Đọc truyện Trâm Iii: Tình Lang Hờ – Chương 47: Đào Hông Mân Thắm
Cha mẹ Tề Đằng đều đã qua đời, tuy còn họ hàng nhưng đều rất xa, lại chẳng có thế lực gì, nên khi Hoàng Tử Hà và Chu Tử Tần đến, chỉ thấy mấy người họ xa đang tranh giành gì đó, xem chừng rất gay gắt dữ dội, tựa hồ ai nấy đều coi đồ vật trong nhà hắn là của mình.
Chu Tử Tần tròn mắt kinh ngạc, lao vào giữa đám tranh chấp quát lên: “Ai là quản gia ở đây? Mau bước ra cho quan phủ hỏi chuyện!”
Mấy người kia thoáng sững lại, rồi không hẹn mà cùng quay ngoắt đi, thoăn thoắt thu nhật đồ đạc.
Hoàng Tử Hà bước ra giữa giếng trời, quát lớn: “Các ngươi nghe đây! Vụ án của Tề Đằng hết sức nghiêm trọng, hiện giờ quan phủ đã niêm phong hết mọi vật trong nhà! Kẻ nào dám đem đồ đạc đi, tức là tự ý chiếm đoạt của công, cản trở quan phủ tra án! Nhẹ thì phạt trượng, nặng thì phạt tù, ai dám thu gom nữa?”
Đám người kia nghe vậy thì giật bắn mình, hối hả bỏ những thứ trong tay xuống, ngoan ngoãn lùi lại dưới hành lang, còn xòe hai tay ra, tỏ ý mình không giấu giếm gì cả.
Hoàng Tử Hà lại thét: “Quản gia đâu? Ai quản chỗ này?” Một ông già đứng cạnh cửa cũng đang xòa tay ra hớt hải chạy đến, khom người thưa: “Tiểu nhân Tê Phúc, thường ngày cai quản mọi chuyện trong ngoài ở đây, tham kiến hai vị quan gia!”
“Lão quản gia, mời qua đây nói chuyện.” Hoàng Tử Hà ra hiệu cho lão theo mình sang sảnh bên.
Sảnh nhỏ này bài trí rất đặc biệt, trước mặt là một hòn giả sơn nhỏ, dưới giả sơn có nước chảy, rêu bám xanh mặt đá, còn trồng một gốc quế xanh um.
Tề Phúc rót trà cho hai người rồi than vãn: “Tiểu nhân và Tề phán quan là họ hàng xa, năm ngoái đại nhân về quê, gặp tiểu nhân, thấy tiểu nhân cũng thông hiểu nhân tình, bèn nói sau khi mình nhậm chức phán quan, cần một người có năng lực bên cạnh, nên đưa tiểu nhân tới đây giúp đại nhân thu xếp công chuyện. Lúc tiểu nhân tới, thấy trong phủ ngoài mấy người họ hàng cùng đến với mình ra thì chẳng có ai cả. Té ra viên quản gia trước đây có tính tắt mắt nên đã bị đuổi đi cùng mấy tên nô bộc. À, đám người ở đằng trước, đều là người trong họ tiểu nhân dắt từ quê lên đấy.”
Chu Tử Tần liền hỏi: “Là người một họ, sao hôm qua Tề phán quan vừa chết, hôm nay các ngươi đã hùa vào xâu xé của cải?”
Tề Phúc cười gượng: “Chuyện này… Dù sao Tề phán quan cũng không có họ hàng gần, đợi những người khác trong tộc đến, chẳng phải vẫn chia hết ư… Chúng tôi hằng ngày hầu hạ đại nhân, không có công cũng có sức, lấy nhiều một ít cũng là hợp lẽ thôi mà, hà hà…”
Trước thái độ ngang nhiên của lão, Chu Tử Tần cũng đành bó tay.
Hoàng Tử Hà lại hỏi: “Chẳng hay hằng ngày Tề Đằng hay qua lại với ai?”
