Đọc truyện Trăm Năm Cô Đơn – Chương 14
Kỳ nghỉ hè cuối cùng của Mêmê trùng đúng vào thời gian để tang ngài đại tá Aurêlianô Buênđya. Trong ngôi nhà cửa đóng im ỉm suốt ngày này không có chỗ cho các cuộc vui. Người ta thì thầm nói chuyện, lặng lẽ ăn, cầu kinh một ngày ba buổi và ngay đến các buổi chơi đàn tiểu phong cẩm cũng mang âm điệu tang tóc. Mặc dù thầm ghét ngài đại tá, nhưng do cảm kích trước lòng thành kính trang trọng mà chính phủ đã bày tỏ để tưởng niệm kẻ tử thù của mình, Phecnanđa là người đã tổ chức thật chu đáo đám tang đó. Như thường lệ Aurêlianô Sêgunđô lại ngủ ở nhà trong lúc con gái ông nghỉ hè, và Phecnanđa cần phải làm một việc gì đó ngõ hầu lấy lại danh dự một người vợ chính thức, vì năm sau, Mêmê đón nhận đứa em gái vừa mới sinh, được đặt tên là Amaranta Ucsula, một cái tên do mọi người đặt bất chấp nguyện vọng của bà mẹ.
Mêmê đã học xong. Văn bằng chứng thực cô là một nghệ sĩ đàn tiểu dương cầm đã được công nhận nhờ trình độ điêu luyện mà cô đã sử dụng để chơi các bản nhạc dân gian thế kỷ XVII trong buổi lễ mừng kết quả học tập và với buổi lễ ấy người ta cũng làm lễ đoạn tang cho ngài đại tá. Các vị khách mời khâm phục cô không chỉ ở nghệ thuật biểu diễn mà hơn nữa còn ở tính cách nhị nguyên của cô… Tính nết bông lông và có khi nhõng nhẽo trẻ con của cô dường như không phù hợp với bất kỳ một hoạt động nghiêm chỉnh nào nhưng khi ngồi xuống bên cạnh cây đàn tiểu dương cầm lập tức cô trở nên một cô gái khác hẳn. Nét chín chắn không lộ trước đã đem đến cho cô dáng vẻ người lớn. Cô luôn luôn như thế. Thực ra Mêmê không có thiên hướng nào rõ rệt, nhưng cô đã giành được những kết quả cao nhất nhờ luôn luôn làm việc với một kỷ luật nghiêm khắc cất để tránh mâu thuẫn với mẹ mình. Giá có buộc cô học bất kỳ nghề nào khác thì chắc chắn cô cũng sẽ giành được kết quả tương tự. Ngay từ khi còn rất nhỏ tuổi, tính cách nghiêm khắc của Phecnanđa đã làm cô khó chịu, nhưng cô vốn có thói quen hy sinh vì người khác, và nhiều lúc thói quen này còn lớn hơn cả việc học tiểu dương cầm mà cô theo đuổi chỉ để khỏi va chạm với bà mẹ cố chấp của mình. Trong buổi lễ bế giảng, cô có cảm giác hân hoan rằng tấm bằng được viết với những con chữ gôtích và những chữ viết hoa có hình trang trí kèm theo sẽ giải thoát cô khỏi lời cam kết mà cô đã chấp nhận không phải chỉ để vâng lời, cũng chẳng phải để yên thân, và cô tin rằng kể từ phút giây này, ngay cả Phecnanđa cố chấp cũng sẽ khỏi phải bận tâm đến cây đàn đã bị các cô nữ tu sĩ coi là vật lỗi thời trong viện bảo tàng. Trong những năm đầu tiên, cô tin rằng những tính toán của mình sai bét bởi vì sau khi một nửa thị trấn đã ngủ rồi, thì không chỉ trong phòng khách nhà cô, mà trong không biết bao nhiêu buổi vui chung, các buổi họp mặt ở nhà trường và các buổi lễ kỉ niệm được tổ chức ở Macônđô, mẹ cô vẫn tiếp tục mời đến những thính giả mới mà bà biết chắc họ có khả năng đánh giá những phẩm chất của cô con gái. Sau khi Amaranta mất và chỉ đến khi ấy thôi, khi mà mọi người đều không bước chân ra khỏi nhà trong thời gian để tang, Mêmê mới có thể hoàn toàn không bị lệ thuộc vào cây đàn tiểu dương cầm và có thể bỏ quên chùm chìa khoá ở bất kỳ tủ quản áo nào mà không còn phải lo Phecnanđa sẽ khó chịu lục soát xem lúc nào và ai đã làm mất thìa khoá. Mêmê chịu đựng những sự phô trương của mẹ với lòng nhẫn nại mà cô đã có trong lúc học. Ðó là cái giá cô phải trả cho tự do của mình. Phecnanđa quá đỗi sung sướng trước thái độ hiền lành của con gái, quá đỗi tự hào trước lòng thán phục của mọi người đối với tài nặng của cô, đến mức bà không ngăn cản việc các cô bạn gái đến chơi chật cả nhà, việc cô đi chơi cả buổi chiều ở ngoài đồng chuối và đi xem những bộ phim luôn được cha Antôniô Isaben công khai cho phép chiếu cùng với Aurêlianô Sêgunđô hoặc với các bà bạn tin cậy của gia đình. Trong những lúc vui vẻ ấy, những sở thích đích thực của Mêmê được bộc lộ rõ nét. Hạnh phúc của cô ở đầu bên kia của kỷ cương nền nếp, trong các cuộc vui ồn ĩ, trong các cuộc nói chuyện tầm phào về tình yêu, trong những buổi các cô gái khoá trái cửa buồng để cùng nhau tập hút thuốc lá và nói về bọn con trai, và đã có lần họ chuyền tay nhau tu hết ba chai rượu trắng rồi cuối cùng họ khoả thân để so đọ các bộ phận trên cơ thể mình. Sẽ chẳng bao giờ Mêmê quên dược cái đêm cô bước vào nhà miệng nhai rễ cam thảo và vì không ai phát hiện ra mình đang bị rượu vật đổ, cô ngồi xuống bên chiếc bàn Phecnanđa và Amaranta đang lặng lẽ ăn cơm tối. Trước đó cô đã trải qua hai giờ khủng khiếp ở trong phòng một người bạn gái, khóc lóc hoài vì buồn và vì sợ hãi, và ở bờ bên kia cuộc khủng hoảng tâm trạng ấy cô bắt gặp một cảm giác dạn dĩ rất lạ lùng mà mình vẫn còn thiếu để trốn khỏi trường học, để nói với mẹ mình bằng những lời này lời nọ khiến bà phải nổi cáu về cây đàn tiểu dương cầm. Ngồi ở ngay đầu bàn ăn, đang húp bát nước canh gà mà khi vào tới dạ dày nó giống như một thứ thuốc tiên làm sống lại người chết, Mêmê nhìn thấy Phecnanđa và Amaranta chìm trong vắng ánh sáng khắc nghiệt của thực tại. Cô phải cố gắng tự kìm mình để khỏi nói thẳng vào mặt họ về những sự giả tạo, về trí tuệ nghèo nàn và những thèm khát danh dự hão của họ. Kể từ kỳ nghỉ hè thứ hai trở đi, cô biết rằng cha mình chỉ sống ở nhà để giữ thể diện và nhờ hiểu Phecnanđa như đã hiểu bà và nhờ đã giúp bà để sau đó hiểu Pêtra Côtêt, cô đã tán thành cha mình. Cũng có lúc cô muốn làm con gái của người tình của cha mình. Trong hơi men chếnh choáng, Mêmê đã nghĩ rằng nếu như thời điểm ấy cô bày tỏ những suy tư của mình thì chắc mọi người không khỏi ngạc nhiên và niềm vui thầm lặng của trò ranh mãnh lộ ra quá ư mạnh mẽ đến mức Phecnanđa đã nhận ra:
– Con làm sao vậy? – bà hỏi.
– Chẳng làm sao cả, – Mêmê trả lời. – Hầu như đến tận bây giờ con mới phát hiện ra là con yêu bà trẻ và mẹ biết nhường nào.
