Trà Hoa Nữ

Chương 14


Đọc truyện Trà Hoa Nữ – Chương 14

Trở về nhà, tôi bắt đầu khóc như một đứa trẻ. Không có người nào mà ít nhất đã không bị lừa gạt một lần trong đời và không biết nỗi đau khổ khi bị lừa dối là đến như thế nào.

Tôi tự nhủ – với sức nặng của những quyết định hình thành trong cơn sốt, mà người ta luôn luôn tin có đủ sức mạnh để giữ được – phải cắt đứt dứt khoát với mối tình ấy. Và trong tâm trạng bực bội, tôi chờ đợi ngày hôm sau, để đi kiếm một chuyến xe trở về nhà với cha tôi và em tôi, hai tình yêu mà tôi tin chắc không bao giờ lừa dối tôi.

Tuy nhiên, tôi không muốn ra đi mà không cho Macgơrit biết rõ tôi đã ra đi. Chỉ có người đàn ông nào dứt khoát không yêu tình nhân nữa mới có thể từ giã mà không cần viết thư từ gửi lại.

Tôi viết đi viết lại hai mươi lá thư trong đầu tôi.

Tôi đã dan díu với một cô gái giang hồ giống như tất cả những cô gái giang hồ khác. Tôi đã thi vị hoá cô gái này thái quá. Cô đã đối xử với tôi như một đứa học trò. Và để lừa gạt tôi, cô đã dùng một mưu mẹo đơn giản và hỗn láo. Điều này đã rõ ràng. Lòng tự ái của tôi sôi lên. Phải từ bỏ người đàn bà này và không cho nàng hưởng sự thoả mãn được biết cuộc đổ vỡ này đã làm cho tôi đau khổ. Và đây, những gì tôi đã viết, với những nét chữ rất hào hoa và những giọt lệ điên cuồng khổ đau trong đôi mắt.

“Em Macgơrit thân mến!

Anh hy vọng sự mệt mỏi của em ngày qua cũng chẳng là bao nhiêu. Anh đã đợi đến mười một giờ đêm, để được biết những tin tức về em. Và người ta đã trả lời anh rằng không thể vào nhà. Và người ta trả lời anh rằng em không về nhà. Ông G. . . sung sướng hơn anh bởi vì ông ta đến sau anh chốc lát. Và mãi đến bốn giờ sáng, ông ta hãy còn tại nhà em.

Hãy tha lỗi cho anh về những giờ buồn tẻ mà anh đã đem lại cho em. Và em hãy tin chắc, anh sẽ không bao giờ quên những giây phút sung sướng mà anh đã nợ em.

Hôm nay, anh rất muốn đến để biết những tin tức về em. Nhưng anh phải chuẩn bị trở về với cha anh.

Xin vĩnh biệt em, Macgơrit thân yêu của anh. Anh không đủ giàu sang để yêu em, nhưng anh mơ ước cũng không phải nghèo khổ để yêu em như em muốn. Vậy chúng ta hãy quên đi: Em, cái tên một người đối với em gần như xa lạ và anh, một hạnh phúc đã trở thành không thể có được.

Anh gửi lại em cái chìa khoá: nó chưa hề được anh dùng lần nào. Và nó sẽ có ích cho em, nếu em thường bị ốm, như em đã ốm đau ngày hôm qua” .

Anh thấy chưa, tôi không đủ nghị lực để chấm dứt cái thư đó mà không có chút mỉa mai cay cú. Điều này chứng tỏ tôi vẫn còn yêu nàng.

Tôi đọc đi đọc lại mười lần lá thư đó, và ý nghĩ lá thư này sẽ làm khổ Macgơrit đem lại cho tôi một chút êm dịu. Tôi cố gắng tỏ ra đã dạn dày trong những tình cảm được bộc lộ. Vào lúc tám giờ, khi người giúp việc đến, tôi trao cho anh ta lá thư để anh ta đem đi tức khắc.