“Hằng ngày đại nhân rất bận, sáng sớm ra đi tối mịt mới về, thời gian còn lại đều ở phủ tiết độ. Còn trẻ như vậy đã làm đến phán quan, chẳng phải rất tài giỏi ư? Họ Tề chúng tôi bao nhiêu năm nay mới có một người làm quan to thế đấy…”
Hoàng Tử Hà khăng khăng lái câu chuyện lại chủ đề cũ: “Lão nghĩ kỹ lại xem, hằng ngày trừ người phủ tiết độ, Tề đại nhân có giao du với ai nữa không? Chuyện này liên quan mật thiết đến vụ án mạng của Tề phán quan, mong lão giúp cho.”
Tề Phúc bấy giờ mới nghĩ ngợi rất lung, rồi đáp: “Đại nhân thường đi gặp Mộc Thiện đại sư đàm luận Phật pháp, Mộc Thiện đại sư cũng từng đến phủ dùng cơm, chuyện này… có tính không?” Lại là Mộc Thiện đại sư. Hoàng Tử Hà liền hỏi: “Tề phán quan cũng say mê Phật pháp?”
Tề Phúc bối rối đáp: “Tiểu nhân không rõ lắm, đến Mộc Thiện đại sư ở chùa nào tiểu nhân còn không biết nữa là.”
“Ngoài Mộc Thiện đại sư ra còn ai không?”
Tề Phúc lộ vẻ phân vân, chừng như không mấy am hiểu về các mối quan hệ hằng ngày của Tề Đằng.
Hoàng Tử Hà đành hỏi sang câu khác: “Lão có ấn tượng gì về người tên Vũ Tuyên không?”
Tề Phúc ồ lên rồi đáp: “Có, đúng là có! Người này từng ở lại đây hai ba hôm, hình như là tự sát, được đại nhân cứu về. Bấy giờ Mộc Thiện đại sư cũng tới thăm, hôm ấy ba người họ ở trong phòng trò chuyện, chẳng rõ xảy ra chuyện gì, đại nhân thình lình đập vỡ cả bình sứ nuôi cá, còn đòi Vũ thiếu gia trả cá cho mình!”
Cá. Hoàng Tử Hà nhạy bén tóm ngay lấy điểm này, hỏi dồn: “Nghe nói Tề phán quan thích nuôi cá?”
“Thích ư? Tiểu nhân thấy cũng không hẳn. Có điều đại nhân rất tự hào về con cá mình nuôi, thường khoe là do Mộc Thiện đại sư tình cờ tìm được ở kinh thành, đem về tặng cho, có xuất xứ từ Tây Vực, rất hiếm thấy ở Trung Thổ.”
“Tề đại nhân đòi Vũ Tuyên trả cá, chẳng lẽ trước đó đã tặng cho Vũ Tuyên hay sao? Con cá quý như thế mà đành lòng đem tặng kẻ khác ư?”
“Đúng thế, xem ra quan hệ giữa đại nhân và Vũ công tử chưa thân tới mức đó, mà tiểu nhân cũng cảm thấy đại nhân quý con cá kia như vậy, khó lòng đem tặng người khác được. Đại nhân từng khoe với bọn tiểu nhân rằng giống cá này có thể sống đến trăm tuổi, khi nào chết đi sẽ đặt một vò nước trong mộ, thả nó vào để nó đi theo đại nhân… Giờ nghĩ lại mới thấy câu này đúng là nói gở, thảo nào…” Tề Phúc than thở, ra vẻ buồn rầu đau xót, song mắt lại lấm lét liếc các đồ bày biện trong sảnh, đặc biệt là những món khảm ngọc, nạm bạc, dát vàng, chỉ thiếu điều chưa rỏ dãi mà thôi.
Hoàng Tử Hà hỏi thêm vài chuyện về Vũ Tuyên, song Tề Phúc chỉ nhớ láng máng, kể rằng họ Vũ tạm trú lại mấy ngày, cứ nằm dài bất động, y như người chết, đến khi hơi tỉnh táo thì được người hầu ở nhà tới đón về. Từ lúc đến tới khi về, lão không nghe thấy Vũ Tuyên hé răng nửa lời.
