục quan sát bầu trời.
Sự thay đổi này làm nảy sinh ảo tưởng trong Aurêlianô, từ ấy anh ta cùng ăn với gia đình, đó là điều khác so với những tháng Amaranta Ucsula mới về. Anh làm cho Gastôn thấy dễ chịu.
Trong những câu chuyện quanh bàn sau bữa ăn, thường kéo dài đến hơn một giờ đồng hồ, Gastôn tỏ ra đau khổ vì những người bạn thân đã lừa đối ông. Họ đã báo cho Gastôn biết rằng chiếc máy bay đã được chuyển xuống một chiếc tàu thuỷ chưa đến đây và mặc dù những người làm việc đường biển quen ông đã khẳng định rằng chẳng bao giờ chiếc tàu ấy tới vì nó không có tên trong danh sách những con tàu ở vùng biển Caribê, nhưng người bạn thân của ông vẫn cứ khăng khăng rằng tin của họ chính xác, thậm chí họ còn nói bóng nói gió là Gastôn đã lừa dối họ qua những bức thư của ông. Thư từ qua lại đã khiến họ nghi ngờ lẫn nhau tới mức Gastôn quyết định không viết nữa và ông đã bắt đầu nghĩ đến khả năng đi ngay về Bruxen để làm rõ mọi chuyện rồi sau đó sẽ quay lại đây với chiếc máy bay. Nhưng dự kiến ấy bị xẹp ngay, khi Amaranta Ucsula nhắc lại quyết định của mình là sẽ không đi khỏi Macônđô cho dù phải sống không chồng. Những ngày đầu Aurêlianô cũng nghĩ như những người khác rằng Gastôn là một thằng ngốc trên chiếc xe làm xiếc, và điều đó khiến cho Aurêlianô thoáng có chút thương hại đối với ông ta. Sau đó, khi qua các nhà chứa, anh có được sự hiểu biết sâu sắc hơn về bản chất của những người đàn ông, thì anh nghĩ rằng tính hiền từ của Gastôn bắt nguồn từ một sự đam mê ương bướng. Nhưng khi hiểu Gastôn sâu sắc hơn, và khi biết rằng tính cách thực sự của Gastôn đối lập với cách cư xử nhũn nhặn của ông, thì Aurêlianô ngờ rằng đến cả việc Gastôn chờ máy bay cũng là chuyện dối trá. Từ ấy, Aurêlianô cho rằng Gastôn chẳng ngờ nghệch như ông ta thể hiện, mà ngược lại đó là một người đàn ông cực kỳ kiên nhẫn, khôn khéo và bình tĩnh, người dự tính sẽ chiến thắng vợ mình bằng cách làm cho vợ mệt mỏi với sự mãn nguyện hoàn toàn, với việc mình luôn luôn đồng tình tuyệt đối, để mặc cho vợ bối rối trong đám mạng nhện của cô ta, đến một ngày nào đó khi không chịu đựng nổi sự chán ngán của những ảo tưởng trong tầm tay nữa thì chính cô ta sẽ thu xếp va-li để quay lại châu Âu. Lòng thương hại trước đây của Aurêlianô chuyển thành một lòng căm ghét sâu sắc. Aurêlianô thấy những dự tính và việc làm của Gastôn thật tồi tệ nhưng đồng thời cũng rất có hiệu quả, bởi vậy anh đã liều lĩnh nói điều đó cho Amaranta Ucsula biết. Nhưng Amaranta Ucsula đã cười giễu sự đa nghi của Aurêlianô, cô ta không hề bộc lộ một sự rạn nứt nhỏ của tình yêu, một chút dao động hoặc ghen tuông trong lòng. Amaranta Ucsula không hề nghĩ rằng cô ta đã làm nảy sinh ở Aurêlianô một điều gì đó ngoài tình cảm chân thành, cho đến một hôm cô ta bị đứt tay vì cố mở nắp hộp mứt đào, và Aurêlianô vội chạy lại hút máu ở chỗ ngón tay rớm máu ấy với một sự khao khát và thèm thuồng đến mức cô gai người lên.