Amaranta giật mình nhận thấy rất rõ trong câu trả lời ấy có hàm chứa ý tứ căm giận. Trái lại Phecnanđa rất cảm động đến nỗi bà thấy mình lại phát điên khi Mêmê thức dậy vào lúc nửa đêm đầu cứ ngọ nguy vì đau đớn và cứ nghẹn thở vì những cứ nôn ra mật. Bà đưa cô một lọ dầu hải ly, đắp lên bụng cô một lá cao mù tạc và chườm lên đầu cô một túi nước đá, rồi bà bắt cô ăn kiêng và ở trong nhà kín gió suốt năm ngày liền theo đơn thuốc của viên bác sĩ ngông cuồng người Pháp mới đến, người sau hai giờ khám bệnh đã đi đến kết luận quái gở: cô gái bị rối loạn kinh nguyệt. Trong trạng thái tinh thần suy sụp, Mêmê không còn cách nào hơn là nín lặng. Ucsula lúc này tuy đã mù hẳn nhưng vẫn hoạt bát và sáng láng, là người duy nhất đã chẩn đoán chính xác. “Ðối với ta, – cụ nghĩ, – những triệu chứng này là những triệu chứng biểu hiện rõ ở bọn say rượu. Nhưng không những cụ bác bỏ ý nghĩ ấy mà cụ còn tự trách sự hời hợt trong suy nghĩ của mình. Aurêlianô Sêgunđô cảm thấy nhức nhối lương tâm khi nhìn thấy tình trạng kiệt sức của Mêmê do đó ông hứa trong tương lai sẽ quan tâm đến cô nhiều hơn. Quan hệ thân mật và vui vẻ giữa người cha và cô con gái đã nảy sinh như thế đấy, và quan hệ này trong một thời gian đã giải thoát ông khỏi những cuộc vui cô đơn và nó cũng giải thoát Mêmê khỏi sự quản thúc của Phecnanđa mà không gây ra những cuộc cãi vã không thể tránh khỏi trong gia đình. Thế là lúc ấy, Aurêlianô Sêgunđô phớt lờ mọi lời cam kết để ở bên cạnh. Mêmê, dành cho cô phần lớn thời gian rảnh rỗi của mình để dẫn cô đi xem phim hay xem xiếc. Trong những ngày gần đây, thân xác ục ịch chậm chạp không cho phép ông cúi xuống buộc nút giày, và sự sung mãn đã khiến cho ông bắt đầu kim hồ hởi. Sự phát hiện về cô con gái đã làm sống lại trong ông tâm tính hồ hởi của thời trẻ, và nỗi thích thú được ở gần con gái đã dần dằn tách ông khỏi sự ăn chơi phung phí. Mêmê nở rộ trong tuổi trưởng thành. Cô không đẹp cũng như Amaranta không bao giờ đẹp, nhưng cô cởi mở, dễ gần và ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên đã cho ta cảm giác dễ mến. Cô có đầu óc tân tiến. Và cái đầu óc tân tiến này thương hại cho tính kiêu ngạo lỗi thời và trái tim chai sạn của Phecnanđa, và được Aurêlianô Sêgunđô rất hài lòng ủng hộ. Ông chính là người đã quyết định lôi cô ra khỏi phòng ngủ từ lúc còn bé, nơi những con mắt hãi hùng của các vị thánh vẫn tiếp tục làm cô sợ hãi ngay khi cô đã ở tuổi thành niên, và ông đã sắp đặt cho cô một phòng có giường đệm, một phòng trang điểm rộng rãi và những tấm rèm cửa bằng nỉ mà ông không biết rằng đó chính là hình ảnh thứ hai của căn phòng Pêtra Côtêt. Ông quá ư hào phóng đối với cô đến nỗi ngay cả số tiền ông có bao nhiêu ông cũng không biết, vì rằng chính cô đã móc chúng từ các túi ra, và ông đã cung cấp cho cô biết bao đồ trang sức mới mỗi khi cô đến các đại lý của Công ty chuối. Căn phòng của Mêmê đầy những túi đựng đá bọt đánh bóng móng tay, những lô uốn tóc, những cái đánh bóng răng, những hộp thuốc tô cho xanh mi mắt, rồi cơ man nào là thuốc mỹ phẩm và các đồ trang sức lạ lẫm đến nỗi cứ mỗi bận bước vào phòng Phecnanđa lại đâm lo lắng với ý nghĩ rằng phòng trang điểm của cô con gái chẳng khác gì phòng trang điểm của bọn điếm tân thời. Tuy nhiên, trong thời kỳ ấy, Phecnanđa hoạt động theo một thời gian biểu được chia sẻ giữa nhiệm vụ chăm sóc bé Amaranta Ucsula lúc này hãy còn làm nũng và hay bệnh tật với việc viết những bức thư đầy cảm động cho các vị thầy thuốc không thể nhìn thấy Vậy là, khi phát hiện ra sự đồng loã giữa chồng với con gái, thì lời hứa duy nhất bà đòi hỏi ở Aurêlianô Sêgunđô là ông sẽ không dẫn Mêmê tới nhà Pêtra Côtêt. Ðó là một sự đòi hỏi vô nghĩa vì ả nhân tình đang lộn ruột trước tình thân mật giữa cha con Aurêlianô Sêgunđô, đến mức ả chẳng thiết làm quen với Mêmê nữa. Một nỗi lo chưa hề biết tới làm cho ả đau đớn khắc khoải như thể bản năng đã mách cho ả hay rằng Mêmê chỉ cần yêu ỏng ta thôi là đã có thể giành lầy cái điều mà Phecnanđa không thể giành được: chiếm mất của ả một thứ tình yêu vốn được coi là tình yêu bền chặt gắn bó với nhau cho đến chết. Lần đầu tiên Aurêlianô Sêgunđô phải chịu đựng cảnh mặt sưng mày sỉa và những cú đá thúng đụng nia khủng khiếp của nhân tình đến nỗi ông đâm sợ rằng những chiếc hòm từng mang đi mang lại của mình lại lên đường trở về nhà vợ. Nhưng điều này không xảy ra. Không một người đàn bà nào hiểu kỹ một người đàn ông như Pêtra Côtêt hiểu nhân tình của mình, và ả biết rằng những chiếc hòm ấy sẽ ở nguyên vị trí từ khi chúng được mang đến, bởi vì nếu có cái gì mà Aurêlianô Sêgunđô ghê tởm thì đó chính là việc phải đảo lộn cuộc đời vì những sự tu tỉnh và thay đổi nếp sống. Vậy những chiếc hòm đã ở đâu thì cứ ở nguyên đấy, và Pêtra Côtêt lao vào việc giành lại người đàn ông ấy bằng cánh mài sắc thứ vũ khí duy nhất mà cô con gái không thể nào địch nổi. Ðó cũng là một cố gắng không cần thiết, vì rằng Mêmê không bao giờ có ý định tham dự vào những vấn đề riêng của cha mình. Cô không có thừa thời gian để mà làm phiền ai. Chính cô tự quét lấy phòng và sửa sang giường chiếu đúng như các nữ tu sĩ đã dạy bảo cô. Buổi sáng cô lo thêu may váy áo của mình, lúc thì ngồi thêu ở ngoài hành lang, lúc thì ngồi may bên chiếc máy may quay tay của Amaranta. Trong lúc mọi người ngủ trưa, cô ngồi luyện đàn tiểu dương cầm trong hai giờ liền vì biết rằng sự cần mẫn hàng ngày sẽ giữ yên lòng Phecnanđa. Cũng chính vì lý do đó, cô vẫn tiếp tục trình diễn các bản giao hưởng trong các buổi bán hàng từ thiện và các buổi vui trong trường học mặc dù những lời mời ngày một thưa hơn. thiều đến, cô chải chuốt, mặc bộ quần áo giản dị nhất, đi đôi giày cao cổ và nếu như không cần phải đi theo Aurêlianô Sêgunđô, cô sẽ đến nhà các bạn gái là nơi cô sẽ ở chơi cho đến giờ cơm tối. Hãn hữu lắm Aurêlianô Sêgunđô mới không đến tìm cô để dẫn đi xem phim.