Thấy lời kể của lão cũng chẳng có manh mối gì, Hoàng Tử Hà liền hỏi: “Thường ngày Tề phán quan làm việc ở đâu? Có để lại giấy tờ gì không?”
“Đều ở cả trong thư phòng, xin các vị theo tiểu nhân.” Tề Phúc quay người dắt họ tới một gian gác nhỏ ở phía sau. Bên trong có giá sách, trên tường treo mấy bức họa vẽ nguyệt quế, đỗ quyên, thủy tiên và thông xanh.
Hoàng Tử Hà đứng trước bức họa thông, thấy bên dưới ba bốn cội thông xanh biếc, cong cong đầy khí thế, có một người đang ngồi đàn. Kẻ đó đặt đàn lên đầu gối, mười ngón khẽ đưa, bên cạnh viết hai câu “Vì ta gảy một bận, như nghe muôn suối thông.”*
(*Trích trong bài “Nghe nhà sư Tuấn ở đất Thục gảy đàn” của Lý Bạch)
Chu Tử Tần đứng phía sau quan sát bức tranh rồi nhận xét: “Hình như… hơi kỳ quái.”
“Đúng là hơi kỳ lạ, nếu treo một bức họa tú cầu ở đây có lẽ hợp lý hơn.”
Tề Phúc đứng bên nghe vậy bèn chen vào: “Đúng thế, lúc trước ở đây từng treo một bức họa tú cầu.”
“Giờ nó ở đâu?” Chu Tử Tần hỏi.
“Tiểu nhân không biết… chẳng biết từ lúc nào bức họa tú cầu đã đổi thành cội thông. Hai vị đợi cho một lát.” Nói rồi, Tề Phúc ra cửa gọi to: “A Quý, A Quý lại đây!”
Một thiếu niên chừng mười bốn mười lăm chạy đến: “Bác Phúc, sao thế ạ?”
“Ngươi lo dọn dẹp thư phòng của đại nhân đúng không? Bức tranh tú cầu treo ở đó đâu rồi?”
Thiếu niên nghiêng đầu ngạc nhiên nhìn bức tranh thông: “Cháu nào có biết? Không chừng đại nhân thích bức thông hơn nên đổi đó.”
“Được rồi, biến đi!” Tề Phúc xua tay đuổi thiếu niên đi rồi quay sang cười trừ với họ: “Xem ra là đại nhân tự đổi, bọn người hầu chúng tôi phải thuận theo thôi.”
Xem chừng Tề Đằng quản lý không nghiêm, người vừa nằm xuống trong nhà đã loạn lên, chẳng có cách nào tra xét cả.
Hoàng Tử Hà đành ra hiệu bảo Tề Phúc lui ra, để mình và Chu Tử Tần ở lại trong phòng lục soát. Thoạt tiên, Chu Tử Tần chạy ngay đến lục lọi giá sách và ngăn tủ, còn Hoàng Tử Hà đi lòng vòng, tình cờ trông thấy một thứ trong sọt giấy vụn, bèn tiện tay nhặt lên.
Là một túi tiền màu lam thẫm. Kiểu dáng cũ kỹ, màu sắc đã phai, đóa thanh anh thêu bên trên khá cứng, trông chẳng mấy sinh động, thoạt trông đã biết là người thêu vụng.
Hoàng Tử Hà giơ cái túi lên săm soi. Chu Tử Tần cũng sán lại nhìn ngó rồi nhận xét: “Chắc là túi cũ, phai màu nên Tề Đằng vứt đi.”
Hoàng Tử Hà lắc đầu: “Chỉ phụ nữ mới thêu hoa thanh anh lên túi, ngụ ý mong cho con đàn cháu đống. Công tử nghĩ Tề phán quan chịu dùng loại hoa văn này sao?”
