Trầm Hương Uyển

Chương:Quyển 1 -


Đọc truyện Trầm Hương Uyển – Chương 2Quyển 1 –

Trần Uyển về đến nhà, ném ga giường và vỏ chăn của bà Lý vào
máy giặt. Bà Lý mắt kém, tuổi già sức yếu, nên cô có thói quen cứ nửa tháng một
lần giúp bà thay chăn nệm, giặt sạch rồi mang qua cho bà. Tiểu Vũ mang cái bàn
nhỏ ra sân làm bài tập, mới học lớp Mười một nhưng nó đã cao hơn cô rồi, ngồi
trên ghế mà hai chân thò ra ngáng hết nửa đường.

Cô đi ngang qua, đá vào chân nó, “Tránh ra chút”.

Thằng nhóc không thèm ngẩng đầu lên, chỉ thu chân lại cho cô
qua rồi lại duỗi thẳng như ban đầu.

“Trời lạnh thế, ngồi ngoài đây sẽ cảm đó.”

“Trong phòng ngột ngạt lắm.”

Từ khi mở thêm cái quán nhỏ phía trước thì trong nhà chật
chội hơn khá nhiều. Ba gian phòng nhỏ, một gian miễn cưỡng là phòng khách, một
gian cho cậu và mợ ở, gian còn lại thì lấy tấm ván ép ngăn ra ở giữa, mỗi bên
để một cái giường nhỏ làm chỗ ngủ cho cô và cậu em họ, chật chội đến nỗi ngay
cả cái bàn học nhỏ cũng không có chỗ bày.

“Tối qua sao không làm cho xong bài tập đi? Còn để dây dưa
đến hôm nay.” Tiểu Vũ và cô tính cách đối lập, thói quen của cô là dù có muộn
thế nào cũng phải hoàn thành xong bài tập rồi mới an tâm đi ngủ.

“Tối qua ồn ào vậy, đi ra tận ngoài đường lớn vẫn còn nghe
thấy tiếng chúc rượu, trong nhà chỗ nào cũng nồng nặc mùi rượu”, Tiểu Vũ ngẩng
đầu, hai tay đan lại vươn căng cái eo mỏi, “Ôi, đến khi nào mới thoát được khổ
ải đây, chán chết đi được, ngày nào cũng làm bài, làm bài.”, nghĩ một hồi rồi
nói vẻ ngưỡng mộ: “Chị, chị giỏi thật đấy, chỉ cần nửa năm mà đã có thể tu
thành chính quả, em và anh Chính thì đợi đến mờ cả mắt”.

“Thôi dẹp đi, Phương Tồn Chính và chị chẳng liên quan gì đến
nhau, em đừng nói xằng nói bậy nữa, nếu để cậu nghe được thì chẳng ai có thể
vui vẻ được đâu. Còn nữa, không được cho rằng sau này thi đậu đại học là thoát
khỏi xiềng xích, nhà ta chỉ có em là trai, cậu và mợ luôn hi vọng vào tương lai
em có thể chấn hưng gia nghiệp đấy.” Cô lấy quần áo mới giặt hồi sáng mang ra
phơi ở dây phơi trong sân.

Tiểu Vũ cười giễu cợt.


Cũng phải thôi, sau khi lên phổ thông, mợ ngày nào cũng nói
là nhất định phải học hành thế này thế nọ, ngay cả việc nhà cũng không để nó đụng
tay vào. Cậu tuy không nói nhiều nhưng Trần Uyển biết trong lòng cậu đặt rất
nhiều kỳ vọng vào nó. Lên lớp Mười một, bài tập càng nhiều, áp lực học càng
lớn. Trần Uyển rất thông cảm nên thường kín đáo bao che cho Tiểu Vũ, có lúc nó
trốn đi chơi đánh bóng, cô còn giúp nó giấu nhẹm đi trước mặt mợ.

“Hôm nay vẫn đi đánh bóng à?”