– Có phải chờ thư trả lời không? – Jôdép hỏi (Người giúp việc tôi tên là Jôdép, cũng như tất cả những người giúp việc khác).

– Nếu người ta hỏi anh có cần trả lời không, anh hãy bảo: anh không biết gì cả, và anh cứ chờ đợi.

Tôi hy vọng nàng sẽ trả lời.

Thật chúng ta đều khốn nạn và hèn yếu cả.

Trong suốt thời gian người giúp việc tôi đi, tôi cảm thấy rất bối rối. Khi thì nhớ lại Macgơrit đã đến với tôi như thế nào; tôi tự hỏi, tôi lấy quyền gì để viết cho nàng một lá thư bất nhã như thế, trong lúc nàng có thể trả lời cho tôi biết không phải ông G. . . đã lừa tôi mà chính tôi đã lừa ông G. . . Chính cái lập luận này đã cho phép những người đàn bà có nhiều tình nhân. Khi thì nhớ lại những lời thề thốt của cô gái ấy, tôi nghĩ lá thư của tôi vẫn còn hiền lành quá, và tôi không tìm ra những lời lẽ cứng rắn hơn để tạt vào mặt người đàn bà có đã phỉ báng một tình yêu rất chân thành như tình yêu của tôi. Rồi tôi tự nhủ, có lẽ tốt hơn tôi đừng nên viết lá thư đó, mà nên đến ngay nhà nàng, trong ngày hôm nay, và bằng cách đó, tôi sẽ sung sướng đón nhận những giọt lệ mà tôi phải làm cho nàng đổ ra.

Cuối cùng, tôi tự hỏi nàng sẽ trả lời tôi như thế nào, và sẵn sàng tin nàng sẽ xin lỗi tôi.

Jôdép trở về.

– Thế nào? – tôi hỏi.

– Thưa ông, bà ta đang ngủ và vẫn còn ngủ. Nhưng nếu khi nào bà dậy, người nhà sẽ trao thư lại và nếu có trả lời, người nhà sẽ đem đến.


Nàng ngủ.

Hai mươi lần tôi suýt cho người đi lấy lại bức thư. Nhưng tôi luôn luôn tự nhủ: “Có lẽ người ta đã đưa cho nàng rồi”, và tôi bắt đầu cảm thấy hối hận.

Càng gần đến giờ để đón nhận thư trả lời của nàng, tôi lại càng hối hận vì đã lỡ viết thư.

Mười giờ, mười một giờ, mười hai giờ. Chuông reo vang.

Mười hai giờ, tôi suýt đến nơi hẹn, như không có việc gì xảy ra cả. Rốt cuộc, tôi chẳng biết làm thế nào để thoát ra khỏi cái vòng sắt nó đang siết chặt người tôi.

Thế là tôi với sự mê tín của những người đang chờ đợi: nếu tôi ra đi chốc lát, đến lúc trở về tôi sẽ tìm được câu trả lời. Những câu trả lời, được chờ một cách bực bội, luôn luôn đến khi người ta không có ở nhà mình.

Tôi đi ra, với cái cớ đi ăn trưa.

Đáng lẽ ăn trưa tại tiệm cà phê Foa ở góc đại lộ theo thói quen, tôi lại đến ăn trưa tại Pale Roazal, và đi qua đường phố Antin. Mỗi lần, từ xa trông thấy một người đàn bà, tôi lại tưởng chính Nanin đem thư trả lời tôi. Tôi qua đường phố Antin. Không hề gặp một người chạy việc nào cả. Tôi đên Pale Roazal, vào phòng ăn. Một người bồi đem thức ăn lại, hay đúng hơn, anh ta dọn thứ gì tuỳ ý, bởi vì tôi không ăn.

Ngoài ý muốn, cặp mắt tôi cứ luôn luôn nhìn vào đồng hồ.

Tôi trở về, tin chắc rằng tôi sẽ nhận được thư của Macgơrit.