Chu Tử Tần ngượng nghịu gãi đầu: “Nhưng các cô nương đời nào chịu dùng màu già thế này?”
“Các cô nương chê, nhưng phụ nữ đứng tuổi ắt sẽ dùng, phải không nào?”
Chu Tử Tần há hốc miệng: “Nói vậy đây là… di vật của mẹ Tề Đằng ư?”
Hoàng Tử Hà ngán ngẩm: “Vứt di vật của mẹ vào sọt giấy vụn sao? Huống hồ Tề phán quan là con nhà gia thế, Tề phu nhân lại dùng loại túi thêu vụng thế này ư? Nhất định phải coi thứ này là di vật à?”
Chu Tử Tần chớp mắt hỏi: “Thế thì…”
“Công tử không nhớ ư, Thang Thăng, cháu ruột Thang Châu Nương từng kể rằng bà ta lôi túi tiền ra nửa chừng thì nhét trở vào, nói là để về đánh một đôi trâm bạc. Nhưng sau khi bà ta chết, liệt kê các đồ vật đem theo người thì không thấy túi tiền đâu cả, đúng không?”
Chu Tử Tần tức thì vỡ lẽ: “Hung thủ đẩy Thang Châu Nương xuống núi, lấy mất túi tiền!”
“Rất có khả năng đó chính là cái túi này.” Hoàng Tử Hà cầm cái túi rỗng không nhận xét.
“Nhưng Tề phán quan thiếu gì tiền, sao phải cướp của một u già?” Nghĩ đoạn, Chu Tử Tần lại nói: “… Có lẽ là kẻ khác thấy tiền nổi lòng tham, cướp của giết người rồi vứt túi lại, Tề phán quan vô tình nhặt được.”
“Nếu bị cướp, nhất định tay nải sẽ bị lục tung, sao quần áo bên trong vẫn gấp ngay ngắn như thế được? Rõ ràng kẻ ấy nhắm vào cái túi này, sau khi khống chế Thang Châu Nương thì lấy đi túi tiền trong tay nải, rồi xô bà ta xuống vực.”
Chu Tử Tần vọt miệng: “Là Thang Thăng!”
Hoàng Tử Hà rầu rĩ: “Nếu Thang Thăng hung tàn thì lúc ở ngõ Song Hỉ, thấy bà ta nhét túi tiền vào người đã cướp luôn rồi, cần gì phải bám theo bà ta đi xa như thế để giết người cướp của?”
“Nhưng tại sao Tề phán quan phải cướp túi tiền của Thang Châu Nương? Cướp được rồi vì sao lại vứt đi?”
“Đương nhiên cái túi chẳng có gì quan trọng, nhưng vật bên trong thì khác… Nói không chừng, sẽ vạch trần thân phận của mình.”
Nói rồi, Hoàng Tử Hà nhét cái túi vào tay gã.
Chu Tử Tần lẹ làng cất đi, vừa ngẩng đầu nhìn ra ngoài đã kéo áo cô, rối rít: “Sùng Cổ, trông kìa.”
Hoàng Tử Hà thấy bọn Tề Phúc lại đang len lén giấu mấy món đồ đáng giá đi, thì thuận miệng nói: “Được rồi, tìm thứ chúng ta cần trước đã.”
“Nhưng chúng ta cần cái gì cơ?” Chu Tử Tần hoang mang theo cô lật tìm.
Hoàng Tử Hà rút từ chồng giấy ra một tờ đã ngả vàng đặt xuống trước mặt gã: “Ví như cái này.”
Chu Tử Tần vừa trông thấy đã sáng mắt lên: “Thủ bút của Chung Hội sao?”
“Hơn nữa còn được viết vào mùng chín tháng Mười hai năm Gia Bình thứ nhất, lạc khoản đề ‘thượng thư lang Chung Hội’.” Hoàng Tử Hà đặt tờ giấy lên bàn, “Hẳn là Ôn Dương đã mời Vũ Tuyên đến xem thứ này.”
