Trà Hoa Nữ

Chương 5


Đọc truyện Trà Hoa Nữ – Chương 5

Một thời gian khá lâu trôi qua. Tôi không nghe nói đến Acmân. Nhưng trái lại tôi thường nghe bàn tán về Macgơrit. Tôi không biết bạn có để ý không: chỉ cần cái tên của một người đúng ra xa lạ với bạn hoặc ít ra không liên can gì đến bạn, được nhắc một lần trước mặt bạn, là những chi tiết liên hệ khác sẽ dần dần đến vây quanh cái tên ấy. Và bạn sẽ nghe tất cả những người quen biết nói về những điều mà trước đây họ không bao giờ nói với mình. Và lúc đó bạn sẽ nhận ra rằng con người đó gần như có mối liên hệ với mình, đã nhiều lần đi qua trong đời mình mà mình không lưu ý. Bạn sẽ tìm thấy những biến cố mà bạn được nghe kể lại một sự trùng hợp, một mối quan hệ mật thiết thực sự với một số biến cố chính của đời bạn.

Trường hợp tôi không hoàn toàn đúng như thế, bởi vì tôi đã thấy nàng, đã biết nàng, đã gặp nàng rất nhiều lần. Tuy nhiên, từ ngày bán đấu gía, tôi thường được nghe nhắc đến tên nàng. Và trong trường hợp tôi vừa nói ở chương vừa qua, cái tên này hoà lẫn trong một niềm đau buồn sâu đậm, làm cho sự ngạc nhiên của tôi cứ lớn dần lên và sự tò mò của tôi cũng tăng lên theo.

Hậu quả là tôi không bao giờ tiếp xúc với một người bạn nào mà không nhắc đến Macgơrit:

– Bạn có biết một người tên Macgơrit Gôchiê không?

– Trà hoa nữ?

– Biết rõ!

Những tiếng “biết rõ” ấy đôi khi đi kèm theo những nụ cười mà người ta không thể không đoán được ý nghĩa của nó.

– Vậy à! Cô gái ấy như thế nào? – Tôi hỏi tiếp.

– Một cô gái tốt bụng.

– Chỉ có thế?

– Chúa ơi! Vâng, đúng thế. Có trí tuệ hơn và có thể có tâm hồn hơn những cô gái khác.

– Anh không biết gì đặc biệt về cô ta sao?

– Cô ta làm phá sản bá tước R. . .

– Chỉ có thế?

– Cô ta là tình nhân của ông quận công già tên. . .

– Có đúng cô ta là tình nhân của ông ta không?

– Người ta nói thế. Nhưng dù sao thì ông ta cũng đã chi cho cô ta rất nhiều tiền.

Luôn luôn vẫn những chi tiết đại để như thế.

Tuy nhiên, tôi vẫn tò mò muốn biết chút ít về câu chuyện tình giữa Macgơrit và Acmân.


Một ngày kia, tôi gặp được một trong những người đã sống nhiều trong mối thân tình với những kỹ nữ tên tuổi. Tôi hỏi:

– Anh có biết Macgơrit Gôchiê không?

Cũng vẫn tiếng “biết rõ” được lặp lại.

– Cô gái ấy thế nào?

– Đẹp và hiền lành. Cái chết của cô đã làm tôi đau đớn nhiều.

– Có phải cô ta có một tình nhân tên là Acmân Đuyvan?

– Một anh chàng cao lớn tóc hung?

– Phải.

– Đúng vậy.

– Và Acmân là người thế nào?

– Một anh chàng đã cùng tiêu hết với nàng số tiền ít ỏi của mình, tôi nghĩ vậy. Và sau đó bị bắt buộc phải xa nàng. Người ta bảo anh chàng mê nàng như điếu đổ!

– Còn nàng?

– Người ta cũng bảo nàng yêu hắn lắm. Nhưng anh bạn cũng biết thế nào là tình yêu của những cô gái đó. Không thể đòi hỏi nơi họ đến cái mức mà họ không thể cho được.

– Acmân sau đó thế nào?

– Tôi không biết. Chúng tôi biết rất ít về anh ta. Anh ta sống năm hay sáu tháng với Macgơrit, nhưng ở đồng quê. Khi nàng trở về thì anh ta đã đi rồi

– Và từ đó đến nay anh không gặp lại anh ta?

– Không hề gặp lại.