Người gác cổng không nhận được gì cả. Tôi lại hy vọng nơi người giúp việc. Người này trả lời không hề thấy người nào đến từ lúc tôi ra đi đến giờ.

Nếu Macgơrit trả lời tôi, nàng đã trả lời từ lâu rồi.

Thế là tôi bắt đầu hối tiếc về những lời lẽ trong thư của tôi. Đáng lẽ tôi phải im lặng hoàn toàn. Điều này, dĩ nhiên, có thể đem lại một sự lo lắng nào đó cho nàng. Bởi vì không thấy tôi đến nơi hẹn tối hôm trước, chắc nàng sẽ hỏi tôi lý do vắng mặt ấy, và chỉ đến lúc đó, tôi mới nên nói cho nàng biết những lý do. Bằng cách ấy, nàng không thể làm thế nào khác hơn là tự minh oan cho nàng. Và điều tôi muốn là chính nàng phải tự minh oan cho nàng. Tôi đã nhận thấy trước dù những lý lẽ mà nàng đưa ra để phân trần như thế nào đi nữa, tôi cũng sẽ tin vào chúng. Và thà rằng tôi sẽ chấp nhận tất cả, còn hơn không được gặp lại nàng nữa.

Tôi đi đến chỗ tin rằng chính nàng sẽ đến nhà tôi. Nhưng giờ khắc cứ trôi qua, và nàng không đến.

Dĩ nhiên, Macgơrit không giống như tất cả những người đàn bà khác. Bởi vì rất ít người nhận được một lá thư như tôi viết mà lại không trả lời một điểm nào cả.

Vào lúc năm giờ, tôi chạy đến Xăng Êlidê. Nếu tôi gặp nàng, tôi nghĩ, tôi sẽ tỏ ra lạnh nhạt, và nàng sẽ tin chắc tôi không còn nghĩ đến nàng nữa.

Đến khúc quanh đường phố Roazal, tôi thấy nàng đi qua trên một cỗ xe. sự gặp gỡ quá đột ngột làm tôi tái người. Tôi không biết nàng thấy được nỗi xúc động của tôi không. Tôi quá bối rối, đến nỗi chỉ thấy cái xe nàng thôi.

Tôi tiếp tục đi dạo trong Xăng Êlidê. Tôi nhìn những quảng cáo của các rạp hát. Bởi vì tôi còn hy vọng gặp nàng.

Ở Pale Roazal có một cuộc trình diễn lần đầu tiên. Tất nhiên Macgơrit sẽ đến xem.

Tôi có mặt ở rạp hát lúc bảy giờ.

Tất cả các lô đều đông người. Nhưng Macgơrit không có mặt.

Thế là tôi rời khỏi Pale Roazal và đi đến tất cả các rạp hát mà nàng thường đến xem ở Vôđơvin, ở Variêtê, ở Ôpêra Cômic.


Không thấy nàng ở đâu cả.

Hoặc lá thư tôi đã làm cho nàng khổ tâm, đến nỗi nàng không đi xem hát nữa. Hoặc là nàng sợ phải gặp lại tôi và tránh một sự giải thích.

Đó là điều mà lòng kiêu hãnh của tôi đã gợi ra trong trí tôi, khi tôi đang đi trên đại lộ thì gặp Gatông. Anh ta hỏi tôi từ đâu đi đến.

– Từ Pale Roazal – tôi trả lời.

– Còn tôi từ rạp Ôpêra – anh ta nói – Tôi tưởng anh cũng ở đó chứ.

– Tại sao? Bởi vì Macgơrit ở đó.

– Nàng có ở đó?

– Vâng.

– Chỉ một mình?

– Không, với một bạn gái.

– Không còn ai nữa?

– Bá tước G. . . có vào lô nàng trong chốc lát. Nhưng nàng đã đi ra với ông quận công. Trong giây phút tôi chờ thấy anh xuất hiện ở đó. Bên cạnh tôi có một chỗ ngồi mà trong suốt buổi tối được bỏ trống. Tôi tin chắc là anh đã thuê.