“Lạ thật… vật này đáng lẽ của Ôn Dương kia mà? Sao lại ở đây?” Chu Tử Tần cầm tờ giấy lên xem, rồi ngó sang mấy tờ giấy viết thư trong tay cô: “Gì nữa đấy?”
Hoàng Tử Hà tiện tay trải chúng ra trước mặt gã: “Giấy kim nhũ, giấy hoa tiên Tiết Đào, phong bì đào hoa, công tử thử nói xem?”
Chu Tử Tần châu đầu lại xem xét thì thấy mùi son phấn xộc vào mũi. Gã bối rối hỏi: “Đây có phải… thư tình không?”
“Đúng thế, hơn nữa còn là thư của gái lầu xanh.” Hoàng Tử Hà rút một bức ra xem, thấy viết:
Bên gối nghe chim khách, lười trở dậy ngó ra. Cả ngày điềm lành đến, người thương thấy đâu mà.
Thủ bút của Quyên Quyên ở Trường Xuân Uyển mùa Đông.
Chu Tử Tần lộ vẻ cảm động: “Tuy thơ không hay, nhưng tình ý bên trong rất tha thiết…”
“Loại thơ này do họ thuê một người võ vẽ biết ít chữ làm cho mỗi cô một bài, khi nào gặp khách phong nhã, các cô sẽ đem ra dùng, vớt vát lấy cái danh tài nữ.” Nói rồi Hoàng Tử Hà lại rút mấy tờ khác ra xem, quả nhiên đều là những câu sáo, nhớ chàng oán chàng đợi chàng mong chàng vân vân, lạc khoản đằng sau toàn là “Lan Lan viết lúc nửa đêm tỉnh mộng”, “Nguyên Nguyên thử bút dưới nến hồng”, “Tiểu Ngọc họa vần sau khi trang điểm”, bức sau tha thiết chân thành hơn bức trước, quả là rung động lòng người.
Chu Tử Tần xem một lúc thì ngừng, vừa mừng vừa sợ: “May mà Tử Yên chưa gả cho hạng người này, bằng không chẳng tức mà chết ư.”
Hoàng Tử Hà tò mò hỏi: “Vị hôn phu đã qua đời, giờ chắc lệnh muội đau lòng lắm nhỉ?”
“Không đâu, nó đang xem xét chọn người khác ấy.” Chu Tử Tần đang nói thì ngừng lại, rút trong xấp thư ra một tờ giấy tuyết tiên trắng, “Ồ… bức này có vẻ lạ.”
Hoàng Tử Hà cầm lên xem, thấy trên nền giấy tuyết tiên lờ mờ hoa văn kỷ hà màu lam rất trang nhã, toát lên vẻ thanh tao khác hẳn mấy loại giấy in hoa liễu vấn vít kia.
Bài thơ trên đó cũng không giống những bài trước.
Từng oán nỗi chia đào*, từng vui tình cắt áo**, võng lọng rợp kinh thành, công tử ai bì nổi.
* Thời Xuân Thu Chiến Quốc, vua Vệ Linh Công đã từng say mê và sủng ái Di Tử Hà, một thanh niên thông minh, khôi ngô, tuấn tú. Di Tử Hà đã từng lấy xe của vua đi thăm mẹ bệnh mà chưa được sự đồng ý của vua và từng chia cho vua quả đào mình cắn dở. Vua không những không phạt anh ta mà còn khen hiếu thuận với mẹ và yêu quý vua.
** Hán Ai Đế cũng từng sủng ái và phong chức rất cao trong triều cho Đổng Hiền, một viên quan đẹp nổi tiếng. Có một lần ngu trưa, Đổng Hiền gối lên cánh tay áo của nhà vua ngủ. Ai Đế muốn trở mình nhưng ngại làm tỉnh giấc của Đổng Hiền, bèn tự cắt tay áo đi. Người ta sau gọi mối tình đồng tính nam là mối tình cắt tay áo cũng là có nguồn gốc từ điển tích này.