– Aurêlianô – cô ta cười, hồi hộp, – anh thật quá xấu, đến độ trở thành một con dơi ranh mãnh.
Lúc ấy, Aurêlianô đầy sung sướng. Anh đặt những chiếc hôn tội nghiệp lên bàn tay bị thương, anh bộc lộ những điều thầm kín nhất của trái tim, những nỗi niềm đau khổ và dằn vặt trong lòng mình. Aurêlianô kể với Amaranta Ucsula rằng nửa đêm anh đã thức dậy để khóc với sự cô đơn và thèm khất điên cuồng trên những chiếc quần áo lót mà cô phơi trong nhà tắm như thế nào. Anh kể rằng mình đã đòi hỏi da diết như thế nào để Nigrômanta kêu lên những tiếng kêu gừ gừ như tiếng một con mèo cái và rên rỉ bên tai những tiếng “Gastôn, Gastôn, Gastôn”, và cả chuyện anh đã ma lanh cuỗm nhẹ những lọ nước hoa của cô như thế nào để xoa lên cổ những cô gái trẻ ăn nằm vì tiền với anh. Hoảng sợ trước dục vọng của anh chàng phóng đãng nọ, Amaranta Ucsula từ từ nắm tay lại, những ngón tay co dần như chú ốc thu mình, cho đến khi bàn tay bị thương của cô không còn thấy đau đớn, và mọi dấu vết của lòng thương hại biến thành một khối ngọc bích và thạch anh, biến thành những chiếc xương cứng vô tri vô giác.
– Ðồ ngu! – cô gái nói như thể đang nhổ cái gì đó… – Tôi sẽ đi Bỉ trên chuyến tàu dầu tiên rời bến.
Một buổi chiều nọ Anvarô đã đến hiệu sách của nhà thông thái xứ Catalunha rao tướng lên điều phát hiện mới nhất của anh ta: một nhà thổ bách thú gọi là Cậu bé vàng, đấy là căn phòng rộng không có mái, có đến vài trăm chú diệc nhởn nhơ cứ lâu lâu lại kêu quàng quạc ầm ĩ. Trong những chiếc lồng lưới thép đặt xung quanh sàn nhảy, giữa những bụi hoa trà lớn gốc vùng Amazôn là những đàn cò lửa, những con cá sấu sùng sục rúc mõm vào chậu thức ăn như đàn lợn, những chú rắn mười hai chuông, và một con rùa mai vàng đang ngụp lặn dưới cái biển nhân tạo nho nhỏ. Có một con chó cái trắng, thuốn, vừa làm nhiệm vụ của con đực chuyên đi tơ với những con chó cái khác, vừa phải làm cái việc của một con chó cái nuôi con để người ta cho ăn. Không khí dịu nhẹ, như vừa mới được sinh ra, và những cô gái lai xinh đẹp chờ đợi vô vọng giữa những cánh hoa ri máu và những đĩa hát lỗi thời, vốn hiểu rõ cái công việc làm tình mà con người đã để quên nơi thiên đường trần gian này. Ðêm đầu tiên nhóm đến thăm căn nhà nghỉ đông tưởng tượng kia, bà cụ già rực rỡ và trầm lặng ngồi gác lối vào trên một chiếc ghế mây, cảm thấy thời gian như trở lại cội nguồn của nó khi bà lão phát hiện thấy trong số năm người vừa tới có một người đàn ông xương xấu, vàng bủng, gò má cao như người tácta, mang dấu ấn cô đơn vĩnh viễn từ thuở khai thiên lập địa.
– Trời ơi! – bà lão kêu lên. – Aurêlianô!