“Ừm, ăn xong cơm trưa rồi đi.” Chiếc bút trên tay Tiểu Vũ
xoay đều trên năm ngón tay, ánh mắt nó vẫn dán vào quyển sách trên bàn. Chiều
chủ nhật nào nó cũng đi chơi bóng rổ hai tiếng, con hẻm Chu Tước chật chội nên
không chơi được trò gì, tụi nó phải kéo nhau ra khu đất trống trước cửa Thuần
Dương quan.

Phơi xong quần áo thì nghe phía trước có tiếng ồn ào, chẳng
biết đã xảy ra chuyện gì, cô đi ra xem, toàn là hàng xóm láng giềng lân cận, họ
ngồi cả trên mấy cái ghế dài của tiệm. Cũng có vài người lạ mặt, cô chăm chú
nhìn, có cả cái gã hồi sáng mới gặp. Anh ta đang ăn tào phớ, động tác chậm rãi
và nhã nhặn, nhưng khi bắt gặp cái nhìn của cô thì ánh mắt anh ta lại chẳng còn
chút lịch sự nào, còn toe toét cười với cô nữa chứ.

Anh ta ngồi ở phía ngoài, đúng chỗ ánh nắng chiếu vào, hàm
răng trắng bóng như ánh lên trong nắng, không hiểu sao Trần Uyển lại nhớ đến
loài động vật ăn thịt sống trên thảo nguyên ở châu Phi trong chương trình Thế
giới Động vật. Cô hậm hực, mặc dù đã quen với việc bị người khác nhìn chằm
chặp, trước đây cũng hay bị mấy tên côn đồ trong hẻm Chu Tước chọc ghẹo, nhưng
chưa bao giờ có kẻ nào dám nhìn cô bằng ánh mắt thô lỗ đến thế, như kiểu… như
kiểu muốn nhìn xuyên qua quần áo của cô vậy.

Mặt nghiêm lại, giả bộ như vô tình lướt qua anh ta trong lúc
đi sang phía bên cậu, cô mới nghe thấy những người hàng xóm đang xôn xao nói về
chuyện di dời.

Hẻm Chu Tước rất nhiều năm trước đã có kế hoạch bị phá bỏ,
những bức tường trắng trong sân mọi nhà đều có một vòng tròn đen lớn, chính
giữa vòng tròn đen đó có viết chữ “Phá dỡ”. Chỉ là hay có mưa gió sấm chớp, nên
lâu như vậy rồi mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Nhưng gần đây hình như đã bắt
đầu có dấu hiệu, dạo trước ở phố phía tây đã có những nhân viên kĩ thuật đo

lường đến đóng trụ sở tại đó.

Hẻm Chu Tước có hai nơi để tập hợp thông tin, một là khoảng
đất trống ở cửa Thuần Dương quan, chỗ đó đa số là những người lớn tuổi bồng bế
con cháu tụ tập nói chuyện, một chỗ khác chính là cửa tiệm của nhà Trần Uyển.

Lịch sử nhà họ Củng có thể tra cứu từ triều đại nhà Thanh,
nghe nói ông tổ họ ngoại của Trần Uyển là đầu bếp trong cung, nhân cơ hội trong
cung có biến mà trốn ra ngoài, sau đó đến hẻm Chu Tước này ở và lấy vợ sinh con
sinh sống qua bao thế hệ. Cho nên Củng gia được coi là gia đình có uy danh nhất
trong những gia đình lân cận, hơn nữa cậu của Trần Uyển là Củng Tự Cường cũng
là người trung thực, ít nói nhưng rất có trình độ, mợ cũng vậy, đều rất hiền
lành tốt bụng, nhà ai có việc cần giúp đỡ, chỉ cần tìm đến họ là không phải nói
đến lần thứ hai, nếu giúp được là họ giúp ngay.

Lân cận đều là láng giềng gần gũi bao năm, có thói quen hễ
có việc gì quan trọng cần bàn bạc là đều í ới gọi nhau đến nhà Trần Uyển.