Tôi cũng vậy. Tôi không gặp lại Acmân. Đến nỗi có lúc tôi tự hỏi rằng phải chăng khi anh ta đi tìm tôi, cái tin mới nhận về cái chết của Macgơrit đã khuyếch đại cả tình yêu ngày trước lẫn sự đau khổ của anh ta? Tôi tự nhủ, có lẽ anh ta đã quên người chết rồi, đồng thời cũng đã quên lời hứa trở lại gặp tôi.

Cái giả thiết ấy có vẻ khá đúng đối với một kẻ khác. Nhưng ở đây, nỗi thất vọng của Acmân rất chân thành. Và đi từ thái cực này đến thái cực khác, tôi lại hình dung sự đau khổ của anh ta đã biến thành căn bệnh và nếu tôi không được tin tức gì của anh ta, chắc hẳn do anh ta bị bệnh, hay cũng có thể anh ta đã chết rồi.


Ngoài ý muốn của mình, tôi vẫn cứ để tâm nghĩ đến người con trai ấy. Có thể có cái gì giống như ích kỷ trong sự lưu tâm đó. Có thể tôi thoáng thấy được trong nỗi đau khổ đó một câu chuyện tâm tình cảm động. Cuối cùng, có thể vì câu chuyện tâm tình đó đã dự phần khá lớn trong niềm lo âu của tôi về sự im lặng của Acmân Đuyvan.

Bởi vì Đuyvan không đến, tôi quyết định đi tìm gặp anh. Tìm ra một duyên cớ, không khó gì. Khốn nỗi, tôi không có địa chỉ. Và trong số tất cả những người tôi gặp hỏi, không một ai biết cả.

Tôi đi đến đường Anti. Người gác cổng của Macgơrit có thể biết Acmân ở đâu. Nhưng đây lại là người gác cổng mới. Anh ta cũng chẳng biết gì hơn tôi. Thế là tôi tìm tới nghĩa trang nơi cô Giôchiê an nghỉ. Đó là nghĩa trang Môngmat.

Thời tiết tháng tư thật đẹp. Những ngôi mộ không còn vẻ đau thương và hiu quạnh như trong mùa đông. Trời đã bắt đầu trở nên ấm áp để những người còn sống nhớ lại và đi thăm viếng những người đã chết. Tôi vừa đi đến nghĩa trang vừa tự nhủ: chỉ cần thăm mộ của Macgơrit, tôi sẽ biết được nỗi đau khổ của Acmân nay có còn không, và tôi có thể sẽ biết được Đuyvan hiện giờ ra sao.

Tôi đi vào căn nhà của người giữ nghĩa trang và hỏi anh ta phải chăng ngày 22 tháng hai có một người đàn bà tên Macgơrit Gôchiê đã được an táng tại nghĩa trang Môngmat.

Người ta lật tìm trong một quyển sổ lớn có ghi tên và đánh số tất cả những người đã đưa vào nơi an nghỉ cuối cùng này và trả lời cho tôi biết, đúng vào buổi trưa ngày 22 tháng hai, một người đàn bà tên là Macgơrit Gôchiê đã được an táng tại đây.

Tôi yêu cầu người giữ nghĩa trang dẫn tôi đến ngôi mộ. Bởi vì đi vào đây mà không có người hướng dẫn thì chắc chắn không khỏi bị lạc giữa cái thành phố những người chết. Ở đây cũng có rất nhiều đường đi lối lại như thành phố của người sống. Người giữ nghĩa trang gọi bác làm vườn, chỉ bảo những điều cần thiết. Nhưng người này đã ngắt lời và nói:

– Tôi biết. . . Tôi biết. . . – bác ta quay sang phía tôi và nói tiếp – Nấm mộ ấy dễ tìm lắm.

– Tại sao vậy? – Tôi hỏi.

– Bởi vì nó có những bông hoa khác hẳn những mộ khác.

– Chính ông đã chăm sóc ngôi mộ ấy?

– Thưa ông, vâng. Và tôi ước rằng tất cả những người thân thuộc đều chăm sóc những người đã chết như người con trai đó, người đã gửi gắm ngôi mộ cho tôi.

Sau vài phút đi quanh co, người làm vườn dừng lại và nói với tôi:

– Đây, chúng tôi đã đến nơi.

Quả vậy, dưới mắt tôi là một khoảng đất vuông vức đầy hoa, khiến người ta không thể nghĩ đây là một ngôi mộ, nếu không để ý đến một tấm bia cẩm thạch trắng khắc tên một người.

Tấm bia này dựng thẳng đứng. Một khung lưới sắt bao bọc mảnh đất đã mua làm nấm mộ, mảnh đất phủ đầy hoa trà màu trắng.

– Ông nghĩ gì về ngôi mộ đó? – Người làm vườn hỏi.