Bà lão lại đang nhìn thấy đại tá Aurêlianô Buênđya như đã nhìn thấy ánh sáng ngọn đèn từ rất lâu trước các cuộc chiến tranh, trước sự tiêu tan của vinh quang và sự tàn lụi của niềm vui, cái buổi đêm về sáng xa xăm kia khi ông bước vào phòng ngủ để ra cái lệnh đầu tiên trong cuộc đời: lệnh ban cho ông sự ân ái. Ðấy là Pila Tecnêra. Từ nhiều năm trước khi vào tuổi một trăm bốn lăm, bà lão đã từ bỏ cái thói quen có hại là tính tuổi của mình, và tiếp tục sống trong cái thời gian tĩnh tại, bên lề của những kỷ niệm, và sống trong một tương lai hoàn toàn được xác định, vượt ra ngoài những tương lai bị xáo trộn bởi sự ràng buộc và những phỏng đoán xúc xiểm từ những quân bài.
Từ đêm ấy trở đi, Aurêlianô ẩn náu trong sự dịu hiền và thông cảm của cụ tổ năm đời chưa bao giờ biết tới. Ngồi trên chiếc ghế xích đu mây, bà lão nghĩ về quá khứ, nhớ lại những gì là vĩ đại và nỗi bất hạnh của gia đình và sự huy hoàng đã bị tàn phá của Macônđô, trong khi Anvarô làm đám cá sấu hoảng sợ với những chuỗi cười ầm ĩ, và Anphônxô thì bịa ra những chuyện khủng khiếp về những con diệc đã mổ mắt người khách làng chơi cư xử không tốt vào tuần trước, còn Gabrien thì ngồi trong buồng của cô gái lai tư lự không lấy tiền của khách mà chỉ nhờ viết hộ những bức thư cho anh chàng người yêu buôn lậu đang bị tù ở bên kia sông Orinôcô vì bị đám lính biên phòng tóm được và bắt ngồi trên một chiếc bô buộc phải ỉa ra đầy cứt và kim cương. Cái nhà thổ thực sự với bà chủ như một người mẹ kìa, chính là cái thế giới mà Aurêlianô hằng mơ ước trong sự kìm hãm kéo dài. Anh cảm thấy sung sướng, cảm thấy gần đạt tới sự gặp gỡ hoàn hảo, đến mức chẳng nghĩ đến sự trốn tránh nào khác vào cái buổi chiều mà Amaranta Ucsula làm tan vỡ ảo mộng của mình. Anh sẵn sàng van nài để ai đó phá bỏ hộ cái sự tức tối như nghẹn lại trong lồng ngực, nhưng anh chỉ có thể bật khóc nức nở trong lòng Pila Tecnêra. Bà lão lấy tay xoa đầu anh, để cho anh khóc thoả thích. Và dẫu anh không nói ra là đang khóc vì tình, bà lão đã nhận ra ngay cái tiếng khóc cổ sơ nhất trong lịch sử con người.
– Nào thôi, chút bé bỏng của ta! – bà lão dỗ dành, – bây giờ chút hay nói xem người ấy là ai.
Khi Aurêlianô vừa nói, Pila Tecnêra bật lên cái cười sâu thẳm, tiếng cười lan toả từ xa xưa chấm dứt để rồi sau đó dần dần chuyển thành tiếng cười giống tiếng cù rục cù rục của loài chim bồ câu. Không có điều bí mật nào trong trái tim của người trong dòng họ Buênđya mà bà lão không hiểu được, bởi vì một thế kỷ ảo mộng và kinh nghiệm đã dạy cho bà lão biết lịch sử của gia đình giống như một chuỗi dài những điều lặp đi lặp lại không tránh khỏi, như một chiếc đĩa quay có thể cứ quay mãi, quay mãi đến vô tận, nếu không có sự hao mòn dần dà vô phương cứu chữa của chiếc trục.
– Ðừng lo chút ạ, – bà lão cười. – Dù nó đang ở đâu, lúc này nó cũng đang đợi chút.