– Nhưng tại sao Macgơrit đến đâu tôi phải đến đó?

– Bởi vì anh là tình nhân của nàng, trời ơi!

– Ai đã bảo anh điều đó?

– Pruđăng, tôi đã gặp cô ta ngày hôm qua. Tôi khen anh bạn đấy, anh bạn ạ. Đó là một tình nhân trẻ đẹp mà không phải ai muốn cũng được cả đâu. Hãy bám lấy. Cô ta sẽ là vinh dự cho anh đấy!

Cái suy nghĩ đơn giản của Gatông đã cho tôi thấy những ngờ vực của tôi thật là lố bịch.

Nếu tôi gặp anh ta đêm qua và nếu anh ta nói với tôi như thế, chắc chắn sáng nay tôi đã không viết lá thư ngu ngốc đó rồi.

Tôi muốn đến nhà Pruđăng và nhờ chị đến nói với Macgơrit là tôi muốn gặp nàng. Nhưng tôi sợ để trả thù lại nàng sẽ trả lời là không tiếp tôi. Thế là, tôi trở về nhà, sau khi đi qua đường phố Antin.

Một lần nữa, tôi phải hỏi người gác cổng có thư cho tôi không.

Không có gì cả.


Lúc đi nằm, tôi tự nhủ rằng có lẽ nàng muốn xem tôi sẽ làm gì thêm nữa, hay tôi sẽ rút lại lá thư hôm nay. Nhưng không thấy tôi viết gì thêm cho nàng, ngày mai nàng sẽ viết thư cho tôi.

Đêm hôm ấy, tôi vô cùng hối hận về việc tôi đã làm. Tôi ở nhà một mình, không ngủ được, dằn vặt vì những lo lắng và hờn ghen. Nếu để sự việc tiến triển theo con đường bình thường, tự nhiên của nó, tôi đã có thể đến bên Macgơrit, nghe những lời êm ái mà tôi chỉ được nghe có hai lần, và giờ đây, trong cô đơn, chúng như làm cháy thân xác tôi.

Điều đáng sợ là trong lúc đó, tôi nhận ra tôi là kẻ có lỗi. Quả vậy, tất cả đều nói lên rằng Macgơrit yêu tôi. Trước tiên, cái dự định sẽ sống mùa hè chỉ với tôi tại thôn quê. Rồi đến một điều chắc chắn là không có gì phải bắt buộc nàng phải là tình nhân của tôi. Bởi vì tài sản của tôi không đủ cho những nhu cầu và ngay cả cho những chi phí bất thường của nàng. Vậy thì nàng chỉ có hy vọng tìm thấy nơi tôi một tình thương chân thành, có thể làm cho nàng được an ủi trong lúc nàng phải sống giữa tình yêu và tiền bạc. Thế mà chỉ đến ngày thứ hai, tôi đã phá vỡ hy vọng đó, tôi đã đền đáp lại bằng sự mỉa mai cay đắng cái tình yêu được chấp nhận trong hai đêm. Điều tôi làm không chỉ lố bịch mà còn bất nhã. Tôi trả tiền cho người đàn bà đó chưa, để được quyền chê trách cuộc sống của nàng? Rút lui từ sau ngày thứ hai, tôi có vẻ như một gã ăn bám tình yêu sợ người ta bắt trả tiền bữa ăn tối. Thế đấy! Tôi quen biết Macgơrit mới ba mươi sau giờ. Tôi là tình nhân của nàng mới hai mươi bốn giờ. Và tôi bắt đầu hờn dỗi ghen tuông. Đáng lẽ tôi phải cảm thấy qúa sung sướng khi được nàng san sẻ tình yêu cho tôi thì tôi lại muốn tất cả, và bắt nàng phải cắt đứt ngày tất cả những liên hệ trong quá khứ đồng thời cũng là nguồn lợi cho tương lai của nàng. Tôi có gì để trách cứ nàng? Không có gì cả. Nàng đã viết cho tôi là nàng bị ốm trong khi nàng có thể nói một cách trắng trợn, và sự thẳng thắn hì hợm của một số đàn bà, rằng nàng bận tiếp một tình nhân khác. Đáng lẽ phải tin ở thư nàng, đáng lẽ phải đi dạo trên tất cả đường phố Paris, trừ đường Antin, đáng lẽ phải đi dự dạ hội với những bạn hữu, và ngày mai đúng giờ đã hẹn, có mặt tại nhà nàng thì tôi lại bắt chước Ôtenlô. Tôi đi rình rập dò xét nàng. Tôi tin sẽ trừng phạt được nàng bằng cách không gặp nàng nữa. Nhưng nàng có thể sung sướng trước sự dứt khoát đó và có thể thấy tôi là đứa rất ngu ngốc. Sự im lặng của nàng, không phải là sự trả đũa, mà chính là sự khinh bỉ.