Trong đám bạn của Mêmê có ba cô gái Mỹ đã phá bỏ cái hàng rào của khu nhà chung cư giống “khu chuồng gà mắc điện” và có quan hệ bạn bè với các cô gái làng Macônđô. Một trong ba cô ấy là cô Patrixia Brao. Do cảm kích trước tấm lòng hào hiệp của Aurêlianô Sêgunđô, ngài Brao đã mở cửa nhà mình cho Mêmê và mời cô tham dự các buổi khiêu vũ ngày thứ bảy vốn là những dịp duy nhất người Mỹ cùng vui chơi với người bản xứ. Khi Phecnanđa biết chuyện, bà tạm thời gác chuyện chăm sóc bé Amaranta Ucsula và việc viết thư cho các thầy thuốc không thể nhìn thấy của bà, để làm cho to chuyện thêm. “Con hãy nghĩ mà xem, – bà nói với Mêmê, – ngài đại tá nằm dưới mồ sẽ nghĩ gì nào?”. Bà tìm sự đồng tình ủng hộ của Ucsula. Nhưng cụ già mù loà này, trái với điều mọi người chờ đợi đã cho rằng chẳng có gì đáng phải lo ngại trong việc Mêmê tham dự các buổi khiêu vũ cũng như chăm chút các quan hệ bạn bè với những người Mỹ cùng lửa tuổi, miễn sao cô chắt gái lúc nào cũng biết giữ vững quan điểm của mình và đừng để mình trở thành đồ đệ của đạo Tin lành là được rồi. Mêmê lĩnh hội rất đúng tư tưởng của cụ cố nội, và vào ngày hôm sau các buổi khiêu vũ cô dậy sớm hơn thường lệ để đi lễ mixa. Sự phản đối của Phecnanđa được duy trì cho đến ngày Mêmê báo tin người Mỹ muốn nghe cô chơi đàn tiểu dương cầm và điều này đã làm bà thay đổi lập trường. Lại một lần nữa cây đàn được đưa ra khỏi nhà và được đưa đến nhà ngài Brao, nơi cô nghệ sĩ đàn tiểu dương cầm trẻ tuổi đã nhận những tràng vỗ tay chân thành nhất và những lời chúc mừng nhiệt liệt nhất. Kể từ dạo ấy, cô được mời đến nhà không chỉ vào các buổi khiêu vũ chiều thứ bảy mà còn vào các buổi tắm ngày chủ nhật ở bể bơi, và mỗi tuần một bữa cơm trưa. Mêmê tập bơi như một vận động viên chuyên nghiệp, chơi tennis và tập ăn xúc xích xứ Virginia với dứa lát. Cô học tiếng Anh rất nhanh trong các buổi khiêu vũ, tập bơi và tập tennis. Aurêlianô Sêgunđô phấn chấn quá đỗi trước những bước tiến của cô con gái đến mức ông đã mua một cuốn từ điển bách khoa tiếng Anh dày sáu tập gồm nhiều tranh ảnh màu của một người bán sách rong, để cô đọc vào những lúc rỗi rãi. Việc đọc sách lôi cuốn hết tâm tri mà trước đây cô vẫn dành cho cô bạn gái đáng yêu hoặc cho các buổi đóng kín phòng để ở trong đó với các bạn gái, đó không phải vì người ta buộc cô phải đọc như một thứ kỷ luật mà vì cô không có thú tán nhảm vốn là một thứ bệnh chung của mọi người. Cô nhớ lại lần bị say rượu như một cú mạo hiểm ngây thơ mà cô cảm thấy hết sức ngộ nghĩnh, đến mức cô kể lại cho Aurêlianô Sêgunđô nghe, và khi nghe, cha cô còn cảm thấy thích thú hơn cả cô. “Nếu mẹ con mà biết được”, ông nói với con gái trong lúc sặc sụa cười. Như vẫn thường nói với cô rằng hãy tin ở mình, ông cũng đã nói với cô rằng với chính lòng tin ấy cô có thể lộ cho ông biết mối tình đầu của cô. Và do đó Mêmê đã kể cho ông biết cô thân với một chàng thanh niên Mỹ tóc đỏ, người đã đến đây nghỉ hè với bố mẹ anh ta. “Bợm nhỉ?”, Aurêlianô Sêgunđô cười: “Nếu mẹ con mà biết được”. Nhưng Mêmê còn kể cho ông biết chàng trẻ tuổi người Mỹ ấy đã trở về nước và cô vẫn chưa được biết tin tức gì của anh ta. Vậy là sự chín chắn trong cách suy nghĩ của cô đã bảo đảm cho gia đình được êm ấm yên vui. Lúc này Aurêlianô Sêgunđô dành nhiều thời gian hơn cho Pêtra Côtêt, và dẫu rằng thể xác và tâm hồn ông không cho phép ông lao vào các cuộc vui chơi bạt mạng như trước đây, ông vẫn không để lỡ dịp tổ chức chúng và không để yên cho cây phong cầm lúc này đã có nhiều phím phải buộc lại bằng dây giày. Ở nhà, Amaranta khâu khăn liệm cho mình mà không biết đến bao giờ thì xong, còn Ucsula cứ để mặc cho tuổi già lôi kéo mình đến đáy sâu của sự mù loà, là nơi cái hình ảnh duy nhất có thể nhìn thấy được là hình ảnh cụ Hôsê Accađiô Buênđya ở dưới gốc cây dẻ. Phecnanđa củng cố quyền lực của mình. Những bức thư đều đặn gửi hàng tháng cho con trai bà là Hôsê Accađiô lúc này không hề có lấy một dòng nói dối, ngoại trừ quan hệ thư từ với các thầy thuốc không thể nhìn thấy, những người đã chuẩn đoán rằng bà có một chỗ viêm tấy ở ruột già và họ đang chuẩn bị cho bà được thực nghiệm một cách chữa bệnh bằng điều khiển từ xa.
Người ta đồn rằng trong ngôi nhà mệt mỏi của dòng họ Buênđya sẽ êm ấm và hạnh phúc đời đời nếu như cái chết đột ngột của Amaranta không làm cho cả thị trấn lại một lần nữa nhốn nháo lên. Ðó là một sự kiện không ngờ. Dẫu rằng bà đã già và sống hoàn toàn cách biệt mọi người nhưng người ta vẫn thấy bà chắc chân mạnh tay, đi đứng ngay ngắn với cái sức khoẻ bền chắc như đá mà xưa nay bà vốn có. Không một ai biết được ý nghĩ của bà kể từ khi bà dứt khoát từ chối đại tá Hêrinênđô Mackêt và đóng chặt cửa buồng để một mình ở trong nhà mà khóc lóc. Khi ra khỏi phòng bà đã cạn sạch nước mắt.
Người ta không thấy bà khóc trước việc Rêmêđiôt – Người đẹp bay lên trời, trước việc trong một thời gian ngắn cả mười bảy người con trai của đại tá Aurêlianô Buênđya bị tàn sát, trước cái chết của chính ngài đại tá, vốn là người bà yêu mến nhất trần đời. Tuy bà đã biểu lộ lòng thương của mình khi mọi người bắt gặp thi hài ngài ở dưới gốc cây dẻ, nhưng tuyệt nhiên bà không nhỏ một giọt nước mắt. Bà đã giúp một tay dựng tử thi dậy. Bà mặc cho ngài bộ trang phục chiến binh, cạo râu, chải tóc cho ngài và bà trang điểm bộ râu cho ngài còn đẹp hơn cả ngài trang điểm nó trong những năm tháng vinh quang của mình. Không một ai nghĩ rằng trong cử chỉ ấy, bà đã để lộ tình yêu vì mọi người đã quen với sự thông thạo tang lễ của Amaranta. Phecnanđa đùng đùng nổi cáu cho rằng Amaranta không hiểu những mối quan hệ của đạo Cơ đốc với cuộc sống mà chỉ duy nhất hiểu những quan hệ của nó với cái chết, như thể nó không phải là một tôn giáo mà chỉ là một tờ giấy quảng cáo cho thói câu nệ hình thức ma chay. Amaranta chìm đắm quá sâu trong những kí ức bề bộn của mình để hiểu cho được những lời nói ngụ ý sâu xa ấy. Bà đã bước tới tuổi già với tất cả nỗi hoài nhớ tươi roi rói. Khi nghe những bản nhạc van của Piêtrô Crêspi, bà vẫn có những khao khát muốn khóc như cái thuở mới lớn, như thể thời gian và sự tự trừng phạt mình chẳng có nghĩa lý gì. Những băng nhạc mà chính bà từng ném vào sọt rác với cái cớ chúng bị hơi ẩm làm cho mục hết, cứ tiếp tục quay và gõ nhịp trong kí ức bà. Bà đã định nhấn chìm những khao khát ấy trong nỗi đam mê tội lỗi ở giới hạn được phép với người cháu của mình là Aurêlianô Hôsê và bà đã định ẩn nấp dưới sự che chở lành mạnh và cao thượng của đại tá Hêrinênđô Mackêt, nhưng bà đã không tìm được cách đánh đổ hoàn toàn những khát vọng ấy ngay cả trong hành động tuyệt vọng nhất của tuổi già; ấy là lúc tắm cho thằng bé Hôsê Accađiô ba năm trước khi gửi nó đi học và bà đã mân mê nó không như một người bà đối với đứa cháu mà lại như một người đàn bà đối với người đàn ông, như chính cô điếm tân thời đã làm theo lời đồn của thiên hạ và như chính bà ở tuổi mười hai, mười bốn từng muốn làm đối với Piêtrô Crêspi, khi thấy chàng vận quần áo khiêu vũ và tay cầm cây gậy chỉ huy huyền diệu để lấy nhịp từ chiếc máy đo nhịp. Ðôi lúc cái vết sẹo trên tay kia khiến bà đau khổ vì đã để nó theo mình và đôi lúc nó khiến bà giận dữ quá đỗi đến mức phải lấy kim châm vào các ngón tay, nhưng cái vườn ổi chín rộ thơm lựng của tình yêu đang tiến dần tới cõi chết làm bà đau khổ hơn cả, khiến bà giận dữ hơn cả và cay đắng hơn cả. Như đại tá Aurêlianô Buênđya nghĩ đến chiến tranh, Amaranta nghĩ tới Rêbêca, nghĩa là không thể đừng được. Nhưng trong lúc anh trai bà đã tìm được cách làm cho những kỷ niệm ấy khô cằn đi thì bà chỉ tìm cách khiến chúng nóng bỏng thêm. Ðiều duy nhất bà cầu khẩn Thượng đế trong rất nhiều năm là ngài đừng để bà chết trước Rêbêca. Cứ mỗi bận bà đi qua nhà Rêbêca và nhận thấy ngôi nhà đang ngày một đổ nát thì bà cảm thấy sung sướng với ý nghĩ Thượng đế đang nghe lời cầu khẩn của mình.