– Trông thật đẹp.


– Mỗi khi một cây hoa trà héo đi, tôi được lệnh phải thay ngay cây khác.

– Thế ai ra lệnh đó?

– Một người trai trẻ. Người này đã khóc rất nhiều khi đến đây lần đầu. Hẳn đó là tình nhân của người đã chết. Hình như người chết là một người đàn bà phóng đãng. Người ta bảo cô ta rất đẹp, chắc ông có biết chứ?

– Vâng.

– Cũng như cậu kia? – Người làm vườn nói với một cụ cười láu lỉnh.

– Không, tôi không hề nói chuyện với cô ta lần nào.

– Và giờ đây, ông lại đến thăm cô ấy ở đây. Việc làm của ông thật đáng quý! Bởi vì những kẻ đến đây để thăm người con gái khốn khổ ấy thật quá thưa thớt.

– Vậy không có người nào đến nữa sao?

– Không có người nào cả, trừ chàng trai trẻ đã đến đây một lần.

– Chỉ một lần thôi à?

– Vâng, thưa ông.

– Và từ đó đến nay, anh ta không trở lại nữa?

– Vâng, nhưng anh ta sẽ lại đến khi anh ta trở về.

– Vậy anh ta đã đi xa?

– Vâng.

– Ông có biết anh ta hiện nay ở đâu không?

– Tôi tin chắc anh ta đang ở nhà em gái của cô Giôchiê.

– Làm gì ở đó?

– Anh ta đến đó để xin phép mang người chết dời đi nơi khác.

– Tại sao anh ta không để cô ây nằm ở đây?

– Ông biết, thưa ông, người sống luôn có những ưu tư đối với người chết. Chúng tôi ở đây, ngày nào cũng chứng kiến được điều đó. Mảnh đất này chỉ mua trong thời hạn năm năm. Người con trai đó muốn có một sự nhượng bán vĩnh viễn, và một mảnh đất mới hơn trong khu đất mới. Như thế sẽ tốt hơn.

– Khu đất mới là gì?


– Đó là những mảnh đất mới nằm ở bên trái khu đất này, hiện giờ người ta đang bán. Nếu nghĩa trang này từ xưa luôn luôn được giữ gìn như hiện nay, trên thế giới sẽ không có một nghĩa trang nào có thể so sánh với nó. Nhưng còn lắm việc phải làm, trước khi mọi việc được hoàn toàn như mong muốn. Hơn nữa nhiều người còn ngơ ngác lắm.

– Ông muốn nói gì?

– Tôi muốn nói, có những con người rất tự phụ, ngay cả khi đã đến nơi đây. Ấy vậy, cô Giôchiê này, hình như cô đã sống khá phóng túng, xin ông thứ lỗi cho. Giờ đây, cô gái đáng thương ấy đã chết rồi. Còn bao nhiều cô gái khác mà người ta không nhắc nhở gì đến và chúng tôi ngày nào cũng đem nước đến tưới mộ cho họ. Thế nhưng khi bà con của những người đã an nghỉ bên cạnh cô được biết cô là ai, họ muốn nêu lên ý kiến rằng họ chống đối việc để cô ta nằm ở đây; rằng phải có những mảnh đất dành riêng cho hạng đàn bà như cô ấy, cũng như mảnh đất dành cho những người nghèo khó. Người ta đã bao giờ thấy điều đó ở đâu chưa? Tôi đã nhắc nhẹ cái sai trái của họ, một cách lễ độ, tôi đây. . . Những người giàu có, một năm không đến đây quá bốn lần để thăm những người chết, và chỉ đem theo những bông hoa đã mua, mà những bông hoa ấy nào có ra gì! Ngay đến việc trả tiền chăm sóc mộ cho những người mà họ giao, họ cũng rất dè dặt. Họ viết lên trên những ngôi mộ ấy những lời than khóc mà họ chưa hề nhỏ ra một giọt nước mắt nào. Rồi chính họ lại đến để làm khó dễ với người láng giềng của người đã chết. Ông hãy tin những điều tôi nói. Tôi không biết cô gái này, tôi không biết cô đã từng làm gì, nhưng tôi thương cô gái bất hạnh ấy. Tôi chăm sóc mộ cô, tôi bán những hoa trà với giá rất phải chăng. Đó là một người chết mà tôi quý mến. Chúng tôi thì, thưa ông, chúng tôi bắt buộc phải thương yêu những người chết. Bởi vì công việc rất bận rộn, chúng tôi gần như không có thì giờ để thương yêu một cái gì khác nữa.