Đáng lẽ tôi phải đem lại cho Macgơrit một món qùa, để nàng không nghi ngờ gì về lòng độ lượng của tôi. Món quà này cho phép tôi xem nàng nhưng một cô gái giang hồ và có thể từ giã không nợ nần gì với nàng nữa. Nhưng tôi nghĩ, làm như thế tôi sẽ nhục mạ tình yêu, nếu không phải là tình yêu của nàng đối với tôi, thì ít ra nó cũng là tình yêu của tôi đối với nàng. Bởi vì, tình yêu đó rất trong sạch và không chấp nhận sự chia sẻ. Không thể trả giá bằng một món quà tặng dù quà tặng này có đáng giá gấp mấy đi nữa cái hạnh phúc mà người ta đã cho, dù cái hạnh phúc này ngắn ngủi mấy đi nữa.

Đó là những điêu tôi đã nghĩ suốt đêm. Mỗi giây mỗi phút trôi qua, tôi lại càng sẵn sàng để đến nói với Macgơrit điều ấy.

Trời đã sáng rồi. Tôi vẫn chưa ngủ. Tôi sốt. Tôi không thể nghĩ điều gì khác ngoài Macgơrit ra.

Như anh hiểu, phải đứng hẳn về một phía dứt khoát. Phải chấm dứt hoặc với người đàn bà này, hoặc với những băn khoăn của tôi, nếu nàng vẫn còn đồng ý tiếp tôi.

Nhưng người ta luôn luôn trì hoãn để chọn một thái độ dứt khoát. Không thể ở nhà được, cũng không dám đến Macgơrit. Tôi gắng tìm một phương cách để gặp nàng, phương cách mà lòng tự ái của tôi có thể cho rằng đó là sự ngẫu nhiên trong trường hợp thành công được.

Đã chín giờ, tôi chạy đến nhà Pruđăng. Bà ta hỏi tôi lý do về cuộc viếng thăm vào sáng sớm đó.

Tôi không dám trả lời một cách thẳng thắn lý do tôi đến. Tôi trả lời rằng tôi đã đi ra phố sớm để giữ một chỗ ngồi trên chuyến xe về C. . . nơi cha tôi hiện ở.

– Anh sung sướng thật – bà ta nói – khi rời xa Paris, trong một buổi đẹp trời như hôm nay.

Tôi nhìn Pruđăng, tự nhủ phải chăng bà ta đã chế nhạo tôi.

Nhưng vẻ mặt của Pruđăng rất nghiêm trang.

– Anh sẽ đến chào Macgơrit chứ? – Bà ta nói tiếp với giọng nghiêm trang.

– Không.

– Anh làm thế là đúng.

– Chị cho là đúng?

– Dĩ nhiên. Bởi vì anh đã đoạn giao với nàng thì gặp lại ích gì?

– Vậy chị đã biết sự đổ vỡ giữa chúng tôi?

– Cô ta đã cho tôi xem lá thư của anh.

– Cô ấy nói gì với chị?