Có một buổi chiều, khi đang may vá ở ngoài hành lang, một ý nghĩ sáng tỏ bỗng nảy sinh trong tâm trí bà và bà thấy rằng bà sẽ ngồi ở ngay chính cái chỗ ấy, trong chính tư thế ấy và cũng trong chính ánh sáng ấy, khi người ta mang tin Rêbêca đến cho mình. Bà ngồi đợi tin ấy như ai đó đợi một bức thư, và rõ ràng là có thời kỳ bà dứt hết cúc để rồi đơm lại, chả là vì ngồi rồi không thể địch nổi với ngồi chờ vốn dài lê thê và đau khổ hơn nhiều. Trong gia đình không một ai biết rằng Amaranta lúc này dệt một tấm khăn liệm quý giá cho Rêbêca. Sau đó, khi Aurêlianô Tristê kể chuyện rằng anh đã thấy bà ta biến thành một bóng ma da dẻ nhăn nheo và trên đầu lơ thơ còn lại mấy mớ tóc vàng thì bà chẳng ngạc nhiên tí nào bởi vì hình ảnh được miêu tả ấy đúng y hệt với hình ảnh Rêbêca mà bà đã mường tượng thấy từ rất lâu. Bà đã quyết định dựng lại thi hài Rêbêca, lấy sáp đánh cho da mặt Rêbêca căng mọng lên và lấy tóc của các bức tượng thánh để làm cho Rêbêca một bộ tóc giả. Bà sẽ chế tạo ra một thi hài đẹp với khăn liệm bằng vải lanh và một chiếc quan tài bọc nỉ có những tua dải đỏ và bà sẽ đặt quan tài này trong sự túc trực của những kẻ hầu người hạ vốn thường thấy ở những đám tang lộng lẫy. Bà xây dựng kế hoạch này với biết bao hận thù đến mức bà phải rùng mình trước ý nghĩ rằng bà đã làm đám tang này như thể với tất cả lòng yêu của mình, nhưng bà đã không thể để cho sự nhắm lẫn làm cho mình lúng túng mà trái lại bà tiếp tục hoàn thiện những chi tiết hết sức nhỏ nhặt đến mức bà trở thành một người còn tinh thông hơn cả một nhà chuyên môn trong các lễ tang. Ðiều duy nhất bà không nhận ra trong kế hoạch dày công xây dựng này là bà có thể chết trước Rêbêca, mặc dù bà đã tha thiết khẩn cầu Thượng đế Quả nhiên điều đó đã xảy ra. Nhưng trong những ngày cuối cùng của đời mình, Amaranta không cảm thấy đau khổ, trái lại bà cảm thấy mình được giải thoát khỏi mọi nỗi đắng cay, bởi vì thần chết đã đem lại cho bà vinh dự được báo trước về cái chết sẽ xảy ra sớm hơn dự định của mình vài năm. Có một buổi trưa trời oi ả sau khi Mêmê đến trường được ít bữa, trong lúc đang ngồi khâu ở hành lang bà đã nhìn thấy thần chết. Bà nhận ra ngay nó, và nó chẳng có gì là đáng sợ cả, bởi vì nó là một phụ nữ vận đồ xanh màu thanh thiên với mái tóc dài như suối, nom nó có vẻ lỗi thời một tí, từa tựa như hình ảnh Pila Tecnêra trong cái thời ả vẫn đến nấu nướng giúp gia đình mình. Ðôi lúc Phecnanđa đứng ngay trước mặt bà nhưng bà không nhận ra mặc dù Phecnanđa hiển hiện một cách rất đích thực, rất con người, ngay cả lúc nhờ bà xâu hộ kim. Thần chết không báo cho bà biết khi nào bà chết và cũng không nói cho bà biết giờ chết của mình có phải xảy ra trước giờ chết của Rêbêca không, mà chỉ bảo bà hãy bắt đầu khâu khăn liệm cho chính mình vào ngày mồng sáu tháng tư tới. Thần chết đã cho phép bà làm khăn liệm thật cầu kỳ và thật đẹp mắt như bà mong muốn, nhưng cũng hết sức danh giá như bà đã làm khăn liệm cho Rêbêca. Và thần chết còn cho bà biết rằng bà sẽ chết không đau đớn, không sợ sệt, không cay đắng vào ngay đêm may xong tấm vải liệm cho chính mình. Vì cố ý kéo dài thời gian, Amaranta tự mình kéo lấy sợi lanh, rồi tự tay dệt lấy tấm vải. Bà làm rất cẩn thận đến mức chỉ với công việc này bà đã tốn mất bốn năm. Sau đó bà bắt đầu công việc thêu thùa trên tấm khăn liệm. Vậy là ngày kết thúc công việc không thể tránh được ấy cứ ngày một nhích gắn đến và do đó bà ngày càng hiểu rõ rằng chỉ có phép màu mới cho phép bà kéo dài công việc đến sau ngày chết của Rêbêca, nhưng chính sự tập trung sức làm việc lại trả lại cho bà lòng thanh thản bà vốn còn thiếu để chấp nhận ý nghĩ bất hạnh. Ðó là lúc bà hiểu được cái vòng luẩn quẩn có phần bệnh hoạn trong việc sản xuất – tiêu thụ để rồi sản xuất – tiêu thụ những chú cá vàng của đại tá Aurêlianô Buênđya. Thế giới bên ngoài thu lại trên mặt làn da của ngài, còn nội tâm ngài ở ngoài mọi nỗi đắng cay. Bà lấy làm đau đớn trước việc đã không hiểu điều đó trong rất nhiều năm trước đây, khi mà bà vẫn còn có thể thanh lọc những kỷ niệm và dựng lại một thế giới mới dưới một ánh sáng mới và nhớ lại mìn oải hương của Piêtro Crêspi vào lúc chiều xuống mà không rùng mình, và giải thoát Rêbêca khỏi sự thù hằn của mình, không hề căm giận cũng chẳng hề yêu thương mà chỉ bởi lòng cảm thông với nỗi cô đơn. Lòng căm thù mà bà nhận ra trong những lời nói của Mêmê một đêm nọ làm cho bà bị kích động không phải bởi nó xúc phạm tới bà, mà vì bà cảm thấy mình được lặp lại trong một tuổi dậy thì khác dường như cũng rất trong sáng như cái tuổi dậy thì bà nên có, và rằng rất đáng tiếc nó đã bị sự hằn học cá nhân làm cho vẩn đục đi Nhưng đó chính là lúc sự cam c ỉu với số phận mình cũng rất sâu sắc đến mức nó không làm cho bà dao động trước sự thật hiển nhiên rằng những cánh cửa mở lối cho việc cải hối đã bị đóng kín hết cả. Mục đích duy nhất của bà lúc này là hoàn thành chiếc khăn liệm. Ðáng lẽ phải làm chậm hơn nữa như lúc đầu đã làm, nay bà vội vã làm cho mau xong. Một quắn trước bà đã tính rằng vào đêm ngày mồng bốn tháng hai bà sẽ may mũi khâu cuối cùng. Và không hề để lộ lý do, bà yêu cầu Mêmê biểu diễn sớm hơn buổi hoà nhạc đàn tiểu dương cầm đã dự định vào ngay ngày hôm sau, nhưng cô cháu không chịu. Thế là Amaranta tìm cách kéo dài công việc thêm bốn mươi tám giờ nữa và bà nghĩ thần chết đã đồng tình với mình vì đêm ngày mồng bốn tháng hai một cơn bão đã làm đổ cột điện. Nhưng sang ngày hôm sau, vào lúc tám giờ sáng bà đã khâu mũi chỉ cuối cùng cho chiếc khăn liệm cực kỳ đẹp đẽ mà không một người đàn bà nào đã làm được, rồi không hề đau khổ bà báo tin rằng mình sẽ chết vào buổi chiều. Bà không chỉ báo trước cho gia đình mình mà còn bác cho cả làng biết. Bởi vì Amaranta nghĩ rằng một cuộc đời nhỏ mọn đã có thể dừng lại với việc giúp đỡ cho cả bàn dân thiên hạ, và bà cho rằng không có một ân huệ nào lại hay hơn việc mang hộ thư cho những người chết.