Sự việc lần này có vẻ rất trọng đại, mọi người đều rất tức
giận, mấy người lớn tiếng nói đến mức đỏ cả cổ, xem ra sự phẫn nộ đã tới cực
điểm. Chồng thím Lưu và cậu của Trần Uyển trước đây cùng là công nhân nhà máy
sản xuất vòng bi, mặt cũng hừng hực tức giận, lớn tiếng nói: “Trước đây thì nói
đền bù, lúc đó nghĩ có chút tiền đền bù cũng tốt, cùng lắm là thuê phòng ở cũng
được, ở đâu thì cũng bị ảnh hưởng bởi cái mùi hôi thối của dòng sông này. Nhưng
mọi người đi ra con phố phía tây kia nghe ngóng thử xem, Chính phủ đưa giá bao
nhiêu? Một nghìn năm trăm! Còn giá cả phòng ốc ngoài kia là bao nhiêu? Căn
phòng bình thường cũng đã tới bốn, năm nghìn rồi! Chưa được nổi một phần ba.
Chúng ta cầm chút tiền cỏn con ấy thì ăn uống được mấy ngày? Đến lúc tiêu hết
rồi thì phải làm sao? Dẫn vợ con ra ngủ ngoài đường à?”.

Lời nói của ông khiến mọi người phụ họa theo, có người nói:
“Nghe nói có nhà tái định cư”.

Một người khác liền tiếp lời: “Nhà tái định cư ở đâu? Ông đi
hỏi xem, mau đến đầu trấn Thành Quan mà hỏi xem, phía trước chẳng có nhà cửa,
phía sau không hàng quán, đi làm phải đạp xe hai tiếng đồng hồ, buổi tối lại
đạp hai tiếng về nhà sao?”.


Câu nói này có bao nhiêu người phụ họa theo. Sau đó có người
nói về tin tức của con hẻm, nghe bố của bạn trai cô gái con ông chú họ của
chồng dì của vợ mình nói thì Chính phủ câu kết với công ty bất động sản, giao
dịch riêng gì gì đó với nhau. Chuyện này cứ thật thật giả giả, như lớp sương mù
dày đặc khó mà phân biệt được.

Mọi người đều hết sức phẫn nộ, ngay cả câu chuyện phát sinh
khi cải tạo đường xa Thượng Hải ba năm trước cũng được lôi ra nói.

Trần Uyển liếc mắt nhìn cậu, ông vẫn ngồi im lặng ở giữa,
sắc mặt nghiêm túc. Trong lúc vô tình lại nhìn sang tên động vật ăn thịt kia,
hắn đang ung dung ngồi nghe những lời bàn tán sôi nổi, khoé miệng hơi nhếch nụ
cười chế giễu, bát tào phớ vẫn còn hơn nửa, xem ra hắn đã quyết định là sẽ ngồi
xem hết vở tuồng hay này.

Hơn một tiếng đồng hồ bàn bạc, kết quả cuối cùng là những
người ở ngõ phía đông của con hẻm Chu Tước lập thành một nhóm, không cho bất cứ
người nào có cơ hội kiếm chác ở đây. Sau đó, không biết ai lên tiếng hỏi: “Nếu
như cưỡng chế di dời thì sao?”.

Trong tiệm, một giây trước còn bàn tán huyên náo bỗng chốc
trở nên vô cùng im ắng, không ai lên tiếng, có người vẻ mặt uất ức, có người vẻ
mặt buồn bã, có người nghển cổ thở dài, tất cả đều nghĩ đến quang cảnh bị cưỡng
chế di dời ở Thượng Hải trước kia. Đúng là châu chấu đá xe, đứng trước bộ máy
nhà nước thì sẽ mãi mãi không có không gian tồn tại của lợi ích cá nhân.

“Xem tình hình rồi hãy quyết định vậy, vẫn chưa tới nước đó
mà”, cậu ngồi yên lặng nãy giờ, cuối cùng cũng lên tiếng.

Mọi người đều chưng hửng, vẻ mặt ai cũng như đưa đám, cáo từ
ra về.