– Cô ta nói với tôi: “Chị Pruđăng thân mến, người chị đỡ đầu không lịch sự. Người ta nghĩ những bức thư kiểu đó, nhưng không bao giờ người ta viết ra” .

– Cô ta nói với giọng thế nào?

– Vừa cười, cô ta vừa nói thêm: “Anh ta ăn tối hai lần tại nhà tôi, và anh ta không hề nghĩ đến việc thăm tôi để đáp lễ” .

Thế đó, hậu quả mà lá thư và sự ghen tuông của tôi đã mang lại. Tôi bị hạ nhục một cách tàn nhẫn, bởi sự kiêu ngạo trong tình yêu của mình.


– Chiều ngày qua, cô ta đã làm gì?

– Cô ta đi xem hát ở Ôpêra.

– Tôi biết điều đó. Và sau đó?

– Cô ta ăn tôi ở nhà.

– Chỉ một mình?

– Với bá tước G. . . tôi nghĩ vậy.

Như vậy sự đoạn giao của tôi không thay đổi gì cả trong nếp sống của Macgơrit.

Chính trong những trường hợp ấy, một số người có thể bảo bạn: “Không nên nghĩ đến người đàn bà đó nữa. Người ta không yêu anh đâu” .

Tôi gượng cười và nói với Pruđăng.

– Tôi rất bằng lòng khi được biết Macgơrit không buồn bã gì cả về chuyện tôi.

– Và nàng rất có lý. Anh đã làm điều anh phải làm. Anh đã có lý hơn cô ta. Bởi vì người con gái đó yêu anh. Cô ta chỉ nói chuyện về anh, và rất có thể sẽ phạm một điều điên rồ nào đó.

– Cô ta yêu tôi? Vậy thì sao cô ta không trả lời thư tôi?

– Bởi vì cô ta hiểu rằng cô ta sai lầm vì đã yêu anh. Hơn nữa, những người đàn bà, đôi khi cho phép người ta gạt gẫm tình yêu, nhưng không bao giờ cho phép người ta làm thương tổn lòng tự ái của họ. Và người ta sẽ làm tổn thương lòng tự ái của một người đàn bà, nếu sau hai ngày được làm tình nhân lại giã từ, dù với lý do nào được đưa ra để biện hộ cho sự đoạn giao đó. Tôi hiểu Macgơrit, cô ta có thể chết, còn hơn phải trả lời thư anh.

– Thế thì bây giờ tôi phải làm gì?

– Không cần làm gì cả. Cô ta sẽ quên anh. Anh sẽ quên cô ta. Các bạn sẽ không có gì để oán trách nhau cả.

– Nhưng nếu tôi viết thư để xin nàng tha lỗi cho?

– Anh hãy xem lại kỹ. Có thể cô ta sẽ tha lỗi cho anh.

Tôi gần như muốn nhảy lên ôm hôn Pruđăng.

Mười lăm phút sau, tôi đã về đến nhà và tôi viết thư cho Macgơrit.

“Có người hối hận vì một lá thư đã viết ngày qua. Ngày mai, người ấy sẽ bỏ đi, nếu cô không tha lỗi cho hắn. Và giờ đây, người ấy muốn được biết bao giờ người ấy có thể đến đặt sự hối lỗi dưới chân cô.

Khi nào người ấy có thể gặp cô, chỉ một mình cô thôi? Bởi vì cô biết, những lời thú tội cần được đưa ra không người chứng kiến” .

Tôi xếp bài văn xuôi ấy lại và bảo Jôdép mang đến trao cho Macgơrit. Macgơrit cho biết nàng sẽ trả lời thư ấy sau.

Tôi chỉ ra đi khỏi nhà một chút để ăn chiều. Mãi đến khoảng mười một giờ đêm, tôi vẫn chưa nhận được thư trả lời.

Thế là tôi quyết định không kéo dài sự đau khổ nữa và ngày hôm sau sẽ lên đường.

Biết chăng nếu đi nằm cũng không ngủ được, tôi bắt đầu sửa soạn hành lý.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.