Tin tức nói rằng vào lúc hoàng hôn Amaranta Buênđya sẽ ra đi khỏi cõi đời này có nhận mang thư từ cho người chết được truyền đi khắp thị trấn Macônđô và đến ba giờ chiều tại phòng khách đã có một thùng đầy ắp thư. Những ai không muốn viết thì nhờ Amaranta nhắn miệng hộ và bà đã ghi lại trong một cuốn sổ lời nhắn cùng với tên và ngày chết của người được nhận lời nhắn. “Ðừng lo”, bà an ủi những người nhắn tin, “Ðiều tôi làm trước tiên khi đến nơi sẽ là việc hỏi thăm ông ta và tôi sẽ nhắn lại giùm bác”. Dường như đó là một trò hề. Amaranta không hề để lộ một nỗi lo lắng nào, cũng không hề nhăn nhó vì đau đớn, hơn nữa nhiệm vụ được thực hiện còn làm cho bà trẻ ra chút ít. Như mọi bữa, bà vẫn son sẻ và hoạt bát. Nếu như đôi má không nhăn nhúm, và cái miệng không bị rụng mất vài chiếc răng thì chắc hẳn nom bà sẽ bớt già hơn cái hình hài già nua hiện tại. Chinh bà đã ra lệnh rằng cần phải để thư vào một cái hòm sơn và chỉ dẫn cách đặt cái hòm ấy trong ngôi mộ nhừ thếnào để bảo quản nó tốt hơn trước sức phá hoại của hơi ẩm.
Ngay buổi sáng bà đã cho gọi một bác phó mộc tới và bà đứng ở phòng khách để bác ta đo kích thước đóng chiếc quan tài như thể bác phó may vẫn làm để cắt một bộ quần áo vậy. Cái sức lực ấy bỗng sống dậy trong bà ở những phút chót của cuộc đời khiến cho Phecnanđa nghĩ rằng bà đãng trêu chọc, đùa giỡn tất cả mọi người. Ucsula, với kinh nghiệm của bản thân cho thấy những người thuộc dòng họ Buênđya này sẽ chết vô bệnh tật đã không nghi ngờ răng Amaranta nhận được điềm báo của thần chết, nhưng trước hết cụ lại sợ rằng trong cái việc chuyển thư cho người chết và sự nôn nóng muốn cho thư mau đến tay người nhận, người ta sẽ chôn sống Amaranta mất. Thế là cụ đích thân đi đuổi bớt người ta ra khỏi nhà, có lúc cụ phải gào lên để cãi nhau với những kẻ quá ư mặt dạn mày dày, cuối cùng đến bốn giờ chiều cụ cũng đã làm cho ngôi nhà vãn khách đi nhiều. cũng vào giờ ấy, Amaranta phấn phát xong đồ dùng cá nhân của mình cho những người nghèo và bà chỉ để lại trên chiếc quan tài mộc mạc được làm bằng những tấm ván không bào một bộ quần áo sẽ thay và một đôi hài nhung kẻ mà bà sẽ đi trong cõi chết. Cái sự thận trọng ấy không vô ích khi bà nhớ lại rằng lúc đại tá Aurêlianô Buênđya chết, bà đã phải sắm cho ngài một đôi giày mới vì ngài chỉ còn lại có đôi dép lê dùng trong xưởng kim hoàn. Trước lúc năm giờ một ít, Aurêlianô Sêgunđô về tìm Mêmê để cùng đi dự một buổi hoà nhạc và ông ngạc nhiên thấy ngôi nhà đã được chuẩn bị cho đám tang. Nếu có ai đang sống vào giờ này chính lại là Amaranta khoẻ mạnh, người mà thời gian vẫn còn đủ cho bà cắt đi những nốt sần chai trên da dẻ. Aurêlianô Sêgunđô và Mêmê tạm biệt bà bằng những lời chào chế giễu và hứa với bà rằng ngày thứ bảy tới cha con mình sẽ tổ chức một cuộc vui của ngày phục sinh. Bị lôi cuốn bởi những lời đồn của dân chúng nói rằng Amaranta Buênđya đang nhận thư để chuyển đến tay người chết, cha Antômô Isaben mang bánh thánh ban cho người hấp hối tới nhà vào lúc năm giờ và cha buộc phải chờ mười lăm phút để đọi người sắp chết từ nhà tắm đi ra. Khi thấy bà xuất hiện với chiếc áo ngủ bằng vải bông và mái tóc buông xoã ngang lưng thì vị cha cố già lão tin rằng đó là một trò cười rồi lập tức bãi bỏ việc làm lễ sám hối. Tuy nhiên, cha nghĩ rằng cần tranh thủ dịp này để buộc Amaranta xưng tội vì sao hai mươi năm hay không hề đi nhà thờ. Amaranta đã trả lời cha một cách thật giản dị rằng bà thấy chẳng cần phải tham dự bất kỳ một buổi lễ nhà thờ nào vì lương tri mình lúc nào cũng rất trong sạch. Phecnanđa đâm bực bội không cắn phải giữ mồm giữ miệng, đã hỏi thật to rằng Amaranta sẽ còn phạm một tội kinh tởm nào hơn khi bà ta mong muốn một cái chết phạm thánh không chịu xưng tội vì xấu hổ. Thế là Amaranta đi nằm, và buộc Ucsula công khai chứng thực con người trinh tiết của mình.
– Ðừng có mà tưởng nhé, – bà gào thật to cốt để Phecnanđa nghe rõ, – Amaranta Buênđya sẽ đi khỏi thế gian này như đã sinh ra trên thế gian này.
Bà không ngồi dậy nữa. Bà nằm dựa trên gối như thể ốm thực, tết những bím tóc đuôi sam dài rồi cuộn lại ngang tai, như thần chết đã bảo bà rằng nên nằm vào quan tài. Sau đó bà đòi Ucsula mang cho mình chiếc gương, và lần đầu tiên trong bốn mươi năm nay bà nhìn gương mặt xương xấu đi vì tuổi già và đau khổ, và ngạc nhiên thấy nó giống y hệt gương mặt tưởng tượng mà bà tự nghĩ ra cho mình. Qua cái lặng lẽ ngoài hành lang, Ucsula hiểu rằng trời bắt đầu tối.
– Con hãy từ biệt Phecnanđa đi, – cụ khuyên – Một phút làm lành còn hơn cả đời chơi thân với nhau, con ạ.
– Bây giờ thì không cần nữa rồi, mẹ ạ.
Mêmê không thể không nghĩ đến Amaranta khi đèn báo kết thúc phần một đã bật sáng và phần hai đêm biểu diễn sắp bắt đầu. Khi cô chơi được một nửa bản nhạc thì có người nói nhỏ vào tai cho biết tin Amaranta đã từ trần và thế là cuộc vui bị bỏ dở. Khi về tới nhà, Aurêlianô Sêgunđô buộc phải lấy cùi tay hích đám đông để lấy lối vào nhìn mặt tử thi của bà già trinh nguyên, một gương mặt xấu và xám ngoét, bàn tay vẫn mang dải băng đen và cả người được cuốn trong tấm khăn liệm đẹp đẽ. Quan tài được quàn ở phòng khách bên cạnh hòm thư.
Ucsula nằm liệt giường từ sau chín giờ đêm ngày Amaranta chết. Santa Sôphia đê la Piêđat lo chăm nom cụ. Bà mang vào phòng cho cụ nào cơm ăn từng bữa, nào nước rửa hàng ngày và tất cả tin tức xảy ra ở thị trấn Macônđô. Aurêlianô Sêgunđô thường xuyên vào thăm cụ, mang cho cụ áo quần. Cụ để chúng ở đầu giường cùng với những đồ thiết dụng hàng ngày. Vậy là chẳng bao lâu một thế giới các đồ vật được thiết lập trong tám tay cụ. Cụ đã đánh thức được tình cảm kính trọng sâu sắc trong cô bé Amaranta Ucsula, người giống cụ y hệt và là người được cụ dạy học đọc. Cái sáng suốt của cụ, sự hoạt bát đủ để cụ tự phục vụ lấy mình khiến mọi người không nghĩ rằng cụ đã hoàn toàn bị sức nặng của tuổi già một trăm năm đánh bại, và ngay cả việc cụ đi lại phải quờ quạng cũng không một ai nghĩ rằng cụ đã hoàn toàn mũ mắt. Vậy là cụ dành tất cả thời gian, tất cả sự lặng lẽ bên trong tâm hồn để theo dõi cuộc sống trong gia đình và vì vậy cụ là người đầu tiên nhản ra nỗi đau khổ thầm lặng của Mêmê.