Vào lúc bốn giờ rưỡi chiều, Amaranta Ucsula bước ra khỏi nhà tắm. Aurêlianô nhìn thấy cô bước qua cửa phòng mình trong chiếc váy tắm nếp là phẳng phiu, đầu quấn chiếc khăn. Anh liền nhón chân nhè nhẹ bước theo, ngất ngưởng như người say và anh bước vào phòng tân hôn của vợ chồng Amaranta Ucsula đúng lúc cô mở khuy chiếc váy tắm và bỗng giật mình khép lại. Cô lặng lẽ chỉ tay về phía buồng bên cạnh cửa hé mở. Aurêlianô biết là Gastôn đang bắt đầu viết thư ở đó.
– Ra ngay đi, – cô nói rít không thành tiếng.
Aurêlianô mỉm cười, hai tay bế thốc ngang lưng cô, như là bưng chậu thu hải đường, đặt ngửa lên giương. Phắt một cái, anh kéo tuột chiếc váy tắm trước khi cô kịp ngăn lại, và anh như rơi xuống vực thẳm trước tấm thân trần truồng vừa tắm rửa xong, trắng ngần, nõn nà, mà trong bóng tối của những căn buồng bên cạnh hầu như anh đã tưởng tượng ra hết cả, kể từ những lỗ chân lông đến những nốt ruồi ẩn kín. Amaranta Ucsula chống lại kịch liệt: với sự khôn khéo của giống cái thông minh, cô oằn mình, xoay giở thân hình uyển chuyển và thơm tho như một con chồn, đồng thời thúc hai đầu gối vào bụng còn hai tay thì cào lên mặt chàng trai, nhưng cả hai không ai thở mạnh khác với nhịp thở của người đang ngắm nhìn buổi chiều tà tháng tư qua cửa sổ. Ðấy là một cuộc vật lộn dữ dội, một cuộc giành giật sống mái, tuy nhiên hầu như không có chút bạo lực nào, bởi vì đó là một cuộc vật lộn của những bóng ma, chậm rãi, thận trọng, trang nghiêm, nghĩa là khoảng thời gian hai bên giằng co nhau đủ để cho cây khiên ngư nở hoa và Gastôn ở phòng bên thì quên hết ước mơ trở thành người lái máy bay, và họ như hai người yêu thù địch đang ra sức thoả hiệp với nhau dưới đáy ao sáng ngời. Trong sự co kéo quyết liệt và trang nghiêm đó, Amaranta Ucsula hiểu rằng sự im lặng thận trọng của cô thật là vô lý, nó có thể làm chồng mình ở buồng bên sinh nghi hơn cả những tiếng động mạnh mà cô đang ra sức tránh.
Cô bèn cười nhè nhẹ, và vẫn không ngừng chống trả, nhưng cô đang tự vệ bằng những miếng cắn giả tạo và dần dần thôi không oằn mình lẩn tránh nữa, cho đến lúc cả hai đều hiểu rằng họ vừa là địch thủ vừa là kẻ đồng loã, và cuộc giằng co đã biến thành một trò chơi vuốt ve nhau. Bỗng nhiên, như là để thử chơi, thử mạo hiểm một lần nữa, Amaranta Ucsula thôi không chống đỡ, và khi hoảng sợ trước điều mà chính cô đã tạo điều kiện cho nó diễn ra, cô ra sức phản ứng lại nhưng đã quá muộn mất rồi. Một sự rung động kỳ lạ đã chôn chặt cô, giữ chịt lấy cô, và ý chí tự vệ của cô đã bị nghiền nát bởi khát vọng không thể kìm lại được là phát hiện xem những tiếng hú màu vàng và những quả bóng vô hình đang đợi cô ở bên kia cái chết là gì. Cô chỉ còn kịp với tay quờ quạng tìm chiếc khăn nhét vào mồm và cắn chặt lấy để những tiếng gừ gừ của mèo cái đi tơ không bật ra từ trong sâu thẳm lòng mình.
Chú thích:
(1) Nhà sử học và tiến sĩ thần học người Anh, sinh năm 672 hoặc 573 và mất năm 735. Lễ thánh là ngày 27 tháng Năm.
(2) Người Tây Ban Nha, lễ thánh ngày 12 tháng Mười một.