Tôi nhìn bác làm vườn và có lẽ bạn đọc cũng hiểu được sự xúc động của tôi khi nghe những lời người làm vườn nói.

Chắc hẳn người làm vườn thấy được điều đó, nên bác hỏi tiếp:

– Người ta bảo rằng nhiều người phá sản vì cô gái đó. Và cô ta có những tình nhân rất yêu quý cô ta. Thế nhưng khi tôi nghĩ, không một người nào đến đây mua cho cô ta được một cành hoa, thì thật quá lạnh lùng! Tuy thế, cô gái này cũng chưa phải là đáng thương lắm. Bởi vì cô còn có một ngôi mộ và có một người còn nhớ đến cô. Người này đã làm những bổn phận chung cho cả những người khác. Nhưng ở đây, chúng tôi còn có những người con gái khốn khổ cũng cùng hạng và cùng lứa tuổi như cô Giôchiê mà người ta đã ném xuống cái hố công cộng. Tôi đứt ruột mỗi khi nghe tiếng những thi thể đó rớt xuống lòng đất. Và không có một ai đến chăm sóc những người con gái đó, một khi họ đã nằm xuống đây. Nghề của chúng tôi làm thật không có gì để vui, nhất là khi chúng tôi còn một ít lương tâm. Ông nghĩ thế nào? Điều này mạnh hơn tôi quá nhiều. Tôi có một đứa con gái hai mươi tuổi. Mỗi khi người ta đưa đến đây một người chết trạc tuổi con tôi, tôi lại nghĩ đến nó, và mặc cho người đó là một bà lớn hay một cô gái lang thang, tôi cũng không thể nào ngăn được nỗi xúc động.

– Chắc tôi đã làm phiền ông với những mẩu chuyện của tôi. Ông đến đây hẳn không phải để nghe những chuyện như thế. Người ta bảo tôi đưa ông đến mộ cô Giôchiê, tôi đã đưa ông đến nơi. Giờ đây, tôi còn có thể làm gì nữa để giúp ông?

– Ông có biết địa chỉ của Acmân Đuyvan không?

– Có, anh ta ở đường . . . Chính ở đó. Ít ra, tôi đã đến đó để nhận tiền trả cho tất cả những cây hoa ông thấy đấy.

– Cảm ơn ông.

Tôi nhìn lại lần cuối ngôi mộ đầy hoa. Tôi những muốn nhìn thấu đến chiều sâu ngôi mộ để được trông thấy đất đã làm gì với một con người xinh đẹp mà người ta đã giao phó cho nó. Rồi tôi buồn bã ra về.

– Có phải ông muốn đến gặp Đuyvan không? – Người giữ vườn đi bên cạnh tôi hỏi.

– Vâng.

– Tôi tin chắc anh ta chưa trở về. Bởi vì nếu đã về, thì anh ta đã đến đây rồi.

– Như thế ông đoán chắc anh ta không quên cô Macgơrit?

– Không những tôi tin chắc, mà tôi còn cam đoan rằng Đuyvan muốn dời ngôi mộ chỉ cốt để được nhìn thấy lại cô gái đó.

– Như thế nghĩa là sao?

– Câu đầu tiên anh ta nói với tôi khi đến nghĩa trang là: “Làm thế nào để nhìn thấy mặt nàng?” Chỉ có một cách là dời ngôi mộ đi. Tôi đã hướng dẫn cho anh ta tất cả những thủ tục cần thiết để có thể dời được. Bởi vì ông biết, để chuyển những người chết từ mộ này sang mộ khác, phải được sự cho phép của gia đình và có một cảnh sát trưởng chứng giám. Chính vì để có được giấy phép Đuyvan đã đi tìm đến nhà cô em gái cô Giôchiê. Khi trở về, dĩ nhiên việc đầu tiên của anh ta là đến đây thăm chúng tôi.

Chúng tôi đi đến cổng nghĩa trang. Một lần nữa, tôi cảm ơn ngưòi làm vườn và đặt vào tay bác vài đồng bạc. Sau đó, tôi tìm đến địa chỉ của Acmân Đuyvan mà người làm vườn vừa cho tôi biết.

Acmân vẫn chưa về.

Tôi viết giấy để lại, yêu cầu anh ta khi trở về đến gặp tôi, hoặc cho tôi biết có thể tìm gặp anh ta ở đâu.

Hôm sau, vào buổi sáng, tôi nhận được thư của Đuyvan cho biết anh đã về và mời tôi đến nhà gặp anh. Anh cũng cho biết thêm vì bị mệt đến kiệt sức nên không thể đến tôi được.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.