– Lại đây chắt, – cụ nói – Bây giờ chỉ có hai chúng ta với nhau thôi, chắt hãy tâm sự cho bà già đáng thương này nghe chuyện gì đã xảy ra với chắt nào.
Với tiếng cười đứt quãng, Mêmê đã lảng tránh buổi nói chuyện. Ussula không nài nỉ nhưng cụ đã đi đến khẳng định những nghi ngờ của mình khi không thấy Mêmê đến thăm nữa. Cụ biết rằng cô trang điểm quá sớm, rằng cô không lúc nào được thư thả tâm hồn trong lúc đợi tới giờ đi chơi, rằng suốt đêm cô quằn quại trên giường ở căn phòng bên cạnh, và rằng cánh bay của một thứ bướm làm day dứt tâm hồn cô. Có lần cụ đã nghe thấy người ta bảo mình rằng cô đi xem phim cùng với Aurêlianô Sêgunđô và Ucsula ngạc nhiên thấy rằng Phecnanđa quá ư nghèo nàn trí tưởng tượng đến mức không nghi ngờ gì khi chồng bà về nhà hỏi con gái đâu. Rõ ràng là Mêmê đang đam mê trong những chuyện bí mật, trong những lời hẹn hò khấn cấp trong những khát vọng bị dồn nén, ngay từ đã lâu rồi trước cái đêm Phecnanđa làm ồn cả nhà về việc bà bắt gặp cô cùng một gã đàn ông đang hôn nhau trong rạp phim…
Lúc này chính Mêmê lại hết sức lo ngại đến mức cô đổ tội cho Ucsula là người đã tố cáo mình. Thực ra chính cô đã tự tố cáo mình. Từ lâu cô đã để lại sau lưng mình một vệt dài nhũng dấu ấn có thể làm thức tỉnh kẻ say ngu nhất, và nếu Phecnanđa quá ư chậm chạp trong việc phát hiện ra những dấu ấn ấy chỉ là vì bà cũng đang tối mày tối mặt vào những chuyện riêng tư với các thầy thuốc không thể nhìn thấy. Tuy vậy bà cũng vừa nhận ra sự im lặng thầm kín, những cú nhảy cẫng không đúng lúc những lúc thay đổi tính tình bất thường và cả những lời cãi cọ của cô con gái. Bà lao mình vào một cuộc dò la tuy không gay gắt nhưng rất kiên trì. Bà để cho cô đi chơi với nhau người bạn gái quen biết xưa nay, giúp cô diện quần áo để đi dự cáo buổi vui ngày thứ bảy, và chẳng bao giờ hỏi cô một câu hỏi không đúng lúc có thể làm cô giật thót. Bà đã có rất nhiều bằng chứng chứng tỏ rằng Mêmê nói một đằng làm một nẻo và bà vẫn nghi ngờ và chờ dịp tốt đến. Có một đêm, Mêmê bảo bà rằng cô đi xem phim cùng với cha. Sau đó ít lâu, Phecnanđa nghe thấy tiếng pháo tiệc tùng và tiếng đàn phong cầm không thể nhầm lẫn của Aurêlianô Sêgunđô ở phía nhà Pêtra Côtêt. Thế là bà vội vàng mặc quần áo để ra đi, bà bướm vào rạp phim và ở phía sau các hàng ghế bà nhận ra ngay con gái mình. Vì quá ư xúc động trước sự thực hiển nhiên nên bà không kịp nhìn gã đàn ông đang cùng con gái mình hôn nhau. Nhưng bà nghe rõ giọng nói run run nổi bật lên trên những tiếng huýt gió và tiếng cười ầm ĩ của công chúng: “Em yêu, anh buồn lắm”. Bà nghe thấy gã nói thế và bà kéo Mêmê đứng dậy, lôi ra khỏi rạp phim mà không nói một lời. Bà làm cho cô ngượng chết người khi dẫn cô đi qua đường Thổ Nhĩ Kỳ vốn ồn ĩ. Rồi bà giam cô trong phòng ngủ.
Vào lúc sáu giờ chiều ngày hôm sau, Phecnanđa nhận ra giọng nói của kẻ đến thăm Mêmê. Ðó là một thanh niên trẻ, da xanh xao vàng vọt, đôi mắt sẫm tối và mơ màng không làm bà ngạc nhiên nhiều như thể bà quen thấy ở những người digan, và cái vẻ mơ màng này đã khiến cho người đàn bà có trái tim ít he khắt biết ngay những lý do làm thay đổi tính tình con gái lình. Anh ta vận quẩn áo vải lanh thông dụng, đi đôi giày ánh xi trắng nom đến thảm hại, tay cầm chiếc mũ rơm mua gáy thứ bảy gần đây. Trong đời mình, anh chưa từng hoảng hốt như trong lúc này, nhưng anh lại có lòng tự trọng và tự chủ, những đức tính quý giá đã cứu anh khỏi rơi vào thế phải quỵ luỵ và anh có một cơ thể cân đối, nhưng chỉ phải đôi tay sần tù và móng tay long tróc vì công việc nặng nhọc. Ðối với Phecnanđa, chỉ thoáng nhìn một lần, cũng đã đủ để bà nhận ra nghề thợ máy của anh. Bà nhận ra rằng anh vẫn mặc bộ quẩn áo duy nhất ngày chủ nhật và bên trong áo sơ mi hiện ra một lớp da bị bệnh ngứa của Công ty chuối làm cho loang lổ, bong vảy. Bà không cho phép anh nói, không cho phép anh bước chân qua cửa mà sau đó bà phải đóng lại ngay vì nhà đã đầy bướm vàng…
– Xéo ngay, – bà đuổi anh, – không việc gì đến anh mà phải tới đây tìm người nào cả. Ở đây toàn là người đứng đắn thôi.
Anh ta tên là Maurixiô Babilônia. Anh đã sinh ra và lớn lên thị trấn Macônđô và là thợ học nghề cơ khí trong các xưởng ủa Công ty chuối. Chỉ nhờ có một buổi chiều cùng với Patrixia Brao đi tìm ôtô để dạo chơi quanh các đồng chuối mà Mêmê quen biết anh một cách ngẫu nhiên. Vì người tài xế ốm nên người ta giao cho anh lái xe đưa các cô đi chơi, và Mêmê đã thoả ước ao ước của mình là ngồi gần tay lái để được tận mắt nhìn anh lái ôtô. Khác với người tài xế thực thụ, Maurixiô Babilônia biểu diễn cho cô xem. Ðó là thời kỳ Mêmê thường có mặt ở nhà ngài Brao và cũng là thời người ta còn khinh thị đàn bà lái tô. Vậy mà Mêmê chỉ bằng lòng với việc học lý thuyết và trong vài tháng liền cô không tới thăm Maurixiô Babilônia. Nhưng sau đó ít lâu có thể cô đã nhớ rằng trong lúc đi chơi cái thân thể cường tráng rất đẹp ngoại trừ đôi bàn tay thô kệch của anh đã làm cô phải chú ý, nhưng sau đó cô lại bình phẩm với Patrixia Brao về sự khó chịu của mình do lòng tự tin có phần kiêu hãnh của anh gây ra. Ngày thứ bảy đầu tiên đi xem phim cùng cha mình, cô lại thấy Maurixiô Babilônia vẫn mặc bộ quần áo lanh ngồi cách không xa họ lắm, và cô cảm thấy anh không hào hứng theo dõi phim để quay đầu lại nhìn mình, không chỉ để nhìn cô mà còn để cho cô biết rằng anh đang nhìn cô. Mêmê khó chịu trước kiểu chơi thô lỗ ấy. Ðến cuối buổi xem phim, Maurixiô Babilônia đến gần để chào Aurêlianô Sêgunđô và chỉ đến lúc này Mêmê mới biết rằng họ quen nhau, bởi vì anh từng làm việc trong nhà máy phát điện đầu tiên ở thị trấn Macônđô của Aurêlianô Tristê và anh cư xử với cha cô với thái độ của kẻ bề dưới. Chính việc mắt thấy tai nghe này đã xoa dịu nỗi khó chịu mà thái độ tự kiêu của anh đã gây ra cho cô. Họ đã không gặp riêng nhau, cũng chẳng trao đổi với nhau lời nào ngoài những lời chào hỏi xã giao, nhưng cái đêm cô mơ thấy anh cứu mình thoát khỏi chết đuối thì cô không biết ơn mà còn nổi cáu với anh. Vì giấc mơ ấy cho thấy cứ như là cô đã cho anh cơ hội mà anh hằng ao ước, trong khi Mêmê ao ước điều ngược lại, không chỉ với Maurixiô Babilônia mà còn với bất kỳ người con trai nào yêu mến cô. Vì vậy mà cô giận anh quá tới mức sau giấc mơ đáng lẽ ghét bỏ anh thì cô lại thấy cần phải đi gặp anh ngay. Sự háo hức muốn gặp lại anh ngày một da diết hơn trong suốt tuần lễ. Và ngày thứ bảy đã đến quá ư gấp gáp tới mức cô phải cố gắng lắm để cho Maurixiô Babilônia, vào lúc chào mình ở rạp phim, không nhận thấy trái tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực cô. Do mất bình tĩnh trước cảm giác lẫn lộn giữa vui và giận, lần đầu tiên cô chìa bàn tay cho anh và chỉ lúc này Maurixiô Babilônia mới tự cho phép xiết chặt tay cô. Trong một tích tắc Mêmê bắt đầu cảm thấy ân hận vì sự dấn thân của mình, nhưng nỗi ân hận ngay lập tức chuyển thành một tình cảm mãn nguyện mãnh liệt khi biết rằng bàn tay anh cũng nhơm nhớp mồ hôi và lạnh buốt. Ðêm ấy cô hiểu rằng mình sẽ chẳng có lấy một phút thanh thản nếu như chưa chứng tỏ cho Maurixiô Babilônia sự trống trải của tâm hồn mình và thế là suốt tuần cô cứ quẩn quanh vơ vẩn trong nỗi khát khao ấy. Cô tìm mọi thủ đoạn để nhờ Patrixia Brao đưa mình đi tìm chiếc ôtô nhưng vô ích. Cuối cùng cô phải nhờ đến chàng thanh niên người Mỹ tóc đỏ, người tới Macônđô nghỉ hè cùng gia đình, và lấy cớ xem những kiểu ôtô mới cô buộc anh chàng dẫn mình tới xưởng cơ khí. Kể từ lúc nhìn thấy anh, Mêmê không còn tự lừa dối mình nữa và hiểu rằng trong thực tế cô không thể ghìm nổi nhưng ao ước được ở một mình bên cạnh Maurixiô Babilônia, nhưng cái điều chắc tin rằng anh đã hiểu được lòng mình khi vừa nhìn thấy mình đã làm cho cô nổi cáu.