“Cậu, cậu với mợ vào nghỉ đi. Có vẻ trưa nay cũng chẳng buôn
bán được gì.” Cũng đã mười giờ hơn, chỉ còn cách bữa trưa một chút thời gian
nữa thôi.

Bình thường, Củng Tự Cường mỗi sáng hằng ngày dậy từ hơn bốn
giờ để đi Thuần Dương quan gánh nước về xay đậu, tối qua bận bịu đến khuya, vốn
dĩ lúc này là thời gian ngủ bù nhưng mọi người xôn xao nãy giờ làm bay mất cả
buổi sáng. Cậu gọi mợ với nét mặt phờ phạc vào, rồi quay người ngồi xuống, cúi
đầu châm thuốc hút.

Tâm trạng của Trần Uyển lại càng não nề hơn, nếu như không
phải vì việc cải tạo đường xá ở Thượng Hải thì cha cô cũng sẽ không… Bây giờ
lịch sử lại tái diễn một lần nữa sao?


Cô lặng người dựa vào tường, cắn chặt môi, vốn tưởng rằng
cuộc sống tuy nghèo nhưng có thể yên bình trôi qua… Mong rằng khu dân cư này sẽ
không phải di dời, từ khi cô lại có một gia đình và bắt đầu cuộc sống mới ở
đây, nghìn vạn lần cô không muốn có bất kỳ sự việc nào làm đảo lộn sự bình yên
của mình.

“Còn gì ăn không?”

Cô bây giờ mới để ý người lạ mặt kia vẫn ngồi đó, bát tào
phớ đã hết sạch.

“Chưa tới giờ ăn trưa, nhưng có mì, mì bò.”

Anh ta nghĩ một lúc rồi gật đầu. “Tào phớ ngon quá. Cho thêm
bát mì nữa nhé.”

Còn phải nói sao? Tào phớ là do cậu cô mỗi sáng đi Thuần
Dương quan gánh nước ở cái giếng cổ nghìn năm mà làm ra. “Có cho thêm thịt bằm
không? Mì không hai đồng, mì thịt bằm ba đồng rưỡi.”

“Loại nào ngon?”

“Loại nào cũng ngon. Loại đắt thì ngon hơn.” Cô có chút hối
hận, nhìn dáng vẻ ăn mặc của hắn ta đáng lẽ phải hét giá lên năm đồng.

Hắn gật đầu.

Cô gạt bỏ những phiền muộn đang vấn vít trong lòng sang bên,
cho mì vào nồi rồi múc ra bát và điểm thêm gia vị.

Mì bò nhà họ Củng rất ngon, trong con hẻm Chu Tước có nhà
nào mà không biết chứ? Điều quyết định chính là nước dùng, nước dùng được hầm
bằng xương bò vàng óng, chỉ cần ăn mì không là cũng cảm nhận được hết vị ngon
rồi, thịt bằm cũng là thịt được lấy từ thăn bò rồi bằm nhỏ, sau đó cho thêm gia
vị đặc biệt.

Lúc bê ra, hắn nhìn thấy màu nước dùng trong bát đã nhướng
nhướng mày. Ăn một miếng lại càng kinh ngạc, có lẽ hắn không ngờ cái tiệm nhỏ
tí này mà lại có món ăn với hương vị tuyệt vời đến thế. Chẳng mấy chốc bát đã
hết sạch, vẫn còn ý muốn ăn nữa.

Ăn xong hắn ta vẫn chưa chịu đi, ngước mắt nhìn cách bài trí
trong quán, rồi lại quay ra nhìn dòng Thanh Thủy bên ngoài. Trần Uyển cũng
chẳng thèm để ý đến hắn, chăm chú nhặt cải thìa, nghĩ về những chuyện đang
vướng víu trong lòng, càng nghĩ càng xa, càng nghĩ lòng càng buồn, ngay cả
người lạ mặt kia bỏ đi lúc nào cô cũng không hay biết.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.