– Tôi đến để xem các kiểu ôtô mới, – Mêmê nói.
– Ðó cũng là một lý do nghe được đấy, – anh nói.
Mêmê biết rằng mình đang bị rang nóng lên trong ngọn lửa kiêu hãnh của anh và cô vội tìm cách làm nhục anh. Nhưng anh đã không để cho cô có thời gian. “Cô đừng giật thốt nhé”, anh nói nhỏ nhẹ: “Chẳng phải là lần đầu tiên một người đàn bà phát điên lên vì một người đàn ông đâu”. Cô cảm thấy bị xúc phạm quá mức đến nỗi cô bỏ xưởng cơ khí ra đi không thèm xem các kiểu ôtô mới và đêm ấy cô cứ trằn trọc giở mình trên giường để mà khóc vì nỗi tấm tức trong lòng. Chàng thanh niên Mỹ tóc đỏ, mà thực ra lúc này đã bắt đầu thích cô, cảm thấy cô là một đứa con nít. Ðó là thời kỳ cô bắt đầu nhận ra những con bướm vàng báo hiệu sự có mặt của Maurixiô Babilônia. Trước đó cô đã nhìn thấy chúng, đặc biệt là ở xưởng cơ khí, và cô nghĩ rằng chúng bị mùi sơn kích thích mà bay tới. Có một vài lần cô cảm thấy chúng bay lượn ngay trên đầu mình ở trong rạp phim. Nhưng khi Maurixiô Babilônia bắt đầu theo đuổi cô giống như một bóng ma mà chỉ một mình cô nhận ra giữa đám đông, thì cô hiểu rằng những con bướm vàng này có mối liên hệ mật thiết với anh. Maurixiô Babilônia luôn luôn có mặt ở giữa đám đông trong các buổi hoà nhạc, trong rạp phim, trong lễ mixa và cô chẳng cần phải nhìn thấy anh mới phát hiện ra anh vì những con bướm vàng đã chỉ chỗ anh đứng. Có một lần, Aurêlianô Sêgunđô cảm thấy khó chịu lắm trước cánh bay rộn ràng đến ngạt thở của những con bướm vàng, do đó cô cảm thấy náo nức muốn bộc lộ với ông chuyện thầm kín của mình như đã hứa, nhưng bản năng lại mách cho cô biết rằng lần này- ông sẽ không cười như mọi bận. “Mẹ con sẽ nói gì khi bà ấy biết mặt hắn”. Có một buổi sáng, trong lúc hai mẹ con đang tỉa cành các khóm hồng, Phecnanđa bỗng hoảng hốt gào toáng lên và vội vàng kéo Mêmê đi khỏi chỗ đang đứng vì đó chính là vườn hoa mà Rêmêđiôt – Người đẹp đã bay lên trời. Bà thoáng có cảm giác rằng phép màu nhiệm lại sẽ xảy ra với con mình vì tiếng bay vù vù bỗng chốc xuất hiện làm bà giật thót. Ðó là tiếng bay của những con bướm vàng. Mêmê nhìn thấy chúng như thể kháng vừa sinh ra trong ánh sáng, và trái tim cô đập rộn ràng. Vừa lúc đó Maurixiô Babilônia xuất hiện, tay bưng một cái hộp, mà theo lời anh nói, là quà tặng của cô Patrixiacá Brao. Mêmê cố lấy vẻ tự nhiên, kìm bớt cho mặt mình khỏi đỏ ửng, nén bớt cơn bão lòng, cho đến khi nhoẻn được một nụ cười điềm nhiên để nhờ anh làm ơn đặt hộ nó lên bao lơn hiên nhà vì tay mình lấm đất. Ðiều duy nhất Phecnanđa ghi nhận người đàn ông mà mấy tháng sau này bà không cho bước vào nhà, và không hề nhận ra đã có lần nhìn thấy anh ta rồi, là nước da xanh xao vàng vọt của anh.
– Ðó là một người đàn ông quái dị, – bà nói. Nhìn mặt là biết ngay anh ta sẽ chết.
Mêmê nghĩ rằng mẹ mình thích thú những con bướm ấy. Khi hai mẹ con tỉa hồng xong, cô đi rửa tay rồi mang hộp quà vào phòng riêng để mở. Ðó là một thứ đồ chơi của Tàu, gồm năm cái hộp đồng tâm, và ở hộp trong cùng có một thiếp được một người hầu như vừa biết viết vẽ chữ rất nắn nót: “Chúng ta sẽ gặp nhau vào ngày thử bảy ở rạp phim”. Mêmê cảm thấy mình thật ngớ ngẩn đã để hộp quà quá lâu ở bao lơn ngay trước con mắt tò mò của Phecnanđa, dù cho lúc này cô đang mãn nguyện trước đức tính khôn khéo và mạnh bạo của Maurixiô Babilônia, trước tính ngây thơ của anh đang khích lệ cô thực hiện lời hẹn hò. Kể từ đó Mêmê biết rằng Aurêlianô Sêgunđô đã có lời hẹn hò với nhân tình vào đêm ngày thử bảy. Tuy nhiên, ngọn lửa thèm khát đang như nung đốt cô suốt cả tuần lễ và do đó ngày thứ bảy cô đã thuyết phục được cha mình hãy để cô một mình ở rạp phim và sẽ đến đón cô khi buổi chiếu kết thúc. Một con bướm bay bay trên đầu cô trong lúc đèn đang chiếu sáng. Thế là câu chuyện bắt đầu từ đấy. Khi đèn tắt hết, Maurixiô Babilônia ngồi xuống bên cạnh cô. Mêmê cảm thấy mình đang lặn ngụp trong một đầm lầy đau khổ và chỉ một người đàn ông nồng nặc mùi dầu máy mới có thể giải thoát cô khỏi nó.
– Nếu em không đến, – anh nói, – sẽ chẳng bao giờ em còn được thấy anh nữa.
Mêmê cảm nhận sức nặng của bàn tay anh đặt lên đẩu gối mình và cô biết rằng trong lúc ấy cả hai cùng đi đến bờ bên kia của nỗi trống trải.
– Ghét anh lắm cơ, – cô mỉm cười, – vì lúc nào anh cũng nói điều không nên nói.
Cô lại phát điên phát cuồng vì anh. Cô mất ngủ, mất ăn và ngày một chìm sâu trong nỗi cô đơn đến mức cha cô đã trở thành một vật chắn cho cô. Cô bày đặt cả một mạng nhện chằng chịt những lời hứa suông để đánh lừa Phecnanđa, không đến thăm các bạn gái, vượt qua mọi lệ tục để đến gặp Maurixiô Babilônia vào bất cứ lúc nào và bất kỳ ở đâu. Thoạt đầu vẻ thô thiển của anh làm cô khó chịu. Lần đầu tiên gặp riêng nhau, ngay ở ngoài bải trống ở sau xưởng cơ khí, anh đã vần cho cô mệt lử mà không chút thương hại. Phải mất một thời gian cô mới vỡ lẽ rằng đó cũng là một hình thức mơn trớn, và vì nó mà cô nôn nóng được gặp anh. Cô sống chỉ vì anh, chỉ vì nỗi khát khao muốn đắm mình trong hơi thở nồng nặc mùi dầu của anh.
Trước khi Amaranta chết ít lâu, trong lúc đang yêu cuồng say, cô bỗng bắt gặp một tia sáng trí tuệ và cô đâm run sợ trước tương lai của mình. Lúc ấy cô nghe nói về một người đàn bà có tài bói bài và cô đã bí mật tìm đến người ấy. Ðó là Pila Tecnêra.
Ngay từ lúc nhìn thấy cô bước vào nhà, bà lão này đã biết ngay lý do xem bói của Mêmê. “Nào, ngồi xuống nào”, bà lão nói: “Ta chẳng cần đến các quân bài mới xem được tương lai của một người thuộc dòng họ Buênđya”. Mêmê không biết, và mãi mãi không biết, rằng cái cô đồng một trăm tuổi kia lại chính là cụ cố của mình. Cô cũng đã không tin vào thực tế khủng khiếp mà cô đồng đã chứng minh cho cô biết: nỗi thèm khát yêu đương chỉ được giải quyết ở trên giường. Ðó chính là quan điểm của Maurixiô Babilônia, nhưng Mêmê cố không cho phép anh, bởi trong thâm tâm cô đoán rằng nỗi thèm khát của mình đã được nảy nở bởi ý nghĩ tồi tệ của người công nhân cơ khí ấy. Lúc này cô nghĩ rằng một tình yêu kiểu này sẽ đánh đổ tình yêu kiểu kia, bởi vì cô biết tỏng tư chất của những người đàn ông sẽ hết đói một khi được ăn thoả mãn. Pila Tecnêra không những chỉ an ủi cô mà còn cho cô mượn chiếc giường cũ nơi bà lão hoài thai Accađiô, người ông nội của Mêmê, và sau đó hoài thai Aurêlianô Hôsê. Ngoài ra bà lão còn dạy cô tránh thụ thai bằng cách ngửi hơi thuốc cao lá mù tạc như thế nào và cho cô những bài thuốc uống mà trong những trường hợp gay cấn nhất chúng cũng tống ra “cả những nỗi dằn vặt của lương trì”. Cuộc trao đổi tâm tình ấy đã truyền cho Mêmê chính tình cảm mạnh bạo mà cô đã thể hiện trong đêm say rượu. Tuy nhiên, cái chết của Amaranta đã buộc cô phải trì hoãn thực hiện quyết định táo bạo của mình. Trong khi lễ tang kéo dài suốt chín ngày, cô không phút nào chịu rời khỏi Maurixiô Babilônia, người thường trà trộn trong đám đông ùa vào nhà. Sau đó vì thời gian để tang kéo dài và vì bắt buộc phải ở nhà, hai người không gặp nhau ít lâu Ðó là những ngày của lòng nôn nao, của những thèm khát không thể kìm được, của những ước muốn bị dồn nén quá mức đến nỗi ngay buổi chiều mà Mêmê được phép ra khỏi nhà cô đã đến thẳng nhà Pila Tecnêra. Cô đã hiến thân cho Maurixiô Babilôna, hiến thân mà không hề kháng cự, không xấu hổ, không kiểu cách và hiến thân với một thiên hướng quá dễ dãi và một trực giác quá thông hiểu đến mức một người đàn ông đa nghi như người của cô hẳn sẽ phải nhầm lẫn chúng với một kinh nghiệm từng trải. Bọn họ làm tình với nhau mỗi tuần hai buổi trong hơn ba tháng trời. Các cuộc mây mưa vụng trộm này đã được Aurêlianô Sêgunđô đồng tình che chở cốt để được thấy cô con gái thoát khỏi sự quản thúc ngặt nghèo của bà mẹ.
Cái đêm Phecnanđa bắt quả tang bọn họ đang hôn nhau trong rạp thiếu phim, Aurêlianô Sêgunđô cảm thấy ngột ngạt vì sức đè của lương tri mình và ông đã vào thăm Mêmê trong phòng, nơi cô bị Phecnanđa nhốt, và hy vọng rằng cô sẽ chia sẻ niềm tin mà ông đang còn chịu ơn cô. Nhưng Mêmê đã từ chối tất cả. Cô quá tin tưởng ở bản thân, quá bám chặt vào nỗi cô đơn của mình đến mức Aurêlianô Sêgunđô có cảm giác giữa họ chẳng còn một mối liên hệ nào, rằng tình thân cha con cũng như sự đồng loã của họ chỉ còn là một ảo ảnh của quá khứ. Ông nghĩ sẽ nói chuyện với Maurixiô Babilônia và đinh ninh rằng quyền lực ông chủ cũ của mình sẽ buộc anh ta phải từ bỏ mọi ý định, nhưng Pêtra Côtêt lại thuyết phục ông rằng đó là chuyện của bọn đàn bà con gái. Vì thế mà ông đâm ra lưỡng lự không biết sẽ quyết định như thế nào và hầu như ông chỉ còn hy vọng rằng việc nhốt kín Mêmê trong phòng sẽ chấm dứt được những nỗi khổ tâm của cô con gái.
Mêmê không hề để lộ nỗi đau khổ của mình. Trái lại, từ phòng bên cạnh Ucsula cảm nhận hơi thở nhịp nhàng của cô trong khi ngủ, sự bình thản trong những công việc thường ngày cô làm, cái trật tự đều đặn của những bữa cô ăn và sức tiêu hoá khoẻ mạnh của cô. Việc duy nhất khiến Ucsula băn khoăn sau gần hai tháng cô bị phạt giam, là việc Mêmê không tắm vào buổi sáng như trước đây cô vẫn thường tắm mà cô lại tắm vào lúc bảy giờ tối. Có lần cụ nghĩ sẽ phải nhắc nhở Mêmê đề phòng bọ cạp, nhưng vì cô rất khó chịu với cụ bởi tự nghĩ rằng cụ đã tố cáo cô nên cụ không muốn làm cho cô chắt phải suy nghĩ lao lung trước những lời nói không đúng lúc của mình. Ngay từ chiều, bướm vàng lại vào đầy nhà. Tối nào cũng vậy, cứ ra khỏi nhà tắm, Mêmê lại bắt gặp Phecnanđa đang hoảng hốt giết bướm vàng bằng ống bơm thuốc muỗi. “Ðây là một nỗi bất hạnh”, bà nói, “Cả đời ta chỉ nghe thấy người ta bảo bướm đêm gọi vận rủi tới nhà”. Một tối nọ, trong lúc Mêmê đang ở trong nhà tắm, Phecnanđa ngẫu nhiên bước vào phòng cô và bà thấy trong phòng đông đặc bướm vàng đến mức hầu như không còn không khí để mà thở nữa. Thế là bà vớ quàng lấy bất cứ tấm quần áo nào để xua đuổi chúng và trái tim bà bỗng nhói lạnh khi liên hệ những buổi tắm tối của con gái mình với những lá cao mù tạc nằm lăn lóc trên sàn nhà. Bà không đợi dịp tốt như trước đây bà đã đợi. Ngày hôm sau, bà tức tối mời ngài thị trưởng mới đến nhà dùng cơm trưa với gia đình. cũng như bà, ông ta vừa từ vùng cao xuống sống ở miền duyên hải. Bà nhờ ngài cho lính đến gác đêm ở sân sau, bởi vì ít lâu nay kẻ trộm đang rinh ăn trộm gà. Ngay đêm ấy, lính gác đã bắn trúng Maurixiô Babilônia khi anh lật ngói để chui vào nhà tắm nơi Mêmê đang đợi anh. Nàng khoả thân và đang run lên vì tình giữa những con bò cạp và đàn bướm vàng như nàng vẫn làm vào hầu hết các buổi tối trong những tháng gần đây. Một viên đạn găm vào cột sống buộc anh suốt đời nằm liệt trên giường.
Anh chết già trong nỗi cô đơn, không một tiếng rên rỉ, không một lời chửi bới, không một âm mưu bội phản. Anh mòn mỏi sống trong hoàn cảnh bị những kỷ niệm dằn vặt và đàn bướm vàng không để cho anh có lấy một phút yên tĩnh. Anh bị xã hội bỏ rơi vì là một tên ăn trộm gà.